Xã hội học vi phạm pháp luật

27/06/2022

TS. PHẠM THỊ DUYÊN THẢO

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Xã hội học vi phạm pháp luật là một loại nghiên cứu pháp lý xã hội, nhằm nhận diện bản chất xã hội, nguyên nhân, yếu tố ảnh hưởng, đảm bảo cơ sở xã hội học, cơ chế xã hội cùng những hệ quả từ sự tác động ngược trở lại của vi phạm pháp luật với đời sống, tiến tới tìm ra phương hướng nhằm khắc phục và hạn chế chúng trong thực tiễn.
Từ khóa: Vi phạm pháp luật, xã hội học, pháp luật.
Abstract: The sociology of law violations is a type of socio-legal studies, which is to identify the social nature, causes, influencing factors, to ensure the sociological basis, social mechanism and consequences from the law and the impacts of breaking the law on living activites, it is toward finding a manner to overcome the impacts in practices.
Keywords: Violation of the law; sociology; law.
 
1. Tính xã hội của vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật(VPPL) là hành vi mang tính chất xã hội và chứa đựng yếu tố tâm lý. Khi VPPL xuất hiện, không chỉ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan bị ảnh hưởng, mà các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ cũng bị suy yếu, tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống. Bản chất của VPPL là sự chống đối, đi ngược lại với lợi ích mà đa số các thành viên xã hội hướng tới. Trong mọi trường hợp, VPPL luôn thể hiện thái độ tâm lý của chủ thể vi phạm trước hành vi và hậu quả của nó, bất kể chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý hay vô ý.XÃ-HỘI-HỌC.jpg
Dù chiếm số lượng ít hơn so với các hành vi hợp pháp, nhưng VPPL xuất hiện đa dạng và thường xuyên ở mọi lĩnh vực của xã hội. Về cơ bản, "VPPL là loại hành vi thể hiện một cách méo mó những xung đột trong đời sống xã hội, nó không được xã hội mong muốn"[1], xâm hại đến các lợi ích được pháp luật bảo vệ, tác động bất lợi lên đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, VPPL "đôi khi phản ánh những hạn chế của xã hội ở những chiều cạnh nhất định" khi pháp luật hoặc xã hội bộc lộ những bất cập, hạn chế cần thay đổi, hoàn thiện.
VPPL là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội (CMXH), trước hết là sai lệch chuẩn mực pháp luật, qua việc các quy định của pháp luật đã không được hiện thực hóa như yêu cầu. Tiếp đến, là sai lệch các CMXH khác như chính trị, đạo đức, phong tục..., bởi về cơ bản, pháp luật vốn có sự hòa trộn nhất định với các chuẩn mực này về nội dung, mục tiêu điều chỉnh và mang tính quyết định xã hội. VPPL cũng mang tính biến động, nó có sự thay đổi về tính chất pháp lý, thời gian, không gian và gắn với những giai đoạn lịch sử xã hội nhất định. Có những hành vi, ở quốc gia này, không gian, thời gian này thì bị coi là vi phạm, nhưng trong quốc gia khác, thời gian, không gian khác thì không. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự chí phối lớn của ý thức pháp luật xã hội. "Về mặt xã hội, hành vi sai lệch không thể được quan niệm như cái gì tuyệt đối hay phổ biến, mà phải được coi như biến đổi về mặt xã hội tùy thuộc vào những gì mà một xã hội đặc thù hay một nhóm xã hội ở một thời điểm đặc thù xác định là lệch lạc"[2].
VPPL chịu sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật... đồng thời có quan hệ mật thiết với các quá trình kinh tế xã hội và các quá trình xã hội đa dạng khác. Cơ chế của VPPL bao gồm các công đoạn giống với cơ chế của mọi hành vi pháp luật thông thường, nhưng có một hoặc một vài công đoạn trong quá trình đó bị biến dạng, làm cho VPPL có một cơ chế không theo quy chuẩn mà pháp luật mong muốn.
2. Cơ chế xã hội của vi phạm pháp luật
Cơ chế xã hội của VPPL là quá trình VPPL diễn ra trong thực tế, bao gồm các công đoạn, các yếu tố mang tính nhân qủa, quan hệ qua lại với nhau và với các yếu tố xã hội khác.
