Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp và sự cần thiết ghi nhận trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

01/06/2013

GS.TS. HOÀNG THỊ KIM QUẾ

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Không thể có nhà nước pháp quyền mà không có một bản hiến pháp tốt về phương diện bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, được tôn trọng và tuân thủ, trước hết là đối với các cơ quan và cá nhân công quyền. Một trong những điều kiện cơ bản đảm bảo cho hiến pháp được tôn trọng, tuân thủ, được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày chính là hiệu lực của hiến pháp: hiệu lực pháp lý cao nhất và hiệu lực áp dụng trực tiếp. Cả hai cấp độ hiệu lực này của hiến pháp cần phải được xác định trong hiến pháp.
Untitled_478.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Hiệu lực pháp lý cao nhất của hiến pháp về cơ bản lâu nay đã được nhận thức đầy đủ, nhưng “hiệu lực trực tiếp, áp dụng trực tiếp” thì vẫn còn là vấn đề mới ở nước ta. Thời gian gần đây, trong nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề này đã và đang được quan tâm đề cập.
Nhà nước pháp quyền là nhà nước hợp hiến, hợp pháp, hợp đạo đức, hợp lý và hiệu quả. Xây dựng nhà nước pháp quyền do vậy đòi hỏi phải có một bản hiến pháp mang nội dung pháp quyền, dân chủ, ngắn gọn nhưng bao quát về nguyên tắc hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội dựa trên hai trụ cột chính là quyền, tự do con người, cơ chế bảo đảm thực thi và tổ chức, phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp cần xác định rõ ràng về trách nhiệm nhà nước đối với quyền con người, cơ chế bảo vệ hiến pháp, hiệu lực áp dụng trực tiếp của các nguyên tắc, tinh thần, quy tắc của hiến pháp, làm sao cho chúng được viện dẫn, dẫn dắt ý thức, hành vi của con người trong thực tế. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của việc tạo lập một nền văn hóa pháp quyền, nhân quyền ở nước ta hiện nay.
Một trong những thuộc tính cơ bản của hiến pháp pháp quyền, dân chủ là hiệu lực trực tiếp của hiến pháp, hiến pháp phải là một văn bản pháp luật có hiệu lực, tác động trực tiếp trong đời sống. Ngày nay trên quan điểm nhà nước pháp quyền, dân chủ, quyền, tự do của con người, hiến pháp phải có hiệu lực trực tiếp chứ không chỉ dừng lại ở hiệu lực pháp lý cao nhất. Chỉ trong điều kiện nhà nước pháp quyền, nơi nhà nước có trách nhiệm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền, tự do của con người, hiến pháp mới có thể có và phải có hiệu lực trực tiếp.
Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp thể hiện ở quyền của người dân được viện dẫn các quy định hiến pháp, khởi kiện ra tòa án để bảo vệ các quyền hiến định, lợi ích chính đáng của mình. Các quy định của hiến pháp không còn nằm yên trang trọng trong văn bản nữa mà đã đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa trở thành những hành vi thực tế, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Và chính sự viện dẫn này là bằng chứng, là thước đo tính hiện thực của hiến pháp. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp là một trong những tiêu chí nhận diện nhà nước pháp quyền và trình độ bảo vệ, bảo đảm các quyền, tự do của con người.  
Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp được thể hiện tập trung ở nguyên tắc: các quy định của hiến pháp có tác động trực tiếp đến các quan hệ xã hội, hành vi xã hội, việc thực hiện chúng về nguyên tắc không cần đến các quy định bổ sung, cụ thể hóa bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, do tính chất của nhiều quy định hiến pháp điều chỉnh các quan hệ xã hội căn bản, khái quát nên cũng cần phải cụ thể hóa theo đúng trình tự, quy trình, thủ tục luật định.     
