Thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay

01/11/2011

ThS. ĐỖ VĂN ĐƯƠNG

Trường Chính trị Đăk Lăk

Xây dựng và thực hiện pháp luật về dân chủ cở sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương quan trọng, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đột phá để giải quyết nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt là vùng miền núi Tây nguyên hiện nay, nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng trong thế trận bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị của đất nước.
 Untitled_647.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở các tỉnh Tây Nguyên
Trong những năm qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng Ban lãnh đạo của các tỉnh, chính quyền cấp xã đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, Nghị định số 79/NĐ-CP ngày 7/7/2003 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn và gần đây là Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007. Nhờ vậy, việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở xã, phường thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đã thu được những kết quả đáng khích lệ, bầu không khí dân chủ và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên. Nhiều xã, phường, thị trấn đã phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, kịp thời khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đoàn kết, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, 100% Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được củng cố, kiện toàn.
Thực hiện tốt dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, tác động mạnh đến việc xây dựng nông thôn kiểu mới, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Việc xây dựng quy ước, hương ước với những nội dung sâu sát với thực tiễn, theo hướng văn minh, tiến bộ, có tác động tích cực đến phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, giữ gìn được tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, được nhân dân đã tích cực hưởng ứng.
Chính quyền cơ sở ở các tỉnh Tây Nguyên cũng ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động. Phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuyên nghiệp. Việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước bước đầu thực hiện có kết quả, hạn chế một bước tình trạng phô trương, hình thức, hành chính hoá. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, làm giảm bớt tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Những nội dung công khai hóa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân giám sát” được cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống; Việc xây dựng quy ước làng, thôn, khu phố văn hóa, bình xét hộ gia đình văn hóa, quy định mức đóng góp xây dựng, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã... đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có trên 70% thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng và bổ sung quy ước, hương ước được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Toàn vùng Tây Nguyên đã có trên 75,5% số gia đình công nhận là gia đình văn hoá đạt danh hiệu “Văn hoá”. Thực hiện dân chủ gắn liền với việc thực hiện các chính sách xã hội, trong năm qua toàn vùng đã giải quyết việc làm cho khoảng gần 9.000 lượt lao động, nhân dân đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 10 tỷ đồng.
Các dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch vay vốn, mức huy động các khoản đóng góp của nhân dân, quy trình, thủ tục hành chính, các chương trình, dự án như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Quyết định 176 của Chính phủ... đều được chính quyền cơ sở thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp thôn, tổ dân phố, tiếp xúc cử tri, niêm yết thông báo công khai cho nhân dân biết. Qua việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có tác dụng thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là trên lĩnh vực cải cách hành chính và giải quyết khiếu nại tố cáo tại địa phương, cơ sở. Đến nay trên địa bàn các tỉnh tây Nguyên đã có khoảng trên 87% xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông với 33 loại thủ tục hành chính. Hiện có 100% số xã, phường, thị trấn đã có tổ chức Thanh tra nhân dân được duy trì và phần lớn hoạt động có kết quả, hướng vào các lĩnh vực mà nhân dân ở cơ sở quan tâm như xây dựng, quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết chế độ chính sách...
Thực tế trên địa bàn các xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên từ các vụ bạo loạn chính trị, các điểm nóng tôn giáo từ năm 2001 và năm 2004 cho thấy, ở nơi nào chính quyền cấp xã vững mạnh, tổ chức thực hiện tốt pháp luật về dân chủ, thì kinh tế - xã hội phát triển mạnh và quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa được thực hiện một cách tuần tự, hợp với xu thế chung của thời đại. Ngược lại, nếu chính quyền cấp xã yếu kém, dân chủ bị vi phạm thì kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân gặp khó khăn, công nghiệp hóa - hiện đại hóa gặp nhiều cản trở phức tạp. Khi có biểu tình, bạo loạn xảy ra, nơi đó chính quyền sẽ lúng túng, bị động. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, để quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn trước mắt và lâu dài ở vùng Tây Nguyên được thực hiện một cách có hiệu quả với tốc độ nhanh, thì một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm là phải tiếp tục mở rộng dân chủ từ cơ sở, không ngừng củng cố và hoàn thiện chính quyền cấp xã, tạo điều kiện sâu rộng để nhân dân phát huy sáng tạo, hăng hái sản xuất và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn đời sống.
