Xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh: Những bất cập và giải pháp

01/09/2010

ThS. TRỊNH ANH TUẤN

Cục quản lý cạnh tranh Bộ công thương.

Xăng dầu luôn được coi là một loại hàng hóa đặc biệt quan trọng, là “máu huyết” của nền kinh tế quốc dân và quốc phòng. Biến động giá xăng dầu có tác động lớn đến hầu hết các ngành nghề và người dân trong xã hội, trong đó trực tiếp là các ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, khai mỏ, sản xuất điện, xi măng, tiêu dùng sinh hoạt... chưa kể tới hàng loạt các lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp.Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay đối với dư luận xã hội là cơ chế quản lý giá bán lẻ xăng dầu. Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu(Nghị định 84), quản lý giá bán xăng dầu được thực hiện trên nguyên tắc cơ chế thị trường với sự quản lý của nhà nước, nhưng hiện nay thị trường xăng dầu thực chất vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường.
Untitled_820.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những bất cập trên thị trường xăng dầu
 Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện vẫn chưa hoàn toàn có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản quy định
Để đảm bảo ổn định mặt bằng giá, tránh những xáo trộn lớn về giá cả ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng, mặt bằng giá xăng dầu được Nhà nước giữ tương đối ổn định trong những khoảng thời gian tương đối dài, bất chấp thị trường có biến động lớn. Nhà nước can thiệp vào giá cả xăng dầu thông qua các công cụ tài chính. Khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp, giá bán xăng dầu trong nước thường không được điều chỉnh xuống theo, mà giữ nguyên để tăng phần thu của Nhà nước thông qua tăng thuế suất thuế nhập khẩu và các khoản thu khác, thậm chí để doanh nghiệp có thể bố trí trả những khoản được Nhà nước “bù lỗ” trước đó. Ngược lại, khi giá thị trường thế giới lên cao, giá trong nước lại chỉ được điều chỉnh lên ít hơn và Nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu, thậm chí còn phải hỗ trợ tài chính (bù lỗ) thông qua quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp.
Nói cách khác là hiện nay, việc định giá bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp. Điều này đã làm bóp méo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu. Trong trường hợp có sự biến động về giá xăng dầu trên thị trường thế giới, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều rơi vào thế bị động.
Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu là rất thấp
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong cạnh tranh là phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng về giá. Nghịch lý cho thấy, mặc dù giá vốn của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác nhau; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện kinh doanh; lãi, lỗ của các doanh nghiệp này cũng khác nhau, nhưng trên thực tế, hệ thống phân phối bán lẻ của nước ta vẫn là hệ thống cửa hàng “một giá”. Như vậy, các doanh nghiệp không có sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu. Điều này đã làm triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu của Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến lợi ích của người tiêu dung.
Bên cạnh đó, những bất cập về cấu trúc thị trường cũng là một vấn đề lớn gây nên bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay. Trong khi hệ thống phân phối vươn rộng khắp cả nước với 344 tổng đại lý, 4.632 đại lý và hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ, có sự góp mặt đa dạng của các thành phần kinh tế, thì ở phân khúc nhập khẩu xăng dầu chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia, đều là doanh nghiệp nhà nước. 10 doanh nghiệp là xét về số lượng, còn trên thực tế, thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đang bị chi phối bởi Petrolimex.
Bảng 1.
Thị phần nhập khẩu sản phẩm xăng 2006-6T/2009
 
