Góp ý sửa đổi Điều 195 Dự thảo Luật hàng không dân dụng về lực lượng kiểm soát an ninh hàng không

01/10/2014

ĐỖ HOÀNG ANH

Học viện Hàng không Việt Nam, NCS Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, tình hình an ninh hàng không (ANHK) của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng có nhiều biến chuyển phức tạp, đặc biệt là sau hàng loạt vụ việc đã xảy ra như tháng 7/2009, một chiếc phản lực đâm xuống vùng tây bắc Iran làm tất cả 168 người trên máy bay bị chết; vụ đánh bom tại sân bay Domodedovo của Nga vào năm 2011; vụ chiếc Boeing 727 của Iran Air nổ tung khi cố hạ cánh khẩn cấp trong bão tuyết ở phía tây bắc nước này, làm ít nhất 77 người thiệt mạng vào tháng 1/2011; vụ chiếc Ilyushin 76 do Nga sản xuất rơi ở vùng đồi núi phía đông nam Iran, làm tất cả 302 người trên máy bay thiệt mạng (tháng 2/2013). Đặc biệt, trong năm 2014, năm đen tối của ngành hàng không khởi đầu bằng vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia mất tích vào ngày 08/03/2014; vụ tấn công sân bay Kabul của Afghanistan vào ngày 29/03/2014; vụ máy bay số hiệu MH17 thuộc loại Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ngày 17/7/2014 tại Ucraina, làm chết 298 người; vụ chuyến bay nội địa của hãng hàng không TransAsia Airways (Đài Loan) hôm 24/7/2014 bị rơi gần sân bay Magong trên đảo Bành Hồ, Đài Loan; vụ máy bay AH5017 của Hãng hàng khôngAlgeria (Air Algerie) chở theo 110 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn ngày 24/7/2014 đã rơi gần Tilemsi, cách Gao 70km về hướng Đông Bắc, trong lãnh thổ Mali;  vụ chiếc Antonov An-140 thuộc hãng Hàng không Sepahan Airlines, chở theo 40 hành khách, gồm 6 trẻ em và 8 thành viên phi hành đoànđã rơi gần sân bay Mehrabad ở thủ đô Tehran ngày 10/8/2014, v.v.. Nguyên nhân gây ra các vụ việc trên có nhiều, nhưng điều đầu tiên cả thế giới quan tâm là vấn đề ANHK và sự lo ngại này đã khiến cho công tác đảm bảo ANHK ngày càng trở nên quan trọng đối với hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng (HKDD) quốc tế và Việt Nam.
Đảm bảo ANHK là sự kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang thiết bị, trong đó nhân tố con người là quan trọng nhất, để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của ngành hàng không. Luật HKDD Việt Nam năm 2006 đã dành riêng Điều 195 để quy định về nhân viên ANHK - nhân tố quyết định đến ANHK. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật HKDD Việt Nam[1] (Dự thảo Luật) không chỉ đổi tên “nhân viên ANHK” thành “lực lượng kiểm soát ANHK” mà còn bổ sung thêm một số nội dung vào Điều 195 để nhằm đảm bảo tính thống nhất về lực lượng kiểm soát ANHK.
Untitled_306.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
 
1. Những hạn chế trong Điều 195 Dự thảo Luật
Điều 195 trong Dự thảo Luật đã “được viết lại theo cách tiếp cận mang tính hệ thống, nhất quán theo hướng đảm bảo an ninh là một hệ thống thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp”[2] để nhằm đưa vào luật các quy định mang tính thống nhất về lực lượng kiểm soát ANHK. Tuy nhiên, quy định tại Điều 195 trong Dự thảo Luật còn có các vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, Điều 195 Dự thảo Luật chưa thể hiện được tính hệ thống, nhất quán giữa các điều khoản dẫn đến việc thừa hoặc không phù hợp về quy định. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 195 Dự thảo luật chỉ mới nêu lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng được Bộ Giao thông vận tải tổ chức, chứ chưa xác định được “lực lượng này thuộc cơ quan nhà nước hay là thuần túy của doanh nghiệp”[3]. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 195 của Dự thảo Luật, bởi nếu là lực lượng thuộc cơ quan nhà nước thì việc quy định hoạt động của lực lượng kiểm soát ANHK khi thực hiện nhiệm vụ là hoạt động công vụ hay quy định về hưởng chế độ, chính sách thương binh liệt sỹ khi bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ lại trở nên thừa, vì đây là chuyện đương nhiên. Ngược lại, nếu lực lượng kiểm soát ANHK thuộc doanh nghiệp thì quy định hoạt động của lực lượng kiểm soát ANHK khi thực hiện nhiệm vụ là hoạt động công vụ tại Khoản 3 Điều 195 Dự thảo Luật lại trở thành không phù hợp và không có căn cứ[4].
