Đề xuất giải pháp quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam

01/12/2011

ThS. PHAN THỊ THANH HUYỀN

Khoa Luật, Đại học Công đoàn.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây và đặc biệt thời điểm hiện tại là tình hình sử dụng bất hợp pháp lao động nước ngoài (LĐNN) trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện tượng này có xu hướng gia tăng, vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó không những gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam, đến đời sống của người lao động Việt Nam mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội phát triển. Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn về năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng về việc sử dụng LĐNN trong các tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời đặt ra yêu cầu có tính cấp bách đối với các cơ quan quản lý nhà nước về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát lực lượng lao động này.
 Untitled_637.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thực trạng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thống kê cho thấy lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngày càng tăng, nhất là trong ba năm gần đây[1]. Năm 2008, số lượng người nước ngoài là 52.633 người; năm 2009 số lượng người nước ngoài tăng 6% so với năm trước, lên 55.428 người; năm 2010 là 56.929 và đến nay (tháng 8/2011) số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là hơn 74.000 người.
Người nước ngoài đến Việt Nam làm việc có quốc tịch từ hơn 60 quốc gia, trong đó người châu Á chiếm hơn 58% gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…; khoảng 28,5% mang quốc tịch châu Âu và còn lại là các nước khác. Những lao động này đa số là nam giới, chiếm tới 89,9% với 86% thuộc độ tuổi từ 30 trở lên, trình độ đại học và trên đại học là 48,3%, có tay nghề là  34,6%. Phần lớn họ làm việc theo các hợp đồng lao động (HĐLĐ), chiếm 54,4%, trong đó HĐLĐ từ 24 tháng đến 36 tháng chiếm tỉ lệ cao nhất (76,4%). Đặc biệt đáng chú ý là chỉ từ tháng 1 - 7/2011 đến nay, bình quân mỗi tháng có thêm gần 2.000 LĐNN vào làm việc tại Việt Nam. Cụ thể:
Ngày 7/5/2011, Đoàn kiểm tra tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra hành chính về lao động người nước ngoài tại Nhà máy điện đạm Cà Mau (do Liên danh nhà thầu Wuhuan Engineering Co. Ltd - WEC và China National Machinery Import and Export Corporation - CMC làm Tổng thầu) đã phát hiện có rất nhiều lao động phổ thông (LĐPT) người Trung Quốc không có giấy phép đang hoạt động trên công trường, trong số 1.728 LĐPT là người nước ngoài chỉ có 677 lao động có phép, còn lại 1.051 lao động không phép[2].
Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đi kèm một nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận là hàng trăm công nhân Trung Quốc được tuyển dụng. Sự xuất hiện đông đảo những LĐPT Trung Quốc trong những nhà máy này đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương và kéo theo nhiều tệ nạn xã hội phát triển. Theo số liệu từ Công an xã Ngũ Lão (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) thì hiện trên địa bàn xã này có khoảng 300 người Trung Quốc đang tạm trú, đại đa số là công nhân làm việc tại công trường Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng II.
Ở công trường Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê đang có tới 760 công nhân người Trung Quốc, trong khi đó chỉ có hơn 100 công nhân Việt Nam. Có khoảng 80% lao động Trung Quốc trên công trường là lao động phổ thông, còn lại 20% là kỹ sư, công nhân kỹ thuật.
Tại công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắc R’lấp, tỉnh Đắc Nông), thời điểm giữa tháng 7/2011 có 267 lao động Trung Quốc, gồm 133 quản lý, kỹ sư và 154 công nhân kỹ thuật. Trong đó, có 252 người làm việc trên ba tháng, nhưng chỉ có 67 người được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đắc Nông cấp giấy phép lao động, 33 hồ sơ đang được thẩm định. Như vậy, hiện 202 lao động vẫn chưa có giấy phép lao động[3].
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình, ở đây hiện có 26 dự án đang sử dụng LĐNN, với tổng cộng khoảng 2.400 lao động. Riêng ở dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 lao động Trung Quốc, trong đó có tới 1.448 lao động không được cấp phép. Tổng số LĐNN không được cấp phép đang làm việc chui trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 1.683 người. Trong số 1.988 lao động Trung Quốc đang làm việc ở Nhà máy đạm Ninh Bình, có hơn 1.300 LĐPT...
