Cơ quan tài phán quốc tế và thực thi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế

15/06/2022

PGS.TS. NGUYỄN THỊ THUẬN

Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt:Tranh chấp và giải quyết tranh chấp quốc tế là thực tế mà các quốc gia trong quá trình hợp tác đều phải đối diện ở các mức độ và phạm vi khác nhau. Nguyên tắc và các biện pháp giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận trong khá nhiều văn bản pháp lý quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc. Giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế là một trong những biện pháp mà các chủ thể tranh chấp trong đó có Việt Nam có thể lựa chọn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản về cơ quan tài phán quốc tế cũng như việc thực thi phán quyết của cơ quan này.
Từ khóa: Cơ quan tài phán quốc tế, phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế.
Abstract: Disputes and settlement of international disputes are practical matters that countries in the cooperation process have to face at different levels and scopes. Settlement principles and methods for the disputes have been recognized in several international legal documents, including the Charter of the United Nations. Settlement of disputes in international jurisdictions is one of the methods that concerned parties, including Vietnam may use as an option. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the basic legal issues of international jurisdictions as well as the enforcement of their judgments.
Keywords: International jurisdictions; judgment of international jurisdiction.
TÀI-PHÁN-QUỐC-TẾ.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.Tổng quan về cơ quan tài phán quốc tế
Giải quyết tranh chấp (GQTC) thông qua cơ quan tài phán quốc tế (CQTPQT) là một trong những phương thức GQTC quốc tế được ghi nhận trong các điều ước quốc tế (ĐƯQT) trên rất nhiều lĩnh vực, từ các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế, biên giới lãnh thổ, quan hệ ngoại giao lãnh sự cho đến đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, quyền con người… Đặc điểm cơ bản nhất của phương thức này là tranh chấp giữa các bên được CQTPQT giải quyết thông qua trình tự, thủ tụng tố tụng và kết quả GQTC có giá trị pháp lý ràng buộc với các bên.
CQTPQT là cơ quan được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế nhằm thực hiện chức năng GQTC quốc tế theo trình tự, thủ tục tố tụng. Các CQTPQT hiện nay bao gồm tòa án quốc tế, điển hình như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS), Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU)… và trọng tài quốc tế như Tòa Trọng tài thường trực Lahaye (PCA), Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982. Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, CQTPQT còn bao gồm cả thiết chế trong khuôn khổ WTO hay ASEAN[1]. So với cơ quan tài phán quốc gia, CQTPQT có những đặc điểm khác biệt cơ bản sau:
Thứ nhất, về sự hình thành, CQTPQT hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế; trong đó, chủ yếu là quốc gia. Điều này có nghĩa là, CQTPQT không được hình thành, không hoạt động trên cơ sở quyền lực nhà nước và không nhân danh bất kỳ quốc gia nào. Đây thực chất chỉ là một thiết chế do các chủ thể của luật quốc tế, chủ yếu là quốc gia thỏa thuận xây dựng nên nhằm GQTC phát sinh giữa những chủ thể này trong quan hê quốc tế. Đây chính là sự khác biệt về bản chất giữa CQTPQT và cơ quan tài phán quốc gia. Do được hình thành trên cơ sở thỏa thuận nên tất cả những vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan này như thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, trình tự, thủ tục tố tụng… sẽ do các chủ thể của luật quốc tế thỏa thuận quyết định và ghi nhận trong các ĐƯQT cũng như nội quy, quy chế với ý nghĩa là cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của CQTPQT. Chẳng hạn, ICJ được thành lập trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) (Chương XIV) và được tổ chức, hoạt động theo Quy chế, Nội quy của Tòa; trong đó, Hiến chương LHQ quy định rõ chức năng, vị trí và mối quan hệ của Tòa với các cơ quan khác của LHQ[2]; Quy chế[3], Nội quy[4] ghi nhận cụ thể về tổ chức, quyền hạn cũng như thủ tục tiến hành các quyền hạn của Tòa.
