Xây dựng thể chế kinh tế thị trường bình đẳng trong sự thống nhất với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

01/06/2013

ThS. ĐỖ THỊ KIM TIÊN

Giảng viên chính, Khoa QLNN về kinh tế, Học viện Hành chính, Học viện Chính trị, Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 7/11/2006 Việt Nam đã đồng thời ký vào bản cam kết chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường (non - market economy, hay NME) trong 12 năm. Thực tế, trong các quy định của GATT và WTO không có quy định về tiêu chí NME hay kinh tế thị trường (KTTT). Tuy nhiên, các nguyên tắc và Hiệp định của WTO được xây dựng trên nguyên tắc thị trường. Các nguyên tắc này đòi hỏi các nước gia nhập WTO phải cam kết cải cách kinh tế theo hướng thị trường, tuân thủ yêu cầu về thương mại không phân biệt đối xử, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Untitled_477.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Để trở thành nền KTTT không muộn hơn năm 2019 như đã cam kết, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế đủ mạnh và sở hữu một thể chế kinh tế tuân thủ các quy luật của thị trường, đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đợt xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có khoảng 28 triệu lượt ý kiến đóng góp[1], trong đó có những quan điểm rất khác nhau về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước (KTNN). Có ý kiến cho rằng, quan niệm KTNN nắm vai trò chủ đạo là đi ngược với KTTT, không phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Phổ biến hơn cả vẫn là những quan điểm đồng nhất KTNN với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), coi việc Nhà nước đặt vai trò chủ đạo vào KTNN là nguyên nhân đề cao DNNN, tạo sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Có quan điểm lại cho rằng, sự yếu kém, thua lỗ của DNNN đã khẳng định KTNN không thể đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Thực tế, không có cơ sở khoa học nào khẳng định có mối liên hệ giữa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với những ưu tiên hay đặc quyền dành cho DNNN, cũng như những yếu kém của loại hình doanh nghiệp này. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Nhà nước không quy định cụ thể về từng thành phần kinh tế và vai trò của nó. Điều này không có nghĩa xóa đi vai trò của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò chủ đạo của KTNN mà sẽ tạo dư địa cho các quy định ở tầm luật và chính sách. Mặt khác, chỉ với các quy định trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng không đủ tạo ra mặt bằng pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế như sự kỳ vọng của nhiều nhà nghiên cứu. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các nước có nền KTTT phát triển thì vị thế bình đẳng cho doanh nghiệp đều được tạo ra bằng nhiều đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác nhau chứ không thể giải quyết được trong một đạo luật.
Từ vấn đề thực tiễn đang đặt ra, chúng tôi xin được trao đổi về bản chất, vai trò của KTNN và những tác động tích cực từ môi trường đầu tư bình đẳng đến sức mạnh của KTNN. Đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa xây dựng thể chế KTTT bình đẳng với việc xác định vai trò chủ đạo của KTNN.
1. Bản chất, vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
KTNN là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu công cộng (công hữu) về tư liệu sản xuất (TLSX), có nội dung rộng, được xác định theo những góc độ nghiên cứu khác nhau. Ở Việt Nam, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thuật ngữ KTNN được thay thế cho thuật ngữ kinh tế quốc doanh. KTNN bao gồm nhiều yếu tố. Về bản chất, thành phần KTNN không chỉ có DNNN mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau những chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước[2]. Vai trò của KTNN chỉ phát huy tác dụng khi nó trở thành lực lượng vật chất đủ mạnh và được Nhà nước sử dụng vào việc điều tiết nền kinh tế. Lịch sử phát triển kinh tế thế giới cho thấy, dù đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN) hay xã hội chủ nghĩa (XHCN), các quốc gia cũng đều phải duy trì cả hình thức SHTN và sở hữu nhà nước về TLSX.
