Hình thức của di chúc trong pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ

30/12/2021

THS. LƯU THỊ PHẤN

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Tóm tắt: Nhìn lại quá trình phát triển hệ thống pháp luật về thừa kế ở nước ta, có thể thấy, hình thức của di chúc đã được quan tâm và quy định sơ khai ngay từ những văn bản pháp luật thời kỳ phong kiến và ngày càng được hoàn thiện qua các văn bản pháp luật sau này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quy định của pháp luật về hình thức di chúc hiện hành vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt trong công tác giải quyết các tranh chấp về thừa kế, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Từ khóa: Hình thức di chúc, pháp luật dân sự.
Abstract: Looking back at the development of the inheritance legal system in in our country, it can be seen that the form of wills has been paid attention to and primordially regulated right from legal documents during the feudal period. The form is increasingly being improved in later legal documents. However, besides the achievements, the current law on the form of wills still reveals limitations in the process of applying it in practice, especially in resolving disputes over inheritance, set out requirements that need to be further reviewed for amendments in the coming time.
Keywords: Form of will, civil law.
 HÌNH-THỨC-DI-CHÚC_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thời kỳ phong kiến
Về hình thức của di chúc, Bộ luật Hồng Đức quy định gồm di chúc miệng (chúc ngôn) và di chúc viết. Đồng thời, Bộ luật áp dụng nguyên tắc tự do lập di chúc và quyết định nội dung di chúc. Khi mở thừa kế, nếu người để lại di sản có lập chúc thư thì di sản sẽ chia theo chúc thư đó; trường hợp không có chúc thư, di sản sẽ được chia theo pháp luật. Đây là những nền tảng cơ bản được các văn bản pháp luật về thừa kế sau này kế thừa, phát triển và hoàn thiện.
Điều 366 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Những người làm chúc thư văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phải phạt 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được”. Như vậy, theo quy định của Bộ luật, bên cạnh hình thức tự viết chúc thư còn có loại chúc thư phải nhờ quan trưởng viết thay và chứng kiến. Ngoài hình thức viết, Điều 388 Bộ luật Hồng Đức còn cho phép lập di chúc miệng: “Nếu có lệnh của ông bà và chúc thư thì phải làm theo đúng, trái thì mất phần mình”. Bộ luật không quy định mệnh lệnh này được phát ra trong tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh nào; vì vậy, có thể hiểu mệnh lệnh có thể được nói ra bất cứ lúc nào cũng đều có giá trị.
Thời nhà Nguyễn, do sự lệ thuộc về chính trị nên pháp luật triều Nguyễn là bản sao chép pháp luật của nhà Thanh (Trung Quốc). So với Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long của triều Nguyễn “không còn những điều khoản liên quan đến hương hỏa, chúc thư, đến chế độ tài sản của vợ chồng”[1].
2. Thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945)
Tại xứ Nam Kỳ, Bộ Dân luật giản yếu đã được ban hành để áp dụng riêng cho lãnh thổ Nam Kỳ. Tuy nhiên, trong Bộ Dân luật giản yếu tất cả những vấn đề về nghĩa vụ, khế ước, thừa kế… đều không được quy định[2].
Tại Bắc Kỳ, Bộ Dân luật Bắc Kỳ được xây dựng dựa trên nền tảng của Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp năm 1804, có kế thừa nhiều quy định của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long. Bộ luật này không nhắc đến hình thức di chúc miệng mà chủ yếu quy định về di chúc viết chi tiết hơn so với trước đây: Điều 323 Bộ Dân luật Bắc Kỳ quy định: “Chúc thư phải làm thành tờ chữ, hoặc do nô te lập hoặc làm thành chứng thư có hay không có viên chức thị thực”.
- Đối với chúc thư không có viên chức thị thực: “phải do chính mình lập chúc thư viết lấy tất cả và ký tên. Nếu do người khác tá tả thì phải có ít là hai người làm chứng. Người lập chúc thư, người tá tả, người chứng phải ký tên.
Phàm người không biết chữ lập chúc thư không có viên chức thị thực thì phải làm tại trước mặt ít ra là hai người chứng biết viết, biết đọc. Các người chứng ấy phải cùng với người tá tả ký tên vào trong chúc thư” (Điều 326).
