Trách nhiệm dân sự của nền tảng số theo Luật mẫu của Viện Luật châu Âu và những khuyến nghị cho Việt Nam

24/12/2021

TS. ĐỖ GIANG NAM

Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Sự trỗi dậy của nền kinh tế nền tảng đã làm dấy lên những thảo luận sôi nổi ở châu Âu về cải cách khung pháp lý hiện hành nhằm đối phó với những thách thức pháp lý mới do mô hình kinh tế này tạo ra. Trong đó, một trong những chủ đề gây tranh luận nhiều nhất là vấn đề trách nhiệm dân sựcủa nhà điều hành nền tảng số phát sinh từ quan hệ ba bên giữa nền tảng số, người cung cấp và người sử dụng hàng hoá dịch vụ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đánh giá các quy định về trách nhiệm dân sự của nền tảng số theo Luật mẫu(Model rules on online platforms) của Viện Luật châu Âu (European Law Institute) và bước đầu đưa ra khuyến nghị về chính sách pháp lý và cơ chế pháp lý phù hợp cho Việt Nam.
Từ khoá: Luật mẫu, Viện Luật châu Âu, trách nhiệm dân sự của nền tảng số.
Abstract: The rise of the platform economy has sparked lively discussions in Europe about reforming the traditional regulatory framework to address the new legal challenges created by this economic model. In particular, one of the most controversial topics is the issue of civil liability of online platform operators arising from the tripartite relationship between online platforms, suppliers and customers. The article assesses the regulations on civil liability of online platforms under the Model Rules on Online Platforms of the European Law Institute and makes recommendations on legal policy and appropriate legal mechanism for Vietnam..
Keywords: Soft law; European Law Institute; civil liability of online platforms.
 NỀN-TẢNG-SỐ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát chung cách tiếp cận của Luật mẫu của Viện Luật châu Âu về trách nhiệm dân sự của nền tảng số
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng số (online platforms) là một trong những hiện tượng kinh tế-xã hội đáng chú ý nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực như vận tải, khách sạn, bán lẻ... đã chứng kiến sự chuyển dịch căn bản từ mô hình kinh tế truyền thống vốn dựa trên chuỗi cung cấp tuyến tính (pipelines) sang mô hình kinh tế nền tảng (platform economy), trong đó đặc trưng là vai trò của các nền tảng số kết nối giữa người cung cấp và người sử dụng hàng hoá, dịch vụ[2].
Sự trỗi dậy của nền kinh tế nền tảng đã làm dấy lên những thảo luận sôi nổi ở châu Âu về nhu cầu và phương thức cải cách khung pháp lý hiện hành để đáp ứng những thách thức do cấu trúc pháp lý mới phát sinh từ quan hệ ba bên giữa nền tảng số, người cung cấp hàng hoá dịch vụ, và người sử dụng hàng hoá dịch vụ tạo ra[3]. Trong đó, một trong những chủ đề gây tranh luận nhiều nhất là vấn đề trách nhiệm dân sựcủa nhà điều hành nền tảng số trong trường hợp có sự vi phạm hợp đồng chính giữa bên cung cấp và bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Từ phía nền tảng số, họ luôn cho rằng, họ chỉ đóng vai trò người trung gian đơn thuần kết nối giữa hai bên và do đó, không phải chịu trách nhiệm dân sự phát sinh từ việc không thực hiện đúng hợp đồng của bên cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp nền tảng số đã đóng vai trò kiểm soát chi phối mang tính chất quyết định đến mối quan hệ hợp đồng chính cung cấp hàng hoá dịch vụ. Vì vậy, ngày càng có nhiều đề xuất về việc cần mở rộng việc áp đặt trách nhiệm dân sự lên nhà điều hành nền tảng số nhằm phản ánh thực chất cấu trúc quan hệ pháp lý giữa các bên[4].
