Thực trạng và một số giải pháp cho quy hoạch xây dựng

01/12/2011

ThS. VŨ VIẾT THIỆU

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định.

1. Quy hoạch xây dựng và vai trò của quy hoạch xây dựng
Quy hoạch xây dựng (QHXD) là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Về hình thức, QHXD được thể hiện ở đồ án QHXD bao gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh. QHXD được phân thành ba loại: QHXD vùng, QHXD đô thị (bao gồm quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị), QHXD điểm dân cư nông thôn. Về phạm vi, QHXD không chỉ liên quan đến không gian trên mặt đất mà còn liên quan đến không gian ngầm, gồm phần ngầm của các công trình xây dựng, các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, giao thông ngầm đô thị, các công trình công cộng ngầm.
 QHXD có vai trò rất quan trọng trong đầu tư xây dựng (ĐTXD) và phát triển kinh tế - xã hội. QHXD tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, là cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học và công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn phát triển. QHXD là cơ sở tạo lập môi trường sống tiện nghi, an toàn và bền vững, thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của nhân dân; bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. QHXD là căn cứ quan trọng cho công tác kế hoạch, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng; quản lý khai thác và sử dụng các công trình xây dựng trong đô thị, điểm dân cư nông thôn.
Vì thế, QHXD phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển của các ngành liên quan, quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch chi tiết xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
QHXD là một trong những khâu quan trọng để định hướng cho phát triển và kêu gọi đầu tư, bảo đảm đầu tư có hiệu quả và phát triển bền vững. Việc quy hoạch cảng mà vắng tàu đậu, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất, chợ không có người họp...; quy hoạch có tầm nhìn ngắn, thiếu tính chiến lược, không đồng bộ, chưa phù hợp với thị trường... là những quy hoạch bất cập, yếu kém, gây lãng phí rất lớn.
Để phát huy vai trò quan trọng của QHXD, nhiều vấn đề được đặt ra, đòi hỏi công tác QHXD phải luôn đi trước; đòi hỏi việc khảo sát, điều tra cơ bản, tính toán và dự báo, thu thập thông tin phục vụ công tác quy hoạch phải đầy đủ, khách quan, khoa học, có định hướng đúng và có tầm nhìn, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội; đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách và có chính sách huy động các nguồn vốn khác đáp ứng yêu cầu của công tác QHXD.
Mặt khác, thực tế cho thấy, việc phát huy vai trò quan trọng của QHXD phải tiến hành đồng thời với việc ngăn chặn, khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát ngay trong các giai đoạn của quá trình QHXD; ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát trong ĐTXD do khâu quy hoạch gây ra.
2. Những thành tựu và hạn chế của công tác quy hoạch xây dựng hiện nay   
Theo pháp luật hiện hành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành được triển khai theo quy định của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ; công tác QHXD, quy hoạch đô thị (QHĐT) được điều chỉnh bởi Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, Luật QHĐT số 30/2009/QH12, các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến công tác quy hoạch như Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về QHXD, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHĐT, Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và các thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của các nghị định này.
Các quy hoạch kinh tế - xã hội của các vùng lãnh thổ và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 63 tỉnh thành trong cả nước đến nay đã hoàn thành về cơ bản. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 đã bổ sung 115 KCN dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và 27 KCN dự kiến mở rộng; mục tiêu đưa tỷ lệ đóng góp của các KCN vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp từ trên 24% năm 2006 lên 39-40% vào năm 2010 và tới trên 60% vào giai đoạn tiếp theo; nâng tổng diện tích các KCN đến năm 2010 lên 45.000 ha - 50.000 ha, năm 2015 lên 65.000 ha - 70.000 ha; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân trên toàn quốc trên 60%. Tính đến 31/12/2010, cả nước đã quy hoạch và triển khai ĐTXD 28 khu kinh tế cửa khẩu, 15 khu kinh tế biển, khoảng trên 250 KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. 
