Các chính sách hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu bia

01/01/2017

ThS. ĐINH CÔNG LUẬN

Viện Nghiên cứu Lập pháp.

ThS. NGUYỄN HẠNH NGUYÊN

Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Tóm tắt: Để ngăn ngừa những hậu quả ngày một gia tăng do lạm dụng rượu bia, tháng 5/2010, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 63 đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chiến lược toàn cầu giảm tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó khuyến cáo các quốc gia tập trung vào những biện pháp kiểm soát rượu bia hiệu quả như chính sách phòng, chống uống rượu bia khi lái xe, kiểm soát tính sẵn có của chất có cồn, kiểm soát quảng cáo/tiếp thị rượu bia và chính sách giá bên cạnh các biện pháp theo dõi, giám sát và can thiệp của cộng đồng, ngành y tế. Bài viết bước đầu giới thiệu về các chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu bia và đưa ra kiến nghị thể chế hóa các chính sách này trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Từ khóa: rượu bia; tác hại của rượu bia; kiểm soát tác hại của rượu bia
Abstract:In May 2010, to prevent the increasing consequences of alcohol abuse, the Sixty-third session of the World Health Assembly unanimously adopted resolutions on global strategy of reduction of harmful use of alcohol, which recommends the member countries focusing on effective measures to alcohol controls such as the policy on prevention, suppression of harmful use of alcohol while driving, the policies on controls of the alcohol availability and the policy on controls of advertisement/promotion of alcohol and the policy on alcohol pricing along with the measures for monitoring, supervision and intervention of the community, the health sector. This article provides initial introductions of the policies on prevention, suppression of harmful use of alcohol and recommendations to institutionalize these policies in law on prevention, suppression of harmful effects of alcohol.
Keywords:Alcohols; harmful effects of alcohol; control of the harmful alcohol effects
Untitled_2.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Kiểm soát tính sẵn có của rượu bia
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm giải pháp được khuyến cáo để giảm tính sẵn có của rượu bia bao gồm: quản lý cấp giấy phép bán lẻ; quy định mật độ cửa hàng; hạn chế ngày bán, giờ bán; quy định tuổi tối thiểu được phép mua rượu bia; và chính sách kiểm soát việc bán/sử dụng rượu bia ở những nơi công cộng.1 Tính toán lượng rượu bia tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ, không bán rượu bia cho người có biểu hiện say xỉn, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai và từng bước hạn chế việc bán rượu bia tại một số thời điểm trong ngày. Hiện nay, 168[1] quốc gia trên thế giới đã có các quy định để kiểm soát rượu bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mua mang đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. Trên 50%[2] số quốc gia có quy định về giờ mở cửa. Tại Singapore, Luật Kiểm soát đồ uống có cồn được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2015 và chính thức có hiệu lực từ 1/4/2015. Luật này quy định, việc uống rượu bia ở nơi công cộng bị cấm từ 22h30 đến 07h sáng ngày hôm sau. Các cửa hàng bán lẻ cũng không được bán bia rượu cho khách hàng mang đi trong thời gian từ 22h30 đến 07h sáng. Tại Thái Lan, việc sử dụng bia rượu được xác định là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và những hành động bạo lực quá khích. Để giảm thiểu tác hại của bia rượu đối với các vấn đề xã hội, sức khỏe của người dân, quốc gia này có quy định những “Ngày không bia rượu”. Trong những ngày lễ lớn của Phật giáo hay ngày bầu cử, bia rượu bị cấm bán tuyệt đối, kể cả tại các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, các địa điểm giải trí. Ở Mỹ, Canada, Ấn Độ và một số quốc gia Châu Phi, việc Chính phủ độc quyền về sản xuất và kinh doanh rượu, bia đã chứng minh tính hiệu quả trong kiểm soát và giảm được một cách đáng kể tác hại của rượu, bia[3]. Ngoài ra, việc quy định về giới hạn độ tuổi sử dụng rượu bia cũng được hầu hết các nước áp dụng khi cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Theo số liệu báo cáo toàn cầu của WHO năm 2012 cho thấy, trong số 166 quốc gia có báo cáo thì 115 nước giới hạn độ tuổi được mua rượu, bia là 18; có 15 nước giới hạn ở 16 tuổi, 7 nước giới hạn ở tuổi 20 và 14 nước giới hạn tuổi mua rượu bia là từ 21 tuổi.
Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị rượu bia