Nhận thức rõ những vấn đề trên, ngay từ năm 2016, Viện Luật châu Âu đã chấp nhận đề xuất của một nhóm nghiên cứu bao gồm các học giả, luật sư để xây dựng một đạo luật mẫu phác thảo các quy tắc pháp lý chung thúc đẩy và điều tiết các mối quan hệ pháp lý phát sinh trong nền kinh tế nền tảng[5]. Sau gần 4 năm xây dựng, tháng 3/2020, Luật mẫu về nền tảng số (Luật mẫu) đã được Viện Luật châu Âu chính thức thông qua[6]. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, Luật mẫu này sẽ khơi nguồn cảm hứng cho việc xây dựng mô hình điều chỉnh pháp luật đối với nền tảng số trên thế giới.
Luật mẫu đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc tranh luận xoay quanh ba vấn đề cơ bản sau:
(i) Liệu có nên áp đặt trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành vi vi phạm của bên cung ứng hàng hoá dịch vụ nếu họ đã tuyên bố minh thị được mình thuần tuý đóng vai trò trung gian (intermediary)?
(ii) Liệu nhà điều hành nền tảng số có phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi vi phạm hợp đồng chính của bên cung cấp hàng hoá dịch vụ nếu họ đã “thực sự chi phối, kiểm soát” người cung cấp hàng hoá dịch vụ không?
(iii) Liệu nhà điều hành nền tảng số có phải chịu trách nhiệm do đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng đối với người sử dụng nền tảng số?[7]
- Liên quan đến vấn đề thứ nhất, Luật mẫu đã tiếp cận theo hướng cần áp đặt trách nhiệm dân sự lên nền tảng số nếu họ đã không minh bạch hoá vai trò trung gian của mình cho bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ được biết. Cụ thể, Luật mẫu quy định trước khi hợp đồng chính giữa bên cung cấp và bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ được xác lập, nhà điều hành nền tảng số phải thông báo cho người sử dụng một cách rõ ràng và minh thị rằng họ sẽ giao kết hợp đồng với nhà cung cấp chứ không phải với nhà điều hành nền tảng số[8]. Vì vậy, nếu nhà điều hành nền tảng số vi phạm quy định về tính minh bạch này, Luật mẫu cho phép bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ có thể áp dụng các quy định về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng chính giữa bên cung cấp và bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ– để chống lại nền tảng số[9]. Ngay cả trong trường hợp này, các nhà điều hành nền tảng số cũng không đương nhiên trở thành một bên trong hợp đồng giữa bên cung cấp và bên sử dụng[10]. Tuy nhiên, việc vi phạm quy định về minh bạch hoá vị trí nền tảng trung gian của họ, sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi là họ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự tương đương như trách nhiệm dân sự phát sinh từ hợp đồng chính giữa bên cung cấp và bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ.
Cách tiếp trên của Luật mẫu, thực tế không hoàn toàn mới, mà là sự kế thừa các án lệ quan trọng của Toà án Công lý châu Âu nhằm giải thích Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 về việc mua bán hàng hóa tiêu dùng. Trong án lệ Wathelet (C-149/15 ngày 9/11/2016), Toà án Công lý châu Âu nhấn mạnh rằng, trong những hoàn cảnh mà người tiêu dùng có thể dễ dàng bị lừa dối do điều kiện giao dịch chung không rõ ràng thì cần phải có biện pháp bảo vệ bổ sung cho họ. Theo đó, nếu sự thiếu minh bạch của những nền tảng số trung gian tạo ra khả năng nhầm lẫn trong tâm trí người tiêu dùng khiến họ tin rằng nền tảng số trung gian chính là chủ sở hữu của hàng hóa, thì các nền tảng số đó cũng phải chịu trách nhiệm dân sự phát sinh từ việc không thực hiện đúng hợp đồng mua bán tương tự như trách nhiệm hợp đồng của bên bán hàng[11].
Về chính sách lập pháp, có thể thấy rằng, việc áp đặt trách nhiệm dân sự lên nhà điều hành nền tảng số trong trường hợp này là nhằm thúc đẩy nền tảng số phải nỗ lực hơn trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về vai trò trung gian của mình. Chế định trên cũng hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng: một khi họ biết rõ chính xác rằng nhà vận hành nền tảng số chỉ đóng vai trò trung gian, mà không phải là một bên trong quan hệ hợp đồng chính, thì họ sẽ cân nhắc cẩn trọng hơn trước khi giao kết hợp đồng chính với bên cung cấp. Từ góc độ của pháp luật hợp đồng, việc áp đặt nghĩa vụ minh bạch hoá vị trí của nền tảng số hoàn toàn phù hợp và tương thích với triết lý giới hạn sự can thiệp của pháp luật ở mức độ tối thiểu bằng nghĩa vụ cung cấp thông tin để giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin giữa các bên nhưng đồng thời vẫn tôn trọng quyền tự do hợp đồng của các bên.
