Quan hệ pháp luật trong kỷ nguyên số

13/07/2022

THS. ĐOÀN VĂN NHẬT

Đại học Hà Nội.

Tóm tắt: Quan hệ pháp luật là một nội dung cơ bản, quan trọng không chỉ của khoa học lý luận chung về pháp luât mà của cả khoa học pháp lý chuyên ngành. Việc tìm hiểu những yếu tố, điều kiện tác động đến quá trình hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt của quan hệ pháp luật góp phần dự liệu cơ chế điều chỉnh phù hợp; đặc biệt, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của các công nghệ kỹ thuật số như hiện nay, góp phần hình thành và phát triển những mô hình kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số như kinh tế chia sẻ, dịch vụ xe tự hành, công nghệ y tế (Medtech), công nghệ tài chính (Fintech)…, và làm xuất hiện những khái niệm pháp lý mới như tiền ảo, quyền được lãng quên, rô bốt thông minh … Tất cả những thay đổi này đặt ra yêu cầu phải có sự điều chỉnh, định hướng của pháp luật để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Từ khóa: Quan hệ pháp luật, chủ thể của quan hệ pháp luật, trí tuệ nhân tạo, kỷ nguyên số.
Abstract: Legal relation is a fundamental and important content of both the general theory of legal science and the specialized legal science. Knowing about the factors and conditions affecting the process of forming, changing or terminating the this legal relation allows us to plan an appropriate adjustment mechanism beforehand. In fact, the rapid development of digital technologies has been stimulating the formation and development of business models on digital platforms such as the sharing economy, self-propelled vehicle services, medical technology (Medtech), financial technology (Fintech), etc., and giving rise to new legal concepts such as virtual currency, right to be forgotten, intelligent robots, and so on. All these changes pose the need for legal adjustment and orientation to improve and enhance people’s quality of life.
Keywords: Legal relationship; subject of legal relationship; artificial intelligence; digital era.
KỶ-NGUYÊN-SỐ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Những thay đổi của quan hệ pháp luật trong kỷ nguyên số
1.1. Sự thay đổi về chủ thể của quan hệ pháp luật
Trong bất kỳ một loại quan hệ nào thì chủ thể cũng là yếu tố có tính quyết định đến trạng thái phát sinh, vận động và sự liên kết giữa các bộ phận hợp thành quan hệ đó. Với vai trò là hình thức pháp lý của quan hệ xã hội thì quan hệ pháp luật luôn xác định cơ cấu chủ thể rõ ràng. Theo lý luận truyền thống[1], thì chủ thể của quan hệ pháp luật là các cá nhân và tổ chức. Đối với chủ thể là tổ chức thì quá trình phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật với chủ thể đối xứng sẽ xác định thông qua hành vi của cá nhân đại diện cho tổ chức.
Hiện nay, sự xuất hiện và tham gia ngày càng phổ biến của các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đã làm thay đổi chủ thể của quan hệ pháp luật. Minh chứng điển hình là vào năm 2017, quốc gia Saudi Arabia đã trao quyền công dân hợp pháp cho robot xã hội Sophia[2]. Cùng khung thời gian trên, một chatbot được lập trình với tên gọi Shibuya, giống như cậu bé bảy tuổi đã trở thành trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) đầu tiên được cấp quyền cư trú chính thức tại Tokyo, Nhật Bản[3]. Những động thái trên đây cho thấy xu hướng mở rộng phạm vi chủ thể của quan hệ pháp luật thay vì chỉ dành cho chủ thể truyền thống là các cá nhân, tổ chức.
