Cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả bản án, quyết định dân sự của Tòa án ở Việt Nam

06/11/2023

TS. NGUYỄN VĂN NGHĨA

Học Viện Toà án, Toà án nhân dân tối cao.

Tóm tắt: Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định cần xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Trên cơ sở đó, hệ thống các cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định đã từng bước được hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả trình bày khái quát các cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án, từ bảo đảm về chính trị, thể chế, tổ chức bộ máy cưỡng chế thi hành án dân sự đến hệ thống các biện pháp chế tài áp dụng trong hoạt động thi hành án dân sự; chỉ ra các bất cập, hạn chế và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Thi hành án dân sự, cơ chế bảo đảm thi hành án dân sự, bộ máy cưỡng chế thi hành án dân sự, biện pháp chế tài.
Abstract: The Resolution No. 49-NQ/TW dated June 2, 2005 of the Politburo on the Judicial Reform Strategy to 2020 affirms the need to develop a mechanism to ensure that every legally binding court judgment is enforced. On that basis, the system of mechanisms to ensure the execution of judgments and decisions has been gradually formed and improved. Within this article, the author provides an overview and systematic analysis of mechanisms to ensure the enforcement of judgments and decisions from political and legal guarantees, the organization of the civil judgment enforcement coercive apparatus and the system of measures sanctions applied in civil judgment enforcement activities, also gives out a number of inadequacies, limitations and apropriate recommendations for further improvements.
Keywords: Enforcement of civil judgment; mechanisms for ensuring civil judgment enforcement; coercive apparatus of civil judgment enforcement; sanction measures.
 TÒA-ÁN_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động thi hành bản án, quyết định nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, thực thi công lý, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Hoạt động THADS thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên (CHV) cơ quan THADS không những góp phần trực tiếp, tích cực vào việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
1. Các cơ chế bảo đảm đối với hoạt động thi hành án dân sự
1.1. Bảo đảm về chính trị đối với hoạt động thi hành án dân sự
Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội[1]. Với vai trò cầm quyền và lãnh đạo, bằng chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi và thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác THADS được xác định trong nhiều Nghị quyết của Đảng cũng như trong Hiến pháp và các đạo luật, văn bản dưới luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thông qua các văn bản này, Đảng đã thể hiện quan điểm, đường lối về hoàn thiện thể chế, phân công, phân định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức trong hoạt động THADS.
Bảo đảm thi hành mọi bản án, quyết định dân sự; hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự; phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại luôn luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước. Do đó, Đảng luôn đề ra chủ trương, chính sách tạo cơ chế bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Chủ trương định hướng lớn nhất và tiêu biểu nhất về cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định được thể hiện trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và sau này tiếp tục được tái khẳng định trong Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đó là: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Mới đây, ngày 02/6/2021, tiếp tục làm rõ hơn cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Một trong những nội dung quan trọng liên quan đến công tác THADS mà Chỉ thị này yêu cầu, đó là: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS, ban chỉ đạo THADS các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Toà án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS có thẩm quyền. Cơ quan THADS kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án”.
Mới đây nhất, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định yêu cầu “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dâ (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp[2].
1.2. Bảo đảm về pháp luật đối với hoạt động thi hành án dân sự
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, “Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106 Hiến pháp năm 2013), Quốc hội đã thông qua các Luật, Bộ luật bảo đảm về mặt pháp lý cho hoạt động THADS như Luật THADS năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật THADS); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, ví dụ:
- Điều 5 Luật THADS quy định: “Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
- Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật Tố tụng dân sự) quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án như sau: “1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. 2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó. 3. Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thông báo tiến độ, kết quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời cho Tòa án”.
- Bảo đảm cao nhất về pháp luật đối với yêu cầu thi hành bản án, quyết định được thể hiện trong các quy định về trách nhiệm hình sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) với nhiều loại tội phạm liên quan đến bảo đảm hoạt động THADS như tội không thi hành án (Điều 379), tội không chấp hành án (Điều 380) và tội cản trở việc thi hành án (Điều 381)...
Bản án, quyết định được bảo đảm thi hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Bản án, quyết định không chỉ bắt buộc thi hành đối với các bên đương sự mà còn đối với các cơ quan nhà nước trong trường hợp là đương sự cũng buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định.
