Đảm bảo sự vô tư trong hoạt động Của các thiết chế tài phán quốc tế

01/06/2013

ThS. NGUYỄN TIẾN VINH

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sự hình thành và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về lĩnh vực thẩm quyền của các thiết chế tài phán quốc tế (TPQT) cho thấy quá trình pháp lý hóa mạnh mẽ của các quan hệ quốc tế. Đặc biệt, sự ra đời của các thiết chế xét xử hình sự quốc tế, cũng như sự can dự ngày càng lớn của các cá nhân, thể chế phi nhà nước vào hoạt động của các cơ quan TPQT trong lĩnh vực thương mại, kinh tế quốc tế đánh dấu quá trình chuyển biến mạnh mẽ khác của quan hệ quốc tế và Luật quốc tế: từ chỗ chỉ thể hiện vai trò độc tôn của các quốc gia, quan hệ quốc tế, Luật quốc tế đã dành một phần quan trọng đề cập đến vai trò, vị trí của các cá nhân. Các lĩnh vực như Luật nhân quyền, Luật nhân đạo, Luật hình sự quốc tế, Luật thương mại quốc tế đã chiếm một phần quan trọng trong Luật quốc tế nói chung. Từ những thay đổi này, xuất hiện ngày càng nhiều những nguyên tắc, quy định mang tính giao thoa giữa Luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Nguyên tắc đảm bảo sự vô tư trong hoạt động tư pháp tại các cơ quan TPQT là một trong những ví dụ điển hình về sự giao thoa này.
Nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của hoạt động tư pháp là một nguyên tắc cơ bản được thừa nhận chung trong pháp luật của mọi quốc gia. Xuất phát từ pháp luật quốc gia, nguyên tắc này hiện được ghi nhận và đảm bảo thực hiện tại tất cả các thiết chế TPQT, với những cách thức, cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào chức năng, thẩm quyền của mỗi thiết chế. Đến lượt mình, việc ghi nhận và thực hiện nguyên tắc tại các thiết chế TPQT sẽ quay lại tác động, ảnh hưởng tích cực đến việc làm sáng tỏ, phát triển nguyên tắc trong pháp luật và thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp quốc gia.
Untitled_476.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Đảm bảo sự vô tư trong hoạt động tư pháp: nguyên tắc nền tảng của mọi thiết chế tài phán quốc tế
1.1. Sự phát triển về số lượng và đa dạng về lĩnh vực của các thiết chế TPQT
So với lịch sử lâu đời của quan hệ quốc tế và Luật quốc tế, các thiết chế TPQT là một hiện tượng tương đối mới mẻ. Được hiểu là những cơ quan quốc tế được thành lập trên cơ sở sự thỏa thuận giữa quốc gia, nhằm thực hiện chức năng xét xử thông qua việc áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế, các thiết chế TPQT chỉ xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ XX.
Thiết chế tư pháp quốc tế mang tính thường trực đầu tiên là Tòa án công lý Trung Mỹ, được thành lập vào năm 1907, chỉ tồn tại trong khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi[1]. Vào năm 1922, Tòa án công lý quốc tế thường trực của Hội Quốc Liên -  tiền thân của Tòa án công lý quốc tế (Tòa án ICJ) của Liên hiệp quốc (LHQ) - được thành lập. Tòa án ICJ được thành lập năm 1946 với tư cách “là cơ quan xét xử chính của LHQ”, là cơ quan xét xử các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia quan trọng nhất hiện nay[2],[3]. Sau sự ra đời của LHQ và Tòa án ICJ, trong vài thập kỷ gần đây, nhân loại chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các thiết chế TPQT mới.
Nhằm xét xử các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia hoặc với sự tham gia của các quốc gia, có sự hình thành của Tòa án Luật biển quốc tế (Tòa án ITLOS), Tòa án công lý châu Âu, Tòa án công lý châu Mỹ, Tòa án công lý châu Phi, Tòa án nhân quyền châu Âu (ECHR), Tòa án nhân quyền châu Mỹ, Tòa án nhân quyền châu Phi. Gần đây, cùng với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã hình thành Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) và Cơ quan phúc thẩm thường trực trong cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Với vai trò, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của mình, Cơ quan phúc thẩm của WTO được đánh giá là một Tòa án của thế giới (World Court) trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa các quốc gia.
Trong lĩnh vực hình sự cũng chứng kiến sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các thiết chế xét xử quốc tế. Ngay sau đại chiến thế giới thứ II, nhân loại chứng kiến sự thành lập hai Tòa án quân sự quốc tế đặc biệt tại Nuremberg và Tokyo nhằm xét xử các tội phạm chiến tranh thuộc khối trục phát xít Đức, Nhật. Vào năm 1994, 1995 trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) của LHQ, ra đời Tòa án hình sự quốc tế đặc biệt dành cho Nam Tư cũ (Tòa án ICTY) và Tòa án hình sự quốc tế đặc biệt dành cho Rwanda (Tòa án ICTR), nhằm xét xử các tội ác quốc tế diễn ra trong bối cảnh các xung đột sắc tộc và nội chiến tại các quốc gia này. Vào năm 1998, các nước đã ký kết Công ước Roma thành lập Tòa án hình sự quốc tế (Tòa án ICC). Tòa án này chính thức đi vào vận hành năm 2002 và trở thành thiết chế tư pháp hình sự quốc tế mang tính thường trực duy nhất, quan trọng nhất hiện nay. Gần đây, song song và tiếp sau sự ra đời của Tòa án ICC, xuất hiện mô hình xét xử hình sự đặc biệt, “hỗn hợp” giữa tính quốc gia và quốc tế. Đó là các thiết chế xét xử hình sự được thành lập tại Campuchia, Sierra Leone…[4]
Cho đến thời điểm hiện tại, một thống kê tương đối cho thấy có khoảng hơn 20 cơ quan TPQT đã được thành lập bởi các quốc gia. Các cơ quan này có tên gọi, mô hình tổ chức và thẩm quyền xét xử hết sức đa dạng. Nếu căn cứ vào đối tượng chịu sự xét xử của chúng, có thể phân chúng thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các cơ quan xét xử có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia. Trường hợp của Tòa án ICJ, Tòa án ITLOS, các Tòa án công lý khu vực và Cơ quan phúc thẩm thường trực của WTO là những ví dụ điển hình cho các cơ quan thuộc nhóm này. Nhóm thứ hai bao gồm các cơ quan xét xử quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các cá nhân với các quốc gia. Các Tòa án nhân quyền ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, hay thậm chí là Trung tâm giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư là những ví dụ trong trường hợp này. Cuối cùng, nhóm thứ ba bao gồm các cơ quan xét xử hình sự quốc tế, nhằm xét xử các tội phạm được coi là “tội ác quốc tế” như trường hợp của Tòa án ICC, các Tòa án hình sự quốc tế Ad-hoc ICTY và ICTR được thành lập trên cơ sở các quyết định của HĐBA của LHQ, hay các Tòa án hình sự đặc biệt được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa LHQ với một nước có liên quan.
