Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khác nên ghi nhận vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

01/12/2013

TS. TRỊNH TIẾN VIỆT

Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Điểm 1.2 tiểu mục 1 Phần IV - Định hướng cơ bản sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) trong Đề cương định hướng sửa đổi, bổ sung BLHS số 7724/ĐC-BSTBLHS(SĐ) ngày 24/9/2012 của Bộ Tư pháp nêu: "Sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS liên quan đến các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích...". Ngoài ra, ngày 10/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành BLHS năm 1999". Theo đó, việc tổng kết này nhằm đánh giá một cách khách quan và toàn diện thực tiễn hơn mười năm thi hành BLHS năm 1999, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS, góp phần đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm ổn định lâu dài, thúc đẩy phát triển của đất nước.
Chúng tôi tập trung làm rõ sự cần thiết của việc nên bổ sung những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) khác đang tồn tại trong thực tiễn xét xử và ghi nhận trong BLHS nhiều nước trên thế giới nhưng lại chưa được điều chỉnh trong BLHS Việt Nam, qua đó nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020" đã đề cập: "Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp,đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội... Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm...".
2. Nghiên cứu BLHS Việt Nam hiện hành cho thấy, thuật ngữ "loại trừ TNHS" duy nhất được sử dụng tại đoạn 2 Điều 53 BLHS về "Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm". Ngoài ra, trong BLHS còn sử dụng một số thuật ngữ có nội dung tương đương và gắn với từng trường hợp cụ thể (mặc dù nội hàm chưa đồng nhất) như: "không phải là tội phạm"; "không phải chịu TNHS"; "không có tội"; v.v... khi đề cập đến hậu quả pháp lý của mỗi trường hợp tương ứng trong Bộ luật này như sau:
2.1. Hành vi có tính chất nguy hiểm không đáng kể - thì không phải là tội phạm (khoản 4 Điều 8);
2.2. Sự kiện bất ngờ - thì không phải chịu TNHS (Điều 11).
2.3. Người chưa đủ tuổi chịu TNHS thực hiện - thì không phải chịu TNHS (quy định gián tiếp trong Điều 12).
2.4. Tình trạng không có năng lực TNHS - thì không phải chịu TNHS (khoản 1 Điều 13).
2.5. Phòng vệ chính đáng - thì không phải là tội phạm (Điều 15).
2.6. Tình thế cấp thiết - thì không phải là tội phạm (Điều 16).
Đặc biệt, trong Phần các tội phạm BLHS, các nhà làm luật nước ta còn quy định một trường hợp được coi là "không có tội": "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ (khoản 6 Điều 289) v.v..
Như vậy, về cơ bản, các nhà lý luận - thực tiễn đều quan niệm những tình tiết trên là các trường hợp loại trừ TNHS do BLHS quy định (mặc dù còn một số tình tiết vẫn đang tranh luận). Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ chưa thống nhất này với từng trường hợp cụ thể và xét về tổng thể thì giữa các thuật ngữ đã nêu không có gì mâu thuẫn. Bởi lẽ, suy cho cùng, thì hậu quả pháp lý hình sự mà người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội đều giống nhau - họ không phải chịu TNHS, có nghĩa được loại trừ TNHS. Nói một cách khác, khi đề cập đến TNHS với tư cách là hậu quả pháp lý của tội phạm, trong thực tế bao giờ cũng dẫn đến ba khả năng đối với một người - phải chịu TNHS, được miễn TNHS hay không phải chịu TNHS, có nghĩa là được loại trừ TNHS. Do đó, dưới góc độ khoa học, theo chúng tôi, loại trừ TNHS là trường hợp một người đã có hành vi gây thiệt hại cho xã hội, nhưng căn cứ vào các quy định của BLHS thì họ không phải chịu TNHS về hành vi này.