2. Những mặt còn hạn chế và giải pháp hoàn thiện
Tuy nhiên, những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém đối với vùng Tây Nguyên, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa ổn định; tỷ lệ hộ đói nghèo nói chung giảm, nhưng số hộ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tình hình an ninh chính trị vẫn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, các thế lực phản động, thù địch tìm mọi cách chống phá từ bên trong và bên ngoài, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên nhưng năng lực quản lý, điều hành, thuyết phục, tập hợp quần chúng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong triển khai thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế và những hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo của một số cấp uỷ Đảng, hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã. Có nơi, có lúc cấp uỷ Đảng và chính quyền còn lúng túng trong thực hiện dân chủ, chưa thực sự nắm chắc nội dung của pháp luật về dân chủ nên nội dung, hình thức công khai tới nhân dân chưa được thực hiện đầy đủ, làm cho dân chủ ở những nơi đó trở thành hình thức. Vẫn còn một số ít cán bộ chưa phân biệt công việc nào đưa ra dân bàn, công việc nào để dân giám sát, kiểm tra. Chưa đề cao vai trò của nhân dân, chưa phát huy vai trò của các tổ chức nhân dân tự quản và người đứng đầu các tổ chức nhân dân tự quản. Một số cán bộ, Đảng viên chưa gương mẫu trong xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là trong việc cưới, tang lễ đã làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dân chủ và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cũng có nơi chính quyền cấp xã còn xem nhẹ hoặc né tránh đối phó với những bức xúc của nhân dân. Một số nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ch­ưa đ­ược triển khai cụ thể, nh­ư việc thực hiện chế độ đền bù, giải phóng mặt bằng, về thu chi ngân sách hàng năm, việc quy hoạch đất đai, về thực hiện các Chương trình dự án 134, 135.... Chính quyền chư­a h­ướng dẫn kịp thời một số nội dung về xây dựng quy ước, h­ương ­ước, còn lẩn tránh việc công khai hoá các chủ trương, chính sách, pháp luật cho dân, không nắm bắt được tâm t­ư, nguyện vọng của ng­ười dân, kiểm điểm những sai phạm trước dân còn qua loa, đại khái.
Chính từ những hạn chế trên, việc thực hiện dân chủ ở cở sở cấp xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có lúc, có nơi bị vi phạm nghiêm trọng, tệ quan liêu, nạn tham nhũng, sách nhiễu gây phiền hà cho dân vẫn tiếp diễn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền. Hơn nữa trình độ dân trí ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng còn thấp, ý thức làm chủ của nhân dân còn gặp nhiều hạn chế, sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật ch­ưa đầy đủ, nên gây không ít trở ngại trong quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ cở sở của chính quyền cấp xã hiện nay ở Tây Nguyên. Một bộ phận nhân dân còn lợi dụng dân chủ, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, không biết gắn kết lợi ích cá nhân, gia đình với lợi ích cộng đồng, đất nước.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục có hiệu quả những mặt còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở của chính quyền cấp xã, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp uỷ đảng - chính quyền cấp xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, do đặc thù về kinh tế - xã hội vùng miền núi Tây Nguyên, chính quyền cấp xã phải nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở, thực sự coi trọng các quyền, tự do dân chủ của nhân dân; có các biện pháp tích cực phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chính quyền cấp xã bằng mọi biện pháp, hình thức tuyên truyền sâu rộng, làm cho nhân dân hiểu đầy đủ nội dung, yêu cầu của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt trong điều kiện miền núi ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, (trình độ dân trí chưa cao, các dân tộc thiểu số chiếm tới 33,5% dân số toàn vùng), kênh thông tin ở nhiều xã còn hạn chế, do đó các biện pháp tuyên truyền phải thiết thực, đơn giản, dễ hiểu mang tính trực quan sinh động, có sự khuyến khích hành động tích cực của nhân dân thỏa đáng.