- Điểm cải cách đột phá nhất của Luật mẫu của Viện Luật châu Âu về nền tảng số chính là vấn đề pháp lý thứ hai liên quan việc tăng cường áp đặt trách nhiệm dân sự lên nền tảng số ngay cả khi họ đã thoả mãn yêu cầu minh bạch hoá vai trò trung gian của họ. Khoản 1 Điều 20 Luật mẫu đã quy định, người tiêu dùng có thể buộc nhà điều hành nền tảng số chịu trách nhiệm dân sự đối với việc vi phạm nghĩa vụ của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ nếu người tiêu dùng có cơ sở hợp lý để tin tưởng rằng nền tảng số đã “chi phối, kiểm soát thực tế” (predominant influence) đối với bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Để hướng dẫn quy định chung này, khoản 2 Điều 20 đã đưa ra một danh sách bao gồm các tiêu chí bổ sung cần được xem xét đánh giá mức độ “chi phối, kiểm soát” của nền tảng số đối với từng trường hợp cụ thể. Các tiêu chí này có thể phân chia một cách tương đối làm hai nhóm sau:
+ Nhóm 1 bao gồm những yếu tố đánh giá kiểm soát về hình thức như: (i) phương thức giao kết hợp đồng (hợp đồng chính được ký kết trên phương tiện duy nhất do nền tảng số cung cấp); (ii) phương thức tiếp thị (tiếp thị tập trung vào nhà điều hành nền tảng số chứ không phải bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ);
+ Nhóm 2 bao gồm những yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến nội dung của hợp đồng như: (i) khả năng nhà điều hành nền tảng kiểm soát phương tiện thanh toán cho phép họ giữ lại các khoản thanh toán của khách hàng; (ii) nội dung các điều khoản hợp đồng chính giữa bên cung cấp hàng hoá và khách hàng do nhà điều hành nền tảng xác định; (iii) mức giá mà khách hàng phải trả bị kiểm soát bởi nhà điều hành nền tảng.
Như vậy, theo Luật mẫu về nền tảng số, trách nhiệm dân sự đối với nhà điều hành nền tảng số sẽ phát sinh nếu có cơ sở chứng minh khách hàng đã tin tưởng một cách hợp lý rằng nền tảng số chính là một bên hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho họ. Cụ thể, trong những trường hợp này, thay vì đơn thuần thực hiện chức năng là bên trung gian cung cấp dịch vụ nền tảng, nhà điều hành nền tảng số đã hành xử một cách tích cực theo hướng can thiệp trực tiếp, kiểm soát và chi phối hợp đồng chính giữa khách hàng - nhà cung cấp[12].
Việc Luật mẫu sử dụng bài kiểm tra “chi phối, kiểm soát thực tế” (predominant influence) đối với bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ làm tiêu chí để xác định trách nhiệm của người điều hành nền tảng số, hiển nhiên gợi sự liên tưởng tới hai án lệ nổi tiếng Uber (C-435/15 ngày 20/12/2017)[13] và Airbnb (C-390/18 ngày 19/12/2019)[14] của Toà án Công lý châu Âu liên quan đến giải thích Chỉ thị 2000/31/EC về thương mại điện tử. Điều 2(a) của Chỉ thị này quy định các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu không được phép hạn chế quyền tự do của nền tảng số cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới. Vì vậy, câu hỏi mấu chốt đặt ra là liệu các nền tảng thông tin như Uber, Airbnb có được coi là nền tảng trung gian đơn thuần cung cấp các dịch vụ thông tin (information society services) hay phải được coi là người cung cấp dịch vụ vận tải hoặc lưu trú.
