Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong bối cảnh ngăn chặn dịch bệnh Covid - 19 ở Việt Nam

15/12/2021

TS. THÁI THỊ TUYẾT DUNG

Trường Đại học Kinh tế Luật,

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Dịch bệnh covid-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, các hành vi vi phạm hành chính diễn ra thường xuyên trước đây không còn nhiều do áp dụng các quy định về cách ly và giãn cách; ngược lại, nhiều hành vi vi phạm liên quan đến việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh xảy ra thường xuyên hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích khía cạnh pháp lý trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 xảy ra ở Việt Nam. Đó là các hành vi: ra đường không có lý do cần thiết; đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19; không cài app điện tử (bluezone) trong điện thoại thông minh; từ chối tiêm vắc xin; từ chối xét nghiệm để tìm ca nhiễm Covid-19.
Từ khóa: Covid-19; xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: The Covid-19 epidemic has made several change in in social life, there are few previously frequent administrative violations occuring due to the application of regulations on self isolation and social distancing; on the contrary, several violations related to compliance with regulations on disease prevention and control have occurred more frequently. Within the scope of this article, the author provides analysis of the legal aspects of administrative violation sanctioning activities during the period of the Covid-19 epidemic in Vietnam. These are the behaviors: going out without approriate reasons; posting false information on social networks related to the prevention and control of the Covid-19 epidemic; no installation of electronic apps (bluezone) in smartphones; vaccination refusal; refusal of covid-19 infection test.
Keywords: Covid-19; administrative violations.
covid-19-pic.jpg 
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Xử phạt hành vi ra đường không có lý do cần thiết
Vào tháng 4/2020, tại Phường Trúc Bạch, Thành phố Hà Nội đã xử phạt hai người đi câu cá và một người đi bán bông vì hành vi ra đường không có lý do cần thiết[1] theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế (Nghị định số 176). Đó là hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”. Tại thời điểm này, có nhiều ý kiến không đồng tình về việc xử phạt này, vì tính chất của hành vi vi phạm không tương thích với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, để xử phạt hành vi trên cần đủ 2 điều kiện sau:
(i) Người bị xử phạt phải là “người có nguy cơ mắc bệnh dịch”, tức là người tiếp xúc với người bệnh, có mang mầm bệnh, đã từng đến vùng có dịch, ổ dịch, còn người đi ra đường nếu không thuộc trường hợp trên mà có xét nghiệm âm tính… thì về nguyên tắc không được xem là người có nguy cơ mắc bệnh dịch.
 (ii) Người bị xử phạt không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của các cơ quan y tế. Cụ thể, những người này không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của các cơ quan y tế, tức không thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế (không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách đúng quy định, không khử khuẩn, tập trung đông người, không khai báo y tế).
Như vậy, trong thời gian từ tháng 4/2020, nếu một người đi ra đường vì một lý do như đi thăm bệnh, bán bông để mua lương thực… mà luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đúng quy định, khai báo đầy đủ thì không thể áp dụng điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176 để xử phạt.
Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế (Nghị định số 117) để thay thế Nghị định số 176; trong đó, nhiều điều khoản xử phạt liên quan về dịch bệnh có hiệu lực từ ngày ký (các điều khoản khác có hiệu lực từ ngày 15/11/2020). Điểm lưu ý, Nghị định số 117 có 2 điều khoản liên quan đến xử phạt hành vi ra ngoài không cần thiết sau đây:
- Điểm a khoản 1 Điều 12 quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Quy định này tương tự quy định của điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176, khác nhau ở mức phạt được tăng lên gấp 10 lần trước đây.
- Khoản 2 Điều 14 quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp đã quy định cụ thể tại một số điều trong Nghị định này.
Đây là điều khoản hoàn toàn mới với tính chất là “điều khoản quét”, tức là dự liệu những vi phạm không được liệt kê trong Nghị định nhưng được quy định trong các văn bản do cơ quan khác của Nhà nước ban hành. Quy định này nhằm đảm bảo xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh ở từng địa phương. Cụ thể, khi dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía nam từ tháng 7/2021, nhiều địa phương đã ban hành văn bản quy định các biện pháp phòng, chống lây lan dịch bệnh như hạn chế ra ngoài, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” mới được hoạt động sản xuất…, cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đã áp dụng cho thấy, việc xử phạt người ra đường không vì lý do cần thiết đã gây nhiều tranh cãi[2]. Ví dụ, khi người dân ra khỏi nhà rút tiền ở ATM, hoặc đi mua bánh mì… nếu xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176 thì mức phạt sẽ từ 1-3 triệu đồng, nếu áp dụng khoản 2 Điều 14 thì mức phạt sẽ từ 5-10 triệu. Nhiều địa phương áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117 xử phạt hành vi đi về từ vùng dịch mà không khai báo[3], hành vi trốn khỏi khu vực phong tỏa[4], hành vi không đảm bảo giãn cách, không ghi chép thông tin về khách hàng[5], hành vi lén lút chở người từ vùng dịch qua mặt chốt kiểm soát y tế[6].
