Bảo đảm sự công bằng giữa các cổ đông trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

01/10/2014

TS. NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Luật Doanh nghiệp 2005 đã không ngăn chặn được tình trạng lạm quyền của cổ đông chi phối trong quyết định các vấn đề kinh doanh, sử dụng vốn và tài sản, phân chia lợi nhuận…, làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông thiểu số[1]. Ngoài ra, tình trạng trống rỗng vốn do sở hữu chéo giữa các công ty đang đe dọa sự ổn định và an toàn của các doanh nghiệp, trong đó có các công ty cổ phần (CTCP). Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) ghi nhận nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông[2]. Mặc dù nguyên tắc này chưa được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, nhưng là một kinh nghiệm tốt cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005. Từ việc phân tích biểu hiện của nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, thực trạng pháp luật về sở hữu và thực hiện quyền sở hữu cổ phần, bài viết đưa ra các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005[3].
Untitled_307.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông
Trong Các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) 2004 “OECD Principles of Corporate Governance 2004”, nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông là Nguyên tắc thứ Ba. Nội dung của nguyên tắc là tất cả cổ đông sở hữu cùng loại cổ phần được đối xử công bằng; giao dịch nội gián và giao dịch tư lợi bị cấm; thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), người điều hành phải công khai với HĐQT các giao dịch trực tiếp, gián tiếp thay mặt bên thứ ba, các lợi ích trong giao dịch hay những vấn đề ảnh hưởng đến công ty[1].
Ở Nhật Bản, nguyên tắc bình đẳng giữa các cổ đông được ghi nhận trong Luật Công ty. Cụ thể, CTCP phải đối xử bình đẳng với cổ đông theo nội dung cổ phần và số cổ phần mà họ sở hữu (Khoản 2 Điều 109 Luật Công ty). Ở Anh, Luật Công ty sửa đổi năm 2006 quy định thành lập và hoạt động của công ty đại chúng đã ghi nhận tinh thần của các nguyên tắc này. Ngoài ra, biểu hiện của nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Chỉ thị về mua thâu tóm 2004/25/CE[2] của Cộng đồng châu Âu.  
Từ thực tiễn xét xử, có người cho rằng, kết quả xét xử một số vụ án khẳng định: thực hiện nghĩa vụ trung thực là đối xử công bằng đối với cổ đông[3]. Còn Tòa án Công bằng thuộc Cộng đồng châu Âu đã ra phán quyết ghi nhận sự tồn tại của nguyên tắc đối xử công bằng với cổ đông thiểu số khi có sự thay đổi quyền chi phối[4].
Như vậy, cả dưới góc độ lập pháp và thực tiễn xét xử, nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông là nguyên tắc cơ bản định hướng điều chỉnh pháp luật về CTCP.  
Ở nước ta, Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Khi nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân mua cổ phần, trở thành cổ đông của CTCP, cổ đông cũng có quyền bình đẳng trước pháp luật, được đối xử công bằng. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, cổ đông phổ thông có quyền hưởng cổ tức, quyền biểu quyết và khi công ty chấm dứt hoạt động thì được phân chia tài sản còn lại. Quyền bình đẳng trước pháp luật của cổ đông và quyền được đối xử công bằng giữa các cổ đông gắn với quá trình góp vốn thành lập, quá trình hoạt động của CTCP và cụ thể là trong ra quyết định và triển khai thực hiện các quyết định kinh doanh, huy động vốn, sử dụng vốn và phân chia lợi nhuận của cơ quan quản trị nội bộ.
Nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông còn được ghi nhận trong Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán và bảo vệ trật tự trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa quyền của cổ đông và bảo vệ quyền của cổ đông trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, cổ đông có thể sở hữu các loại cổ phần khác nhau như cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi biểu quyết. Theo đó, khi CTCP phát hành cổ phần ưu đãi thì thực chất đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các cổ đông, nên việc phát hành các loại cổ phần này phải được ghi nhận trong Điều lệ công ty.
