Hiện tượng “taxi Grab/Uber” và vấn đề nhận diện chính sách

01/11/2015

TRẦN HOÀI NAM

Vụ Hành chính, Văn phòng Quốc hội.

Thời gian qua, trên thị trường vận tải hành khách bằng xe ô tô ở Việt Nam xuất hiện loại hình kinh doanh xe “taxi” sử dụng ứng dụng công nghệ, có phương thức kinh doanh khác biệt so với loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi đang được pháp luật quy định[1]. Loại hình “taxi” mới này, hiện được nhiều người biết đến với những cái tên như  “taxi Grab”, “taxi Uber”... Mở đầu việc tham gia thị trường, bằng cách thực hiện khuyến mại - giảm giá lớn nhằm thu hút khách hàng đến với dịch vụ của mình, “taxi Grab” và “taxi Uber” đã nhận được sự ủng hộ nhất định từ phía khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là những khách hàng trẻ ưa công nghệ, thích cái mới. Ngoài ra, cùng nhiều hoạt động khác nữa, loại hình taxi này đã, đang gây ra “xao động” nhất định cho thị trường, từ đó tạo nên những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như: tích cực và tiêu cực, ủng hộ và phản đối[2]...
Sự việc trên, phản ánh nhu cầu cần giải đáp sớm hiện tượng “taxi Grab/Uber” của xã hội. Cụ thể, theo chúng tôi, hiện nay đang đặt ra yêu cầu làm rõ về tính pháp lý và hệ quả xã hội tiềm ẩn liên quan đến kiểu kinh doanh “taxi” này. Nói cách khác, chính là yêu cầu đối với cơ quan nhà nước trong việc nhận diện chính sách và làm chính sách để giải quyết những hiện tượng mới phát sinh trong đời sống xã hội, mà bản chất là ban hành văn bản pháp luật nhằm kịp thời quản lý và phát huy nó một cách có lợi nhất.
Untitled_177.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Khái quát về “taxi Uber”, “taxi Grab” và phương thức hoạt động của loại hình kinh doanh này
Theo thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng,thì “taxi Uber” và “taxi Grab” thuộc hai công ty có nguồn gốc khác nhau, Uber có trụ sở chính ở Hà Lan, còn Grab lại có công ty mẹ tại Malaysia[3]; hiện cả hai đều đang hoạt động ở Việt Nam theo Giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp[4].
Tuy là hai công ty khác nhau, hoạt động độc lập nhưng xét về bản chất và phương thức hoạt động thì hai công ty này tương tự nhau, đặc biệt là cả hai hiện đều đang nỗ lực để thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (kinh doanh xe taxi) tại thị trường vận tải Việt Nam.
Cả “taxi Uber” và “taxi Grab” đều dùng những ứng dụng phần mềm có tính năng đặt/gọi xe ô tô chở khách nói chung, thông qua điện thoại thông minh /smart phone, trên nền tảng goolge map có sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu. Khi sử dụng, ứng dụng này giúp người có nhu cầu đi xe liên lạc được trực tiếp với lái xe taxi hoặc bất cứ lái xe nào có nhu cầu chở khách thu tiền, mà không cần đến khâu trung gian là tổng đài taxi/công ty taxi như hiện nay. Hành khách và lái xe kết nối được với nhau qua phần mềm Grab/Uber cài đặt sẵn trên điện thoại di động của cả hai bên. Khi khách hàng đặt/gọi xe, hệ thống sẽ hiển thị các thông tin về: khoảng cách giữa điểm đi - điểm đến, cước phí tạm tính cùng với hình ảnh, tên, số điện thoại của lái xe và biển số xe. Lái xe và hành khách biết vị trí của nhau dựa trên định vị toàn cầu GPS của điện thoại. Nếu khách hàng đồng ý đi, việc tính cước được thực hiện tự động qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard của khách đã khai báo trên phần mềm nếu khách đi xe sử dụng phần mềm Uber, hoặc trả tiền trực tiếp cho lái xe nếu khách đi xe sử dụng phần mềm Grab...
Một điểm đáng lưu ý của phương thức kinh doanh này là xe ô tô vận tải hành khách “như taxi” nhưng khi sử dụng phần mềm Grab/Uber đều có thể không cần phù hiệu taxi, logo của hãng và đồng hồ tính cước như taxi “truyền thống”, nó có vẻ ngoài trông giống như một chiếc ô tô không tham gia hoạt động kinh doanh xe taxi.
