Hoàn thuế NK nguyên liệu sản xuất XK phải thích ứng với các quy tắc WTO

01/02/2008

ThS. NGUYỄN NGỌC SƠN

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Phúc

Hoàn thuế là một trong những chính sách tài chính - thuế quan rất quan trọng của quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hoàn thuế không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho các nhà kinh doanh, các nhà sản xuất mà còn có lợi cho những người tiêu dùng - người nộp thuế chính thống, chủ yếu và làm lợi cho nền kinh tế - xã hội. Chính sách, pháp luật về hoàn thuế tốt sẽ đem lại sự công bằng cho tất cả các chủ thể liên quan tới quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, kích thích các giao thương trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
 Untitled_539.jpg
Ảnh minh họa: nguồn 
1. Hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất xuất khẩu là vấn đề đang được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các học giả, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, và nhất là của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của  Tổ chức Thương mại thế giới WTO.  
Hoàn thuế là việc hoàn lại số thuế nhập khẩu đã nộp cho nguyên liệu nhập khẩu mà những nguyên liệu đó đã được dùng vào việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu. Một số nước sử dụng thuật ngữ hoàn thuế để nói đến việc hoàn trả các khoản thuế hải quan cho tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu mà sau đó sẽ xuất khẩu, bất kể có gia công thêm hay không. Đối với việc hoàn lại số thuế như vậy, thuật ngữ hải quan phù hợp nhất là trả lại tiền thuế. Hoàn thuế không phải là một biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và hoàn toàn phù hợp với các quy tắc của WTO vì không hoàn lại số tiền đã nộp lớn hơn số thuế đã trả khi nhập khẩu nguyên liệu.
ở nhiều nước, người ta sử dụng biện pháp hoàn thuế song song với sử dụng chế độ tạm miễn thuế. Trong khi nguyên tắc về hoàn thuế ở mọi nơi là như nhau thì phạm vi áp dụng hoàn thuế, các quy tắc trình tự thực hiện hoàn thuế ở các nước là không giống nhau. Có nơi, hoàn thuế được coi là một đặc ân hay một lợi ích của người sản xuất xuất khẩu, chứ không phải chỉ là hoàn lại số tiền đã nộp từ đầu. Có nơi, danh mục hàng hoá được hoàn thuế được xác lập có giới hạn nhằm khuyến khích sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước tương đương với nguyên liệu nhập khẩu. Điều này gây bất lợi cho tính cạnh tranh của người xuất khẩu. Người xuất khẩu không được hoàn lại toàn bộ số thuế đã nộp bởi vì không phải tất cả các loại hàng hoá nhập khẩu có thuế đều nằm trong hệ thống hoàn thuế, hoặc chỉ hoàn lại một tỷ lệ nhất định trên tổng số tiền thuế đã nộp. Như ở ấn Độ, người ta quy định chỉ hoàn thuế nhập khẩu cấp trung ương đối với những sản phẩm nằm trong danh mục quy định và không hoàn các loại thuế địa phương đánh vào nguyên liệu đầu vào. Có nhiều trường hợp các khoản lệ phí, dịch vụ phí làm cho số tiền được hoàn bị giảm xuống, như Tanzania áp dụng dịch vụ phí 4% trên tổng số tiền được hoàn.