1.2. Sự ghi nhận nguyên tắc đảm bảo sự vô tư trong hoạt động tư pháp tại các thiết chế TPQT
Nguyên tắc đảm bảo sự vô tư là một trong những nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong quy chế, hay quy tắc tố tụng của tất cả các cơ quan xét xử quốc tế, cho dù đó là cơ quan có thẩm quyền xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia, là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của cá nhân đối với các quốc gia, hay là cơ quan xét xử quốc tế các hành vi phạm tội hình sự của các cá nhân. Điều 20 Quy chế của Tòa án ICJ quy định: “Mỗi thành viên của Tòa án, trước khi nhận nhiệm vụ, phải trịnh trọng tuyên thệ trong phiên họp công khai của Tòa án là sẽ thực thi nhiệm vụ một cách hoàn toàn vô tư và tận tâm”[5].
Khoản 1 Điều 3 bản Quy tắc của Tòa án ECHR quy định: “Trước khi nhận nhiệm vụ, mỗi thẩm phán được bầu chọn phải trịnh trọng tuyên thệ hoặc tuyên bố tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Tòa án mà thẩm phán tham dự, hoặc nếu cần, trước Chánh án của Tòa án như sau: “Tôi xin thề” hoặc “Tôi trịnh trọng tuyên bố” - “rằng tôi sẽ thực thi nhiệm vụ của mình với danh dự, với sự độc lập và vô tư, và rằng tôi sẽ tôn trọng bí mật các phiên thảo luận án của tòa”.
Điều 45 Quy chế của Tòa án ICC quy định: “Trước khi nhận nhiệm vụ theo Quy chế này, các Thẩm phán, Trưởng Công tố, các Phó Công tố, Chánh Lục sự, và Phó Lục sự phải tuyên thệ từng người một trước Tòa là sẽ thực hiện chức năng của mình một cách vô tư và tận tâm”.
Điều 13 Quy chế Tòa án ICTY, tương tự như điều 12 Quy chế Tòa án ICTR cũng đòi hỏi các thẩm phán của Tòa án phải là những người có phẩm chất đạo đức nổi trội, có năng lực và hoàn toàn vô tư. Điều 76 Quy tắc thủ tục và chứng cứ của Tòa án ICTY còn quy định nghĩa vụ vô tư của phiên dịch viên với tư cách là người tham gia tố tụng: “Trước khi nhận nhiệm vụ, mọi phiên dịch viên phải đưa ra một lời tuyên bố trịnh trọng, theo đó phiên dịch viên cam kết thực thi nhiệm vụ của mình với sự trung thực, độc lập và vô tư trong sự tôn trọng một cách đầy đủ nghĩa vụ giữ bí mật”[6].
Đặc biệt, đối với các cơ quan xét xử quốc tế về nhân quyền và hình sự, các điều ước quốc tế về nhân quyền, nhân đạo quốc tế chính là những nguồn pháp luật cơ bản được áp dụng. Tại những văn kiện này, một trong những nguyên tắc cơ bản được thừa nhận chung là nguyên tắc vô tư của các cơ quan tư pháp. Hàng loạt các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận quyền có một phiên tòa xét xử công bằng, độc lập, vô tư được thành lập trên cơ sở pháp luật là một trong những quyền cơ bản của các cá nhân. Quyền này phải được các cơ quan xét xử quốc tế tôn trọng. Điều 10 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án độc lập và vô tư để xác định những quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ”.
Điều 14.1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, vô tư và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội đối với người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự”.
Các điều khoản tương tự cũng được tìm thấy tại Điều 6.1 của Công ước châu Âu về nhân quyền, Điều 7.1 của Hiến chương châu Phi về các quyền của con người và của các dân tộc, Điều 8.1 Hiến chương nhân quyền của châu Mỹ.
Các cơ quan xét xử quốc tế, đặc biệt là các cơ quan xét xử về hình sự và nhân quyền không những phải tôn trọng, áp dụng các quy định trên, mà trong quá trình hoạt động của mình, còn không ngừng giải thích, làm sáng tỏ nội dung, giá trị và cách thức áp dụng của chúng. Nói cách khác, các cơ quan xét xử quốc tế vừa là những chủ thể có trách nhiệm thực thi nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của tư pháp, nhưng đồng thời cũng là những chủ thể góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ, thậm chí vào sự phát triển của nguyên tắc này.
2. Yêu cầu và những thách thức của nguyên tắc đảm bảo sự vô tư trong hoạt động tư pháp của các thiết chế tư pháp quốc tế
2.1. Việc bầu chọn nhân sự của các Tòa án
Các điều kiện bầu chọn, phương thức và thủ tục bầu chọn không những ảnh hưởng đến chất lượng, mà còn ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư của các nhân sự các thiết chế tư pháp quốc tế. Một số những nhân tố sau đây của quá trình bầu chọn có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự vô tư này.