3. Như vậy,bên cạnh các trường hợp loại trừ TNHS trong BLHS (đã nêu), thì trước yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực tiễn xét xử và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới (đặc biệt là BLHS Liên bang Nga năm 1997, sửa đổi năm 2010), cũng như nhiều nhà khoa học - luật gia đã đề xuất bổ sung[1], khi hoàn thiện BLHS cần ghi nhận những tình tiết mới sau đây cũng nên được loại trừ TNHS để bảo đảm tốt hơn nữa lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền lợi của công dân. Ngoài ra, điều này còn nâng cao nhận thức của công dân trong xã hội về quyền và nghĩa vụ của mình - trường hợp nào thì hành vi gây thiệt hại cho xã hội phải chịu TNHS, là hành vi sai trái; còn trường hợp nào thì không phải chịu TNHS, là hành vi tích cực, nên làm, qua đó phát huy tinh thần chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong xã hội. Lý giải và nội dung của những trường hợp này như sau:
3.1. Sự kiện bất khả kháng
Việc ghi nhận trường hợp này trong BLHS và không buộc một người thực hiện hành vi trong trường hợp bất khả kháng phải chịu TNHS tương tự như trường hợp sự kiện bất ngờ, bởi vì họ không còn khả năng xử sự nào khác, nên cũng xem họ không có lỗi. Đối với trường hợp sự kiện bất ngờ, thì khi gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, một người đã không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Trong khi đó, đối với trường hợp sự kiện bất khả kháng, một người mặc dù có thể nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội (khác với sự kiện bất ngờ), song do điều kiện khách quan, trình độ nhận thức, độ tuổi, các tình tiết cụ thể... mà bất kỳ ai vào trong điều kiện của họ đều không thể điều khiển hành vi của mình do hạn chế đặc biệt về tâm-sinh lý, do hoàn cảnh bức thiết hay không còn biện pháp nào để ngăn chặn được hậu quả đó, có nghĩa không có lựa chọn nào khác mặc dù họ vẫn muốn thực hiện hành vi tích cực, có ích cho xã hội. Vì vậy, quy định bổ sung trường hợp "sự kiện bất khả kháng" còn góp phần giải quyết những tình huống cụ thể hay xảy ra trong lĩnh vực sử dụng máy móc, trang thiết bị, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, y tế... Hơn nữa, riêng trường hợp này, trong các văn bản luật chuyên ngành đã quy định (ví dụ: Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 294-296 Luật Thương mại năm 2005; Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013), cũng như BLHS các nước đều gộp chung vào trường hợp sự kiện bất ngờ (ví dụ: Điều 16 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2005 hay Điều 28 BLHS Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 v.v..).
3.2. Người không có lỗi trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác gây thiệt hại cho xã hội
BLHS quy định: "Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS" (Điều 14). Như vậy, trước hết phải thừa nhận là "người trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thường bị rối loạn tâm thần, khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi có thể bị hạn chế hoặc bị loại trừ"[2]. Hơn nữa, trước khi say rượu hoặc dùng chất kích thích mạnh khác, người này là người bình thường, họ tự đặt mình vào trong tình trạng đó, nên họ phải chịu TNHS, vì họ vẫn là người có năng lực TNHS và có lỗi trước khi sử dụng rượu hay chất kích thích mạnh khác. Ngoài ra, nội dung của Điều 14 BLHS dùng là "người phạm tội...". Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những trường hợp một người do bị người khác ép buộc, cưỡng bức dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác dẫn đến không có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình nên đã có hành vi gây thiệt hại cho xã hội, thì rõ ràng, họ không có lỗi (trong việc sử dụng, trong việc say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác) - nên cần thiết phải loại trừ TNHS cho họ.