Đặc biệt, có địa phương bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế mà Nghị định số 117 không quy định. Ví dụ, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản Công văn số 13035/UBND-THNC ngày 29/8/2021 quy định các trường hợp vi phạm về giãn cách xã hội, tức ra đường không thiết yếu thì ngoài việc bị xử phạt VPHC, thì bổ sung thêm biện pháp đưa người VPHC vào khu cách ly để xét nghiệm PCR, sau khi có kết quả âm tính thì mới giải quyết cho về gia đình tiếp tục theo dõi; người vi phạm phải trả mọi chi phí kể cả chi phí ăn ở trong thời gian cách ly. Rõ ràng, việc các địa phương đưa thêm biện pháp cưỡng chế trong xử phạt VPHC là không đúng quy định của pháp luật; chưa kể, về thẩm quyền thì UBND cấp huyện không được trao quyền cho việc ban hành các quy định về hạn chế quyền trong thời gian dịch bệnh đang xảy ra.
Như vậy, trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định số 117 (20/11/2020), chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt hành vi ra ngoài đường không thực sự cần thiết trong thời gian dịch bệnh, nên việc UBND phường Trúc Bạch, Hà Nội áp dụng điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176 để xử phạt VPHC nêu trên là chưa phù hợp. Sau thời điểm này, để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, việc xử lý hành vi ra ngoài đường không thực sự cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh cần áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117.
2. Xử phạt hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19
Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh, người dân phải hạn chế ra ngoài nên việc tiếp nhận thông tin chủ yếu qua không gian mạng. Trong thông tin tiếp nhận, có tin đúng, có tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, thậm chí nhiều người lợi dụng mạng xã hội để đưa tin sai sự thật, hoặc tin chưa kiểm chứng và bị xử phạt VPHC. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc áp dụng quy định của pháp luật để xử phạt hành vi vi phạm này ở các địa phương là không thống nhất, dù tính chất hành vi như nhau, dẫn đến mức tiền phạt không giống nhau, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền về chính sách phòng, chống covid-19. Cụ thể, đối với hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”, các địa phương áp dụng các mức phạt sau:
- Ở Hà Nội, bà VPA bị phạt 12,5 triệu đồng đưa tin trên mạng xã hội về việc được lựa chọn vaccine để tiêm bị phạt với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử (căn cứ điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định số 15)); bà N.T.K.T cũng bị phạt 12,5 triệu đồng khi đưa tin sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19[7].
- Ở Ninh Bình, bà Nguyễn Thị T, SN 1965, trú tại phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp bị phạt 10 triệu đồng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15)[8].
            - Ở Đồng Nai,  bà V.K.L. (32 tuổi, ngụ xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) bị phạt 7.5 triệu đồng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang xã hội (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15)[9].
- Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ông N.N.Đ (32 tuổi), ngụ xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, bị phạt 5 triệu đồng với hành đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch COVID-19 trên mạng xã hội Facebook (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15)[10].
Như vậy, cũng hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhưng mức xử phạt VPHC ở các địa phương là khác nhau. Điều này xuất phát từ quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 15/4/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chinh, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (Nghị định số 15). Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định về “Vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” quy định: “Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Đây là mức phạt với tổ chức, nên cá nhân thì bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15 về “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử” quy định: “Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Ngoài bị xử phạt chính, người vi phạm hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối hoặc buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Như vậy, với căn cứ nêu trên, Điều 99 Nghị định số 15 xử lý hành vi vi phạm về trang thông tin điện tử; còn Điều 101 xử lý hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Vậy, trang thông tin điện tử và “mạng xã hội” giống nhau hay khác nhau. Theokhoản 17 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Luật CNTT), trang thông tin điện tử (Website) là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin. Theo quy định của Điều 23 Luật CNTT, việc thiết lập trang thông tin điện tử có thể sử dụngtên miền. Điều này có nghĩa là, trang thông tin điện tử là một cổng website chứ không phải một tài khoản trên mạng xã hội. Theo quy định của khoản 22 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP (Nghị định số 72), mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác (như Facebook, twitter, tiktok…). Nghị định số 72 cũng dành Mục 2 Chương 3 (gồm 13 điều) để quy định về trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Từ các phân tích trên cho thấy, việc áp dụng điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15 để xử phạt hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là không phù hợp, mà cần phải áp dụng Điều 101 Nghị định số 15. Do vậy, các địa phương cần chấn chỉnh công tác áp dụng pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm phổ biến này, tránh gây hoang mang dư luận về sự bất bình đẳng, cũng như khiếu nại từ phía người dân.
3. Về xử phạt hành vi không cài app điện tử (như bluezone) trong điện thoại thông minh trong thời gian dịch bệnh xảy ra
Ngày 29/05/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BYT về việc hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Quyết định số 2666). Quyết định yêu cầu “người dân có điện thoại thông minh khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth”; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương”. Nhiều địa phương chưa rõ về tính hợp pháp và hợp lý của quy định này. Bởi lẽ, nếu tuân thủ quy định trên thì áp dụng căn cứ nào để xử phạt, và thủ tục xử phạt như thế nào. Thực tế, điện thoại là tài sản cá nhân, việc cài bluezone trong điện thoại hay không là tùy chọn của chủ sở hữu, nên chỉ khuyến khích, không nên bắt buộc để xử phạt.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu xử phạt hành vi trên, thủ tục xử phạt sẽ vướng ngay đến quy định về quyền riêng tư, đó là thủ tục mở điện thoại của người khác để kiểm tra, ban hành quyết định về việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính (Điều 128 Luật Xử lý VPHC), ... Quy định này áp dụng sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong xử phạt VPHC, tức là chỉ xử phạt khi biết rõ người đó sở hữu điện thoại thông minh, còn người không có điện thoại thông minh, hoặc không thể biết họ đang sở hữu thì sẽ không bị xử phạt.
4. Quy định về xử phạt đối với hành vi từ chối tiêm vaccine và từ chối xét nghiệm để tìm ca nhiễm Covid-19
            Để ngăn chặn làn sóng lây lan dịch Covid-19 bao trùm khắp mọi nơi, nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó tiêm phòng vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những hậu quả xấu do Covid-19 gây ra, Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều ý kiến liên quan đến việc có xử phạt VPHC được không đối với người từ chối tiêm vaccine, từ chối tham gia xét nghiệm cộng đồng.
4.1. Từ chối tiêm vaccine
Vaccine  chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh, khoản 2, khoản 3 Điều 27, khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định nguyên tắc sử dụng vaccine: “…được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc; được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và quy trình kỹ thuật sử dụng…” và “mọi người có quyền sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng”. Điều 29 Luật này quy định về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau: “Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh” và “trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng”. Như vậy, theo quy định của pháp luật nước ta, trừ một số trường hợp bắt buộc sử dụng vaccine, còn lại là tự nguyện sử dụng. Trước đây, các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 được quy định tại Nghị định số 176, nay là Nghị định số 117. Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 117 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, điều kiện để xử phạt hành vi từ chối sử dụng vaccine là (1) “người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch”; và (2) “có yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
- Đối với điều kiện nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, và thực tế vùng có dịch thì nhiều địa phương, khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, vấn đề này đã rõ.
- Đối với quy định cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine, đến nay Bộ trưởng Bộ Y tế chưa có quy định bắt buộc tiêm vaccine mà chỉ kêu gọi mọi người tiêm.
Tuy nhiên, nội dung của Điều 9 Nghị định số 117 cho thấy[11], mục đích của quy định này là xử phạt hành vi vi phạm của nhân viên y tế và cơ quan y tế không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin chứ không áp dụng cho người dân. Vì vậy, dù theo cách hiểu nào, hiện nay chưa thể xử phạt trong trường hợp từ chối tiêm vaccine phòng chống covid-19.