Quan điểm ủng hộ việc ghi nhận tư cách pháp lý đối với những chủ thể phi truyền thống có thể bắt nguồn từ những cơ sở sau:
Thứ nhất, do chính sự phát triển của các công nghệ số, đặc biệt là AI. Thuật ngữ AI bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950 của thế kỷ trước thông qua kết quả nghiên cứu của nhà toán học, mật mã học người Anh là Alan Turing. Trong nghiên cứu có tên gọi “Phép thử Turing[4], đã đặt ra câu hỏi: máy móc có tư duy được không? Đồng thời bài báo cũng đề xuất một bài kiểm tra để trả lời chính câu hỏi đó, và nêu ra khả năng một cỗ máy có thể được lập trình để học hỏi kinh nghiệm như một đứa trẻ. Trải qua hơn nữa thập kỷ, đến hiện nay, AI đã có những bước phát triển vượt bậc về khả năng tư duy và đưa ra quyết định độc lập. Theo các chuyên gia AI, những AI ở bậc cao có thể sử dụng dữ liệu do nó tìm thấy và tự tạo ra các ứng dụng khác mà không có sự tham gia của con người[5]. Như vậy, mặc dù có lịch sử phát triển mới, nhưng AI lại có thể xem xét và đưa ra quyết định một cách toàn diện giống, thậm chí vượt xa con người. Vì lẽ đó mà các nhà lập pháp nên ghi nhận tư cách chủ thể của AI làm tiền đề cho việc đối xử nhân đạo, bình đẳng như con người.
Thứ hai, bắt nguồn từ học thuyết Vị lợi. Nhà triết học sáng lập, ủng hộ thuyết Vị lợi là Jeremy Benthem cho rằng, pháp luật do con người tạo ra để chống lại tính ác của chính con người, vì hạnh phúc lớn nhất của con người và duy trì trật tự xã hội[6]. Vận dụng trong hiện tại thì sự ra đời, phát triển cũng như quá trình tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội của AI đã và đang đem lại cả những lợi ích cùng thách thức[7]. Về phương diện lợi ích, AI hỗ trợ các nhà quản lý xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng trong hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp, giúp chuẩn đoán bệnh trong lĩnh vực y tế, xe tự lái… Bên cạnh đó, sự phát triển chóng mặt của AI cũng tiềm ẩn những nguy cơ thách thức đối với nhân loại như: tình trạng mất việc làm đối với những người lao động giản đơn, xâm phạm quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, bí mật thông tin … Những nguy cơ tiềm ẩn đó đặt ra yêu cầu thừa nhận AI với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật nhằm kiểm soát AL trên cơ sở bắt buộc AI phải tuân thủ những nguyên tắc pháp lý do con người đặt ra. Đặc biệt, trong mối quan hệ với con người, để duy trì trật tự, an toàn xã hội, AI cần phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Thứ ba, dựa trên nội hàm khái niệm về chủ thể của quan hệ pháp luật. Theo lý luận truyền thống,[8] để trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật thì cần phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ do pháp luật quy định. Điều này đồng nghĩa với việc không phải tự thân con người khi sinh ra đã có tư cách chủ thể mà phải do pháp luật quy định. Trên thực tế, tùy từng hệ thống pháp luật khác nhau có thể quy định khác nhau về tư cách của chủ thể trong quan hệ pháp luật. Ví dụ, xét về mặt sinh học, nô lệ cũng là con người, nhưng trong nhà nước La Mã trước đây lại không có quyền công dân, không được coi là con người, chỉ được coi là công cụ biết nói[9]. Hay việc trao tư cách cho các chủ thể là tổ chức thì cũng cần đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định, không phải tự nhiên mà tổ chức trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật. Thậm chí, một số quốc gia còn trao tư cách pháp lý cho các thực thể tự nhiên mà không có sự can thiệp bằng hành vi của con người. Vào năm 2014, tại New Zealand đã trao tư cách pháp lý cho một khu rừng rộng 821 dặm vuông của nhóm người Maori bản địa, do khu rừng này có “bản sắc riêng[10]. Thông qua hành vi của cá nhân đại diện cho tổ chức sẽ duy trì sự tồn tại về mặt pháp lý của tổ chức đó. Như vậy, bằng việc trao tư cách chủ thể cho các thực thể khác nhau, các nhà nước đã ghi nhận cho các thực thể đó những quyền và nghĩa vụ pháp lý trong mối quan hệ với chủ thể đối xứng. Và tất nhiên, điều này cũng cần được áp dụng với các thực thể kỹ thuật số như AI.