Các quy định quan liêu, các bước thực hiện hoàn thuế phức tạp gây ra những chi phí không đáng có cho người xuất khẩu, kéo dài thời gian thanh toán các khoản tiền được hoàn. Một vướng mắc thường nảy sinh là nếu các khoản tiền được hoàn vượt quá ngân sách hàng năm dành cho hoàn thuế, thì thời gian hoàn thuế sẽ bị kéo dài, hoặc không thanh toán các khoản được hoàn. Cuối cùng, khi số tiền được hoàn lại thì về mặt giá trị, nó đã bị giảm xuống, do vậy làm tăng chi phí vốn đã cao của doanh nghiệp cho việc nộp thuế và làm giảm vốn lưu động của doanh nghiệp. Các quy định giấy tờ rườm rà cũng góp phần kéo dài việc hoàn thuế, và làm tăng chi phí cho người xuất khẩu (và cả cơ quan hải quan). Như việc phải nộp kèm văn thư đề nghị hoàn thuế không chỉ tờ khai hải quan nhập khẩu, hoá đơn thương mại, chứng từ thanh toán lô hàng mà cả vận đơn, chứng nhận đã thực xuất khẩu và các tờ khai nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu có thuế có liên quan. Việc thu thập đầy đủ chứng từ theo yêu cầu đã làm cho thời gian hoàn thuế bị kéo dài vì nhiều khi người xuất khẩu phải mất hàng tháng sau khi xuất khẩu mới có thể có đủ chứng từ để xuất trình cho cơ quan hải quan. Việc đó đã không khuyến khích các nhà xuất khẩu, làm cho tình trạng trốn lậu thuế càng trở nên phổ biến hơn.
2. Muốn xây dựng một quy trình hoàn thuế hiệu quả, cần tuân thủ một số nguyên tắc và hướng dẫn chung như sau:
Thứ nhất, xác định tỷ lệ hoàn thuế
Xác định tỷ lệ hoàn thuế thuộc trách nhiệm của một Uỷ ban cấp cao, thường bao gồm các thành viên là Bộ Công thương, Hải quan, Thuế nội địa và các cơ quan khác có liên quan.
Tỷ lệ hoàn thuế phải dựa trên kết quả tính toán số thuế đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu cấu thành trong một đơn vị thành phẩm. Khoản thuế được hoàn phải bằng với số thuế nộp cho nguyên liệu, theo thuế suất tại thời điểm nhập khẩu và tính trên số lượng hàng xuất khẩu. Trong khi xác định tỷ lệ hoàn thuế, có thể tính gộp các khoản thuế được hoàn. Đối với những thành phẩm có chứa đựng nguyên liệu đầu vào theo một công thức chuẩn thì có thể lấy tỷ lệ thành phẩm làm tỷ lệ hoàn thuế. Nếu tỷ lệ nguyên liệu đầu vào với sản phẩm đầu ra thay đổi thì cần sử dụng các tỷ lệ hoàn thuế cụ thể cho từng loại nguyên liệu.
Có thể tính toán số thuế nhập khẩu chứa đựng trong hàng xuất khẩu bằng cách lấy tỷ lệ hoàn thuế cố định (tỷ lệ thành phẩm) hoặc tỷ lệ hoàn thuế riêng cho từng sản phẩm.
Theo hệ thống tỷ lệ cố định, người ta tính toán khoản thuế được hoàn dựa vào một biểu định trước cho từng loại hàng hoá xuất khẩu, dựa trên hệ số nguyên liệu đầu vào trừ (-) sản phẩm đầu ra. Sử dụng phương pháp này đơn giản hơn vì khi tính toán, các tỷ lệ hoàn thuế được tự động sử dụng mà không liên quan gì đến hoạt động cụ thể của người sản xuất. Tuy nhiên, cần phải thường xuyên cập nhật, theo dõi và tính toán lại hệ số đầu vào trừ (-) đầu ra. Hàn Quốc và Đài Loan là hai nước áp dụng hệ thống quản lý này, biểu hoàn thuế được cập nhật và công bố sáu tháng một lần.
Theo hệ thống tỷ lệ riêng, việc hoàn thuế dựa trên hoạt động thực tế của người sản xuất, sau khi đã được cơ quan hải quan kiểm toán đối với sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Hệ thống này dựa nhiều vào cơ chế tự khai tự tính, là cơ chế mà người sản xuất có trách nhiệm tự tính toán định mức gia công hay tỷ lệ quy đổi để phát hành văn bản yêu cầu hoàn thuế. Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra định mức hay tỷ lệ quy đổi thông qua kiểm toán doanh nghiệp. Hệ thống này đối với tất cả các nhà sản xuất đều công bằng như nhau vì nó liên quan cụ thể đến hoạt động của một doanh nghiệp cụ thể, vì thế, nó không dựa vào một tỷ lệ trung bình nào của ngành sản xuất. Hầu hết các nước công nghiệp đều áp dụng hệ thống này.
Thứ hai, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn thành lập chế độ hoàn thuế