Thứ hai, Điều 195 Dự thảo Luật chưa xác định được vị trí, vai trò và chức năng của lực lượng kiểm soát ANHK. Nhiệm vụ của nhân viên ANHK không chỉ đơn thuần là bảo vệ nội bộ doanh nghiệp, hay bảo vệ cơ quan, xí nghiệp mà bản chất của nó là đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; khách thể bảo vệ của hoạt động này là an toàn tính mạng, tài sản, sức khỏe của không chỉ những người tham gia hoạt động hàng không mà còn những người trên mặt đất nằm trong luồng vận chuyển hàng không. Bên cạnh đó, đối tượng uy hiếp đến ANHK không chỉ có hành khách gây rối, tội phạm thông thường mà còn có các đối tượng khủng bố và không tặc. Vì tính chất, mức độ, đối tượng uy hiếp, khách thể bảo vệ đã cho thấy hoạt động đảm bảo ANHK chính là hoạt động công vụ. Điều này cũng đã được thể hiện trong giải trình tại Công văn số 1723/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải[5]. Đồng thời, theo Điều 2 Luật Cán bộ, Công chức 2008[6] và khái niệm “Công vụ” trong Chuyên đề 5, Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp khối Đảng, đoàn thể năm 2013 thì “hoạt động công vụ” được hiểu là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, phục vụ lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội. Chính vì thế, cần phải xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng kiểm soát ANHK trong bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về HKDD nhằm đảm bảo phù hợp với tính chất nhiệm vụ của lực lượng này.
Thứ ba, Điều 195 Dự thảo Luật chưa xác định được cơ cấu tổ chức thống nhất của lực lượng kiểm soát ANHK. Căn cứ vào Điều 35 Nghị định 81/2010/NĐ-CP[7], căn cứ theo giải trình trong Công văn số 1723/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải và theo thực tế đang triển khai hiện nay thì cơ cấu tổ chức của lực lượng kiểm soát ANHK được chia thành hai cấp, bao gồm: cấp quản lý nhà nước và cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát ANHK. Trong đó, lực lượng trực tiếp tiến hành nhiệm vụ kiểm soát ANHK trực thuộc cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, các hãng hàng không Việt Nam nhưng lại chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước[8]. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực hàng không, bởi:
 Một là, vị thế của nhân viên kiểm soát ANHK trong khi thi hành nhiệm vụ bị giảm sút. Việc giao cho nhân viên của doanh nghiệp trực tiếp tiến hành nhiệm vụ kiểm soát ANHK là không phù hợp quy định của pháp luật, bởi không có cơ sở cho phép lực lượng của doanh nghiệp thực hiện hoạt động công vụ. Chính điều này dẫn đến hệ quả là vị thế của nhân viên kiểm soát ANHK trong khi thi hành nhiệm vụ bị giảm sút. Nghị định 81/2010/NĐ-CP[9], Nghị định 147/2013/NĐ-CP[10] và Thông tư 30/2012/TT-BGTVT[11] đưa ra chế tài xử lý hành vi vi phạm về ANHK và trao thẩm quyền cho lực lượng kiểm soát ANHK thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong lĩnh vực HKDD trong phạm vi trách nhiệm được phân công. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra không ít vụ tấn công nhân viên ANHK đang làm nhiệm vụ là do bị coi thường, điển hình là vụ Đỗ Hoài Phương Minh “múa kiếm” tại sân bay Đà Nẵng vào 11/08/2007, hay vụ tấn công hành hung làm bị thương 05 nhân viên ANHK tại sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 07/01/2010; hay gần đây nhất, vụ việc xảy ra tại Nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất vào ngày 1/02/2014, một hành khách gây rối tại quầy làm thủ tục check-in và tấn công hai nhân viên ANHK đến để duy trì trật tự. Điều này được lý giải là bởi nhân viên ANHK chỉ là nhân viên bảo vệ của doanh nghiệp, cho dù có được trao quyền năng trong tay thì vai trò chưa tương xứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đã khiến cho vị thế của nhân viên ANHK bị suy giảm khi thi hành nhiệm vụ.