- Đối với chúc thư làm thành chứng thư có viên chức thị thực: “phải do chính mình người lập chúc thư viết ra, hoặc đọc cho người khác viết hộ, tại trước mặt Lý trưởng nơi trú quán mình, và ít ra phải có hai người chứng đã thành niên” (Điều 324). Trường hợp, nếu người lập chúc thư và các người chứng đều không biết chữ thì Lý trưởng phải biên chú vào trong chúc thư (Điều 325).
Tại Trung Kỳ, Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật sao chép lại hầu hết các điều khoản của Bộ Dân luật Bắc Kỳ, nhưng không đề cập đến di chúc miệng mà chủ yếu quy định về di chúc viết.
Như vậy, so với pháp luật thời kỳ phong kiến, pháp luật thời kỳ Pháp thuộc đã có những bước phát triển về tư duy pháp lý và kỹ thuật lập pháp, nhấn mạnh việc người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Viết đủ nội dung mà chưa ký thì cũng vẫn chỉ là dự thảo. Đây cũng là hình thức quan trọng được các văn bản pháp luật sau này ghi nhận và ngày càng hoàn thiện hơn về cách thức ký tên, đánh số cho chặt chẽ.
3. Thời kỳ 1945 – 1975
Từ năm 1954 đến năm 1975, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai hệ thống chính trị, pháp lý khác nhau. Ở miền Bắc vẫn tiếp tục sử dụng một số luật lệ ở Bắc-Trung-Nam của giai đoạn trước.
Ở miền Nam, áp dụng Bộ Dân luật năm 1972, về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc về kỹ thuật lập pháp và tư duy pháp lý của BLDS Pháp. Cấu trúc và nội dung có nhiều điểm tương đồng với Bộ Dân luật Bắc kỳ và Hoàng Việt Trung kỳ Hộ Luật. Bộ luật cũng không nhắc đến di chúc miệng mà chỉ bao gồm các chúc thư viết: chúc thư tự tả (Điều 574); chúc thư công chính (Điều 575), và chúc thư bí mật (Điều 573). Theo đó, chúc thư tự tả là chúc thư tự viết và chúc thư công chính là chúc thư có công chứng thị thực giống như thời kỳ Pháp thuộc, chỉ khác về mặt câu chữ. Còn chúc thư bí mật là “chúc thư niêm phong kín do người lập di chúc trình cho Chưởng khế trước mặt hai nhân chứng và khai rằng đó là chúc thư của mình viết lấy và thủ ký. Chưởng khế sẽ lập biên bản tiếp nhận, nếu người lập di chúc vì lẽ gì không thể ký vào biên bản thì phải ghi rõ” (Điều 578). Đây là điểm mới so với chúc thư các thời kỳ trước vì chúc thư được niêm phong kín chứ không bắt buộc phải đọc và cho người khác biết như các quy định trước kia.
4. Thời kỳ từ năm 1975 đến nay
4.1. Hình thức của di chúc tại Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981
 Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế (Thông tư 81) quy định về hình thức di chúc tại mục A nội dung IV:
- Ghi nhận chính thức về di chúc miệng “Di chúc miệng phải có người làm chứng bảo đảm”, đây là điểm tiến bộ so với các thời kỳ trước.
- Hình thức di chúc viết được bổ sung di chúc được lập trong điều kiện đặc biệt: di chúc có thể do cơ quan, đơn vị nơi đương sự làm việc xác nhận; nếu người có tài sản đang đi trên phương tiện giao thông hay đang ở trong một cơ sở chữa bệnh mà gặp tình huống phải cấp bách lập di chúc thì sự chứng nhận của người phụ trách của phương tiện giao thông hay cơ sở chữa bệnh cũng được coi là hợp lệ.
- Công nhận chúc thư tự viết không có công chứng, chứng thực như các thời kỳ trước nhưng ghi chi tiết hơn: “nếu di chúc không có sự chứng nhận hợp lệ, nhưng có người làm chứng bảo đảm, hoặc xác định được di chúc đó đúng là do người có di sản tự nguyện lập ra (như đúng là chữ viết và chữ ký của người có di sản, thời gian và địa điểm ghi trong di chúc cũng phù hợp…) thì cũng có giá trị”.
