Bảo đảm quyền không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong tố tụng hình sự

06/07/2022

TS. NGUYỄN VĂN NAM

Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Cơ sở pháp lý về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện nói riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự có sự gắn bó ràng buộc giữa các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người không bị bắt, giam giữ tùy tiện trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
Từ khoá: Quyền con người; bảo đảm không bị bắt, giam giữ tùy tiện; tố tụng hình sự.
Abstract: The legal ground for ensuring the human rights in general and the right of assurance of non-arbitrary arrest or detention in particular in the field of criminal proceedings has a binding bond between the provisions of international law and Vietnamese laws. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the provisions of international law and Vietnamese laws to ensure the human rights of assurance of non-arbitrary arrest or detention in the field of criminal proceedings.
Keywords: Human rights; assurance of non-arbitrary arrest or detention; criminal proceedings.
 TẠM-GIAM.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quyền không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện theo pháp luật quốc tế
Từ tuyên bố nền tảng trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR)[1] đã cụ thể hoá quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện tại Điều 9 với 5 Khoản gồm: 1. Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định; 2. Bất cứ người nào bị bắt giữ đều phải được thông báo vào lúc bị bắt về những lý do họ bị bắt và phải được thông báo không chậm trễ về sự buộc tội đối với họ; 3. Bất cứ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra toà án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp và phải được xét xử trong thời hạn hợp lý hoặc được trả tự do. Việc tạm giam một người trong thời gian chờ xét xử không được đưa thành nguyên tắc chung, nhưng việc trả tự do cho họ có thể kèm theo những điều kiện để bảo đảm họ sẽ có mặt tại toà án để xét xử vào bất cứ khi nào và để thi hành án nếu bị kết tội; 4. Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước toà án, nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp; 5.Bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc giam giữ bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu bồi thường.
Các quốc gia thành viên của Công ước ICCPR phải thực hiện nghiêm các quy định nêu trên trong lĩnh vực pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp bắt, giữ người. Pháp luật quốc tế về quyền con người đưa ra yêu cầu, trong bất cứ trường hợp nào, mỗi quốc gia phải đảm bảo việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải đảm bảo tuân theo đúng quy định của pháp luật.
Theo khuyến cáo của Ủy ban nhân quyền quốc tế, các quốc gia thành viên cần quy định rất rõ ràng về thời hạn tạm giữ, tam giam người bị bắt theo thủ tục tố tụng hình sự. Đồng thời, khi thực hiện quyền giữ người, bắt người để tạm giữ, tạm giam như là các biện pháp ngăn chặn, các cơ quan có thẩm quyền phải bảo đảm các quyền của bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật. Đó là các quyền: được tiếp cận sự trợ giúp pháp lý; được thông báo; được tòa án đưa ra quyết định việc tạm giữ, tạm giam là đúng hay sai theo quy định của pháp luật.
Năm 1988, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra Nghị quyết số 43/173 quy định về các nguyên tắc các quốc gia phải thực hiện để bảo đảm việc bắt giữ, giam không tùy tiện. Theo đó: Một, việc giữ người, giam người dưới bất kỳ hình thức nào phải được thực hiện bởi lệnh của cơ quan có thẩm quyền và phải được kiểm soát bởi các cơ quan trong hệ thống cơ quan tư pháp (Tòa án, hoặc cơ quan công tố). Hai, bất kỳ việc bắt giữ, giam người nào được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan này phải thông báo cho người bị giữ, bị giam biết về lý do họ bị bắt, giữ, và bị giam về tội phạm gì theo quy định của pháp luật và thời hạn bị tạm giữ, tạm giam. Ba, cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia không nên áp dụng việc giữ người, giam người tùy tiện. Bảo đảm cho người bị giam, giữ được quyền tự bào chữa và quyền tiếp cận luật sư và các hình thức trợ giúp pháp lý[2].
Để khẳng định hơn nữa quyền không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong tố tụng hình sự, Công ước ICCPR còn quy định cụ thể các trường hợp cấm vi phạm quyền con người như: quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (Điều 7); nghiêm cấm hình sự hoá quan hệ dân sự trên cơ sở quy định “Không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng” (Điều 11).
Để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền của người bị bắt, giam giữ trước những hành vi tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, ngày 10/12/1984, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công uớc chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người - UNCAT theo (Nghị quyết số 39/46) và để ngỏ cho các quốc gia ký kết[3].
2. Bảo đảm quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong tố tụng hình sự Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào 7 trong số 9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người[4]. Đồng thời, Việt Nam đã nội luật hoá quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong hệ thống pháp luật từ những quy định của Hiến pháp năm 2013 đến quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017.
Cơ sở pháp lý bảo đảm quyền không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện trong TTHS của Việt Nam thể hiện ở hai điểm sau đây:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về quyền không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện.
            Hiến pháp năm 2013 đặt nền tảng cho cơ sở pháp lý bảo vệ quyền con người không bị bắt, giam giữ tuỳ tiện. Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.
            Cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền về việc bắt, giam giữ người theo quy định của pháp luật.
Điều 8 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định nguyên tắc chung về “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”; Điều 10 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khoẻ của con người”.
            Quy định trên đây tương thích với Điều 9 Công ước ICCPR và Công ước UNCAT. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 109 Bộ luật TTHS năm 2015 còn quy định cụ thể các trường hợp bắt người gồm: bắt người bị giữ trong trương hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Để bảo đảm không ai bị giữ tùy tiện trong TTHS, khoản 1 Điều 110 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định các trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn như sau: “Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Ngoài ra, quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện còn được bảo đảm bởi quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về những biện pháp ngăn chặn cụ thể: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Điều 110); Bắt người phạm tội quả tang (Điều 111); Bắt người đang bị truy nã (Điều 112); Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 113); Tạm giam (Điều 119); đồng thời quy định rõ các căn cứ để áp dụng nội dụng các biện pháp tạm giữ (Điều 117), thời hạn tạm giữ ( Điều 118), tam giam (Điều 119), thời hạn tạm giam để điều tra (Điều 173).
Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện còn được bảo đảm bởi nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam quy định nguyên tắc như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” trong thi hành tạm giữ, tạm giam;
- Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền;
- Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan;
- Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”(Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015).
Thứ hai, quy định của pháp luật về biện pháp xử lý những vi phạm quyền con người trong trường hợp bị bắt, giam giữ trái pháp luật.
Cơ sở pháp lý về các biện pháp xử lý những vi phạm quyền con người trong trường hợp bị bắt, giam giữ trái pháp luật được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của nước ta. Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, BLHS năm 2015 đã đinh danh các tội sau đây: Tội bắt hoặc giam giữ người trái pháp luật; Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377); Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370); Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371); Tội dùng nhục hình (Điều 373); Tội bức cung (Điều 374)...
Đối với hành vi gây thiệt hại về vật chất và tinh thần của người bị bắt, giam giữ trái pháp luật, về nguyên tắc cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị vi phạm. Trong TTHS nếu quyền của người bị buộc tội bị vi phạm trong việc bắt, giam giữ, tuỳ theo mức độ, cơ quan tiến hành tố tụng phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị bắt, giam giữ trái pháp luật. Khoản 2 Điều 6 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây: a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này; b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại”.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, TTHS. Theo quy định của Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: 1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật TTHS và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; 2. Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; 3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; 4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Ngoài ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng quy định cụ thể trường hợp người bị bắt, giam giữ trái pháp luật sẽ được phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú (trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân) hoặc tại nơi đặt trụ sở (trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại); đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Có thể nói rằng, việc cụ thể hóa quy định quyền phục hồi danh dự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân mà còn thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải sửa chữa thông tin đúng sự thật, khôi phục lại danh dự và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân trong thời gian họ phải gánh chịu những oan sai từ hành vi vi phạm pháp luật mà người thi hành công vụ gây ra.
Ngoài ra, quyền con người không bị bắt, giam giữ trái pháp luật còn được bảo đảm bởi quy định của Hiến pháp về quyền khiếu nại, tố cáo. Theo đó, Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”.  Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, khoản 1 Điều 469 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”; Điều 478 Bộ luật TTHS năm 2015  quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân’./.     
 