Hai là, đối với những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, thì dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn cần tiến hành xây dựng phương án, kế hoạch, chương trình, sau đó phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo tổ chức đưa ra cho nhân dân bàn bạc thấu tình đạt lý, sau đó sẽ tổ chức thực hiện. Có như vậy mới có hiệu quả cao, nhưng không phải mọi việc đều trông chờ dân đồng ý mới làm vì khi đưa ra cho dân bàn có những việc chính quyền phải làm theo đa số tiến bộ, tích cực chứ không thể chạy sau, theo đuôi những ý kiến bảo thủ, lạc hậu và trì trệ nó sẽ ảnh hưởng lớn đến phong trào chung của tập thể đa số. Không nên nghĩ rằng phát huy dân chủ trực tiếp là phải đưa tất cả mọi việc ra cho dân bàn, dân quyết, đó chính là biểu hiện của sự thụ động quan liêu, thiếu trách nhiệm của cán bộ đối với dân chứ không phải đề cao dân chủ. Cần phải thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh: "Cái gì lợi cho dân thì khó đến mấy cũng phải quyết tâm làm, cái gì hại cho dân thì phải tránh”, có khó thì mới cần phải bàn, có khó thì mới cần đến cán bộ. Đây là bài học quý báu và rất thành công qua phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, phong trào xoá nhà tranh vách đất, việc xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương... trong những năm qua ở một số địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Ba là, đối với những nội dung dân cần biết ở địa phương, những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như chế độ chính sách người có công, vấn đề tài chính kinh tế, đất đai, xây dựng, kiểm tra xử lý cán bộ, giải quyết đơn thư kiến nghị, thì chính quyền cấp xã phải thể hiện trách nhiệm của mình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn với các trưởng thôn, buôn, tổ dân phố cung cấp đầy đủ công khai thông tin bằng văn bản được niêm yết công khai tại trụ sở UBND, các trung tâm dân cư, nhà văn hóa cộng đồng; thông qua hệ thống truyền thanh và tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, buôn, tổ dân phố; thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), các kỳ họp của HĐND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bốn là, đối với những việc nhân dân tham gia ý kiến để HĐND, UBND xã, phường, thị trấn quyết định, thì căn cứ vào nghị quyết của cấp uỷ, nghị quyết của HĐND, UBND cấp xã dự thảo các văn bản, kế hoạch, phương án sau đó phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến thông qua các hình thức: phát phiếu thăm dò ý kiến của từng hộ gia đình; họp nhân dân hoặc chủ hộ tại các thôn, buôn; họp các đoàn thể, tổ chức kinh tế để thảo luận. Các cuộc họp trên được ghi thành biên bản, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp báo cáo về UBND xã để Uỷ ban xem xét, tổng hợp trình HĐND xã quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên xem xét.
Năm là,những việc nhân dân giám sát, kiểm tra trong đó điều quan trọng cốt lõi đó là việc kiểm tra giám sát đối với cán bộ. Thực tiễn cho thấy, những cán bộ có dư luận, nhân dân phản ánh đều có biểu hiện vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng tiêu cực, sách nhiễu nhân dân. Điều đó đã chứng minh việc kiểm tra, giám sát của dân là rất chặt chẽ. Đây chính là bài học của công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý cán bộ và việc xây dựng đội ngũ trong sạch vững mạnh.
Cần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND cấp xã trong việc đổi mới nội dung các kỳ họp, làm tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát; thực hiện tốt công tác quản lý và điều hành của UBND cấp xã trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Làm rõ trách nhiệm giữa tập thể UBND và Chủ tịch UBND trong việc quản lý, điều hành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Gắn việc củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên với việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và công tác cải cách hành chính.
Sáu là, hoànthiện, bổ sung quy chế làm việc giữa Đảng, chính quyền đoàn thể, trong đó chú ý đến đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với chính quyền cơ sở mang tính đặc thù vùng Tây Nguyên. Mở rộng và thực hiện tốt các hình thức dân chủ gián tiếp và trực tiếp để phát huy mạnh mẽ sự tham gia quản lý của người dân đối với chính quyền ở cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần có cơ chế giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, làm trong sạch, không để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu dân. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ công khai về kinh tế ngân sách, đất đai, công tác cán bộ và xây dựng cơ bản.
Bảy là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, đạo đức, pháp luật; đồng thời có chính sách, chế độ phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vùng Tây Nguyên, đặc biệt đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Khuyến khích cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố tích cực công tác, nhất là chính sách đối với cán bộ thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào theo đạo; tăng cường kiểm tra sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm những vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Đó sẽ là cơ sở thực tế bảo đảm hiệu quả cho việc thực hiện pháp luật về dân chủ đầy đủ ở xã, phường, thị trấn của chính quyền cấp xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay./.        
      
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 21(206), tháng 11/2011)