Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em ở nước ta hiện nay

01/10/2010

ThS. LÊ THỊ PHƯƠNG NGA

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, công tác giáo dục pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ việc giáo dục pháp luật cho trẻ em theo hướng lồng ghép giữa giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em. Thiếu các kỹ năng sống, thiếu những bài học chính khóa và ngoại khóa cùng các sinh hoạt xã hội sinh động, thiết thực về kỹ năng sống, về đạo đức gia đình, nhà trường và xã hội, trẻ em dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội và không biết cách tự bảo vệ mình.
 Untitled_814.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ các quyền và vì sự phát triển của trẻ em. Để cho các quy định pháp luật về trẻ em đi vào cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm phạm quyền trẻ em và các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức do trẻ em gây ra, có nhiều việc phải làm, đặc biệt là công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống.
Trong xã hội, để cho con người tuân thủ pháp luật một cách tự giác thì cần làm cho họ hiểu được sự cần thiết và lợi ích xã hội của các quy định pháp luật. Từ đó hình thành thái độ tôn trọng pháp luật và định hướng cho các hành vi pháp luật của các cá nhân trong đời sống xã hội. Luật pháp muốn có hiệu lực, hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền, bằng cưỡng chế thì còn cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và của tinh thần, pháp luật phải được con người nhận thức như là cái cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự kính trọng đối với pháp luật[1]. Đó cũng chính là mục đích, yêu cầu cơ bản của giáo dục pháp luật đối với mọi cá nhân nói chung và trẻ em nói riêng. Giáo dục pháp luật là một yếu tố có vai trò chủ đạo của quá trình hình thành ý thức pháp luật ở cá nhân con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”[2]. Việc giáo dục pháp luật nhằm mục đích cung cấp cho các cá nhân những tri thức pháp luật cần thiết, xây dựng tình cảm, thái độ tôn trọng và hành vi tích cực pháp luật trong cuộc sống hàng ngày.
Giữa tri thức và tình cảm pháp luật có mối liên hệ mật thiết. Sự am hiểu pháp luật đóng vai trò quan trọng cho việc đảm bảo sự hình thành và phát triển ý thức pháp luật, hình thành hành vi tích cực pháp luật ở mỗi con người. Khi xác định mục đích của giáo dục pháp luật, điều cần lưu ý là am hiểu tri thức pháp luật không phải là sự am hiểu đơn thuần một vài quy phạm pháp luật nào đó mà là sự am hiểu ý nghĩa của pháp luật, giá trị đạo đức, nhân văn của pháp luật. Thông qua giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, trẻ em biết phân biệt được cái đúng, cái sai, điều hay, lẽ phải, hành vi hợp pháp hay không hợp pháp, hợp đạo đức hay không hợp đạo đức. Kết hợp giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức gắn với trang bị, thực hành các kỹ năng sống cho trẻ em chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật cho trẻ em ở nước ta hiện nay. Như vậy, việc kết hợp giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức không chỉ là một khẩu hiệu, một “chủ trương” phải triển khai mà là một nhu cầu nội sinh của bản thân hoạt động giáo dục pháp luật.
 Ba mục đích cơ bản của giáo dục pháp luật: trang bị tri thức, xây dựng tình cảm, thái độ đúng đắn và hành vi hợp pháp thực tế cho thấy chỉ có thể có được và bền vững khi được kết hợp với giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho mọi đối tượng đặc biệt là trẻ em. Từ trước đến nay, khi đề cập đến giáo dục pháp luật, đến các hành vi pháp luật, thông thường người ta chỉ nhấn mạnh, quan tâm đến “các hành vi vi phạm pháp luật”, và làm sao để giảm hoặc không có vi phạm pháp luật xảy ra. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, song, còn mặt thứ hai của “hành vi pháp luật” đó là hành vi hợp pháp, bởi lẽ, hành vi pháp luật là thể thống nhất của hai mặt đối lập là hành vi hợp pháp và hành vi vi phạm pháp luật[3]. Hành vi hợp pháp là hành vi được thực hiện trên cơ sở ý thức về các yêu cầu của pháp luật, yêu cầu của đạo đức, là sự biểu hiện văn hoá và kinh nghiệm cuộc sống của con người. Đối với các em, kỹ năng cuộc sống mà họ được trang bị, tập huấn, giáo dục thường xuyên trong các bài học chính khóa, ngoại khóa, trong các sinh hoạt cộng đồng, gia đình, đoàn thể là điều kiện không thể thiếu được để hình thành ý thức pháp luật, ý thức đạo đức đúng đắn giúp họ tự bảo vệ mình và tiến bộ. Vấn đề quan trọng là phải làm cho các em hiểu được ý nghĩa xã hội, giá trị xã hội của các quy định pháp luật, của những hành vi hợp pháp và tuân thủ nó một cách tự nguyện, chứ không chỉ vì sợ chế tài pháp luật. Ví như tự giác đội mũ bảo hiểm khi tham giao thông không phải chỉ vì sợ cảnh sát, sợ bị phạt mà là trước hết là vì lợi ích của chính bản thân mình. Hành vi hợp pháp là kết quả của quá trình hình thành nhân cách dưới tác động mạnh mẽ của môi trường xã hội.
Do vậy, trong giáo dục pháp luật cho trẻ em, không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các quy định pháp luật và chỉ rõ các chế tài xử lý nếu vi phạm mà quan trọng hơn là nêu ý nghĩa của các quy định đó. Chẳng hạn, trong giáo dục về luật giao thông đường bộ, luật bảo vệ môi trường, cần nêu rõ cho các em hiểu được ý nghĩa, lợi ích của các quy định đó và do vậy, vì sao phải tôn trọng và chấp hành. Tôn trọng pháp luật cần được hiểu như tôn trọng các giá trị cuộc sống của bản thân mình và của mọi người. Để làm được điều này, nhất thiết phải thông qua các chương trình lồng ghép giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em.
Tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của trẻ em đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và hậu quả. Một trong những nguyên nhân, đó là công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và nhất là giáo dục kỹ năng sống còn yếu kém. Các bài học về giáo dục đạo đức trong các nhà trường còn nặng về lý thuyết, ít gắn với thực tiễn đời sống và thường là theo lối độc thoại, học sinh phải học thuộc lòng một cách gò bó, từ đó tạo tâm lý không hứng thú, ít thấy ý nghĩa thiết thực. Vấn đề này hiện nay đã bắt đầu được quan tâm thỏa đáng hơn. Gần đây Công đoàn ngành giáo dục đã phát động cuộc thi với chủ đề “ Các tình huống pháp luật và đạo đức" nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đối với công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức trong nhà trường, nâng cao chất lượng của công tác này. Qua khảo sát thực tế của Viện nghiên cứu Môi trường và các vấn đề xã hội, ở một số trường học, có đến gần 80% học sinh, sinh viên chưa được giáo dục kỹ năng sống, hầu hết các em lúng túng trong việc trả lời về xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Điều này rất dễ dẫn đến những cách xử sự sai lệch và xu hướng tiêu cực, thậm chí dùng bạo lực để giải tỏa[4].
Giáo dục ý thức pháp luật và ý thức đạo đức cho trẻ em chỉ đạt hiệu quả cao trong môi trường xã hội - pháp lý lành mạnh. Một đứa trẻ có phẩm chất đạo đức tốt nhưng nếu rơi vào một môi trường thuận lợi của hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức thì sẽ có nguy cơ vi phạm pháp luật và đạo đức cao hơn. Mục đích của xây dựng môi trường xã hội – pháp lý là tăng cường các hành vi hợp pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục pháp luật; giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lãnh đạm, thiếu hay mất niềm tin vào pháp luật. Theo điều tra xã hội học, người dân thường nắm những yêu cầu chung của pháp luật mà ít biết các quy phạm pháp luật cụ thể; nhưng trong nhiều trường hợp, tuy không nắm được quy định cụ thể nào đấy nhưng do họ hành động theo nếp sống xã hội nên không vi phạm pháp luật[5]. Hiệu quả đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật sẽ được nâng cao nếu như xã hội và nhà nước quan tâm xây dựng môi trường xã hội – pháp cho những hành vi hợp pháp, hợp đạo đức và đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.
Mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho các em, trong đó có chất lượng đời sống pháp luật và đạo đức. Bản thân chất lượng đời sống đạo đức và pháp luật của trẻ em lại phụ thuộc vào đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của các em và của những người xung quanh. Nhiều năm qua, các địa phương cũng đã áp dụng một số mô hình quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ em có hành vi trái pháp luật. Điều này là cần thiết song cần mở rộng hơn bởi lẽ vấn đề bảo vệ các quyền trẻ em không chỉ dừng lại đối với những trẻ em đã có hành vi trái pháp luật. Điều này cũng xuất phát từ một thực tế là khi nhận thức, khi bàn về pháp luật nói chung, hành vi pháp luật nói riêng thường chúng ta mới chỉ chú trọng đến các hành vi vi phạm pháp luật mà còn chưa có sự quan tâm đầy đủ đến các hành vi hợp pháp.