1.3. Bảo đảm thi hành bản án, quyết định bởi sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước
Nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, bản án, quyết định được bảo đảm thi hành, công lý phải được thực thi trên thực tế thông qua công cụ là bộ máy cưỡng chế của Nhà nước với sức mạnh quyền lực của Nhà nước, cụ thể:
- Điều 9 Luật THADS quy định: “1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. 2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”. Cụ thể, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (khoản 1 Điều 45 Luật THADS). Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế (khoản 1 Điều 46 Luật THADS).
Việc cưỡng chế có huy động lực lượng luôn có sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo tính công khai, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của CHV, cơ quan THADS cũng như ngăn chặn sự chống đối của người phải thi hành án. Theo đó, việc cưỡng chế thi hành án phải được CHV lập kế hoạch cẩn thận theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong trường hợp cần huy động lực lượng thì (1) Kế hoạch cưỡng chế phải bao gồm các nội dung cơ bản như: tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế; ... (2) Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho VKSND, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của CHV; (3) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan THADS cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội (Điều 72 Luật THADS).
Thực hiện quy định của Luật THADS, cơ quan THADS đã cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành để bảo đảm thi hành bản án, quyết định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế luôn có sự kiểm sát của VKSND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, cơ quan Công an và các cơ quan chức năng có liên quan... Theo thống kê của Bộ Tư pháp, riêng trong năm 2021, các cơ quan THADS đã ra 11.370 quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, trong đó có 7.814 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng, tăng 327 so với cùng kỳ năm 2020; số cưỡng chế có huy động lực lượng là 3.556 trường hợp, giảm 326 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Trong số việc đã ra quyết định cưỡng chế có 1.356 trường hợp đương sự đã tự nguyện thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế[3].
1.4. Bảo đảm thi hành bản án, quyết đinh bởi các biện pháp chế tài pháp luật
Chế tài là một trong ba bộ phận cấu thành một quy phạm pháp luật (giả định, quy định, chế tài). Trong đó, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện[4].
Chế tài là bộ phận xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm với những quy tắc xử sự chung được ghi trong phần quy định và giả định của quy phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất của các nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh, chế tài được phân chia thành nhiều loại như: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự.
Trong hoạt động THADS, việc xử lý vi phạm đối với người phải thi hành án; cơ quan, tổ chức, cá nhân và người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án; CHV cố ý không tổ chức thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác đều bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 165 Luật THADS và các văn bản pháp luật khác có liên quan, theo đó:
- Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt VPHC, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu TNHS.
- Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án hoặc ép buộc CHV thi hành án trái pháp luật; phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản bị kê biên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu TNHS; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Thủ trưởng cơ quan THADS cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; CHV không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của CHV thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu TNHS; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Các hình thức chế tài phổ biến có thể được xem xét áp dụng trong hoạt động THADS, bao gồm:
1.4.1. Biện pháp chế tài hành chính
Chế tài hành chính là bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính (giả định, quy định, chế tài) xác định biện pháp xử lý của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức truy cứu TNHS.
Để bảo đảm thi hành bản án, quyết định và tính nghiêm minh của pháp luật, tuỳ thuộc vào chủ thể có hành VPHC trong hoạt động THADS mà chế tài hành chính có thể phân thành hình thức xử phạt VPHC áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức và hình thức xử lý kỷ luật áp dụng đối với CHV, Thủ trưởng cơ quan cơ quan THADS, cụ thể:
a) Xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt VPHC áp dụng đối với đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi VPHC trong hoạt động THADS. Xử phạt VPHC trong THADS là hoạt động của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng những biện pháp xử phạt do pháp luật quy định đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi VPPL (nhưng chưa đến mức phải truy cứu TNHS) trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về THADS. Luật THADS từ Điều 118 đến Điều 121 có quy định đối với một số trường hợp cụ thể thì CHV đang thi hành công vụ có quyền xử phạt VPHC khi đương sự không thực hiện yêu cầu hay quyết định của CHV. Việc xử phạt VPHC vừa có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa người vi phạm không thực hiện hành vi VPHC, vừa là tiền đề để CHV tiếp tục thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp theo để thi hành án đạt hiệu quả.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, nếu đương sự có hành vi chống đối, cản trở việc thi hành án thì CHV, Thủ trưởng cơ quan THADS căn cứ quy định về thẩm quyền, mức xử phạt VPHC để xử phạt theo quy định. Theo đó, thẩm quyền xử phạt VPHC trong THADS được quy định tại khoản 1 Điều 163 Luật THADS, gồm: CHV đang giải quyết việc thi hành án; Thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện; Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu.
