Không nên quy định hộ gia đình là chủ thể khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005

01/12/2013

PGS.TS. PHÙNG TRUNG TẬP

Đại học Luật Hà Nội.

Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Qua hơn 6 năm thi hành, BLDS đã bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Bài viết nêu ra những bất cập của các quy định về hộ gia đình (HGĐ) là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự (QHPLDS), đồng thời kiến nghị không nên quy định HGĐ là chủ thể của QHPLDS. Tuy nhiên, HGĐ vẫn là chủ thể của một số ngành luật khác, ngoài luật dân sự.
 1_145.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bất cập về quy định hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự
Điều 106 BLDS quy định: “HGĐ mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc lĩnh vực này”.
Như vậy, HGĐ gồm có các thành viên trong gia đình với điều kiện là phải có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong một số lĩnh vực đã xác định tại Điều 106 BLDS. Quy định trên khá khiên cưỡng, không có tính khái quát về bản chất của HGĐ Việt Nam hiện nay. Bởi vì chỉ với điều kiện các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung thì đã thoả mãn các điều kiện là chủ thể của QHPLDS chưa?
Hình thức sở hữu của HGĐ theo quy định trên là sở hữu chung, nhưng hình thức sở hữu chung gồm có sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Như vậy, trong một gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống theo mô hình gia đình truyền thống là “tam đại đồng đường, tam đại đồng cư” và thậm chí không ít gia đình “tứ đại đồng đường, tứ đại đồng cư”, mà ở đó, có người tham gia lao động được, có người không tham gia lao động được (là những người phụ thuộc) thì họ có phải là thành viên trong HGĐ không? Có nghĩa là, thành viên trong HGĐ không có tài sản để đóng góp cùng gia đình và cũng không có khả năng để cùng đóng góp công sức hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc trong một số lĩnh vực như làm nghề thủ công, sản xuất nhỏ hoặc dịch vụ để có thu nhập, thì những thành viên đó có là thành viên trong HGĐ không? Ngoài ra, quan hệ gia đình truyền thống Việt Nam là quan hệ giữa những nguời có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng nhau, không phải thành viên nào trong gia đình cũng có tài sản để góp chung vào gia đình và càng không thể cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong một số lĩnh vực đã được xác định tại Điều 106 BLDS. Hơn nữa, tại Điều 108 BLDS quy định về tài sản chung của HGĐ: “Tài sản chung của HGĐ gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của HGĐ, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ” đã nêu rõ các căn cứ chủ yếu xác lập quyền sở hữu của HGĐ đối với tài sản như quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của HGĐ và các căn cứ riêng biệt như cùng đóng góp tài sản, cùng nhau tạo lập, cùng được tặng cho chung, cùng được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của HGĐ.
Như vậy, các căn cứ xác lập quyền sở hữu của HGĐ đều xuất phát từ nguyên tắc phải là của chung hoặc thừa nhận là của chung. Với quy định này thì HGĐ có hai tư cách:(i)  chủ thể trong quan hệ với các chủ thể khác ngoài các thành viên trong gia đình; (ii) quan hệ nội bộ giữa các thành viên trong HGĐ.
Theo đó, HGĐ bị chia làm hai nhóm.Nhóm thứ nhất là thành viên của HGĐ phải là cá nhân có chung tài sản với các thành viên khác, đồng thời phải cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong các lĩnh vực đã xác định tại Điều 106 BLDS. Nhóm thứ hai gồm những cá nhân không có tài sản chung, không thể cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. Những người thuộc nhóm thứ hai này, có được coi là thành viên trong HGĐ không? Nếu coi họ là thành viên trong HGĐ thì trách nhiệm dân sự của HGĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 110 BLDS: “HGĐ chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản của riêng mình”, họ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đối với người ngoài như thế nào, khi mà trong HGĐ - nơi họ chung sống - không thanh toán hết các khoản nợ của HGĐ bằng tài sản chung? Quy định này đã dẫn đến hệ quả là các chủ nợ của HGĐ trong nhiều trường hợp có quyền dân sự có thể bị xâm phạm, vì việc xác định mọi thành viên của HGĐ đều là người có nghĩa vụ thực hiện về tài sản.