3.3. Gây thiệt hại hợp pháp khi bắt người phạm tội
Khi nghiên cứu về trường hợp này, khi bắt giữ người mà gây ra thiệt hại hợp pháp, có quan điểm cho rằng, "việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nếu cần thiết phải dùng vũ lực với họ, thì có thể căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết là giải quyết được vấn đề này"[3]. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu chỉ dựa vào chế định phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì chưa bao quát hết các trường hợp gây thiệt hại khi bắt người phạm tội, vì việc bắt người này không phải là để ngăn chặn hành vi tấn công đang diễn ra xâm phạm các lợi ích chính đáng được BLHS bảo vệ (lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác) trong phòng vệ chính đáng; cũng như đe dọa ngay tức khắc các lợi ích đó trong tình thế cấp thiết, rõ ràng đây chính là cơ sở của phòng vệ chính đáng và của tình thế cấp thiết, chứ không phải là của việc gây thiệt hại trong khi bắt người phạm tội (thực tế là do phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã). Ngoài ra, mục đích bắt các đối tượng này là nhằm chuyển giao họ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân)[4], còn mục đích của chế định phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết là loại trừ sự nguy hiểm đang đe dọa hoặc trực tiếp đe dọa ngay tức khắc. Do đó, việc bổ sung trường hợp loại trừ TNHS "Gây thiệt hại hợp pháp khi bắt người phạm tội" là cần thiết vì đây hành vi phù hợp với lợi ích của xã hội, qua đó mới phát huy tinh thần chủ động đấu tranh ngăn chặn hành vi phạm tội và bắt giữ kịp thời những người đang lẩn trốn sự trừng trị của pháp luật, cũng như là "minh chứng về ý thức pháp luật và tính tích cực đối với trách nhiệm công dân của người bắt giữ..."[5]. Hơn nữa, thực tế cũng không nhiều người dũng cảm dám đứng ra ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng này, đặc biệt dùng thuật ngữ "người phạm tội" để phản ánh thực tiễn lúc đó bất kỳ người dân nào cũng không thể biết trước đó là phạm tội quả tang hay đang bị truy nã, chỉ biết là họ là người phạm tội. Mặc dù vậy, để tránh sự tùy tiện, đòi hỏi việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người thực hiện tội phạm hoặc đang bị truy nã thì trong khi bắt họ phải là cách duy nhất, cũng như thực tế hoàn cảnh lúc đó đòi hỏi là việc làm bất đắc dĩ để người phạm tội không thể tiếp tục thực hiện tội phạm (nếu đang phạm tội quả tang) hoặc tiếp tục trốn tránh sự truy nã, tìm kiếm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu đang có lệnh truy nã). Như vậy, trình tự, thủ tục bắt người là của luật tố tụng hình sự, còn nội dung gây thiệt hại khi bắt người hợp pháp lại thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hình sự, nên cần thiết phải quy định trong BLHS.
3.4. Rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học
Hiện nay, trước sự phát triển, thay đổi như vũ bão của khoa học, công nghệ, kinh tế đòi hỏi các nhà khoa học, nhà sản xuất có những phát kiến, cải tiến, ứng dụng để đưa vào thử nghiệm với mục đích có lợi, có ích cho xã hội, cho cộng đồng (như: nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, giảm bớt chi phí, thời gian, công sức, nâng cao sức khỏe, an toàn cho cộng đồng, phục vụ cho an ninh quốc phòng, sản xuất, tiêu dùng, y học, bảo đảm phát triển bền vững; v.v..)[6]. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào thử nghiệm những giải pháp, kiến nghị hay sáng kiến luôn chứa đựng sự rủi ro, mạo hiểm, nên có trường hợp đã gây thiệt hại cho xã hội, cho Nhà nước, song không vì thế mà các nhà khoa học không dám suy nghĩ, họ vẫn dám làm và dám chịu trách nhiệm để tiến hành. Do đó, để khuyến khích những ý tưởng mới, sáng tạo, cải tiến chân chính, động viên sự sáng tạo của các nhà khoa học, nhà sản xuất và khi họ đã áp dụng đúng các quy trình, yêu cầu ngặt nghèo về an toàn nhưng do những sự cố, xác suất rủi ro ngoài mong muốn, ngoài tiên liệu và khả năng nhận thức, phòng ngừa của mình, thì dưới góc độ pháp lý, cần có hành lang an toàn cho họ yên tâm thử nghiệm, ứng dụng, song mục đích của các thử nghiệm này chỉ duy nhất là đem lại lợi ích thiết thực nhất cho xã hội. Vì thế, nên quy định "Rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học" là một trường hợp loại trừ TNHS trong BLHS.