Về nguyên tắc, CTCP đại chúng phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc “cổ phần được tự do chuyển nhượng”. Việc công ty này phát hành cổ phần phổ thông có nghĩa là bảo đảm cổ đông có quyền ngang nhau trong nhận cổ tức, quyền biểu quyết và nhận tài sản còn lại theo số cổ phần sở hữu. Khi CTCP cùng một lúc phát hành nhiều loại cổ phần, cần phải xem xét vấn đề bảo đảm công bằng không chỉ đối với cổ đông sở hữu cùng một loại cổ phần mà còn phải xem xét vấn đề bảo đảm công bằng giữa các cổ đông sở hữu các cổ phần khác nhau trong quan hệ với công ty. Có nghĩa là, căn cứ vào tính đóng, mở (công khai) của CTCP mà xem xét điều chỉnh pháp luật phù hợp như cho phép, hạn chế sở hữu cổ phần ưu đãi để bảo đảm công bằng giữa các cổ đông.
Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2005 cũng nên theo xu hướng của các nước nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số với các quy định về hạn chế quyền của cổ đông chi phối, bảo đảm bình đẳng trong thực hiện quyền sở hữu cổ phần phổ thông, hạn chế lạm dụng quan hệ sở hữu chéo vốn, kiểm soát quyền lực của cơ quan quản lý, điều hành…
2. Bất cập từ nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông theo Luật Doanh nghiệp và kiến nghị
2.1. Xác định nghĩa vụ của cổ đông sáng lập của CTCP trong ba năm đầu mới thành lập
Thông thường, có hai phương thức thành lập CTCP: một là, thành lập bằng vốn góp của cổ đông sáng lập; hai là, thành lập theo phương thức góp vốn một phần của cổ đông sáng lập và huy động vốn từ bên ngoài. Trong cả hai phương thức trên, cổ đông sáng lập đều có nghĩa vụ giống nhau trong quá trình thành lập công ty. Cụ thể là nghĩa vụ bồi thường khi định giá tài sản góp vốn gây thiệt hại cho công ty, bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đối với công ty, bồi thường thiệt hại đối với bên thứ ba và chịu các chi phí khi công ty không được thành lập.
Dự thảo đã bổ sung quy định “các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập mua thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty” (Khoản 4 Điều 123 Dự thảo). Quy định này cho phép cổ đông sáng lập có thể bán cổ phần ngoài phạm vi vốn bắt buộc phải góp sau thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thông thường, CTCP có thể chào bán cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc thực hiện chào bán ra công chúng theo Luật Chứng khoán để có đủ số vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần dự định phát hành. Đối với trường hợp chào bán ra công chúng, CTCP phải tuân thủ các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mua cổ phần. Tuy nhiên, đối với trường hợp chào bán theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì với các quy định hiện hành là chưa đủ cơ sở pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mua cổ phần của công ty. Sự lỏng lẻo trong quy định về vốn của CTCP trong thời gian đầu thành lập khiến cho không phải lúc nào tình trạng tài chính của CTCP cũng được minh bạch. Trong khi Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp quy định tại Điều 14 về công khai thông tin doanh nghiệp và Điều 175 về công khai thông tin CTCP chưa đề cập đến nội dung thông tin công bố gắn với bảo đảm quyền tự bảo vệ của cổ đông ngoài cổ đông sáng lập.
Để bảo vệ nhà đầu tư và cổ đông phổ thông khi đầu tư và sở hữu cổ phần của CTCP trong ba năm mới thành lập, Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần bổ sung quy định về nội dung thông tin công bố, trong đó có thông tin về tình trạng góp vốn của cổ đông sáng lập và tình trạng sở hữu trong quá trình CTCP hoạt động. Đây cũng chính là cơ sở để quy định về nghĩa vụ công bố thông tin đối với CTCP chào bán cổ phiếu ra công chúng[5]. Hơn thế nữa, trong bối cảnh góp vốn “ảo” ở nhiều CTCP thông qua sở hữu chéo và thành lập công ty nhằm mục đích trốn thuế thì nghĩa vụ công khai thông tin về góp vốn giúp cho nhà đầu tư nói chung và cổ đông phổ thông có thể hạn chế được những thiệt hại từ hành vi vi phạm do cổ đông sáng lập đồng thời là người quản lý, điều hành gây ra và kip thời có biện pháp thiết thực để bảo vệ quyền lợi của mình[6].
