Xác định quyền của cha được nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng

24/06/2022

TS. ĐẶNG THANH HOA

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

TRẦN THỊ THU HẰNG

Sinh viên Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Dự thảo Án lệ số 09/2022 về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thuộc về người cha trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp. Đây được xem là một trường hợp khác mà quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi được ghi nhận thuộc về người cha. Tác giả bài viết phân tích về Dự thảo án lệ này và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Hôn nhân, gia đình, quyền nuôi con, án lệ.
Abstract: It has been published to seek comments tothe draft Case Law No. 09/2022 on determining the right to raise a child under 36 months of age belongs to the father in case the mother does not directly take care, nurture and educate the child. This is considered as another case where custody of a child under 36 months of age is recorded as belonging to the father. This article provides an analysis of the draft Case Law and also proposes a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Marriage, family, child custody, case law.
 nam-tay-con.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về xác định quyền nuôi con
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật Hôn nhân và gia đình) quy định việc xác định quyền nuôi con hướng đến mục tiêu là sự phát triển tốt nhất của con, thể hiện xuyên suốt trong các điều luật cụ thể[1]. Ngoài ra, qua khảo sát một số bản án về tranh chấp xác định quyền nuôi con, có thể thấy, Tòa án có xu hướng xem xét đến các điều kiện về tài chính, môi trường sống, sau đó cân nhắc đến yếu tố bảo đảm sự ổn định của con khi ở cạnh với một bên bố hoặc mẹ. Các quyết định của Tòa án cho thấy quan điểm tương đồng về sự thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng là cần thiết nếu như bên đang trực tiếp nuôi con không còn có đủ điều kiện để bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho con[2]
Riêng đối với quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi có quy định đặc thù tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Theo quy định trên, cơ sở để xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi được pháp luật quy định dự liệu hoặc một trong hai trường hợp sau: (1) “Mẹ trực tiếp nuôi dưỡng” trừ khi mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; (2) “Không phải mẹ nuôi dưỡng” mà có thể là “người khác nuôi dưỡng” nếu cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
   Trên thực tiễn, nếu xảy ra trường hợp con dưới 36 tháng tuổi và người mẹ vẫn có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có đương nhiên người mẹ được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con hay không? Nếu không thì lý do nào để giải thích cho trường hợp ngoại lệ đặc thù này?
   Dự thảo Án lệ 09/2022[3] vừa được công bố đã có những hướng giải quyết cụ thể trong trường hợp này.
2.Dự thảo Án lệ số 09/2022
Chị K (người mẹ) và anh P (người cha) đăng ký kết hôn với nhau, có 01 con chung vào năm 2016. Nhưng người mẹ đã tự ý bỏ về nhà bố mẹ đẻ từ khi con chỉ 04 tháng tuổi và không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trong khoảng thời gian này, người cha đã liên tục nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm điều kiện phát triển tốt cho con, và người con cũng đã quen với môi trường sống với cha. Năm 2018, do “mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng”, không giải quyết được nên đã thống nhất thuận tình ly hôn.
Tòa án cấp sơ thẩm quyết định giao con cho người cha trực tiếp trông nom, chăm sóc. Tuy nhiên, trong Dự thảo Án lệ không nêu rõ lập luận vì sao lại có quyết định này.
Sau đó, người mẹ đã kháng cáo bản án sơ thẩm xin được quyền nuôi con. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của người mẹ, giao con cho người mẹ nuôi dưỡng theo căn cứ tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình.
Bản án phúc thẩm sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (HĐXXGĐT) là tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng. HĐXXGĐT đã nhận định: “chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh P nuôi dưỡng… Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy địnhnhưngcháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc bảo đảm trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường cháu[4].