Các nghiên cứu thực nghiệm chứng minh rằng, VPPL có cơ chế chung như mọi hành vi pháp luật khác, gồm các giai đoạn: i) Trước khi thực hiện hành vi (nhu cầu, lợi ích, định hướng các giá trị của chủ thể vi phạm - động cơ - sự lựa chọn mục đích và phương tiện hiện thực hóa mục đích); ii) Ra quyết định (đánh giá tình huống - quyết định) và iii) Thực hiện hành vi (xử sự bằng hành động hoặc không hành động). Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, trong cơ chế chung trên đây, một hoặc vài giai đoạn bị biến dạng, cụ thể như sau:
- Biến dạng ở giai đoạn trước khi thực hiện hành vi. Do từ đầu, nhu cầu, lợi ích hoặc động cơ của chủ thể đã bị méo mó dẫn đến mục đích, phương thức thực hiện của hành vi cũng bị xác định sai lệch. Hoặc ngược lại, mục đích được xác định đúng đắn nhưng chủ thể có vấn đề ở động cơ, chủ thể bị cái bên trong, thôi thúc lựa chọn hành vi vi phạm thay vì ngược lại. Biến dạng này hay gặp ở những vi phạm liên quan đến sở hữu hoặc gây thương tích. Cũng có thể, VPPL đến từ những nhận thức sai lạc hoặc định hướng sai lạc về các giá trị của chủ thể vi phạm. Nhận thức, định hướng giá trị sai lạc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá tình huống và ra quyết định, ngay cả khi nhu cầu, lợi ích được cho là hợp lý[3]. Bởi lúc này, nhận thức hoặc nhân cách của chủ thể VPPL đã không còn đảm bảo yêu cầu và chuẩn mực. Đây là trường hợp dễ thấy ở những vi phạm mang tính chất tái phạm hoặc chống đối pháp luật.[4]
- Biến dạng ở giai đoạn ra quyết định. Biến dạng này đến từ việc đánh giá tình huống sai lạc từ bối cảnh, sự cấp bách của tình thế hoặc do năng lực cá nhân, sự thiếu bình tĩnh, mất tự chủ hoặc do những khuyết tật về tâm, sinh lý...; hoặc cũng có thể là kết quả của việc xác định các giá trị bị sai lạc, méo mó từ công đoạn đầu tiên. Trường hợp này thường gặp đối với những VPPL do lỗi cố ý gián tiếp, vô ý hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
- Biến dạng ở giai đoạn thực hiện hành vi. Hành vi được hiện thực hóa trên cơ sở quyết định đúng đắn đã được đưa ra trong giai đoạn ra quyết định, nhưng do năng lực yếu kém trong điều khiển hành vi của chủ thể, sự tác động bất ngờ từ các nguyên nhân khách quan như thời tiết, thiên tai, địch họa, các tình thế bất khả kháng khác đã làm hành vi đó trở thành VPPL. Dạng vi phạm này thường gắn với lỗi vô ý.
Một VPPL diễn ra trong đời sống có thể có các quá trình tương ứng với những cơ chế cụ thể của VPPL như: cơ chế không hiểu biết, hiểu biết không chính xác dẫn đến VPPL; cơ chế VPPL do tư duy diễn dịch không đúng, sự phán đoán pháp luật thiếu căn cứ logic; cơ chế VPPL do nhận thức sai lạc về các giá trị, tiếp thu các chuẩn mực không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; cơ chế VPPL do chủ thể có các khuyết tật về tâm - sinh lý; và cơ chế VPPL do có sự liên hệ mật thiết giữa một chuỗi các công đoạn có mối liên hệ nhân - quả với nhau, được tiến hành trên cơ sở.chủ động vi phạm vì những mục đích nhất định của chủ thể VPPL... Những cơ chế này mang ý nghĩa xã hội, tác động đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, đồng thời bộc lộ thực trạng, mức độ và cơ cấu của các loại VPPL khác nhau trong đời sống cả về mặt định tính và định lượng.