Quan điểm về việc thừa nhận tư cách chủ thể đối với những thực thể kỹ thuật số không phải không có ý kiến trái chiều. Một bức thư ngỏ được viết và được gửi tới Ủy ban châu Âu bởi 150 chuyên gia về y học, robot, AI. Nội dung bức thư đã mô tả các kế hoạch trao quyền hợp pháp cho robot là không phù hợp với thực tiễn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người[11].
Bên cạnh đó, việc ghi nhận tư cách chủ thể đối với những thực thể phi truyền thống đã tạo ra sự mâu thuẫn trong chính hệ thống pháp luật quốc gia. Pháp luật của Saudi Arabia quy định về điều kiện để được trao quyền công dân bao gồm: (i) Được sinh ra trong một gia đình truyền thống, có mẹ và cha là công dân của quốc gia này, trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ là công dân nước này thì phải cần có thêm điều kiện về độ tuổi (10 tuổi), có giấy phép cư trú và thông thạo tiếng nói; (ii) Bằng con đường hôn nhân; (iii) Bằng con đường nhập tịch, và điều kiện để nhập tịch là phải đạt đến độ tuổi hợp pháp; thông thạo tiếng nói; có khả năng lao động, tạo ra thu nhập hợp pháp; không có tiền án tiền sự; tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước[12]. Tuy nhiên, đối với robot Sophia không cần những điều kiện trên vẫn được trao quyền công dân. Hơn nữa, việc trao tư cách công dân cho robot Sophia đã gặp phải phản đối của các học giả nữ quyền. Ở quốc gia này, phụ nữ phải xin phép người thân là nam giới khi xuất hiện ở những địa điểm công cộng, hay khi đi lấy hộ chiếu, xin phép trong việc kết hôn, thậm chí phải xin phép cả trong việc tố cáo tới cảnh sát về việc bảo lực gia đình hoặc xâm hại tình dục.
Tại Nhật Bản, trường hợp của chatbot Shibuya cũng gặp phải khó khăn tương tự. Luật Quốc tịch Nhật Bản năm 2018 quy định về việc trao quyền công dân theo hai cách được sinh ra tại nước này hoặc được nhập tịch [13]. Trong trường hợp sinh ra, đứa trẻ phải được sinh ra ở Nhật Bản (không liên quan đến quốc tịch của cha mẹ), hoặc bởi người cha, và người mẹ giữ quốc tịch Nhật Bản. Trong trường hợp nhập tịch, người này phải sống ở Nhật Bản trên 5 tuổi, có năng lực pháp lý, đến 20 tuổi có mức sống đầy đủ và không liên kết với các tổ chức chống đối lại Nhật Bản. Trường hợp chatbot Shibuya, cũng tương tự như Sophia, không đáp ứng các điều kiện luật định mà vẫn được trao quyền công dân.
1.2. Sự thay đổi về nội dung của quan hệ pháp luật
Dưới góc độ lý luận chung về pháp luật[14], tuy có cách diễn đạt khác nhau nhưng các học giả đều chỉ ra nội dung của quan hệ pháp luật được hợp thành bởi quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể. Vậy trong điều kiện các ứng dụng kỹ thuật số ngày càng phát triển và tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội thì nội dung của quan hệ pháp luật sẽ thay đổi như thế nào?