Tính đến 31/12/2010, toàn quốc có 755 đô thị gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 10 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 50 đô thị loại IV, 634 đô thị loại V. Số đô thị có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt chiếm tỷ lệ 93%, trong đó có 100% đô thị từ loại IV (thị xã) trở lên đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Tỷ lệ QHXD chi tiết được phê duyệt khoảng 45%. Các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị mới đã được triển khai trên địa bàn của 45/63 tỉnh, thành phố. Đến 31/12/2010, cả nước có 633 dự án khu đô thị mới với tổng diện tích khoảng 103.234 ha, tập trung chủ yếu tại các đô thị từ loại III cho tới đô thị loại đặc biệt; trong số đó có 86 khu đô thị mới (13,6%) có quy mô trên 200 ha (với 18 khu đô thị mới có quy mô trên dưới 1.000 ha); có 288 khu đô thị mới (45,5%) có quy mô từ 50-200 ha, 259 khu đô thị mới có quy mô từ 20-50 ha. Ngoài ra, còn có hàng ngàn các khu vực xây dựng dưới dạng ''khu đô thị mới'' nhưng có quy mô nhỏ dưới 20 ha nằm đan xen khắp các khu vực, đặc biệt là vùng ven đô[1].
 Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các địa phương đang tiến hành rà soát QHXD nông thôn mới theo tinh thần Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đến 31/12/2010, theo báo cáo của 57/63 tỉnh, có 2.410 xã/tổng số 8.209 xã (26,42%) đã lập QHXD[2].
Những thành tựu trong QHXD nêu trên là kết quả của việc đổi mới công tác QHXD, linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Vì vậy, nhiều QHXD đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới; đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm.
Tuy nhiên, công tác QHXD trong những năm qua cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế:
Một là, chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn xa, công tác phân tích và dự báo về thị trường còn thiếu tin cậy; tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện. Nhiều quy hoạch mang tính tình thế, thiếu tính khoa học, ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hạn chế tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí lớn tài nguyên thiên nhiên[3]. Chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch (ĐAQH) còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng dự báo thấp nên phải điều chỉnh trước thời hạn; một số đồ án QHXD thiếu cập nhật các quy hoạch định hướng hạ tầng diện rộng của vùng, của quốc gia nên khi triển khai gặp vướng mắc phải điều chỉnh.
Với 28 khu kinh tế cửa khẩu đã ĐTXD và đi vào hoạt động, một số hoạt động không hiệu quả, như: Nhà nước đầu tư ngân sách cho Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Gia Lai) từ năm 2006 đến năm 2010 trên 1.000 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động 2 năm, nhưng mỗi ngày chỉ phục vụ cho từ 100 đến 200 khách xuất nhập cảnh. Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) theo QHXD đã được Nhà nước ĐTXD hạ tầng từ hơn 20 năm trước, có sân bay, cảng biển... với tổng ngân sách đầu tư khoảng 70 triệu USD (trên 1.400 tỷ đồng Việt Nam) nhưng khai thác không hiệu quả, lãng phí một lượng vốn lớn. Theo báo cáo của cơ quan quản lý Cảng Kỳ Hà (là một cảng nước sâu) thuộc khu kinh tế mở này thì hiện Cảng chỉ hoạt động với khoảng 2% khả năng của nó. Về thủy điện, chỉ riêng lưu vực sông Đồng Nai đã có 20 dự án thủy điện, với tổng công suất 2.766 MW nằm trên 3 sông chính: sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Bé. Theo các chuyên gia, trung bình 1 MW có vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, tổng cộng 2.766 MW của 20 thủy điện trên chi phí đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, một đợt khảo sát mới đây đối với các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cho thấy, hàng loạt thủy điện phải ngưng hoạt động do thiếu nước, do tính toán không phù hợp[4]