Thứ hai, về thẩm quyền,CQTPQT không có thẩm quyền đương nhiên. Đặc điểm này thực chất cũng xuất phát từ đặc điểm đầu tiên, đó là bản chất của CQTPQT không phải là cơ quan trong bộ máy nhà nước của quốc gia, nên thẩm quyền của CQTPQT không bắt nguồn từ quyền lực nhà nước cũng như không được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của quốc gia. CQTPQT chỉ có thẩm quyền khi được các bên tranh chấp chấp nhận và cũng chỉ được giải quyết những nội dung trong phạm vi mà các bên yêu cầu. Nói cách khác, vì là một thiết chế do các chủ thể thành lập ra để giải quyết tranh chấp nên chỉ khi nào được các bên tranh chấp yêu cầu, thông qua sự chấp nhận thẩm quyền, CQTPQT mới có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Sự chấp nhận này có thể được thể hiện bằng nhiều cách thức, trong đó phổ biến là thông qua các tuyên bố, các thỏa thuận đặc biệt chấp nhận thẩm quyền hoặc chấp nhận theo quy định của ĐƯQT.
Chẳng hạn đối với ICJ, Tòa chỉ có thẩm quyền GQTC khi được các bên tranh chấp chấp nhận thẩm quyền theo một trong ba cách thức sau: (1) Thỏa thuận đặc biệt chấp nhận thẩm quyền của Tòa theo vụ việc (khoản 1 Điều 36 Quy chế của Tòa)[5]; (2) Chấp nhận thẩm quyền của Tòa theo ĐƯQT (khoản 1 Điều 36 Quy chế của Tòa)[6] và (3) Tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của Tòa. Theo quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Quy chế của Tòa, các quốc gia có thể bất kỳ lúc nào tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ trong việc giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan đến giải thích ĐƯQT hoặc bất kỳ vấn đề nào của luật quốc tế hoặc bất kỳ một hành vi nào cấu thành sự vi phạm pháp luật quốc tế hoặc liên quan đến vấn đề bồi thường do hành vi vi phạm pháp luật quốc tế[7]. Trong trường hợp, một trong các bên tranh chấp tuyên bố phản đối thẩm quyền của Tòa, ICJ sẽ ra phán quyết sơ bộ xác định mình có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp hay không. Trong quá trình hoạt động, ICJ đã đưa ra phán quyết sơ bộ xác định thẩm quyền của mình trong một số vụ tranh chấp được đưa ra trước Tòa như vụ eo biển Corfu giữa Anh và Albani, vụ quyền của các công dân Hoa Kỳ giữa Pháp và Hoa Kỳ hay vụ ngôi đền Preah Vihear giữa Cambodia và Thái Lan…
Tương tự ICJ, ITLOS cũng chỉ có thẩm quyền GQTC khi được các bên tranh chấp chấp nhận thẩm quyền theo một trong ba cách thức sau:
Một là, chấp nhận theo tuyên bố đơn phương. Điều 287 Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định, khi ký kết, phê chuẩn, tham gia Công ước hoặc ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản, được quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước gồm: ITLOS; ICJ; một Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước; một Tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng biệt như nghiên cứu khoa học biển, nghề cá, giao thông vận tải biển... được thành lập theo đúng Phụ lục VIII của Công ước[8]. Như vậy, nếu tất cả các bên tranh chấp đều lựa chọn ITLOS là cơ quan tài phán GQTC thì Tòa này sẽ có thẩm quyền giải quyết; ngược lại, trong trường hợp các bên không thống nhất được trong việc lựa chọn cơ quan tài phán thì tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác (Khoản 5 Điều 287)[9];
Hai là, chấp nhận theo ĐƯQT[10];
Ba là chấp nhận theo từng vụ việc. Theo quy định của Điều 21 Quy chế ITLOS[11], Tòa  có thẩm quyền đối với các tranh chấp, yêu cầu được đưa ra trước Tòa theo đúng các quy định của Công ước và đối với tất cả các trường hợp được quy định trong bất kỳ thoả thuận nào khác trao thẩm quyền cho Tòa. Trong trường hợp thẩm quyền của Tòa chưa được xác lập bằng tuyên bố đơn phương của các bên hoặc theo những điều khoản trong các ĐƯQT thừa nhận trước thẩm quyền của Tòa, các bên tranh chấp có thể thiết lập một thoả thuận đồng ý đưa vụ việc ra trước Tòa. Thoả thuận phải ghi rõ các bên liên quan, vấn đề tranh chấp, các lập luận viện dẫn, yêu cầu đối với Tòa án, chỉ định thẩm phán ad hoc (nếu có). Trong thoả thuận, các bên cũng có thể đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn phù hợp với Điều 28 Nội quy của Tòa.