Hiến pháp được sử dụng, áp dụng để giải quyết các tranh chấp hiến pháp, các khiếu kiện của người dân nhằm đảm bảo trật tự hiến pháp, các quyền, tự do, nghĩa vụ của con người. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp được thể hiện ở vai trò, thẩm quyền của tòa án, hay cơ quan bảo hiến thích hợp khác trong việc áp dụng các quy định hiến pháp, tuyên bố các hành vi, quyết định vi hiến, khôi phục, bảo vệ các quyền hiến định của người dân bị vi phạm, giải quyết các tranh chấp hiến pháp.
Với quyền được viện dẫn các quy định hiến pháp để bảo vệ các quyền hiến định của người dân, các tòa án - nơi người dân gửi đơn khởi kiện - không thể từ chối việc xem xét với lý do chưa có quy định cụ thể hóa các quy định tương ứng của hiến pháp. Đó chính là ý nghĩa, giá trị, công năng của hiến pháp trong đời sống của con người.
Do điều chỉnh các quan hệ xã hội căn bản, đặc biệt quan trọng nên các quy phạm hiến pháp vừa có tính chất cụ thể, tường minh, phải được viện dẫn trong thực tiễn áp dụng pháp luật, vừa có vai trò định hướng đối với toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia; là những nguyên tắc pháp luật căn bản mà tất cả các chủ thể pháp luật, trước hết, chủ yếu là các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải tuân thủ trong hoạt động của mình.
Như vậy, hiến pháp với tư cách là luật căn bản, nền tảng của quốc gia đã có hiệu lực kép: hiệu lực pháp lý cao nhất và hiệu lực áp dụng trực tiếp. Nhưng hiệu lực áp dụng trực tiếp hoàn toàn không thể loại trừ, phủ nhận nhu cầu cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật khác các quy định, nguyên tắc của hiến pháp. Hiến pháp vừa cần được cụ thể hóa để thực hiện trong cuộc sống, vừa phải có hiệu lực áp dụng trực tiếp. Vấn đề đặt ra là, không được lạm dụng nguyên tắc cụ thể hóa các quy định hiến pháp cũng như làm sai lệch bản chất của các quy định hiến pháp. Nguyên tắc cơ bản trong việc cụ thể hóa hiến pháp là không được trái với lời văn, tinh thần của hiến pháp, muốn vậy cần phải có cơ chế, thiết chế bảo vệ hiến pháp, cơ chế kiểm soát, phòng ngừa, xử lý những hành vi, quyết định vi hiến.
Chính vì vậy, cùng với việc hiến định hiệu lực áp dụng trực tiếp, trong hiến pháp còn phải xác định rõ ràng về thiết chế, cơ chế bảo vệ hiến pháp, bảo đảm tính hiện thực của hiến pháp trong đời sống xã hội. Đây là cách thức thiết thực nhất để đảm bảo nguyên tắc thượng tôn hiến pháp và pháp luật, xây dựng, củng cố, thúc đẩy niềm tin, tình yêu hiến pháp, hiến pháp khi đó thực sự là một phần thiết yếu của cuộc sống con người. Chính vì vậy mà, tại nhiều quốc gia, Ngày Hiến pháp được coi là một trong những ngày lễ trang trọng, thiêng liêng của quốc gia. Trong môi trường có hiệu lực áp dụng trực tiếp của hiến pháp, các quy định hiến pháp được viện dẫn đối với người dân và các cơ quan nhà nước, hiến pháp sẽ có giá trị hữu ích, hiến pháp sẽ như là tấm hộ chiếu, giấy thông hành cho các cá nhân được làm việc, sáng tạo trong tự do và trật tự.  
Thuộc tính áp dụng trực tiếp của hiến pháp trong nhà nước pháp quyền được thể hiện ở nguyên tắc: tất cả các quy định hiến pháp cần phải được xem xét đến như là quy phạm có hiệu lực áp dụng trực tiếp. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp cũng không có nghĩa là không cần đến sự cụ thể hóa các quy định hiến pháp bằng các văn bản pháp luật khác để thực hiện. Mà ngược lại, chính bản chất là luật cơ bản của hiến pháp đòi hỏi phải khẳng định nguyên tắc là: sự thiếu vắng văn bản pháp luật cụ thể hóa thì cũng không được coi là lý do để không áp dụng các quy phạm hiến pháp trong thực tiễn.