Hai là, các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội ở các tỉnh, thành phố thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hiện vẫn còn xảy ra tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chi tiết triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể, dẫn đến phải thay đổi nhiều lần.
Ba là, việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập QHĐT chưa chú trọng đến hình thức thi tuyển. Hệ thống tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch từ trung ương đến địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Công tác đào tạo cán bộ quy hoạch chưa đúng tầm. Hiện nay cả nước chưa có cơ sở chuyên đào tạo chuyên gia cho công tác quy hoạch.
Bốn là, việc lập và thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn còn thiếu đồng bộ, dẫn đến các dự án ĐTXD chuyên ngành cũng không đồng bộ, xảy ra hiện tượng ''đào lên, lấp xuống'' nhiều lần, triền miên, vừa làm nhiều tuyến phố xuống cấp ngày càng nhanh, trông nham nhở như những “tấm 'áo vá'', vừa gây lãng phí rất lớn tiền của, công sức. ''Các dự án hạ ngầm đường dây đi nổi ở một số đô thị lớn cũng để lại di chứng... dễ dàng nhận thấy sự thiếu đồng bộ và cung cách làm ăn cẩu thả. Bình quân mỗi km đường nội thành phải ''gánh'' tới hàng chục giấy phép đào đường'' như một tác giả đã than phiền trên Báo Hà Nội mới gần đây.
Năm là, việc công bố, công khai và cung cấp thông tin QHXD chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 32, 33 Luật Xây dựng; Điều 53, 54, 55 Luật QHĐT; Điều 38, 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP. Tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch theo quy định tại các Điều 20, 21 Luật QHĐT chưa được thực hiện có hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức, sự vụ, thủ tục, qua loa.  
Sáu là, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch chưa được cân đối và bố trí đáp ứng yêu cầu như quy định tại Điều 42, 43, 44 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP. Kinh phí bố trí không đủ khả năng thuê tư vấn có trình độ cao trong nước hoặc tư vấn quốc tế[5]. Vốn bố trí cho công tác quy hoạch còn quá nhỏ bé. Ví dụ, năm 2003-2004 chỉ đạt 0,004% so với tổng mức vốn hàng năm dành cho xây dựng[6]. Mấy năm gần đây, tình trạng này cũng đã được cải thiện nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.
Bảy là, quản lý QHXD và quản lý đầu tư theo QHXD (Điều 34 Luật Xây dựng, Điều 69 Luật QHĐT) còn nhiều yếu kém, để xảy ra tình trạng nhiều dự án không tuân theo QHXD vì lợi ích cục bộ (như chuyển đổi đất từ quy hoạch là đất dành cho công trình công cộng thành đất để xây dựng công trình dịch vụ...) làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng lâu dài không chỉ đối với một dự án mà là của cả một khu vực. Công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện theo quy hoạch đã duyệt nhìn chung còn buông lỏng.
3. Giải pháp 
3.1. Giải pháp chung
Một là, công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Lập quy hoạch phải là một nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện trong chương trình phát triển kinh - tế xã hội cũng như trong nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của địa phương, của các ngành và các cấp chính quyền.
Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong tất cả các khâu, các bước triển khai: từ khâu điều tra, khảo sát, lập nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; lập ĐAQH, thẩm định và phê duyệt ĐAQH.
Tùy theo đối tượng, giai đoạn, loại QHXD mà tập trung làm sáng tỏ các nội dung trong khảo sát, đánh giá hiện trạng và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường, các động lực phát triển; định hướng phát triển không gian và các công trình hạ tầng kỹ thuật; xác định các công trình cần ĐTXD, các công trình cần chỉnh trang, cải tạo, bảo tồn, tôn tạo... trong khu vực quy hoạch; dự kiến những hạng mục ưu tiên phát triển và nguồn lực thực hiện. Những nội dung này phải bảo đảm có cơ sở tin cậy, phân tích và đánh giá một cách khoa học, mang tính thực tiễn, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững.