Từ những số liệu cụ thể này, có thể dễ dàng nhận thấy thực trạng LĐPT nước ngoài tại Việt Nam là phổ biến và chiếm phần lớn trong tổng số LĐNN tại Việt Nam. Và đương nhiên, sử dụng LĐPT nước ngoài dù có phép hay không phép đều là bất hợp pháp.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, hay đang trên đường cùng ASEAN xây dựng một cộng đồng chính trị - kinh tế - xã hội chung, thì việc dần dần phải loại bỏ các rào cản, tiến tới mở cửa thị trường lao động là xu hướng không thể tránh khỏi. Vì thế, chúng ta không nên có thái độ cực đoan khi nhìn nhận hiện tượng người LĐNN, cho dù từ bất kỳ quốc gia nào, có mặt hợp pháp tại Việt Nam. Nếu hiện nay ở nước ta có trên bảy vạn người nước ngoài đang làm việc, thì hàng năm cũng có bằng ấy người Việt ra nước ngoài lao động theo thỏa thuận của Chính phủ với các quốc gia. Tuy nhiên, nếu LĐNN bất hợp pháp mà làm việc tại Việt Nam sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Trước tiên, họ tước đi cơ hội việc làm của người lao động Việt Nam, trong khi sức ép giải quyết công ăn việc làm đang là gánh nặng cho Chính phủ và xã hội. Điều đáng buồn là đại đa số những lao động trái phép bị phát hiện lại đang làm những công việc giản đơn hoặc những loại việc mà người lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được. Thêm nữa, tình trạng này có thể tạo ra làn sóng nhập cư, định cư “lậu” khó kiểm soát, gây ra những vấn đề nan giải về xã hội, văn hóa, thậm chí là an ninh.
Để bảo vệ thị trường lao động trong nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm quỹ việc làm cho người lao động, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 34/2008/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư số 08 ngày 10/6/2008 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thi hành Nghị định số 34/CP. Tháng 6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2011/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, trong đó nhiều quy định mới theo hướng quản lý chặt chẽ, hợp lý hơn việc sử dụng người LĐNN[4]. Theo các căn cứ pháp lý này, lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài điều kiện chung như đối với lao động Việt Nam, còn phải đáp ứng những điều kiện riêng. Như LĐNN ít nhất phải từ đủ 18 tuổi trở lên; phải có sức khoẻ và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công việc quản lý hoặc công việc có yêu cầu cao về chuyên môn nghiệp vụ mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được; không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp (cụ thể là do Sở LĐTBXH nơi đơn vị sử dụng LĐNN có trụ sở). Có một số trường hợp LĐNN tại Việt Nam được miễn giấy phép lao động cũng đã được quy định cụ thể về các điều kiện, nhưng những người LĐNN dù đã có đủ các điều kiện đã quy định, nếu muốn làm việc tại Việt Nam thì cần có thêm một điều kiện nữa, đó là có giao kết HĐLĐ. Họ phải làm hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam[5].
Những quy định này đã góp phần bảo đảm quỹ việc làm cho người lao động Việt Nam, tránh đẩy lao động Việt Nam rơi vào tình trạng thất nghiệp, đồng thời thực hiện tốt việc quản lý LĐNN tại Việt Nam, hạn chế tình trạng tội phạm xuyên quốc gia lẩn trốn.
Người sử dụng lao động (SDLĐ) nếu muốn tuyển dụng lao động là người nước ngoài thì phải thuộc các đơn vị được phép sử dụng LĐNN, phải đăng báo nhu cầu tuyển dụng và phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho LĐNN trước thời hạn ít nhất hai mươi ngày, kể từ ngày người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam. Thời hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động là 10 ngày; cấp lại giấy phép lao động là 03 ngày. Hàng năm, người SDLĐ phải đăng ký nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài với Sở LĐTBXH địa phương để nắm được nhu cầu sử dụng người nước ngoài và có các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ và quản lý. Danh sách LĐNN, người SDLĐ phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh (Sở LĐTBXH).