Đối với trọng tài quốc tế, thẩm quyền của các tòa trọng tài được xác định trên cơ sở các điều khoản trọng tài ghi nhận trong ĐƯQT hoặc các thỏa thuận trọng tài ký kết giữa các bên. Chẳng hạn, thẩm quyền của PCA được xác định trên cơ sở sự nhất trí của các bên đối với thẩm quyền của Tòa và sự nhất trí này được ghi nhận trong các ĐƯQT đa phương, song phương[12], như Công ước về bảo tồn một số loài động vật hoang dã di trú năm 1979 (Điều 13)[13], Công ước về bảo tồn các loài sinh vật biển tại Nam Cực năm 1980 (Điểm b Điều 1), Hiệp ước về biên giới và tình hữu nghị quốc gia giữa Iran và Iraq (Điều 6) [14], cũng như các thỏa thuận trọng tài như Thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Hà Lan liên quan đến chủ quyền đối với đảo Palmas (Điều I – III)[15], Thỏa thuận trọng tài giữa Chính phủ Sudan và Phong trào giải phóng nhân dân về phân định Abyei[16].
Thứ ba, về giá trị pháp lý của phán quyết và luật áp dụng để GQTC tại CQTPQT: Phán quyết của các CQTPQT có giá trị chung thẩm và bắt buộc với các bên tranh chấp. Điều này có nghĩa là, phán quyết của các CQTPQT là kết quả GQTC cuối cùng và các bên không thể kháng cáo lên bất kỳ một cơ quan nào khác. Đồng thời, các bên tranh chấp có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành đầy đủ phán quyết đã được đưa ra. Bên cạnh đó, để bao đảm phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, cũng như đảm bảo sự công bằng cho các bên, CQTPQT sẽ áp dụng luật quốc tế, bao gồm cả luật hình thức và luật nội dung để GQTC. Trong đó, luật hình thức là các quy tắc, thủ tục tố tụng được ghi nhận trong các ĐƯQT và nội quy, quy chế của CQTPQT[17]; luật nội dung là các quy định của luật quốc tế làm cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề trong vụ tranh chấp[18]. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên tranh chấp GQTC theo phương thức trọng tài, tòa trọng tài có thể áp dụng luật quốc gia để giải quyết nếu các bên chấp nhận áp dụng luật quốc gia[19].
Thứ tư, về địa vị pháp lý, từ thực tiễn hình thành, tồn tại và phát triển của các thiết chế tài phán quốc tế, có thể thấy, mặc dù các CQTPQT hiện nay có cùng chức năng GQTC quốc tế, nhưng địa vị pháp lý không giống nhau, cụ thể:
- Cơ quan tài phán tồn tại hoàn toàn độc lập: thuộc nhóm này là các thiết chế tài phán như Tòa PCA; Tòa án Luật Biển; Trọng tài Luật Biển.... Cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của những thiết chế này là các ĐƯQT được các quốc gia thỏa thuận ký kết. Các ĐƯQT này xác định rõ chức năng, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động.... của những cơ quan nêu trên.
- Cơ quan tài phán tồn tại với tư cách là một trong những cơ quan của tổ chức quốc tế liên chính phủ: thuộc nhóm này chính là ICJ, CJEU… Mặc dù là thiết chế tài phán, nhưng xét về bản chất, những cơ quan này cũng chỉ là cơ quan thuộc cơ cấu tổ chức của một tổ chức quốc tế liên chính phủ. Chức năng, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức… cũng như quan hệ giữa cơ quan tài phán với các cơ quan khác thuộc tổ chức quốc tế đó cũng được xác định rõ trong các ĐƯQT có liên quan[20].
 2. Thực thi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế
So với các biện pháp GQTC khác như đàm phán trực tiếp, trung gian, hòa giải... GQTC tại CQTPQT có những ưu điểm không thể phủ nhận như trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức của thẩm phán, trọng tài viên; trình tự thủ tục tố tụng rõ ràng... Các yếu tố này đảm bảo cho tính khách quan, công bằng của kết quả GQTC. Phán quyết của CQTPQT được thi hành trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế mà không có cơ chế đảm bảo thi hành như phán quyết của cơ quan tài phán quốc gia.