Việc hoàn thuế cần phải hoàn hảo và nhanh chóng. Việc hoàn thuế phải được thực hiện với tất cả các sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, cũng như tất cả các nguyên liệu thô và hàng hoá thay thế được dùng để sản xuất ra thành phẩm xuất khẩu, kể cả dịch vụ đóng gói khi nhập khẩu. Số tiền thuế được hoàn không được lớn hơn số thuế thực tế đã nộp, và như vậy là phù hợp với quy định của WTO.
Chế độ hoàn thuế cần đơn giản, dễ hiểu đối với người sản xuất và dễ thực hiện đối với cơ quan hải quan. Vì thế, phải vận hành trên nguyên tắc tiết kiệm chi phí nhất cho người xuất khẩu. Điều đó có nghĩa là, người xuất khẩu sẽ không phải trả bất cứ một khoản dịch vụ phí nào khi tiến hành các thủ tục hoàn thuế, việc hoàn thuế được thực hiện ngay hoặc trong vòng vài ngày kể từ ngày xuất khẩu, các quy định về giấy tờ phải được giảm thiểu, trong khi đó vẫn bảo vệ được ngân sách trước nguy cơ gian lận và trốn thuế.
Việc khai báo hải quan xuất khẩu phải được thực hiện như là một bằng chứng đầy đủ cho hoạt động xuất khẩu và không được quy định thêm bất cứ giấy tờ gì khác. Việc hoàn thuế không phụ thuộc vào các hoá đơn thanh toán, mà chỉ đơn giản dựa vào hành vi xuất khẩu. Nếu cần xác định thêm về việc khai báo thấp giá hoá đơn hay gian lận thương mại thì không được thực hiện nghiệp vụ đó thông qua hệ thống hoàn thuế, mà phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác.
Chế độ hoàn thuế cần được áp dụng cho cả người xuất khẩu trực tiếp và người xuất khẩu gián tiếp, tức là khoản tiền được hoàn phải phản ánh khoản thuế nhập khẩu đã trả cho nguyên liệu nhập khẩu đã được cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu, bất kể khoản thuế đó do người xuất khẩu trả, hay người kinh doanh khác trả nếu đó là người nhập khẩu nguyên liệu.
Người xuất khẩu phải chịu trách nhiệm nếu có thất thu ngân sách do không thông báo cho cơ quan hải quan về những thay đổi của các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn thuế. Cơ quan hải quan phải công bố và duy trì các chuẩn mực trong quản lý hoàn thuế, và đặc biệt là cơ quan hải quan phải tự mình hoàn thành việc hoàn thuế trong khoảng thời gian đã quy định kể từ ngày nhận được yêu cầu hoàn thuế.
Thứ ba, tuân thủ các hướng dẫn pháp lý vận hành
Pháp luật hải quan về chế độ hoàn thuế quy định cụ thể các bước và trình tự tiến hành hoàn thuế. Thông qua các cuộc hội thảo hay tờ rơi, cơ quan hải quan phải cung cấp cho người xuất nhập khẩu những thông tin hữu ích.
Đề nghị hoàn thuế và trả tiền thuế được hoàn được thực hiện theo một trình tự đơn giản với yêu cầu giấy tờ tối thiểu. Có thể quy định khai báo hoàn thuế ngay trên tờ khai xuất khẩu hoặc trên một mẫu riêng. Không được trì hoãn việc thanh toán tiền hoàn thuế cho tới khi hoàn thành các biện pháp kiểm tra. Khi cơ quan hải quan đã xác nhận thực xuất hàng hoá dựa trên tờ khai xuất khẩu thì phải hoàn thuế ngay sau khi kiểm tra tính hợp pháp của tờ khai hoàn thuế. Trong trường hợp phải trì hoãn việc trả tiền hoàn thuế, như chưa xác định được tỷ lệ hoàn thuế cho loại sản phẩm xuất khẩu ngay tại thời điểm xuất khẩu, thì có thể thanh toán một khoản tạm tính, sau khi xác định được tỷ lệ sẽ tính toán chính xác số tiền hoàn trả.