Đặc điểm trên là một trong những điểm cơ bản nên được quan tâm khi đánh giá, nhận xét về loại hình kinh doanh “taxi” này, mà ở đó cần tập trung vào tính pháp lý (sự hợp pháp) và tính hợp lý (sự phù hợp với thực tế) của nó. Bàn về tính pháp lý, phải viện dẫn pháp luật hiện hành để “soi chiếu” xem loại hình kinh doanh này được quy định ở đâu, như thế nào, hay chưa được quy định; bàn về tính hợp lý, phải căn cứ vào thực tế để đánh giá xem loại hình kinh doanh này nên quy định như thế nào cho phù hợp và hữu ích nhất.
2. Một số khía cạnh pháp lý và chính sách liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
2.1. Một số khía cạnh pháp lý
Trước khi đề cập đến những vấn đề pháp lý cụ thể liên quan đến việc sử dụng phần mềm Grab/Uber để tham gia kinh doanh vận tải hành khách như taxi, có một vấn đề cần xác định là: Các công ty hiện đang sở hữu và sử dụng phần mềm Grab/Uber (sau đây gọi là Công ty Grab/Uber) là những công ty kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxihay chỉ là công ty công nghệ cung cấp giải pháp “vận tải thông minh”đóng vai tròhỗ trợ doanh nghiệp vận tải kết nối với khách hàng nhanh chóng, thuận tiện?
Ban đầu, theo đại diện của Công ty Grab/Uber khẳng định trên một số phương tiện thông tin, họ là công ty kinh doanh về công nghệ theo Giấy phép hoạt động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, họ không kinh doanh vận tải[5];
Trên cơ sở khẳng định của Grab/Uber, có ý kiến đồng tình rằng, những Công ty kiểu này là đơn vị kinh doanh về công nghệ theo Giấy phép đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, không kinh doanh vận tải, vì vậy không phải là đối tượng quản lý của ngành giao thông vận tải[6];
Ý kiến khác lại cho rằng, với mô hình hiện nay, Công ty Grab/Uber đang hoạt động như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị điện thoại di động. Nên Grab/Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ. Trong khi hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động này, vì thế chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lý ứng dụng này và các ứng dụng tương tự[7].
Theo chúng tôi, Grab/Uber chỉ là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi, mà ở đây cụ thể và trực tiếp là với nhân viên lái xe của công ty taxi.
Do vậy, về bản chất, các công ty kiểu Grab/Uber không cung cấp dịch vụ vận tải, vì với mô hình và cách thức hoạt động như hiện nay, cho dù có đăng ký thêm lĩnh vực kinh doanh vận tải thì theo quy định của pháp luật họ cũng chưa đáp ứng đủ điều kiện để được cung cấp dịch vụ này, họ chỉ tạo ra nền tảng để bên cung cấp dịch vụ vận tải và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty này lại không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ, mà còn đang hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh xe taxi,và hiện nay nhiều người cũng đã biết đến “taxi Uber”, “taxi Grab”... như là những hãng taxi. Bởi lẽ, các công ty kiểu Grab/Uber đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh xe taxi(công ty taxi): lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách; điều động xe, quyết định hành trình của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí của lái xe, khuyến mại cho khách hàng; nhận và giải quyết phản hồi của khách hàng...
Như vậy, xét ở khía cạnh pháp lý, các công ty này đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo các Điều 66, 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định số 86/2014) quy định thì loại hình kinh doanh xe taxilà một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn vị kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện nhất định như: đăng ký kinh doanh, bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; xe phải gắn thiết bị giám sát hành trình, phải có phù hiệu taxi, logo của hãng và lắp đồng hồ tính cước... Đây là những điều kiện mang tính bắt buộc để một công ty taxi hiện nay được hoạt động. Vì thế, nếu các công ty Uber/Grabmuốn tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ taxi ở Việt Nam thì họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:
- Tự thành lập đơn vị kinh doanh xe taxi của riêng mình, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực hoạt động kinh doanh này; hoặc
- Ký hợp đồng hợp tác với các đơn vị kinh doanh xe taxi hiện có với tư cách là Công ty đối tác cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của đơn vị taxi. Và trong trường hợp này, công ty Grab/Uber cũng không được tự ý định giá cước cho hành khách, thu phí của lái xe và đăng ký khuyến mại cước vận tải... như đang làm, mà những việc này vẫn phải do đơn vị kinh doanh xe taxithực hiện.