Trong án lệ Uber, Toà án Công lý châu Âu đã nhận định rằng dịch vụ cung cấp bởi Uber đã vượt quá phạm vi của dịch vụ cung cấp thông tin (information society services)- vốn được định nghĩa là các dịch vụ được cung cấp bằng phương tiện điện tử và theo yêu cầu cá nhân của người nhận nhằm kết nối người sử dụng dịch vụ. Theo Toà án Công lý châu Âu, thực tế Uber đã có sự chi phối mang tính quyết định (decisive influence) đối với quan hệ cung cấp dịch vụ vận chuyển của người lái xe và hành khách[15]. Thứ nhất, Uber cung cấp nền tảng kỹ thuật số cho người lái xe và hành khách, và nền tảng này đã tạo lập thị trường mà nếu không có nó những người lái xe sẽ không thể cung cấp dịch vụ vận tải. Thứ hai, quan trọng hơn là việc Uber đã quyết định: (i) giá dịch vụ, (ii) trực tiếp nhận khoản thanh toán từ hành khách (sau đó mới chi trả một phần cho tài xế và một phần được Uber giữ lại như khoản lợi nhuận từ sự vận hành nền tảng kỹ thuật số và (iii) Uber đã thực hiện kiểm soát chất lượng phương tiện, tài xế và hành vi của họ. Do đó, Toà án Công lý châu Âu phán quyết rằng, dịch vụ được tạo ra bởi nền tảng số Uber phải được coi là “một bộ phận cấu thành của một dịch vụ tổng thể mà trong đó thành phần chính yếu của nó là dịch vụ vận tải và như vậy nó không thể được coi là dịch vụ thông tin đơn thuần”[16]. Trong án lệ Airbnb, Toà án Công lý châu Âu đã một lần nữa khẳng định giá trị của bài kiểm tra Uber và áp dụng bài kiểm tra này để xem xét dịch vụ nền tảng số cung cấp bởi Airbnb Ireland có được xem là dịch vụ cung cấp thông tin đơn thuần hay phải xem là dịch vụ cung cấp lưu trú. Tuy nhiên, trái với phán quyết trong án lệ Uber, Toà án đã cho rằng, trong mô hình kinh doanh của Airbnb, các nhà điều hành nền tảng đã không chi phối mang tính quyết định đối với dịch vụ lưu trú được cung cấp bởi chủ sở hữu căn hộ và khách hàng; do đó, phải được xem là dịch vụ cung cấp thông tin đơn thuần[17].
Ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất của án lệ Uber là việc Toà án đã xây dựng một bài kiểm tra (sau này thường được gọi là Uber test) để xác định khi nào một nền tảng số đã trở thành người tạo lập thị trường (market maker) có ảnh hưởng chi phối mang tính quyết định lên người cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến mức họ không thể được coi là nền tảng trung gian đơn thuần. Như đã phân tích, trên thực tế, bài kiểm tra Uber đã được Luật mẫu kế thừa và phát triển khi xây dựng chế độ trách nhiệm dân sự của người điều hành nền tảng số. Về mặt kỹ thuật pháp lý, việc kết hợp đồng thời quy định chung (general clause) và quy định đưa ra tiêu chí cụ thể để đánh giá “mức độ, chi phối kiểm soát” của nền tảng số là hợp lý, phù hợp với tính chất đa dạng, phức tạp của các loại thị trường liên quan có thể được vận hành trên nền tảng số. Về chính sách pháp lý, có thể hiểu rằng, Luật mẫu đã chuyển hoá, đưa các quy định trong các án lệ trên thành quy định chung về trách nhiệm dân sự của nền tảng số. Trong đó, hướng tới xây dựng những tiêu chí khách quan để đánh giá mức độ “kiểm soát, chi phối” của nền tảng số dựa vào cách thức người điều hành nền tảng điều tiết mối quan hệ của mình với các bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ (ví dụ cách thiết kế hệ thống thanh toán và cách kiểm soát giá cả, dịch vụ của nhà cung cấp). Tuy nhiên, việc chuyển hoá quy định vốn được tạo ra để nhằm mục đích thúc đẩy lợi ích công vào thành các quy định điều tiết quan hệ tư giữa các chủ thể cũng đặt ra khá nhiều thách thức, đặc biệt là sự phù hợp của cách tiếp cận này với các nguyên lý chung của luật hợp đồng vốn dựa trên ý niệm tự do ý chí và hiệu lực tương đối của hợp đồng.[18] Đặc biệt, xét về tính hệ thống của quy định về trách nhiệm dân sự đối với nền tảng số, bên cạnh quy định tại Điều 20 nêu trên, Luật mẫu còn có những quy định bổ sung áp đặt trách nhiệm của nền tảng số. Trong đó, Điều 23 Luật mẫu đã quy định về trách nhiệm của nền tảng số trong trường hợp nền tảng số này tự nguyện đưa ra các bảo đảm đối với hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của bên cung cấp dịch vụ; Điều 19 Luật mẫu như quy định trách nhiệm liên đới lên nền tảng số nếu họ không đáp ứng yêu cầu minh bạch hoá vai trò nền tảng số.
