Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

01/01/2017

TS. NGUYỄN LÂM THÀNH

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Tóm tắt: Cùng với việc nêu bật những thành tựu trong thực hiện pháp luật, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, bài viết chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển và hòa nhập của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay, nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển, quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật, chính sách đối với đồng bào DTTS trên tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Từ khóa: chính sách dân tộc
Astract: This article highlights a number of achievements drived from the implementations of the laws on and the policies for the ethnic minorities by the Comunist Party and the Socialist Republic of Vietnam, this article also points out some of the obstacles and challenges in the current developments and integrations of ethnic minorities (EM), emphasizes the development objectives, provides the viewpoints of and the solutions for improvements of the related laws and policies towards ethnic minorities in the spirit of the Constitution of 2013.
Keywords: Policies for ethnic minorities
Untitled_441.jpg
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thành tựu trong thực hiện pháp luật, chính sách dân tộc và một số vấn đề đặt ra
Là quốc gia có nhiều dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đường lối, chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng. “Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xoá bỏ tận gốc sự chênh lệnh về trình độ kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam XHCN”[1].
Đây là nguyên tắc cơ bản để thực hiện các quyền của DTTS trong một quốc gia nhiều dân tộc, hướng tới xây dựng xã hội dân chủ, hạnh phúc và văn minh, đề cao các giá trị quyền con người.
Trên cơ sở đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức thực hiện của Chính phủ, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các DTTS đã được thực hiện tốt trên nhiều mặt. Đó là:
Về chính trị: Mọi người là công dân không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới đều bình đẳng về chính trị, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống và bình đẳng trước pháp luật. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Các dân tộc tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Về kinh tế: Nhà nước quan tâm và có chính sách ưu tiên đầu tư, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Hiện đã có 92% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% số xã có điện; 80% số xã có thủy lợi nhỏ; 65% số xã có công trình nước sinh hoạt[2]. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có sự chuyển biến rõ nét. Sản xuất ở hầu hết các địa bàn vùng dân tộc đều phát triển. Các huyện, xã đều có điển hình sản xuất giỏi; một số vùng đã có sản xuất hàng hóa; nhiều người dân có việc làm và tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã giảm rõ rệt[3].
Về giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Hệ thống cơ sở vật chất đã được xây dựng tương đối đồng bộ ở tất cả các xã vùng dân tộc cùng hệ thống điểm trường ở thôn, bản, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi, cùng với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh nghèo đã giúp cho con em đồng bào dân tộc có cơ hội đến trường, tiếp cận nền giáo dục quốc gia. Đến nay, đã có 50/54 dân tộc có người học từ trình độ cao đẳng, đại học trở lên[4]. Công tác đào tạo nghề, dạy nghề gắn với tạo việc làm đã có sự chuyển biến nhất định.
Về y tế: Hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển rộng khắp, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Việc tăng đầu tư chung cho lĩnh vực y tế đã giúp cho việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế cho hầu hết các cơ sở y tế vùng đặc biệt khó khăn, hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến huyện được xây dựng đồng bộ trên cả nước. Hiện đã có 99% số xã có trạm y tế và 94% số thôn, bản có cán bộ y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, đã góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Về văn hóa: Các thiết chế văn hóa cơ sở, như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng... ở vùng đồng bào DTTS được chỉ đạo tập trung xây dựng ở các làng, thôn, bản, buôn, phum, sóc... Hầu hết các xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng với nhiều dạng thức phong phú. Nhiều lễ hội ở các vùng dân tộc được khôi phục, tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, kể cả các DTTS rất ít người.
Về hệ thống chính trị cơ sở và cán bộ dân tộc: Hệ thống chính trị vùng dân tộc không ngừng được xây dựng, củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng[5].
Những kết quả, thành tựu trên, cũng chính là những thuận lợi rất cơ bản đảm bảo cho sự phát triển toàn diện, bền vững của các DTTS Việt Nam. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển và hòa nhập.
- Đồng bào DTTS nước ta phần lớn sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển đồng đều nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản như giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe một số nơi còn hạn chế. Bên cạnh đó, các điều kiện về bảo đảm lương thực, nhu cầu mặc và chỗ ở an toàn vẫn còn là thách thức đối với một số vùng, nhóm dân cư do sinh sống ở các khu vực có môi trường tự nhiên không thuận lợi.
- Chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, lao động trong độ tuổi qua đào tạo thấp, chỉ đạt từ 5% - 20% (tùy từng dân tộc). Vẫn còn tình trạng một bộ phận không nhỏ dân cư mù chữ hoặc tái mù chữ (21%)[6], cộng với trình độ văn hóa thấp đã hạn chế khả năng tiếp cận và hưởng thụ các thành quả phát triển gắn với tiêu chí về các quyền cơ bản. Cùng với đó, trình độ năng lực hạn chế sẽ dẫn đến khả năng tự bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân của cá nhân được luật pháp thừa nhận cũng hạn chế.
- Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, bị đồng hóa, nhất là ở các cộng đồng vùng nghèo dưới tác động của đời sống kinh tế - xã hội hiện đại, xâm thực văn hóa, xâm nhập và biến đổi tôn giáo - tín ngưỡng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nhiều thiết chế tổ chức, quản lý làng, bản truyền thống gắn với các cộng đồng không gian văn hóa bị phá vỡ (hoặc phá bỏ trong quá trình phát triển). Sức bảo vệ trước dòng chảy văn hóa của một số cộng đồng DTTS trở nên suy yếu, cần có những chính sách trợ lực để bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc.
- Bộ máy hành chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ công, việc thực thi nhiệm vụ, thi hành pháp luật của công chức, viên chức nhà nước cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS. Sự hiểu biết, trách nhiệm và lòng kiên trì là những phẩm chất cần thiết đối với những cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc và lĩnh vực dân tộc.
2.  Mục tiêu phát triển, quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên tinh thần Hiến pháp năm 2013
2.1 Về mục tiêu phát triển
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, hệ thống pháp luật, chính sách dân tộc cần bảo đảm hướng tới những mục tiêu cơ bản sau:
Về khía cạnh chính trị, xã hội: Việc bảo đảm các quyền cho đồng bào dân tộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người đó là quyền được phát triển, các quyền cơ bản về chỗ ở, cư trú và đảm bảo các điều kiện sống. Xây dựng xã hội cộng đồng ổn định, thống nhất về tâm lý xã hội, dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Sự phát triển đó phải bảo đảm tạo dựng nền tảng ổn định chính trị của quốc gia, thiết lập dân chủ, công bằng cho xã hội, đem lại những giá trị tiến bộ xã hội về mọi mặt.
Về khía cạnh kinh tế, giải quyết được cơ bản tình trạng lạc hậu, chậm phát triển của khu vực thông qua xây dựng, cải thiện điều kiện sở hạ tầng, dịch vụ; tạo việc làm, phát triển sản xuất tăng thu nhập. Bảo đảm những điều kiện sống cơ bản về lương thực, nhà ở, nước sinh hoạt, học hành và chăm sóc sức khỏe; ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Giảm tỷ lệ đói nghèo, hạn chế phân tầng xã hội, bất bình đẳng trong phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển với khu vực đồng bằng và đô thị. Trong đó, nhấn mạnh quyền tiếp cận và tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên của mình, quyền tiếp cận cơ hội việc làm, có việc làm và hưởng thụ thành quả lao động.
Về khía cạnh giáo dục và văn hóa: Tập trung vào mục tiêu phát triển con người, trau dồi những kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập tục và thói quen cá nhân, nâng cao khả năng thích ứng của người dân trước những tác động mới xuất phát từ yêu cầu của phát triển. Bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài, văn hóa hiện đại, phổ biến, ngăn chặn được các tư tưởng ngoại lai, phản động.
2.2 Quan điểm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ hơn cho việc bảo vệ và thúc đẩy, phát triển các quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, yêu cầu tăng cường hoạt động lập pháp của Quốc hội như là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm các quyền con người về dân sự, chính trị; các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa nói chung và quyền của nhóm đối tượng DTTS nói riêng.
Việc bảo đảm các quyền cho đồng bào DTTS phải được coi là đối tượng ưu tiên trong việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này. Không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trong các quy định của pháp luật và quyền lợi của người dân phải được bảo đảm trên thực tế trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội; thực hiện trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, bình đẳng trước pháp luật của công dân.
- Việc bảo đảm các quyền của người dân phải được thể chế hóa bằng luật pháp, được luật pháp tôn trọng, bảo vệ và có giá trị thực tiễn. Bảo đảm tính thống nhất giữa pháp luật chung với những quy định mang tính đặc thù. Việc thể chế hóa các nội dung quyền cụ thể căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước, phù hợp trong từng giai đoạn.
- Thực thi một cách đồng bộ và toàn diện các chương trình, chính sách phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa ở vùng dân tộc nhằm bảo đảm quyền kinh tế cho mọi người, thực hiện công bằng xã hội và dần dần giảm sự phân cách giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc. Cần có những chính sách đặc biệt để tạo nên sự thay đổi toàn diện trong đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa của người dân một cách cơ bản theo các mục tiêu phát triển.
- Xây dựng chế độ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, nhất là cán bộ công tác ở vùng DTTS, bảo đảm mỗi người có thể phát huy hết năng lực cá nhân; đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi công vụ, giảm thiểu nguy cơ có thể xâm phạm các quyền của công dân, quyền con người đối với đồng bào dân tộc là các đối tượng trình độ năng lực pháp lý hạn chế, dễ bị tổn thương và ít có khả năng tự bảo vệ.
