Chúng ta cần Hiến pháp hay Chủ nghĩa Hiến pháp/Chủ nghĩa Hợp hiến

01/07/2013

GS. TS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

ThS. NGUYỄN ĐĂNG DUY

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những tháng gần đây, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ mười một, mọi ngành, mọi cấp đang ra sức tổ chức các hội nghị nhằm tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị nhằm sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 1992. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng, chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc cần phải sửa đổi các chế định cụ thể của Hiến pháp, hơn là việc hiểu Hiến pháp và Chủ nghĩa Hiến pháp.
Hiến pháp  là bản văn quy định thể chế Nhà nước, để có tác dụng làm cho mọi người hạnh phúc hơn. Đó là vị trí vai trò chức năng quan trọng đầu tiên của nhà nước. Sự xuất hiện nhà nước như là một cứu cánh cho việc diệt chủng của loài người, nếu như loài người vẫn đi theo đường của chế độ xã hội thị tộc nguyên thủy. Nhưng với tư cách là công cụ duy nhất của việc gìn giữ trật tự công cộng. Việc vi phạm nằm ngay ở trách nhiệm khả năng phải thi hành nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng của nhà nước. Vì vậy bên cạnh việc có trách nhiệm làm cho người dân hạnh phúc hơn, cũng có lúc Nhà nước làm cho người đau khổ hơn. Làm sao thoát khỏi tình trạng vô Chính phủ, mà lại không sa vào sự chuyên chế? Làm cách nào ấn định đủ quyền lực cho người cầm quyền, mà vẫn không sa vào việc lạm dụng quyền lực nhà nước. Giải pháp cho vấn nạn này là thuyết Hiến pháp trị tức là chủ nghĩa Hiến pháp[1].
Untitled_472.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Chủ nghĩa Hiến pháp trong tiếng Anh là Constitutionalism; có người dịch là chủ nghĩa hợp hiến, có người dịch là “chủ nghĩa hiến pháp”, có người dịch là “chủ nghĩa lập hiến”. Theo quan điểm của tôi, dịch là “chủ nghĩa hiến pháp” đúng hơn, bao quát hơn. Nội hàm của khái niệm “chủ nghĩa” đang là một trong những vấn đề rất lớn trong lý luận của khoa học pháp lý hiện nay ở Việt Nam. Từ điển Bách khoa định nghĩa: Chủ nghĩa là học thuyết hay một hệ thống lý luận về chính trị, triết học, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật thể hiện bằng quan niệm, quan điểm, lập trường, khuynh hướng, phương pháp luận, phương pháp sáng tác… do một người hoặc một tập thể các nhóm người đề xướng[2]. Từ điển Chính quyền và Chính trị Hoa Kỳ của Jay M. Shafritz ghi:“Chủ nghĩa Hiến pháp là sự phát triển của những tư tưởng hợp hiến qua nhiều thời đại. Trong khi lý luận cổ điển về hiến pháp thường phải quay về với những tư tưởng của Aristotle, thì của lý luận hiến pháp hiện đại lại xuất phát từ những tư tưởng khế ước xã hội thế kỷ 17. Những biểu hiện đặc trưng của hiến pháp là khái niệm về một Chính phủ hữu hạn mà thẩm quyền tối hậu của nó luôn luôn phải tuân thủ sự đồng ý của những người bị cai trị”.[3]
Chính phủ hiến pháp bắt nguồn từ những ý tưởng chính trị tự do ở Tây Âu và Hoa Kỳ là hình thức bảo vệ quyền cá nhân đối với sinh mạng và tài sản, tự do tôn giáo và ngôn luận. Ðể bảo đảm những quyền này, những người soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh kiểm soát đối với quyền lực của mỗi ngành trong Chính phủ, bình đẳng trước pháp luật, tòa án công bằng và tách biệt nhà thờ khỏi nhà nước. Những đại biểu điển hình của truyền thống này là nhà thơ John Milton, luật gia Edward Coke và William Blackstone, các chính khách như Thomas Jefferson và James Madison, và những triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, Adam Smith, Baron de Montesquieu, John Stuart Mill.