- Vấn đề thứ ba liên quan đến nghĩa vụ cẩn trọng của nền tảng số đối với người dùng (bao gồm cả bên cung cấp và bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ). Kế thừa cách tiếp cận truyền thống của pháp luật châu Âu về khuyến khích và bảo vệ tự do internet, Luật mẫu khẳng định nguyên tắc chung là nền tảng số không có nghĩa vụ giám sát hoạt động của người dùng nền tảng số, cũng như bất kỳ thông tin nào được người dùng tải lên nền tảng số[19]. Tuy nhiên, bên cạnh quy định chung về loại trừ trách nhiệm dân sự nêu trên, Luật mẫu đưa ra những trường hợp ngoại lệ nhằm áp đặt trách nhiệm dân sự lên nhà điều hành nền tảng số trong hai trường hợp cơ bản sau:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 8 Luật mẫu quy định nếu nhà điều hành nền tảng số có bằng chứng đáng tin cậy về hành vi bất hợp pháp gây bất lợi cho người dùng khác, bao gồm: (i) hành vi phạm tội hình sự của một nhà cung cấp hoặc khách hàng, (ii) hành vi của một nhà cung cấp hoặc khách hàng có khả năng xâm phạm tính mạng sức khoẻ, quyền nhân thân khác hay quyền tài sản của người dùng nền tảng số - họ phải có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa tổn hại cho những người dùng khác. Nếu vi phạm nghĩa vụ đó, nhà điều hành nền tảng số sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự về thiệt hại gây ra cho người dùng nền tảng. Về nội dung, mặc dù kế thừa quy định trước đó của Chỉ thị về thương mại điện tử 2000/31/EC, nhưng Luật mẫu đã có những cải cách theo hướng truyền tải thông điệp mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy nghĩa vụ tích cực của nền tảng số để bảo vệ người dùng nền tảng. Thực vậy, Điều 14 của Chỉ thị về thương mại điện tử 2000/31/EC không quy định trực tiếp về áp đặt bất cứ nghĩa vụ nền tảng số, thay vào đó quy định về cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các nhà cung cấp dịch vụ; trong khi đó, Luật mẫu quy định trực tiếp một số nghĩa vụ cơ bản của nhà điều hành nền tảng số để bảo vệ người sử dụng nền tảng, việc vi phạm nghĩa vụ này sẽ khiến nhà điều hành nền tảng số phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người sử dụng nền tảng số[20].
Thứ hai, khoản 2 Điều 9 Luật mẫu quy định các nhà điều hành nền tảng số sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự nếu họ không thực hiện các bước hợp lý và phù hợp khi nhận được thông báo của người dùng nền tảng số về các thông tin gây nhầm lẫn (misleding informnation) được đăng tải trên nền tảng bởi người dùng khác. Tương tự như trường hợp trên, quy định này kế thừa quy định của Điều 14 (1) (b) Chỉ thị thương mại điện tử 2000/31/EC, theo đó nếu nhà điều hành nền tảng số nhận được thông báo về thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn họ phải thực hiện các bước hợp lý để loại bỏ hoặc vô hiệu hoá thông tin sai lệch đó. Tuy nhiên, Luật mẫu đã mở rộng thêm theo hướng áp đặt nhiều nghĩa vụ hơn lên nhà điều hành nền tảng số. Cụ thể, theo Luật mẫu, trong trường hợp nhận được thông báo trên, nhà điều hành nền tảng số phải hợp tác với người đưa ra thông báo để không chỉ để xác minh, gỡ bỏ những thông tin gây nhầm lẫn cho người dùng, mà còn phải thực hiện những nghĩa vụ tích cực hơn như tiến hành các biện pháp hợp lý và cần thiết để cải chính những nội dung sai lệch[21].