Quá trình vận động và phát triển của KTTT đã làm thay đổi cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế. Trong thực tế, KTNN đã từng xuất hiện và phát huy vai trò trong chính nền KTTT TBCN. Vào giai đoạn CNTB tự do cạnh tranh, sở hữu tư nhân (SHTN) giữ vai trò thống trị và là động lực cho sự phát triển của nền sản xuất. Khi tích tụ và tập trung sản xuất đạt đến trình độ cao, chỉ riêng SHTN không đủ để đáp ứng được yêu cầu của lực lượng sản xuất (LLSX). Điều đó đã tạo ra những biến đổi về sở hữu trong nền KTTT ở chính các nước tư bản. Một bộ phận SHTN đã chuyển thành tư bản tập thể, các tổ chức độc quyền hình thành và phát triển với trình độ ngày càng cao. Khi LLSX phát triển cao hơn, sở hữu cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân hay tư bản tập thể không đủ đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, làm xuất hiện nhà sản xuất đặc biệt trong xã hội, đó là sở hữu nhà nước. Vào cuối thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX, sở hữu nhà nước ở các nước TBCN đã phát triển khá nhanh và trở thành công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết KTTT. 
Trong sự phát triển của nền sản xuất xã hội, với mỗi một phương thức sản xuất chỉ có một hình thức sở hữu TLSX đặc trưng. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, về nguyên lý, CNTB dựa trên chế độ SHTN về TLSX và CNXH dựa trên chế độ công hữu XHCN về TLSX, với hai hình thức là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể[3]. Đối với C.Mác, Ph. Ănghen và V.I. Lênin, thì không có một thứ chủ nghĩa xã hội (CNXH) đích thực nào mà trong đó lại tồn tại SHTN, đặc biệt là SHTN TBCN về TLSX[4]. Tuy nhiên, trong tác phẩm "Chủ nghĩa Mác về vấn đề nhà nước", Lênin chia hình thái kinh tế - xã hội thành ba thời kỳ: (i) thời kỳ quá độ; (ii) giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa (XHCN) và (iii) giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Trong đó, thời kỳ quá độ xây dựng CNXH, lĩnh vực kinh tế sẽ tồn tại nhiều loại hình sở hữu về TLSX, bao gồm cả sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, SHTN và sở hữu hỗn hợp.
CNXH được hình thành dựa trên cơ sở từng bước thiết lập chế độ sở hữu XHCN về TLSX. Mục đích của nền sản xuất XHCN là nhằm thỏa mãn phúc lợi vật chất đầy đủ cho toàn xã hội và sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi thành viên trong xã hội. Muốn vậy phải phát triển LLSX, nâng cao năng suất lao động, tạo sức mạnh cho KTNN phát huy vai trò là công cụ để nhà nước để điều tiết, quản lý kinh tế, xã hội. Hơn nữa, hoạt động quản trị, phát triển, các doanh nghiệp phải xây dựng các mục tiêu và kế hoạch cho mình. Với KTNN, các DNNN cũng không thể là thành phần kinh tế vô chủ. KTNN là khối tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quản lý, cần được xác định trách nhiệm, vai trò và kế hoạch phát triển, phục vụ mục tiêu của cơ bản và lâu dài của đất nước. Do đó, bất cứ khi nào và ở đâu nhà nước còn có mục tiêu xây dựng CNXH thì KTNN và kinh tế tập thể còn cần được định hướng để phát triển, nhằm đảm nhận sứ mệnh chủ đạo cho tương lai của một nền kinh tế. Tuy nhiên, nền KTTT đòi hỏi nhà nước phải đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Vì thế, xác định KTNN nắm vai trò chủ đạo không có nghĩa tạo ra cho DNNN những ưu tiên hay đặc quyền trong sự so sánh với các doanh nghiệp khác. Trong nền KTTT, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp là vi phạm quy luật cạnh tranh và mâu thuẫn với chính mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi một nhà nước thừa nhận phát triển KTTT, điều đó không có nghĩa nhà nước có ngay nền KTTT. Cũng như, việc thừa nhận phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam không có nghĩa nhà nước đã đạt được cơ sở kinh tế của CNXH. Tính định hướng XHCN là những biểu hiện về một chủ trương phát triển kinh tế chứ không phải thừa nhận thành tựu của một nền kinh tế. Theo V.I.Lênin, phương thức sản xuất CSCN chỉ ra đời sau khi cách mạng vô sản thành công, giai cấp vô sản giành được chính quyền và bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH - giai đoạn đầu của phương thức sản xuất CSCN. Hơn nữa, phương thức sản xuất CSCN là một thời kỳ lâu dài. Để phát triển LLSX, tăng năng suất lao động, xây dựng chế độ công hữu XHCN về TLSX, xây dựng kiểu xã hội mới, cần phải có thời gian.