Hành vi hợp pháp không đơn thuần chỉ là những hành vi không vi phạm pháp luật. Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, do vậy, không chỉ hướng tới việc các em không làm trái pháp luật mà còn giúp các em có ý thức về các quyền, lợi ích chính đáng của mình và biết cách tự bảo vệ mình. Theo chúng tôi, cần phải xây dựng một hệ thống quản lý trẻ em, chính xác hơn là hệ thống quản lý việc giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các cộng đồng dân cư nơi các em sinh sống, học tập. Có như vậy mới khắc phục được những hạn chế, bất cập, phiến diện trong công tác này. Tham gia vào hệ thống quản lý này chính là các gia đình, đoàn thể, nhà trường, chính quyền nay tại các cộng đồng dân cư. Hoạt động của các mô hình quản lý trẻ em được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc kết hợp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em với các hình thức, phương pháp phong phú và phù hợp.    
Hiện nay, hiện tượng trẻ em tụ tập thành băng nhóm, tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp, đánh nhau, trộm cắp, cướp giật, vi phạm luật giao thông, đua xe trái phép, vô lễ với thầy, cô giáo và người thân trong gia đình, lối sống đua đòi, vị kỷ, buông thả thậm chí giết người kể cả bạn bè cùng lớp và người thân trong gia đình xảy ra đến mức báo động. Một trong những nguyên nhân chính đó là sự buông lỏng, sự yếu kém trong giáo dục, quản lý giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, xã hội.
Do vậy, đổi mới công tác giáo dục pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nó trước hết đó là phải kết hợp cả “ba trong một” – giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống. Nhưng cũng không nên quan niệm giản đơn rằng, đây chỉ là một sự lắp ghép cơ học ba yếu tố hình thức giáo dục đó. Giáo dục pháp luật chỉ có ý nghĩa thật sự khi kết hợp với giáo dục đạo đức và ngược lại. Nhưng sẽ là lý luận thuần túy, tách rời cuộc sống nếu không dựa trên những tình huống pháp luật, tình huống đạo đức cụ thể trong cuộc sống của trẻ em. Tình huống và các kỹ năng xử lý trước các tình huống đó chính là nội dung của giáo dục kỹ năng sống dựa trên các tiêu chí của đạo đức và pháp luật. Chúng ta cần thiết phải xây dựng lại, phải đổi mới các chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức hiện hành và kết hợp với các kiến thức về kỹ năng sống và các tình huống pháp luật, đạo đức. Để có một chương trình như vậy, cần phải có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực: pháp luật, tâm lý, giáo dục, y tế; đoàn thể v.v... Đặc biệt là đội ngũ giáo viên, cộng tác viên, tình nguyện viên phải có kiến thức, kỹ năng và tâm huyết nghề nghiệp. Bản thân đội ngũ những người làm công tác này cũng phải được trang bị, đào tạo bài bản thì mới có thể thực hiện tốt được một chương trình giáo dục lồng nghép, tích cực nhưu đã đề cập. Ngoài đội ngũ giáo viên ở các trường học đảm nhiệm các môn học giáo dục pháp luật, giao dục đạo đức như lâu nay, chúng ta cần nhân rộng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội như tại nhiều quốc gia khác. Công tác xã hội do vậy phải được coi như một nghề mang lại nhiều lợi ích xã hội trong đó có việc giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em./. 
 

 


[1] Đavưđốp, Dưới lăng kính triết học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, bản dịch tiếng Việt, tr. 185-186.
2 Hồ Chí Minh toàn tập, T3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 383.
[3] Xem, Hoàng Thị Kim Quế, Đa dạng hành vi pháp luật và xây dựng môi trường pháp lý – xã hội cho những hành vi hợp pháp, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8/2005, tr. 30-35.
[4] Xem: http://thethaovanhoa.vn/397N2009112601268899T374/vi-pham-phap-luat-o-tre-vi-thanh-nien-gia-tang-do-thieu-ky-nang-song.htm
 
[5] Xem, Thanh Lê, Xã hội học pháp luật và xã hội học tội phạm, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, tr. 18 – 20.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 20(181), tháng 10/2010)