Thứ nhất, hoạt động bầu chọn các nhân sự của các thiết chế tư pháp quốc tế chủ yếu do chính các quốc gia thành viên của thiết chế tư pháp quyết định[7]. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, các nhân sự của các thiết chế tư pháp quốc tế trước hết được giới thiệu bởi chính quốc gia mà họ mang quốc tịch. Các nhân sự này, trong nhiều trường hợp đã từng là nhân viên ngoại giao, tư pháp cấp cao của quốc gia, hay đã từng là chuyên gia, tư vấn cho quốc gia. Điều này dẫn đến nguy cơ là các nhân sự đó, một khi được bầu chọn, có thể có sự thiên vị đối với bên tranh chấp là quốc gia mà họ mang quốc tịch. Thậm chí, sự không vô tư của nhân sự của Tòa án còn có thể xảy ra ngay cả khi vụ án có liên quan đến những cá nhân mà họ có cùng quốc tịch, hoặc liên quan đến quốc gia hay công dân của quốc gia có quan hệ gần gũi hay đồng minh với quốc gia mà nhân sự mang quốc tịch. Một nghiên cứu thống kê được thực hiện đối với trường hợp Tòa án ICJ của LHQ cho thấy, đối với một vụ việc thông thường, khả năng thẩm phán biểu quyết cho nguyên đơn hoặc bị đơn là 50 – 50. Tuy nhiên, nếu một bên trong vụ tranh chấp là quốc gia mà thẩm phán mang quốc tịch, xác suất thẩm phán bỏ phiếu cho quốc gia mình mang quốc tịch chiếm đến 80 đến 90%[8].
Thứ hai, sự vô tư của các nhân sự của các thiết chế tư pháp quốc tế, đặc biệt là các thẩm phán cũng có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý, văn hóa khu vực hay truyền thống pháp lý[9]. Chẳng hạn, trong giải quyết các vụ việc, các thẩm phán có thể có tâm lý thiên vị đối với bên có cùng nguồn gốc khu vực địa lý, văn hóa đối với thẩm phán. Thẩm phán cũng có thể dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những lập luận, quan điểm phản ánh truyền thống pháp lý mà thẩm phán bị ảnh hưởng.  
Thứ ba, quá trình giới thiệu, bầu chọn các nhân sự, đặc biệt là các thẩm phán tại các cơ quan  tư pháp quốc tế trên thực tế mang nhiều yếu tố chính trị. Trong nhiều trường hợp, quá trình giới thiệu, bầu chọn này thiếu tính minh bạch, không hoàn toàn dựa trên những tiêu chí khách quan, cả ở cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế[10]. Những yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến sự độc lập, vô tư của các nhân sự một khi đã được bầu chọn.
Để tránh và hạn chế tối đa những nguy cơ ảnh hưởng đến sự vô tư như trên, có nhiều quy định, biện pháp được áp dụng tại các cơ quan tư pháp quốc tế.
Trước hết, tại hầu hết các thiết chế tư pháp quốc tế, đặc biệt là các thiết chế tư pháp hình sự, sự vô tư luôn được quy định là một trong những phẩm chất bắt buộc cho các ứng cử viên. Điều 2 Quy chế của Tòa án ITLOS quy định các thành viên của Tòa án “được bầu chọn trong số những người có uy tín cao về sự vô tư và chính trực”. Điểm a) khoản 3 điều 36 Quy chế Tòa án ICC quy định “các thẩm phán được chọn trong số những người có phẩm chất đạo đức cao, vô tư và chính trực…”. Điều 13.1 của Quy chế của Tòa án ICTY quy định các thẩm phán phải “là những người có phẩm chất cao về đạo đức, sự vô tư và chính trực”. Điều 12 Quy chế Tòa án ICTR quy định “Các thẩm phán thường trực và thẩm phán Ad litem phải là những cá nhân có phẩm chất cao về đạo đức, về sự vô tư và chính trực…”
Tiếp đó, quy chế hay quy tắc của các thiết chế tư pháp quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến tính đại diện khu vực địa lý, của các nền văn minh hay các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới trong thành phần mỗi cơ quan. Điều 9 Quy chế của Tòa án ICJ quy định: “Trong mọi cuộc bầu chọn, các bên bỏ phiếu phải cân nhắc việc các ứng viên cho các chức vụ của Tòa án phải đáp ứng mọi điều kiện đã được quy định mà còn phải đảm bảo rằng, về tổng thể họ phải đại diện cho các hình thái văn minh chủ yếu nhất và các hệ thống văn hóa pháp lý cơ bản trên thế giới”[11].
Theo một thông lệ tại LHQ, tỷ lệ phân bổ các thẩm phán theo tiêu chí địa lý tại Tòa án ICJ được tính như sau: 4 thẩm phán cho các nước Tây Âu; 2 cho Đông Âu; 3 cho châu Mỹ; 3 cho châu Á; và 3 cho châu Phi[12]. Một nguyên tắc luôn được thực hiện là mỗi nước thành viên thường trực của HĐBA của LHQ (bao gồm Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Quốc) luôn có một thẩm phán mang quốc tịch tại Tòa án ICJ.
Điều 2.1 của Tòa án ITLOS quy định: “Sự đại diện của các hệ thống pháp lý cơ bản trên thế giới và sự phân bổ theo khu vực địa lý được đảm bảo trong thành phần của Tòa án” và “Mỗi khu vực địa lý theo sự phân chia của LHQ không thể có ít hơn ba đại diện”. Tại lần bầu chọn đầu tiên của Tòa án, các nước thành viên quyết định là trên tổng số 21 thành viên, nhóm các nước châu Phi, châu Á mỗi khu vực có 5 đại diện; Mỹ La tinh, Ca-ri-bê và khu vực Tây Âu mỗi khu vực có 4 đại diện, khu vực Đông Âu có 3 đại diện. Sự phân chia này được áp dụng đến năm 2009, khi các nước thành viên quyết định giảm số đại diện của các nước thuộc nhóm Tây Âu từ 4 xuống còn 3 đại diện. 01 đại diện còn dư theo cách tính mới sẽ được bầu bổ sung, theo thứ tự quay vòng, cho từng nhóm nước[13].
Tại Tòa án ICC, ngoài yêu cầu đảm bảo tính đại diện về truyền thống pháp luật, khu vực địa lý, Quy chế của Tòa án còn đề cập đến cả sự cân bằng về giới tính trong thành phần của Tòa án:
“a) Trong việc bầu chọn Thẩm phán, các quốc gia thành viên phải tính đến nhu cầu, trong giới hạn thành viên, về:
i)  Sự đại diện của các hệ thống pháp luật chính trên thế giới;
ii)  Sự đại diện công bằng về khu vực địa lý;
iii)  Sự đại diện công bằng giữa Thẩm phán nam và Thẩm phán nữ”[14].
