Ưu tiên hoàn thiện pháp luật phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trong điều kiện vận hành của cơ chế kinh tế thị trường

01/09/2008

TS. TRẦN DU LỊCH

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

     Trước hết cần xác định rõ chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Đây là cơ sở để đổi mới nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Kinh tế thị trường được vận động với sự tham gia của 3 chủ thể chính: (1) Người sản xuất (tức người cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường); (2) Người tiêu dùng và (3) Nhà nước. Hiện nay, trong quản lý nền kinh tế của chúng ta đang có sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của 3 chủ thể này. Thực tế nhiều việc Nhà nước cần phải làm theo chức năng Nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp Nhà nước không làm hoặc làm không đầy đủ; trong khi đó lại can thiệp vào vai trò chức năng của các chủ thể khác. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là định hướng mục tiêu phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường; kiểm soát độc quyền; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng Nhà nước không tập trung đúng mức; trong khi đó lại can thiệp vào vấn đề giá cả, tiền lương là chức năng của doanh nghiệp. Một khi Nhà nước không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình ở từng cấp, từng ngành trong quản lý kinh tế thị trường, thì không thể quản lý có hiệu quả sự vận động của thị trường. Chậm thay đổi thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường. Chính các công cụ gián tiếp mới mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với tính chất của cơ chế kinh tế thị trường. Quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường chính là tạo ra khuôn khổ pháp luật phản ảnh được mục tiêu, ý muốn chủ quan của Nhà nước trong quá trình phát triển; để qua đó các chủ thể khác tự quyết định các hoạt động của mình. Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ luật chơi đã đề ra.
Từ cách đặt vấn đề như trên, để nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước, đề nghị ưu tiên tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến ba vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần nghiên cứu ban hành Luật về quy hoạch, kế hoạchđể sử dụng như một công cụ quản lý quan trọng hoạch định các chiến lược và mục tiêu phát triển. Hiện nay, trong các đạo luật liên quan đến quyền hạn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều quy định rất chung và trừu tượng về vai trò quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước. Mặt khác, trong chức năng này lại không làm rõ được nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của chính quyền mỗi cấp trong vai trò quản lý kinh tế - xã hội. Ví dụ, ở phạm vi quốc gia, việc tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) là cần thiết để vừa thể hiện mục tiêu phát triển kinh tế, vừa làm cơ sở để tính toán các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Nhưng đối với phạm vi địa phương, thì việc tính tổng sản phẩm nội địa, trên một đơn vị hành chính lại không phản ảnh được đặc trưng của kinh tế thị trường. Do đó, trên thực tế, khi cộng tốc độ tăng trưởng GDP của 64 tỉnh, thành trong cả nước, thì lại cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước (ví dụ nếu tính GDP ở quy mô cả nước, thì tốc độ tăng trưởng năm 2001: 6,9%; 2005: 8,4%; 2006: 8,2%; nhưng nếu tính theo từng địa phương để tổng hợp lại, thì các con số tương ứng là 9,3%; 12,1% và 11,5%). Sự sai lệch trên có nguyên nhân khách quan từ sự trùng lắp khi tính giá trị mới tạo ra trong năm của các ngành kinh tế trên một đơn vị hành chính, trong khi đó sự vận động của cả nền kinh tế quốc dân chỉ có một thị trường thống nhất.
Luật Quy hoạch và kế hoạchsẽ chế định những nội dung kinh tế - xã hội mà mỗi cấp chính quyền cần xác định; đồng thời tính toán sự cân đối các nguồn lực tương ứng với các mục tiêu đã xác định, nhằm định hướng cho thị trường phát triển. Đổi mới công tác kế hoạch và quy hoạch thực chất là xác định lại vai trò của Nhà nước trong suốt quá trình dẫn dắt thị trường phát triển theo mục tiêu của mình. Do đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng của công tác quy hoạch kế hoạch là dự báocác nhân tố ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển.
Cần đổi mới nội dung và phương thức xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện nay theo hướng chuyển từ tính chất pháp lệnh sang tính chất dự báo các chỉ tiêu kinh tế. Ví dụ như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động vốn đầu tư, chỉ số tăng giá mang tính chất dự báo để định hướng cho nhà đầu tư, không cần xem đó là những trói buộc trong điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Trọng tâm của công tác kế hoạch là xây dựng các chương trình mục tiêuquốc gia, địa phương, trong đó xác định các chính sách, biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững như các chỉ tiêu về an sinh xã hội, môi trường nhằm trói buộc các cấp chính quyền phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Các chỉ tiêu về kinh tế, xét cho cùng, chỉ là phương tiện; còn các chỉ tiêu về an sinh xã hội mới là mục tiêu của phát triển.