ĐVT: triệu USD
 
 
2006
2007
2008
6T/2009
 
Toàn thị trường
1,764
100.0%
2,326
100.0%
3,266
100.0%
1,146
100.0%
1
Petrolimex
1,113
63.1%
1,433
61.6%
1,941
59.4%
638
55.7%
2
SaigonPetro
180
10.2%
217
9.3%
289
8.9%
142
12.4%
3
Petec
211
12.0%
245
10.5%
314
9.6%
82
7.2%
4
PV Oil
94
5.3%
206
8.9%
291
8.9%
96
8.4%
5
Mipeco
85
4.8%
111
4.8%
168
5.2%
58
5.0%
6
Các DN khác
80
4.6%
115
5.0%
262
8.0%
130
11.4%
Nguồn: Báo cáo đánh giá cạnh tranh trên thị trường xăng dầu Việt Nam - Cục Quản lý cạnh tranh.
Nhìn vào Bảng 1 ta có thể thấy, xét về tổng quan thị trường thì Petrolimex là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nhập khẩu xăng (mức thị phần gần 60%). Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm ở đây là ngoài Petrolimex, nhóm doanh nghiệp còn lại trên thị trường có quy mô và thị phần tương đối nhỏ so với Petrolimex (có thị phần khoảng trên dưới 10%) nên rất khó để các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh bình đẳng với Petrolimex. 
Box
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A chỉ ra rằng, chúng ta “mang tiếng” là có tới 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, tưởng chừng số lượng rất lớn nhưng chẳng thấy cạnh tranh ở đâu, thị trường ở đâu. Đập vào mắt người tiêu dùng hiện nay vẫn chỉ là những tín hiệu “phi thị trường”mà xuất phát từ chính cơ chế. Nghịch lý ấy là, dù giá vốn của 11 doanh nghiệp khác nhau, lãi, lỗ của từng doanh nghiệp là khác nhau nhưng họ vẫn bán chung một mức giá giống nhau.
Hệ thống phân phối bán lẻ của ta cũng đã bung ra tới 10.000 cửa hàng nhưng vẫn là hệ thống “một giá”. “Tôi đi nhiều nước, có để ý chuyện bán xăng thì thấy, cửa hàng này một giá, cửa hàng kia là giá khác”, ông Nguyễn  Quang A nói.
Theo ông, cái một giá này, bây giờ là Nhà nước đang ấn định. Còn mai sau, 11 doanh nghiệp mà tự định giá và thị trường vẫn chỉ có một giá, thì đó là dấu hiệu câu kết, là việc làm thủ tiêu sự cạnh tranh của thị trường. Đó là điều mà luật của Việt Nam nghiêm cấm.
Ngoài ra, tín hiệu phi thị trường khác do lịch sử ngành xăng dầu để lại, đó là tỷ lệ 57% thị phần do Petrolimex nắm giữ, 10 doanh nghiệp còn lại chia nhau, nắm 43% thị phần. Với tỷ lệ này thì Luật Cạnh tranh đã quy định là vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền. Trên thực tế, mọi tín hiệu điều chỉnh giá hiện nay đều phải chờ động thái của “ông anh cả” này.
Thế nhưng, Liên Bộ Tài chính-Công thương, các nhà soạn thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu hơn một lần, vẫn khẳng định, tỷ lệ ấy không ảnh hưởng gì tới quá trình thị trường hóa xăng dầu.
 