Phát triển nền KTTT có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN ở Việt Nam là sự thể hiện quan điểm và mục tiêu phát triển trong tương lai. Những yếu tố nền tảng của CNXH mới chỉ tồn tại dưới dạng các phương hướng, kế hoạch. Nhà nước cần có thời gian để tận dụng các thế mạnh của KTTT, phát triển kinh tế, tạo dựng cơ sở kinh tế cho sự ra đời CNXH. Quan điểm về vai trò chủ đạo của KTNN là tất yếu khách quan khi nhà nước có mục tiêu xây dựng XHCN. Tuy nhiên, nhà nước không mặc định vai trò chủ đạo của KTNN như một sự có sẵn mà là định hướng cho nó phát triển để trở nên chủ đạo. Chỉ khi KTNN phát triển đủ mạnh, trở thành công cụ hữu hiệu trong tay nhà nước để điều tiết kinh tế, xã hội, lúc đó KTNN mới trở thành lực lượng chủ đạo trong thực tế.
2. Sự cần thiết phải có môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền KTTT có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng XHCN. Hoạt động quản lý của nhà nước trong nền kinh tế này vừa phải tuân theo sự dẫn dắt, chi phối bởi những nguyên tắc và bản chất của CNXH vừa phải thỏa mãn các yêu cầu của KTTT. Một trong những yếu tố cơ bản quy định kinh tế thị trường là cơ chế vận hành của nó. Đặc trưng của cơ chế này là cạnh tranh tự do. Cơ chế cạnh tranh thị trường là cơ chế tự điều chỉnh, giúp nền kinh tế tạo lập sự cân bằng mỗi khi bị trục trặc. Cạnh tranh cũng chính là cơ chế chủ yếu để phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường. Thông qua cạnh tranh, các nguồn lực được rút ra khỏi những ngành, những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả, di chuyển đến những nơi có lợi thế phát triển và thu được lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của Keynes và P.A. Samuelson cho thấy, có hai yếu tố nguy cơ phá vỡ cạnh tranh hoàn hảo là tình trạng độc quyền và sự can thiệp của nhà nước. Bên cạnh những ưu điểm là năng động và thích ứng cao, "bàn tay vô hình" cũng có thể đưa nền kinh tế đến những sai lầm. Những tác động của nhà nước nhằm khắc phục các khuyết tật của thị trường có thể tạo ra sự can thiệp quá khả năng điều tiết cần thiết, làm cho nguyên tắc tự do cạnh tranh bị vi phạm, tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh.
Trong những nhà nước sở hữu môi trường kinh doanh không bình đẳng, sẽ có những doanh nghiệp được lợi và có những doanh nghiệp bị thiệt hại. Hệ quả có thể là, những doanh nghiệp hoạt động quản trị yếu kém lại không bị sa thải khỏi thị trường và những doanh nghiệp quản trị kinh doanh tốt cũng chưa hẳn đã trở thành người chiến thắng trên thương trường. Điều đó sẽ làm giảm động lực cho các nhà đầu tư. Cơ chế bất bình đẳng mặc dù vẫn đem lại lợi ích cho một số doanh nghiệp, nhưng điều đó chỉ có thể tạo ra những lợi ích cho một số doanh nghiệp trong ngắn hạn và sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro ở tương lai. Những khó khăn, bất lợi không báo trước sẽ tác động đến khả năng phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Đó là lý do mà hầu hết các nhà đầu tư đều cần đến một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, lợi nhuận phản ánh được giá trị hoạt động đích thực của doanh nghiệp. Bất lợi của những nền kinh tế có môi trường kinh doanh bất bình đẳng là khó khăn trong thu hút vốn đầu tư. Các nguồn vốn đang được đầu tư có thể bị rút lại, chuyển hướng, tìm đến môi trường đầu tư bình đẳng, hấp dẫn hơn. Hậu quả để lại cho nền kinh tế đó thường là sự sụt giảm vốn đầu tư, không bình ổn được mức sản xuất, tác động trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ở Việt Nam, ngay từ Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: "Đặt các doanh nghiệp có vốn nhà nước vào môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Thu hẹp tối đa diện nhà nước độc quyền kinh doanh, xóa bỏ đặc quyền kinh doanh của doanh nghiệp". Cùng với việc xác định vai trò chủ đạo của KTNN, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) cũng nhấn mạnh: "Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần để loại hình kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu. Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế".