 Xuất phát từ bản chất của CQTPQT không phải là cơ quan nhà nước của một quốc gia cụ thể; vì vậy, phán quyết của CQTPQT không nhân danh nhà nước và không thể được đảm bảo bằng quyền lực của bất kỳ quốc gia nào. Mặc khác, do các chủ thể của luật quốc tế bình đẳng với nhau nên không thể tồn tại một bộ máy cưỡng chế đảm bảo thi hành. Điều này có nghĩa là các chủ thể, về nguyên tắc, phải tự nguyên, thiện chí thực hiện đầy đủ phán quyết do CQTPQT đưa ra. Ngược lại, nếu các bên không thi hành, điều này sẽ cấu thành hành vi vi phạm pháp luật quốc tế và chủ thể đó sẽ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế do sự vi phạm của mình. Nói cách khác, nếu không thi hành phán quyết, quốc gia sẽ phải gánh chịu những hệ quả pháp lý bất lợi từ phía chủ thể có liên quan. Đây thực chất chính là cơ chế cưỡng chế trong luật quốc tế khi một chủ thể có hành vi vi phạm. Khác với luật quốc gia, trong luật quốc tế, cơ chế cưỡng chế mang tính chất “tự thân”, tức là khi một chủ thể bị chủ thể khác có hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, xâm hại các quyền và lợi ích của mình, bản thân chủ thể đó có quyền tiến hành những biện pháp trong khuôn khổ luật quốc tế để đáp trả hành vi vi phạm. Thực tiễn cho thấy trường hợp thẩm quyền và phán quyết của CQTPQT đã không được thừa nhận và thực thi. Đặc biệt, khi bên thua kiện là quốc gia có vị thế và tầm ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế. Ví dụ, Trung quốc trong vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII  UNCLOS, Hoa Kỳ trong vụ kiện của Nicaragoa tại ICJ, Liên bang Nga trong vụ việc Ukraine cáo buộc Nga ủng hộ phe ly khai ở Crimea và miền đông Ukraine chống lại nước này… chính là những minh chứng điển hình.
Để đảm bảo thi hành phán quyết của CQTPQT, một số ĐƯQT quy định cơ chế riêng nhằm tăng cường hiệu quả trong việc thực thi phán quyết của CQTPQT. Ví dụ, Điều 94 Hiến chương LHQ quy định: “Mỗi thành viên LHQ cam kết tuân theo phán quyết của Tòa án quốc tế trong mọi vụ tranh chấp mà thành viên ấy là đương sự. Nếu một bên đương sự trong vụ tranh chấp không thi hành những nghĩa vụ mà họ phải chấp hành theo phán quyết của Tòa án thì bên kia có quyền khiếu nại với Hội đồng bảo an. Hội đồng bảo an nếu thấy cần thiết có thể kiến nghị hoặc quyết định những biện pháp để làm cho phán quyết này được chấp hành”. Hoặc theo quy định của Điều 260 Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (TFEU) năm 2009, khi một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bị Ủy ban châu Âu hoặc một quốc gia thành viên khác kiện ra trước CJEU vì cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật Liên minh, nếu Tòa khẳng định có hành vi vi phạm thì quốc gia thành viên liên quan sẽ phải thực hiện ngay các biện pháp phù hợp với phán quyết của Tòa. Trong trường hợp Tòa nhận thấy quốc gia không tuân thủ phán quyết của mình, Tòa có thể áp đặt một biện pháp xử phạt tài chính trọn gói hoặc định kỳ đối với quốc gia đó (Khoản 2 Điều 260 TFEU). Việc này đã xảy ra vài lần, chẳng hạn như khi thủ tục này được áp dụng lần đầu tiên, vào tháng 7/2000, trong vụ C-387/97 Commission v. Hellenic Republic, Tòa án đã áp đặt một mức phạt là 20.000 Euro/ngày đối với Hy Lạp trong thời gian nước này không thực hiện phán quyết của Tòa[21]. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Hội đồng bảo an hay bản thân CJEU là cơ quan thi hành phán quyết. Cơ sở để Hội đồng bảo an hay CJEU áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành phán quyết với quốc gia là Hiến chương LHQ, Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu – Những ĐƯQT làm cơ sở pháp lý cho sự ra đời và/hoặc hoạt động của những tổ chức quốc tế mà các cơ quan tài phán này là một trong các thiết chế của tổ chức quốc tế đó. Nói cách khác, quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế của cơ quan tài phán trong trường hợp trên thực chất xuất phát từ sự thỏa thuận của các quốc gia thành viên nhằm đảm bảo cho luật quốc tế được tuân thủ.