 


[1] Công Ước quốc tế về các quyền dân Sự và chính Trị - ICCPR năm 1966, Việt Nam gia nhâp năm 1982.
[2] GS. TSKH. Lê Văn Cảm (2009), Sách tham khảo Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 34.
[3] Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo và hạ nhân phẩm –UNCAT, Việt Nam gia nhập năm 2014.
[4] Hiện nay Việt Nam đã phê chuẩn 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người gồm: (1) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính Trị - ICCPR năm 1966, Việt Nam gia nhâp năm 1982; (2) Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá –ICESCR, Việt Nam gia nhập năm 1982; (3) Công ước về quyền trẻ em – CRC, Việt Nam gia nhập năm 1990; (4) Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo và hạ nhân phẩm –UNCAT, Việt Nam gia nhập năm 2013; (5) Công ước về chống kỳ thị sắc tộc - CERD, Việt Nam gia nhập (1982); (6) Công ước về cấm kỳ thị phụ nữ – CEDAW, Việt Nam gia nhập năm 1980; (7) Công ước về quyền của người khuyết tật –CRPD, Việt Nam gia nhập năm 2014. Hai Công ước quốc tế mà Việt Nam chưa gia nhập gồm: Công ước về bị mất tích bởi chính quyền – CED; Công ước về người lao động di dân và gia đình của họ – CMW. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (457), tháng 05/2022.)