Hành vi VPHC trong THADS được quy định tại Điều 162 Luật THADS, ví dụ đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng; cố tình không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay; không thực hiện công việc phải làm hoặc không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án; tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; không thực hiện yêu cầu của CHV về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng; sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu TNHS; chống đối, cản trở hay xúi giục người khác chống đối, cản trở; có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án; gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi vi phạm khác gây trở ngại cho hoạt động THADS nhưng chưa tới mức bị truy cứu TNHS; phá hủy niêm phong hoặc hủy hoại tài sản đã kê biên nhưng chưa tới mức bị truy cứu TNHS; không chấp hành quyết định của CHV về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án...
Mức xử phạt VPHC trong THADS được quy định tạikhoản 2 Điều 163 Luật THADS, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định trong hoạt động THADS, mức thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi như đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng; mức tiếp theo là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng; không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú; không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; ... mức cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm a và điểm b khoản 5 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP.
b) Áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật đối với Chấp hành viên cơ quan THADS có VPPL trong quá trình tổ chức thi hành án
CHV cơ quan THADS bao gồm CHV cao cấp, CHV trung cấp, CHV sơ cấp là công chức nhà nước theo quy định tại khoản 1 các Điều 5, 6, 7 Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 và Thông tư số 06/2021/TT-BTP ngày 14/10/2021. Do đó, theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức) thì nếu CHV có hành vi VPHC thuộc trường hợp bị xem xét xử lý kỷ luật thì có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với công chức như sau: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cụ thể, nếu CHV giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS) thì có thể bị áp dụng một trong 05 hình thức xử lý kỷ luật, bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. CHV không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị áp dụng một trong 04 hình thức xử lý kỷ luật, bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc[5].
Những biện pháp xử lý kỷ luật đối với CHV, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS nếu có hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án nhằm răn đe, ngăn ngừa và xử lý đối với những CHV lạm dụng quyền lực trong quá trình tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và tính tôn nghiêm của pháp luật.
1.4.2. Áp dụng chế tài dân sự
Chế tài dân sự là hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự. Chế tài dân sự thường liên quan đến tài sản (buộc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận...).
Để bảo đảm việc tổ chức THADS được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nếu CHV vi phạm pháp luật gây thiệt hại cũng phải bị xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự hoặc trách nhiệm hoàn trả liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự, Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Bộ luật Dân sự) quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS, nếu CHV có hành vi VPPL thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả sau khi Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể:
- Về căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS:
Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS được quy định tại Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), bao gồm: bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về THADS chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; quyết định xử lý hành vi VPPL của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; văn bản của Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về THADS; quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS:
Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS được quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: (1) Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật: thi hành án; hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; cưỡng chế thi hành án; hoãn thi hành án; tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; tiếp tục thi hành án; (2) tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định nêu trên trái pháp luật.
- Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động THADS được quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm: Cục THADS và Chi cục THADS.
- Về nghĩa vụ hoàn trả: Nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ được quy định tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại; trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường. Mức hoàn trả và giảm mức hoàn trả được quy định cụ thể từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngoài ra, để phù hợp với tính nhân đạo của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, khoản 3 Điều 68 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bổ sung một quy định mới liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả; đó là trường hợp người thi hành công vụ phải hoàn trả là người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai thì được hoãn việc hoàn trả theo quyết định của thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
1.4.3. Áp dụng chế tài hình sự
Chế tài hình sự là bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật hình sự, xác định loại và giới hạn mức độ hình phạt có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự đó.
Trong lĩnh vực THADS, chế tài hình sự là biện pháp nghiêm khắc nhất áp dụng đối với các hành vi VPPL hình sự trong hoạt động THADS được quy định tại Bộ luật Hình sự, ví dụ:
- Điều 379. Tội không thi hành án: “1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn; c) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng...”.
- Điều 381. Tội cản trở việc thi hành án: “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn; b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng...”.