Để nhận diện được sự thay đổi về nội dung của quan hệ pháp luật cần xem xét sự thay đổi về không gian và cách thức mà chủ thể ứng xử. Trước tiên, không gian truyền thống mà pháp luật dự liệu sẽ tác động lên các quan hệ xã hội có sự giới hạn chủ yếu trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Các quy định của pháp luật thường dựa trên các dấu hiệu hữu hình như tài sản hữu hình, bất động sản hữu hình, nơi cư trú, quốc tịch … để dự liệu biện pháp tác động. Ngày nay, các ứng dụng kỹ thuật số đã phá vỡ không gian truyền thống, làm cho đời sống của con người trở nên phẳng hơn, ảo hơn. Lúc này, mọi người có thể giao dịch với nhau vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, trên không gian trực tuyến, không có định hình rõ ràng về đường biên giới.
Cách thức chủ thể thực hiện hành vi trong không gian trực tuyến thường là gián tiếp, ẩn danh. Thông thường, việc xác định tính chính danh của các chủ thể trong quan hệ pháp luật bằng việc xem xét các yếu tố nhân thân như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, dân tộc, giới tính, tình trạng hôn nhân… Những yếu tố này cũng được sử dụng trong không gian trực tuyến để xác định chủ thể. Tuy nhiên, trong không gian trực tuyến, các chủ thể không trực tiếp mặt đối mặt trong trao đổi, thực hiện giao dịch, mà được hỗ trợ bằng các phương tiện kỹ thuật số dưới dạng các tài khoản, nickname.
Chính những sự thay đổi về không gian và cách thức thực hiện hành vi của chủ thể đã kéo theo nội dung của quan hệ pháp luật cũng có những thay đổi nhất định, đặc biệt là về quyền chủ thể. Để đón đầu sự thay đổi này vào cuối năm 2017, một số quốc gia như Phần Lan, Estonia, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Costa Rica đã thừa nhận quyền truy cập, tiếp cận đối với internet là một quyền cơ bản của con người[15]. Ở cấp độ khu vực, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân (General Data Protection Regulation - GDPR) của Liên minh châu Âu cũng dành riêng Chương 3 để công nhận quyền riêng tư mới cho các chủ thể dữ liệu nhằm cung cấp cho cá nhân quyền kiểm soát tốt hơn đối với dữ liệu[16]. Nội dung đáng chú ý là của GDPR là văn bản luật này quy định một số quyền mới nhằm giúp cá nhân bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của mình. Đó là quyền truy cập dễ dàng vào dữ liệu của họ; quyền trao đổi dữ liệu mới; quyền được lãng quên; quyền được biết khi dữ liệu của họ bị vi phạm.
Sau đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết xác định tình trạng pháp lý đặc biệt của “người điện tử” – chủ thể trong quan hệ pháp luật về lao động. Phụ lục của Nghị quyết[17] đặt ra quy định bảo vệ người lao động tự động này như sau:
- Người dùng được phép sử dụng robot mà không gặp rủi ro hoặc sợ tổn hại về thể chất hoặc tâm lý.
- Người dùng có quyền mong đợi một robot thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào mà nó đã được lập trình rõ ràng.
- Người dùng cần lưu ý rằng bất kỳ robot nào cũng có thể có những hạn chế về nhận thức và hành động.
- Người dùng cần phải tôn trọng điểm yếu của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần và nhu cầu cảm xúc của con người.
- Người dùng cần cân nhắc quyền riêng tư của các cá nhân, bao gồm cả việc tắt màn hình video trong các thủ tục thân mật.
- Người dùng không được phép thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu.
- Người dùng không được phép sử dụng robot theo bất kỳ cách thức nào trái với các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức hoặc pháp lý.
- Người dùng không được phép sửa đổi bất kỳ robot nào để cho phép nó hoạt động như một vũ khí.
Ở cấp độ quốc gia, có tới hơn 30 quốc gia đã tiến hành xây dựng Chiến lược quốc gia về AI[18]. Ngay cả những quốc gia mà công nghệ kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ như Pháp, Nga, Trung Quốc cũng mới chỉ tạm dừng ở cấp độ chiến lược, mà chưa ban hành văn bản luật chuyên biệt để điều chỉnh. Thậm chí, Hoa Kỳ, một quốc gia có trình độ phát triển AL cao trên thế giới, cũng mới chỉ dừng lại ở những dự luật như Dự luật tương lai của AI (năm 2017); Dự luật quản lý xe không người lái (năm 2017); Dự luật việc làm AI (năm 2018); Dự luật Ủy ban an ninh quốc gia về AI (năm 2018)[19].