- Xây dựng năng lực nội sinh là một ưu tiên để đồng bào dân tộc thực thi, hội nhập trong chính sách phát triển quốc gia, biết tự chọn lọc, tự bảo vệ các giá trị và quyền lợi cơ bản cá nhân cũng như cộng đồng trong khuôn khổ hệ thống pháp luật nhà nước nói chung. Làm tốt công tác giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức và phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp đồng bào dân tộc.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực thi pháp luật, chú trọng đặc biệt đến công tác xét xử, công tác tư pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp để bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo theo đường lối, chủ trương lớn của Đảng ở tầm vĩ mô; tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với cơ quan tư pháp và sự giám sát của đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong thực thi pháp luật ở vùng dân tộc và chính sách dân tộc.
2.3 Một số giải pháp cụ thể theo các lĩnh vực
Lĩnh vực chính trị, dân sự, công tác cán bộ
- Đổi mới những quy định trong hệ thống pháp luật về bầu cử, ứng cử nhằm tăng cường quyền lực chính trị của nhân dân, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền chính trị cho đồng bào DTTS cùng với các biện pháp đặc thù để tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền cơ bản của mình.
- Rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy có liên quan để bổ sung những yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động quản lý địa phương, quản lý nhà nước, các hoạt động tự quản cộng đồng. Mở rộng các hình thức dân chủ phù hợp trong đời sống các cộng đồng dân tộc để họ tham gia hiệu quả hơn vào các quá trình quản lý.
- Đối với các quyền dân sự, cần tăng cường thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật đến cho đồng bào nhằm nâng cao hiểu biết về quyền lợi và trách nhiệm trong hệ thống quy định chung. Bên cạnh đó, cung cần điều chỉnh, bổ sung chính sách liên quan đến nguyên tắc quyền cư trú của một số nhóm đối tượng di cư tự do; áp dụng tập quán tốt đẹp trong hôn nhân gia đình; quyền bình đẳng giới v.v..
- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc nhằm tăng cường sự tham gia của họ vào bộ máy nhà nước trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Chú trọng, làm tốt công tác quy hoạch dự nguồn cán bộ DTTS để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hình thành đội ngũ cán bộ DTTS đông về số lượng, giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
- Một số chính sách khác cần được bổ sung như: quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ dân tộc trong hệ thống bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc, chính sách đối với người tiêu biểu của các DTTS (không chỉ đơn thuần là người tiêu biểu ở cấp cơ sở như mục tiêu chính sách hiện nay). Cụ thể hóa thêm chính sách cán bộ đối với một số vùng nhóm dân tộc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.
- Trên các khía cạnh, lĩnh vực giáo dục phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, tạo nguồn cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cần sửa đổi một số chính sách giáo dục liên quan đến thực hiện chế độ cử tuyển về công tác đào tạo, trong đó có ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo. Sửa đổi chế độ tuyển dụng công chức, viên chức tập trung ưu tiên cho con em DTTS, phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân số.
Lĩnh vực kinh tế       
- Tập trung nỗ lực để xoá đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tạo lập cơ hội bình đẳng cho đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, giải quyết tốt vấn đề du canh du cư và di cư tự do. Tiếp tục cải thiện điều kiện nhà ở, nước sinh hoạt và nước sản xuất cho nhân dân cùng với các điều kiện về giao thông, điện, thông tin liên lạc và các dịch vụ công ích khác.
- Thúc đẩy chính sách việc làm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu việc làm bền vững và tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với vấn đề thúc đẩy việc làm.
- Tiếp tục thể chế hóa và xây dựng những chính sách ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là đối với lao động là người DTTS ở khu vực nông thôn, lao động tự do… nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở các khu vực này vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập và thiếu tính ổn định hơn so với khu vực chính thức.
- Tiến hành đánh giá hiệu quả của việc thực hiện Đề án đẩy mạnh xuất khẩu lao động đối với lao động người DTTS ở các huyện nghèo trong Chương trình Nghị quyết 30a. Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ lao động DTTS.
- Chính phủ xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành quy định của Luật Việc làm, nhất là các chính sách ưu đãi tạo việc làm đối với người DTTS ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, chính sách việc làm công.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo
- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, tập trung ưu tiên cho đối tượng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở trên cơ sở bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, cải tiến nội dung và phương pháp dạy và học, kết hợp giữa kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Tổ chức dạy tiếng dân tộc cho đối tượng con em đồng bào dân tộc có nhu cầu.