Dự thảo Án lệ số 09/2022 (Dự thảo Án lệ) không nêu rõ tình tiết, dữ liệu để khẳng định người mẹ có hay không có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tuy nhiên, với nội dung phân tích từ HĐXXGĐT cũng như nội dung kết luận tại Dự thảo Án lệ cho thấy, đây có thể chính là trường hợp người mẹ có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, và con dưới 36 tháng tuổi nên có thể xem xét giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng như cách luận giải và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Đây cũng chính là lý do để có đề xuất trường hợp này làm Án lệ vì sẽ giải quyết được tình huống thực tế mà pháp luật chưa dự liệu và quy định – đó chính là giá trị của các án lệ nói chung và của Dự thảo Án lệ này nói riêng.
   Với cách phân tích và luận giải của HĐXXGĐT trong vụ án này cho thấy, mặc dù người mẹ có đủ điều kiện, nhưng nếu việc giao con làm cho cuộc sống của con bị xáo trộn, không ổn định bởi môi trường sống của con trước đó đã được người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để con có thể phát triển một cách tốt nhất… thì quyết định giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ là không phù hợp. Nói cách khác, với trường hợp này thì quyền nuôi con trực tiếp phải thuộc về người cha.
Việc xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn thuộc về người cha được nêu trong Dự thảo Án lệ không rơi vào trường hợp ngoại lệ theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vì lẽ đó, pháp luật cần ghi nhận trường hợp quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi phải thuộc về người cha không phụ thuộc vào việc người mẹ hiện có đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nếu thỏa mãn các yếu tố sau: (1) người mẹ đã không nuôi con từ khi con còn rất nhỏ; và (2) người cha là người trực tiếp nuôi dưỡng, đồng thời, đã và đang tạo được môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất.
Luận giải hai điều kiện trên vào vụ án trong Dự thảo Án lệ như sau:
-Điều kiện thứ nhất,người mẹ đã không nuôi con từ khi con còn rất nhỏ.
Vụ án hôn nhân gia đình đặt ra trong Dự thảo Án lệ lại cho thấy sự xa cách của người mẹ với con đã xuất hiện trước thời điểm ly hôn, tức là người mẹ đã có sự ngắt quãng trong việc gắn bó với con từ trước thời điểm phát sinh tranh chấp về quyền nuôi con. Vì vậy, tại thời điểm phát sinh tranh chấp về quyền nuôi con, áp dụng khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình trên cơ sở thuyết tâm lý về sự gắn bó[5] là không hợp lý. Cụ thể, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình hướng đến duy trì sự gắn kết giữa người mẹ và con dưới 36 tháng tuổi để bảo đảm sự phát triển tự nhiên của con, chứ không hướng đến tái kết nối mối quan hệ đã có sự ngắt quãng giữa người mẹ và con dưới 36 tháng tuổi.
Mặt khác, ngay tại thời điểm người mẹ tự nguyện rời bỏ và giao con dưới 36 tháng tuổi lại cho người cha, sự gắn kết giữa người mẹ và người con đã bị cắt đứt, và sự cắt đứt này hoàn toàn thuộc về lựa chọn của người mẹ. Do đó, không có cơ sở xác đáng nào để ưu tiên người mẹ hơn so với người cha trong việc xác định quyền nuôi con.
-Điều kiện thứ hai,người cha là người trực tiếp nuôi dưỡng và đã và đang tạo được môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất.
HĐXXGĐT đánh giá việc người cha đã và đang tạo được môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất thông qua ý kiến xác nhận tại Biên bản xác minh của Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ nơi người cha và con cư trú như sau: “Anh P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”[6]. Như vậy, HĐXXGĐT đã xét đến việc người cha chịu trách nhiệm chăm sóc con khi người mẹ bỏ đi, cũng như điều kiện tài chính, sự chăm sóc dành cho con được xác nhận bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi người cha và con cùng cư trú.
3.Sự tương thích và phù hợp của Dự thảo Án lệ với kinh nghiệm nước ngoài
Dự thảo Án lệ có sự phù hợp và tương đồng với xu hướng thế giới khi quy định về xác định quyền ưu tiên của mẹ được nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhưng phải tính đến điều kiện bảo vệ lợi ích tốt nhất cho con.