3. Điều kiện đảm bảo cơ sở xã hội học của vi phạm pháp luật
Đảm bảo cơ sở xã hội học của VPPL là những điều kiện mang tính nền tảng, cơ sở từ xã hội, làm cho VPPL chắc chắn xảy ra, duy trì được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết để tồn tại và phát triển trong đời sống. Các điều kiện này có thể xuất hiện đồng thời hoặc riêng rẽ, tùy vào từng loại và trạng thái VPPL, bao gồm:
-Sự sai lạc trong nhận thức về hệ thống các giá trị xã hội
Giá trị xã hội (GTXH) là "những khách thể, những lợi ích, những thuộc tính mà tất cả đều cần thiết cho con người, tất yếu, có lợi của một giai cấp hay xã hội nào đó, cũng như một cá nhân riêng lẻ với tư cách là một phương tiện thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích của họ; đồng thời cũng là những tư tưởng, ý định với tư cách là chuẩn mực, mục đích hay lý tưởng"[5]. GTXH rất đa dạng, nó có thể là phẩm giá, tự do, công bằng, tình yêu, liêm chính, khoan dung... được xác định bởi các động lực xã hội, các thiết chế, truyền thống và niềm tin văn hóa, đồng thời là những hướng dẫn ngầm, cung cấp định hướng cho các cá nhân và nhóm, để hành xử đúng đắn trong một hệ thống xã hội vốn đầy biến động và phức tạp. GTXH xác định suy nghĩ của mọi người và cách họ muốn sống, chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người xung quanh.
Do vậy, khi nhận thức về hệ thống các giá trị bị sai lạc, biến dạng, các chủ thể sẽ gặp khó trong việc định hình hành vi của mình trong tương quan với các hành vi của xã hội, để đảm bảo sự chung sống đầy đủ giữa những người tham gia. Nhận thức sai lạc về các GTXH cũng có nghĩa là chủ thể của hành vi không phân biệt được ranh giới giữa điều gì đúng, sai, điều gì được phép, bị cấm, bất hợp pháp, mong muốn, hợp pháp hoặc bị trừng phạt[6]...
Theo đó, các GTXH sẽ không thể hiện được chức năng của nó đối với người có nhận thức sai lệch, cụ thể: mục tiêu hoặc mục đích của GTXH sẽ không được các hành viên hướng tới; tính ổn định và đồng nhất trong tương tác nhóm, trong gắn kết xã hội sẽ bị ảnh hưởng; chủ thể hành vi sẽ không cảm thấy mình là một phần của xã hội rộng lớn, không chịu sự ràng buộc bởi các quy tắc xã hội chung, rộng lớn. GTXH bị nhận thức sai lạc, các quan hệ xã hội sẽ không được củng cố, sớm hay muộn, VPPL sẽ xảy ra.
-Sự rối loạn các thiết chế xã hội
Thiết chế xã hội (TCXH) là một hệ thống các giá trị, chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm vận động xung quanh nhu cầu cơ bản của xã hội. Nó bao gồm tổng thể cơ quan, tổ chức, cá nhân được trang bị phương tiện vật chất, thực hiện những chức năng xã hội nhất định và những tiêu chuẩn được định hướng theo mục tiêu về hành vi của những người nhất định, trong hoàn cảnh nhất định[7].
TCXH là yếu tố cần thiết để giữ cho xã hội hoạt động có trật tự, giúp ổn định sự tồn tại của các thành viên trong xã hội. Các TCXH đều có quy tắc, chuẩn mực và cả cơ chế vận hành chất, mà các nhóm xã hội phải tôn trọng. TCXH là chất kết dính giữa các cá nhân, các nhóm xã hội và điều tiết hoạt động của chúng, xác định cách một cá nhân sẽ hành xử trong xã hội của mình. Hai chức năng chính của TCXH gồm: một là, là khuyến khích, điều chỉnh, điều hoà hành vi của con người phù hợp với quy phạm, chuẩn mực của thiết chế và tuân thủ thiết chế; hai là ngăn chặn, kiểm soát, giám sát những hành vi lệch lạc do thiết chế quy định.