Bên cạnh đó, trên thực tế, vấn đề quản lý hộ khẩu hiện nay chưa thật sự chặt chẽ và do nền kinh tế thị trường phát triển nên các thành viên trong HGĐ có thể có sự thay đổi do nhiều lý do. Lý do phổ biến nhất là nhập khẩu vào HGĐ nhưng không có một nghĩa vụ chung nào; hoặc do đi học xa nhà, do thực hiện nghĩa vụ quân sự một thời gian sau đó trở về, các cháu mới sinh ra, các con kết hôn, thành viên trong gia đình chết, ly hôn... Như vậy, số lượng thành viên trong HGĐ không thể căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu được cấp cho HGĐ. Đã vậy, số lượng thành viên và số HGĐ luôn luôn có sự biến động do nhiều nguyên nhân như tách hộ, các con ra ở riêng nhưng vẫn sống với cha, mẹ dưới cùng một mái chung...
Quy trách nhiệm dân sự cho HGĐ hiện nay là rất phức tạp. Vì HGĐ gồm những ai? Nếu những người thuộc nhóm một thì việc xác định trách nhiệm của họ khá đơn giản, nhưng với những người thuộc nhóm hai thì nếu xác định được cụ thể cũng không thể buộc họ chịu trách nhiệm dân sự như đã quy định.  
Theo quy định tại Điều 106 BLDS thì: “HGĐ mà các thành viên có tài sản chung”... Căn cứ xác lập quyền sở hữu chung này theo quy định tại Điều 108 BLDS. Như vậy, HGĐ gồm các thành viên có tài sản chung (thuộc nhóm thứ nhất mà chúng tôi tạm phân loại trên đây). Điều 214 BLDS quy định về sở hữu chung: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”. Nếu đối chiếu với quy định tại Điều 106 BLDS thì sở hữu của HGĐ mà các thành viên có tài sản chung, thì sở hữu của HGĐ là sở hữu chung của các thành viên có tài sản theo quy định tại Điều 108 BLDS. Địa vị pháp lý của HGĐ được xác định trong hai mối quan hệ bên trong nội bộ HGĐ là quan hệ giữa các thành viên, và quan hệ với chủ thể khác ngoài thành viên của HGĐ thì HGĐ lại là chủ thể của QHPLDS. Nhưng sở hữu của các thành viên trong HGĐ không được xác định là sở hữu chung hợp nhất hay sở hữu chung theo phần. Trong khi đó, BLDS đã có quy định về sở hữu chung tại mục 4, Chương XIII về các hình thức sở hữu từ Điều 214 đến Điều 226.
Theo nguyên tắc của pháp luật dân sự về việc xác định tư cách chủ thể, thì trong HGĐ có nhiều chủ thể được hình thành tự nhiên và theo căn cứ pháp lý như kết hôn, nhận nuôi con nuôi, cha, mẹ nuôi và cá nhân được sinh ra trong HGĐ. Các mối quan hệ phổ biến giữa các thành viên trong HGĐ là quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Nhưng mỗi thành viên trong HGĐ là chủ thể độc lập về năng lực pháp luật dân sự và là chủ thể của quan hệ tài sản và nhân thân thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. Trong HGĐ, việc xác định tư cách chủ thể trong quan hệ tài sản và nhân thân của từng thành viên cần được coi trọng. Không thể gộp chung các thành viên đó vào một loại chủ thể là HGĐ. Chúng ta không phủ nhận HGĐ trong xã hội vì mỗi một HGĐ là một đơn vị xã hội đặc thù. Tuy nhiên, việc xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội lại là một lĩnh vực khác. Vì rằng, về sở hữu chung đã được quy định trong BLDS gồm sở hữu chung hợp nhất và sở hữu chung theo phần. Nếu các thành viên trong HGĐ có quyền sở hữu chung thì thuộc loại sở hữu chung nào? Sở hữu chung hợp nhất hay theo phần, mà theo phần còn có sở hữu hỗn hợp?.  
Điều 109 BLDS quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ: “1. Các thành viên của HGĐ chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. 2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của HGĐ phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”.
Quy định tại khoản 1 Điều 109 nói trên cũng theo nguyên tắc định đoạt tài sản chung của nhiều chủ thể theo phương thức thoả thuận. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều này đã phá vỡ tính nhất thể hoá những quy định trong BLDS:
Thứ nhất, tài sản chung của HGĐ là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của HGĐ khi định đoạt phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi (người chưa thành niên) trở lên đồng ý. Như vậy, những tài sản có giá trị lớn như nhà ở, nhà xưởng sản xuất, tàu, thuyền đánh bắt hải sản, tư liệu sản xuất khác có giá trị thì liệu người chưa thành niên có quyền tự mình giao kết hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu không, hay phải thông qua hành vi của người đại diện hợp pháp? Trong quy định tại khoản 2 Điều này thì người chưa thành niên lại có quyền độc lập định đoạt như người đã thành niên, khi định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của HGĐ?
Thứ hai, người từ đủ mười lăm tuổi với tư cách là một thành viên trong HGĐ có quyền sở hữu chung tài sản của HGĐ, nhưng tỷ lệ giá trị tài sản của họ chiếm là bao nhiêu trong tổng giá trị tài sản chung? Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLDS, thì người từ đủ mười lăm tuổi trong HGĐ tuy họ chỉ có một phần nhỏ tài sản theo tỷ lệ trong tổng số tài sản chung lại có quyền biểu quyết là họ đồng ý hay không khi định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của HGĐ. Hơn nữa, khoản 2 Điều 109 BLDS quy định: “đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”. Dường như các nhà làm luật đã nhầm lẫn với nguyên tắc biểu quyết của các cổ đông trong công ty khi quy định như vậy! Luật còn chưa trù liệu đến việc, có HGĐ có từ 02 người từ đủ mười lăm tuổi, nhưng lại chỉ một thành viên đã trưởng thành mà giá trị tài sản của người đã trưởng thành chiếm đa số trong khối tài sản chung của HGĐ, nhưng khi định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của HGĐ, người thành niên không thể định đoạt được vì người này là thiểu số.
2. Không nên quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự
Về cơ sở lý luận, HGĐ là một đơn vị xã hội và là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình gộp lại thành cộng đồng dân cư, nhiều cộng đồng dân cư gộp lại thành xã hội. Đơn vị HGĐ có ý nghĩa trong quan hệ xã hội và là tiêu chí hay chuẩn mực để so sánh giữa HGĐ này với HGĐ khác. Đặc biệt, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến từng nhóm HGĐ công dân Việt Nam. Trong những kế hoạch và Cương lĩnh phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề HGĐ luôn luôn được xác định cụ thể để từ đó phân loại HGĐ nghèo, cận nghèo làm cơ sở ban hành những chính sách ưu đãi đối với HGĐ nghèo, cá nhân nghèo và vận động toàn xã hội cùng giúp xoá đói giảm nghèo... Như vậy, HGĐ là chủ thể của những chính sách pháp luật trong một số quan hệ nhất định, nhưng không đúng và không cần thiết phải quy định HGĐ là chủ thể của QHPLDS. Vì HGĐ không hội đủ các yếu tố của chủ thể trong QHPLDS như đã phân tích tại các tiểu mục trên. Những chính sách cho HGĐ thực hiện quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của HGĐ, những chính sách ưu đãi cho HGĐ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong dịch vụ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với HGĐ nghèo trong việc vay tiền tại ngân hàng, tại tổ chức tín dụng với lãi suất thấp... Như vậy, HGĐ chỉ là những đối tượng được quan tâm theo các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Còn nếu quy định HGĐ là chủ thể của QHPLDS sẽ có nhiều bất cập, không phù hợp với nguyên tắc chung của chủ thể trong QHPLDS, đồng thời còn mâu thuẫn với những quy định khác về chủ thể là cá nhân trong QHPLDS như đã phân tích.
Vì thế, khi được sửa đổi, bổ sung, BLDS năm 2005, chúng ta không nên quy định HGĐ là chủ thể của QHPLDS. Vì BLDS đã có những quy định về sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng và sở hữu chung theo phần. Trong quan hệ HGĐ hoặc là giữa các thành viên trong HGĐ thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia được và sở hữu chung theo phần là đã thật sự đầy đủ, không nên quy định HGĐ là một loại chủ thể riêng trong BLDS./.  

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(256), tháng 12/2013)


Thống kê truy cập

32967535

Tổng truy cập