Cho đến nay, mặc dù vẫn có quan điểm đánh giá luật quốc tế trong lĩnh vực GQTC và thực thi phán quyết là khá “lỏng lẻo” do thiếu vắng các biện pháp đảm bảo thi hành phán quyết hoặc bản thân các biện pháp đó cũng không hiệu quả trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, thực tiễn cũng có nhiều minh chứng cho thấy sự tùy thuộc lẫn nhau trong quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng thì một vấn đề mà các quốc gia không thể bỏ qua – đó là những phản ứng, áp lực… của cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế…. cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các quốc gia thực thi, tuân thủ pháp luật quốc tế và kết quả GQTC của CQTPQT.
Trong quan hệ quốc tế, tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Giải quyết nhanh chóng, hiệu quả tranh chấp góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác phát triển. Trong qua trình hoạt động, thông qua việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp quốc tế, các cơ quan tài phán mà điển hình là ICJ đã có những đóng góp không thể phủ nhận cho sự phát triển của pháp luật quốc tế[22]. Có thể thấy, với sự vô tư khách quan, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thẩm phán, trọng tài viên… thủ tục, trình tự tố tụng rõ ràng…, GQTC thông qua các CQTPQT đã, đang và sẽ là lựa chọn của nhiều quốc gia. Việt Nam là bên có liên quan trong một số tranh chấp rất phức tạp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông. Vì vậy, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng đàm phán trực tiếp, Việt Nam cần tính đến biện pháp tài phán để sẵn sàng cho việc GQTC tại các thiết chế tài phán dù với tư cách nguyên đơn hay bị đơn./.  

 


[1] Xem Vũ Quốc Khánh, Luận án tiến sỹ “Tham gia vụ giải quyết tranh chấp với tư cách là bên thứ 3 tại các thiết chế tài phán quốc tế” - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021.
[2] Xem thêm: Hiến chương LHQ từ Điều 92 đến Điều 96; https://icj-cij.org/en/charter-of-the-united-nations#Chapter14, truy cập ngày 15/08/2021
[3] Xem thêm: Quy chế của Tòa án công lý quốc tế LHQ; https://icj-cij.org/en/statute, truy cập ngày 15/08/2021.
[4] Xem thêm: Nội quy của Tòa án công lý quốc tế LHQ; https://icj-cij.org/en/rules, truy cập ngày 15/08/2021.
[5] Đến nay có 16 vụ việc được giải quyết tại Tòa trên cơ sở thỏa thuận đặc biệt chấp nhận thẩm quyền của Tòa theo vụ việc như vụ kiện về tỵ nạn giữa Colombia/Peru; Chủ quyền đối với các vùng đất biên giới giữa Bỉ/Hà Lan; Thềm lục địa Biển Bắc giữa Đức/Đan Mạch; Phân định biển tại Vịnh Gulf giữa Canada/Hoa Kỳ; Thềm lục địa giữa Lybia/Malta; Tranh chấp đất liền, đảo và biên giới biển giữa El Salvador/Honduras; Tranh chấp lãnh thổ giữa Lybia/Chad; Dự án đập Gabcíkovo-Nagymaros giữa Hungary/Slovakia; Đảo Kasikili/Sedudu giữa Botswana/Namibia; Chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Indonesia/Malaysia…  Nguồn: https://icj-cij.org/en/basis-of-jurisdiction, truy cập ngày 15/08/2021.
[6] Có hơn 400 điều ước quốc tế có điều khoản ghi nhận thẩm quyền của Toà án công lý quốc tế LHQ như: Công ước Viên năm 1961 về Quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ lãnh sự, Công ước của LHQ về Chống tham nhũng, Công ước về Chống việc bắt con tin, Công ước Chống tra tấn hoặc các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo... Chẳng hạn, Điều 66 Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế quy định rằng “Tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Điều 53 hoặc Điều 64 của Công ước sẽ được đưa ra giải quyết tại Toà án Quốc tế LHQ, trừ khi các bên nhất trí giải quyết bằng trọng tài”. Như vậy, theo Điều 66, ICJ sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên của Công ước Viên 1969 liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước khi các bên đưa vụ tranh chấp ra giải quyết trước ICJ, trừ khi các bên nhất trí giải quyết bằng trọng tài hoặc quốc gia thực hiện bảo lưu điều khoản này.