Khi TCXH bị rối loạn theo hướng tiêu cực, các cá nhân sẽ mất thời gian suy tính về tính đúng sai của cách thức hành động, làm ảnh hưởng xấu đến các vai trò đã được chuẩn hóa. Ví dụ, khi thiết chế gia đình, giáo dục bị rối loạn, vai trò của bố mẹ, con cái, của thầy cô, học trò sẽ thiếu tính chuẩn hóa, khi thiết chế chính trị, nhà nước bị rối loạn, xã hội sẽ mất an toàn. Khi TCXH thực hiện chức năng điều hòa và kiểm soát xã hội không đúng cách thức, ví như kiểm soát của thiết chế (nhà nước, gia đình) quá mạnh, sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của cá nhân, hoặc khi không phát huy hết chức năng kiểm soát, cá nhân, nhóm xã hội, cơ quan nhà nước không thực hiện tốt vai trò, thậm chí trốn tránh trách nhiệm.  
-Sự biến đổi các chuẩn mực xã hội theo hướng bất lợi
CMXH là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với hành vi của mỗi cá nhân hay nhóm, nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và phát triển của xã hội. CMXH bao gồm pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, các quy tắc chính trị, xã hội, quy tắc tôn giáo... "Các CMXH vừa có thể là cách hiểu không chính thức điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội, vừa có thể được hệ thống hóa thành các quy tắc và luật lệ"[8]. "Các ảnh hưởng của CMXH hay CMXH, được coi là những động lực mạnh mẽ dẫn đến thay đổi hành vi của con người và được tổ chức, kết hợp chặt chẽ bởi các lý thuyết chính giải thích hành vi của con người"[9].
CMXH vốn có sự biến đổi theo thời gian, không gian, mức độ tác động. Có những CMXH được phổ biến, tuân thủ ở giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội này, nhưng lại không được thừa nhận ở giai cấp, tầng lớp hay dân tộc khác. Sự biến đổi của CMXH khá đa dạng, nhưng về cơ bản, đều dẫn đến tương quan giữa chuẩn mực pháp luật và các CMXH khác trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội, bất kể sự biến đổi đó đến từ pháp luật trước, CMXH khác trước, hay cả hai. "Khi pháp luật xung đột với các chuẩn mực hiện hành - chẳng hạn như, pháp luật cố gắng hạn chế hành vi nào đó một cách thái quá so với mức độ xuất hiện, phân bổ của chúng trong xã hội - thì hầu hết mọi người thích vi phạm hơn. Điều này dẫn đến bản thân VPPL đó cũng ít bị "thổi còi" hơn, làm giảm hiệu lực của pháp luật và khuyến khích vi phạm...Việc thắt chặt luật đột ngột gây ra tình trạng vô luật đáng kể, trong khi việc áp đặt dần các luật phù hợp hơn với các chuẩn mực hiện hành có thể thay đổi thành công hành vi và các chuẩn mực trong tương lai[10].
-Sự bất thường của các quan hệ xã hội
Quan hệ xã hội (QHXH) là những tương tác giữa con người với con người, hình thànhtrong quá trình lao động, sản xuất, giao tiếp thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
QHXH có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển và tiến bộ của xã hội, tạo sự khăng khít, giao lưu giữa các quốc gia. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự hiện diện của các QHXH có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất, chống lại bênh tật và củng cố các hành vi lành mạnh (Putnam 2000); tương tác xã hội có khă năng bảo vệ các cá nhân khỏi rủi ro, thúc đẩy sự phát triển tích cực của cá nhân và xã hội (Myers 2000; Halpern005).[11]
Tuy vậy, QHXH có sự vận động liên tục, ngày càng đa dạng và phức tạp. Cho nên, khi các QHXH bị biến đổi, nhất là theo hướng bất thường, tiêu cực, thì các giá trị tích cực mà nó mang lại cho hành vi và tâm trạng của con người cũng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hệ thống các CMXH vốn là phương tiện để điều chỉnh các QHXH cũng luôn ở trạng thái động. Nếu các CMXH bị biến dạng, các QHXH cũng dễ trở nên bất thường, tác động tiêu cực lên tâm lý của chủ thể trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong QHXH, dẫn đến các VPPL tương ứng.
-Tư chất của con người - yếu tố quyết định tính chất của hành vi
Tư chất con người, suy cho cùng, là điều kiện đủ mang tính cơ sở xã hội học của VPPL. Tư chất là tính riêng, sẵn có, chỉ thuộc về một con người, cá thể độc lập, thường nói về mặt trí tuệ. Tư chất phát sinh từ bên trong, ổn định, nó được tạo thành từ các thuộc tính và cơ chế, luôn hiện hữu và gần như không có thay đổi lớn nào suốt cuộc đời. Ở khía cạnh nhất định, tư chất được nhìn nhận như nhân cách - "một tập hợp ổn định, có tổ chức của các đặc điểm và cơ chế tâm lý trong con người ảnh hưởng đến sự tương tác và sửa đổi của họ đối với tâm lý, môi trường xã hội và vật chất xung quanh họ"[12].