4.2. Hình thức của di chúc tại Pháp lệnh Thừa kế năm 1990
Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 (Pháp lệnh Thừa kế) bổ sung, sửa đổi một số điểm so với Thông tư 81 như sau:
- Về di chúc miệng, Điều 18 Pháp lệnh Thừa kế ghi rõ điều kiện lập di chúc miệng phải “trong trường hợp tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể lập di chúc viết được” và “sau ba tháng kể từ ngày lập di chúc miệng, nếu người lập di chúc còn sống và minh mẫn, thì coi như di chúc miệng đó bị huỷ bỏ”. Tuy nhiên, Pháp lệnh Thừa kế không quy định thủ tục để hủy bỏ và ai có quyền tuyên bố hủy bỏ di chúc miệng, làm cho quy định này được hiểu theo nhiều nghĩa và áp dụng không thống nhất. Mặt khác, cũng như Thông tư 81, Pháp lệnh Thừa kế thừa nhận giá trị của di chúc miệng nhưng không quy định thủ tục ghi chép lại di chúc miệng.
- Về di chúc viết có công chứng, chứng thực, Pháp lệnh Thừa kế quy định rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân chứng thực (Điều 14); cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực (Điều 15).
- Về di chúc viết có giá trị như di chúc được chứng thực (Điều 16): Đây là loại di chúc tương ứng với di chúc được lập trong trường hợp đặc biệt của Thông tư 81 nhưng Pháp lệnh Thừa kế có bổ sung thêm một số trường hợp, đặc biệt là trường hợp di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang cải tạo có xác nhận của người phụ trách cơ sở giam giữ, cải tạo. Điều này thể hiện sự công bằng, không phân biệt đối xử giữa người bình thường với người đang bị tạm giam, bị phạt tù, đang cải tạo.
- Về di chúc không có công chứng, chứng thực, Pháp lệnh Thừa kế cơ bản quy định như Thông tư 81, có bổ sung thêm yếu tố “minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật”.
4.3. Hình thức của di chúc tại Bộ luật Dân sự năm 1995
Bộ luật Dân sự năm 1995 sử dụng khái niệm “di chúc bằng văn bản” thay khái niệm “di chúc viết” của các thời kỳ trước. Có thể hiểu “di chúc bằng văn bản” bao gồm cả di chúc đánh máy và di chúc viết. Đồng thời BLDS năm 1995 bổ sung quy định, di chúc tự đánh máy hay nhờ người khác đánh máy phải có công chứng/chứng thực thì mới có hiệu lực[3]. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
- Khắc phục bất cập của Pháp lệnh Thừa kế về di chúc miệng, BLDS năm 1995 quy định: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ” (khoản 1 Điều 654). Theo đó, thủ tục lập nội dung di chúc miệng là những người làm chứng phải ghi chép lại bằng văn bản ngay sau đó. Tuy nhiên, thuật ngữ “ngay sau đó”lại không thể xác định được. Điều này đã gây ra khó khăn cho Tòa án trong việc thẩm định giá trị của di chúc miệng và muốn bác bỏ nó thì cũng thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng. Thực tế đã xảy ra trường hợp tòa án từ chối di chúc được ghi chép lại và ký tên, điểm chỉ vào ngày hôm sau so với thời điểm người để lại di sản thể hiện ý chí cuối cùng[4].
- BLDS năm 1995 bổ sung quy định về di chúc có công chứng, chứng thực: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn” (khoản 3 Điều 655). Như vậy, trong trường hợp người lập di chúc khiếm khuyết một số chức năng nhất định như không đọc được, hoặc không nghe, không thấy được, hoặc không ký hay điểm chỉ được vào di chúc, việc lập di chúc bắt buộc phải có sự tham gia của người làm chứng thì di chúc mới có hiệu lực.
BLDS năm 1995 cũng quy định chặt chẽ việc viết, ký di chúc. “Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc” (khoản 2 Điều 656).
4.4. Hình thức của di chúc tại Bộ luật Dân sự năm 2005
BLDS năm 2005 có một số thay đổi quan trọng trong quy định về hình thức của di chúc như sau:
- Sửa đổi hình thức “Di chúc bằng văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước” (khoản 4 Điều 653 BLDS năm 1995) thành “Di chúc bằng văn bản có công chứng” (khoản 3 Điều 650 BLDS năm 2005). Đây là thời kỳ Nhà nước có chủ trương xã hội hóa công chứng, ngoài công chứng nhà nước còn có văn phòng công chứng tư nhân nên việc sửa đổi là phù hợp[5].