Theo một nghị quyết được thông qua bởi Đại hội đồng các nước thành viên năm 2004, mỗi khu vực địa lý được bầu chọn 2 thẩm phán tại Tòa án[15].
Cuối cùng, để đảm tối đa sự khách quan, chặt chẽ trong việc giới thiệu và bầu chọn nhân sự, quy chế và quy tắc của các thiết chế tư pháp quốc tế cũng đưa ra những nguyên tắc, biện pháp đặc thù. Chẳng hạn, tại Toà án ICJ của LHQ, các ứng viên cho chức vụ 15 thẩm phán của Toà án được bầu đồng thời bởi Đại hội đồng và HĐBA. Tại Tòa án ECHR, quá trình bầu chọn các thẩm phán được quy định với sự tham gia tích cực của các nghị viện của các nước thành viên. Điều 22 Nghị định thư số 11 của Công ước châu Âu về quyền con người quy định: “các thẩm phán được bầu chọn bởi nghị viện của từng nước thành viên, theo nguyên tắc đa số, trên cơ sở một danh sách bao gồm ba ứng viên được giới thiệu bởi từng nước thành viên”. Đặc biệt, tại Tòa án ICC, Quy chế Roma dự kiến khả năng thành lập một Uỷ ban tư vấn (Advisory Committee) nhằm xem xét lại tư cách của các ứng viên là một đảm bảo bổ sung đối với tính độc lập và vô tư của các thẩm phán[16]. Tuy nhiên, việc thành lập một hội đồng như vậy chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế.
2.2. Vấn đề nhiệm kỳ và khả năng bãi nhiệm các nhân sự của Tòa án
Độ dài của nhiệm kỳ và khả năng bãi nhiệm của các nhân sự của Tòa án cũng là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự độc lập và vô tư của hoạt động tư pháp. Thông thường, một nhiệm kỳ dài, ổn định, với những đảm bảo chặt chẽ về các trường hợp bị bãi nhiệm là những điều kiện cần thiết để đảm bảo sự độc lập và vô tư của các nhân sự của Tòa án. Các thiết chế tư pháp quốc tế có các quy định khá khác nhau về vấn đề nhiệm kỳ của thẩm phán.
Theo Điều 13 Quy chế, nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án ICJ là 9 năm và có thể tái nhiệm. Thực tế có khá nhiều thẩm phán được tái bầu ở nhiệm kỳ hai, thậm chí có thẩm phán được bầu ba nhiệm kỳ liên tục. Điều 5.1 của Quy chế Tòa án ITLOS có quy định tương tự. Số lượng thẩm phán được bầu tái nhiệm ở Tòa án này còn phổ biến hơn[17]. Tại Tòa án ICC, các thẩm phán cũng có nhiệm kỳ 9 năm, nhưng không thể được bầu quá một nhiệm kỳ[18]. Quy định cho các thẩm phán của Tòa án ECHR cũng tương tự[19]. Trong khi đó, thẩm phán của Tòa án ICTY có nhiệm kỳ 4 năm, có thể tái nhiệm[20].
Đã có nhiều quan điểm ủng hộ việc các thẩm phán có nhiệm kỳ dài, thậm chí có thể lên đến 15 năm, nhưng không áp dụng chế độ tái nhiệm[21]. Một nhiệm kỳ dài có thể góp phần đảm bảo tính độc lập, vô tư của thẩm phán, đảm bảo một sự liên tục trong án lệ của Tòa án. Tuy nhiên, nếu quy định cho các thẩm phán và các nhân sự khác của Tòa án một nhiệm kỳ dài có thể tạo ra sức ỳ cho hoạt động của Tòa án, đồng thời khó đảm bảo được tính đại diện đầy đủ của các quốc gia.
Trái ngược với sự không thống nhất trong quan điểm và quy định về độ dài của nhiệm kỳ của thẩm phán, liên quan đến các trường hợp bãi nhiệm, luôn có sự đồng thuận cao tại các thiết chế tư pháp quốc tế. Nguyên tắc chung được thừa nhận là việc bãi nhiệm các thẩm phán, cũng như các nhân sự khác chỉ được thực hiện bởi chính Tòa án và với những căn cứ, thủ tục chặt chẽ. Điều 18 Quy chế Tòa án ICJ quy định “thành viên của Tòa án không thể bị bãi miễn, trừ khi theo ý kiến nhất trí của các thành viên khác, thành viên đó không còn thỏa mãn đủ các điều kiện đã đặt ra”. Điều 11 Quy chế Tòa án ITLOS quy định tương tự đối với thẩm phán của Tòa án. Theo điều 46 Quy chế Tòa án ICC, Thẩm phán, Trưởng Công tố, Phó Công tố, Chánh Lục sự chỉ bị bãi nhiệm khi có “lỗi nghiêm trọng” hoặc có hành vi “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình” hoặc “trong tình trạng không thể thực hiện được các chức năng của họ”. Việc bãi miễn chỉ được thực hiện thông qua bỏ phiếu kín, khi có 2/3 số quốc gia thành viên của Tòa án đồng ý trên cơ sở yêu cầu của 2/3 số thành viên Thẩm phán đối với Thẩm phán; đối với Trưởng Công tố, đòi hỏi phải có số phiếu của đa số tuyệt đối các nước thành viên; đối với Phó Công tố, khi có đa số tuyệt đối số phiếu của các nước thành viên trên cơ sở yêu cầu của Trưởng Công tố; quyết định bãi nhiệm Chánh Lục sự và Phó chánh Lục sự cũng phải được đa số tuyệt đối các Thẩm phán thông qua. 