- Điều 380 Bộ luật Hình sự quy định về tội không chấp hành án như sau: “1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt VPHC về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Chống lại CHV hoặc người đang thi hành công vụ; b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; c) Tẩu tán tài sản. 3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
2. Một số bất cập, hạn chế và kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản thì các cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án trong thời gian qua cũng đã dần bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định; cụ thể:
Một là, cơ chế bảo đảm về chính trị đối với công tác quản lý nhà nước về thi hành án. Theo Báo cáo[6] của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trong 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (2005-2013) cho thấy, các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp nói chung, cải cách tư pháp trong lĩnh vực THADS nói riêng vẫn còn hạn chế, bất cập như: việc lãnh đạo và chỉ đạo nghiên cứu thực hiện một số chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW về đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp còn chậm, chưa toàn diện; công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp thiếu đồng bộ, chưa theo đúng lộ trình đề ra. Còn nhiều nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp chưa được thực hiện. Có một số vấn đề khi triển khai thực hiện còn ý kiến khác nhau nhưng chưa được kết luận rõ, hoặc một số vấn đề kết luận chưa đúng định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp… Ví dụ, trong quá trình thực hiện chủ trương chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên thực hiện chưa có kết quả; chưa có cơ chế đảm bảo vai trò của TAND trong lĩnh vực thi hành án, giữa hoạt động xét xử với thi hành án có sự cắt khúc, tách rời. Vì vậy, TAND không nắm được tình hình và kết quả thi hành án, không phát hiện kịp thời và chưa gắn trách nhiệm đối với những hạn chế, sai sót của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW đã yêu cầu: Dừng việc thực hiện chủ trương “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án” nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW. Tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án như hiện nay. Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án.
Tuy nhiên, kể từ khi có Kết luận số 92-KL/TW (năm 2014), một số chủ trương lớn về công tác quản lý nhà nước về thi hành án vẫn chưa được thể chế hoá. Cụ thể, Luật THADS năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2014; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; … được ban hành cùng thời điểm với Kết luận số 92-KL/TW, là những văn bản quy định trực tiếp hoặc có liên quan nhất về tổ chức bộ máy; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND và UBND trong công tác THADS; cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, văn bản có liên quan trực tiếp và thể hiện tinh thần của Kết luận số 92-KL/TW về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án được quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của liên Bộ gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, TAND tối cao và VKSND tối cao quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS. Tuy nhiên, đến nay, Thông tư này cũng chưa được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Kết luận số 92-KL/TW.
Ngay từ đầu năm 2021, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, VKSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp[7]. Đặc biệt ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định: Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính”.
Như vậy, cùng với văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), Nghị quyết số 27-NQ/TW (năm 2023) đã tiếp tục khẳng định, củng cố cơ chế bảo đảm về chính trị đối với công tác THADS. Để sự bảo đảm này phát huy hiệu quả trên thực tế thì các chủ trương này cần sớm thể chế hoá thông qua việc sớm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật THADS thay thế Luật THADS năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung 2014 và các Luật khác có liên quan.
Hai là, cơ chế bảo đảm về thể chế trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Hệ thống pháp luật về THADS cũng khá đầy đủ, toàn diện[8]. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế hoặc còn những khoảng trống pháp lý đã gây khó khăn, vướng mắc cho công tác THADS, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thi hành bản án, quyết định. Ví dụ, pháp luật về THADS và pháp luật về ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác chưa quy định cụ thể trách nhiệm của ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác trong việc cung cấp thông tin về tài khoản của người phải THADS cho Thừa phát lại và người được thi hành án…[9]
Ngoài ra, còn có sự không thống nhất giữa Luật THADS với các văn bản pháp luật khác như quy định chưa thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật THADS là một ví dụ. Những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS, bao gồm: bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự thì ngoài những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị như đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS, còn có một số bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị gồm: bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công[10].
Do đó, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, khả thi giữa quy định của Luật THADS với các văn bản hướng dẫn thi hành và với những văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan. Để không bị lạc lậu và thống nhất với các Luật khác được ban hành sau, phạm vi bản án, quyết định được thi hành trong Luật THADS cần được sửa đổi và quy định theo hướng mở, tức là ngoài việc liệt kê tất cả các bản án, quyết định được thi hành theo quy định truyền thống, cần bổ sung thêm quy định: “và các bản án, quyết định, tài liệu khác theo quy định của pháp luật”[11].