3.1. Thuyết tâm lý về sự gắn bó giữa mẹ và con
Thuyết tâm lý về sự gắn bó giữa mẹ và con (attachment theory)[7] cho rằng, sự chia ly giữa mẹ và con dưới 03 tuổi (tương đương 36 tháng) sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển của con, vì sự hiện diện vật lý/sự thân mật của người mẹ là điều kiện thiết yếu để người con phát triển kết nối tình cảm và gây dựng cảm xúc được yêu thương, che chở. Do đó, việc xa cách người mẹ từ giai đoạn con còn nhỏ sẽ dẫn đến hiện tượng tâm lý của con không ổn định, dễ bị kích động. Đặc biệt, thuyết này nhấn mạnh rằng sự gắn kết giữa mẹ và con là mạnh mẽ nhất trong khoảng thời gian con từ dưới 03 tuổi. Sau cột mốc này, người con dần có khả năng thích nghi với sự không hiện diện của mẹ vì đã có nền tảng xây dựng kết nối tình cảm trước đó và có niềm tin về đoàn tụ giữa mẹ và con.
Nội dung vụ án trong Dự thảo Án lệ cho thấy, việc người mẹ tự bỏ đi và không nuôi con từ khi con còn rất nhỏ đã không thỏa mãn thuyết tâm lý về sự gắn bó nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của người con. Ngoài ra, việc ưu tiên cho người mẹ được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi phải kèm theo điều kiện là người mẹ có đủ điều kiện để có thể trực tiếp nuôi con và cha mẹ không có thỏa thuận khác phù hợp lợi ích của con. Nói cách khác, điều kiện ưu tiên quyền của người mẹ trực tiếp nuôi con hay người nào khác theo thỏa thuận của cha mẹ cũng đều phải căn cứ vào việc làm sao để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho con.
3.2. Bảo vệ lợi ích tốt nhất của con
   “Bảo vệ lợi ích tốt nhất của con” (best-interests-of-child) là một trong những nguyên tắc chủ đạo trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam phê chuẩn từ năm 1990. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Công ước đã nhấn mạnh: “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em… lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Nội dung tương tự được đề cập tại khoản 2 Điều 24 Công ước châu Âu về nhân quyền với tư cách là nguyên tắc trung tâm điều chỉnh quyền của trẻ em[8]. Do đó, việc xác định quyền nuôi con - một trong những hoạt động liên quan, tác động trực tiếp đến người con, cũng phải chịu sự chi phối của nguyên tắc “bảo vệ lợi ích tốt nhất của con”
   Một số quốc gia công khai áp dụng nguyên tắc “bảo vệ lợi ích tốt nhất của con” trong các tranh chấp quyền nuôi con là Hoa Kỳ. Hầu hết các vụ án xét xử tại các bang khác nhau đều cân nhắc đến nguyên tắc này trước tiên để giải quyết tranh chấp quyền nuôi con[9]. Canada còn tiếp cận khái niệm “bảo vệ lợi ích tốt nhất của con” theo 03 góc độ[10]: (i) quyền cơ bản của người con; (ii) nguyên tắc cốt lõi đối với mọi hoạt động pháp lý tác động đến người con; (iii) quy tắc tố tụng liên quan phải nhằm bảo đảm sự thuận tiện để thực hiện được “bảo vệ lợi ích tốt nhất của con”
Hoa Kỳ có quy tắc tương ứng (approximation rule) được áp dụng rộng rãi trong các tranh chấp phân định quyền nuôi con; theo đó, quyền nuôi con trực tiếp, thường xuyên sẽ được trao cho bên phụ huynh nào đã dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc, nuôi dưỡng con hơn trước thời điểm xảy ra tranh chấp[11].
