Hoàn thiện quy định của pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo

25/09/2023

THS. BÙI THỊ HÒE

Viện Nghiên cứu lập pháp,

THS. NGUYỄN THỊ LONG

Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả khái quát chung về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Qua đó, các tác giả đưa ra các kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo tại Việt Nam, với hi vọng những quy định về tài sản ảo trong tương lai sẽ được thực thi hiệu quả, phòng ngừa những rủi ro pháp lý có thể xảy ra.  
Từ khoá: Quyền sở hữu, tài sản ảo, Luật Tài sản ảo.
Abstract: Within this article, the authors give a general overview of ownership rights for virtual assets and the provisions under current legal regulations of Vietnam regarding ownership of the virtual assets. Thereby, the authors provide a number of recommendations for further improvements of the legal regulations on ownership of virtual assets in Vietnam, with the aim that the legal regulations on virtual assets will be effectively enforced and that any legal risks that could potentially occur might be mitigated.
Keywords: Ownership rights; virtual assets; Law on Virtual Assets
 TÀI-SẢN-ẢO.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quan điểm về tài sản ảo và quyền sở hữu tài sản ảo
1.1. Tài sản ảo
Tài sản ảo được hiểu là giá trị tồn tại trong thế giới ảo, biểu hiện dưới dạng các mã số, được tạo ra từ những chương trình máy tính, trị giá được thành tiền và chuyển giao được. Tài sản ảo được tạo ra nhằm để triển khai thực hiện những chức năng như chức năng của tài sản pháp định trong thế giới thực.Thế giới ảo ở đây được hiểu là thế giới phi vật lý, tồn tại và vận hành nhờ vào các chương trình máy tính có kết nối năng lượng và Internet, có sự tham gia của con người, có hoạt động trao đổi như thế giới thực và có những tác động vào thế giới thực. Thế giới ảo là nơi tài sản ảo xuất hiện, tồn tại và được chuyển giao giữa các thành viên. Những tương tác của các thành viên trong thế giới ảo được thực hiện dựa trên nhiều phương thức tương đồng với thế giới thực và tác động lên thế giới thực.
Sự hiện hữu của “tài sản ảo” (virtual property)[1] là có thực, vừa có thể mang lại những giá trị vật chất thực vừa mang lại những tranh chấp, rủi ro thực cho các chủ thể tham gia thế giới ảo. Tài sản ảo được nhận định là một loại tài sản phi truyền thống và thế giới ảo là nơi thử nghiệm các lý thuyết pháp lý mới. Trạng thái quyền sở hữu tài sản ảo trong thế giới ảo thay đổi tuỳ theo trò chơi. Trên thực tế, các nhà phát triển trò chơi trực tuyến vẫn cung cấp cho người chơi khả năng chiếm hữu, sử dụng và chuyển nhượng tài sản ảo, đồng thời hạn chế quyền sở hữu đối với đối tượng này bằng “thoả thuận cấp phép người dùng cuối” (được viết tắt là EULA). Thoả thuận cấp phép người dùng cuối xác lập quan hệ giữa nhà cung cấp nền tảng trò chơi với người chơi, theo đó người chơi đồng ý với các điều khoản của thoả thuận trước khi gia nhập thế giới ảo mới được phép cài đặt, sao chép hoặc sử dụng trò chơi. Tất cả quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với trò chơi, mọi tiêu đề, mã máy tính, chủ đề, đối tượng, ký tự, tên nhân vật, hội thoại, ví trí, nhân vật, hoạt ảnh, âm thanh, hiệu ứng âm thanh, cốt truyện… sẽ được bảo đảm bằng pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, người chơi cũng được xác lập quyền năng đối với tài sản ảo.
Hàng loạt các lý thuyết về quyền của người chơi đều tập trung giải quyết các câu hỏi như: (i) Có nên cung cấp cho người chơi quyền sở hữu tài sản ảo bằng cách cho người này bán tài sản ảo trong thế giới thực để lấy tiền thật không?; (ii) Người chơi có quyền sở hữu tài sản ảo thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì với chủ sở hữu của thế giới ảo khi tài sản ảo bị mất không?; (iii) Ngược lại, chủ sở hữu thế giới ảo có phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu tài sản ảo khi tài sản này bị đánh cắp hoặc phá huỷ bởi những người chơi khác không?