Theo những văn bản trên, để đưa được người lao động vào làm việc tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân theo những điều kiện rất nghiêm ngặt và các thủ tục chặt chẽ. Trách nhiệm của các ngành như Công an, Tư pháp, Công thương, LĐTBXH v.v.. cũng được quy định rất rõ ràng. Như vậy, vấn đề chính nằm ở khâu thực thi pháp luật. Nếu các cơ quan chức năng liên quan làm đúng và làm hết trách nhiệm, thì rất khó có kẽ hở để LĐNN bất hợp pháp lọt vào thị trường lao động Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước đã nhắc nhở các địa phương bằng nhiều văn bản, đối với những lao động làm việc dưới ba tháng thì dứt khoát phải thực hiện theo Nghị định 34; đồng thời, yêu cầu các địa phương kiểm tra kỹ các đối tượng này. Trong hồ sơ mời thầu, dự thầu… đều phải có kế hoạch sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, có nơi các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn cố tình vi phạm với nhiều lý do khác nhau. Việc phát hiện ra quá nhiều lao động làm việc không phép tại các công trình, dự án do nhà thầu nước ngoài thực hiện cho thấy năng lực quản lý của các cơ quan chức năng là còn hạn chế.
Để giải quyết tình trạng LĐNN bất hợp pháp tại Việt Nam, trước mắt, thứ nhất, yêu cầu các ngành liên quan cần nhanh chóng họp với các đơn vị SDLĐ để phân loại lao động, đề nghị nhà thầu báo cáo kế hoạch sử dụng nhân lực để xem có bao nhiêu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cần phải cấp phép. Từ đó, với những công nhân kỹ thuật đáp ứng được điều kiện của pháp luật Việt Nam về độ tuổi, về trình độ chuyên môn cần thiết phải sử dụng mà chưa có phép, cơ quan chức năng sẽ tiến hành hướng dẫn, quy định cụ thể thời gian tối thiểu để đơn vị thi công lập thủ tục xin cấp phép lao động. Nếu quá thời gian mà vẫn không thực hiện thì kiên quyết trục xuất. Với những LĐPT thì phải khẩn trương rà soát lại, thống kê danh sách và trục xuất trong thời gian sớm nhất có thể. Nhà thầu cũng được yêu cầu phải sử dụng những LĐPT trong nước làm những công việc mà họ có thể đảm đương được. Nếu thấy khó khăn trong việc tìm lao động thì liên hệ với các Sở LĐTBXH để được giúp đỡ nhằm tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động tại địa phương. Việc xử lý như trên phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật hiện hành, nếu không sẽ nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật Việt Nam từ chính LĐNN, từ người SDLĐ và hệ quả chúng ta đã thấy là xu hướng gia tăng lượng người nước ngoài có trình độ thấp từ châu Phi, LĐPT Trung Quốc... nhập cảnh theo hình thức du lịch rồi ở lại làm việc thời vụ mà chưa có giấy phép lao động ở thành phố. Thứ hai, xử phạt nghiêm minh đối với những nhà thầu nước ngoài và chủ đầu tư sử dụng LĐNN không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ ba, xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương), của Thanh tra lao động, của cơ quan quản lý lao động địa phương nơi có địa bàn xảy ra tình trạng sử dụng LĐNN không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.
Vấn đề lực lượng LĐNN vào Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua có nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực đòi hỏi chất lượng cao như điện tử, quản lý dịch vụ… cũng phát triển mạnh theo. Những vụ việc liên quan đến số LĐNN không giấy phép cho thấy nguyên nhân chủ yếu và trước hết là do ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, của các nhà thầu. Họ thường vi phạm trong việc làm các thủ tục, cấp giấy phép cho LĐNN. Nhà thầu, chủ đầu tư không ngại đưa ra nhiều lý do khác nhau để lách luật. Một trong những cách thức thường được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài sử dụng là khai báo lao động dưới ba tháng để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ và thủ tục liên quan. Thêm vào đó, một số quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề sử dụng và quản lý LĐNN tại Việt Nam còn có những điểm bất cập, thiếu phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan như Sở LĐTBXH, Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố thuộc trung ương), thanh tra lao động… yếu kém cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng LĐNN tại Việt Nam gia tăng.