Có ba hình thức áp dụng hiệu lực trực tiếp đối với các cơ quan nhà nước, tùy theo đó mà lựa chọn. Thứ nhất là viện dẫn quy định nguyên tắc của hiến pháp trong việc áp dụng quy định của các văn bản pháp luật khác. Thứ hai, kết hợp với các quy định pháp luật khác; thứ ba, các quy định hiến pháp có vai trò là cơsở pháp lý cho việc giải thích, giải quyết các vụ việc pháp lý cụ thể của các cơ quan nhà nước trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Đặc trưng cơ bản của thực hiện hiến pháp chính là quyền hiến định của người dân được viện dẫn quy định hiến pháp để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình và ở phía bên kia của mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước là trách nhiệm của nhà nước phải thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm sự thực hiện. Điều này sẽ làm thay đổi việc nhận thức, cách hành xử theo cơ chế xin – cho, hành dân lâu nay đang còn hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ các cá nhân công quyền. Nguyên tắc hiến pháp có hiệu lực trực tiếp khác căn bản với cách quan niệm truyền thống trước đây khi mà sự thực hiện hiến pháp chỉ được nhìn nhận nó hòa tan, ẩn dật trong sự thực hiện các văn bản, quy định pháp luật của các ngành luật khác. Hiến pháp muốn được thực hiện phải nhờ đến sự trợ giúp, phải mang ơn các “ngành luật khác”, bởi quan niệm: muốn thực hiện các quy phạm hiến pháp thì phải “cụ thể hóa “bằng các văn bản luật; mà muốn thực hiện các văn bản luật thì phải cần đến các văn bản dưới luật “hướng dẫn thi hành”. Hiến pháp chờ luật, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ thông tư liên tịch; thông tư liên tịch chờ quyết định của cơ quan địa phương… Khoảng cách từ pháp luật nói chung đến cuộc sống được đo bằng cấp số cộng các khoảng cách nêu trên, xét từ góc độ hiến pháp: từ hiến pháp đến luật và từ luật đến cuộc sống.
Một trong những sự đổi mới tư duy về hiến pháp thời bao cấp sang hiến pháp của nhà nước pháp quyền chính là sự nhận thức, sự ghi nhận và thực hành nguyên tắc này - hiệu lực trực tiếp của hiến pháp nói chung, các quy định hiến pháp về quyền, tự do của cá nhân và công dân. Từ quan niệm hiệu lực gián tiếp, phải qua các khâu trung gian của hiến pháp chuyển sang tư duy hiến pháp phải có hiệu lực trực tiếp là một cuộc cách mạng và đặt ra nhiều vấn đề cần được lý giải, nhận thức đầy đủ, thống nhất. Nhận thức và áp dụng nguyên tắc này chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến quan niệm về hệ thống pháp luật của chúng ta, đến cách làm luật, cách sử dụng, áp dụng pháp luật của các chủ thể pháp luật. 
Hiến pháp có thuộc tính dân chủ, pháp quyền; tính tối cao, tính ổn định, tính hiện thực, nghĩa là hiến pháp phải được nhận thức đúng đắn và được tuân thủ, trước hết là đối với các cơ quan, cá nhân công quyền. Thực hiện hiến pháp trên cơ sở nguyên tắc hiệu lực trực tiếp, trong đó các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét quy phạm hiến pháp với tư cách là căn cứ pháp luật trực tiếp được áp dụng trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể. Quy định hiến pháp có hiệu lực trực tiếp cũng có nghĩa là cần nhận thức đầy đủ về bản chất, vị thế của hiến pháp, hiến pháp không phải là một tuyên ngôn chính trị thuần túy mà là một văn bản pháp luật đầy đủ, được sử dụng để giải quyết các tranh chấp, các khiếu kiện của cá nhân. Hiến pháp là “nền tảng pháp lý, căn cứ chủ đạo đối với việc ban hành toàn bộ các văn bản pháp lý khác của Nhà nước, là cơ sở định hướng hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như hành vi và ý thức pháp luật của công dân...”[1].
Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp có nghĩa là, không phụ thuộc vào việc có hay không có văn bản pháp luật cụ thể hóa, tất cả các chủ thể áp dụng pháp luật phải có nghĩa vụ thực hiện quy định hiến pháp. Trong trường hợp không có hay chưa có sự cụ thể hóa các quy định hiến pháp bằng văn bản khác, tòa án vẫn phải ban hành quyết định cá biệt dựa trên nguyên tắc cơ bản của hiến pháp để giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân. Nguyên tắc này cho chúng ta thấy một triết lý về nguồn pháp luật, hiến pháp phải được nhận thức và sử dụng như một loại nguồn căn bản của pháp luật quốc gia. Vấn đề này trong thực tiễn còn ít được nhận thức và áp dụng. Không chỉ là áp dụng các điều luật cụ thể của hiến pháp mà áp dụng cả nguyên tắc và tính thần hiến pháp - một thành tố cốt yếu của tinh thần pháp luật.  
Nguyên tắc hiệu lực áp dụng trực tiếp của hiến pháp không loại trừ sự phát triển của các văn bản pháp luật và sự phát triển toàn diện của hệ thống pháp luật quốc gia. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp có nghĩa là nội dung của hiến pháp cần phải được hiện thực hóa trong đời sống mà không đòi hỏi phải có điều kiện và sự bổ sung nào từ các văn bản pháp luật, loại trừ một số trường hợp chỉ rõ trong hiến pháp là cần luật quy định. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp có được xác nhận và đảm bảo thực hiện thì hiến pháp mới thực sự là luật căn bản của quốc gia. Hiệu lực trực tiếp của hiến pháp có nghĩa là, nếu như trong các quy phạm hiến pháp không có quy định riêng thì nó phải được áp dụng đối với tất cả các chủ thể pháp luật, không phụ thuộc vào việc có hay không có văn bản pháp luật cụ thể hóa. Tòa án có thể viện dẫn quy phạm hiến pháp để làm căn cứ cho các phán quyết của mình, và nguyên tắc quan trọng này cần phải được hiến định.   
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, giá trị con người và các quyền cơ bản của con người. Để đảm bảo tính hiện thực của hiến pháp, của quyền con người, quyền công dân, cần bổ sung nguyên tắc hiệu lực trực tiếp của hiến pháp, làm rõ hơn nội hàm của nguyên tắc “hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất”. Đồng thời, cần hiến định rõ ràng, đầy đủ hơn về thiết chế độc lập bảo vệ hiến pháp. Vì rằng, cả ba nguyên tắc cốt lõi trên: hiệu lực pháp lý cao nhất, hiệu lực áp dụng trực tiếp, thiết chế bảo vệ hiến pháp có mối quan hệ chặt chẽ, quy định, tác động, là tiền đề và điều kiện của nhau. Xuất phát từ trật tự pháp luật của nhà nước pháp quyền, trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần quy định hiệu lực trực tiếp của các quyền, nghĩa vụ hiến định, các cơ quan nhà nước không được viện dẫn lý do chưa có luật “hướng dẫn thi hành “để ngăn cản thực hiện các quyền hiến định. Đồng thời cần có quy định về quyền tự bảo vệ của các cá nhân khi bị xâm phạm các quyền hiến định, quyền vận dụng các cơ chế bảo vệ hiến pháp, bảo vệ pháp luật, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Hiến pháp và luật.

 


(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (244), tháng 6/2013)