Tài sản ảo được tạo ra trong thế giới ảo và tồn tại trong thế giới ảo nhằm thực hiện các chức năng tương tự tài sản trong thế giới thực.Chủ thể sở hữu tài sản ảo có quyền sử dụng, tức có quyền khai thác công dụng và khai thác những lợi ích vật chất khác của tài sản ảo trong phạm vi pháp luật cho phép; việc khai thác lợi ích vật chất của tài sản ảo còn bao gồm cả việc thu nhận những kết quả của tài sản ảo mang lại. Việc khai thác tài sản ảo để thoả mãn những nhu cầu cho con người như: hỗ trợ trung gian thanh toán, đầu tư và tiếp cận hàng hóa dịch vụ.
Trước hết, tài sản ảo được khai thác vì mục đích trung gian thanh toán trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Những người tham gia trong một cộng đồng nhất định sẽ sử dụng một loại tài sản ảo, đa số là tiền mã hóa, để thanh toán các dịch vụ trong cộng đồng đó, ví dụ như trong cộng đồng thế giới ảo của trò chơi trực tuyến. Hiểu một cách đơn giản nhất, tài sản ảo được dùng như phương tiện thanh toán khi được chuyển giao từ ví điện tử này sang ví điện tử khác và giá trị tương ứng của tài sản ảo khi trung gian thanh toán sẽ được quy định khác nhau tùy vào những nhà phát hành, thay vì có giá trị theo đồng tiền pháp định. Hai là, tài sản ảo được sử dụng với chức năng đầu tư theo hai hướng: Phát triển nhu cầu tinh thần và nhu cầu lợi ích kinh tế. Ví dụ, có những nhóm chủ thể mua bán vật phẩm ảo như quần áo, vũ khí trong trò chơi trực tuyến để phát triển “nhân vật” trong trò chơi, thăng hạng cấp bậc và sức mạnh nhanh chóng, suy cho cùng là để đầu tư vào nhu cầu giải trí của mình, hay những doanh nghiệp thực hiện giao dịch tên miền để đầu tư vào mảng đại diện cho cả tổ chức; mặt khác, một số chủ thể khác khai thác tài sản ảo theo hướng đầu tư sinh lợi, điển hình là đầu tư vào các xu chứng khoán như Bitcoin. Hơn thế nữa, tài sản ảo cũng có chức năng hỗ trợ chủ thể nắm giữ nó tiếp cận hàng hóa, dịch vụ. Địa chỉ website, địa chỉ hộp thư điện tử, tên miền hay xu tiện ích là những loại tài sản ảo điển hình với công dụng trên, cụ thể, hỗ trợ “tiếp cận hàng hóa, dịch vụ” - có thể hiểu là giúp người dùng truy cập và tìm kiếm thông tin dễ dàng, đồng thời cung cấp cho chủ sở hữu một tiện ích nào đó liên quan đến dự án, có thể ở hiện tại hoặc trong tương lai.
1.2. Quyền sở hữu tài sản ảo
Quyền sở hữu được coi là vật quyền chính, quyền quan trọng nhất được thiết lập trên tài sản, thể hiện chủ quyền đối với tài sản và là cơ sở cho tất cả các vật quyền khác[2]. Quyền sở hữu được định nghĩa trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật[3]. Định nghĩa này được xây dựng theo phương thức liệt kê, quyền sở hữu bao gồm các quyền chiếm hữu (quản lý, chi phối tài sản), quyền sử dụng (khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản) và quyền định đoạt (tiêu dùng tài sản, tiêu huỷ hoặc chuyển giao tài sản). Định nghĩa này được đánh giá là chưa bao quát được các quyền năng khác mà chủ sở hữu có thể thực hiện đối với tài sản của mình một cách trọn vẹn như các quyền dùng tài sản để bảo đảm cho việc thực nghĩa vụ, quyền mang tài sản tham gia vào các giao dịch…
Cùng với sự phát triển của những học thuyết pháp lý, khái niệm quyền sở hữu nói chung và quyền sở hữu tài sản ảo nói riêng có thể được hiểu dưới góc độ:
- Theo nghĩa chủ quan thì quyền sở hữu tài sản ảo là quyền của chủ sở hữu bằng hành vi của mình tác động lên tài sản ảo theo ý chí của chủ thể này một cách hợp pháp nhằm thoả mãn, nhu cầu và lợi ích của chủ sở hữu.
- Theo nghĩa khách quan thì quyền sở hữu tài sản ảo là tổng hợp các quy phạm pháp luật về căn cứ phát sinh, thực hiện, chấm dứt quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản ảo của mình; các quy định về nguyên tắc và giới hạn thực hiện quyền mà chủ sở hữu phải tuân thủ khi khai thác tài sản của mình, những biện pháp bảo vệ được thực hiện nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản. Theo định nghĩa này thì quyền sở hữu tài sản ảo là một chế định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, bảo vệ hoặc chấm dứt quyền sở hữu.