 Hai là, khó khăn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, hoạt động kiểm soát ANHK của doanh nghiệp cảng hàng không là hoạt động dịch vụ và khoản tiền thu được từ cung cấp dịch vụ an ninh được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp. Chính vì thế, việc quy định lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát ANHK chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước thì vô hình chung lại cho phép cơ quan quản lý nhà nước được can thiệp vào hoạt động kinh doanh và hoạt động nội bộ của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp Cảng hàng không Việt Nam đang từng bước thực hiện quá trình cổ phần hóa, việc để lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát ANHK nằm trong cơ cấu tổ chức công ty cổ phần sẽ trở nên không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh an toàn hàng không.
Như vậy, cần phải xác định được cơ cấu tổ chức thống nhất của lực lượng kiểm soát ANHK, đồng thời trong Dự thảo luật cần luật hóa các nội dung quy định về cơ cấu tổ chức của lực lượng kiểm soát ANHK để đảm bảo tính chặt chẽ, tập trung, thống nhất và chỉ đạo xuyên suốt trong tổ chức nhằm phát huy hiệu quả công tác đảm bảo ANHK.
Thứ tư, Điều 195 Dự thảo Luật chưa xác định được nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát ANHK. Đây là vấn đề quan trọng, bởi xác định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm soát ANHK sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất cho nhân viên an ninh thực thi vai trò, chức năng của mình trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực HKDD.
Thứ năm, Điều 195 Dự thảo Luật chưa xác định được trách nhiệm cụ thể trong việc tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát ANHK. Khoản 5 Điều 196 Dự thảo luật quy định Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức, huấn luyện, đào tạo, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát ANHK. Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 196 Dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải ban hành chương trình khung đào tạo, huấn luyện ANHK dân dụng Việt Nam. Việc quy định như vậy trong các điều khoản này cũng chỉ xác định được trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an trong việc tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chứ chưa xác định được người chủ trì trong hoạt động này.  
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg[12] có quy định kiểm soát ANHK nằm trong nhóm nghề An ninh, Quốc phòng với ba cấp độ đào tạo với mã nghề: 2286-Sơ cấp nghề An ninh, Quốc phòng; 4086-Trung cấp nghề An ninh, Quốc phòng; 5086-Cao đẳng nghề An ninh, Quốc phòng. Điều này cho thấy, lực lượng kiểm soát ANHK cần phải được trang bị kiến thức về pháp luật, kiến thức địch tình, kiến thức về quốc phòng, về đảm bảo an ninh quốc gia và đảm bảo an toàn trật tự xã hội, kiến thức nghiệp vụ ANHK, kiến thức cơ bản của hàng không. Đồng thời, cần phải xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp và trình độ phù hợp cho từng vị trí công việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc phân định tiêu chuẩn nghề nghiệp, tính chất công việc và trình độ tương ứng vẫn chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến sự đánh đồng lực lượng kiểm soát an ninh ở tất cả các vị trí chỉ là chức danh nhân viên, do đó chỉ cần đào tạo nghiệp vụ ba tháng, theo như Thông tư 25/2009/TT-BGTVT[13] cho đối tượng học sinh tốt nghiệp phổ thông là có thể đảm nhiệm được vị trí công việc. Đây là tư duy chủ quan, duy ý chí, bởi điều này chỉ đúng đối với những vị trí công việc đơn giản, ít giao tiếp với con người như: tuần tra, canh gác bảo vệ vành đai sân bay; canh gác đường cất, hạ cánh… Riêng đối với các vị trí tiếp xúc thường xuyên với hành khách, nhân viên hàng không, khách hàng thì đòi hỏi phải không chỉ trình độ, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải được rèn luyện về kỷ luật, tác phong cho phù hợp với nhóm ngành An ninh, Quốc phòng. Chính vì thế, đã không ít vụ việc xảy ra do nhân viên ANHK thiếu kiến thức pháp luật, thiếu kiến thức địch tình, thiếu rèn luyện tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức kỷ luật gây ra, chẳng hạn như: vụ nhân viên an ninh sân bay Nội Bài đánh tài xế taxi Mai Linh dập lá lách vào ngày 03/11/2008; vụ để lọt 600 bánh ma túy qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 17/11/2014; vụ nhận lót tay để giải quyết cho hành khách không có giấy tờ tùy thân lên tàu bay của Vietjet Air số hiệu VJ 8630 hành trình đi từ TP. Hồ Chí Minh đi Vinh vào ngày 25/01/2014... Do đó, để lực lượng kiểm soát ANHK trở nên tinh nhuệ, chính quy, bản lĩnh, trình độ vững vàng trong công việc thì cần phải chú tâm vào công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng này.