Chính phủ hợp hiến hiện đại gắn bó chặt chẽ với kinh tế và quyền lực của túi tiền, do ý tưởng cho rằng, những ai đóng thuế cho Chính phủ hoạt động phải được đại diện trong Chính phủ đó. Nguyên tắc cung cấp kinh tế và giải quyết khiếu nại đi đôi với nhau là yếu tố mấu chốt của Chính phủ hợp hiến hiện đại; sự phát triển của các thể chế đại diện và tinh thần đoàn kết dân tộc đối lập với sự tuân thủ tượng trưng đối với nhà Vua và tòa án, đã hạn chế có hiệu quả trên thực tế quyền lực của nhà Vua.
Trật tự hợp hiến của xã hội Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng sự nhất trí của công dân tự do và có lý trí, thể hiện trong biểu tượng "khế ước xã hội" làm cơ sở để đạt được những mục đích nhất định. Thuyết "khế ước xã hội" cực thịnh ở châu Âu thế kỷ 17 và 18, gắn liền với tên tuổi nhà triết học Anh Thomas Hobbes, John Locke và nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau. Những nhà tư tưởng này đã giải thích nghĩa vụ chính trị của các cá nhân đối với cộng đồng trên cơ sở lợi ích và lý trí, và họ cũng nhận thức rõ những lợi thế của xã hội dân sự nơi mà cá nhân có cả quyền và nghĩa vụ so với những bất lợi của "nhà nước tự nhiên", một giả thuyết về sự vắng mặt hoàn toàn của quyền lực Chính phủ. Ý tưởng "khế ước xã hội" phản ánh nhận thức cơ bản rằng, một cộng đồng chứ không chỉ là một Chính phủ khả thi phải được thiết lập nếu có một Chính phủ tự do và nếu con người được bảo vệ chống lại sự tấn công của những ham muốn đồng nghĩa với tình trạng hỗn loạn, bạo ngược và nổi loạn chống lại trật tự hợp lý sẵn có. Trong tạp chí “Người theo chủ nghĩa liên bang” (số 2), John Jay lập luận rằng, cá nhân có thể từ bỏ một số quyền tự nhiên cho xã hội nếu Chính phủ có quyền lực cần thiết để bảo vệ lợi ích chung. Kết quả là sự tham gia của công dân vào nền dân chủ hợp hiến đi kèm với trách nhiệm tuân thủ luật pháp và các quyết định của cộng đồng trong các vấn đề chung, thậm chí khi cá nhân bất đồng gay gắt. Aristotle và Spinoza đều cho rằng, cả "kẻ súc sinh" tức là tội phạm vô Chính phủ, và "kẻ bề trên" tức sẽ trở thành nhà độc tài, đều sử dụng luật pháp theo ý mình và phải bị khuất phục hay tẩy chay khỏi xã hội. Hobbes, Locke và những nhà sáng lập nước Mỹ đều đồng ý như vậy. Ðây là điều kiện tiên quyết của xã hội dân sự. Luật pháp và chính sách của Chính phủ hợp hiến không chỉ bị giới hạn về phạm vi mà còn dựa trên sự nhất trí nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân nói chung, và từng cá nhân nói riêng, trong xã hội đó.
Các yếu tố của Chủ nghĩa Hiến pháp - Chính quyền bị giới hạn quyền lực gồm:i. Chính quyền phù hợp với Hiến pháp; ii. Phân quyền; iii. Chủ quyền thuộc về nhân dân, iv. Tư pháp độc lập và có tòa án Hiến pháp; v. Luật dân quyền/quyền con người; vi. Kiểm soát cảnh sát; vii. Quân đội nằm dưới điều khiển của dân sự; viii. Không 1 thế lực nào đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn thể hiến pháp.[4]
Trong chủ nghĩa Hiến pháp phải có Hiến pháp. Nội dung của Hiến pháp phải chứa đựng 2 nội dung căn bản: Nội dung thứ nhất: Phân quyền. Có thể là phân quyền mềm dẻo tạo nên chế độ đại nghị, có thể là phân quyền cứng rắn: Chế độ tổng thống; hoặc sự phối kết hợp giữa hai loại phân quyền nói trên tạo thành chính thể hỗn hợp.