Như vậy: Quyền sở hữu tài sản ảo là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản ảo được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
Quyền sở hữu là một loại vật quyền quan trọng; vì vậy, quyền sở hữu hội tụ đầy đủ các đặc điểm chung của vật quyền như: (i) tính luật định (ii) tính đối vật; (iii) tính lâu dài; (iv) tính theo đuổi vật; (v) việc thực hiện quyền không làm chấm dứt quyền; (vi) tính dịch chuyển được; (vii) cho phép người có quyền được ưu tiên thực hiện quyền với tài sản. Bên cạnh đó, so với các vật quyền khác, quyền sở hữu có những đặc điểm đặc thù như:
Một là, chủ sở hữu là chủ thể có toàn quyền đối với tài sản ảo của mình.
Quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản. Do vậy, chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản, được khai thác tài sản theo ý chí của chủ thể này. Về nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể nào thì chủ thể đó được thực hiện mọi hành vi tác động vào tài sản nhằm khai thác và hưởng những lợi ích tối đa, hợp pháp mà tài sản có thể mang lại cho mình. Chủ sở hữu có thể được xem là chủ thể duy nhất có mọi quyền năng trọn vẹn đối với tài sản từ nắm giữ, quản lý đến khai thác, hưởng lợi, thậm chí định đoạt cả về số phận thực tế như chấm dứt sự tồn tại của tài sản hoặc định đoạt số phận pháp lý của tài sản như chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác.
Hai là, quyền sở hữu tài sản ảo mang tính liên tục[4].
Sở dĩ nhận định quyền sở hữu có tính liên tục vì việc thực hiện quyền năng này không có sự gián đoạn. Chủ sở hữu được thực hiện các quyền năng đối với tài sản ảo cho đến khi quyền sở hữu này được chuyển giao cho chủ sở hữu mới hoặc tài sản ảo không còn tồn tại. Khi tài sản ảo được chuyển giao quyền sở hữu từ chủ thể này sang cho chủ thể khác thì chủ sở hữu mới vẫn tiếp tục thực hiện các quyền năng trọn vẹn của mình đối với tài sản ảo; ngay cả khi chủ sở hữu trong một thời gian dài không tác động, không khai thác tài sản ảo thì vấn có quyền đối với tài sản ảo. Đặc tính này của quyền sở hữu không giống với các quyền khác đối với tài sản nói chung và tài sản ảo nói riêng.
Ba là, chủ sở hữu tài sản ảo không bị giới hạn thời gian thực hiện quyền.
Nếu như các chủ thể khác bị giới hạn về thời hạn khai thác tài sản thì chủ sở hữu tài sản nói chung và tài sản ảo nói riêng lại không bị giới hạn. Đặc tính này được hiểu là chủ sở hữu tự mình thực hiện các quyền năng đối với tài sản của mình không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể khác về phương thức, hình thức hay thời hạn khai thác tài sản. Vì vậy, chủ sở hữu chính là người quyết định thời điểm bắt đầu khai thác và thời điểm dừng hoạt động khai thác tài sản. Tuy nhiên, trừ trường hợp pháp luật có quy định giới hạn vì lợi ích công cộng, lợi ích của toàn dân thì thời hạn khai thác tài sản của chủ sở hữu cũng có thể bị can thiệp nhưng vẫn trên nguyên tắc tôn trọng ý chí của chủ sở hữu tài sản.
Bốn là, giới hạn quyền sở hữu chỉ được đặt ra nếu có dấu hiệu gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng, lợi ích toàn dân, sự tồn tại của loài người.
Về nguyên tắc, quyền sở hữu là vật quyền mạnh nhất, toàn vẹn nhất đối với tài sản. Chủ sở hữu không bị giới hạn về mặt thời gian, phương thức, mức độ khai thác tài sản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như để duy trì sự tồn tại của tài sản, cân bằng hệ sinh thái, duy trì trật tự của xã hội, quyền sở hữu cũng có thể bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật hoặc của chính chủ sở hữu. Để giới hạn phạm vi thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, pháp luật thường có các quy phạm liệt kê hành vi nghiêm cấm chủ thể được thực hiện, ví dụ như: nghiêm cấm sử dụng tiền ảo như một công cụ thanh toán[5].
2. Pháp luật Việt Nam hiện hành về quyền sở hữu đối với tài sản ảo
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có văn bản điều chỉnh toàn diện vấn đề quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Các quy định liên quan đến lĩnh vực này được thể hiện trong một số văn bản như sau:
- Quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS): Điều 105 BLDS năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản ảo không phải là vật hay tiền. Đối chiếu với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành (khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010; khoản 1 Điều 3 Thông tư số 04/2016/TT-NHNN và khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2012/TT-NHNN ) thì: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác". Như vậy, tiền ảo cũng không phải là giấy tờ có giá.