Lấy điển hình cùng nhóm nghề An ninh, Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thông qua hệ thống tiêu chuẩn chức danh công việc và hệ thống cơ sở đào tạo của mình đã thực hiện được vai trò chủ trì trong vấn đề tổ chức đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, chẳng hạn: với việc bảo vệ mục tiêu và canh gác thì thông qua hệ thống trường huấn luyện, trung tâm huấn luyện sẽ huấn luyện tân binh với thời gian là 03 tháng để đảm nhận nhiệm vụ; với vị trí tiếp xúc người dân hoặc vị trí chuyên môn nghiệp vụ đòi hỏi trình độ cao hơn thì sẽ qua hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, đại học để đào tạo và rèn luyện; ngoài ra đối với các trường hợp tuyển người ngoài ngành vào công tác trong hai ngành này đều có tiêu chí tốt nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên và phải trải qua quá trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ từ các cơ sở đào tạo của ngành.
Chính vì thế, để xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp, trình độ phù hợp cho từng vị trí công việc, chương trình khung đào tạo và khối lượng kiến thức phù hợp với bậc đào tạo thì cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đào tạo, huấn luyện nhân viên kiểm soát ANHK, trong đó, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ khác có liên quan trong việc tổ chức đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm soát ANHK để đảm bảo tính phù hợp và thống nhất về trách nhiệm của Bộ chủ quản trong hoạt động HKDD, đảm bảo được tiêu chuẩn và chức danh của lực lượng kiểm soát ANHK, đảm bảo được chất lượng đội ngũ làm công tác kiểm soát ANHK.
Như vậy, năm vấn đề nêu trên là những điểm hạn chế và còn thiếu trong quy định về lực lượng kiểm soát ANHK tại Điều 195 Dự thảo Luật, do đó, cần phải khắc phục được những hạn chế này để nâng cao hiệu quả của lực lượng kiểm soát ANHK trong đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động HKDD.
2. Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 195 Dự thảo Luật
Từ những hạn chế tại Điều 195 Dự thảo Luật đã nêu ở phần 1, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 195 Dự thảo luật tập trung vào các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về HKDD - Nhà chức trách hàng không. Bản chất hoạt động thi hành nhiệm vụ của lực lượng kiểm soát ANHK là hoạt động công vụ như đã phân tích ở trên và đây là lực lượng trực tiếp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động HKDD, do đó xác định vai trò, chức năng của lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng chuyên trách của Nhà nước là điều hợp lý. Vị trí của lực lượng kiểm soát ANHK trực thuộc Nhà chức trách HKDD là phù hợp với quy định tại Khoản 2a Điều 9 Dự thảo luật.