 Nội dung thứ hai là Nhân quyền. Nội dung này có thể quy định ngay trong phần chính văn, hoặc quy định trong một văn bản riêng. Thực tiễn hiện nay là hiến pháp phải bảo vệ nhân quyền và tòa án hiến pháp đặc biệt phải đóng vai trò chính trong việc bảo vệ đó. Lời Nói đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ đề cập đến một trật tự chính trị mới ở Hoa Kỳ dựa trên những nguyên tắc sau: thiết lập một liên minh hoàn hảo hơn, cung cấp sự bảo vệ chung, thiết lập công lý, đảm bảo quyền tự do cho thế hệ hiện nay và mai sau. Trước đó, Tuyên ngôn Độc lập cũng đã nói đến "quyền bất khả nhân nhượng" như là quyền tự nhiên của con người và Chính phủ không thể tước đoạt những quyền đó. Việc làm thế nào để bảo đảm tốt nhất công lý và quyền tự do, hồi đó cũng như bây giờ, đã gây ra những bất đồng gay gắt giữa các đảng. Khi được sơ thảo và trình cho các bang thông qua, Hiến pháp không nói đến quyền cá nhân. Lời giải thích cho sự bất thường này, các nhà soạn thảo cho rằng, quyền lực của Chính phủ quốc gia mới thành lập bị giới hạn cẩn thận đến mức các quyền cá nhân không cần có biện pháp bảo vệ thêm. Những người soạn thảo cho rằng, Dự thảo Hiến pháp đã chứa đựng một cơ chế bảo vệ nhân quyền, mà không cần thiết phải có các quy định về nhân quyền trong Hiến pháp. Các quyền lực nhà nước được quy định một cách rạch ròi theo nguyên tắc phân quyền và kèm theo là một hệ thống kìm chế đối trọng (checks and balance) giữa các nhánh quyền lực, thì không có cơ hội cho việc vi phạm nhân quyền. Hơn nữa, những người theo chủ nghĩa liên bang khác lập luận rằng, liệt kê thêm các quyền sẽ kéo theo thêm trách nhiệm pháp lý, tức là những quyền được coi là cơ bản nhưng chưa định rõ sẽ dễ bị Chính phủ xâm phạm.
Mục đích của việc quy định nhân quyền trong Hiến pháp là rút bớt một số chủ đè nhất định ra khỏi các cuộc tranh cãi chính trị, đặt chúng ra ngoài tầm với của các nhóm người và quan chức nhà nước. coi chúng là những nguyên tắc pháp lý mà tòa án phải áp dụng. Quyền con người được sống, được tự do, được sở hữu, được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và các quyền cơ bản khác không thể là kết quả của việc bỏ phiếu, chúng không phụ thuộc vào bất kỳ cuộc bầu cử nào.[5]
Chủ nghĩa Hiến pháp /Constitutionalism không đồng nghĩa với bản Hiến pháp/Constitution, nếu như bản hiến pháp không có những nội dung cấu thành của chủ nghĩa Hiến pháp như không có phân quyền, không có nhân quyền, không có tư pháp độc lập và nhất là bản hiến pháp đó không được tổ chức thực thi trong thực tế, thì ở những quốc gia đó có Hiến pháp, nhưng không có chủ nghĩa Hiến pháp. Ngược lại ở nhà nước Anh quốc mặc dù không có hiến pháp thành văn, nhưng trên thực tế với tập tục tôn trọng thực tế, và quá khứ, những gì ăn sâu vào tiềm thức hành vi của người Anh thì rất khó thay đổi. Họ luôn luôn tôn trọng quá khứ, luôn luôn tuân thủ hiến pháp bất thành văn của họ. Đấy là tinh thần của chủ nghĩa Hiến pháp bắt nguồn từ xưa của những đạo luật thành văn và bất thành văn được hình thành từ những năm giữa thiên niên kỷ trước cho đến nay vẫn không thay đổi như: Luật đình quyền giam giữ Habeas Corpus Act 1640, The Bill of Rights 1689…
Điểm khác cơ bản ở đây giữa chủ nghĩa Hiến pháp và Hiến pháp ở hai điểm: i. Hiến pháp ở chủ nghĩa Hiến pháp là bản hiến pháp có mục tiêu hạn chế quyền lực nhà nước, nên nội dung của Hiến pháp phải chứa đựng sự phân quyền và nhân quyền; ii. Nội dung của bản hiến pháp này phải được thực thi trên thực tế, sự vi phạm Hiến pháp phải được xét xử bằng các Tòa án Hiến pháp.    