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến về Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16 19, 20 và 21) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. Tựu trung lại, về thành phần kinh tế:
- Nhất trí với Phương án 1 (23 ý kiến ở 15 tổ) nhưng đề nghị bỏ đoạn cuối Điều này “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể…” (1 ý kiến ở 1 tổ); đề nghị quy định vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể cho phù hợp với Cương lĩnh, đường lối của Đảng (1 ý kiến ở 1 tổ).
- Nhất trí với Phương án 2 (52 ý kiến ở 13 tổ) nhưng đề nghị: bổ sung cụm từ “có sự quản lý của nhà nước” vào sau cụm từ “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (2 ý kiến ở 1 tổ), làm rõ “kinh tế nhà nước” là kinh tế của Nhà nước nói chung hay kinh tế của doanh nghiệp nhà nước (1 ý kiến ở 1 tổ); đề nghị khẳng định “thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (1 ý kiến ở 1 tổ).
- Nhất trí với Phương án 3 (30 ý kiến ở 14 tổ).
Về tính chất của nền kinh tế, các đại biểuđề nghị cân nhắc tính chất “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế; nếu quy định trong Hiến pháp thì cần làm rõ “hàm lượng” của kinh tế thị trường định hướng XHCN là như thế nào; nếu không làm rõ, đề nghị chỉ quy định tính chất của nền kinh tế là kinh tế thị trường “có định hướng của Nhà nước” (2 ý kiến ở 1 tổ). Ý kiến khác đề nghị bỏ cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” vì không phù hợp với kiến trúc thượng tầng (1 ý kiến ở 1 tổ).
3. Xây dựng thể chế kinh tế bình đẳng là tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế nhà nước phát triển
KTNN là lực lượng vật chất quan trọng cho những bảo đảm về chi tiêu công của bộ máy nhà nước và là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế. Khi đánh giá về vai trò của KTNN, nhiều quan điểm đã đề cao vị trí của DNNN, thậm chí đồng nhất KTNN vào DNNN. Thực chất, thành phần KTNN có phạm vi rộng hơn DNNN, với các cấu thành cơ bản như: hệ thống bảo hiểm nhà nước, dự trữ quốc gia, DNNN, tài nguyên quốc gia, NSNN và phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp phi nhà nước. Do tính chất tổ chức và hoạt động khác nhau, sự phát triển hay yếu kém của mỗi yếu tố cấu thành đều chịu sự tác động từ môi trường kinh tế, xã hội, chi phối đến sức mạnh và vai trò của thành phần KTNN. Với môi trường cạnh tranh bình đẳng, những tác động đem lại cho NSNN, DNNN, dự trữ quốc gia và tài nguyên quốc gia đều mang nghĩa tích cực, có giá trị thúc đẩy KTNN phát triển.
- Đối với NSNN: Thu NSNN có thể đến từ thuế, phí, thu từ đất đai, bán tài sản công,.. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu của nhà nước lại là thu từ thuế của các doanh nghiệp. Tiêu chí thu NSNN bền vững đòi hỏi một tỷ lệ áp đảo thu thuế từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các khoản thu chịu nhiều tác động của yếu tố ngoại sinh (xuất khẩu tài nguyên, các khoản thu từ bán tài sản công) phải chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu NSNN. Như thế, thu NSNN có mối quan hệ trực tiếp với môi trường đầu tư của nhà nước. Trong những môi trường đầu tư có phân biệt đối xử, chứa đựng những nhiều rủi ro sẽ làm giảm động lực đầu tư. Khi các nhà đầu tư tư nhân đối mặt với việc thuê lại đất của DNNN để kinh doanh, tiếp cận dịch vụ công và các nguồn vốn khó khăn hơn DNNN sẽ tạo ra những hàng hóa, dịch vụ chênh lệch về giá sản xuất và giảm tính cạnh tranh. Điều đó thường làm suy giảm nguồn vốn đầu tư và giảm thu NSNN. Ngược lại, nếu nhà nước thiết lập được thể chế KTTT bình đẳng sẽ tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn thu của NSNN từ thuế của các doanh nghiệp vì thế cũng sẽ gia tăng.