Như vậy, trên cơ sở quy định hiện hành của pháp luật châu Âu về thương mại điện tử, Luật mẫu đã tiếp cận theo hướng tăng cường áp đặt nghĩa vụ cẩn trọng lên nhà điều hành nền tảng số. Điều này xuất phát từ vai trò trung tâm của nền tảng số trong mô hình này: một mặt nền tảng số chính là người tạo lập thị trường kết nối các bên; mặt khác, nền tảng số khai thác thương mại, thu lợi nhuận từ quan hệ cung cấp hàng hoá dịch vụ giữa các bên. Chính vì vai trò trung tâm của mình, nhà điều hành nền tảng số phải có nghĩa vụ duy trì và bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng khi họ tham gia thị trường và do vậy, phải chịu trách nhiệm dân sự nếu thất bại trong việc tiến hành các biện pháp hợp lý và tương xứng để phản ứng, hiệu chỉnh những hành vi, thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tạo ra nguy cơ rủi ro, mất an toàn đối với người sử dụng thị trường.
2. Những khuyến nghị cho Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm dân sự của nền tảng số
Kinh tế nền tảng đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và sẽ ngày đóng vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam. Mô hình kinh tế nền tảng đặc trưng bởi mối quan hệ tam giác giữa ba bên nền tảng số (platform), bên cung cấp hàng hoá dịch vụ (supplier) và khách hàng (customer) thông qua ba hợp đồng tương tác lẫn nhau là “hợp đồng giữa bên cung cấp- khách hàng”, “hợp đồng giữa nền tảng số và bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ” và “hợp đồng giữa nền tảng số và khách hàng”. Trung tâm của cấu trúc này là vai trò trung gian của nền tảng số kết nối nhóm nhà cung ứng với nhóm khách hàng. Các nhà vận hành nền tảng, về nguyên tắc, đều cho rằng, mình chỉ đơn thuần là nơi cung cấp kết nối giữa các bên, mà không trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng để cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế trong rất nhiều trường hợp, các nền tảng số đã kiểm soát mang tính chi phối, áp đặt luật chơi cho các bên bằng cách soạn thảo tất cả các hợp đồng theo mẫu điều tiết các mối quan hệ pháp lý không chỉ giữa họ với người cung ứng và người tiêu dùng mà cả giữa người cung ứng với người tiêu dùng. Vì vậy, giống như tình trạng ở nhiều quốc gia khác, mô hình kinh tế nền tảng số đã và đang tạo ra các thách thức lớn đối với khung pháp lý hiện hành của Việt Nam vốn được xây dựng để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng mang tính tuyến tính từ người sản xuất, người cung cấp đến khách hàng.