Ba là, bảo đảm tính đồng bộ trong việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch giữa QHXD với các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn; bảo đảm sự phối hợp tốt, có tính thống nhất cao, làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án ĐTXD sau này, tránh phá đi làm lại, tránh đào lên lấp xuống nhiều lần... vừa trực tiếp gây lãng phí lớn, vừa ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh khu vực do quá trình thi công gây nên.
Cơ quan, tổ chức lập QHĐT chủ trì, cùng với Ủy ban nhân dân có liên quan và tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan theo đúng quy định tại Điều 20, Điều 21 của Luật QHĐT; chú trọng việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và (hoặc) sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (như cấp nước, thoát nước, cấp điện, cấp khí đốt, thông tin liên lạc...), đặc biệt chú ý đến quy hoạch không gian ngầm và các công trình ngầm - một nội dung rất cần thiết và có ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện quy hoạch sau này mà lâu nay bị xem thường, thậm chí lãng quên.
Bốn là, ưu tiên bố trí vốn đáp ứng yêu cầu của công tác quy hoạch, bảo đảm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được triển khai thực hiện và hoàn thành theo tiến độ, bảo đảm sứ mệnh ''đi trước'' của quy hoạch.
 Đối với quy hoạch chung các đô thị lớn, các đô thị đặc thù; QHXD các khu vực có địa hình, vị trí, cảnh quan môi trường đặc biệt, có giá trị thu hút đầu tư... nên chú trọng đầu tư vốn cần thiết cho thi tuyển để lựa chọn tư vấn có trình độ cao (kể cả tư vấn nước ngoài) trên cơ sở xem xét hiệu quả của công tác quy hoạch ở tính khả thi và hiệu quả thực tế mà các dự án ĐTXD theo quy hoạch đó mang lại.
Năm là, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ đối với cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thẩm định, quản lý quy hoạch.
 Trong việc thẩm định thiết kế, dự toán ĐTXD công trình thì chủ đầu tư có thể tự thực hiện việc thẩm định, hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện nếu chủ đầu tư không đủ năng lực. Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, ĐAQH là công việc quan trọng, phức tạp đòi hỏi kiến thức vừa rộng vừa chuyên sâu và cần kinh nghiệm thực tế. Theo quy định hiện nay, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, ĐAQH các loại đều do cơ quan nhà nước các cấp thực hiện. Do đó cần tuyển chọn các cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này có chuyên môn, đồng thời chú ý đào tạo công tác nghiệp vụ và bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của công việc.
Sáu là, thực hiện nghiêm việc công bố, công khai và cung cấp thông tin QHXD theo quy định tại Điều 32, 33 Luật Xây dựng; Điều 53, 54, 55 Luật QHĐT; Điều 38, 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP; lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập QHĐT theo quy định tại các Điều 20, 21 Luật QHĐT.
Công bố, công khai quy hoạch đã được duyệt vừa thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước của Nhà nước pháp quyền XHCN; vừa là điều kiện ''cần'' để quảng bá, giới thiệu quy hoạch thu hút đầu tư; để dân biết, dân làm, dân kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch; ngăn ngừa và phát hiện sớm các trường hợp xây dựng vi phạm quy hoạch, tránh việc phải phá bỏ công trình do xây dựng sai quy hoạch, tránh phải ''cắt ngọn'' công trình do vi phạm quy hoạch và vi phạm Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị gây lãng phí tài sản của Nhà nước, lãng phí tiền, tài sản của nhân dân; đồng thời cũng góp phần giảm bớt lực lượng cán bộ kiểm tra, thanh tra các cấp về lĩnh vực xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính mà Chính phủ đã đề ra.
3.2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các văn bản quy phạm pháp luật 
- Bổ sung thêm các điều khoản quy định rõ các đối tượng cần thiết, các cơ quan quản lý chuyên ngành (cơ quan quản lý, sử dụng các công trình ngầm, hệ thống cấp thoát nước, quy hoạch xử lý nước thải, quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn, cấp điện, thông tin liên lạc...) mà cơ quan, tổ chức lập quy hoạch bắt buộc phải lấy ý kiến đối với tùy từng loại QHXD cụ thể nhằm tạo sự phối hợp, tạo sự thống nhất và hợp lý, có tính khả thi giữa QHXD với quy hoạch chuyên ngành và các dự án ĐTXD chuyên ngành sau này. Nội dung này chưa được thể hiện cụ thể ở văn bản nào, nay đề nghị bổ sung vào Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2004 của Chính phủ về QHXD và Luật QHĐT số 30/2009/QH12.
