Biện pháp xử lí hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và những nội dung cần hướng dẫn thi hành

22/12/2021

TS. HÀ QUANG THANH

Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật Xử lý VPHC), có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến biện pháp “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” như đối tượng bị áp dụng, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… đã được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, để bảo đảm cho việc thi hành Luật Xử lý VPHC về biện pháp “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” được thống nhất, phát huy hiệu lực, hiệu quả, một số quy định của Luật cần được tiếp tục hướng dẫn cụ thể.
Từ khóa: Vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Abstract: The National Assembly approved the Law on amendment of a number of articles of the Law on Handling of Administrative Violations of 2012 (Law on Handling Administrative Violations), effective from January 1, 2022. In which, several important contents related to the measure of "consignment to compulsory detoxification establishments" such as subjects being applied; dossiers for application of measure for compulsory detoxification establishments, etc., have been included with proper amendments. However, in order to ensure that the implementation of the Law on Handling of Administrative Offenses on the measure of "consignment to compulsory detoxification establishments" is unified, effective and efficient, a number of provisions of the law need to be further provided with specific instructions.
Keywords: Administrative violations; administrative handling measures; compulsory detoxification establishments.
CƠ-SỞ-CAI-NGHIỆN_1.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Các biện pháp xử lý hành chính lần đầu tiên được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 1995. Theo đó, các biện pháp xử lý hành chính bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. Đến năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002. Pháp lệnh này được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008.
Luật Xử lý VPHC năm 2012 về cơ bản vẫn giữ lại bốn biện pháp xử lý hành chính như Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002. Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã đổi tên biện pháp “Đưa vào cơ sở chữa bệnh” thành “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” cho phù hợp với đối tượng áp dụng.
Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một biện pháp cưỡng chế hành chính đặc biệt của Nhà nước.
Cưỡng chế hành chính được phân chia thành bốn nhóm cụ thể có tính chất khác nhau bảo đảm trật tự và kỷ luật trong quản lý nhà nước[1]. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nằm trong số các biện pháp cưỡng chế hành chính đặc biệt[2]. Tính chất đặc biệt thể hiện ở những góc độ về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thẩm quyền và thủ tục áp dụng. Cụ thể, các vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là tội phạm, nghĩa là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì chưa đủ dấu hiệu chịu trách nhiệm hình sự. Các vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng không đơn thuần là vi phạm hành chính nên không thể chỉ áp dụng việc xử phạt vi phạm hành chính là xong. Như vậy, đặc điểm phạm vi áp dụng biện pháp này là những người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên mà theo quy định của pháp luật thuộc trường hợp cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Xét về bản chất, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tính pháp lý bởi nó được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng. Tính cưỡng chế hành chính của biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thể hiện ở chỗ, biện pháp này mang tính bắt buộc thực hiện đối với người bị nghiện ma túy, nó hạn chế quyền tự do của người bị áp dụng trong một thời gian nhất định[3].
Xét về mục đích, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng để cách ly người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên ra khỏi cộng đồng xã hội trong một thời gian nhất định. Người vi phạm phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu không tự giác chấp hành quyết định hoặc chống đối thì cơ quan chức năng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành[4].
Thứ hai, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mang tính chất khắc nghiệt cao hơn so với các biện pháp cưỡng chế hành chính khác.
Đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bị cách ly khỏi xã hội một thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng để giúp họ chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện. Xét về bản chất, việc xử lý hành chính dù sao cũng nhẹ hơn việc bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, xét ở góc độ về thời gian cách ly khỏi xã hội của biện pháp này còn cao hơn so với một số trường hợp tội phạm bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng đối với cá nhân là công dân Việt Nam.
Pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với đối tượng cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với cá nhân là công dân Việt Nam. Cụ thể, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc này chỉ áp dụng đối với người mang quốc tịch Việt Nam trên 18 tuổi nghiện ma túy[5]. Biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mang tính trực tiếp hạn chế hoặc tước bỏ quyền tự do trong một giai đoạn nhất định bằng hình thức cách ly người vi phạm ra khỏi cộng đồng xã hội thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng. Trong thời gian này, người nghiện ma túy phải học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện.
Thứ tư, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, được thực hiện theo thủ tục chặt chẽ[6].
Theo Luật Xử lý VPHC năm 2012, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Đây là đặc điểm rất quan trọng để phân biệt biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và với các biện pháp cưỡng chế hành chính khác như các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Việc hạn chế quyền của con người là hết sức quan trọng, vì vậy cần phải thực hiện theo một thủ tục chặt chẽ. Điều này bảo đảm tính minh bạch trong xử lý, bảo đảm quyền con người.