2.3. Hoạt động kiêm nhiệm và tư cách tham gia vụ việc
Các thiết chế tư pháp quốc tế có những quy định khác nhau về khả năng nắm giữ chức vụ và hoạt động kiêm nhiệm của nhân sự của mình. Đối với các thiết chế đòi hỏi chế độ làm việc toàn thời gian, hoạt động kiêm nhiệm thường bị nghiêm cấm. Trái lại, ở những thiết chế áp dụng chế độ làm việc bán thời gian, hoạt động kiêm nhiệm của các nhân sự, bao gồm cả các thẩm phán có thể được quy định mềm dẻo hơn. Điều 16 Quy chế Tòa án ICJ quy định: “Các thành viên của Tòa án không được thực hiện một chức vụ hành chính hay chính trị, hoặc thực hiện bất kỳ một công việc mang tính nghề nghiệp nào khác”. Khoản 1 điều 17 của cùng Quy chế quy định: “Không một thành viên nào của Tòa án được quyền làm nhiệm vụ đại diện, tư vấn hoặc luật sư trong bất kỳ một vụ việc nào”.
Khoản 2 và 3 Điều 40 Quy chế của Tòa án ICC quy định: “2. Các thẩm phán không được tham gia bất kỳ hoạt động nào mà chắc chắn có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tư pháp hoặc sự độc lập của mình;3. Các thẩm phán phải làm việc toàn thời gian tại trụ sở của Tòa án, không được tham gia vào bất kỳ công việc nào khác mang tính nghề nghiệp”.
Quy chế của Tòa án ITLOS quy định: “Không một thành viên nào của Tòa án được đảm nhiệm những chức vụ chính trị hoặc hành chính, hoặc có những hoạt động thương mại hoặc vì lợi ích thương mại trong bất kỳ một doanh nghiệp nào có liên quan đến hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên biển hoặc đáy biển hay bất kỳ một hoạt động sử dụng thương mại nào khác đối với biển và đáy biển”[22].
Tuy nhiên tại Tòa án ITLOS, các thẩm phán vẫn được quyền thực hiện một số hoạt động nhất định ngoài Tòa án, như các công việc giảng dạy, hoặc thực hiện các hoạt động tư vấn cho các tranh chấp không liên quan đến lĩnh vực luật biển. Hoặc trong thực tiễn, một số thẩm phán của Tòa án ICC đồng thời làm trọng tài trong một số vụ tranh chấp quốc tế trong thời gian nhiệm kỳ của họ tại ICC[23].
Ngoài việc quy định về các hoạt động mang tính kiêm nhiệm, nhằm đảm bảo sự độc lập, vô tư của thẩm phán và các nhân sự khác, quy chế hay quy tắc của tất cả các thiết chế tư pháp quốc tế còn đặc biệt quan tâm đến tư cách của họ khi tham gia vào một vụ việc cụ thể. Các quy định này đặc biệt chặt chẽ đối với các cơ quan TPQT về hình sự. Nhìn chung, sự vô tư của nhân sự Tòa án nói chung và thẩm phán Tòa án nói riêng được quy chế, quy tắc của các thiết chế tư pháp quốc tế quy định ở ba dạng yêu cầu cơ bản:
Thứ nhất, yêu cầu mang tính khái quát: một nhân sự chỉ được tham gia giải quyết vụ việc khi không có bất kỳ một biểu hiện hay dấu hiệu nào dẫn đến một sự nghi ngờ “hợp lý” về sự vô tư của người đó. Về nguyên tắc, các thẩm phán, cũng như các nhân sự khác của Tòa án mặc nhiên được coi là đảm bảo yêu cầu này. Nếu có khiếu nại, chính Tòa án là cơ quan quyết định cuối cùng.
Thứ hai, yêu cầu không được tham gia giải quyết vụ việc với những tư cách khác nhau. Trong trường hợp thẩm phán, công tố viên đã từng tham gia giải quyết vụ việc, dù ở cấp độ quốc gia hay quốc tế, với cùng tư cách thẩm phán, công tố viên hoặc với tư cách khác, yêu cầu về sự vô tư mặc nhiên bị coi là không được đảm bảo. Trong trường hợp này, chính nhân sự có liên quan phải tự xin rút lui khỏi vụ việc, hoặc Tòa án sẽ tuyên bố nhân sự đó không đủ tư cách để tham gia vụ việc[24].
Thứ ba, yêu cầu không được có những mối liên hệ cá nhân hay lợi ích đối với vụ việc. Cơ chế áp dụng yêu cầu này tương tự như đối với yêu cầu không được tham gia vào giải quyết vụ việc với những tư cách khác nhau.
Khoản 2 Điều 17 Quy chế Tòa án ICJ quy định: “Không một thành viên nào của Tòa án được tham gia vào giải quyết một vụ việc mà trước đó trong vụ việc này người đó đã từng tham gia với tư cách là người đại diện, tư vấn hoặc luật sư cho một trong các bên, hoặc là thành viên của Tòa án quốc gia hay quốc tế, là nhân viên của ủy ban điều tra hoặc với tư cách nào khác”.
Liên quan đến tư cách của thẩm phán, điểm a khoản 2 Điều 41 của Quy chế của Tòa án ICC quy định: “Một thẩm phán không được tham gia xét xử vụ việc nếu có căn cứ hợp lý để nghi ngờ sự vô tư của thẩm phán đó. Một thẩm phán sẽ bị tuyên bố không đủ tư cách xét xử một vụ việc theo điều khoản này, không tính đến những yếu tố khác, nếu thẩm phán đó trước đây đã tham gia vào vụ việc này trước Tòa án với bất kỳ tư cách nào hoặc có liên quan đến người đang bị điều tra hay bị truy tố trong một vụ án hình sự quốc gia liên quan đến vụ việc này. Một thẩm phán cũng sẽ bị tuyên bố không đủ tư cách theo các căn cứ quy định trong Quy tắc về thủ tục và chứng cứ”.
Ngoài ra, theo quy định của khoản 4 Điều 39 của cùng Quy chế, các thẩm phán đã được phân công vào bộ phận phúc thẩm của Tòa sẽ chỉ được làm việc trong bộ phận đó. Các thẩm phán của bộ phận sơ thẩm sang bộ phận dự thẩm và ngược lại theo yêu cầu công việc. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, một thẩm phán đã tham gia vào vụ việc trong giai đoạn dự thẩm sẽ không được xét xử vụ việc đó ở Hội đồng xét xử sơ thẩm. 