- Đối với DNNN: Các DNNN vốn quen với sự ưu tiên thường hoạt động trong điều kiện độc quyền và kém hiệu quả. Với cơ chế bảo lãnh từ vốn vay đến trả nợ, DNNN nhiều năm không có cạnh tranh, giảm động lực kinh doanh. Nhiều DNNN ỷ lại vào nhà nước, làm ăn thua lỗ kéo dài trong cơ chế kiểm soát lỏng lẻo. Sản phẩm của sự bảo lãnh, trợ cấp từ phía nhà nước là những tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, thậm chí làm thất thoát tài sản lớn. Một số DNNN làm ăn thua lỗ lại được núp dưới bóng các tổng công ty, sáp nhập vào công ty khác. Trong thể chế thị trường bình đẳng, các ưu tiên sẽ được xóa bỏ, DNNN tổ chức hoạt động theo nguyên tắc chung. Cơ chế kiểm soát của nhà nước và cơ chế kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp chặt chẽ, theo chuẩn mực của KTTT. Các DNNN hoạt động kinh doanh thua lỗ, tùy theo mức độ có thể bị giải thể hoặc phá sản. Trong điều kiện không còn sự ưu tiên, các DNNN buộc phải cạnh tranh, vươn lên, hoạt động có hiệu quả để tồn tại và phát triển. Khi vốn đầu tư của nhà nước được bảo toàn và phát triển, DNNN sẽ đóng góp nhiều hơn cho NSNN và tăng trường GDP.
- Đối với tài nguyên quốc gia: Thông qua cơ chế, chính sách bình đẳng, các nguồn lực kinh tế, tài nguyên quốc gia sẽ được phân bổ có hiệu quả hơn. Nếu như trước đây việc mua, bán tài nguyên chỉ tập trung vào DNNN thì các chính sách cho thuê đất đai, khai thác tài nguyên quốc gia sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn khi có sự tham gia đấu thầu của mọi thành phần kinh tế. Phương pháp đấu thầu công khai, bình đẳng giúp cho nhà nước mua được sản phẩm với giá thành rẻ, chất lượng cao khi các nhà thầu có cạnh tranh bán. Khi nhà nước cho khai thác tài nguyên, việc đấu thầu công khai, bình đẳng cũng cho phép nhà nước bán được hàng hóa, tài nguyên với giá cao đi kèm những điều kiện bảo vệ tài nguyên, môi trường tốt nhất.
- Đối với dự trữ quốc gia: Trong điều kiện kinh doanh bình đẳng, vốn đầu tư toàn xã hội và nguồn thu ngân sách tăng là cơ sở để tăng tích lũy, tăng nguồn dự trữ quốc gia.
Mặc dù đều là yếu tố cấu thành của thành phần KTNN nhưng NSNN được đánh giá là yếu tố có khả năng chi phối nhiều nhất đến KTNN. Trên danh nghĩa, DNNN có đóng góp khoảng trên 70% tổng thu NSNN, nhưng thực tế, hầu hết các DNNN hoạt động cạnh tranh kém hiệu quả. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trên vốn tại các DNNN lại rất thấp. Chỉ tính riêng năm 2008 có đến 56/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức dưới 15%, tức là thấp hơn mặt bằng lãi suất trong năm 2008 (là năm có chỉ số CPI trung bình lên tới 20%). Gần đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn thua lỗ, thất thoát hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng như Vinashin, Sông Đà, EVN, PVN. Còn những đóng góp thực tế cho NSNN chủ yếu lại do các doanh nghiệp trong các ngành khai khoáng thực hiện. Vì thế đóng góp này không thuộc về DNNN mà thực chất là những đóng góp của tài nguyên quốc gia. Hơn nữa, trong các nền KTTT, chức năng cơ bản của nhà nước là tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các chủ thể thị trường hoạt động, nhà nước không đầu tư vốn để kinh doanh, cạnh tranh với tư nhân. Với chủ trương xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTT bình đẳng, DNNN ở Việt Nam đã và đang giảm mạnh. Trong khoảng trên 500.000 doanh nghiệp đang tồn tại chỉ còn khoảng hơn 1000 doanh nghiệp nhà nước nắm 100% vốn. Điều đó cho thấy, nguồn thu NSNN sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hơn là DNNN. Do đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng là một trong những yếu tố tạo ra khả năng thu hút vốn đầu tư, tăng thu cho NSNN và thành phần KTNN.