Ngoài hai hình thức trên, nếu công ty Grab/Uber trực tiếp hợp tác với các cá nhân chỉ có phương tiện và giấy phép lái xe, hoặc với những đơn vịkinh doanh vận tải hành kháchthuộc loại hình khác,không phải là đơn vịthuộc loại hình kinh doanh xe taxi như quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 86/2014 thì cả công ty Grab/Uber và các cá nhân, đơn vị tham gia hợp tác đều vi phạm pháp luật và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép (chúng tôi xin nhấn mạnh điểm này).
Liên quan đến những khả năng nêu trên, hiện nay có ý kiến cho rằng: nếu công ty Uber/Grab hợp tác với loại hình đơn vị kinhdoanh vận tải hành khách theo hợp đồng(sau đây gọi là kinh doanh xe hợp đồng)thì sẽ không trái pháp luật. Vì khoản 1 Điều 7 Nghị định số 86/2014 định nghĩa: loại hình“kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải”, chỉ có điều, Nghị định số 86/2014 chưa có quy định rõ hợp đồng vận tải có thể thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử; nhưng Điều 12 Luật Giao dịch điện tử có quy định: “thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản...” nên để giải quyết vướng mắc pháp lý này, cần báo cáo Chính phủ cho phép đơn vị kinh doanh xe hợp đồng và người thuê vận tải được sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản, thì sau đó, các công ty Grab/Uber hoàn toàn có thể hợp tác với đơn vị này để kinh doanh xe taxi một cách hợp pháp, mà không cần phải thành lập hoặc hợp tác với đơn vị kinh doanh xe taxi.
Với lý lẽ, theo khoản 1 Điều 7 này thì loại hình đơn vị kinh doanh xe hợp đồng được vận tải hành khách là đã rõ, chỉ còn vướng điều kiện phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản (giấy), thì nay nếu được Chính phủ cho phép sử dụng hợp đồng điện tử để thay thế, là đáp ứng được điều kiện này; hợp đồng điện tử ở đây là: khi yêu cầu dịch vụ thông qua ứng dụng Grab/Uber thì khách hàng sẽ nhận được thông điệp dữ liệu điện tử, thể hiện trên giao diện mà mình sử dụng, trong đó đã bao gồm các điều kiện của một hợp đồng vận tải.
Như vậy là, công ty Uber/Grab có thể mặc nhiên kinh doanh lấn sang phạm vi của loại hình đơn vị kinh doanh xe taxi mà không sợ trái luật, vì vẫn kinh doanh đúng loại hình đơn vị của mình và đáp ứng đủ 02 điều kiện mà pháp luật quy định là: vận tải hành khách và có hợp đồng (điện tử).
Theo chúng tôi “sáng kiến” trên là khó hiểu.
Thứ nhất, nói chính xác thì Nghị định số 86/2014 không quy định về hợp đồng vận tải có thể thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử, chứ không phải là chưa quy định rõ, và cho dù như vậy, thì đây cũng không phải “vướng mắc về pháp lý” để phải báo cáo Chính phủ như ý kiến đã đề xuất. Bởi lẽ, theo Điều 12 Luật Giao dịch điện tử mà chính ý kiến này viện dẫn, đã quy định rõ: “thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản...” thì việc sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng bằng văn bản coi như đã được luật định, trước chưa làm được, nay nếu làm được là tốt, rất nên khuyến khích. Sao còn phải xin ý kiến Chính phủ?
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về việc hợp đồng điện tử thay thế hợp đồng văn bản, nhưng bên cạnh đó chúng tôi muốn khẳng định một điều là, dù có thế thì việc này không liên quan và không thể làm thay đổi bản chất và đối tượng khách hàng/hành khách của loại hình kinh doanh xe hợp đồng. Nên không thể căn cứ vào đây để lấn sang phạm vi kinh doanh của loại hình kinh doanh xe taxivốn là loại hình có những điều kiện kinh doanh khắt khe, khác biệt so với loại hình kinh doanh xe hợp đồng(chúng tôi xin nhấn mạnh điều này).
Thứ hai, ý kiến này đã chứng tỏ việc không nghiên cứu kỹ Nghị định số 86/2014 (trước đây là Nghị định số 91, Nghị định số 93[8]) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong quá trình áp dụng, dù có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì tại Nghị định này vẫn duy trì những quy định mang tính phân biệt giữa các loại hình kinh doanh vận tải hành khách với những tên gọi cụ thể, trong đó có 02 loại hình mang tên gọi khác nhau là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồngkinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Tương ứng với mỗi loại hình kinh doanh này là các quy định khác nhau về điều kiện để mỗi loại hình được phép hoạt động trong một phạm vi kinh doanh nhất định, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật về điều kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh của từng loại hình. Từ đó cho thấy, đối tượng vận tải/hành khách hướng tới của hai loại hình đơn vị này là hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, trong Nghị định số 86/2014, cùng với quy định tại Điều 6 về “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi” còn có Điều 17 quy định về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi”; cùng với Điều 7 quy định về “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” còn có Điều 18 quy định về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô”. Đây là các Điều mà ý kiến trên đã quên không nhắc đến, khi chỉ nói đến khoản 1 của Điều 7 về “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng”.