Đối với tư cách của công tố viên, khoản 7 Điều 42 của cùng Quy chế quy định: “Trưởng Công tố cũng như Phó Công tố không được tham gia vào bất kỳ công việc nào khi có căn cứ hợp lý để nghi ngờ về sự vô tư của họ. Trưởng Công tố cũng như Phó Công tố sẽ bị tuyên bố không đủ tư cách tham gia giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản này nếu, không kể những yếu tố khác, trước đây họ đã tham gia vụ việc này trước Tòa án với bất kỳ tư cách nào hoặc có liên quan đến người đang bị điều tra hoặc truy tố trong một vụ án hình sự quốc gia liên quan đến vụ việc này”.
Điều 15 Quy tắc thủ tục và chứng cứ của Tòa án ICTY quy định: “A. Một thẩm phán không xét xử cấp sơ thẩm hay phúc thẩm một vụ việc mà trong đó thẩm phán có lợi ích cá nhân, hoặc có bất kỳ một mối liên hệ nào gây ảnh hưởng đến sự vô tư của thẩm phán. Trong trường hợp như vậy, thẩm phán phải từ chối tham gia vụ việc và Chánh án sẽ chỉ định một thẩm phán khác giải quyết vụ việc. […]. D. i) Không thẩm phán nào được xét xử phúc thẩm một vụ việc khi đã xét xử ở cấp sơ thẩm cùng vụ việc đó”[25].
2.4. Mối quan hệ của thiết chế tư pháp với các cơ quan hành chính, chính trị, lập pháp quốc gia hoặc quốc tế
Mối quan hệ giữa các cơ quan xét xử quốc tế với các cơ quan mang tính chính trị, có quyền quyết định quốc tế luôn được đặt ra khi đề cập đến nguyên tắc vô tư của các cơ quan xét xử quốc tế. Trong lĩnh vực xét xử hình sự quốc tế, vấn đề đảm bảo sự vô tư, độc lập đã từng được đặt ra ngay từ khi xuất hiện những thiết chế tư pháp hình sự quốc tế đầu tiên, cụ thể là Tòa án Newremberg và Tòa án Tokyo. Khi hai Tòa án này được thành lập và đi vào hoạt động sau Đại chiến thế giới thứ II, tính độc lập và vô tư của chúng đã bị đặt vấn đề khi chúng bị coi là Tòa án của những nước thắng trận được lập ra để xét xử đối với những nước phát-xít thua trận.
Sự độc lập và vô tư của các thiết chế tài phán hình sự quốc tế đặc biệt được đề cập và tranh cãi trong trường hợp của các Tòa án ICTY và ICTR. Cụ thể, chẳng hạn trong vụ xét xử Tadic tại Tòa án ICTY[26], và vụ xét xử Kanyabashi tại Tòa án ICTR[27], các bị cáo đều cáo buộc về tính độc lập và vô tư của các Tòa án. Thứ nhất, các bị cáo đều cho rằng tính độc lập của Tòa án không được đảm bảo với lý do Tòa án được thành lập bởi một cơ quan quyền lực chính trị là HĐBA của LHQ. Thứ hai, các bị cáo cũng cho rằng tính độc lập, vô tư không được đảm bảo vì theo Điều 35 trong Quy chế của mỗi Tòa án, các Tòa án đều phải báo cáo cho HĐBA. Ngoài ra, riêng đối với Tòa án ICTR, yêu cầu vô tư cũng không được đảm bảo bởi Tòa án chỉ thực hiện truy tố, xét xử các cá nhân thuộc một bên trong cuộc nội chiến sắc tộc ở Rwanda là bên thuộc sắc tộc Hutus. Sự không vô tư của Tòa án bị cáo buộc trong lập luận này là việc Tòa án chỉ thực hiện một “công lý mang tính lựa chọn” (selectve justice).
Trong quá trình xét xử, cả Tòa án ICTY và Tòa án ICTR đều bác bỏ các cáo buộc trên. Liên quan đến cáo buộc các Tòa án được thành lập bởi một cơ quan chính trị, các Tòa án cho rằng điều này là phổ biến đối với tất cả các cơ quan TPQT và không hề ảnh hưởng đến tính độc lập, vô tư của Tòa án. Cho dù các công tố viên, thẩm phán của Tòa án được bầu chọn bởi HĐBA và Đại hội đồng LHQ, tuy nhiên họ được đảm bảo hoạt động hoàn toàn độc lập. Chẳng hạn, Điều 15 của Quy chế của Tòa án ICTR quy định: “Công tố viên, là một cơ quan độc lập lập của Tòa án hình sự quốc tế dành cho Rwanda, hành động một cách hoàn toàn độc lập. Công tố viên không tìm kiếm hay nhận chỉ thị từ bất kỳ một chính phủ hay một nguồn nào khác”.
Liên quan đến cáo buộc rằng việc các Tòa án hàng năm phải báo cáo hoạt động lên HĐBA, cả hai Tòa án đều khẳng định rằng hoạt động này “thuần túy mang tính chất hành chính mà không phải là một hoạt động mang tính tư pháp và do vậy, không hề ảnh hưởng đến tính độc lập và vô tư của các quyết định của Tòa án”[28]. Liên quan đến cáo buộc về việc thực thi “công lý lựa chọn” bởi các Tòa án, thực tế quy chế của các Tòa án này không có sự giới hạn thẩm quyền xét xử đối với một hoặc một số đối tượng nhất định thuộc các lực lượng xung đột. Chẳng hạn, theo Điều 1 của Quy chế của Tòa án ICTR, thẩm quyền của Tòa án được áp dụng cho mọi cá nhân có hành vi bị cáo buộc là phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Rwanda và đối với mọi công dân Rwanda có hành vi bị cáo buộc là tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án được thực hiện trên lãnh thổ các nước láng giềng từ 1/1 đến 31/12/1994. Như vậy, về nguyên tắc, không hề có sự phân biệt đối xử giữa những người tình nghi phạm tội thuộc sắc tộc Hutus hay thuộc sắc tộc Tussi (là sắc tộc đang nắm giữ chính quyền).