Cả sự mơ hồ trong thuật ngữ hiến pháp lẫn thực tế là không phải quốc gia nào có hiến pháp cũng đều tuân theo chế độ hợp hiến đã dẫn đến sự tranh luận có tính học thuật, cho rằng một số văn bản hiến pháp chỉ là hiến pháp danh nghĩa, giả mạo, hư cấu hay bề ngoài. Theo lối nói này, một hiến pháp được gọi là danh nghĩa khi lời văn của nó mô tả chính xác, nhưng không hạn chế, hành vi của chính phủ. Nói cách khác, hiến pháp danh nghĩa là một hiến pháp thành văn, cụ thể hóa một cách trung thực hiến pháp bất thành văn của quốc gia, nhưng không tuân theo các nguyên tắc khác của chế độ hợp hiến. Mặt khác, một hiến pháp giả mạo, hư cấu hoặc bề ngoài là một văn bản với những điều khoản không đáp ứng thông lệ cầm quyền trên thực tế. Sự định danh như vậy xuất phát từ quan điểm cho rằng một chính phủ công bố công khai cam kết của mình với chế độ hợp hiến trong một hiến pháp thành văn nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý khỏi việc sử dụng quyền lực một cách tuỳ tiện vốn là đặc điểm của hiến pháp bất thành văn của nước đó. [6]
Giữa chủ nghĩa Hiến pháp và lý thuyết về nhà nước pháp quyền có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Hầu hết những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền đều là những đòi hỏi của chủ nghĩa Hiến pháp. Đó là những đặc điểm mọi chủ thể mang quyền lực nhà nước đều phải đứng dưới hiến pháp là pháp luật, tổ chức quyền lực nhà nước phải tuân theo nguyên tắc phân quyền. Sự giới hạn và  kiểm soát quyền lực nhà nước đặt nhà nước dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Mọi hoạt động của nhà nước phải dựa trên pháp luật, không được tùy tiện…Chính vì lẽ đó không ít tác giả cho rằng chủ nghĩa Hiến pháp là một phần cơ bản của nhà nước pháp quyền, trong khi đó cũng không ít tác giả lại cho rằng chủ nghĩa Hiến pháp là tương đương với nhà nước pháp quyền.[7]
Nhưng giữa chúng vẫn có sự khác nhau, tạo nên sự khác nhau của hai học thuyết/ hai luận thuyết chính trị. Nếu như ở chủ nghĩa Hiến pháp nguồn gốc quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, thì ở nhà nước pháp quyền thì lại không là nhất thiết. Tư tưởng, lý thuyết về quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân. Quyền lực nhà nước là do nhân dân trao cho, có giới hạn và phải chịu sự kiểm soát. Đó là những nội dung cốt yếu của chủ nghĩa Hiến pháp. Trong khi đó nhà nước pháp quyền lại gắn chặt chẽ với một xã hội dân sự.
Việt Nam có 4 bản Hiến pháp, nội dung của các bản Hiến pháp này về cơ bản không khác gì với phương Tây. Nhưng đi vào cụ thể có những điểm khác. Cái khác căn bản ở đây là chúng ta có Hiến pháp nhưng chưa có tinh thần của chủ nghĩa Hiến pháp. Sự xuất hiện của Hiến pháp thành văn, cũng những tư tưởng về Hiến pháp ít nhiều đã khẳng định tính giới hạn quyền lực nhà nước đã xuất hiện. Nói một cách chuẩn xác là chúng ta vẫn ít có chủ nghĩa Hiến pháp. Điều khẳng định trên có thể chứng minh một cách dễ dàng qua nội dung các quy định Hiến pháp, cũng thông qua thực tế thực thi các quy định của Hiến pháp. Một khi những tiêu chí đòi hỏi của chính bản Hiến pháp chưa thể hiện được những yêu cầu của Hiến pháp trong Chủ nghĩa Hiến pháp thì lẽ đương nhiên rất khó cho việc thực hiện chủ nghĩa Hiến pháp.