Thực tế hiện nay ở Việt Nam, việc thiết lập lực lượng dân chính làm nhiệm vụ mang tính chất công vụ nằm trong cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành không phải là hiếm, ví dụ: lực lượng kiểm lâm trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; lực lượng kiểm ngư trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Hay như đề án thành lập Cảnh sát du lịch, lực lượng bán chính quy, trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý. Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm của Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 là xuất phát từ tầm quan trọng của công tác đảm bảo ANHK, tính nguy hiểm của đối tượng uy hiếp đến ANHK và yêu cầu thống nhất trong chỉ đạo và điều hành lực lượng an ninh hành không, Chính phủ Mỹ đã đưa lực lượng kiểm soát ANHK trở thành lực lượng trực thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ An ninh nội địa và chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Bộ An ninh nội địa Mỹ.
Chính vì thế, xác định vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về HKDD - Nhà chức trách hàng không là phù hợp và sẽ giải quyết được vấn đề hoạt động công vụ, tiêu chuẩn chức danh, cũng như giải quyết chế độ chính sách thương binh, liệt sỹ cho nhân viên kiểm soát ANHK bị thương hoặc hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, luật hóa nội dung quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm soát an ninh tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định 81/2010/NĐ-CP về ANHK thành một điều khoản trong Điều 195 Dự thảo Luật. Nghị định 81/2010/NĐ-CP về ANHK đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát ANHK tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định, tuy nhiên để tương xứng với vai trò, chức năng của lực lượng kiểm soát an ninh và đảm bảo cho lực lượng này đủ năng lực ứng phó với tình hình ANHK trong giai đoạn hiện nay thì cần chuyển hóa các nội dung về nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng kiểm soát ANHK vào Điều 195 Dự thảo luật.
Thứ ba, bổ sung quy định về tổ chức, trang bị, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm soát an ninh vào thành một điều khoản của Điều 195 Dự thảo Luật. Để đảm bảo tính thống nhất trong sự chỉ đạo xuyên suốt của Nhà chức trách hàng không thì cần phải quy định về cơ cấu tổ chức, nhận diện lực lượng, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, chế độ chính sách. Muốn vậy, cần luật hóa quy định tại Khoản 1 Điều 35 về cơ cấu tổ chức lực lượng ANHK dân dụng, Khoản 1 Điều 41 về trang bị cho lực lượng ANHK, Khoản 3 Điều 36 về chế độ chính sách trong Nghị định 81/2010/NĐ-CP thành một điều khoản trong Điều 195 Dự thảo luật. Tuy nhiên, trong đó cũng có sự điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất với các quy định trong Dự thảo Luật, cụ thể:
Một là, cơ cấu tổ chức của lực lượng kiểm soát ANHK được chia thành hai cấp: Cấp trung ương và cấp cơ sở, trong đó: cấp trung ương bao gồm các cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát ANHK dân dụng trực thuộc Nhà chức trách hàng không; cấp cơ sở bao gồm cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát ANHK dân dụng, nhân viên kiểm soát ANHK dân dụng làm nhiệm vụ trực tiếp tại các cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, các hãng hàng không Việt Nam.
Hai là, quy định lực lượng kiểm soát ANHK dân dụng được tổ chức theo hệ thống thống nhất, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Nhà chức trách hàng không Việt Nam.
Ba là, Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, hệ thống tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế phối hợp giữa kiểm soát ANHK các cấp với các tổ chức có liên quan ở địa phương; Tiêu chuẩn, chức danh của lực lượng kiểm soát ANHK; Trang bị đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, giấy chứng nhận kiểm soát ANHK; trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng cho kiểm soát ANHK; Lương, phụ cấp ưu đãi nghề, chế độ thương binh, liệt sĩ và các chế độ đãi ngộ khác.
Giải quyết tốt những điều này trong Luật sẽ đảm bảo được tính hiệu quả, đảm bảo được sự an tâm về tư tưởng cũng như nâng cao được uy thế, vai trò của nhân viên kiểm soát ANHK trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Thứ tư, xác định trách nhiệm cụ thể của Bộ Giao thông vận tải là người chủ trì và phối hợp với các Bộ khác có liên quan trong việc tổ chức đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm soát ANHK để đảm bảo tính phù hợp và thống nhất về trách nhiệm của Bộ chủ quản trong hoạt động HKDD, đảm bảo được tiêu chuẩn và chức danh của lực lượng kiểm soát ANHK, đảm bảo được chất lượng đội ngũ làm công tác kiểm soát ANHK.