3.5. Thi hành quyết định của cấp trên
Nói chung, bất kỳ người nào khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi, thì họ đương nhiên phải chịu TNHS (dù thực hiện hành vi đó thực hiện theo mục đích gì, theo yêu cầu, quyết định của ai). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khi thi hành quyết định (mệnh lệnh) của cấp trên (đối với cán bộ, công chức) có trường hợp người thi hành gây thiệt hại cho xã hội thì điểm đáng mừng đã được ghi nhận trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 tại Điều 9 khi quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ: "...5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Ngoài ra, quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình". Điều 11 còn quy định quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ: "...5. Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ". Còn trước đó đã ghi nhận trong các văn bản về lực lượng vũ trang, quân sự khi đòi hỏi thực hiện tuyệt đối nguyên tắc "cấp dưới phải phục tùng cấp trên" đối với mệnh lệnh, chỉ thị hay quyết định[7]. Vì vậy, rõ ràng vấn đề này nên được điều chỉnh kịp thời trong BLHS. Hơn nữa, do tính chất bắt buộc của quyết định đó nên người thi hành quyết định thường tin tưởng vào quyết định của cấp trên vì việc thi hành là thực hiện mong muốn của người lãnh đạo, cấp trên của mình. Vì vậy, khi bổ sung trường hợp "Thi hành quyết định của cấp trên" vào trong BLHS đòi hỏi phải làm rõ một số vấn đề nhằm bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công chức hoặc người thi hành mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang, quân sự:
a) Quyết định của cấp trên là đúng pháp luật - trường hợp này có hai khả năng sau:
- Người thi hành quyết định của cấp trên đầy đủ, đúng phạm vi được giao và đúng pháp luật nhưng gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ không phải chịu TNHS, do họ không có lỗi.
- Người thi hành quyết định của cấp trên tự ý thực hiện hành vi vượt quá phạm vi được giao gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ phải chịu TNHS về hậu quả do hành vi vượt quá đó.
b) Quyết định của cấp trên là trái pháp luật - trường hợp này có ba khả năng sau:
- Người thi hành quyết định của cấp trên không biết được tính chất không đúng pháp luật của quyết định và cũng không có nghĩa vụ phải biết, thì họ không phải chịu TNHS, do họ không có lỗi, còn người cấp trên phải chịu TNHS.
- Người thi hành quyết định của cấp trên biết được tính chất không đúng pháp luật của quyết định, mà họ vẫn thực hiện và gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ phải chịu TNHS cùng với cấp trên.
- Người thi hành quyết định của cấp trên biết được tính chất không đúng pháp luật của quyết định, nên đã không thực hiện, thì họ không phải chịu TNHS.
3.6. Những người đồng phạm khác được loại trừ TNHS về hành vi phạm tội thái quá của người thực hành
Hiện nay, các nhà làm luật chưa quy định trong BLHS vấn đề này. Do đó, nếu quy định trực tiếp vấn đề này thì không chỉ giải quyết rõ ràng TNHS của người có hành vi thái quá, mà còn loại trừ TNHS đối với những người khác khi họ không đồng phạm với người thực hành về hành vi này (mặc dù thực tiễn xét xử ở nước ta vẫn tồn tại). Vấn đề này, Điều 37 BLHS Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 đã quy định tương đối rõ ràng. Vì vậy, có thể học tập kinh nghiệm của Liên bang Nga, nên bổ sung một điều luật mới: Điều 20a. Hành vi phạm tội thái quá của người thực hành trong đồng phạm trong BLHS để giải quyết nội dung đã nêu.
3.7. Hành vi giúp người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo tự sát theo yêu cầu tự nguyện của người đó được loại trừ TNHS
Hiện nay, Nhà nước ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó luôn đề cao việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền sống của con người. “Quyền được sống cũng đồng nghĩa với quyền được quyết định vận mệnh của mình”[8]. Tuy nhiên, mỗi người có quyền tự quyết định quyền được chết của mình hay không và người khác giúp mình được chết có phải chịu TNHS hay không là một vấn đề tranh luận không ngừng trên các diễn đàn và sách báo pháp lý trong và ngoài nước. Theo nghiên cứu trong Từ điển Mở (http://vi.wikipedia.org/wiki/), quyền được chết là một quyền nhân thân của mỗi con người, nó phải bao hàm sự tự nguyện gồm tự nguyện được thực hiện cái chết êm ả khi còn tỉnh táo, có thể biểu lộ ý chí cá nhân của mình và tự nguyện chỉ định người đại diện cho mình trong trường hợp lúc rơi vào giai đoạn không ý thức, không biểu lộ được ý chí. Người này sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chữa bệnh của bệnh nhân.