- Di chúc miệng được bổ sung thêm điều kiện “trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực” (khoản 5 Điều 652). Ấn định chính xác khoảng thời gian phải thực hiện thủ tục công chứng/chứng thực là “năm ngày” nhằm loại trừ trường hợp người làm chứng có thể tự ý sửa chữa, viết lại nhiều lần hay đánh tráo văn bản ghi nội dung di chúc miệng.
- Sửa đổi khoản 2 Điều 654 BLDS năm 1995 về di chúc miệng từ “bị huỷ bỏ” thành “mặc nhiên bị hủy bỏ” (khoản 2 Điều 651 BLDS năm 2005) bảo đảm sự rõ ràng trong quy định của điều luật.
4.5. Hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã sửa đổi một số quy định về hình thức của di chúc như sau:
- Loại bỏ quy định: “Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình” (Điều 649 BLDS năm 2005). Việc loại bỏ này nhằm bảo đảm sự tương thích với quy định của Hiến pháp – công dân có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình - quyền của công dân được pháp luật bảo hộ, không cần thiết phải quy định trong BLDS.
- Về di chúc miệng, BLDS năm 2015 chỉ còn giữ lại trường hợp “tính mạng một người bị cái chết đe dọa” (Điều 629) và loại bỏ trường hợp “do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác” (khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2005). Việc bỏ quy định này tạo ra một quy định ngắn gọn, chặt chẽ và dễ áp dụng.
Nếu di chúc miệng tại BLDS năm 2005 không nêu rõ là cần công chứng hoặc chứng thực nội dung bản di chúc hay xác nhận chữ ký/điểm chỉ của người làm chứng, thì BLDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định chỉ “xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng” (khoản 5 Điều 630).
- Về di chúc bằng văn bản có người làm chứng, BLDS năm 2015 bổ sung quy định về di chúc đánh máy: “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc” (Điều 634).
So với di chúc tự viết, di chúc đánh máy dễ đọc, dễ nhìn hơn nhưng lại không có giá trị bằng di chúc tự viết và dễ dàng bị sao chép. Vì vậy, trường hợp người lập di chúc tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng (không bắt buộc phải có công chứng, chứng thực). Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp người lập di chúc không tự mình viết ở đây là những người không bị hạn chế về thể chất và biết chữ để biết được người đánh máy hộ có đánh máy đúng các nội dung theo ý chí của mình hay không, khác với trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ được người làm chứng lập thành văn bản thì bắt buộc phải có công chứng, chứng thực.
5.Những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức của di chúc và kiến nghị
5.1. Những hạn chế, bất cập
- Về di chúc miệng
Theo quy định của Điều 629 BLDS năm 2015, di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện về hình thức, gồm: ít nhất 02 người làm chứng; ngay lập tức người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ; công chứng/chứng thực trong thời hạn 05 ngày làm việc; mặc nhiên bị hủy bỏ sau 03 tháng nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt.
Vì vậy, nếu chỉ vi phạm một trong các điều kiện nêu trên thì di chúc miệng sẽ bị coi là vô hiệu. Trên thực tế, do di chúc miệng được lập trong tình trạng đặc biệt, có tính cấp bách nên dễ bị vô hiệu hơn loại hình di chúc khác:
Thứ nhất, trường hợp ông bà, cha mẹ ốm đau/bị tai nạn sắp mất dặn dò con cháu bằng lời nói rất phổ biến, đa số các trường hợp này con cháu sẽ tự nguyện nghe theo lời dặn dò, thực hiện trên cơ sở đạo đức, truyền thống văn hóa mà không quan tâm đến vấn đề việc lập di chúc miệng đó có đáp ứng đủ các điều kiện luật định hay không hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ các thủ tục. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, các bên đưa nhau ra Tòa thì di chúc miệng rất bất lợi, lúc đó hội đồng xét xử sẽ đối chiếu với các quy định của luật, dù cho lời nói của người để lại di chúc thể hiện đúng ý chí của họ nhưng tình trạng di chúc miệng bị hủy bỏ là rất phổ biến.