Các điều ước quốc tế cụ thể ghi nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án Công lý quốc tế LHQ xem tại https://icj-cij.org/en/treaties, truy cập ngày 19/08/2021.
[7] Danh sách 74 quốc gia đã đưa ra tuyên bố đơn phương chấp nhận thẩm quyền của ICJ và nội dung của các tuyên bố này xem tại https://icj-cij.org/en/declarations, truy cập ngày 19/08/2021.
[8] Đến thời điểm này đã có 53 quốc gia đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế về Luật Biển. Chắng hạn, tuyên bố của Angola ghi nhận rằng “Chính phủ Angola tuyên bố, theo Khoản 1 Điều 287 Công ước Luật Biển năm 1982, Angola lựa chọn Tòa án quốc tế về luật biển để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng các quy định của Công ước này” hoặc Tuyên bố của Australia khi gia nhập Công ước Luật Biển năm1982 đã lựa chọn cơ quan tài phán để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong việc giải thích, áp dụng Công ước theo thứ tự (1) Tòa án quốc tế về Luật Biển, (2)Tòa án công lý quốc tế LHQ.
Danh sách các quốc gia đã đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế về Luật Biển theo Điều 287 và nội dung cụ thể của các tuyên bố xem thêm tại https://www.itlos.org/en/main/jurisdiction/declarations-of-states-parties/declarations-made-by-states-parties-under-article-287/, truy cập ngày 20/08/2021.
[9] Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, vì cả hai nước đều là thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nên những điều khoản của Công ước sẽ được áp dụng để xác định Tòa trọng tài theo Phụ lục VII có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này hay không. Trong Tuyên bố lập trường ban hành tháng 12 năm 2014 cũng như các tuyên bố chính thức khác, Trung Quốc đều tuyên bố không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines khởi xướng. Do hai bên không thống nhất được với nhau trong việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp nên trong phán quyết sơ bộ của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII ngày 29/10/2015, Tòa đã căn cứ vào khoản 5 Điều 287 như một trong những cơ sở pháp lý để tuyên bố Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Như vậy, trong vụ kiện này, thẩm quyền của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII được xác định trên cơ sở điều ước quốc tế mà các bên tranh chấp đều là thành viên. Điều này vẫn không trái với đặc điểm về thẩm quyền không đương nhiên của CQTPQT.  
[10] Hiện nay, có 15 điều ước quốc tế đa phương và 5 điều ước song phương có điều khoản ghi nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh trong việc giải thích, áp dụng các điều ước đó tại Tòa án quốc tế về Luật Biển như Nghị định thư năm 1969 đối với Công ước năm 1972 về ngăn chặn ô nhiễm biển do việc đổ các chất thải và một số lý do khác (Điều 16); Hiệp ước về giải thích các điều khoản của Công ước 1982 liên quan đến bảo tồn và quản lý lượng cá lưỡng cư và di cư năm 1995; Thoả thuận năm 1993 về tăng cường các biện pháp quốc tế đối với các tàu đánh cá ở biển cả nhằm gìn giữ và quản lý nguồn cá; Thoả thuận về gìn giữ nguồn cá ở vùng biển Đông Nam Thái Bình Dương năm 2000; Công ước năm 2001 về bảo vệ di sản văn hoá trong lòng biển; Công ước năm 2000 về gìn giữ và quản lý trữ lượng cá di cư ở Tây và Trung Thái Bình Dương; Công ước năm 2001 về gìn giữ và quản lý nguồn cá ở Đông Nam Đại Tây Dương; Công ước về hợp tác đa phương trong tương lai về nghề cá tại Đông Bắc Đại Tây Dương; Thoả thuận về nghề cá ở Nam Ấn Độ Dương và Công ước quốc tế Nairobi về di dời rác thải…
Chẳng hạn, Điều 33 Công ước về các điều kiện tối thiểu để tiếp cận và khai thác những tài nguyên biển trong các khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của các quốc gia thành viên Ủy ban nghề cá tiểu khu vực năm 2012 quy định rằng, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia thành viên trong việc giải thích, áp dụng Công ước này, nều không giải quyết được bằng các biện pháp trung gian, hòa giải sẽ được giải quyết tại Tòa án quốc tế về Luật Biển.
