Luật thuế bảo vệ môi trường: giải pháp để quản lý và bảo vệ môi trường bền vững

01/08/2008

NCS. NGUYỄN QUANG TUẤN

Khoa Luật, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

ThS. LÊ THỊ THẢO

Khoa Địa lý _ Địa chất, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

ở nước ta, việc quản lý và bảo vệ môi trường chủ yếu vẫn dựa vào các công cụ pháp lý và mệnh lệnh hành chính kết hợp với giáo dục và truyền thông về môi trường. Việc sử dụng các công cụ thuế, phí để bảo vệ môi trường mới được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật có liên quan như thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt... Nhưng chúng ta chưa có riêng một loại thuế bảo vệ môi trường cụ thể .    
Chúng tôi xin đề cập đến sự cần thiết và nội dung xây dựng Luật Thuế môi trường  - một trong những công cụ trọng yếu để bảo vệ chất lượng môi trường sống và sự phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội, đồng thời có thể tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
1_175.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thực trạng pháp luật liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Từ hội nghị quốc tế về "Môi trường con người" đầu tiên của Liên hợp quốc được tổ chức năm 1972 tại Thuỵ Điển đã thông qua bản kế hoạch hành động về môi trường và khuyến nghị thành lập chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và sau Hội nghị thượng đỉnh Rio 92 (Braxin) đặt vấn đề môi trường trong mối liên kết với các hoạt động của con nguời theo quan điểm Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thì có rất nhiều văn bản về luật quốc tế được soạn thảo và ký kết, trong đó nhiều văn bản đã được Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết như Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế, 1944; Thoả thuận về thiết lập Uỷ ban nghề cá ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, 1948; Hiệp ước về Khoảng không ngoài vũ trụ, 1967; Công ước liên quan đến Bảo vệ các di sản văn hoá và tự nhiên (19/10/1982); Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hoá học, vi trùng và công việc tiêu huỷ chúng; Công ước về buôn bán quốc tế về các giống loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa, 1973 (20/1/1994); Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi môi trường (26/8/1980); Nghị định thư Chữ thập đỏ liên quan đến bảo vệ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang; Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (25/7/1994); Cam kết quốc tế về phổ biến và sử dụng thuốc diệt côn trùng, FAO, 1985; Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-zôn, 1985 (26/4/1994); Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân, IAEA, 1985 (29/9/1987); Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, 1987 (26/1/1984); Bản bổ sung Luân Đôn cho công ước, Luân Đôn, 1990; Bản bổ sung Copenhagen, 1992; Thoả thuận về mang lưới các trung tâm thuỷ sản ở Châu á - Thái Bình Dương, 1988 (2/2/1989); Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải độc hại và việc loại bỏ chúng (13/5/1995); Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, 1992 (16/11/1994); Công ước về Đa dạng sinh học, 1992 (16/11/1994)...
Trong hệ thống pháp luật, vấn đề môi trường được đề cập trong nhiều bộ luật, luật, trong đó Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 là văn bản quan trọng nhất. Chính phủ đã ban hành Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường thông qua ngày 29/11/2005 thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 1993). Bộ luật Hình sự 1985 tại Điều 195 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng và một số tội khác có liên quan như tội vi phạm các quy định về bảo vệ đất đai (Điều 180), tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng (Điều 181), tội vi phạm các quy định về chất cháy, chất nỗ, chất phóng xạ (Điều 192), tội vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 197)... và tiếp tục được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 với một chương riêng (Chương XVII) quy định các tội phạm về môi trường; đồng thời, hàng loạt thông tư, quyết định của các ngành chức năng về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành. Một số tiêu chuẩn môi trường chủ yếu được soạn thảo và thông qua. Nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường được đề cập trong các văn bản khác như Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Phát triển và bảo vệ rừng, Luật Bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, Pháp lệnh về đê điều, Pháp lệnh về việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Pháp luật bảo vệ các công trình giao thông. Tuy nhiên, những văn bản pháp luật  trên chỉ dừng lại ở góc độ chung là bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Riêng đối với các quy định liên quan đến trách nhiệm tài chính của các chủ thể đối với môi trường thì lại được đề cập rải rác trong nhiều văn bản như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (1998, 2005), Pháp lệnh Thuế tài nguyên (1990), Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp (1993), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (2005, 2008),... cụ thể:
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với mục đích không khuyến khích một số hoạt động sản xuất kinh doanh có sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường nên có chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao như thuốc lá (25% - 65%), ô tô (25% - 80%), xăng (10%)... Chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành này đã nghiêng nhiều về vai trò hướng dẫn tiêu dùng, đặc biệt với trách nhiệm của người tiêu dùng với môi trường chung, ví dụ như khi nhả khói thuốc lá ra môi trường thì chịu trách nhiệm như thế nào, nên chưa chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường và ý thức của chủ thể trong việc bảo vệ môi trường.
Pháp lệnh Thuế tài nguyên:Thuế đánh vào các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên bao gồm các hoạt động khai thác khoáng sản, kim loại và không kim loại, dầu mỏ, khí đốt, sản phẩm của rừng tự nhiên và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Tuy nhiên, Pháp lệnh chỉ dừng lại ở việc khuyến khích bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Căn cứ tính thuế được tính trên giá bán sản phẩm chưa phù hợp với thực tế hiện nay.
Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp: Thuế sử dụng đất nông nghiệp đánh vào hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai của quốc gia bao gồm đất trồng trọt, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng rừng... nhằm khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn kinh phí cho việc gìn giữ và bảo vệ nguồn đất đai từ thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Nhưng dưới góc độ của một sắc thuế về môi trường, thì thuế sử dụng đất nông nghiệp chưa thể hiện rõ về căn cứ tính thuế, thuế suất chưa hợp lý... do chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ chú trọng vào việc khuyến khích khai thác và sử dụng đất, chưa chú ý tới việc bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm đất đai khi sử dụng khai thác.  
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Các chủ thể kinh doanh theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đều chịu mức thuế suất chung là 25%, các doanh nghiệp chịu thuế trên phần thu nhập chịu thuế nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong việc nỗ lực giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường. Mặt khác, việc tăng thuế đánh vào thu nhập doanh nghiệp thường là một trong những nguyên nhân làm giảm động lực lao động, giảm tiết kiệm, đầu tư.
Luật Thuế xuất nhập khẩu: sắc thuế này đánh vào các hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường với các mức thuế suất khác nhau, nhưng chưa thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm cũng như ý thức của các chủ thể trong việc bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, để tránh làm cạn kiệt nguồn thủy hải sản ven bờ, hạn chế gây ô nhiễm vùng ven biển, ngày 29/5/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 358/TTg về ưu đãi đối với hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có tàu, thuyền hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ được hưởng một số ưu đãi về thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ. Dưới góc độ môi trường, những chính sách đó đã góp phần hạn chế khai thác nguồn tài nguyên ven biển, nơi mà nếu tiến hành khai thác bừa bãi có thể gây nên những tác động tiêu cực tới cuộc sống và sinh hoạt của con người.
Như vậy, thực tế cho thấy, thuế môi trường đang được đề cập ở quá nhiều văn bản nhưng không mang tính hệ thống và không thể hiện được vai trò tích cực của chính sách thuế trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng như tác động đến trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, tại Điều 112 có quy định về nộp thuế môi trường nhưng trên thực tế chưa có cơ sở nào để thực hiện.
Điều đó đòi hỏi sự cấp thiết phải xây dựng một chính sách pháp luật về thuế môi trường trong giai đoạn hiện nay.
2. Nội dung xây dựng Luật Thuế môi trường  
Cho đến nay, việc xây dựng Luật Thuế môi trường đang có hai loại ý kiến khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, không nên xây dựng Luật Thuế môi trường riêng mà chỉ lồng ghép trong từng sắc thuế cụ thể. Với các chính sách thuế hiện hành, để nâng cao ý thức của các chủ thể trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế liên quan đến môi trường thì chỉ tập trung các biện pháp ưu đãi đối với thuế trực thu trong việc khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường đã được đề cập như trong thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm sẽ có các chính sách ưu đãi... Việc ưu đãi thuế trực thu này xuất phát từ cách tiếp cận về tác động khích lệ trong lý thuyết kinh tế học. Thuế trực thu có liên quan trực tiếp tới lợi nhuận, lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp và ưu đãi này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn tài chính để giải quyết những vấn đề chống ô nhiễm môi trường; còn đối với thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu... nên cộng thêm vào số thuế phải nộp phần phụ thu về môi trường. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tiếp cận nội hoá các chi phí ngoại ứng trong lý thuyết thuế tối ưu của nhà kinh tế học Pigou (1877-1959). Mục tiêu của việc cần thiết cộng thêm khoản phụ thu vào thuế gián thu là giúp người tiêu dùng ý thức được sự đóng góp của mình trong việc gìn giữ và chống ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khoản phụ thu này có thể để lại cho địa phương hình thành nguồn tài chính (quỹ môi trường) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể tại địa phương1.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nên xây dựng một sắc thuế môi trường độc lập nhằm tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm thiểu việc sử dụng, sản xuất và thải các chất gây hại đến môi trường, đồng thời nhằm bù đắp và xử lý các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng đối với môi trường. Chính sách thuế này đã được xây dựng và áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và ở các nước châu á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philipines... Chúng tôi tán đồng với quan điểm này và đề xuất hướng xây dựng mô hình Luật Thuế môi trường tại Việt Nam như sau: 
- Mục đích của thuế môi trường: Tạo một hành lang pháp lý để điều chỉnh trực tiếp hành vi của các chủ thể có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm môi trường và nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, chống chuyển dịch công nghệ bẩn vào Việt Nam, đồng thời tạo lập và sử dụng nguồn kinh phí trực tiếp đó để đầu tư xây dựng các biện pháp cải thiện môi trường, chi phí cho việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền tác động đến ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.
- Đối tượng chịu thuế: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, khai thác, chế biến sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ có chất thải, rác thải, nước thải, tiếng ồn hoặc nhập khẩu các loại sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khoẻ con người. 
- Đối tượng đánh thuế: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, chế biến sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ có chất thải, rác thải, nước thải, tiếng ồn hoặc nhập khẩu các loại sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khoẻ con người. Cụ thể là các nhóm: nhóm sản phẩm hàng hóa sản xuất cho sử dụng trực tiếp (sản phẩm cung cấp không thân thiện với môi trường hoặc gây hại cho sức khỏe con người) như túi ni lông, xe ô tô, xe máy, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, máy phát điện...; nhóm sản phẩm thải vào môi trường như khí thải như CO2, NO2, SO2, Pb, O3..., nước thải có các chất như cacbonhydrat, prôtêin, chất béo, Pb, Hg, Mn, dầu mỡ..., các chất thải rắn vào môi trường nước, không khí, đất; nhóm sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất như gỗ, điện, xăng, dầu, tài nguyên khoáng sản khác...; nhóm hoạt động gây tiếng ồn, độ rung, gây bức xạ, phóng xạ như gây tiếng ồn trong quá trình sản xuất, tái chế, khoan, cắt, gây bức xạ điện từ....
- Căn cứ tính thuế và thuế suất: Vì đối tượng đánh thuế theo các nhóm khác nhau nên cần xây dựng căn cứ tính thuế phù hợp với từng chỉ tiêu cụ thể. Đối với nhóm hàng hóa sản xuất sử dụng trực tiếp có thể căn cứ vào khối lượng sản phẩm sản xuất ra; đối với nhóm sản phẩm thải có thể dựa trên mức độ chất thải thải ra môi trường; đối với nhóm nguyên nhiên vật liệu khai thác, nhập khẩu dựa vào khối lượng tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu đầu vào; đối với hoạt động gây tiếng ồn, gây bức xạ, phóng xạ nên xác định trên cơ sở tiếng ồn gây ra, mức độ bức xạ hoặc phóng xạ gây ra hoặc có thể xác định dựa trên lợi nhuận thu được của doanh nghiệp làm cơ sở xác định mức tỷ lệ % thuế môi trường phải nộp.
Và thuế suất được xây dựng theo tỷ lệ % phù hợp với từng nhóm mặt hàng, dịch vụ cung ứng, nhóm nguyên nhiên vật liệu sử dụng trong mối quan hệ với thuế suất của các loại thuế liên quan. Hoặc có thể xây dựng thuế suất theo các mức dựa trên mức độ sử dụng hàng hóa hoặc sản xuất nhập khẩu hàng hoá với thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi...  
- Đối tượng không thuộc diện chịu thuế: các chủ thể sản xuất kinh doanh những sản phẩm có tác động tích cực đến môi trường như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
- Đối tượng miễn, giảm: Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng các biện pháp công nghệ để cải thiện môi trường; hoạt động tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải; máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ nhập khẩu được sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; các sản phẩm tái chế từ chất thải, năng lượng thu được từ việc tiêu huỷ chất thải, các sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường...

 


1 Hướng tới chính sách thuế môi trường tại Việt Nam, Nguyễn Thị Mai Phương, Tạp chí Nghiên cứu tài chính - kế toán, số 6/2007.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13, tháng 8/2008)


Thống kê truy cập

33934799

Tổng truy cập