Tư chất, nhân cách của cá nhân là thứ họ luôn mang theo, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ dù ở đâu và với ai, trong bất kỳ tình huống, thời gian nào. Tư chất giúp cá nhân điều chỉnh, "sống sót" và đối phó với những thách thức hàng ngày xung quanh, nó một phần là tâm lý nhưng cũng là sinh lý và bị ảnh hưởng bởi tất cả các loại quá trình sinh học và nhu cầu.
Hai yếu tố quyết định tư chất là: thiên nhiên, nuôi dưỡng và văn hóa. Về yếu tố thiên nhiên, nuôi dưỡng, ngày nay, qua nghiên cứu những cặp song sinh giống hệt nhau (100% gen giống nhau) lớn lên một cách riêng biệt, trong những gia đình và môi trường khác nhau. Kết quả thu được phản ánh mức độ ảnh hưởng của di truyền là từ 20 đến 45%, còn lại được hình thành do ảnh hưởng từ môi trường, chẳng hạn như cha mẹ, trường học, bạn bè[13]...
Với yếu tố văn hóa, trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân như Mỹ, Châu Âu, sự chú trọng dồn vào phát triển của cá nhân; trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…, nhiều giá trị gắn liền với lợi ích nhóm. Văn hóa chủ nghĩa cá nhân kích thích sự phát triển các phẩm chất như tự tin, độc lập và quyết đoán; văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, gắn với những phẩm chất như thân thiện, khiêm tốn và trung thành. Điều này khiến người châu Âu tin rằng người Nhật phản ứng một cách nhút nhát, phục tùng, còn  người Nhật có thể thấy người châu Âu táo bạo và ích kỷ.[14]
Một nghiên cứu về những người song ngữ cho thấy ảnh hưởng văn hóa một phần thông qua ngôn ngữ. Tính cách của những người song ngữ cũng phụ thuộc vào ngôn ngữ họ nói. Nghiên cứu này đã xem xét những người Mexico và Mỹ nói thông thạo cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Nhìn chung, người Mexico ít hướng ngoại hơn, ít dễ chịu và ít tận tâm hơn người Mỹ. Đáng chú ý, nếu một người Mexico hoặc Mỹ nói song ngữ tiếng Anh, họ phản ứng hướng ngoại, dễ chịu và tận tâm hơn so với khi họ nói tiếng Tây Ban Nha. Có vẻ như bằng cách nói một ngôn ngữ khác, bạn cũng trở thành một người khác. Bạn điều chỉnh tính cách của mình để phù hợp hơn với văn hóa của ngôn ngữ bạn nói.[15]
Tư chất, nhân cách chính là điều kiện mang tính quyết định đối với việc có VPPL hay không. Một người có tư chất tốt, bền vững, hướng thiện, về cơ bản, khó có thể VPPL. Đó là cơ sở để giải thích cho những trường hợp, tình huống giống nhau, sự tiếp nhận thông tin, chịu các tác động của bối cảnh bên ngoài không hề khác nhau, nhưng có người VPPL, thậm chí tái phạm, tái phạm nguy hiểm và có người không, thậm chí không bao giờ trong suốt cuộc đời.
4. Các yếu tố tác động đến vi phạm pháp luật
Yếu tố tác động là những yếu tố làm cho quá trình VPPL có những ảnh hưởng, biến đổi nhất định, nó có thể góp phần thúc đẩy, phát sinh, chấm dứt hoặc tác động đến mức độ, tính chất của VPPL. Điển hình có thể kể đến các yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật, nhân thân người vi phạm...