Qua đây, có thể Dự thảo Án lệ có sự tương đồng khi áp dụng quy tắc tương ứng trên, người cha là người trực tiếp đã nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi và đương nhiên so với người mẹ trong trường hợp này đã dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt nhất trong khi người mẹ đã không trực tiếp nuôi con. Do đó, có thể khẳng định quyết định trao quyền nuôi con dưới 36 tháng trong vụ án tại Dự thảo Án lệ cho người cha là hợp lý. 
Như vậy, pháp luật quốc tế và các nước không chỉ có sự thừa nhận quyền ưu tiên xem xét (nhưng không phải là duy nhất) để giao quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trực tiếp cho người mẹ, mà còn quy định về xác định quyền nuôi con đều phải hướng đến sự phát triển ổn định, toàn diện và tốt nhất của người con trong mối liên hệ hài hòa từ tinh thần cho đến đời sống vật chất... Trong đó, sự ổn định trong đời sống sinh hoạt là việc hạn chế những thay đổi xảy ra trong môi trường sống, những người tiếp cận, giờ giấc ăn ngủ…
Ngoài sự gắn kết tâm lý thì sự ổn định trong đời sống sinh hoạt cũng là một yếu tố cần thiết trong sự phát triển của người con. Thậm chí, theo nhiều khía cạnh, việc xác định ai là người có khả năng tạo ra điều kiện, môi trường sống thuận lợi nhất cho người con còn được coi trọng hơn sự ổn định trong đời sống sinh hoạt[12].
Tóm lại, sự ổn định trong đời sống sinh hoạt là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích tốt nhất của con[13]. Do đó, chúng tôi cho rằng, giá trị lớn nhất của Dự thảo Án lệ này nếu được thông qua sẽ là cách tiếp cận mới về việc xem xét quyết định giao quyền nuôi con nói chung trong đó có quyền nuôi con trực tiếp đối với con dưới 36 tháng tuổi phải xem xét điều kiện hoàn cảnh thực sự phù hợp bảo đảm sự phát triển bền vững và ổn định của người con, tránh “gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường” của người con - đặc biệt là con dưới 36 tháng tuổi.
4. Triển vọng ứng dụng của Dự thảo Án lệ số 09/2022
Các vụ án tranh chấp về quyền nuôi con trên thực tiễn là vô cùng đa dạng, phức tạp, khác nhau về tình tiết, sự kiện... Tuy nhiên, với cách hiểu có phần cứng nhắc về khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình trước khi có Dự thảo Án lệ - đa phần kết quả của các tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được xét xử mặc định theo hướng người mẹ có quyền nuôi con khi người mẹ có đủ điều kiện hoặc các bên không có thỏa thuận khác… bất kể rằng lợi ích tốt nhất của con sẽ được thực hiện khi con ở với người cha. Do đó, Dự thảo Án lệ sẽ là nền tảng pháp lý vững chắc để giải quyết các vụ án tranh chấp quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi một cách khách quan, toàn diện hơn, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của con dưới 36 tháng tuổi. Hơn nữa, áp dụng Dự thảo Án lệ này không chỉ có ý nghĩa đối với việc xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau khi ly hôn, mà còn đối với các tranh chấp khác về quyền nuôi con nhưng giải quyết hậu quả như thủ tục ly hôn.
Theo hướng này, các tác giả đưa ra ví dụ vụ án minh họa sau: Con ngoài giá thú sinh ra khi mẹ đang có hôn nhân hợp pháp với người khác và cũng có con chung với người chồng hợp pháp. Sau khoảng thời gian đầu sinh con, người mẹ đã tự nguyện đưa con cho người cha đang độc thân nuôi dưỡng con trực tiếp. Người cha luôn chăm sóc cho con đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, tạo điều kiện cho người mẹ thăm nom đều đặn. Tuy nhiên, khi người cha muốn giải quyết vấn đề tình cảm dứt khoát và chỉ hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng con một cách ổn định, thì người mẹ lại có những động thái không phối hợp với người cha, thường xuyên đe dọa, giành lại quyền nuôi con vì cho rằng con đang dưới 36 tháng tuổi nên người mẹ được toàn quyền trực tiếp nuôi con và có thể đòi lại con từ người cha bất kỳ lúc nào. Những hành động của người mẹ trong trường hợp này rõ ràng đã gây nên sự xáo trộn đến cuộc sống của người con. Nếu người mẹ chủ động khởi kiện tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì hoàn toàn có thể xảy ra cách hiểu thông thường khi áp dụng khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình mà không có cách hiểu và xử lý tương tự như kết luận tại Dự thảo Án lệ. Điều này sẽ tạo nên những quyết định không bảo đảm tính đúng đắn, hợp lý vì không xem xét lợi ích tốt nhất của con một cách linh hoạt, toàn diện.