Theo Báo cáo toàn cầu về rượu bia và sức khỏe của WHO năm 2014, trong 166 quốc gia báo cáo về việc kiểm soát quảng cáo bia, có 10% các quốc gia có chính sách cấm quảng cáo trên toàn bộ các phương tiện truyền thông; 39,6% các quốc gia không có quy định cấm; còn lại là có quy định cấm một phần hoặc toàn bộ. Nghiên cứu về quảng cáo và tiêu thụ đồ uống có cồn ở nhóm thanh niên của Henry Saffer và Dhaval Dave (Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ - NBER) năm 2003[4] cho thấy, cấm toàn bộ quảng cáo bia và rượu trên 5 kênh truyền thông ở Mỹ gồm kênh thể thao tivi, kênh radio thể thao, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo và tạp chí, sẽ giảm 24% tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng bia hàng tháng và giảm đến 42% tỷ lệ thanh thiếu niên say rượu bia hàng tháng.Cũng theo một nghiên cứu khác của Henry Saffer (1989)[5], những quốc gia cấm quảng cáo rượu mạnh trên truyền hình và đài phát thanh có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 16% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 10% so với quốc gia không cấm; tiếp đó, so với quốc gia chỉ cấm quảng cáo rượu mạnh thì những quốc gia cấm quảng cáo bia và rượu trên truyền hình - phát thanh có tỷ lệ tiêu thụ rượu bia thấp hơn 11% và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp hơn 23% (nghiên cứu phân tích dữ liệu của 17 quốc gia qua 13 năm).
Tại Nga, cuộc đấu tranh vì lệnh cấm quảng cáo bia trên truyền hình đã kéo dài hơn 10 năm. Và cuối cùng, từ 01/01/2013, Luật Cấm quảng cáo rượu đã có hiệu lực, các sửa đổi về cấm quảng cáo rượu trên truyền hình, đài phát thanh, phương tiện giao thông công cộng, nhà ga và sân bay đã được áp dụng. Quảng cáo rượu trên các bảng quảng cáo và biểu ngữ cũng sẽ bị cấm. Luật mới cũng cấm quảng cáo rượu trên báo chí và trên Internet. Quảng cáo bất kỳ loại rượu nào cũng sẽ phải biến mất khỏi các ấn phẩm định kỳ và tất cả các nguồn tài nguyên trực tuyến.  
Luật Kiểm soát rượu bia Loi Évin 1991[6] của Cộng hòa Pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo đối với rượu và thuốc lá. Theo đó, tất cả đồ uống có cồn có trên 1,2% độ cồn đều được xem như rượu. Không được quảng cáo với mục đích nhằm vào người trẻ tuổi. Không được quảng cáo rượu trên tivi và tại rạp chiếu phim. Không được tài trợ cho các sự kiện văn hóa và thể thao. Chỉ được quảng cáo trên các ấn phẩm dành cho người lớn, trên bảng dán thông báo, trên đài phát thanh (với những điều kiện rất nghiêm ngặt), trong một số sự kiện đặc biệt như hội chợ rượu, bảo tàng về rượu. Trường hợp được phép quảng cáo thì nội dung quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thông điệp và hình ảnh chỉ được nêu về chất lượng của sản phẩm rượu như nồng độ, nguồn gốc, thành phần…
- Quảng cáo phải đi kèm với một cảnh báo sức khỏe như sau: Lạm dụng rượu là mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Luật kiểm soát rượu bia và thuốc lá-Nata (National Authority on Tobacco and Alcohol) của Srilanka năm 2006 quy định: cấm quảng cáo rượu. Trong đó quy định, quảng cáo rượu là bất kỳ đặc điểm chữ viết, tranh hoặc ảnh di động, dấu hiệu, biểu tượng hoặc màu sắc hoặc hình ảnh có thể nhìn thấy được hoặc thông điệp bằng âm thanh hoặc bất kỳ sự kết hợp của các yếu tố trên để khuyến khích hoặc thu hút để khuyến khích:
a) Uống rượu;
b) Mua hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm rượu nào;
c) Một thương hiệu được đăng ký cho bất kỳ sản phẩm rượu nào hoặc có điều khoản rằng bao gồm cả sản phẩm rượu;
d) Một nhãn hiệu liên quan đến một sản phẩm rượu;
e) Tên một nhà máy sản xuất rượu.
- Cấm tài trợ: không được sử dụng nhãn hiệu hoặc thương hiệu hay bất kỳ biểu tượng nào có liên quan đến sản phẩm rượu hoặc tên nhà máy sản xuất rượu, dù trực tiếp hay gián tiếp:
a) Có mối liên hệ với khuyến mại trong bất kỳ tổ chức, hoạt động, sự kiện giáo dục, văn hóa, xã hội hoặc thể thao;
b) Trong cách cư xử như biểu lộ, hoặc công nhận rằng bất kỳ hỗ trợ về tài chính hoặc hỗ trợ khác là do hoặc đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối rượu trong các tổ chức, hoạt động hoặc sự kiện;
- Cấm cung cấp miễn phí các sản phẩm rượu: Nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu rượu không được phân phối miễn phí các sản phẩm rượu. Không được cung cấp miễn phí bất kỳ sản phẩm rượu nào cho bất kỳ cá nhân nào;
Không được đưa ra lời chào về phần thưởng, quà, giảm giá hoặc quyền tham gia các cuộc thi, xổ số hoặc trò chơi cho người mua rượu. Không bị coi là vi phạm quy định này khi nhà sản xuất, phân phối, nhập khẩu đưa ra lời chào giảm giá thương mại với tỷ lệ phổ biến trong hoạt động thương mại.
Một số nước khác như ở Anh, quảng cáo rượu trên truyền hình bị cấm sau 21 giờ. Tại Đức, không được phép quảng cáo rượu trong các chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Hơn nữa, theo luật pháp Đức, trong các clip quảng cáo rượu không được có hình ảnh thanh niên hút thuốc hoặc uống rượu.
Chính sách thuế và giá