Thứ hai, phi tập trung hóa vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước nhằm bảo đảm tính linh hoạt của thị trường là xu hướng chung của kinh tế thị trường thế giới ngày nay. Xu hướng này ở nước ta thường gọi là mở rộng việc phân cấp của Chính phủ cho chính quyền địa phương. Việc phân cấp cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản sau:
   - Đẩy mạnh phân cấp, nhưng đồng thời phải tạo cơ chế để tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương. Cụ thể là Chính phủ cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: (1) hoạch định chính sách; (2) ban hành các quy định và (3) kiểm tra giám sát chế tài vi phạm. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện.
 - Việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị. Xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị.
   - Việc phân cấp cần được thực hiện theo hướng việc gì cấp dưới, địa phương làm tốt thì giao cho cấp đó thực hiện; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó.
   - Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp giữa việc do trung ương làm với việc của địa phương làm và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động).
Từ các nguyên tắc nêu trên, để nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước, cần tiến hành nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức HĐND và UBND; Luật Ngân sách nhà nước Cần xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó bao gồm sự đặc thù của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo như đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng X.
Thứ ba, chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không quản lý xã hội theo phương thức bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân hay nói cách khác là hành chính hóa các quan hệ dân sự, mà Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như: hoạt động công chứng; thi hành án dân sự; hộ tịch... Tư duy bao cấp trách nhiệm của Nhà nước trong các quan hệ dân sự đang để lại dấu ấn rất nặng nề trong hệ thống pháp luật có liên quan. Cách quản lý này vừa không phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường, vừa làm cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước ngày càng phình to nhưng bất cập.
Xây dựng nền hành chính phục vụ dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ. Hiện nay luật pháp nước ta chưa chế định các định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận. Cần xác định rõ bản chất của định chế cung cấp dịch vụ công phi lợi nhuận là các tổ chức cung cấp các dịch vụ công cho xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, dịch vụ đô thị, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin; các tổ chức khuyến nông, khuyến ngư v.v.. do các thành phần kinh tế và Nhà nước đầu tư; không phân biệt ai là chủ sở hữu được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng, mà nhà đầu tư không thu lợi nhuận về cho mình (nhà đầu tư không thu lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không hoạt động kinh doanh, mà phải mang tính chất kinh doanh nhằm tích tụ vốn để không ngừng phát triển). Để thực hiện vai trò này của Nhà nước, cần sớm xây dựng một đạo luật về các tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi có đạo luật này, thì vai trò quản lý nhà nước chính là giám sát sự hoạt động của các tổ chức trên, chứ không phải làm thay các tổ chức này.
     Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (khoá X), có thể khẳng định là một yêu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với đặc điểm của kinh tế thị trường đương đại thế giới,mà nhiều quốc gia đang theo đuổi. Trong nền kinh tế thị trường này, lấy sự phát triển bền vững làm mục tiêu chung; giải quyết đồng bộ cả 3 vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Để có thể hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, có 3 vấn đề trọng tâm trong tổ chức thực hiện:
1) Cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia thị trường, còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường để tạo nên một sức mạnh tổng hợp của vai trò Nhà nước và vai trò thị trường.
2) Nền kinh tế thị trường của chúng ta đi sau, nên hoàn toàn có thể vận dụng những công cụ vận hành của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Thị trường là công cụ, là cơ chế chuyển tải mục tiêu phát triển của một quốc gia; chứ tự nó không phải là mục tiêu. Do đó, sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang theo đuổi.
3) Để bảo đảm tính đồng bộ của luật pháp cho sự vận hành của thị trường, cần tổ chức rà soát lại hệ thống luật pháp có liên quan đến từng loại thị trường. Do đó, đề nghị Trung ương sớm tổ chức việc hoàn thiện các loại thị trường theo từng đề án. Mỗi đề án có nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật có liên quan. Ví dụ, để hoàn thiện thị trường bất động sản thì liên quan rất nhiều đạo luật hiện hành, nên cần rà soát một cách tổng thể để có sự hoàn thiện, tạo tính đồng bộ của khung pháp lý trong quá trình vận hành./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15, tháng 9/2008)


Thống kê truy cập

33934787

Tổng truy cập