Theo Điều 115 BLDS 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Quyền tài sản có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tổng hợp các quyền và lợi ích của chủ thể trong việc chi phối, kiểm soát tài sản. Quyền tài sản theo nghĩa hẹp là quyền đối với tài sản hữu hình hoặc quyền đối với tài sản vô hình. Ví dụ: Quyền tài sản đối với đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền sử dụng đất… Quyền tài sản khác là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, quyền yêu cầu thanh toán một khoản tài sản, quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền được chi trả bảo hiểm[6]... Dựa trên phương thức khai thác lợi ích của quyền tài sản, quyền tài sản gồm hai loại: Quyền tài sản là vật quyền (quyền đối vật) và quyền tài sản là trái quyền (quyền đối nhân). Quyền tài sản dưới định dạng là quyền đối vật là quyền mà chủ thể quyền có thể thực hiện quyền của mình bằng cách tác động trực tiếp lên vật, không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể khác và có thể định giá được thành tiền. Quyền tài sản dưới định dạng là trái quyền (quyền đối nhân) là quyền mà chủ thể có thể đạt được thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của người khác. Trái quyền có thể phát sinh do thoả thuận của các bên ví dụ như quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng, hoặc cũng có thể phát sinh từ quyết định của Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền như quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm[7]
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia: các luật gia Đức cho rằng một “tài sản ảo” thanh toán như bitcoin có thể thoả mãn định nghĩa về quyền tài sản này bởi chúng thực sự có giá trị kinh tế, xác định được trong chuỗi khối thông qua mã công khai, và là đối tượng của quyền định đoạt bởi chủ sở hữu nắm mã cá nhân duy nhất[8]. Tại Hà Lan, trong vụ ECLI:NL:RBAMS:2018:869, nguyên đơn yêu cầu toà án Amsterdam tuyên bố công ty Koinz Trading phá sản do không trả được khoản nợ 0.591 bitcoin và €10,000 tiền phạt. Tuy nhiên, để mở thủ tục phá sản theo luật Hà Lan thì nguyên đơn phải có quyền đòi nợ Koinz Trading, và quyền này chỉ phát sinh nếu khoản nợ “tài sản ảo” kể trên là một loại tài sản. Thủ tục phá sản sau đó được mở do toà xác định rằng một “tài sản ảo” như bitcoin là tài sản và có đầy đủ tính chất của một “quyền tài sản”. Toà án cho rằng bitcoin đại diện cho giá trị, được xác định thông qua một dãy số và chữ được mã hoá lưu trữ bởi người nắm giữ, và sau đó có thể trao đổi được, chẳng hạn như chuyển giao trực tiếp từ ví của người này sang ví của người khác khi thanh toán hoặc khi đổi sang tiền pháp định[9]. Đối với “tài sản ảo” có chức năng chứng khoán thì Bộ Tài chính Đức cũng đề xuất coi chúng là quyền tài sản với vật để từ đó dễ dàng áp dụng các quy định của pháp luật về chứng khoán đối với loại “tài sản ảo” này[10].
Dưới góc nhìn của pháp luật Việt Nam hiện hành thì trái quyền cũng có thể được coi là một loại tài sản. Trong khi đó, đối với “tài sản ảo” thanh toán, các luật gia Pandectists dễ dàng nhận thấy chúng không cùng loại với các trái quyền thông thường[11], bởi lẽ một trái quyền cần có ít nhất một nghĩa vụ và một người thụ trái; trong khi bản thân loại “tài sản ảo” này không làm xác lập một nghĩa vụ chuyển giao hoặc thực hiện công việc nào, và cũng không có ai là thụ trái bởi những người tham gia chuỗi khối đều ẩn danh và các máy tính khác trên hệ thống chuỗi khối không hề có nghĩa vụ phải xác nhận giá trị của chúng. Tuy nhiên, các “tiền ảo” khác như “tiền ảo chứng khoán” và “tiền ảo tiện ích” lại có thể được coi là trái quyền. Điều này là bởi nếu “tiền ảo” đó được phát hành để đổi lấy cho một khoản vốn bằng tiền pháp định hoặc một khoản nợ hay một dịch vụ nhất định, thì chúng sẽ tạo ra một mối quan hệ giữa người phát hành và nhà đầu tư và xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên[12].