Xem xét một số bản án cho thấy, các Tòa án cũng có quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng nếu di chúc miệng không đủ thủ tục nhưng có bản ghi âm lời nói, có người làm chứng thì vẫn có hiệu lực[6] (chủ yếu là thời kỳ thi hành BLDS năm 2005 trở về trước), còn đa số quan điểm là không công nhận hiệu lực của di chúc miệng[7].
Thứ hai, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực di chúc miệng là do ai thực hiện (người thừa kế được hưởng di sản hay những người làm chứng). Điều này gây ra cách hiểu khác nhau: có ý kiến cho rằng, người hưởng di sản phải thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc; ý kiến khác lại cho rằng, việc tiến hành công chứng hoặc chứng thực này chỉ có thể do người làm chứng thực hiện[8]. Do pháp luật quy định chưa rõ nghĩa vụ dẫn đến tình trạng, người hưởng di sản và người làm chứng trông chờ nhau, dẫn đến quá thời hạn “05 ngày làm việc”. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể đổ lỗi cho nhau, gây khó khăn cho việc giải quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, nếu cho rằng, người làm chứng bắt buộc phải thực hiện việc công chứng, chứng thực, nhưng họ không thực hiện khiến di chúc bị vô hiệu thì quyền và lợi ích của những người thừa kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, sẽ phát sinh trách nhiệm của người làm chứng, điều này là không hợp lý[9].
Thứ ba, do di chúc miệng được lập trong tình trạng đặc biệt “tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản”. Vì vậy, để đáp ứng được quy định “người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ” ngay lập tức và thực hiện công chứng, chứng thực “trong thời hạn 05 ngày”. Ví dụ, bị tai nạn tại vùng hẻo lánh, bị lạc đường khi đi thám hiểm, không có công cụ để ghi chép lại... hay trường hợp 02 người làm chứng có điều kiện ghi chép lại và ký tên hoặc điểm chỉ nhưng mất quá 05 ngày mới được giải cứu và lúc đó mới có điều kiện làm thủ tục công chứng, chứng thực, khi đó, đối chiếu với thời hạn thì đã bị quá hạn.
- Về cách thức ký tên, điểm chỉ di chúc bằng văn bản
Về hình thức của di chúc, BLDS năm 2015 quy định di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”. Như vậy, tất cả di chúc viết tay và di chúc đánh máy đều phải ký hoặc điểm chỉ vào từng trang. Nếu vi phạm thì di chúc không được công nhận.
Tác giả cho rằng, quy định cứng này chỉ phù hợp và bắt buộc với di chúc do người để lại di chúc tự đánh máy, nhờ người đánh máy hoặc nhờ người khác viết hộ. Người để lại di chúc cần phải ký điểm chỉ vào từng trang để xác nhận đó là ý chí của họ. Còn di chúc viết tay là di chúc có giá trị cao nhất, thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí của người để lại di chúc, thể hiện trên từng chữ của di chúc nhưng nếu người viết không ký/điểm chỉ từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự thì khi có tranh chấp vẫn không được công nhận là cách làm chưa mềm dẻo, ảnh hưởng đến nguyện vọng của người để lại di sản và quyền lợi của người thừa kế.
5.2. Kiến nghị
- Về di chúc miệng
Thứ nhất, để khắc phục những bất cập nêu trên, tác giả cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết linh hoạt các tranh chấp về hiệu lực của di chúc miệng theo hướng: Trường hợp di chúc miệng không đảm bảo các yêu cầu về hình thức công chứng, chứng thực, thời gian như luật định nhưng nếu có 02 người làm chứng và được ghi lại bằng hình ảnh, có băng ghi âm, kết quả giám định khẳng định hình ảnh, âm thanh phản ánh đúng sự thật, phù hợp với các chứng cứ khác chứng minh bản di chúc thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc là có thật, khách quan thì có thể xem xét công nhận bản di chúc. Điều này cũng phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đoạn ghi âm, hình ảnh là “tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử” và là nguồn của chứng cứ nếu đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.