2.2. Nội dung quyền của cổ phần ưu đãi biểu quyết
Hạn chế sự lạm dụng quyền chi phối của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng là một yêu cầu bắt buộc bảo đảm thực hiện nguyên tắc bảo đảm công bằng giữa các cổ đông. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng như Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp đều ghi nhận chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (Điều 78 Khoản 3 Luật Doanh nghiệp năm 2005- Khoản 3 Điều 117 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp).
Theo quy định trên, có thể hiểu đối với các CTCP thì các cổ đông sáng lập có quyền duy trì loại cổ phần ưu đãi biểu quyết trong ba năm, sau đó phải chuyển đổi cổ phần ưu đãi biểu quyết thành cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với công ty thành lập theo phương thức góp vốn một phần của cổ đông sáng lập và huy động vốn từ bên ngoài, nếu quyền ưu đãi biểu quyết tập trung vào một số cổ đông sáng lập thì thực chất việc thực hiện quyền ưu đãi biểu quyết sẽ làm vô hiệu hóa quyền biểu quyết của cổ đông phổ thông nói chung và đặc biệt là cổ đông có vốn góp chi phối ngoài cổ đông sáng lập. Để bảo đảm quyền của cổ đông phổ thông trong các CTCP có phát hành cổ phần ưu đãi biểu quyết, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần quy định điều kiện và phạm vi thực hiện quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông phổ thông trong ba năm đầu thành lập. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cần bỏ quy định định nghĩa về công ty mẹ - công ty con với tiêu chí công ty mẹ là công ty có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó (Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp- Khoản 17 Điều 4 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp). Theo tiêu chí này thì không cần sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó cũng là công ty mẹ. Trong điều kiện xây dựng CTCP có quy mô lớn và hướng tới đại chúng để huy động vốn thì sự ghi nhận quy định này là một rào cản trong bảo đảm thực hiện nguyên tắc bảo đảm công bằng giữa các cổ đông.
2.3. Mệnh giá cổ phần
Mệnh giá cổ phần là giá trị cổ phần được xác định tại thời điểm công ty đăng ký phát hành khi mới thành lập. Mệnh giá là căn cứ để xác định tổng số vốn điều lệ dự định góp và tổng số vốn điều lệ thực góp khi cổ đông trả đủ tiền cổ phần theo mệnh giá. Như vậy, mệnh giá là cơ sở để xác định vốn điều lệ cũng đồng thời làm cơ sở xác định giá chuyển nhượng cổ phần.
Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định “Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất” (Khoản 1 Điều 87). Còn Điều 129 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp quy định với nội dung tương tự: giá bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của CTCP tại thời điểm gần nhất và có loại trừ một số trường hợp không áp dụng[7]. Ngoài ra, Khoản 4 Điều 116 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp quy định: cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... và thành viên HĐQT, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng thời hạn quy định và thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn mười ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Như vậy, với các quy định trên đây, giá trị mệnh giá cổ phần cụ thể không được quy định, quy định cấm phát hành dưới mệnh giá không được ghi nhận mà chỉ gián tiếp ghi nhận thông qua quy định về trách nhiệm của người cam kết thanh toán tiền cổ phần.