-Yếu tố kinh tế
Kinh tế là một phạm trù rộng, là yếu tố mang tính nền tảng, tác động đến VPPL từ tính chất, cơ cấu cho đến số lượng, ở cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Các nghiên cứu đã chỉ ra, tội phạm được coi là kết quả của việc các cá nhân cân nhắc hợp lý giữa chi phí và lợi ích của các hình thức lao động hợp pháp và bất hợp pháp. Do đó, nếu cá nhân đối mặt với thị trường lao động được cải thiện, lợi nhuận từ hoạt động hợp pháp sẽ tăng lên và hành vi hợp pháp của cá nhân sẽ thay thế khỏi các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, bùng nổ kinh tế địa phương thường đi kèm với sự gia tăng tội phạm[16].  
-Yếu tố chính trị
Chính trị, theo nghĩa chung nhất, là sự ổn định, bền vững của thể chế, hệ thống chính trị, cách thức vận hành quyền lực nhà nước, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi cho các hành vi pháp luật. Ở góc độ hẹp, chính trị thể hiện qua chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền, là nền tảng để thể chế hóa thành pháp luật của nhà nước, cung cấp những định hướng phát triển cho các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời định hình hành vi cho con người trong xã hội.
Một nghiên cứu của Élise Désilets, Benoit Brisson và Sébastien Hétu chỉ ra rằng: "Càng có nhiều cá nhân có quan điểm chính trị theo định hướng đúng đắn, họ càng nhạy cảm với việc vi phạm CMXH, ngay cả khi xem xét nhiều biến số nhân khẩu học. Kết quả cho thấy rằng, định hướng chính trị, đặc biệt là theo các vấn đề về bản sắc, là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự khác biệt giữa các cá nhân trong quá trình xử lý các chuẩn mực xã hội... Hệ tư tưởng chính trị, có thể được coi là phương tiện để hướng dẫn và cấu trúc hành vi xã hội, và cả hai đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu hành vi không chắc chắn và mơ hồ. Điều này làm nảy sinh khả năng rằng, cách mọi người phản ứng với những vi phạm CMXH có thể liên quan đến sự khác biệt của cá nhân trong định hướng chính trị[17].
-Yếu tố văn hóa, xã hội
Văn hóa nói chung, văn hóa xã hội, pháp lý nói riêng cũng có tác động không nhỏ đến VPPL. Nó chi phối nhận thức, thái độ, kỹ năng của chủ thể có thẩm quyền, đồng thời tác động đến mức độ quan tâm, tham gia của các chủ thể khác trong xã hội vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý VPPL. Nếu ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước mang tính tích cực, coi trọng trách nhiệm, đạo đức công vụ, sẽ góp phần hạn chế VPPL từ quá trình thực thi pháp luật của mình. Cùng với đó, trạng thái xã hội có văn hóa sẽ tạo nên một môi trường mà ở đó, các QHXH phát triển lành mạnh, các thành viên ứng xử với nhau một cách tích cực, tuân thủ các CMXH. 
-Yếu tố pháp luật
Yếu tố pháp luật có tác động mạnh mẽ đến VPPL. Pháp luật thể hiện tính chất, mức độ, hiệu lực và hiệu quả điểu chỉnh các quan hệ xã hội, định hình quy tắc hành vi của các thành viên, hợp nhất, tạo liên kết đồng thời điều chỉnh các quan hệ xã hội cho phù hợp với mong muốn của cộng đồng. Pháp luật cũng đồng thời là khuôn mẫu cho hoạt động của các chủ thể công quyền, giới hạn quyền lực của nhà nước trong tương quan với bảo vệ tự do, phẩm giá của con người. Do đó, nếu pháp luật chất lượng, phù hợp, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật sẽ thực hiện theo đúng khuôn khổ mà các quy tắc hành vi đã quy định trong pháp luật. Ngược lại, nếu pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, chất lượng và hiệu lực thấp, sẽ làm nảy sinh nhiều VPPL, thái độ chống đối, coi thường pháp luật, đặc biệt là những VPPL từ phía các chủ thể có thẩm quyền.