Như vậy, có thể thấy tuỳ vào từng loại tài sản ảo khác nhau sẽ thoả mãn điều kiện để được coi là quyền tài sản (một loại tài sản đặc thù). Tuy nhiên, dù tồn tại dưới định dạng vật quyền hay trái quyền thì xem xét pháp luật về tài sản hiện hành, tài sản ảo có thể cân nhắc trở thành tài sản pháp định bởi lẽ: (i) có giá trị (định giá được thành tiền); (ii) có giá trị sử dụng; (iii) con người có thể kiểm soát, chi phối tài sản ảo.
- Quy định của pháp luật tín dụng - ngân hàng: Tiền ảo, tiền kỹ thuật số không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ–CP ngày 01/07/2016, thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 4 Nghị định số 102/2012/NĐ-CP cũng quy định: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này. Theo quy định trên, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được công nhận tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, tiền ảo cũng không phải là một trong các loại ngoại hối theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 thì: “Tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối”.
- Quy định của pháp luật về thuế liên quan đến tài sản ảo:
+ Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và 2014 thì tiền ảo không được xác định là hàng hóa, dịch vụ nên thu nhập có được từ việc kinh doanh tiền ảo không thuộc đối tượng chịu thuế;
+ Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2013, 2014 và 2016, thì: Thuế giá trị gia tăng được hiểu là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hành hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng (Điều 2). Do đó, bất cứ hoạt động sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nào mà có phát sinh chênh lệch tăng thêm so với giá ban đầu đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Nên, tài sản ảo không phải chịu thuế giá trị gia tăng và người kinh doanh tiền ảo cũng không phải nộp thuế giá trị giá tăng theo quy định của luật trên;
+ Căn cứ theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014 thì tài sản ảo không phải là hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nên thu nhập có được từ kinh doanh tiền ảo không không thuộc thu nhập chịu thuế.
- Quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012: Rửa tiền được hiểu đó là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có bao gồm: (i) Hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự; (ii) trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; (iii) chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản. Nên, cá nhân, tổ chức nào thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này, kể cả khi Việt Nam chưa công nhận và bảo hộ các loại tiền ảo mà cá nhân, tổ chức lợi dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo để thực hiện mục đích rửa tiền cũng đều chịu trách nhiệm theo quy định của Luật. Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Mặt khác, người sử dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội rửa tiền” quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự.
- Quy định của pháp luật hành chính – hình sự: Chưa có quy định điều chỉnh về tài sản ảo nhưng đã có những quy định xử phạt đối với việc sử dụng công cụ thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam. Khi chủ thể vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Trường hợp chủ thể thực hiện các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định tại các điều từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư”[13].
Bộ luật Hình sự chưa có quy định liên quan đến tài sản ảo nhưng đã có quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 1 Điều 206 hoặc hành vi rửa tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo
Theo các tác giả, cần xây dựng khung pháp lý phù hợp đối với tài sản ảo. Với cách hiểu tài sản theo nghĩa rộng nhất trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, tài sản ảo cũng có thể là một loại tài sản.
3.1. Về hình thức của khung pháp lý về quyền sở hữu đối với tài sản ảo
Hiện tại có hai nhóm quan điểm về việc lựa chọn loại hình thức văn bản điều chỉnh tài sản ảo và quyền sở hữu đối với tài sản ảo.
Quan điểm thứ 1: Trong giai đoạn đầu thì chỉ nên xây dựng khung pháp luật thử nghiệm về quyền sở hữu đối với tài sản ảo. Những quy định này chỉ nên được thể hiện trong văn bản dưới luật và nghị định là phương án tối ưu. Trong đó, nghị định về tài sản ảo cần quy định được những nội dung cơ bản liên quan như: giải thích nội hàm của những thuật ngữ pháp lý có liên quan, các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản ảo; các loại tài sản ảo và cơ chế pháp lý tương ứng; những vấn đề về giao dịch có đối tượng là tài sản ảo: điều kiện phát sinh hiệu lực, thời điểm phát sinh hiệu lực, thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng; chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản ảo; trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ… Nội dung của Nghị định này phải bảo đảm tính liên kết với các văn bản khác có liên quan đến tài sản ảo như pháp luật về chứng khoán, thương mại, phòng chống rửa tiền…
Cơ sở pháp lý của Phương án 1: Theo khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2020: “Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.Theo quy định này, Chính phủ hoàn toàn có quyền ban hành Nghị định thí điểm về tài sản ảo nói chung và quyền sở hữu đối với tài sản ảo nói riêng sau khi có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ưu điểm của phương án 1: Tài sản ảo là vấn đề phức tạp, những tác động của tài sản ảo đối với kinh tế, chính trị của các quốc gia cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm về tài sản ảo và quyền sở hữu tài sản ảo có thể giúp Việt Nam kiểm soát được những tác động của tài sản ảo lên từng chủ thể, quan hệ cụ thể. Khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) là phương án được ưu tiên hàng đầu bởi quy mô thử nghiệm và tác động, rủi ro hẹp hơn khi khởi động khung lý trên diện rộng.