Vấn đề về tính độc lập cũng như vô tư của cơ quan tư pháp trong mối liên hệ với các cơ quan, tổ chức quyền lực chính trị cũng được đặt ra với Tòa án ICC. Khác với các Tòa án ICTY và ICTR, Tòa án ICC được thành lập trên cơ sở một điều ước quốc tế ký kết giữa các quốc gia. Tuy nhiên, thẩm quyền và việc thực hiện thẩm quyền của Tòa án cũng chịu sự chi phối nhất định của HĐBA của LHQ. Theo Điều 13 Quy chế Roma, Toà án ICC có thể thực hiện quyền tài phán trong ba trường hợp: quốc gia thành viên yêu cầu; do HĐBA yêu cầu hoặc do bản thân Trưởng Công tố tự mình mở cuộc điều tra. Đối với trường hợp do HĐBA yêu cầu, điểm b Điều 13 quy định: “Toà án có thể thực hiện quyền tài phán đối với các tội phạm nêu tại Điều 5 theo các quy định của Quy chế này nếu:...b. Một vụ việc trong đó một hay nhiều tội phạm nêu trên đã xảy ra được HĐBA thông báo cho Trưởng Công tố theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ”[29].
Theo Điều 16 của Quy chế Roma, HĐBA có thể thông qua một nghị quyết theo Chương VII của Hiến chương LHQ yêu cầu Toà án hoãn việc điều tra hoặc truy tố. Thời hạn hoãn này được quy định là 12 tháng và có thể gia hạn. Quy định tại điều 16 Quy chế Roma đã gây ra rất nhiều những tranh luận. Trước hết, liệu quy định này có tạo cho HĐBA quyền can thiệp quá lớn đối với Toà án, trái với tinh thần xây dựng một thiết chế xét xử quốc tế độc lập và vô tư. Hơn nữa, liệu sự can thiệp của HĐBA có vi phạm đến một nguyên tắc pháp lý cơ bản là sự độc lập của cơ quan tư pháp, nguyên tắc được thừa nhận trong tất cả các hệ thống pháp luật quốc gia?
Để làm sáng tỏ vấn đề này, cần nhìn nhận bối cảnh, điều kiện của khả năng hành động của HĐBA theo quy định của Điều 16 Quy chế Roma. Theo điều khoản này, HĐBA chỉ được hành động trên cơ sở quy định của Chương VII, Hiến chương LHQ. Nói cách khác, hành động của HĐBA chỉ được thực hiện trong bối cảnh hoà bình bị đe doạ, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược. Mặt khác, cũng cần nhắc lại vai trò quyết định của HĐBA trong nhiệm vụ giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế. Xét về mặt pháp lý, Điều 16 không tạo ra một thẩm quyền mới cho HĐBA, mà chỉ tái khẳng định một thẩm quyền đã được thừa nhận bởi Luật quốc tế hiện hành[30].
3. Ảnh hưởng, tác động qua lại của nguyên tắc đảm bảo sự vô tư trong hoạt động tư pháp của các thiết chế tư pháp quốc tế đối với pháp luật quốc gia
Tư tưởng tư pháp độc lập và vô tư bắt nguồn từ học thuyết và pháp luật quốc gia. Sau đó, chúng được quốc tế hóa, được thừa nhận, ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Thậm chí chúng có được giá trị có tính chất tập quán, được thừa nhận và áp dụng bởi các cơ quan xét xử quốc tế. Hiện nay, chính những nguyên tắc này, với tư cách là những quy định được thừa nhận ở tầm quốc tế, lại quay lại ảnh hưởng đến pháp luật quốc gia[31]. Sự độc lập, vô tư của các Tòa án hiện nay được coi như những chuẩn mực bắt buộc đối với mỗi quốc gia, nhằm thỏa mãn yêu cầu của một nhà nước pháp quyền, cũng như nhằm bảo đảm quyền của mỗi cá nhân có được những phiên tòa công bằng[32].
Sự ảnh hưởng của nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của tư pháp được thể hiện trong các thiết chế tư pháp quốc tế đến pháp luật và hoạt động tư pháp của các quốc gia có thể được diễn ra thông qua những cơ chế cụ thể sau đây:
Thứ nhất, nguyên tắc này được ghi nhận trong các điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia trong lĩnh vực luật nhân quyền, luật nhân đạo quốc tế hoặc trong các quy chế, quy tắc của các Tòa án về hình sự, nhân quyền quốc tế mà các quốc gia là thành viên. Đặc biệt, đối với các Tòa án hình sự Ad-hoc ICTY và ICTR do HĐBA của LHQ thành lập, hoạt động và phán quyết của chúng là ràng buộc đối với tất cả các quốc gia, dựa trên việc thực thi thẩm quyền của HĐBA theo quy định tại Chương VII của Hiến chương LHQ. Do vậy, nguyên tắc này có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia. Trong nhiều trường hợp, các quốc gia có nghĩa vụ phải ghi nhận, cụ thể hóa nguyên tắc này trong các quy định pháp luật, cũng như nghĩa vụ đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động của bộ máy tư pháp.
Thứ hai, thông qua hoạt động áp dụng, giải thích của các cơ quan TPQT hay khu vực về nhân quyền, tư pháp hình sự quốc tế, nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của tư pháp được làm sáng tỏ, thậm chí phát triển về nội dung và yêu cầu. Ngoài việc các phán quyết này có thể có giá trị ràng buộc đối với một số các quốc gia, chúng cũng tạo ra những phát triển về nhận thức mới thông qua hoạt động nghiên cứu, phát triển học thuyết của các học giả. Từ đó, có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trong quy định pháp luật và thực tiễn của hoạt động tư pháp của các quốc gia.
Cuối cùng, dù với tư cách là một quy định điều ước, hay tập quán, hay là một nguyên tắc pháp luật chung thì nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của hoạt động tư pháp cũng là một yêu cầu mang tính nền tảng, được thừa nhận chung như là một giá trị tất yếu của văn minh nhân loại. Các quốc gia, trong việc hướng tới cam kết bảo vệ nhân quyền, xây dựng và bảo vệ các giá trị của nhà nước pháp quyền đều đương nhiên chấp nhận và có trách nhiệm đảm bảo thực thi nguyên tắc này[33]. Việc các thiết chế tư pháp quốc tế được thành lập và đi vào hoạt động cũng chính là những biểu hiện cụ thể trong việc thừa nhận, đề cao nguyên tắc này. Đến lượt chúng, các thiết chế tư pháp quốc tế cũng có những ảnh hưởng, tác động tích cực đến sự phát triển, hài hòa hóa pháp luật các quốc gia về những chuẩn mực được thừa nhận chung, trong đó có yêu cầu đảm bảo sự độc lập, vô tư của tư pháp

 


[1] Xem Ruth Mackenzie, Philippe Sands, International Courts and Tribunals and the Independence of the International Judge, Harvard International Law Journal, Vol. 44, 2003, p. 272-273.