Ba là, về cơ chế bảo đảm hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định hành chính. Hiện nay, việc thi hành bản án, quyết định hành chính trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện còn nhiều hạn chế, kết quả thi hành không cao, thời gian thi hành án kéo dài[12]. Tình trạng cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là người phải thi hành án hành chính nhưng vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính còn phổ biến và có xu hướng gia tăng theo từng năm[13]. Người phải thi hành án hành chính còn “chây ì”, kéo dài thời gian thi hành án, trung bình kéo dài từ 2 đến 3 năm là trên 50%, cá biệt vẫn còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực gần 10 năm hoặc trên 10 năm nhưng người bị kiện vẫn không thi hành án[14]. Ngoài ra, rất ít cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính để xử lý cơ quan, cá nhân vi phạm về thi hành án; rất ít người bị xử lý hình sự về tội không chấp hành, cản trở việc thi hành án dù có hành vi chống đối quyết liệt, kéo dài, nghiêm trọng; hiếm có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vì không thi hành án hoặc không tổ chức thi hành án[15].
Do đó, một trong các giải pháp cho những bất cập nêu trên đó là cần sửa đổi các quy định của Luật Tố tụng hành chính theo hướng hoàn thiện quy trình buộc thi hành bản án, quyết định hành chính gắn với các cơ chế bảo đảm thi hành án hành chính; Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính theo hướng nghiêm khắc hơn đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính. Trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THADS hoặc người được thi hành án hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý được quy định bao gồm: xử lý kỷ luật, truy cứu TNHS và các biện pháp xử lý khác đối với người vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, cần sớm bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật về biện pháp quy cứu TNHS trong xử lý vi phạm về thi hành án hành chính theo hướng mở rộng chủ thể bị truy cứu TNHS là pháp nhân (thương mại và phi thương mại); bổ sung thêm các hành vi VPPL trong thi hành án hành chính như: hành vi hủy hoại, gây thiệt hại, làm mất công dụng sử dụng của tài sản là đối tượng thi hành án; hành vi từ chối hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền thực thi việc thi hành án; hủy hoại, che giấu hoặc chiếm đoạt đối tượng trong thi hành án mà bản án của Tòa án đã đề cập, …[16]  
Bốn là, cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định thông qua áp dụng các biện pháp cưỡng chế THADS. Cưỡng chế THADS là việc sử dụng quyền lực nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế các quyền, nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án. Do đó, cưỡng chế THADS có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm thi hành bản án, quyết định. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy quy định về các biện pháp cưỡng chế THADS vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ví dụ, Luật THADS chưa có điều khoản nào quy định về nguyên tắc cưỡng chế THADS hoặc dẫn chiếu tới các nguyên tắc chung của pháp luật về THADS trong cưỡng chế THADS. Ngoài ra, nhiều vấn đề mới được quy định trong BLDS về quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề chưa được cụ thể hóa trong các quy định về cưỡng chế THADS…
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện, sâu sắc các biện pháp cưỡng chế trong Luật THADS trên cơ sở thống nhất với các quy định về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS; tăng cường vai trò của Tòa án, các cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương trong quá trình cưỡng chế THADS…
Năm là, về cơ chế bảo đảm thi hành bản án, quyết định thông qua các chế tài được áp dụng trong lĩnh vực THADS. Thực tế thời gian qua cho thấy, các biện pháp chế tài trong lĩnh vực THADS chưa thực sự hiệu quả và chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, Điều 44 Luật THADS quy định về nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án như sau: Người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Quy định này rất khó để thực hiện hiệu quả trong thực tế; bởi lẽ, việc thi hành án thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án. Do vậy, họ thường trốn tránh, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cũng như cung cấp thông tin khi CHV yêu cầu. Để xử lý những trường hợp này, trước đây, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP[17] quy định mức xử phạt đối với hành vi không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, mức phạt này sau đó cũng được ghi nhận trong Nghị định số 67/2015/NĐ-CP[18] và hiện nay cũng tiếp tục quy định lại mức phạt này (khoản 2 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP)[19]. Có thể thấy mức xử phạt này chưa đủ nghiêm khắc để răn đe người phải thi hành án và hiện nay chưa có chế tài nào khác đủ sức răn đe đối với việc người phải thi hành án không kê khai, kê khai không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập của họ[20]. Hơn nữa, việc xử phạt hành chính với mức phạt tiền nêu trên lại không thuộc thẩm quyền của CHV nên CHV trực tiếp thi hành bản án, quyết định không thể trực tiếp tiến hành xử phạt mà phải đề nghị Cục trưởng Cục THADS là người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt VPHC. Do đó, việc thi hành án có nguy cơ bị kéo dài vì phải chờ thực hiện các thủ tục hành chính và thời gian để Cục trưởng Cục THADS nghiên cứu trước khi ra quyết định xử phạt VPHC.