Theo khuyến cáo của WHO[7], chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra. Giá của rượu, bia tăng lên thì lượng tiêu thụ của người sử dụng sẽ giảm, kéo theo tác hại giảm. Một nghiên cứu khác của A.Wagenar năm 2010 xem xét 340 số liệu và kết quả đăng tải trên 50 bài báo được công bố từ các nghiên cứu ở Canada, Mỹ và một số quốc gia châu Âu qua nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng, giá và thuế có tác động rất rõ rệt làm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong, bạo lực, tai nạn giao thông do lái xe say rượu, tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục và các hành vi tình dục nguy cơ cao, tội phạm và việc sử dụng ma túy, ngay cả khi các tác động này, vì nhiều lý do, đã bị đánh giá thấp hơn thực tế[8].Tiêu thụ rượu bia gia tăng có một nguyên nhân quan trọng nữa là do sức mua của người tiêu dùng gia tăng do giá thực của rượu bia giảm trong khi thu nhập tăng (giá thực là giá đã điều chỉnh theo lạm phát). Để giảm hoặc giữ mức tiêu dùng rượu bia ổn định, phải cần nhiều biện pháp phối hợp, trong đó biện pháp giá và thuế là rất quan trọng[9].
-  Thuế rượu bia cần được điều chỉnh định kỳ sao cho mức tăng giá thực của rượu bia do tăng thuế phải theo kịp hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của thu nhập bình quân đầu người nhằm duy trì ổn định hoặc giảm sức mua rượu bia.
-   Cần quản lý và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho tất cả sản phẩm rượu bia.
-   Cần phải cấm hoặc hạn chế sử dụng biện pháp khuyến mại liên quan đến giá trực tiếp hoặc gián tiếp như bán giảm giá, bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí hoặc tặng thêm sản phẩm khi mua số lượng lớn hoặc bán kèm sản phẩm khuyến mại, v.v..
-   Nghiên cứu áp dụng giá bán tối thiểu cho các sản phẩm rượu bia để đảm bảo không có những sản phẩm bán với giá quá rẻ vì khi Chính phủ áp dụng biện pháp tăng thuế, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng rượu bia không chính thống (tự sản xuất) và lúc đó sẽ khó để kiểm soát. Để chính sách giá có hiệu quả thì Nhà nước phải kiểm soát được việc tiêu thụ rượu bia lậu.
-   Theo Báo cáo rượu bia và sức khỏe toàn cầu năm 2014 của WHO, 165 quốc gia có chính sách điều chỉnh giá bán, trên 90% các quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia[10].
Kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Nghiên cứu của WHO trên 18.412 nạn nhân bị tai nạn giao thông nhập viện cho thấy nồng độ cồn trong máu của họ cao hơn mức cho phép (> 50 mg/dl) ở người đi xe máy là 36%, ở người lái xe ô tô (> 0 mg/dl) là 66,8%[11]. Phân tích số liệu điều tra quốc gia của 1.061 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy, 1/5 các trường hợp có nguyên nhân là sử dụng chất có cồn2. Đáng nói, kết quả điều tra pháp y của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cho thấy, khoảng 59% nạn nhân trong độ tuổi 15 - 29 và 24% nạn nhân trong độ tuổi từ 30 - 44, 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu > 50mg/100ml máu. Đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống chỉ dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra. Kết quả cuộc điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam năm 2009 cho thấy, 20,8% trẻ em nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ một tuần trở lên[12]
Vì rượu bia ảnh hưởng đến khả năng điểu khiển phương tiện giao thông nên hầu hết các quốc gia chỉ cho phép một lượng cồn tối thiếu trong máu hay trong khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Ví dụ, Áo cho phép nồng độ cồn trong máu là 0,01% đối với lái xe tải và xe buýt; 0,05% đối với người lái xe ô tô và xe máy; còn ở Đức là 0,05% cồn trong máu hoặc 0,25 mg/1 khí thở. Một số quốc gia khác như Hungary, Croatia, Bulgari tuyệt đối không cho phép có cồn trong máu khi lái xe[13].
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giảm tác hại của việc sử dụng rượu bia bằng các giải pháp chính sách hiệu quả và cung cấp một cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm thực hiện thành công các giải pháp này là vô cùng quan trọng.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 với quan điểm thống nhất và xuyên suốt trong chính sách bao gồm: (1) lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, cộng đồng và kinh tế - xã hội; Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; (2) mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; (3) thông tin, giáo dục, truyền thông là biện pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác; (4) kiểm soát toàn diện, đồng bộ đối với sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tập quán văn hóa truyền thống để phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; và (5) tham gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Mặc dù vậy, để chính sách này được thực thi thì cần phải thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, mà cao nhất là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; cũng như cần đảm bảo các giải pháp tốt trong kiểm soát tác hại của lạm dụng rượu bia được xây dựng và thực thi hiệu quả./.