Nay chỉ bằng việc nêu ra hợp đồng điện tử có thể thay thế hợp đồng văn bản, một vấn đề không có gì gọi là “vướng mắc pháp lý”, mà cho rằng, có thể làm thay đổi bản chất và phạm vi kinh doanh (đối tượng hành khách) của loại hình đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, thì chúng tôi cho rằng, đây là việc làm nhằm “tráo” khái niệm giữa “xe hợp đồng” và “xe taxi”  để bỏ qua quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh xe taxi, xe hợp đồng đã được Nghị định số 86/2014 xác định.
Có người nói, đây là một cách “lách luật”, do pháp luật chưa quy định hoặc quy định không rõ ràng. Ngược lại, chúng tôi cho rằng, đây là vi phạm pháp luật nếu hiểu và làm như vậy, vì pháp luật mà cụ thể ở đây là Nghị định số 86/2014, với các điều kiện về kinh doanh dành cho mỗi loại hình đơn vị kinh doanh đã được quy định rất đầy đủ, chặt chẽ và minh bạch.
Chúng tôi cho rằng, về vấn đề này, trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ Giao thông vận tải có thể ban hành Thông tư hướng dẫn, giải thích Nghị định số 86/2014, mà cụ thể là giải thích rõ sự khác nhau, cũng như mục đích, ý nghĩa của việc Nghị định đã phân chia lĩnh vực kinh doanh vận tải hành kháchthànhcác loại hình kinh doanh vận tải hành khách riêng biệt mang tính “chuyên ngành[9]”, qua đó xác định rõ phạm vi kinh doanh (đối tượng/hành khách) của 02 loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồngkinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi đang được quy định trong Nghị định này.
Từ những nội dung trên, chúng tôi muốn đề cập đến bản chất của vấn đề:
- Các công ty Grab/Uber muốn kinh doanh xe taxi nhưng không muốn đáp ứng các điều kiện mà pháp luật yêu cầu phải đảm bảo trong lĩnh vực kinh doanh này, điều mà các công tytaxi đang phải thực hiện như: đầu tư phương tiện, có phù hiệu taxi, logo của hãng, lắp đồng hồ tính cước, chịu các loại thuế, phí, tham gia đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...;
- Ý kiến đề xuất việc báo cáo Chính phủ cho phép loại hìnhđơn vịkinh doanh xe hợp đồng được sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng văn bản chính là một cách ủng hộ các công ty Grab/Uber được kinh doanh xe taxi mà không cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Bằng cách, lần lượt thực hiện các bước: đặt ra “vướng mắc pháp lý” về hợp đồng vận tải bằng văn bản của loại hình xe hợp đồng, một việc làm tưởng như không cần thiết nhưng lại có mục đích quan trọng là hợp pháp hóa quyền kinh doanh xe taxi của loại hình xe hợp đồng như phần trên chúng tôi đã phân tích; cuối cùng chỉ còn là sự hợp tác “công khai, hợp pháp” để kinh doanh taxi giữa công ty Grab/Uber và đơn vị kinh doanh xe hợp đồng với danh nghĩa ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động vận tải hành khách.
2.2. Chính sách
Như đã nêu, bên cạnh các quy định khắt khe của pháp luật về điều kiện kinh doanhvận tải hành khách bằng xe taxi,thì trong việc thành lập và hoạt động đối với các hãng taxi tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền sở tại còn áp dụng chính sách khống chế số lượng xe theo quy hoạch ngắn hạn, dài hạn thông qua việc cấp hạn ngạch cho từng hãng taxi; cấm taxi đi vào một số tuyến phố, tuyến đường, cấm hoạt động vào một số giờ nhất định trong ngày... Nay, nếu cho phép dịch vụ “taxi” sử dụng phần mềm Grab/Uber hoạt động tràn lan, núp danh loại hình kinh doanh xe hợp đồng “hợp pháp” là đồng nghĩa với việc tháo khoán, khuyến khích cho “người người làm taxi, nhà nhà làm taxi”, và như vậy là đi ngược lại với các chính sách mà các địa phương, cơ quan nhà nước đã đề ra và đang áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh xe taxi, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh phức tạp, bất bình đẳng, không lành mạnh của thị trường này.