Có thể trả tiền hoàn thuế bằng tiền mặt, séc, chuyển tiền điện tử (Electronic Fund Transfer - EFT) hoặc dưới hình thức chứng nhận tín dụng hoặc phiếu lĩnh tiền mà người ta có thể dùng để thanh toán tiền thuế cho các lô hàng nhập khẩu sau. Nếu số tiền ghi trên giấy không đủ để trả cho số thuế nhập khẩu và thuế nội địa sau này, thì số chênh lệch có thể được trả thêm bằng tiền mặt. Ưu điểm của hệ thống giấy thanh toán là đơn giản, dễ sử dụng, không ảnh hưởng đến sự thu chi của ngân sách và giúp làm giảm tiêu cực. Nếu thanh toán khoản hoàn thuế bằng tiền mặt, thì phải dự trù ngân sách hoàn thuế ở mức độ cao đủ để trả hết cho mọi yêu cầu hoàn thuế và phải áp dụng các thủ tục sao cho không kéo dài thời gian trả tiền hoàn thuế.
Những người xuất khẩu thường xuyên có khoản hoàn thuế và có số tiền được hoàn lớn có thể lựa chọn giữa việc yêu cầu hoàn thuế từng lần và định kỳ nhận tiền hoàn thuế. Cơ chế này giúp làm cho công việc của cả người xuất khẩu và cơ quan hải quan được đơn giản hơn.
Tiền hoàn thuế phải được thực hiện sau khi xuất khẩu thông qua kiểm toán đối với sổ sách kế toán của người sản xuất. Cần đưa vào áp dụng chương trình tự động hoá được xây dựng riêng cho quản lý hoàn thuế. Chương trình này dựa trên hệ thống tự động hoá đồng bộ hoạt động hải quan được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật hải quan.
3. Hoàn thuế là một trong những chính sách tài chính - thuế quan rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hoàn thuế không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho các nhà kinh doanh, các nhà sản xuất mà còn có lợi cho những người tiêu dùng - người nộp thuế chính thống, chủ yếu và làm lợi cho nền kinh tế xã hội. Chính sách, pháp luật về hoàn thuế sẽ đem lại sự công bằng cho tất cả các chủ thể liên quan tới quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng, có khả năng kích thích các giao thương trên phạm vi quốc gia và quốc tế, hoàn toàn phù hợp với chính sách tài chính của một quốc gia là thành viên của WTO.
Tuy nhiên, bản thân chính sách, pháp luật về hoàn thuế đã tạo ra những kẽ hở, những lỗ hổng mà theo đó nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng nhằm thu lợi bất chính. Việc thu lợi đó đã xâm hại vào nền tài chính quốc gia, tức là xâm hại quyền lợi của người dân. Trong thời gian vừa qua, với nhiều mánh khoé, nhiều doanh nghiệp và cá nhân núp bóng doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách hoàn thuế để thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Điều đó cho thấy hiện đang tồn tại những bất cập lớn cần phải tháo gỡ.
Để hạn chế những tồn tại đó, thiết nghĩ, cần phải có một sự nghiên cứu công phu, sâu sắc, với sự kết hợp của các nhà khoa học, nhà làm luật, những người quản lý thực tiễn và các doanh nghiệp. Bản thân các nhà sản xuất cần có những đề xuất cụ thể, bởi vì nó liên quan đến vấn đề cạnh tranh cũng như thanh danh của doanh nghiệp.
Đối với nhà nước, cần phải nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng về quy trình hoàn thuế và các quy tắc hải quan. Các thủ tục hoàn thuế cần được đơn giản hoá nhưng đảm bảo chắc chắn, không thể bị lợi dụng. Các mẫu biểu, giấy tờ liên quan đến quá trình xuất - nhập khẩu và mẫu biểu hải quan cần được thiết kế thống nhất và đơn giản để thực hiện nhanh gọn và chính xác. Nhà nước cũng cần tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan, pháp luật về hoàn thuế, tạm miễn hoặc miễn thuế cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần tổ chức tốt các khâu kiểm tra, xử lý một cách nghiêm túc và thường xuyên nhằm thực thi hiệu quả các quy định về hoàn thuế và pháp luật hải quan.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp Số 2)


Thống kê truy cập

33936299

Tổng truy cập