-Yếu tố thuộc bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế
Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội về phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, các dịch vụ, tiện ích tiêu dùng... nhưng cũng không ít thách thức. Trong đó, sự xuất hiện của những tác nhân vô chính phủ, gồm các tổ chức, cá nhân đang thống lĩnh nhiều khu vực trên thế giới như những nhóm hồi giáo cực đoan, những trùm mafia, những thủ lĩnh thuốc phiện... đang trở thành những trung tâm quyền lực linh hoạt, nhưng lại khó tiếp cận, chúng tạo thành những vùng không gian trong quốc gia nhưng lại nằm ngoài luật pháp nhà nước, không thể kiểm soát. Nguy cơ khủng bố, bất an cho quốc gia ngày càng tăng bởi những tổ chức này đôi khi nắm giữ những tiến bộ về nhiều mặt của nhân loại: vũ khí, gen, hóa sinh. Đi cùng với đó là tác nhân dưới dạng các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, vận chuyển ma túy, khủng bố, các dòng tài chính bất đoán đang luân chuyển hàng ngày trên thị trường chứng khoán...[18] Tất cả đó, đều có thể tác động tiêu cực lên hành vi của các cá nhân, tổ chức, làm VPPL xuất hiện, phức tạp và có xu hướng gia tăng.
-Hiệu quả của cơ chế thực thi, bảo vệ pháp luật
Cơ chế thực thi, bảo vệ pháp luật nghiêm minh, đúng đắn sẽ làm giảm thiểu VPPL và ngược lại. Bởi, VPPL một mặt sẽ đến từ chính những chủ thể có thẩm quyền trong quá trình vận hành quyền lực của mình, mặt khác, sẽ đến từ nhiều chủ thể khác trong xã hội nếu VPPL không được xử lý nghiêm, khi đó, tính giáo dục, răn đe của pháp luật, của hoạt động tố tụng giảm sút, là tiền đề cho VPPL. 
-Yếu tố nhân thân
Nhân thân của một con người là tổng thể tất cả các dấu hiệu, đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội, đạo đức, tâm lý, trong sự kết hợp với điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng tới hành vi vi phạm của người đó. Nhân thân thay đổi theo thời gian vì các yếu tố quy định nhân thân cũng thay đổi theo thời gian, bao gồm: thành phần xã hội, giới tính, lứa tuổi, dân tộc, tình trạng gia đình, các yếu tố sinh học, giáo dục, trình độ học vấn, điều kiện sinh sống, sử dụng chất kích thích, các đặc điểm xã hội, định hướng giá trị, các mối quan hệ trong đại và tiểu môi trường người đó sinh sống... Nhân thân là một phạm trù rất rộng, do đó, từng khía cạnh thuộc nội hàm của nó cũng có thể là những tác nhân quan trọng tác động đến VPPL.
5. Hệ quả xã hội của vi phạm pháp luật
Hệ quả xã hội của VPPL là kết quả trực tiếp sinh ra từ VPPL, trong quan hệ với VPPL, dựa trên những yếu tố như: hoàn cảnh, trạng thái xã hội thu được, văn hóa, tính chất, mức độ của VPPL, tính chất của các quan hệ xã hội bị xâm hại.
Về cơ bản, hệ quả của VPPL là các hậu quả - kết quả không hay cho xã hội. Khi VPPL xảy ra, trước hết, các QHXH được pháp luật bảo vệ sẽ bị xâm hại, đi liền với nó là các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, xã hội sẽ bị hành vi VPPL làm ảnh hưởng, các nhân quyền cơ bản của con người sẽ không được bảo vệ. Những hành vi VPPL thường đi ngược cơ bản với các CMXH, đặc biệt là chuẩn mực pháp luật, làm cho các CMXH đó không phát huy được tác dụng vốn có của nó trong đời sống. VPPL sẽ làm mất trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, và ở một góc độ nào đó, ảnh hưởng đến tính chất, hiệu quả hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền như các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật, vì một trong những nhiệm vụ chính của họ là phòng chống VPPL, từ đó, tác động tiêu cực lên dư luận xã hội, đến ý thức pháp luật.
Tuy vậy, bên cạnh những tác động tiêu cực trên, đôi khi, VPPL cũng có tác động tích cực với xã hội, nếu như các VPPL đến từ những bất cập, lạc hậu của pháp luật và các CMXH, hay của hoạt động vận hành quyền lực của các cá nhân, cơ quan công quyền. Khi đó, VPPL sẽ giúp bộc lộ những yêu cầu của thực tiễn đời sống, từ đó, thúc đẩy việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả vận hành quyền lực nhà nước, đáp ứng các nhu cầu của sự phát triển xã hội.