Để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và bảo đảm hiệu lực thi hành bản án, quyết định cần thực hiện đồng thời các giải pháp như: (i) Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP theo hướng tăng mức tiền xử phạt cao hơn nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm trong lĩnh vực THADS; (ii) Tăng thẩm quyền xử phạt VPHC cho CHV để họ chủ động xử lý, giải quyết việc THADS; (iii) Cần kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, xử phạt VPHC làm cơ sở đề xuất xử lý hình sự và xét xử công khai các tội không chấp hành án (Điều 380) và tội cản trở việc thi hành án (Điều 381) Bộ luật Hình sự đối với các hành vi không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án và cố ý cản trở việc thi hành án; (iv) Xem xét bổ sung một số hành vi mà người phải thi hành án cố tình tẩu tán tài sản, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, … vào một trong các tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự (ví dụ Điều 380 về tội không chấp hành án hoặc Điều 385 về tội vi phạm niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản) nhằm nâng cao tính răn đe nghiêm khắc, có cơ sở pháp lý xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực THADS, bảo đảm tính hiệu quả thi hành đối với bản án, quyết định./.

 


[1] Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.
[3] Báo cáo số 387/BC-CP ngày 09/10/2021 của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2021, tr. 9.
[5] Xem thêm TS. Nguyễn Văn Nghĩa (Chủ biên), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và văn bản hướng dẫn thi hành (Một số điểm mới và liên hệ quy định pháp luật về công tác tổ chức cán bộ trong lĩnh vực THADS).
[6] Báo cáo số 35-BC/CCTP, ngày 12/3/2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp về Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021.
[8] Ví dụ như: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật THADS; Bộ luật Dân sự; Luật Tố tụng hành chính năm 2015…
[9] TS. GV. Nguyễn Minh Tuấn và Phạm Thị Đào, Thực trạng tồn đọng án dân sự và các kiến nghị giải quyết, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (321), tháng 9/2016 hoặc xem: http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208649.
[10] Xem thêm NCS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, Hoàn thiện quy định của pháp luật về xác định bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8(360) T4/2018, tr. 37.
[11] Xem thêm NCS. Nguyễn Văn Nghĩa, tlđd, tr. 39.
[12] Lê Việt Sơn, Thi hành án hành chính ở Việt Nam - Lý luận và Thực tiễn, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 130-132.
[13] Ví dụ, trong hai năm 2018 và 2019, số vụ việc chưa thi hành xong vượt quá 50 % tổng số bản án, quyết định của Tòa án phải thi hành, cụ thể năm 2018 thi hành xong 139 bản án, quyết định trên tổng số 363 bản án, quyết định phải thi hành, đạt tỷ lệ 38%, vẫn còn 224 bản án, quyết định chưa thi hành xong; năm 2019 là thi hành xong 298 bản án, quyết định trên tổng số 637 bản án, quyết định phải thi hành, đạt tỷ lệ 47%, vẫn còn 339 bản án, quyết định chưa thi hành xong; Lê Việt Sơn, tlđd, tr. 130.
[14] Lê Việt Sơn, tlđd, tr. 131-132.
[15] Ví dụ, trong 03 năm từ năm 2015 đến năm 2017, số vụ việc thi hành án chưa xong của UBND và Chủ tịch UBND các cấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính là rất lớn (năm 2015 là 22 trường hợp, năm 2016 là 34 trường họp, năm 2017 là 50 trường hợp) nhưng không có trường hợp nào cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu TNHS do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính (Báo cáo số 164/BC-CP ngày 10/5/2018 của Chính phủ về việc chấp hành pháp luật TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND, Hà Nội, tr. 10); Lê Việt Sơn, tlđd.
[16] Lê Việt Sơn, tlđd, tr.173-174.
[17] Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
[18] Nghị định số 67/2015/ NĐ-CP, ngày 14/5/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013.
[19] Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, ngày 15/7/2020 của Chính phủ thay thế cho Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP.
[20] ThS. Nguyễn Văn Nghĩa và ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa, Xác minh điều kiện thi hành án - Một số bất cập từ thực tiễn, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=912;
TS. Lê Vĩnh Châu, Hoàn thiện pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án nhằm nâng cao hiệu quả THADS, https://thads.moj.gov.vn/tuyenquang/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=198.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (486), tháng 07/2023.)