2. Đề xuất một số giải pháp
2.1. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật  
Hiện nay, còn một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật dẫn đến tình trang khó thực hiện pháp luật. Nghị định 34/2008/NĐ-CP quy định, người SDLĐ nếu muốn tuyển dụng lao động là người nước ngoài thì phải đăng báo nhu cầu tuyển dụng. Điều này khó thực hiện và chưa thực tế bởi quy trình tiêu chuẩn, việc chọn lựa lao động phù hợp cho từng công việc là quyền quyết định của người SDLĐ. Quy định này vừa mang tính hình thức, vừa không chứng minh được việc tuyển LĐNN là do không có lao động Việt Nam thay thế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, việc tuyển dụng lao động hiện nay có rất nhiều kênh như thông qua các công ty cung cấp nhân sự, các mạng tuyển dụng trực tuyến, các trung tâm giới thiệu và dịch vụ việc làm… thì việc quy định tuyển dụng LĐNN chỉ qua kênh đăng quảng cáo tuyển dụng trên báo chí sẽ gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng LĐNN của các chủ SDLĐ. Với đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức “di chuyển nội bộ doanh nghiệp”, chào bán dịch vụ cũng cần phải quy định rõ yếu tố thời gian “di chuyển tạm thời” là bao lâu để thuận lợi hơn trong công tác quản lý lao động.
Một số quy định của pháp luật còn thiếu thực tế. Chẳng hạn như quy định về cấp lại giấy phép lao động chỉ áp dụng đối với giấy phép bị hỏng hoặc mất nhưng không quy định hướng xử lý đối với trường hợp có sự thay đổi về mặt nội dung trên giấy phép như số hộ chiếu, chức danh công việc, tên doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với người lao động vào Việt Nam chào bán dịch vụ cũng chưa có quy định cụ thể là trong thời gian bao lâu. Trường hợp đối tượng này không báo cáo, các Sở LĐTBXH cũng không thể quản lý, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, quy định về cấp giấy phép lao động đối với chức danh Trưởng văn phòng đại diện (VPĐD), Tổng giám đốc là người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài trước đây thực hiện HĐLĐ, sau quá trình làm việc được bổ nhiệm lên chức Trưởng VPĐD. Ở thời điểm bổ nhiệm, người này được miễn cấp giấy phép lao động. Nhưng khi Nghị định 34/CP có hiệu lực, họ phải xin giấy phép lao động và một trong những loại giấy tờ phải có khi xin giấy phép là thư bổ nhiệm với nội dung ghi rõ “phải có thời gian công tác tại công ty mẹ trên 12 tháng”. Trong trường hợp này, các Trưởng VPĐD được bổ nhiệm trong quá trình làm việc nội bộ thì không thể chứng minh được. Cũng cần phải quy định việc xuất trình giấy phép lao động tại cửa khẩu Việt Nam đối với những người muốn vào Việt Nam làm việc.
2.2. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật  
Những bất cập của cơ chế thực hiện pháp luật cũng như quản lý lỏng lẻo chính là nguyên nhân của tình trạng LĐPT nước ngoài ào ạt vào Việt Nam không kiểm soát được. Trên thực tế, các doanh nghiệp, tổ chức không khai báo việc SDLĐ thời vụ trước bảy ngày theo quy định thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể giám sát được. Việc một số nhà thầu nước ngoài nhận thầu thi công các dự án như dự án cải thiện môi trường nước, các dự án xây dựng cầu đường... sử dụng một lực lượng chuyên gia, LĐPT hùng hậu nhưng ngành chức năng không theo dõi, quản lý sát sao. Những khó khăn trong việc nắm thông tin, quản lý và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là do thiếu sự phối hợp của các ngành liên quan. Đây có thể nói là điểm yếu kém nhất trong tổ chức thực hiện pháp luật liên quan đến sử dụng LĐNN tại Việt Nam một cách hiệu quả. Do vậy, cần có sự phối kết hợp một cách chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật và quá trình quản lý LĐNN trong thực tiễn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm của các đơn vị sử dụng LĐNN là do sự hạn chế trong nhận thức về các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan và sự thiếu ý thức pháp luật trong việc chấp hành những quy định này. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho người SDLĐ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam và đây là một khâu quan trọng trong tổ chức thực hiện pháp luật. Thực tế, vấn đề này thời gian qua cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức.