Xác định vai trò chủ đạo của KTNN, điều đó đòi hỏi KTNN phải: ".. là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”[5]. Tiêu chí đánh giá sự chủ đạo có thể là: tỷ trọng một thành phần kinh tế trong nền kinh tế nhiều thành phần; hàm lượng và chất lượng khoa học công nghệ được ứng dụng và sản xuất; khả năng chi phối thị trường, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho xã hội; khả năng tạo việc làm cho xã hội; dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển phù hợp định hướng nhà nước.
Về bản chất, các thành phần kinh tế được biểu hiện dưới dạng tài sản. Lực lượng vật chất này không tự phát huy tác dụng, vai trò mà do các chủ sở hữu của nó quyết định. Khi chủ sở hữu tài sản được nhà nước trao quyền, họ sẽ điều tiết thị trường theo cách có lợi nhất cho họ. Chính vì lẽ đó, không thể trao vai trò điều tiết nền kinh tế cho DNNN hay doanh nghiệp tư nhân. Chỉ có nhà nước, với tư cách là người đại diện cho lợi ích chung mới có thể điều tiết nền kinh tế, hướng các chủ thể hoạt động vì lợi ích cục bộ phù hợp với lợi ích chung. Nhà nước sử dụng các lực lượng vật chất như nguồn dự trữ quốc gia, tài nguyên quốc gia và hệ thống các doanh nghiệp khi cần thiết để điều tiết, phủ trống nhu cầu xã hội nếu hàng hóa thiếu. Nhà nước cũng quyết định thu mua vào dự trữ quốc gia những hàng hóa, góp phần khai thông sản xuất kinh doanh. Nhà nước chỉ sử dụng DNNN để cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu xã hội nếu các thành phần kinh tế tư nhân không muốn làm. Điều đó đòi hỏi việc cung cấp hàng hóa công cần phải đấu thầu công khai. Thông qua đấu thầu, việc cung cấp các hàng hóa công không còn là độc quyền bán của DNNN như trước đây nữa. Chỉ khi các doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc đưa ra mức giá cao hơn DNNN thì lúc đó DNNN trúng thầu mới làm vai trò nhà cung cấp hàng hóa để điều tiết.
Như vậy, xây dựng thể chế KTTT bình đẳng có thể làm cho một số DNNN vốn quen với những ưu tiên, bảo trợ, phải cạnh tranh hoạt động khó khăn hơn. Điều này không làm cho KTNN yếu đi mà còn tạo điều kiện cho các yếu tố cấu thành KTNN phát triển, vươn lên trở thành chủ đạo. Do đó, xây dựng thể chế KTTT bình đẳng không mâu thuẫn mà thống nhất với vai trò chủ đạo của KTNN. Để xây dựng được thể chế KTTT bình đẳng, phải xóa tư duy đồng nhất KTNN với DNNN và những ưu tiên cho DNNN. Xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm sự tương thích về quyền lợi và nghĩa vụ cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Song song với việc ban hành thể chế là cơ chế thực hiện pháp luật phải được tuân thủ. Trong quá trình thực hiện pháp luật bảo đảm sự bình đẳng cần đề cao trách nhiệm giải trình, chống và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng trong quản lý kinh tế./.

 


[1] Chu Thượng Văn, Chu Cẩm Úy, Trần Tích Hỷ (1999), Chủ nghĩa xã hội là gì và xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào?, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
 
[2] GS.,TS Lê Hữu Nghĩa, TS. Đinh Văn Ân (2004), Phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam, lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
 
[3] V.I. Lênin (1976) Toàn tập, Tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
 
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
 
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số12(244), tháng 6/2013)