 Nhưng năm gần đây thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần, nhưng ngược lại thuật ngữ chủ nghĩa Hiến pháp chưa một lần nào được xuất hiện. Bên cạnh đó chủ thể vi phạm Hiến pháp cũng chưa được xác định một cách rõ ràng ngay cả trong nhận thức của xã hội lẫn thực tiễn thực thi. Khẩu hiểu: “Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật” có thể chứng minh được nhận định này. Hiến pháp được làm ra không phải cho người dân phải có trách nhiệm thực hiện, mà trách nhiệm thực thi Hiến pháp thuộc về các cơ quan nhà nước. Càng có nhiều thẩm quyền bao nhiêu, thì càng phải có trách nhiệm phải thi hành Hiến pháp bấy nhiêu.
Những năm gần đây thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần, nhưng ngược lại thuật ngữ “chủ nghĩa Hiến pháp” chưa một lần nào được xuất hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó chủ thể vi phạm Hiến pháp cũng chưa được xác định một cách rõ ràng ngay cả trong nhận thức của xã hội lẫn thực tiễn thực thi. Khẩu hiểu: “Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật” có thể chứng minh được nhận định này. Hiến pháp được làm ra không phải cho người dân phải có trách nhiệm thực hiện. Trách nhiệm thực thi Hiến pháp thuộc về các cơ quan nhà nước. Càng cao bao nhiêu càng có nhiều thẩm quyền bao nhiểu, thì càng phải chính sách trsch nhiệm thi hành Hiến pháp bấy nhiêu. Nhưng rất tiếc rằng, theo tinh thần các quy định của Hiến pháp, mọi người dân, mọi chủ thể trong xã hội đều có trách nhiệm thi hành Hiến pháp. Theo quy tắc của nguyên tắc tập trung, sức nặng của việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp được dồn xuống dưới. Theo chiều ngược lại chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp được Hiến pháp giao cho tất cả các cơ quan nhà nước, từ Ủy ban nhân dân cấp xã cho đến Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Càng cao bao nhiêu càng có trách nhiệm giám sát việc thi hành Hiến pháp bấy nhiêu. Thật là khó khăn thay, khi chủ thể có khả năng vi phạm Hiến pháp nhất lại được Hiến pháp giao cho việc giám sát vi thi hành Hiến pháp.
Bên cạnh việc chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp với từng điều khoản của nó. Một công việc cần phải làm ngay là phải tăng cường nhận thức về  Chủ nghĩa Hiến pháp: Những nhận thức về tầm quan trọng cũng những yếu tố cấu thành của nó, nhất là những quan niệm có liên quan tức thì đến việc sửa đổi các quy định Hiến pháp và cả bản thân Hiến pháp, để chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp chuẩn theo tinh thần của Chủ nghĩa Hiến pháp, một cơ sở đầu tiên cho việc thực thi Hiến pháp sau này. Chúng ta cần cả hai thứ, chứ không phải chỉ có một , như những gì đang diễn ra. Nếu không là như vậy thì việc sửa đổi sẽ chỉ là những cố gắng vô ích mà thôi.

 


[1] Holmes, tuyển tập 1995, 270-271
[2] Xem Từ điển Bách khoa thư Việt Nam
[3] Từ điển Chính trị và chính quyền Hoa kỳ của Jay M. Shafritz
[4] Henkin (2000) Elements of Consittutionalism Unpublished Manuscript, p 203
 
[5] Thẩm phán Robert H. Jacksson, vụ West Virginia kiện Barnette (1943)
[6] Xem, Chính trị thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin , 2009 tr. 450
[7] Xem “Chủ nghĩa hợp hiến và các nền dân chủ đang nổi lên” (nguyên tác: “Constitutionalism and Emerging Democracies”), Tư liệu dịch của Phòng Thông tin - văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số13(245), tháng 7/2013)