Cũng theo tài liệu này cho thấy, một số quốc gia đã cho phép công dân được chết theo nguyện vọng để đề cao tính nhân đạo, đạo lý "nhân-quả", quyền sống và quyền chết là quyền của mỗi người. Hà Lan đã hợp pháp hóa việc tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ và đến năm 2002 chính thức cho phép an tử, song cũng phải đáp ứng các điều kiện rất chặt chẽ mà không bị truy tố như: bệnh nhân phải có đơn xin rõ ràng (minh mẫn trong việc tự nguyện viết đơn) và là người mắc những bệnh vô phương cứu chữa, đau đớn tột cùng, không chịu đựng nổi; bác sĩ phải tham khảo ý kiến của một đồng nghiệp độc lập trước khi thực hiện động thái này; hồ sơ được chuyển tới một hội đồng gồm luật sư, bác sĩ và chuyên gia đạo đức học, hội đồng có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ các quy định tối thiểu. Nếu không được tuân thủ, thì hồ sơ được chuyển tới Tòa án và bác sĩ có thể bị truy tố. Bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi cũng có quyền được "chết êm ả" nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ trên 16 tuổi, không cần phải có ý kiến của gia đình v.v..[9].
 BLHS Việt Nam hiện nay có quy định tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 101), trong đó, quy định hình phạt cao nhất có thể đến bảy năm tù. Tuy nhiên, để nhân đạo hóa hơn nữa trong BLHS nước ta, cũng như để tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bao gồm cả quyền sống và quyền chết, giảm bớt gánh nặng về công sức, tiền bạc không chỉ cho gia đình người đó và cho xã hội, mà còn giải thoát cho bản thân người đó trước nỗi đau dày vò về thể xác và tinh thần, nếu họ là người đã thành niên, đang mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa và cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận, hoàn toàn tỉnh táo tự nguyện đề nghị bác sĩ (hoặc một người nào đó) giúp mình tự sát, thì cũng cần mạnh dạn bổ sung vào BLHS vấn đề loại trừ TNHS cho người giúp người khác tự sát đó. Quy định này mang ý nghĩa nhân văn, chứa đậm đạo lý con người, giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và cho xã hội, nhưng đặc biệt cần kiểm sát chặt chẽ không dẫn đến "kẽ hở" của sự tùy tiện và vô nhân đạo, xâm phạm quyền con người. Chúng tôi cho rằng, việc quy định này nên trực tiếp sửa đổi vào Điều 101 BLHS.
Như vậy, nội dung của bảy trường hợp được loại trừ TNHS mới được bổ sung vào BLHS nên quy định như sau:
Điều 11a. Sự kiện bất khả kháng
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do không có lỗi, tức là trong trường hợp mặc dù có thể thấy trước hậu quả của hành vi đó, nhưng do hạn chế đặc biệt về tâm-sinh lý hay hoàn cảnh bức thiết mà không điều khiển hành vi của mình hoặc không còn biện pháp nào để ngăn chặn được hậu quả đó, thì được loại trừ TNHS.
Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác
1. Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS.
2. Trường hợp một người gây thiệt hại cho xã hội trong tình trạng say hoặc dùng chất kích thích mạnh khác nhưng do bị ép buộc, dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì được loại trừ TNHS.
Điều 15a. Gây thiệt hại hợp pháp khi bắt người phạm tội
1. Gây thiệt hại hợp pháp khi bắt người phạm tội là trường hợp một người đã có hành vi gây thiệt hại nhằm ngăn chặn khả năng thực hiện tội phạm mới hoặc trốn tránh sự truy nã của người phạm tội, để giao họ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu không còn cách nào khác và không vượt quá giới hạn các biện pháp cần thiết đối với hoạt động này.
Hành vi gây thiệt hại hợp pháp khi bắt người phạm tội không phải là tội phạm và người thực hiện hành vi đó được loại trừ TNHS.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu đối với việc bắt người phạm tội và hoàn cảnh bắt giữ, thì người gây thiệt hại đó phải chịu TNHS.
Điều 16a. Rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học
1. Rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học là trường hợp người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, nhưng vì lợi ích của xã hội đã áp dụng đúng các quy trình, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn nhưng do sự cố ngoài tiên liệu và khả năng nhận thức, phòng ngừa của mình, thì được loại trừ TNHS.
2. Trường hợp rủi ro trong sản xuất, nghiên cứu khoa học gây ra thiệt hại rõ ràng là không có căn cứ, không đem lại lợi ích cho xã hội, cũng như đe dọa nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của con người, mối nguy cơ về thảm họa môi trường, bệnh dịch hoặc tai nạn lớn cho xã hội, thì người thực hiện hành vi đó phải chịu TNHS.