Do vậy, trong trường hợp các công ty kiểu Grab/Uber được phép hợp tác với đơn vị kinh doanh xe hợp đồngđể kinh doanh “trùng” phạm vi với các đơn vị kinh doanh xe taxi, thì việc này được hiểu là, với tinh thần tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh nghiệp, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh xe taxinói riêng,cụ thể là đối với điều kiện kinh doanh của loại hình kinh doanh xe taxi, đã thay đổi. Vì thế, để phù hợp với thực tế mới này,Chính phủ cần sớm minh định chính sách của mình bằng quy định pháp luật cụ thể. Theo đó, việc xem xét, sửa đổi Nghị định số 86/2014 với việc bỏ loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, và một số loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Bởi các loại hình này đã nằm cả trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh xe taxi nên cân nhắc việc chuyển đổi sang loại hìnhkinh doanh xe hợp đồng để sớm được hưởng các thuận lợi mới mà pháp luật dành cho loại hình này. Nếu chuyển đổi, với số lượng đáng kể phương tiện sẵn có, cùng kinh nghiệm hoạt động kinh doanh lâu năm ở loại hình của mình, chắc chắn các công ty taxi hiện nay sẽ dễ dàng đáp ứng được quy định mới về điều kiện kinh doanh của loại hình kinh doanh xe hợp đồng (hợp đồng vận tải bằng văn bản điện tử), qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như xu hướng áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành vận tải đã và đang được Nhà nước hết sức khuyến khích phát triển.
3. Những hệ quả hiện hữu và tiềm ẩn từ việc kinh doanh “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber
Theo chúng tôi, từ góc độ hoạch định chính sách vĩ mô với tầm nhìn dài hạn, thì hiện tượng kinh doanh “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber cần được nghiên cứu một cách thấu đáo trên nguyên tắc thận trọng và toàn diện, từ đó có sự nhìn nhận, dự báo rõ ràng về cái được, cái mất khi để cho loại hình kinh doanh này “nhập khẩu” và hoạt động ở Việt Nam.
3.1. Hệ quả kinh tế
- Chất đầu tư của Grab/Uber:
Không phải là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa nhiều vốn và công nghệ tiến bộ vào Việt Nam, từ đó tạo ra nhiều việc làm chính đáng, ổn định hoặc giúp đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho nguồn nhân lực trong nước.
Có thể nói, tuy có những tiện ích không thể phủ nhận, nhưng phần mềm của công ty Grab/Uber không phải là một sản phẩm đặc biệt mang tính “công nghệ hiếm”; và số vốn mà các công ty này đầu tư vào Việt Nam cũng là không đáng kể, với một phần nhỏ chi phí thuê địa điểm làm văn phòng đại diện, thuê một nhóm người để vận hành, quản lý thị trường vận tải đã sẵn có và nhiều hơn chút nữa, có chăng là chi cho khuyến mại, miễn phí sử dụng dịch vụ thời gian đầu để thu hút khách.
- Tiền bị chuyển ra nước ngoài:
Bản chất là các công ty nước ngoài, lại với phương thức thanh toán bằng thẻ quốc tế của loại kinh doanh “taxi” kiểu này như đã đề cập, thì hàng ngày, hàng giờ có thể sẽ có một số lượng lớn tiền bị rút ra khỏi Việt Nam.
- Rối loạn thị trường:
Thực chất, việc kinh doanh dịch vụ “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber không tạo ra thị trường mới, mà chỉ đơn giản là giành lấy thị phần từ thị trường sẵn có ở Việt Nam của các hãng taxi “truyền thống” trong nước. Không những thế, loại hình này còn có nguy cơ gây nhiễu thị trường với mức độ khó lường. Các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber và khách hàng cũng không chắc đã mừng được lâu. Vì trong tương lai, các công ty Grab/Uber sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển ra sao, với chính sách về giá cước đối với hành khách, mức phí thu của lái xe như nào... là điều không ai có thể đoán định được.
- Bất bình đẳng trong hợp tác kinh doanh:
Khi các công ty Uber/Grab đã thực sự chiếm được thế chủ động trên thị trường, thì lúc đó, các cá nhân, đơn vị tham gia hợp tác sẽ hoàn toàn ở vào địa vị của người làm thuê, còn công ty Grab/Uber mới ở địa vị làm chủ, với những điều kiện hợp tác và chính sách kinh doanh dẫn dắt thị trường do họ toàn quyền tự quyết. Đây cũng là điều mà họ đã làm lâu nay mà không mấy ai chú ý.