2.3. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm  
Gần đây có sự gia tăng đột biến lượng LĐPT người nước ngoài vào Việt Nam. Họ nhập cảnh theo hình thức du lịch, được các doanh nghiệp, tổ chức tuyển vào làm thời vụ, giao kết HĐLĐ và làm việc khi chưa có giấy phép lao động dựa trên sự lợi dụng quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới ba tháng được miễn giấy phép lao động. Do vậy, lực lượng công an cần tăng cường thanh tra những đối tượng cư trú không đúng mục đích nhập cảnh. Việc gia hạn visa cũng cần phải siết chặt, nhất là với những người làm việc không có giấy phép lao động cũng như không chuyển mục đích visa từ du lịch sang lao động. Việc ghi rõ trong thị thực D (du lịch tự do) nội dung không được phép lao động cũng sẽ góp phần vào việc giảm thiểu số đối tượng núp bóng đi du lịch để ở lại lao động bất hợp pháp tại Việt Nam.
Thời gian qua, với vai trò quản lý nhà nước, Sở LĐTBXH ở nhiều tỉnh, thành đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng LĐNN trên địa bàn, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp như nhắc nhở, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở nhiều địa bàn, việc thanh tra và xử lý vi phạm diễn ra một cách chiếu lệ, nửa vời, kéo dài, không dứt điểm, không thể hiện đúng tinh thần thượng tôn của pháp luật, dẫn đến tình trạng sử dụng trái phép LĐNN có xu hướng gia tăng và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc thanh tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này là giải pháp hết sức cần thiết hiện nay.
Tuy nhiên, để công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hiệu quả, cần các biện pháp chế tài đủ mạnh và không chỉ là chế tài mang tính kinh tế như hiện nay đối với những chủ thể vi phạm. Do quy định của pháp luật, nên thực tế, Thanh tra Sở LĐTBXH chỉ xử phạt được mỗi lần 20 triệu đồng khi phát hiện đơn vị thi công SDLĐ người nước ngoài không phép. Mức phạt này không đủ sức răn đe nên dẫn đến việc tái phạm nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp vi phạm sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục duy trì quan hệ lao động với người nước ngoài trái pháp luật. Theo Nghị định 34/CP, người nước ngoài sau sáu tháng làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động thì Sở LĐTBXH các tỉnh, thành đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam. Nhưng thực tế, biện pháp trục xuất LĐNN khỏi Việt Nam từ trước đến nay đều chưa có.  
Phải khẳng định rằng, nhu cầu phải sử dụng những LĐNN có trình độ chuyên môn cao, hoặc có kỹ năng đặc biệt (ví dụ như các cầu thủ bóng đá) là nhu cầu tự thân của nền kinh tế - xã hội nước ta. Hiện nay, các vị trí quản lý, các chuyên gia trung, cao cấp trong các tổ chức có yếu tố quốc tế thuộc ngành tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin… tại Việt Nam phần lớn vẫn do những người nước ngoài đảm nhận. Họ có đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế này cũng thể hiện những bất cập, khiếm khuyết của hệ thống giáo dục - đào tạo trong việc chuẩn bị đủ nguồn nhân lực nội địa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển. Như vậy, chính sách đối với người LĐNN làm việc tại Việt Nam cần được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Một mặt, cần có cơ chế khuyến khích, chào đón những nhân sự có đẳng cấp quốc tế gia nhập thị trường lao động Việt Nam, phục vụ mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, cần hình thành “một bộ lọc tốt để những LĐPT chất lượng thấp không thể thẩm thấu vào thị trường nội địa”. Và điều quan trọng hơn nhiều, là phải tìm được cách tối ưu nhất nâng cấp nguồn nhân lực Việt Nam. Làm sao để người lao động Việt Nam không chỉ đứng vững trên thị trường nhân lực trong nước mà còn có thể đứng vững cả trên những thị trường nhân lực quốc tế khó tính nhất. Đấy mới là giải pháp bền vững, lâu dài khi mọi rào cản bảo hộ sẽ bị xô đổ bởi quá trình toàn cầu hóa./.

 


[1] Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
[2] Nguồn: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau.
[3] Nguồn: Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đắc Nông.
[4] Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2011.
[5] Điều 4 Nghị định số 34.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 23(208), tháng 12/2011)


Thống kê truy cập

33829272

Tổng truy cập