Ở các mức độ khác nhau, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã nhận diện những thách thức này và đang hướng tới xây dựng khung pháp lý điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ban hành kèm theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019, Chính phủ đã nhận định rằng, do quan hệ hợp đồng mới trong nền kinh tế chia sẻ là quan hệ ba bên nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này thay vì quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây[22]; trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2021, Chính phủ đã hướng tới nghiên cứu chính sách thiết lập cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm và vai trò của các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ cho thương mại điện tử trong việc quản lý các giao dịch trên nền tảng của mình[23]; Nghị định 85/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử đã đưa ra một số quy định mới nhằm áp đặt trách nhiệm liên đới lên chủ sàn giao dịch điện trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử; Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ đã quy định về trách nhiệm của nền tảng số trong lĩnh vực vận tải bằng xe ôtô.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một cách tiếp cận hệ thống về cơ chế pháp lý mới phân bổ trách nhiệm phù hợp trong mối mối quan hệ tam giác giữa nhà điều hành nền tảng số, người cung cấp và người sử dụng hàng hoá dịch vụ. Trên cơ sở nghiên cứu Luật mẫu, có thể rút ra một số khuyến nghị cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm dân sự của nền tảng số sau đây :
Thứ nhất, về chính sách pháp lý
Quy định của Luật mẫu cho thấy, triết lý chủ đạo định hướng việc xây dựng khung pháp lý về trách nhiệm dân sự của nền tảng số là nhu cầu cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy sáng tạo (innovation) và bảo vệ người tiêu dùng (consumer protection), cạnh tranh công bằng (fair competition) trong nền kinh tế nền tảng. Trước hết, cần phải nhận thức rằng, các nền tảng số, với tư cách là ứng dụng mới nổi bật của quá trình đổi mới, sáng tạo về công nghệ, phải được xem như là “một cơ hội, chứ không phải là mối đe doạ”[24]. Vì vậy, cần xây dựng quy chế pháp lý về trách nhiệm dân sự của nền tảng số theo hướng thân thiện với quá trình đổi mới công nghệ. Đặc biệt, khi nền kinh tế nền tảng vẫn còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục đổi mới nền tảng công nghệ, tránh xây dựng các quy tắc pháp lý quá cứng nhắc tạo ra nguy cơ cản trở, kìm hãm sự đổi mới và sáng tạo[25]. Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khung pháp lý mới phải hướng tới mục đích bảo vệ người tiêu dùng và cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong nền kinh tế nền tảng. Do vậy, để tránh nguy cơ lạm dụng quyền của nền tảng số, cần có cơ chế pháp lý phù hợp để áp đặt trách nhiệm pháp lý tối thiểu lên nhà điều hành nền tảng số, đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong mối quan hệ với nền tảng số và bên cung ứng hàng hoá dịch vụ.
Kinh nghiệm của Luật mẫu cũng cho thấy, các mô hình nền tảng số rất đa dạng, khác nhau giữa các lĩnh vực. Vì vậy, khung pháp lý điều tiết nền tảng số cần phải đáp ứng yêu cầu kép là vừa phải linh hoạt, nhưng cũng đảm bảo tính khả đoán, xác định.
Thứ hai, về cơ chế trách nhiệm
Quy định của Luật mẫu cho thấy, trách nhiệm dân sự của nhà điều hành số được phân thành hai loại: (i) trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng và (ii) trách nhiệm liên đới từ hành vi vi phạm hợp đồng chính của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của nhà điều hành số, Luật mẫu áp đặt nghĩa vụ cẩn trọng lên nhà điều hành nền tảng số đối với người sử dụng. Về nguyên tắc, xuất phát từ quan hệ ba bên chặt chẽ giữa nền tảng số, người cung cấp và người sử dụng; vì vậy, cần thiết lập, áp đặt nghĩa vụ tích cực lên nền tảng số để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng nền tảng thông qua quy định về nghĩa vụ hợp tác của nhà điều hành nền tảng số để xác minh, gỡ bỏ không những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, mà cả những thông tin gây nhầm lẫn cho người sử dụng nền tảng, hay thậm chí, còn có thể buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ tích cực hơn nữa như tiến hành các biện pháp hợp lý và cần thiết để cải chính những nội dung thông tin sai lệch để bảo vệ người sử dụng nền tảng số.