- Nguy cơ về “cuộc chiến” phần mềm:
Học tập kiểu Grab/Uber, có nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phần mềm kiểu này nữa tham gia vào thị trường kinh doanh xe taxiở Việt Nam. Báo hiệu trước một cuộc đua tranh đầy tính giằng co về lái xe và khách hàng giữa các công ty kiểu Grab/Uber. Bởi một lẽ dễ hiểu, đây là một thị trường tiềm năng và sự quản lý lại khá thông thoáng, trong khi những phần mềm kiểu này, theo đánh giá của chuyên gia lại không quá khó để viết.
3.2. Hệ quả xã hội
- Phá sản và thất nghiệp:
Nhờ “lợi thế” không tuân thủ pháp luật nên hiện thời, loại hình dịch vụ “taxi” này đang có xu hướng phát triển mạnh, khiến các hãng taxi truyền thống có thể gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, thậm chí phá sản, dẫn đến khả năng hàng loạt lao động là lái xe taxi sẽ bị thất nghiệp.
Hệ quả này nếu xảy ra sẽ là nghịch lý hiếm gặp trong một cơ chế thị trường lành mạnh, nơi mà về nguyên lý các doanh nghiệp được tổ chức bài bản, hoạt động kinh doanh có quy mô, đúng pháp luật sẽ tồn tại bền vững và phát triển mạnh, còn những cá nhân, đơn vị hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, không tôn trọng pháp luật sẽ không có nhiều cơ hội để tồn tại, phát triển.  
- Ùn tắc giao thông
Thời gian qua, do hình thức “taxi” này chưa được quản lý kịp thời và chặt chẽ nên đã tạo ra trong xã hội một “phong trào tự phát” cá nhân mua một lúc nhiều xe rồi thuê người lái để hành nghề taxi. Đó là chưa kể khả năng các công ty kinh doanh dịch vụ “taxi” kiểu này đã và sẽ hợp tác với các hãng taxi ở các địa phương khác nhau để đưa xe về tập trung hoạt động thường xuyên ở một số tỉnh, thành phố đông dân có nhu cầu đi lại cao. Như vậy, kiểu “taxi” này có thể là giải pháp hữu hiệu cho việc giải quyết ùn tắc giao thông ở đâu đó, chứ trong bối cảnh hạ tầng giao thông và trình độ quản lý đô thị cụ thể hiện nay ở Việt Nam, thì nhất định kiểu này không bao giờ là giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông như có ý kiến “lạc quan” đánh giá, mà đây sẽ là nguyên nhân không nhỏ làm gia tăng ùn tắc ở những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, vốn đã là những nơi có vấn đề nghiêm trọng về lưu lượng cũng như về trật tự, an toàn giao thông.
Vì lẽ đơn giản, bên cạnh các xe taxi “truyền thống” thì nay lại có thêm nhiều xe “Grab/Uber” taxi... mang danh xe hợp đồng “hợp pháp” nữa cùng hoạt động. Nhất là những “taxi” này lại có một đặc điểm là chỉ hoạt động ở những khu vực trung tâm của thành phố và đi những “cuốc” ngắn, đặc điểm này có lẽ được quyết định bởi chính sách khuyến mại mà Grab/Uber đang áp dụng cho các lái xe nếu hoạt động như vậy.
Thực tế này ai cũng có thể tự mình kiểm chứng và trải nghiệm một cách dễ dàng, bằng việc tải, cài đặt ngay phần mềm kiểu Grab/Uber vào điện thoại, sau đó nhấn nút đặt/gọi xe; màn hình điện thoại sẽ lập tức xuất hiện hàng chục xe “Grab/Uber” taxi không “mào mác” (phù hiệu, logo taxi) ở xung quanh đang sẵn sàng đón khách. Tất cả các công đoạn trên chỉ mất khoảng từ 2-3 phút.
4. Kết luận và đề xuất
Việc nhận định về những lợi ích của việc kinh doanh dịch vụ “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber cần căn cứ vào thực tại và xu thế diễn ra, từ đó không nên chỉ nhìn nhận một phía là lợi ích trước mắt của một số ít người, mà nên nhìn cả từ phía người lao động, cơ quan quản lý và đặc biệt là lợi ích chung, lâu dài của toàn xã hội.