2. Những gợi mở cho Việt Nam
Đứng trước những tác động sâu rộng của công nghệ kỹ thuật số đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra dự báo tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Cụ thể, trong Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 – 2030, Đảng đã xác định chiến lược “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dung nội địa, giải quyết việc làm[20].
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nội dung Quyết định có đề ra nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số như: xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số ở Việt Nam, quy định rõ phạm vi không gian và thời gian, để khuyến khích đổi mới, sáng tạo; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trên công nghệ số, Internet và không gian mạng; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông (Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông…) tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số; sửa đổi pháp luật dân sự, hình sự và luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng hình phạt các hành vi lừa đảo, gian lận, khai thác trái phép thông tin khi giao dịch trên không gian mạng.
Trong các quan hệ dân sự, lao động, pháp luật Việt Nam bước đầu đã dự liệu những thay đổi về hình thức giao dịch thông qua phương tiện dữ liệu điện tử. Ví dụ, “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản” (khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015); hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử cũng có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản (Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2019)… Những thay đổi này nhằm ghi nhận cách thức mà các chủ thể có thể giao dịch, phát sinh các quan hệ pháp luật với nhau, phù hợp với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, giúp cho công tác nhân sự tại các doanh nghiệp nhanh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên, nhằm mục đích tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ luật Lao động và Luật Việc làm hiện hành chưa đề cập đến việc sử dụng robot thông minh thay thế người lao động làm các công việc giản đơn.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mặc dù trước đây đã có những quy định về việc tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, nhưng chỉ khi ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, hoạt động dạy và học trực tuyến mới thực sự bùng nổ. Cơ sở pháp lý cho hoạt động dạy học trực tuyến đó là Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung quy định của văn bản này một mặt phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, mặt khác góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục hiện đại, tạo điều kiện để người học được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Trong hoạt động tố tụng, hệ thống pháp luật Việt Nam bước đầu đã có những quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số như: quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 coi dữ liệu điện tử là một trong những nguồn của chứng cứ. Hay liên quan đến việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến có quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
So sánh, đối chiếu với quy định pháp luật một số quốc gia phát triển về công nghệ kỹ thuật số và thực trạng pháp luật trong nước, tác giả rút ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật trong nước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, ghi nhận tư cách pháp lý và quyền đối với những thực thể phi nhân tính như AI.
Lúc này là thời điểm thích hợp nhất để thay đổi tư duy lập pháp, coi AI như “con người” ở dạng nhân bản, lai tạo giữa trí tuệ sinh học của con người và tự động hóa máy móc với những lưu ý sau: Một là, cần bảo đảm vị trí tối thượng của con người trong quản lý, điều hành đời sống xã hội. Bởi lẽ, xét về nguồn gốc thì con người tự nhiên là “cha đẻ” của AI và AI là thực thế phái sinh do con người sáng tạo ra; Hai là, không phải bất kỳ AI nào cũng được thừa nhận tư cách pháp lý và quyền giống như con người. Chỉ có những AI đã phát triển đạt đến trình độ hoạt động độc lập, không có sự chi phối bởi con người mới được ghi nhận tư cách pháp lý. Để thực hiện được điều này cần thông qua các tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật của nhà sản xuất; Ba là, cần xác định rõ giới hạn phạm vi quyền năng của AI và đặt ra chế tài đối với AI có hành vi vi phạm quy chuẩn.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành có đối tượng chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số như luật về quyền riêng tư trong không gian mạng.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các quy định sửa đổi, bổ sung gia tăng các bảo đảm, bảo vệ quyền cá nhân, hạn chế tình trạng Nhà nước can thiệp vào đời tư thông qua việc thu thập dữ liệu; đối với lĩnh vực lao động, việc làm cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, quy định rõ số lượng người lao động tối thiểu đối với từng ngành nghề nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân và bảo đảm dung hòa lợi ích với người sử dụng lao động.