Nhược điểm của phương án 1: Phương án này không xử lý được triệt để toàn diện các vấn đề. Sẽ có những nội dung cần điều chỉnh bởi cấp độ Luật nhằm đảm bảo quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát không phải là cách tiếp cận pháp lý duy nhất, hiệu quả nhất vì chỉ có thể được xem là giải pháp tình thế tạm thời để các nhà quản lý hiểu rõ hơn về vấn đề công nghệ liên quan đến tài sản ảo, tiếp cận và hình thành phản xạ pháp lý xử lý những rủi ro của các đồng tiền ảo, tài sản ảo mang lại mà không gây xáo trộn lớn trong xã hội. Do đó, khi lựa chọn phương án 1, Việt Nam cần tận dụng khoảng thời gian này để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ[14].
Phương án 2: Xây dựng khung pháp lý chính thức và rõ ràng về tài sản ảo với hình thức là Luật Tài sản ảo.
Ưu điểm của phương án 2:Phạm vi điều chỉnh của Luật rộng hơn phạm vi điều chỉnh của Nghị định, do đó có thể xử lý một cách thống nhất, toàn diện các vấn đề liên quan. Những nhược điểm về giá trị thi hành của văn bản dưới luật trong phương án 1 sẽ được khắc phục.
Nhược điểm của phương án 2:  Bên cạnh những ưu điểm có thể đạt được, phương án 2 cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn khi thực thi, do tài sản ảo sẽ biến đổi liên tục cùng sự phát triển của khoa học công nghệ. Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, việc đánh giá chính xác bản chất của tài sản ảo là khó khả thi. Ngoài ra, tài sản ảo chỉ tồn tại trong môi trường ảo gắn liền với Internet và các thiết bị điện tử, do đó các giao dịch liên quan mang tính phi biên giới, việc giải quyết tranh chấp và vấn đề xung đột pháp luật cũng là những nội dung cần được tiến hành theo quy trình lâu dài và thận trọng. Chi phí dành cho việc thực hiện phương án 2 cũng sẽ là một khoản tiền dự chi lớn.
Quan điểm của nhóm tác giả: Kết hợp cả hai phương án, theo đó sử dụng phương án 1 cho giai đoạn đầu; Sau khi vận hành sẽ có cơ sở xây dựng báo cáo đánh giá tác động của những quy định về tài sản ảo và quyền sở hữu đối với tài sản ảo ở Việt Nam, để tiến hành giai đoạn 2 (xây dựng Luật Tài sản ảo). Tuy nhiên, ngay cả khi lựa chọn việc xây dựng phương án 1 cho giai đoạn đầu vẫn cần thận trọng; cần nghiên cứu những tác động của tài sản ảo đối với nền kinh tế của các quốc gia đã và đang ghi nhận tư cách pháp lý và đã có văn bản quy định về tài sản ảo, qua đó sàng lọc giá trị tham khảo. Việt Nam cần nắm chắc cơ hội của “người đi sau” tiếp thu thành tựu và tránh được những rủi ro đã xảy ra.
3.2. Về nội dung văn bản điều chỉnh tài sản ảo và quyền sở hữu đối với tài sản ảo
Một là, thống nhất bản chất pháp lý, vị trí, vai trò của tài sản ảo là tài sản pháp định. Bởi lẽ tài sản ảo là kết quả hoạt động lao động của con người tồn tại trên Internet được lưu giữ và chuyển nhượng trong môi trường kỹ thuật số. Tài sản ảo được tạo ra, sử dụng gắn liền với không gian Internet. Thực chất tài sản ảo là những đoạn thông tin được mã hoá. Tài sản ảo thực tế gắn bó với các ứng dụng trên không gian mạng máy tính (Internet) – thế giới ảo. Như vậy, tài sản ảo là đối tượng có giá trị sử dụng và có thể chuyển giao. Một trong những đặc trưng cơ bản của tài sản truyền thống.