4.2 Từ chối xét nghiệm để tìm ca nhiễm Covid-19
Theo quy định của Điều 21 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, việc lấy mẫu xét nghiệm đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là một trong những nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm được phép thực hiện. Theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117, hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Ở một số nước, cũng có chế tài khi từ chối xét nghiệm Covid 19 nhưng đối tượng áp dụng khác nhau, như ở nước Anh, người chống đối không làm xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh sẽ bị phạt 1.000 bảng Anh. Mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu không tiến hành xét nghiệm lần thứ hai[12]. Ở Hy Lạp, tất cả mọi nhân viên làm việc trong lĩnh vực công hay tư nhân đều phải tự xét nghiệm mỗi tuần 2 lần, với kết quả âm tính mới được rời nhà đi làm, các bộ dụng cụ xét nghiệm được cung cấp miễn phí ở các hiệu thuốc; nếu phát hiện nhân viên nào không tiến hành xét nghiệm sẽ bị phạt số tiền là 1.500 Euro[13].
Gần đây, nhiều người dân ở các vùng có dịch bệnh từ chối tham gia xét nghiệm do lo lắng sợ bị nhiễm Covid-19, bởi nơi xét nghiệm quá đông người, không đảm bảo quy định giãn cách, nhiều nơi người tiến hành thực hiện quy trình lấy mẫu là người tình nguyện, không phải là những nhân viên y tế chuyên nghiệp về phòng chống dịch[14].
Thực tiễn, tại Thành phố Đà Nẵng, ngày 18/8/2021 bà Đ.T.X.L (51 tuổi) và ông P.Đ.S (52 tuổi) ở phường Chính Gián, Quận Thanh Khê không thực hiện xét nghiệm dù lực lượng chức năng đã vận động xét nghiệm nhưng cả hai người đều không chấp hành, do đó Công an phường đã lập biên bản vi phạm về việc không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình giám sát bệnh truyền nhiễm, đồng thời mỗi người bị xử phạt 2 triệu đồng. Tại  tỉnh Cà Mau, vào ngày 01/9/2021, khi ông Trần Tô Ân C (sinh năm 1972, cư ngụ khóm 3, phường 1, Thành phố Cà Mau) không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc COVID-19 trong cộng đồng, hành vi này bị Chủ tịch UBND phường 1 ra Quyết định cưỡng chế cách ly tập trung ông C[15]. Hành vi không hợp tác lấy mẫu test COVID-19 sẽ bị xử phạt theo quy định nêu trên, nhưng điều khoản này không quy định hình thức phạt bổ sung hay áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như cách ly y tế tập trung, nên việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là không phù hợp. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tham gia xét nghiệm trong điều kiện an toàn thì đảm bảo hiệu quả, mục đích của việc xử phạt.
5. Một số nhận xét và kiến nghị
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC năm 2020 sửa đổi khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý VPHC năm 2012 về những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt VPHC từ “Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi VPHC” thành “Xác định hành vi VPHC không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi VPHC”. Tức là Luật đã bổ sung thêm một hành vi cấm, đó là: Cơ quan có thẩm quyền xử phạt xác định hành vi VPHC không đúng. Điều này, đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền xử phạt VPHC khi ra quyết định xử phạt cần xem xét hành vi vi phạm trên thực tế có tương thích với hành vi được mô tả trong các quy phạm pháp luật không. Bởi lẽ, từ những gì xảy ra trong thực tế xử phạt các hành vi vi phạm nêu trên, rõ ràng cùng một hành vi vi phạm, nhiều địa phương đã xác định căn cứ pháp lý khác nhau, dẫn đến áp dụng chế tài không thống nhất, gây ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, đối vớihành vi vi phạm ra đường không có lý do cần thiết, cần áp dụng xử phạt theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117.
Thứ hai, đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nói chung và liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19 nói riêng, cần áp dụng căn cứ xử phạt là điểm a khoản 1 Điều 101 “Vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” Nghị định số 15.
Thứ ba, đối với hành vi không cài app điện tử trong điện thoại thông minh trong thời gian xảy ra dịch bệnh, không xử phạt VPHC mà chỉ nên khuyến khích mọi người dân có điều kiện sử dụng, trừ trường hợp Nhà nước cung cấp miễn phí một thiết bị điện tử để quản lý công dân.
Thứ tư, đối hành vi từ chối tiêm vaccine phòng, chống covid 19 chỉ xử phạt khi Bộ Y tế quyết định tiêm bắt buộc. Đồng thời, cần sửa đổi Nghị định số 117 theo hướng ban hành một điều luật riêng áp dụng cho hành vi này, không nhập chung với nhóm các cơ quan y tế tại khoản 2 Điều 9.
Thứ năm, đối với hành vi từ chối xét nghiệm để tìm ca nhiễm Covid-19, xử phạt vi phạm theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117, nhưng không được áp dụng biện pháp cưỡng chế như buộc đi cách ly. Đồng thời cần sửa đổi Điều 7 Nghị định số 117 theo hướng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc phải tham gia xét nghiệm trong điều kiện an toàn”./.