Tóm lại, VPPL là một hiện tượng xã hội, nó xuất hiện trong đời sống và tồn tại cùng với sự vận động, phát triển của con người. Việc ngăn ngừa, phòng chống những tác hại của VPPL là công việc của mọi nhà nước, xã hội, và là mối quan tâm của mỗi cá nhân. Những giải pháp cần phải tổng thể, trong đó có việc nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, tính chịu trách nhiệm pháp lý của các chủ thể công quyền trong quá trình vận hành quyền lực, đảm bảo đời sống kinh tế, định hướng chính trị, cùng việc hiện thực hóa nhu cầu lao động của con người, đặc biệt tăng cường giáo dục gia đình, giáo dục ý thức pháp luật và bồi đắp tư chất cho từng cá nhân trong xã hội, để tư chất cá nhân đủ sức là lằn ranh, giữ cho cá nhân không VPPL hoặc biết góp phần phòng chống VPPL./.

 


[1] Võ Khánh Vinh, Xã hội học pháp luật - Những vấn đề cơ bản, Giáo trình Sau đại học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr. 387.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.334.
[3] Ví dụ, vụ việc một bà nội làm bác sĩ ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, sau một thời gian chăm sóc cháu nội bị bại não bẩm sinh, vì muốn vợ chồng con trai, bản thân mình, cháu nội của mình đỡ khổ, được giải thoát khỏi đau đớn, đã đầu độc cháu nội hai lần bằng thuốc độc. Xem thêm "Xóm làng ngỡ ngàng vụ nữ bác sĩ đầu độc cháu nội bại não để 'giải thoát', Tuổi trẻ News, ngày 6/8/2020.
[4] Võ Khánh Vinh, Xã hội học pháp luật - Những vấn đề cơ bản, Giáo trình sau đại học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr. 389-390.
[5] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.340.
[6] The Meaning and Functions of Social Values/ Sociology, Article shared by : Puja Mondal, https://www.yourarticlelibrary.com/sociology/the-meaning-and-functions-of-social-values-sociology/8522. 
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Xã hội học pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.341.
[9] Jump up to:a b c d e Legro, Jeffrey W. (1997). "Which Norms Matter? Revisiting the "Failure" of Internationalism". International Organization. 51 (1): 31–63. doi:10.1162/002081897550294ISSN 0020-8183JSTOR 2703951.
[10] Daron AcemogluMatthew O. Jackson, Social Norms and the Enforcement of Laws, Journal of the European Economic Association, Volume 15, Issue 2, April 2017, Pages 245–295, https://doi.org/10.1093/jeea/jvw006, p.246
[11] J Health Soc Behav, Social Relationships and Health: A Flashpoint for Health Policy, Author manuscript; available in PMC 2011 Aug 4, Published in final edited form as: J Health Soc Behav. 2010; 51(Suppl): S54–S66. doi: 10.1177/0022146510383501.
[12] Larsen, R.R., & Buss, D.M. (2018). Personality Psychology: Domains of Knowledge About Human Nature, Publisher McGraw Hill Education, ISBN (Print)9780077175177.
[13]  Larsen, R.R., & Buss, D.M. (2018). Personality Psychology: Domains of Knowledge About Human Nature, Publisher McGraw Hill Education, ISBN (Print)9780077175177.
[14] Larsen, R.R., & Buss, D.M. (2018). Personality Psychology: Domains of Knowledge About Human Nature, Publisher McGraw Hill Education, ISBN (Print)9780077175177.
[15] Ramírez-Esparza, N., Gosling, S.D., Benet-Martínez, V., Potter, J.P., & Pennebaker, J.W. (2006). Do bilinguals have two personalities? Journal of Research in Personality, 2, 99-120.
[16] Grinols và Mustard, 2006; Freedman và Owens, 2016; James và Smith, 2017.
[17] Élise Désilets,Benoit Brisson,Sébastien Hétu, Sensitivity to social norm violation is related to political orientation, Pub Date : 2020-12-01, DOI: 10.1371/journal.pone.0242996.
[18] Phạm Thái Việt, Vấn đề điều chỉnh chức năng và thể chế của nhà nước dưới tác động của toàn cầu hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 25-30.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (456), tháng 04/2022.)


Ý kiến bạn đọc