Chính vì thế, từ các nội dung kiến nghị, Điều 195 nên được sửa đổi bổ sung như sau:
“Điều 195. Lực lượng kiểm soát ANHK.
1. Lực lượng kiểm soát ANHK là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trực thuộc Nhà chức trách hàng không, được tổ chức để thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải.
2. Địa bàn hoạt động của lực lượng kiểm soát ANHK bao gồm: cảng hàng không, sân bay; cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; cơ sở xử lý hàng hóa, thư, bưu gửi để đưa lên tàu bay.
3. Lực lượng kiểm soát ANHK dân dụng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham mưu, kiểm tra, giám sát ANHK dân dụng;
b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK dân dụng;
c) Tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động HKDD, các hành vi gây rối và vi phạm pháp luật khác.
4. Lực lượng kiểm soát ANHK dân dụng bao gồm hai cấp:
a) Cấp trung ương: Cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát ANHK dân dụng thuộc Nhà chức trách hàng không Việt Nam;
b) Cấp cơ sở: Cán bộ tham mưu, kiểm tra, giám sát ANHK dân dụng và nhân viên kiểm soát ANHK dân dụng làm nhiệm vụ trực tiếp tại các cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, các hãng hàng không Việt Nam.
Lực lượng kiểm soát ANHK dân dụng được tổ chức theo hệ thống thống nhất, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Nhà chức trách hàng không Việt Nam. Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, hệ thống tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế phối hợp giữa kiểm soát ANHK các cấp với các tổ chức có liên quan ở địa phương; Tiêu chuẩn, chức danh của lực lượng kiểm soát ANHK; Trang bị đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, giấy chứng nhận kiểm soát ANHK; trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng cho kiểm soát ANHK; Lương, phụ cấp ưu đãi nghề, chế độ thương binh, liệt sĩ và các chế độ đãi ngộ khác.
5. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động, thương binh và xã hội xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn của lực lượng kiểm soát ANHK.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức đào tạo, huấn luyện và phối hợp với Bộ Công an để tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm soát ANHK”./.

 


[1] Bản Dự thảo dự kiến tiếp thu ý kiến của ĐBQH được kèm theo Báo cáo Một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HKDDVN. Báo cáo số 2542/BC-UBPL13 ngày 14/07/2014 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
 
[2] Đoạn lý do, Mục 2.28, Tờ trình Quốc hội số 27/TTr-CP của Chính phủ
[3]Dòng 2 Đoạn 2, Trang 9, Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 2276/BC-UBPL13 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
[4]Ủy ban Pháp luật trong Báo cáo số 2276/BC-UBPL13 đã chỉ rõ: “Nếu lực lượng này là của doanh nghiệp thì không có cơ sở để xác định hoạt động của lực lượng này là hoạt động công vụ”.
[5]Khoản 3 Điều 195 Dự thảo Luật HKDD và Dòng cuối, Đoạn 1, Mục 9 Công văn số 1723/BGTVT-PC, Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào tính chất của nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong lĩnh vực hàng không đề nghị xác định hoạt động của lực lượng kiểm soát ANHK là hoạt động công vụ
[6]Luật số 22/2008/QH12: Luật Cán bộ, Công chức.
[7]Nghị định số 81/2010/NĐ-CP về ANHK.
[8]Khoản 2 Điều 35 Nghị định 81/2010/NĐ-CP quy định: “Lực lượng ANHK dân dụng được tổ chức thống nhất, chịu sự chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam; chịu sự quản lý trực tiếp tương ứng của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, hãng hàng không Việt Nam”.
[9]Nghị định số 81/2010/NĐ-CP về ANHK dân dụng.
[10] Nghị định 60/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không.
[11] Thông tư 30/2012/TT-BGTVT Quy định chi tiết Chương trình ANHK dân dụng Việt Nam và kiểm soát chất lượng ANHK dân dụng.
[12] Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg[12], có hiệu lực ngày 01/5/2009, Về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20(276), tháng 10/2014)