Thứ hai, theo lẽ công bằng, người hưởng di sản là người trực tiếp có quyền lợi, nghĩa vụ đối với di sản phải là người có trách nhiệm đảm bảo hiệu lực của di chúc, vì vậy, cần sửa đổi khoản 5 Điều 630 BLDS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định rõ trách nhiệm công chứng, chứng thực di chúc miệng là của người hưởng di sản. Mặc dù đây là thủ tục “xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng” nhưng người hưởng di sản phải chủ động đốc thúc, đi cùng người làm chứng để thực hiện. Điều này cũng không ảnh hưởng đến nội dung di chúc, vì đây chỉ là thủ tục đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.
Thứ ba,sửa đổi Điều 629 BLDS năm 2015 theo hướng bổ sung quy định thời điểm bắt đầu tính thời hạn, hoặc kéo dài thời hạn mà những người làm chứng có thể ghi chép lại, ký tên hoặc điểm chỉ và công chứng hoặc chứng thực di chúc trong những trường hợp đặc biệt, không đủ điều kiện để thực hiện theo đúng thời hạn thông thường. Trường hợp này, những người làm chứng phải chứng minh được họ rơi vào tình trạng không có đủ điều kiện thực hiện theo thời hạn quy định thông thường.
- Về cách thức ký tên, điểm chỉ di chúc bằng văn bản
Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cách giải quyết tranh chấp liên quan đến hủy di chúc không đủ chữ ký theo hướng mềm dẻo hơn. Theo đó, quy định di chúc viết tay phải ký/điểm chỉ từng trang là quy định khuyến khích mà không phải là quy định bắt buộc. Thực hiện giám định chữ viết trong bản di chúc viết tay có phải là cùng một người viết ra hay không, có bị giả mạo không. Nếu đúng là di chúc của họ, thể hiện được đó là ý chí của họ thì việc họ chỉ ký trang cuối mà không ký trong từng trang hoặc quên không đánh số thứ tự cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc./.
 

 


[1] Vũ Văn Mẫu, Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử (xuất bản tại Sài Gòn năm 1973)..
[3] Chu Xuân Minh, Di chúc hợp pháp không có công chứng, chứng thực, https: //tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/di-chuc-hop-phap-khong-co-cong-chung-chung-thuc, truy cập ngày 10/5/2021..
[4] Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia 2013 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 48-50.
[5] Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này”; Luật Công chứng năm 2006 quy định chi tiết các văn phòng công chứng tư nhân.
[6] Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2007/ DSST ngày 5/9/2007 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Nam Định: Ông K lập di chúc miệng khi còn minh mẫn và tự nguyện, ông con trai là T có thu băng ghi âm lại, có lời khai của 2 người làm chứng là bà L và ông D (hàng xóm). Vì vậy, Tòa án công nhận hiệu lực của di chúc miệng dù di chúc không được người làm chứng ghi chép lại và không đi công chứng theo thủ tục luật định;
Hay Bản án số 14/2006/DSPT ngày 15/2/2006 của Tòa phúc thẩm, TAND tối cao thành phố Hồ Chí Minh công nhận hiệu lực di chúc miệng khi chỉ đáp ứng điều kiện có 2 người làm chứng và cùng ký vào văn bản ghi chép lại ý nguyện của người để lại di chúc.
[7] Ví dụ: Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 09/2017/DS-PT ngày 28/07/2017 của TAND tỉnh Yên Bái về tranh chấp chia thừa kế: Di chúc có người làm chứng nhưng nội dung không được ghi chép lại bằng văn bản và bị quá thời hạn quy định của pháp luật cho phép nên Hội đồng xét xử đã không công nhận hiệu lực của di chúc.
Quan điểm này còn thể hiện tại nhiều bản án khác như: Bản án số 26/2019/DS-ST ngày 08/08/2019 của TAND quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng về tranh chấp thừa kế; Bản án số 22/2018/DS-PT ngày 25/12/2018 của TAND tỉnh Ninh Bình về tranh chấp thừa kế tài sản, v.v..
[8]Đoàn Phú, Còn bất cập trong quy định về di chúc, thừa kế, http://baodongnai.com.vn/phapluat/202105/con-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-di-chuc-thua-ke-3057415/, truy cập ngày 20/5/2021.
[9] Tham khảo ý kiến của luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)