[2]Kể từ 1947, khi vụ việc đầu tiên được giải quyết tại ICJ, đến ngày 25/1/2012, đã có 152 vụ việc được đưa ra toà án. Xem thông tin tại: http://www.icj-cij.org/docket/index.php?p1=3
[3] Điều 92, Hiến chương LHQ; Điều 1 của Quy chế của Tòa án ICJ.
[4] Xem Thỏa thuận giữa LHQ và Chính phủ Sierra Leone về Tòa án đặc biệt dành cho Sierra Leone, ký tại Freetown ngày 16/1/2002.
[5] Xem quy định tương tự tại điều 4 bản Quy tắc của Tòa án ICJ.
[6] Xem quy định tương tự tại điều 76 Quy tắc thủ tục và chứng cứ của Tòa án ICTR, phiên bản sửa đổi ngày 14/3/2008.
[7] Chẳng hạn, theo điều 8 Quy chế Tòa án ICJ, Đại hội đồng và HĐBA của LHQ cùng đồng thời bầu chọn các thẩm phán của Tòa; Thẩm phán của Tòa án ITLOS được bầu chọn bởi Hội nghị toàn thể của các nước thành viên (điều 4 Quy chế); Các thẩm phán của Tòa án ICTY Đại hội đồng LHQ bầu trên cơ sở danh sách ứng viên được giới thiệu bởi HĐBA (điều 13 Quy chế); Thẩm phán của Tòa án công lý châu Âu được bầu chọn tại Hội đồng châu Âu (Hội đồng bộ trưởng).
[8]Eric A. Posner and Miguel F. P. de Figueiredo, Is the International Court of Justice Biased?, The Journal of Legal Studies, University of Chicago, Vol.34, 2005, p. 599-626.
[9]Erik Voeten, The impartiality of international judges: Evedence from the European Court of Human Rights, American Political Science Review, Vol. 102, No 4, 2008.
[10]Ruth Mackenzie, Philippe Sands, Sđd, tr. 278-279.
[11] Điều 9 Quy chế Tòa án ICJ.
[12]Gilbert Guilllaume, La situation du juge international, Yearbook of Institute of International La – Session of Rohdes, Vol. 74, 2011, p.9.
[13]Gilbert Guilllaume, Sđd, tr.9.
[14] Điều 36.8 a) của Quy chế Tòa án hình sự quốc tế Roma.
[15] Nghị quyết  của Tòa án ICC, Tài liệu ICC-ASP/3/Rev.6 ngày 10/9/2004.
[16] Điều 36.4 c) Quy chế Tòa án ICC.
[17]Gilbert Guilllaume, Sđd, tr.17.
[18]Điều 36.9 Quy chế Tòa án ICC.
[19]Nghị định thư số 14 của Công ước châu Âu về nhân quyền.
[20]Điều 13.2 Quy chế của Tòa án ICTY, được sửa đổi năm 2006.
[21]Gilbert Guilllaume, Sđd, tr.18.
[22]Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS), Điều 7.
[23]Xem Ruth Mackenzie, Philippe Sands, Sđd, tr. 282-284.
[24] Chẳng hạn, xem quy định tại điều 24 Quy chế Tòa án  ICJ.
[25]Quy tắc thủ tục và chứng cứ của Tòa án ICTY, phiên bản sửa đổi lần thứ 46, ngày 20/10/2011, tài liệu IT/32/Rev.46. Xem quy định tương tự tại điều 15 Quy tắc thủ tục và chứng cứ của Tòa án ICTR, phiên bản sửa đổi ngày 14/3/2008.
[26] Vụ việc số IT-94-1-AR 72 (Phúc thẩm), ngày 2/10/1995.
[27] Vụ việc  ICTR 96-15-T, ngày 18/6/1994.
[28]Vụ việc ICTR 96-15-A. Tòa phúc thẩm ngày 3/6/1999.
[29] Trường hợp đầu tiên mà HĐBA viện dẫn Điều 13 điểm b là trường hợp của Darfur. Bằng Nghị quyết số 1593(2005) ngày 31/3/2003, HĐBA “Quyết định thông báo cho Công tố trưởng của Toà án hình sự quốc tế tình huống diễn ra ở Dafur từ ngày 1/7/2000”. Xem điểm 1 Nghị quyết 1593 (2005), tài liệu S/RES/1593 (2005).
[30] Về thực tiễn thực hiện điều 16 Quy chế Roma, xem Nguyễn Tiến Vinh, Vai trò của Luật quốc tế và LHQ trong lĩnh vực Luật hình sự quốc tế, trong Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật hình sự quốc tế, Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2012, tr. 109-127.  
[31]Xem Shimon Shetreet, The Normative Cycle of Shaping Judicial Independence in Domestic and International Law: The Mutual Impact of National and International Jurisprudence and Contemporary Practical and Conceptual Challenges, Chicago Journal of International Law, Vol. 10, 2009.
[32]Uỷ ban Nhân quyền của LHQ, Báo cáo của Báo cáo viên đặc trách Param Cumaraswamy trình Uỷ ban nhân quyền theo Nghị quyết 1994/41: Sự độc lập và vô tư của thẩm phán, hội thẩm và các nhân viên tư pháp, và sự độc lập của luật sư, tài liệu: E/CN.4/1995/39 ngày 6/3/1995.
[33]Chẳng hạn, xem: Lê Văn Cảm, Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. ĐHQGHN, H., 2009, tr. 769; Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. ĐHQGHN, H., 2011, tr. 168-173; Nguyễn Ngọc Chí, Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế – Luật học, số 23 (2007), tr. 64-80.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số12(244), tháng 6/2013)