2. Những nội dung cần hướng dẫn thi hành liên quan đến biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến biện pháp “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” như đối tượng bị áp dụng, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… đã được sửa đổi, bổ sung. Để bảo đảm cho quy định của Luật Xử lý VPHC về biện pháp “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” phát huy hiệu lực, đượcáp dụng thống nhất, tác giả cho rằng, cần hướng dẫn cụ thể một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, quy định về đối tượng áp dụng.
Theo quy định của khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý VPHC, Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Như vậy, Luật Xử lý VPHC không quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà viện dẫn sang Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.Đối chiếu với Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc một trong các trường hợp sau đây: i) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; ii) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; iii) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; iv) Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Như vậy, khác với Luật Xử lý VPHC, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 không căn cứ vào yếu tố có nơi cư trú ổn định hay không có nơi cư trú ổn định để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc không căn cứ vào “có nơi cư trú ổn định” hay không để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ khắc phục tình trạng xung đột về thẩm quyền, đồng thời hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý cư dân vẫn dựa trên nền tảng đăng ký thường trú, tạm trú. Do đó, việc bỏ quy định “có nơi cư trú ổn định” hay không để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần được giải thích cụ thể.
Thứ hai, quy định tình tiết “côn đồ hung hãn” áp dụng cho việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Khoản 2 Điều 118 Luật Xử lý VPHC quy định: Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp người nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện việc cai nghiện cho đối tượng này”. Quy định này cho thấy, tùy thuộc vào yếu tố nhân thân, một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có thể bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tiêu chí để xác định giữa hai cơ sở này là côn đồ hung hãn”. Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC và các văn bản pháp luật hiện hành đều không giải thích rõ thế nào là côn đồ hung hãn”. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, tác giả cho rằng, cần ban hành văn bản giải thích rõ khái niệm thế nào là côn đồ hung hãn”.
Thứ ba, quy định về cách xác định thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo Luật Xử lý VPHC, thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 12 tháng đến 24 tháng. Thời hạn tối đa và tối thiểu được quy định như vậy nhằm mục đích tạo cho Tòa án sự lựa chọn áp dụng biện pháp này phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Tòa án sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để quyết định “thời hạn đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”? Để bảo đảm cho các Tòa án áp dụng thống nhất quy định này, tác giả cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cách xác định thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ tư, quy định về hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 113 Luật Xử VPHC quy định: Người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú. Trong thời gian được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà người đó tiếp tục sử dụng ma túy hoặc có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn thì Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định buộc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Theo quy định nêu trên, điều kiện để Tòa án hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ là khi đối tượng đó: i) Tiếp tục sử dụng ma túy; ii) Có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn. Điều kiện tiếp tục sử dụng ma túy” đề cập đến hành vi cụ thể nên dễ xác định. Trong khi đó, điều kiện có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn” rất khó xác định và phụ thuộc vào nhận định của người có thẩm quyền. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền chỉ cần xác định“có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn”, không cần phải đợi đến “có hành vi bỏ trốn trên thực tế” là đã thỏa mãn điều kiện để Tòa án hủy bỏ quyết định cho phép hoãn hoặc tạm đình chỉ. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ tự chứng minh và tự quyết định hay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú sẽ chứng minh rồi gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án ra quyết định? Để bảo đảm cho pháp luật được áp dụng thống nhất, cần bổ sung quy định cụ thể những chứng cứ nào để xác định“có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn”, chủ thể nào có thẩm quyền chứng minh và đề nghịTòa án hủy bỏ quyết định cho phép hoãn hoặc tạm đình chỉ việc áp dụng biện pháp “Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”./. 
 

 


[1] Nguyễn Cửu Việt (2013), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 375.
[2] Nguyễn Cảnh Hợp (2017), Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr. 549 - 555.
[3] Đào Thị Thu An (2011), “Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh trong dự thảo luật xử lý vi phạm hành chính”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (20).
[4] Trần Thanh Hương (2005), “Quyền công dân, quyền con người và chỗ đứng của các biện pháp xử lý hành chính khác trong pháp luật về vi phạm hành chính”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, (11).
[5] Khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: “biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài”.
[6] Khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (442), tháng 9/2021.)