Xem: Th trường xăng dầu cạnh tranh, đừng kỳ vọng. Nguồn http://vietnamnet.vn
/kinhte chinhsach/2009/10/ 871363/
 Rào cản gia nhập thị trường xăng dầu là quá cao
Một trong những thước đo rào cản thị trường là số lượng doanh nghiệp trên thị trường, số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường theo thời gian. Bảng dưới đây thống kê số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây.
Bảng 2.
Số lượng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối qua các năm 2001-2010
Năm
Trước 2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
2008
2009
Số DN gia nhập
11
0
0
0
0
0
0
1
0
Số DN rút lui
0
0
0
0
0
0
0
2
0
Tổng DN
trên thị trường
11
11
11
11
11
11
11
10
10
Nhìn vào bảng trên có thể thấy, sự thay đổi về số lượng doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong 10 năm gần đây là hầu như không có. Trên thực tế chỉ có duy nhất hai sự thay đổi năm 2008, khi Công ty Petechim và Công ty PDC hợp nhất trở thành Công ty PVOil và năm 2010 khi Công ty Petec bị sáp nhập vào công ty PVOil. Việc hợp nhất và sáp nhập này về cơ bản không tăng thêm doanh nghiệp mới cho thị trường và cũng không làm mất đi các nhân tố hiện tại trên thị trường. Như vậy có thể thấy, thị trường nhập khẩu xăng dầu có rào cản rất cao và khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới là không có. Vậy đâu là câu trả lời cho việc không có các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường xăng dầu?
- Chi phí đầu tư ban đầu để gia nhập thị trường xăng dầu là tương đối lớn. Theo Điều 7 Nghị định 84/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn tham gia xuất nhập khẩu xăng dầu cần thỏa mãn những điều kiện sau về quy mô (có thể sở hữu hoặc thuê từ năm năm trở lên):
+ Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn;
+ Có kho tiếp nhận dung tích tối thiểu 15.000 m3;
+ Có phương tiện vận tải chuyên dụng;
+ Có ít nhất 10 cửa hàng bán lẻ;
+ Có ít nhất 40 đại lý bán lẻ.
Xem xét những điều kiện pháp luật quy định, có thể thấy, hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đòi hỏi một sự đầu tư lớn, chỉ những doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh mới có thể đáp ứng, điều này cũng đặt ra một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bằng nguồn vốn tự huy động có thể xây dựng và tạo lập một cơ sở hạ tầng theo quy định để chen chân vào hình thức kinh doanh xăng dầu này. Như vậy, có thể kết luận, chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường nhập khẩu xăng dầu.
- Một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp tiềm năng trên thị trường nhập khẩu xăng dầu là việc tồn tại hợp đồng độc quyền giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và các nhà phân phối (kể cả bán buôn và bán lẻ). Điều đáng ngạc nhiên là những hợp đồng độc quyền này lại bắt nguồn từ các quy định pháp luật (Điều 17 Nghị định số 55 trước đây và Nghị định 84 hiện nay). Theo đó, mỗi thương nhân trong chuỗi kinh doanh xăng dầu chỉ được phép mua sản phẩm từ một thương nhân duy nhất ở tuyến trước. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp mới không có khả năng gia nhập thị trường ở những phân khúc đã bão hòa (đối với các thị trường khác, một doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả vẫn có thể gia nhập thị trường đã bão hòa bằng cách lấy bớt thị phần của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hơn). Trong khi đó, thị trường phân phối xăng dầu gần như đã bão hòa tại các phân khúc thị trường chủ chốt và lợi nhuận cao.
Tuy quy định trên xuất phát từ mục tiêu đảm bảo trách nhiệm về chất lượng của các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, nhưng tính hạn chế cạnh tranh của quy định như vậy là quá cao và triệt tiêu động cơ cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối. Vì vậy, đây là một rào cản chiến lược quan trọng đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường.
- So với các loại hàng hóa khác, kinh doanh xăng dầu là một ngành đặc thù, đòi hỏi phải đáp ứng những quy định của pháp luật về chủ thể kinh doanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ nhân viên cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.
Hiện nay kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật bao gồm các hoạt động: xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu); nhập khẩu; sản xuất và phân phối. Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân sản xuất xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Mỗi hình thức kinh doanh xăng dầu đều có các quy định khác nhau nhằm đảm bảo một trật tự nhất định đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Đây cũng là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường.
2. Một số giải pháp
Nhằm khắc phục những tồn tại của thị trường xăng dầu, cải thiện môi trường cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị sau:
- Thúc đầy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường thông qua việc hạn chế sự can thiệp của Nhà nước
Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh về giá bán của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Muốn vậy, nên giao quyền quyết định giá bán lẻ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để họ điều tiết thị trường, để tạo được sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đến từng đại lý, cửa hàng, cây xăng…
Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường trong điều kiện thị trường khủng hoảng, hoặc có những sự biến động mạnh về giá trên thị trường thế giới (ví dụ, năm 2008, trong một đêm, giá đã tăng vài chục USD/thùng; hay khi giá rơi tự do, giảm sâu; hoặc có biểu hiện mất cân đối về cung - cầu) nhưng vẫn phải minh bạch. Còn trong hoàn cảnh nền kinh tế phát triển bình thường, nên trao cho doanh nghiệp quyền chủ động quyết định giá bán phù hợp với cung - cầu và biến động của thị trường thế giới. Nhà nước chỉ nên can thiệp ở mức độ hợp lý thông qua các công cụ điều tiết như quy hoạch, thuế, các loại chi phí, các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường hoặc sử dụng kho dữ trữ xăng dầu quốc gia chứ không phải bằng các thủ tục hành chính hay các ràng buộc mức tăng giảm và tần suất tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Các cơ quan quản lý, trong đó có các cơ quan quản lý cạnh tranh phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm này.
- Cấu trúc lại thị trường xăng dầu
Để đảm bảo sự cân đối của thị trường và tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chúng tôi khuyến nghị cấu trúc lại thị trường xăng dầu theo hướng:
a)Phân định lại quyền sở hữu hệ thống cầu cảng, kho tiếp nhận, thiết bị vận chuyển chuyên dụng
Chi phí đầu tư ban đầu để gia nhập thị trường xăng dầu là tương đối lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đầu tư các cầu cảng, kho tiếp nhận, thiết bị vận chuyển chuyên dụng. Trong khi hiện nay, do lịch sử để lại, một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối lớn như Petrolimex đang sở hữu phần lớn hệ thống này. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các doanh nghiệp khác. Do vậy, việc phân định lại quyền sở hữu hệ thống kho/cảng, bến bãi, hệ thống thiết bị vận chuyển và phân phối xăng dầu theo hướng tách phần sở hữu hệ thống này ra cho một doanh nghiệp độc lập quản lý và khai thác sẽ tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Khi đó, các doanh nghiệp khó có cơ hội tận dụng lợi thế nhờ sở hữu các hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật này và phải thuê bình đẳng như các doanh nghiệp khác trên thị trường. Khi lợi thế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng ngang bằng nhau giữa các doanh nghiệp, họ phải tận dụng các lợi thế cạnh tranh khác như khai thác công nghệ, nâng cao chất lượng, dịch vụ để có thể cạnh tranh trên thị trường
b) Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối
Với việc cả 10 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước thì sức ỳ của các doanh nghiệp này là rất lớn, đồng nghĩa với sức cạnh tranh của thị trường là không cao. Vì thế, một mặt để tận dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời làm thu hẹp khoảng cách về thị phần giữa các doanh nghiệp nhằm tạo sự cân đối trên thị trường nhập khẩu xăng dầu, tăng động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị nên giảm số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối bằng cách cho sáp nhập một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có thị phần nhỏ lại với nhau.
Tháng 2/2010, Công ty Petec đã được sáp nhập vào Công ty PVOIL và như vậy, thị phần của công ty PVOIL trên một số thị trường liên quan đã tăng trên dưới 20%. Ví dụ, sau khi sáp nhập, trong thị trường phân phối dầu Diezel, thị phần của Công ty PVOIL đã tăng lên 23,6%, trong khi thị phần của Petrolimex trên thị trường này là khoảng 46%. Như vậy khoảng cách thị phần giữa Petrolimex với nhóm các doanh nghiệp còn lại đã giảm đi đáng kể.
Một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia cũng chỉ có vài ba đầu mối nhập khẩu, nhưng tính cạnh tranh rất cao. Do đó, chỉ cần vài ba doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh quốc tế, thì sẽ đảm bảo có được một thị trường cạnh tranh thực sự.
- Giảm rào cản gia nhập thị trường để thị trường để khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia kinh doanh bán buôn/bán lẻ xăng dầu
Quy định mới của Chính phủ về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu cho phép thương nhân chỉ cần là doanh nghiệp (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước) đều được cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh phân phối xăng dầu như có kho bể dung tích tối thiểu 5.000m3, có tối thiểu năm cửa hàng bán lẻ, 20 đại lý bán lẻ xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn…
Để tạo lập một sân chơi cạnh tranh, Nhà nước cần tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn với việc xóa bỏ rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối của mình trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển ngành xăng dầu nói chung, từ đó tích tụ để tạo ra nhân tố mới, cân bằng thị trường xăng dầu hiện nay với lợi thế đang nghiêng hẳn về phía Petrolimex./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(178), tháng 9/2010)