Theo chúng tôi, để đánh giá đúng về “hiện tượng Uber/Grab” cần thiết phải phân biệt và khẳng định hai vấn đề sau:
- Một là, bản thân phần mềm Uber/Grab với những tính năng tiện ích đã được chứng minh một cách rõ ràng, có thể nói đây là một ứng dụng công nghệ khá hoàn hảo và sẽ là một việc làm khó khăn cho bất cứ ai nếu muốn chứng minh ngược lại;
- Hai là, việc sử dụng phần mềm Uber/Grab (nên) như thế nào. Tương tự như ứng dụng vào kinh doanh taxi, người ta hoàn toàn có thể điều chỉnh nó để ứng dụng vào các hoạt động kinh doanh khác như mua bán tài sản, bất động sản, thuê nhà, đặt phòng khách sạn... không ai có thể lường. Do vậy, liên quan đến việc sử dụng phần mềm này, xin mượn lời của ai đó khi nói về tính hai mặt/tác dụng và tác hại của con dao, thì phần mềm này cũng vậy,  giống như con dao, ta có thể sử dụng nó để cắt hoặc ta sẽ bị nó cắt. Vậy làm thế nào để không bị nó “cắt” khi ứng dụng nó vào trường hợp cụ thể là kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô như hiện nay.  
Chúng tôi cho rằng, nếu sử dụng phần mềm này vào hoạt động chở người bằng ô tô, cần căn cứ vào tính chất/mục đích của từng trường hợp để xác định cụ thể:  
- Trường hợp thứ nhất, khi sử dụng phần mềm vào hoạt động chở người/hành khách bằng ô tô với tính chất/mục đích là “kinh doanh”.
Về vấn đề này, pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Nghị định số 86/2014 đã quy định rõ các loại hình và điều kiện hoạt động cho mỗi loại hình. do đó việc sử dụng phần mềm Grab/Uber để hoạt động “taxi” đang diễn ra hiện nay chính là trường hợp này.
- Trường hợp thứ hai, sử dụng phần mềm này vào hoạt động chở người bằng ô tô với tính chất/mục đích là “chia sẻ kinh tế”:
Khái niệm “chia sẻ kinh tế” lâu nay đã được nhiều người đề cập đến, với các cách hiểu khác nhau. Ví dụ như, có ý kiến cho rằng, kiểu kinh doanh “taxi” sử dụng phần mềm Uber/Grab là một cách “chia sẻ kinh tế”, các công ty Grab/Uber đã hỗ trợ các cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải trong việc tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, từ đó có thu nhập cao hơn, vì thế việc các cá nhân, đơn vị này sau đó trích lại một phần lợi nhuận cho Uber/Grab là hợp lý, và như vậy là “chia sẻ kinh tế”... Theo chúng tôi, ý kiến trên chỉ là cách nói khác về sự hợp tác kinh doanh có phân chia lợi nhuận giữa các bên, không phản ánh đúng bản chất của “chia sẻ kinh tế”. Còn khái niệm “chia sẻ kinh tế” liên quan vấn đề cụ thể đang được trao đổi thì nên được hiểu như sau: “chia sẻ kinh tế” là một việc làm/hoạt động không có mục đích kinh doanh nhằm thu tiền. Nghĩa là, khi sử dụng phần mềm Grab/Uber vào hoạt động chở người bằng ô tô thì hoạt động này sẽ được xem là có tính chất “chia sẻ kinh tế” khi người đi xe không phải với tư cách là khách hàng mà chỉ thuần túy là “người đi nhờ xe có điều kiện”, cụ thể là: phải có cùng điểm đến hoặc cùng hướng đi với người lái xe và đồng ý “chia sẻ” một phần chi phí mang tính hỗ trợ tiền xăng, dầu của chuyến đi với người có xe.
Tương ứng với hai trường hợp nêu trên, phải là những quy định khác nhau, cụ thể và rõ ràng áp dụng cho mỗi trường hợp để phòng, chống việc lợi dụng phần mềm kiểu Uber/Grab để kinh doanh taxi trái phép.
Như vậy, ở đây có thể nói rằng, chúng ta không nên phản đối hình thức “taxi Grab” và “taxi Uber”, càng không thể phản đối việc áp dụng kiểu phần mềm tiện ích này vào nhiều hoạt động khác nữa có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Vấn đề là công tác quản lý để phòng, chống việc lợi dụng phần mềm kiểu Uber/Grab nhằm kinh doanh trái phép.