Chính vì vậy, nếu Dự thảo Án lệ được xem xét và chấp nhận thì sẽ là kim chỉ nam cho đường lối xét xử thực tiễn tại Tòa án đối với các tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, mở rộng hướng tiếp cận khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người con, và là cơ sở pháp lý vững chắc đối với các trường hợp pháp luật chưa quy định căn cứ để thừa nhận quyền trực tiếp nuôi con của người cha đối với con dưới 36 tháng tuổi./.
 

 


[1] Xem khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ của cha mẹ; khoản 1 Điều 70 về quyền của con…
[2] Tham khảo các bản án: Bản án số 1160/2018/HNGĐ-PT về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-11602018hngdpt-ngay-30112018-ve-tranh-chap-thay-doi-nguoi-truc-tiep-nuoi-con-sau-ly-hon-92061; Bản án số 24/2020/HNGĐ-ST ngày 03/07/2020 về tranh chấp thay đổi người nuôi con, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-242020hngdst-ngay-03072020-ve-tranh-chap-thay-doi-nguoi-nuoi-con-142229; Bản án 19/2018/DS-PT ngày 24/09/2018 về thay đổi người nuôi con, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-192018dspt-ngay-24092018-ve-thay-doi-nguoi-nuoi-con-79399.
[3]       TANDTC (2022), Dự thảo Án lệ số 09, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND214231.
[4] TANDTC (2022), Dự thảo Án lệ số 09, tr.4, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND214231.
[5] Sẽ được phân tích chi tiết ở phần sau.
[6] TANDTC (2022), Dự thảo Án lệ số 09, tr.4, https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanleduthao?dDocName=TAND214231.
[7] Kimberly Howard, Anne Martin, Lisa J. Berlin & Jeanne Brooks-Gunn (2010), Early mother-child separation, parenting, and child well-being in Early Head Start families, Attachment and Human Development, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3115616/, retrieved 03/6/2022.
[8] Migration and Home Affairs – European Commission, Best interests of the child (BIC), https://ec.europa.eu/home-affairs/pages/glossary/best-interests-child-bic_en, retrieved 04/6/2022.
[9] Andrea Charlow (1987), Awarding Custody: The Best Interests of the Child and Other Fictions, Yale Law and Policy Review, vol. 5, no. 2, https://www.jstor.org/stable/40239245, retrieved 04/6/2022.
[11] Richard A. Warshak (2007), The Approximation Rule, Child Development Research, and Children’s Best Interests After Divorce, Child Development Perspective, https://www.researchgate.net/publication/229801370_The_Approximation_Rule_Child_Development_Research_and_Children’s_Best_Interests_After_Divorce#:~:text=The%20approximation%20rule%20asserts%20that,divorce%2Fseparation.%20..., retrieved 05/6/2022.
[12] Khoản 1 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình quy địnhvề nghĩa vụ của cha mẹ: “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức”.
[13] Johnson County Bar Association (2010), “Parenting Arrangements”, Family Law Guidelines, https://cdn.ymaws.com/www.jocobar.org/resource/resmgr/imported/Section%201%20-PARENTING%20ARRANGEMENTS.pdf, retrieved 05/6/2022. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (461), tháng 07/2022.)