Hai là, xác định rõ phạm vi chủ thể có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến tài sản ảo. Liên quan đến tài sản ảo có hai chủ thể cơ bản có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan bao gồm: (i) Người tạo ra tài sản ảo về mặt kỹ thuật: Tài sản ảo là vật dụng trong các trò chơi online thường được thiết kể bởi công ty phát triển trò chơi, công ty cung cấp các phần mềm giải trí. Theo đó, tài sản được sinh ra được vận hành và chấm dứt dưới sự chi phối của máy chủ công ty điều hành trò chơi, có thể nói công ty trò chơi duy trì sự sống của tài sản ảo. Và (ii) người chơi: Người chơi là người tham gia trò chơi, là người bỏ ra tiền bạc, công sức và thời gian của mình để tạo ra các đồ vật ảo, là người có thể mua bán, trao đổi các vật dụng này một cách hợp pháp. Người chơi có thể được xem là chủ sở hữu các tài sản ảo mà họ có được trong các trò chơi trực tuyến.
Pháp luật về tài sản ảo cần xác định rõ chủ thể nào là chủ sở hữu của tài sản ảo.
Ba là, xác định rõ các căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Căn cứ xác lập quyền sở hữu là những sự kiện pháp luật xác lập quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản ảo (là cơ sở xác định chủ sở hữu tài sản). Hiện nay, BLDS năm 2015 quy định về các căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221. Tuy vậy, đối với một số căn cứ có thể không phù hợp với tính chất vật lý của tài sản ảo, ví dụ sẽ không có trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo do người phát hiện ra tài sản ảo bị đánh rơi? bỏ quên? chôn, giấu, chìm đắm… Trong văn bản quy định chuyên biệt cần có những quy định tương ứng, phù hợp (nếu có thể) với từng loại tài sản ảo.
Bốn là, xây dựng quy định về điều kiện có hiệu lực và hiệu lực của giao dịch có đối tượng là tài sản ảo. Một trong những dấu hiệu nhận diện tài sản ảo là chỉ tồn tại trong môi trường ảo, môi trường sử dụng các ứng dụng công nghệ. Do đó, thực tế để việc khai thác tài sản này được thực hiện ổn định, an toàn, pháp luật Việt Nam cần quy định về khả năng của chủ thể tham gia giao dịch phải đạt độ tuổi nhất định và phải có năng lực công nghệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng những quy định đảm bảo tính tự nguyện của các chủ thể khi tham gia giao dịch điện tử. Văn bản về tài sản ảo cũng cần xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện, hình thức của giao dịch có liên quan đến tài sản ảo (cân nhắc ghi nhận và triển khai hoạt động công chứng điện tử); những quy định liên quan đến thời điểm có hiệu lực của những giao dịch này, qua đó xác định thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể…
Năm là, xác định rõ vấn đề thừa kế di sản là tài sản ảo. Vấn đề chuyển dịch quyền sở hữu tài sản ảo sau khi chủ sở hữu tài sản chết, chủ thể quản lý di sản là tài sản ảo và phương thức phân chia di sản thừa kế cũng là một trong những nội dung cần điều chỉnh. Bên cạnh những quy đinh pháp luật về thừa kế của BLDS năm 2015, những nội dung đặc thù của thừa kế tài sản ảo cũng cần được quy định rõ trong văn bản pháp luật quy định về loại tài sản này.
Sáu là, xác định rõ điều kiện để tài sản ảo là đối tượng của các biện pháp bảo đảm. Nếu pháp luật Việt Nam ghi nhận tài sản ảo là tài sản thì đây cũng chính là đối tượng của các biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản như: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, cầm giữ… Do đó, văn bản quy định về tài sản ảo cũng cần quy định thống nhất và liên kết với các quy định chung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Bảy là, quy định về bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo:Pháp luật về tài sản ảo cũng cần có những quy đinh cụ thể về các phương thức bảo vệ quyền sở hữu tài sản ảo. Bên cạnh những phương thức được quy định trong BLDS năm 2015, cần xác định những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu mà chủ sở hữu có thể thực hiện về phương diện kỹ thuật nhằm truy vết giao dịch tẩu tán tài sản ảo (nếu có)…
Tám là, quy định về cơ quan quản lý tài sản ảo:Cần xác định cơ quan chuyên trách thực hiện việc quản lý nhà nước về tài sản ảo. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tài sản ảo đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tài sản ảo là chứng khoán thì chịu sự quản lý của Uỷ ban chứng khoán nhà nước (Trực thuộc Bộ Tài chính); Tài sản ảo là phương tiện thanh toán thì việc quản lý tài sản này thuộc về Ngân hàng Nhà nước; Tài sản ảo là hàng hoá đặc biệt thì được giao cho Bộ Công thương quản lý. Như vậy, cần xác định rõ tài sản ảo là đối tượng liên quan đến nhiều lĩnh vực và cần có sự phối hợp chuyên môn của nhiều cơ quan… Do đó, quy định của Luật Tài sản ảo cần phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan[15].