Điều 16b. Thi hành quyết định của cấp trên
1. Trường hợp một người gây thiệt hại cho xã hội do bắt buộc phải thi hành quyết định của cấp trên, thì được loại trừ TNHS.
2. Trường hợp quyết định của cấp trên đúng pháp luật:
a) Người thi hành quyết định trong phạm vi quyết định cho phép, nhưng gây ra thiệt hại cho xã hội thì được loại trừ TNHS.
b) Người thi hành quyết định tự ý thực hiện hành vi vượt quá phạm vi được giao gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ phải chịu TNHS về hậu quả do hành vi vượt quá đó.
3. Trường hợp quyết định của cấp trên là trái pháp luật:
a) Người thi hành quyết định không biết được tính chất trái pháp luật của quyết định và cũng không có nghĩa vụ phải biết, thì họ không phải chịu TNHS, còn người cấp trên phải chịu TNHS.
b) Người thi hành quyết định biết được tính chất trái pháp luật của quyết định, mà vẫn thực hiện và gây ra thiệt hại cho xã hội, thì người này phải chịu TNHS cùng với cấp trên.
c) Người thi hành quyết định biết được tính chất trái pháp luật của quyết định, nên đã không thực hiện, thì họ được loại trừ TNHS.
Điều 20a. Hành vi phạm tội thái quá của người thực hành trong đồng phạm
Người thực hành đã thực hiện một tội phạm nằm ngoài ý định của những người đồng phạm khác, thì người này phải chịu TNHS. Những người đồng phạm khác không phải chịu TNHS về hành vi phạm tội thái quá của người thực hành.
Điều 101. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
1. Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người nào giúp người đã thành niên mắc bệnh hiểm nghèo tự sát theo yêu cầu tự nguyện của người đó, thì không phải chịu TNHS.
Tóm lại, việc bổ sung các tình tiết này vào BLHS thuộc những trường hợp loại trừ TNHS không những sẽ góp phần tháo gỡ những tồn tại trong thực tiễn xét xử, bảo đảm sự phù hợp với pháp luật hình sự các nước trên thế giới và hoàn thiện BLHS Việt Nam, mà còn thực hiện xu hướng nhân đạo hóa hơn nữa trong BLHS, cũng như bảo đảm tốt hơn nữa lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt, việc hoàn thiện BLHS về vấn đề này còn nâng cao nhận thức của công dân về quyền và nghĩa vụ của mình - trường hợp nào thì hành vi gây thiệt hại cho xã hội phải chịu TNHS, là hành vi sai trái; còn trường hợp nào thì không phải chịu trách nhiệm, là việc làm có ích, nên làm, qua đó chủ động và tích cực phát huy tinh thần đấu tranh phòng, chống không khoan nhượng đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội./.

 


[1] Xem cụ thể hơn: GS. TSKH Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.559-598; PGS. TS. Kiều Đình Thụ, Tìm hiểu luật hình sự Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr.150-156; ThS. Đinh Văn Quế, Những trường hợp loại trừ TNHS trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.52-80; v.v..
[2] Xem: Tâm thần học, BS. Phạm Văn Đoàn và BS. Nguyễn Văn Siêm dịch, Nxb. "MIR" Matxcơva và Nxb. Y học Hà Nội, 1980, tr.181-200.
[3] Xem: ThS. Đinh Văn Quế, Những trường hợp loại trừ TNHS trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.62.
[4] Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
[5] Xem: GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.579.
[6] Xem: Mục tiêu của hoạt động khoa học - công nghệ tại Điều 3 Luật Khoa học Công nghệ năm 2000.
[7] Ví dụ: Điều 29 Luật Công an nhân dân năm 2005 quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân: ...2. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh Công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; Điều 26 Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 quy định về nghĩa vụ của sĩ quan: ...3. Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy; nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội; giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia.
[8] Xem: Nguyễn Quốc Việt, Chế định loại trừ TNHS - Thực tiễn và đề xuất nhằm hoàn thiện chế định này trong BLHS, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hoàn thiện các quy định của BLHS nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”, Bộ Tư pháp và Viện KAS tổ chức, các ngày 22-23/7/2013, Hà Nội, tr.17.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(256), tháng 12/2013)


Thống kê truy cập

32965008

Tổng truy cập