- Thi tuyển (chỉ thi tuyển ý tưởng quy hoạch) để lựa chọn tổ chức tư vấn lập QHĐT đối với quy hoạch chung các đô thị có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc thù; quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết các khu vực có ý nghĩa quan trọng trong đô thị đã được nêu ở Điều 12, 13 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ ''về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHĐT'' nhưng phải nêu rõ tài liệu cần thiết tối thiểu mà cơ quan (hoặc tổ chức lập quy hoạch) phải cung cấp cho tổ chức tư vấn tham gia thi tuyển để rút ngắn thời gian của tổ chức tư vấn trong việc điều tra, tìm hiểu, khảo sát..., đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức thi tuyển, chi phí khảo sát không cần thiết (như các tài liệu về khảo sát địa hình, điều kiện tự nhiên, xã hội, các thông tin cần thiết khác... phục vụ cho nghiên cứu xây dựng phương án thi tuyển và cho công tác lập quy hoạch sau này). Đề nghị bổ sung thêm một điều về nội dung này sau Điều 13 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.
- Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thiết kế QHXD đã được quy định cụ thể tại các Điều 13 Luật Xây dựng, Chương III (từ Điều 45 đến Điều 53) của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP; Điều 10 và Điều 11 của Luật QHĐT và Chương II (từ Điều 5 đến Điều 13) của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức làm chức trách thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và thẩm định ĐAQH lại chưa có quy định nào về tiêu chí lựa chọn, hướng dẫn xét tuyển. Như vậy người lập quy hoạch thì yêu cầu có chuyên môn và chứng chỉ nhưng người thẩm định quy hoạch (một công việc quan trọng liên quan trực tiếp đến chuyên môn quy hoạch) thì tùy thuộc vào sự bố trí cán bộ của những cơ quan có chức năng thẩm định, do đó có không ít nơi bố trí cán bộ không hiểu biết chuyên môn về quy hoạch và xây dựng, dẫn đến việc xem xét, thẩm định, đánh giá chất lượng, kết luận về chất lượng của ĐAQH do người (hay cơ quan) thẩm định quy hoạch đưa ra không có tính thuyết phục, thường là ''chấp nhận'', ''đồng ý'' với quy hoạch mà tư vấn đã lập, không phát hiện được những lỗi, sai sót, yếu kém trong hồ sơ quy hoạch đã lập.
Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Nghị định số 08/2005/NĐ-CP các điều quy định cụ thể về việc bắt buộc phải thẩm định đối với nhiệm vụ và ĐAQH của QHXD vùng, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng (tương tự nội dung thẩm định ''Nhiệm vụ và ĐAQH đô thị'' đã nêu ở Điều 43 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP); bổ sung quy định yêu cầu năng lực chuyên môn tối thiểu đối với công chức thẩm định tương ứng với từng loại hồ sơ quy hoạch (Các địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ có thể cho phép một lộ trình phù hợp); bổ sung quy định về việc các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành phối hợp cùng Bộ Xây dựng thiết lập chương trình khung đào tạo để bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn chuyên môn và nghiệp vụ cho những công chức thẩm định quy hoạch và quản lý quy hoạch các cấp phù hợp với nội dung nhiệm vụ họ phải thực hiện trước khi trao nhiệm vụ cho họ./.
 
 
 
                            

 


[1] Bộ Xây dựng: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 của ngành xây dựng, tr 9.
Bộ Xây dựng; Tlđd, tr 10.                                                                                            
[3] Chính phủ, Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII ; tháng 10/2008, tr.17.
[4] Báo Xây dựng và pháp luật, số 33 (69) năm 2011, tr. 2.
[5] Chính phủ, Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư XDCB sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007, Tlđd, tr 18. 
[6] Bộ Xây dựng; Đề án chống thất thoát, lãng phí trong ĐTXD, năm 2004, tr 21.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 24(209), tháng 12/2011)


Thống kê truy cập

33829578

Tổng truy cập