3.3. Về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan
Một là, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân.Tài sản ảo là sản phẩm của công nghệ Blockchain và mật mã, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân chuyển giao từ thành viên này sang thành viên khác trên nền tảng Internet. Do đó, những văn bản pháp luật liên quan trong nội dung này cần được nghiên cứu kỹ càng và thận trọng, bảo đảm văn bản về tài sản ảo và những văn bản này phải thống nhất với nhau, không mâu thuẫn, chồng chéo: Luật Công nghệ Thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Hai là, hoàn thiện pháp luật về điều kiện kinh doanh trên môi trường mạng, quá trình giao kết giao dịch có đối tượng là tài sản ảo. Những giao dịch có đối tượng là tài sản ảo được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Giao dịch điện tử. Do đó, trong thời gian tới cần hoàn thiện các quy định về thông điệp dữ liệu, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử, bảo mật giao dịch điện tử. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện các quy định liên quan đến sàn giao dịch điện tử, năng lực của các chủ thể hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản ảo trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Ba là, hoàn thiện các quy định về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng. Mặc dù tài sản ảo có tính chất phi tập trung, bảo mật, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí giao dịch nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro như: giá trị không ổn định, tính ẩn danh cao, dễ bị lạm dụng để che giấu pháp luật, trong đó có hoạt động rửa tiền hoặc tài trợ cho hoạt động khủng bố[16]. Chính bởi lẽ đó, khi tài sản ảo chính thức được ghi nhận bản chất pháp lý là tài sản pháp định, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này trong các văn bản: Bộ Luật Hình sự; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Phòng, chống tham nhũng… Ngay cả vấn đề phối hợp điều tra tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến tài sản ảo cũng cần được quan tâm (nội dung này cơ bản lại được điều chỉnh bởi các điều ước quốc tế).
Bốn là, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế liên quan đến tài sản ảo./.

 


Bài viết này có sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp bộ: “Chính sách, pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, mã số: ĐTCB.2022- 08 do ThS. Bùi Thị Hòe làm Chủ nhiệm.
[1] W Erlank, “Introduction to virtual property: Lex virtualis ipsa loquitur”, http://www.scielo.org.za/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1727-37812015000700005, truy cập ngày 10/04/2022.
[2] Nguyễn Minh Oanh (chủ biên), “Vật quyền trong pháp luật dân sự hiện đại”, Sách chuyên khảo, Nxb. Công an nhân dân, 2018, tr.160.
[3] “Xem Điều 158 BLDS năm 2015.
[4] Nguyễn Minh Oanh, sđd, tr. 165.
[5] Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự; http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Tai-chinh/881415/ngan-hang-nha-nuoc-thanh-toan-bang-bitcoin-la-bat-hop-phap. 
[6] Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (chủ biên), “Bình luận khoa học BLDS năm 2015 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb. Công an nhân dân, 2017, tr.228.
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 1, Nxb. Tư pháp, 2022, tr.68.
[8] G. Spindler, M. Bille, Rechtsprobleme von Bitcoins als virtuelle Währung, WM Z Für Wirtschsfts- Bankr (2014), S. 1360.
[9] Rechtbank ECLI:NL:RBAMS:2018:869. 2018. Amsterdam.
[10] Website Bộ Tài chính Đức, Eckpunkte für die regulatorische behandlung von elektronischen wertpapieren und Krypto-Token, https://www.bundesfinanzministerium.de/Content/ DE/Gesetzestexte/Gesetze_Gesetzesvorhaben/Abt eilungen/Abteilung_VII/19_Legislaturperiode/201 9-03-07-Eckpunktepapier-Wertpapiere-Krypto- Token/0-Gesetz.html, truy cập ngày 18/08/2021.
[11] L. Shmatenko, S. Möllenkamp, Digitale Zahlungsmittel in einer analog geprägten Rechtsordnung - A bit(coin) out of control - Rechtsnatur und schuldrechtliche Behandlung von Kryptowährungen, Multi Media Recht, 495-501 (2018) 5.
[12] Websitetwobirds.com, Legalclassificationoftokens, https://www.twobirds.com/en/news/articles/2019/ global/ico-legal-classification-of-tokens, truy cập ngày 18/08/2021.
[13] Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/07/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo.
[14] Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú, “Một số vấn đề pháp lý về Tài sản mã hoá, Tiền mã hoá”, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật”, 2019,  tr.269.
[15] Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú, tlđd, tr. 273-274.
[16] Phan Chí Hiếu, Nguyễn Thanh Tú, tlđd, tr. 251. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (481), tháng 05/2023.)