 


[1] Danh Trọng, Ba người đầu tiên ở Hà Nội bị phạt vì ra đường không có lý do cần thiết, https://tuoitre.vn/3-nguoi-dau-tien-o-ha-noi-bi-phat-vi-ra-duong-khong-co-ly-do-can-thiet-20200405125413398.htm, truy cập ngày 10.5.2021.
[2] Bị phạt khi ra khỏi nhà rút tiền ở ATM, hoặc đi mua bánh mì…,
https://hochiminhcity.gov.vn/-/tphcm-thuc-hien-gian-cach-theo-chi-thi-15-cua-thu-tuong-chinh-phu-them-2-tuan.
[3] Đức Trí, “Phạt 7,5 triệu đồng vì phớt lờ khai báo y tế”, http://cand.com.vn/y-te/Phat-7-5-trieu-dong-nguoi-dan-ong-di-tu-vung-dich-ve-phot-lo-khai-bao-y-te-643492/.
[4] Hữu Toàn, “Trốn khỏi khu vực phong tỏa, hai người bị xử phạt 10 triệu đồng”,
 http://cand.com.vn/y-te/Tron-ra-khoi-khu-vuc-phong-toa-hai-nguoi-bi-xu-phat-10-trieu-dong-649417/.
[5] Quyên Lưu, “Xử phạt nhà hàng không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid – 19”, https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/xu-phat-nha-hang-khong-chap-hanh-cac-quy-%C4%91inh-ve-phong-chong-dich-covid-19-32572-4.html.
[6] Anh Tuấn, “Xử lý nghiêm hành vi “thông chốt” kiểm dịch”, https://dangcongsan.vn/phap-luat/xu-ly-nghiem-hanh-vi-thong-chot-kiem-dich-583299.html.
[7] Trường Phong, “Người tung tin '3.000 chốt kiểm soát ở Hà Nội' bị phạt 12,5 triệu đồng”, https://tienphong.vn/nguoi-tung-tin-3-000-chot-kiem-soat-o-ha-noi-bi-phat-12-5-trieu-dong-post1360264.tpo.
[8] Tố Uyên, “Bị phạt 10 triệu đồng vì đăng tin chữa khỏi COVID-19 bằng Pháp luân công”, https://cand.com.vn/Ban-tin-113/bi-phat-10-trieu-dong-vi-dang-tin-chua-khoi-covid-19-bang-phap-luan-cong-i624227/.
[9] Chí Hạnh, “Bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng ‘phương pháp chữa COVID-19 tại nhà”, https://tuoitre.vn/bi-phat-7-5-trieu-dong-vi-dang-phuong-phap-chua-covid-19-tai-nha-2021073112313078.htm.
[10] Phú Lữ, Trí Bình, “Bị phạt 5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật về COVID-19”, https://cand.com.vn/Xa-hoi/Bi-phat-5-trieu-dong-vi-dang-tin-sai-su-that-ve-COVID-19-i617657/.
[11] Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; b) Không tư vấn cho người được tiêm chủng, cha, mẹ hoặc gia đình, người giám hộ của trẻ được tiêm chủng trước khi tiêm chủng; không tư vấn về lợi ích và rủi ro có thể gặp khi tiêm chủng; c) Không hướng dẫn người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng cách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng; d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về hoạt động tiêm chủng theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; b) Không cấp và ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử cho người đến tiêm tại cơ sở tiêm chủng; c) Không thống kê danh sách đối tượng đã tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng; d) Không theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng…
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không khám sàng lọc hoặc khám sàng lọc không đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng; b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin; c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về an toàn tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng; d) Không dừng ngay buổi tiêm chủng khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng; đ) Không thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến; e) Không tổ chức tiêm chủng chống dịch khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký với Sở Y tế sở tại để thực hiện tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng…
[12] How to quanrantine when you arrive in England? https://www.gov.uk/guidance/how-to-quarantine-when-you-arrive-in-england.
[13] Hy Lạp phạt nặng người không xét nghiệm Covid-19, https://cand.com.vn/do-day/Hy-Lap-phat-nang-nguoi-khong-xet-nghiem-COVID-19-i615239/.
[14] BS. CKII Nguyễn Thành Phong - Trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cảnh báo việc không giữ khoảng cách tối thiểu 2m dẫn tới khả năng lây lan virus rất cao. Với khoảng cách dưới 1m, virus dễ dàng lây qua các giọt bắn mà ở khoảng cách trên 2m, các giọt bắn không thể tới, https://tuoitre.vn/chen-chuc-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-tiem-an-nguy-co-lay-lan-dich-20210531114900214.htm.
[15] Văn Đum, “Cưỡng chế cách ly tập trung người đàn ông không chấp hành xét nghiệm covid-19”, http://baocamau.com.vn/tin/cuong-che-cach-ly-tap-trung-nguoi-dan-ong-khong-chap-hanh-xet-nghiem-covid-19-70098.html.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (442), tháng 9/2021.)


Thống kê truy cập

32838176

Tổng truy cập