Danh sách các điều ước quốc tế ghi nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của ITLOS và nội dung cụ thể của những điều khoản này xem thêm tại https://www.itlos.org/en/main/jurisdiction/international-agreements-conferring-jurisdiction-on-the-tribunal/, truy cập ngày 20/08/2021.
[11] Xem: Quy chế của Tòa án quốc tế về Luật Biển; https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/basic_texts/statute_en.pdf, truy cập ngày 20/08/2021.
[12] Các điều ước ghi nhận thẩm quyền của PCA xem tại: https://pca-cpa.org/en/documents/instruments-referring-to-the-pca/, truy cập ngày 21/08/2021.
[13] Điều 13 Công ước về bảo tồn một số loài động vật hoang dã di trú quy định rằng: “Trong trường hợp tranh chấp giữa các thành viên của Công ước không giải quyết được trên cơ sở thương lượng, các bên, trên cơ sở nhất trí, có thể giải quyết tranh chấp tại PCA”; https://docs.pca-cpa.org/2016/01/Convention-on-the-Conservation-of-Migratory-Species-of-Wild-Animals.pdf, truy cập ngày 19/08/2021.
[14] Xem: https://docs.pca-cpa.org/2016/11/Treaty-concerning-the-State-frontier-and-neighbourly-relations-between-Iran-and-Iraq-Article-6-and-Addendum.pdf, truy cập ngày 19/08/2021.
[15] Xem: https://docs.pca-cpa.org/2016/11/USA-Netherlands-Agreement-regarding-the-Sovereignty-over-the-Island-of-Palmas-or-Miangas.pdf, truy cập ngày 20/08/2021.
[16] Xem: https://docs.pca-cpa.org/2016/02/Arbitration-Agreement-between-The-Government-of-Sudan-and-The-Sudan-People%E2%80%99s-Liberation-Movement_Army-on-Delimiting-Abyei-Area-July-7-2008.pdf, truy cập ngày 21/08/2021.
[17] Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý quốc tế LHQ được quy định trong Quy chế (Chương 3, từ Điều 39 – 64) và Nội quy của Tòa (Phần III) hay thủ tục giải quyết tranh chấp tại PCA sẽ tuân theo các quy định được ghi nhận trong Nội quy trọng tài thường trực Lahaye (PCA) 2012 (Xem Nội quy của PCA 2012 tại địa chỉ: https://docs.pca-cpa.org/2015/11/PCA-Arbitration-Rules-2012.pdf, truy cập ngày 19/08/2021).
[18] Khoản 1 Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý quốc tế LHQ quy định rằng: “Tòa án Công lý quốc tế LHQ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trên cơ sở luật quốc tế sẽ áp dụng: Các điều ước quốc tế, chung hoặc riêng, đã quy định về những nguyên tắc được các bên đang tranh chấp thừa nhận; Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật; Nguyên tắc chung của luật; các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau được coi là phương tiện để xác đinh các qui phạm pháp luật”.
[19] Trong vụ Trail Smelter giữa Canada và Hoa Kỳ năm 1939 – 1941 về việc xác định khói thải từ lò luyện kim Trail ở Canada nằm cách biên giới Hoa Kỳ 7 dặm, có gây thiệt hại cho tiểu bang Washington hay không và nếu có, lò luyện kim phải bồi thường bằng những hình thức nào cũng như phải có những biện pháp nào nhằm ngăn ngừa những tác hại trong tương lai. Trọng tài đã cho rằng, trong trường hợp này, luật Hoa Kỳ áp dụng phù hợp hơn luật quốc tế nên đã áp dụng các quy định của luật Hoa Kỳ để giải quyết vụ việc này.
[20] Xem Quy chế Tòa án Công lý quốc tế.
[21] Xem: https://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?language=en&jur=C,T,F&num=68/88&td=ALL, truy cập ngày 01/09/2021.
[22] Tòa án công lý quốc tế - Nguyễn Hồng Thao – trang 175, Nxb. CTQG, HN 2000.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (455), tháng 04/2022.)