Đối với CTCP mới thành lập, việc bán cổ phần dưới mệnh giá khiến công ty bị thiệt hại. Cụ thể là vốn điều lệ thực có không tương đương với tổng mệnh giá cổ phần theo vốn điều lệ. Do vậy quy định mệnh giá có nghĩa buộc các công ty mới thành lập phải phát hành theo mệnh giá, bởi lẽ lúc này, giá trị tài sản, thương hiệu của công ty chưa được định giá. Quy định cấm phát hành cổ phần dưới mệnh giá khi công ty thành lập đã được quy định ở một số nước như Hoa Kỳ, Anh. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, Điều 147 Mục 15 Bộ luật của Hoa Kỳ (United States Code) quy định, cổ phần ban đầu của CTCP được phát hành không được thấp hơn mệnh giá. Không có cổ phần nào được phát hành đến khi khoản tiền theo mệnh giá được trả cho công ty, người cầm cổ phần có trách nhiệm theo kiện của chủ nợ vì khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá mua cổ phần dưới mệnh giá[8]. Còn ở Anh, Luật Công ty sửa đổi năm 2006 cũng quy định, Điều lệ ghi nhận tổng số mệnh giá cổ phần phát hành, từng loại cổ phần, tiền cổ phần đã thu và tiền cổ phần chưa thu (Khoản 2 Điều 10) và Công ty không được phân phối cổ phần có chiết khấu. Khi có vi phạm, người nhận cổ phần có trách nhiệm trả lại công ty khoản tương đương với giá trị chiết khấu (Điều 580)[9].
Còn đối với CTCP đang hoạt động, tùy theo quyết định của HĐQT, cổ phần có thể phát hành bằng mệnh giá cho cổ đông, nhà đầu tư chiến lược hoặc giá thỏa thuận giữa CTCP và bên mua, trong trường hợp phát hành dưới mệnh giá thì việc phát hành này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu khi họ không có cơ hội mua cổ phần giá thấp trong khi giá thị trường của cổ phiếu cao hơn hoặc làm cổ phiếu họ đang nắm giữ bị giảm giá theo giá phát hành dưới mệnh giá.
Đối với công ty chào bán cổ phần ra công chúng, thông thường, cổ phần được bán theo giá thị trường. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, giá chào bán đối với trường hợp chào bán ra công chúng theo giá kết hợp điều kiện thị trường, phân tích và đàm phán, lợi ích cạnh tranh ảnh hưởng đến quyết định giá chào bán[10]. Còn Nhật Bản thì ghi nhận vào vốn điều lệ và qũy theo giá bán cổ phần thực tế trong bối cảnh bỏ quy định về mệnh giá cổ phần[11]. Ở nước ta, Luật Chứng khoán hiện hành quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán ra công chúng là 10.000 đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện phương thức bán đấu giá thì thông thường giá đấu thành công thường cao hơn mệnh giá. Và kết quả giá bán thông qua đấu giá phản ánh việc thị trường định giá tài sản và khả năng sinh lời của công ty. Trong trường hợp này, việc quy định mệnh giá không có ý nghĩa quyết định đến giá bán. Thời gian qua, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận một số trường hợp công ty niêm yết phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá nếu hiểu đúng thì việc chấp thuận này không vi phạm Luật Doanh nghiệp, nhưng cũng không thực sự phù hợp với Luật Chứng khoán và hơn thế nữa, về bản chất, sự chấp thuận này có thể là sự công nhận bất lợi cho cổ đông hiện hữu khi cổ phiếu này bán dưới mệnh giá[12]. Cụ thể là một số CTCP niêm yết có khoản thặng dư vốn đủ bù đắp được phần chênh lệch giữa mệnh giá và giá cổ phần phát hành, Ủy ban Chứng khoán vẫn xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp được phát hành dưới mệnh giá[13]. Điều này có nghĩa là CTCP có thể “thu nạp” cổ đông mới bằng phát hành cổ phần mới bổ sung vốn điều lệ nhưng lại phải “bù lỗ” bằng thặng dư vốn thuộc sở hữu của công ty.   