Thứ ba, trong lĩnh vực tố tụng, giải quyết tranh chấp để pháp luật theo kịp sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật tố tụng, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức tư pháp để có thể ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội số./. 
 

 


[1] GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, “Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.414-416. Trường Đại học Luật Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, TS. Nguyễn Văn Năm (Chủ biên) “Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật”, Nxb. Tư pháp, 2018, tr.388-392.
[2] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – PGS.TS. Vũ Công Giao – TS. Mai Văn Thắng (Đồng chủ biên), “Trí tuệ nhân tạo với pháp luật và quyền con người”, (Sách tham khảo), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.86
[3] Anthony Cuthbertson, (2017), “Tokyo: Artificial Intelligence 'Boy' Shibuya Mirai Becomes World's First AI Bot to Be Granted Residency”, https://www.newsweek.com/tokyo-residency-artificial-intelligence-boy-shibuya-mirai-702382.
[4] Amy Webb, (2019), “The Big Nine, AI – Bước tiến đột phá hay tham vọng kinh tế của 9 gã khổng lồ” (Phượng Linh dịch), Nxb. Đại học kinh tế quốc dân, tr.50.
[5] Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – PGS.TS. Ngô Huy Cương (Đồng chủ biên), “Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam” (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.131.
[6] Internet Enceclopedia of Philosophy, Jeremy Bentham, https://iep.utm.edu/jeremy-bentham/#H3.
[7] Đoàn Văn Nhật, “Trách nhiệm bảo vệ quyền con người trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. Trong luận văn này, tác giả đã phân tích sự tác động hai chiều của trí tuệ nhân tạo tới quyền con người, đặc biệt nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực, để từ đó đề xuất giải pháp bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số.
[8] GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Tlđd, tr.412. Trường Đại học Luật Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, TS. Nguyễn Văn Năm (Chủ biên), Tlđd, tr.386.
[9] Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật La Mã”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.48.
[10] Chip Colwell, “What if nature, like corporations, had the rights and protections of a person?https://theconversation.com/what-if-nature-like-corporations-had-the-rights-and-protections-of-a-person-64947.
[11] Open letter to the european commission Artificial intelligence and robotics, http://www.robotics-openletter.eu/.
[12] European Research Studies Journal, (2018), “Legal Status of Artificial Intelligence Across Countries: Legislation on the Move”, https://www.ersj.eu/journal/1245.
[13] European Research Studies Journal, Tlđd.
[14] GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Tlđd, tr.416. Trường Đại học Luật Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, TS. Nguyễn Văn Năm (Chủ biên), Tlđd, tr.392.
[15] Euromonitor International, “Has internet Access Become a Basic Human Right” (2017), https://blog.euromonitor.com/internet-access-basic-human-right/ .
[16] European Commission, General Data Protection Regulation, Chapter 23 - Rights of the data subject. https://gdpr.eu/tag/chapter-3/ .
[17] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – PGS.TS. Vũ Công Giao – TS. Mai Văn Thắng (Đồng chủ biên), Tlđd, tr.91-92.
[18] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – PGS.TS. Vũ Công Giao – TS. Mai Văn Thắng (Đồng chủ biên), Tlđd, tr.254.
[19] Nguyễn Ngọc Lan, “Hoạt động lập pháp về trí tuệ nhân tạo của Hoa Kỳ”, in trong Sách tham khảo “Trí tuệ nhân tạo với pháp luật và quyền con người”, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – PGS.TS. Vũ Công Giao – TS. Mai Văn Thắng (Đồng chủ biên), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Tư pháp, 2019, tr.145-161.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, (Tập 1), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.208, 213. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (458), tháng 05/2022.)