Ngoài ra, việc tham khảo, tìm hiểu “hiện tượng Grab/Uber” cũng đang diễn ra tương tự ở các nước là rất cần thiết. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay ở rất nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Mỹ và Hàn Quốc... đều cấm loại hình dịch vụ này hoạt động, thậm chí có nơi, có trường hợp còn xử lý hình sự đối với những người tổ chức, điều hành loại hình kinh doanh này[10]. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ở những nước văn minh, có nền khoa học phát triển và công nghệ cao hơn Việt Nam rất nhiều lại không “hoan nghênh” phần mềm kiểu Grab/Uber khi áp dụng vào kinh doanh vận tải hành khách như vậy; phần mềm này có gì đặc biệt và có phải chỉ toàn ưu điểm?
Theo chúng tôi được biết, hiện trong nước cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng viết ra những phần mềm như vậy, thậm chí còn tiện ích hơn. Thực tế một số hãng taxi trong nước đã nghiên cứu và triển khai việc này, như Mai Linh, Ba Sao, Thành Công, Vinasun[11]... Do vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và điều kiện xã hội cụ thể của Việt Nam hiện nay, chúng tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước nên khuyến khích cách làm này của các công ty taxi, xem xét khả năng ủng hộ, tạo điều kiện cho Hiệp hội taxi/vận tải đứng ra vận động sự hợp tác giữa các thành viên của mình để nghiên cứu việc tự tổ chức và vận hành một hệ thống kết nối chung giữa khách hàng với tất cả các hãng taxi, bên cạnh việc các hãng vẫn duy trì tổng đài riêng của mình như hiện nay. Thiết nghĩ, việc làm này sẽ bảo đảm được các vấn đề:
- Tính hợp pháp của việc sử dụng phần mềm vào hoạt động kinh doanh taxi và sự tương thích về chính sách trong lĩnh vực này hiện nay;
- Quyền lợi của người tiêu dùng, vì không phải ai cũng có điện thoại thông minh/smart phone để tiếp cận dịch vụ này;
- Tạo điều kiện áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý điều hành kinh doanh của doanh nghiệp trong nước bằng chính khả năng và năng lực của họ.
Có như vậy, ý tưởng sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber vào lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mới đạt được các mục tiêu mong muốn là tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và khách hàng, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Việc làm này không khó và chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp taxi và khách hàng/hành khách nếu có được sự định hướng tốt và sự quan tâm hướng dẫn đúng mức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước mắt, chúng tôi xin đề xuất:
- Căn cứ pháp luật hiện hành, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải/cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý và xử phạt những đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng phần mềm kiểu Grab/Uber để kinh doanh trái pháp luật;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sớm xem xét tiến hành việc giám sát thí điểm hoạt động của các tổ chức, cá nhân sở hữu và sử dụng phần mềm kiểu Uber/Grab để kinh doanh dịch vụ “taxi” tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua;  
- Quốc hội, Chính phủ các cơ quan của Chính phủ kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về việc sử dụng các phần mềm kiểu Grab/Uber trong hoạt động kinh doanh nói chung, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng ứng dụng này.
Cuối cùng, với tư cách một khách hàng/hành khách, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao các tiện ích mà những phần mềm kiểu Grab/Uber mang lại, cũng như sự ủng hộ việc nghiên cứu, áp dụng những phần mềm này vào các lĩnh vực của đời sống xã hội trong khuôn khổ pháp luật và một chính sách nhất quán, phù hợp với lợi ích chung của xã hội./.
 
 
[1]Luật Giao thông đường bộ 2008; Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
[2] Ngày 4/12/2015, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội có văn bản kiến nghị ngừng hoạt động taxi Uber vì lo ngại loại hình này cạnh tranh thiếu lành mạnh với taxi thông thường. Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, Uber taxi không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Đây là loại hình vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải, như vậy là trái với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô, không đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải như không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải. Nguồn: vnexpress.net/.../hiep-hoi-van-tai-kien-nghi-dung-hoa... thứ năm, 4/12/2014 | 18:50 GMT+7.
[4] “Uber” hoạt động tại Việt Nam theo Giấy Chứng nhận đầu tư do UBND TP. HCM cấp ngày 30/8/2014;
“Grab” hoạt động tại Việt Nam theo Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do UBND TP HCM cấp ngày 14/02/2014.
[8] Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 91/2009/NĐ-CP.
[9] Theo Nghị định số 86/2014 có 05 loại hình kinh doanh vận tải hành khách (KDVTHK) bằng xe ô tô là: KDVTHK bằng xe o tô theo tuyến cố định (Điều 4); KDVTHK bằng xe buýt (Điều 5); KDVTHK bằng xe taxi (Điều 6); KDVTHK theo hợp đồng; KDVT khách du lịch bằng xe ô tô (Điều 8).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(301), tháng 11/2015)


Thống kê truy cập

32964630

Tổng truy cập