Bởi vậy, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần làm rõ quy định mệnh, giá bán, giá thị trường, giá sổ sách áp dụng trong trường hợp CTCP mới thành lập, trong quá trình CTCP hoạt động để góp phần làm rõ quan hệ giữa khoản tiền thu về từ bán cổ phần theo mệnh giá; khoản tiền bán cổ phần theo giá thị trường và vốn điều lệ, quỹ của CTCP. Khi quy định về giá cổ phần này rõ ràng sẽ góp phần bảo vệ tài sản của công ty, lợi ích của cổ đông hiện hữu cũng như tránh việc giải thích thiếu thống nhất mệnh giá cổ phần theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.  
2.4. Sở hữu chéo và bảo đảm công bằng giữa các cổ đông
Điều 193 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 quy định mới về “cấm” sở hữu chéo. Với qui định tại khoản 4 : Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ của nhóm công ty; Các công ty con trong cùng một nhóm công ty không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; Các công ty con trong cùng một nhóm công ty mà công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu trên 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo qui định của Luật này.
Có thể thấy Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần hạn chế những bất cập từ sở hữu chéo do tình trạng “vốn ảo” đang thịnh hành trong nhiều tập đoàn, nhóm công ty, trong đó có tập đoàn kinh tế mà công ty mẹ là công ty có trên 50% vốn nhà nước.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sự tồn tại của sở hữu chéo là hiện tượng tất yếu do nhu cầu duy trì cơ cấu sở hữu ổn định và quan hệ liên kết kinh doanh giữa các công ty trong tập đoàn hay nhóm công ty. Quy định cấm trên có thể làm triệt tiêu tình trạng “vốn ảo”, buộc quan hệ sở hữu giữa các công ty trong tập đoàn và nhóm công ty hình thành xuất phát từ nhu cầu liên kết để tạo lập nguồn vốn, duy trì quan hệ kinh doanh lành mạnh. Trong bối cảnh các công ty thông qua liên kết sở hữu chéo để duy trì quan hệ kinh doanh ổn định thì việc cấm sở hữu chéo chưa chắc đã được bảo đảm thực hiện tại mọi thời điểm do quá trình mua bán, sáp nhập, hợp nhất công ty dẫn đến sự bắt buộc các công ty  phải duy trì quan hệ sở hữu chéo. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về các quy định cấm và hạn chế sở hữu chéo. Theo Luật Công ty Nhật Bản, về nguyên tắc công ty con không được sở hữu cổ phần của công ty mẹ (Khoản 1 Điều 135), tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các trường hợp : (i) trường hợp công ty con nhận chuyển nhượng toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty khác (gồm công ty nước ngoài) có sở hữu cổ phần của công ty mẹ ; (ii) trường hợp nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty mẹ từ công ty không tồn tại sau hợp nhất ; (iii) trường hợp nhận cổ phần của công ty mẹ từ công ty khác tồn tại do chia tách hợp nhất và chia tách thành lập mới; (iv) trường hợp khác do Bộ Tư pháp quy định. Các trường hợp sở hữu trên chỉ là tạm thời, công ty con phải xử lý cổ phần của công ty mẹ bằng việc chuyển nhượng hoặc cách thức khác.
Ngoài quy định trên, Luật Công ty Nhật Bản với mục đích hạn chế bất cập do sở hữu chéo cổ phần gây ra bằng quy định ngoại lệ là: Khi một CTCP sở hữu trên ¼ tổng số cổ phần biểu quyết của công ty khác có quan hệ sở hữu chéo và trường hợp CTCP chi phối thực chất công ty khác có quan hệ sở hữu chéo thì công ty khác cho dù sở hữu chéo cổ phần nhưng không được thực hiện quyền biểu quyết (Khoản 1 Điều 308 và Điều 67 Quy tắc thi hành Luật Công ty)[14].
Có thể thấy, dưới góc độ sở hữu, sở hữu chéo duy trì quan hệ liên kết giữa các công ty, bên cạnh đó tác động vào quá trình ra quyết định của các cơ quan quản trị nội bộ. Do đó cần xem xét lại quy định của Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 về cấm tuyệt đối sở hữu chéo, nên ghi nhận với điều khoản “hạn chế sở hữu chéo ” và các trường hợp loại trừ cũng như quy định về thời hạn buộc phải xử lý cổ phần, phần vốn góp sở hữu chéo thuộc đối tượng cấm khi tình trạng này xuất hiện.        
Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông là một nguyên tắc quản trị công ty đại chúng và cũng là nguyên tắc định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005. Có thể thấy, Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp đã thể hiện nỗ lực trong quy định về bảo đảm lợi ích của cổ đông sáng lập, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể bảo đảm đối xử công bằng với các cổ đông trong quan hệ với cổ đông sở hữu cổ phần khác loại, công bố thông tin bảo vệ cổ đông cũng như quy định về mệnh giá cổ phần. .
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần chuyển hóa những định hướng chính sách thành những điều khoản xác định quyền và hạn chế quyền của các chủ thể trong quan hệ nội bộ công ty như về thực hiện quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết hay hạn chế sở hữu chéo… Có như vậy, Luật Doanh nghiệp mới thực sự giúp cho cổ đông tự bảo vệ quyền lợi của mình và tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tình trạng gian lận của người quản lý, điều hành trong quá trình quyết định và triển khai các quyết định kinh doanh./.

 


[1] OECD Principles of Corporate Governance 2004, Organisation for Economic Co-operation and Development; Page 20.
[2]Directive 2004/25/CE on takeover bids.
[3] Equal treatment for shareholders: An Esay. Codozo Law Review 19,515, 1997. 
[4] Federico Mucciarelli, Equal treatment of shareholders and European Union Law, European Company Review 1/2010; http://ww.academia.edu. 
[5] Đối với CTCP không đủ điều kiện chào bán ra công chúng vẫn thực hiện huy động vốn bên ngoài theo Luật Doanh nghiệp.
[6] Một vụ việc gần đây được điều tra làm sáng tỏ tình trạng góp vốn của CTCP siêu lừa. Công ty TNHH Phương Nam thành lập năm 1998, trở thành CTCP sau đó 2 năm với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Tham khảo từ bài: “Đại gia lừa vay 16.000 tỷ, 25 cán bộ ngân hàng vướng lao lý”; http:vnexpress.net. thứ ba, 1/7/2014.
 
 
[7] Cổ phần chào bán lần đầu cho những người không phải là cổ đông sáng lập; Cổ phần chào bán cho tất cả cổ đông theo tỉ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty; Cổ phần chào bán cho người môi giới bảo lãnh. Trong trường hợp này, số chiết khấu hoặc tỉ lệ chiết khấu cụ thể phải được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ; các trường hợp khác và mức chiết khấu trong trường hợp đó do Điều lệ quy định.
[8] US Code, Title 15 Section 147 – Stock; insuance at par value, http://wwư.law.cornell.edu/uscode/text/15/147 
[9] Companies Act 2006, http://ww.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/section/10
[10] Investor Bulletin: Investing in an IPO, Tài liệu của Ủy Ban Chứng khoán Hoa kỳ. SEC Pub. No. 133 (2/13).    
[11] Có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản quan niệm về mệnh giá: Luật Cạnh tranh hiện hành không quy định mệnh giá nhằm đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh đơn vị góp vốn theo đó ghi nhận toàn bộ tiền bán cổ phần trong vốn Điều lệ (Khoản 2 Điều 445). 
[12] Tham khảo: Nam Phương, “Phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá có tạo tiền lệ xấu?” eFinancial Online. 16/4/2012.
[13] Tham khảo : “Phát hành dưới mệnh giá, vẫn chờ sửa đổi Luật Doanh nghiệp” Đầu tư Chứng khoán, ngày 20/8/2014 trang 14.
[14] TS. Nguyễn Thị Lan Hương: “Những vấn đề pháp lý về tài chính doanh nghiệp”, Nxb. Chính trị Quốc gia 2013, 217-218.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20(276), tháng 10/2014)