 


[1] Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Hỏi đáp về phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nxb. Y học, Hà Nội, 2016, tr. 36.
[2] Cục Y tế dự phòng, Tlđd, tr. 36.
[3] Cục Y tế dự phòng, Tlđd, tr. 37.
[4] Henry Saffer, Dhaval Dave (2003). Alcohol advertising and alcohol consumption by adolescents.
National bureau of economic research: Cambridge.
[5] Henry Saffer (1989),Alcohol advertising bans and alcohol abuse: an international perspective. National bureau of economic research: Cambridge.
[6] La loi Évin ou loi du 10 janvier 1991 relative à la lutte contre le tabagisme et l'alcoolisme, comporte deux volets.
 
[7] WHO (2010a) Global strategy to reduce harmful use of alcohol.
[8] Wagenaar et al(2010).Effect of alcohol tax and price policies on morbidity and mortality: A systematic review. American Journal of Public Health, Vo! ỉ 00, No 11.
[9] WHO (2014a).Global status report on alcohol and health2014. Geneva.
[10] WHO (2014a).Global status report on alcohol and health2014. Geneva.
[11] Tổ chức Y tế thế giới, VIHEMA (2010); Nghiêncứutại Việt Nam từ tháng 7/2009 - tháng 10/2010.
[12] Tổng cục Thống kê(2010a);Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam vòng 2, 2010.
[13] WHO (2007a). Drinking and driving: A road safety manual for decision makers and practitioners.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330)-tháng 2/2017)


Thống kê truy cập

32965271

Tổng truy cập