- Phát triển thêm hệ thống các trường nội trú cấp huyện, trung tâm cụm xã theo chương trình mục tiêu bằng việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học. Để khuyến khích con em nông dân vùng cao có thể được vào học trong các trường dân tộc nội trú, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về những tiêu chuẩn đối tượng, cần xem xét một cách hợp lý hơn về điểm chuẩn xét tuyển với diện này. Bởi vì họ mới là lực lượng bổ sung nguồn lực và đội ngũ cán bộ tại cơ sở làng bản.
- Thực hiện có kết quả Đề án xóa mù chữ triển khai trên địa bàn 14 tỉnh miền núi dân tộc đến năm 2020, trong đó tập trung vào các vùng ưu tiên trọng điểm, các nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp. Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp xoá mù những người trong độ tuổi, nâng cao trình độ phổ cập, nâng cao chuẩn xoá mù chữ, đổi mới phương pháp, kỹ năng dạy học. Chú trọng các biện pháp kết hợp sau xoá mù để tránh tái mù, đặc biệt là sự lồng ghép nội dung công tác khuyến nông, khuyến lâm, truyền thông dân số.
 - Củng cố vai trò của các tổ chức cộng đồng và quá trình vận động xã hội ảnh hưởng tới công tác xoá mù và nâng cao mặt bằng dân trí. Xã hội hoá giáo dục thông qua công tác văn hoá và các hoạt động, tổ chức truyền thống ở cộng đồng. Tăng cường và khuyến khích sự tham gia của bộ đội, bộ đội biên phòng tham gia công tác xoá mù chữ.
Lĩnh vực y tế
- Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
- Xây dựng các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt quan tâm tới đồng bào DTTS, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân vùng nghèo, DTTS, vùng sâu, vùng khó khăn.
- Mở rộng các phương thức trả trước và chia sẻ rủi ro trong khám bệnh, chữa bệnh thông qua phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; cải cách và đơn giản hóa thủ tục mua, thanh toán BHYT, tạo thuận lợi cho người có BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục triển khai tốt chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng bào DTTS vùng kinh tế - xã hội khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương.
- Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền có giá trị của đồng bào các dân tộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
- Bảo đảm nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý của từng dân tộc theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các dân tộc có số dân ít dưới 10.000 người. Hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết diễn ra ở một vùng, nhóm dân tộc. Kiểm soát tỷ lệ sinh cao ở một số dân tộc nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng dân số cũng như hạn chế những vấn đề xã hội phát sinh.
Lĩnh vực văn hóa
- Xây dựng chính sách văn hóa dân tộc phải bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống của khu vực miền núi dân tộc - là cái gốc để sản sinh văn hóa và nuôi dưỡng văn hóa truyền thống. Bảo đảm phù hợp với trình độ hiểu biết, nhận thức của người dân hay chính là điểm thực tại của bối cảnh văn hóa của một cộng đồng và nó được quy định bởi yếu tố nền tảng là mặt bằng trình độ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có. Trong đó, xác định rõ chủ thể văn hóa để thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS.
- Tôn trọng tính đa dạng văn hóa cũng có nghĩa là phải tăng cường quảng bá, giới thiệu đầy đủ hơn bản sắc của từng dân tộc và coi đó như là giá trị quốc gia và rộng hơn là giá trị văn hóa nhân loại, đồng thời khắc phục tâm lý tự ti trong quá trình giao lưu văn hóa. Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, suy cho cùng là giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ giữa con người với văn hóa.
- Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng với xóa đói giảm nghèo. Khai thác và sử dụng tri thức địa phương.Đánh giá, phát hiện các vấn đề thuận lợi để khai thác, tìm điểm hạn chế cho phát triển để điều chỉnh, khắc phục, tránh trở ngại, hoặc định hướng, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo chiều thuận mà không tạo nên những xung đột văn hóa, tâm lý xã hội.
- Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp với đồng bào các DTTS. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy hiệu quả thực sự của các thiết chế văn hóa.
Lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo
- Thực hiện tốt các nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân trên nguyên tắc Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”[7].
- Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, cùng với việc: nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước… chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân trong việc thực thi chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, tránh bị kẻ xấu kích động, lừa gạt. Xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng tôn giáo DTTS để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những diễn biến tâm lý cộng đồng.
- Tiếp tục làm tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo để người dân tiếp cận được các cơ hội phát triển, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu dễ bị tác động lôi kéo. Mặt khác tăng cường các hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc làm tăng tính liên kết xã hội và làm chỗ dựa đời sống tinh thần cho nhân dân, không tạo nên khoảng trống cho tôn giáo có cơ hội xâm nhập./.
 

[1]Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
[2] Báo cáo của Uỷ ban Dân tộc năm 2016.
[3] Báo cáo Kinh tế - xã hội của Chính phủ 2016.
[4] Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc 2015.
[5] Báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc 2014.
[6] Điều tra 53 dân tộc thiểu số, Tổng cục Thống kê năm 2016.
[7] Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330)-tháng 2/2017)