 Về trách nhiệm liên đới từ hành vi vi phạm hợp đồng chính của bên cung ứng hàng hoá, dịch vụ, Luật mẫu quy định tăng cường trách nhiệm dân sự lên nhà điều hành nền tảng số phát sinh từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên cung ứng hàng hoá dịch vụ trong hai trường hợp: (i) nhà điều hành nền tảng số đã không minh bạch về vai trò trung gian của mình; (ii) nền tảng số đã “chi phối, kiểm soát thực tế” đối với bên cung cấp. Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận theo hướng áp đặt trách nhiệm liên đới của nhà điều hành nền tảng số trong trường hợp họ đã không nỗ lực để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về vai trò trung gian, dẫn đến việc người tiêu dùng có khả năng nhầm lẫn (chính họ là bên cung cấp hàng hoá dịch vụ) là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với khung pháp luật Việt Nam hiện hành. Triết lý của việc áp đặt trách nhiệm trong trường hợp này là một mặt khuyến khích tính minh bạch của nền tảng số, thúc đẩy họ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về vai trò trung gian của mình, từ đó khắc phục tình trạng bất cân xứng về thông tin, giúp người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp khi biết chính xác đối tác cung cấp hàng hoá cho mình. Mặt khác, cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc cung cấp thông tin này- là những sự can thiệp tối thiểu vào quan hệ hợp đồng giữa các bên- phù hợp với xu thế phát triển của luật hợp đồng Việt Nam hiện đại hướng tới sự cân bằng giữa sự tự do và thiện chí trong quan hệ hợp đồng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn tiếp nhận giải pháp thứ hai của Luật mẫu nhằm áp đặt trách nhiệm dân sự lên nhà điều hành số ngay khi có cơ sở chứng minh thực tế sự “kiểm soát chi phối” của họ đối với người cung cấp. Cách tiếp cận này sẽ xung đột đối với nguyên tắc tự do hợp đồng – nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng vốn dựa trên nền tảng sự thống nhất ý chí của các bên. Đặc biệt, cần lưu ý rằng trên thực tiễn trong các hợp đồng với người sử dụng nền tảng, nhà điều hành nền tảng số thông thường đều đã thể hiện ý chí công khai, minh bạch là mình chỉ là thiết chế trung gian và không chịu trách nhiệm về việc vi phạm hợp đồng chính giữa các bên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khởi, việc áp đặt trách nhiệm nặng nề lên nền tảng số có thể tạo ra hiệu ứng ngược, cản trở việc phát triển mô hình kinh tế nền tảng trong tương lai. Vì vậy, có lẽ trong giai đoạn hiện nay, chưa nên thiết lập quy định chung áp đặt trách nhiệm liên đới lên các nền tảng số chỉ bởi vì họ đã kiểm soát chi phối bên cung cấp hàng hoá dịch vụ, mà chỉ nên tập trung quy định về nghĩa vụ minh bạch hoá vai trò của nền tảng số. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ nên sử dụng các cơ chế truyền thống của luật hợp đồng để điều tiết vai trò của nền tảng số. Từ bài học của việc xây dựng mô hình trách nhiệm sản phẩm trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 để đối phó với thiệt hại do sản phẩm khuyết tật gây ra, một hướng đi khả dĩ là chúng ta cũng cần nghiên cứu để có thể từng bước mở rộng cơ chế trách nhiệm sản phẩm để đáp ứng thách thức mới mà mô hình cấu trúc của nền tảng số đặt ra./.
 

 


[1] Bài viết này là một phần kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ KH&CN cấp Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2020-2021 “Trách nhiệm dân sự của nền tảng trực tuyến: Kinh nghiệm trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam” do TS. Đỗ Giang Nam làm chủ nhiệm và Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.
[2] Xem tổng quan về kinh tế nền tảng tại Bram Devolder (ed), The Platform Economy, Intersentia 2019.
[3] Dariusz Adamski, Lost on the Digital Platform: Europe’s Legal Travails with the Digital Single Market, 55 Common Market Law Review 719, 2018.
[4] Bram Devolder, ‘Contractual Liability of the Platform’ in Bram Devolder (ed), The Platform Economy, Intersentia 2019, 31–88; Christoph Busch; Hans Schulte-Nölke; Aneta Wiewiórowska-Domagalska; Fryderyk Zoll, The Rise of the Platform Economy: A New Challenge for EU Consumer Law?, 5 Journal of European Consumer and Market Law 2016, 164-169; Caroline Cauffmann, ‘The Commission’s European Agenda for the Collaborative Economy – (Too) Platform and Service Provider Friendly?’ EuCML 2016, 240.
[5] Viện Luật châu Âu được thành lập từ năm 2011 với sứ mệnh thúc đẩy các nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng, nhằm đưa ra các khuyến nghị xây dựng, hài hoà hoá pháp luật ở châu Âu - Research Group on the Law of Digital Services, Discussion Draft of a Directive on Online Intermediary Platforms, EuCML 2016, 164–169.
[6] Report of the European Law Institute: Model rules on online platforms, 2019 https://www.europeanlawinstitute.eu/fileadmin/user_upload/p_eli/Publications/ELI_Model_Rules_on_Online_Platforms.pdf, truy cập 15.9.2021.
[7] Hiển nhiên, trong trường hợp các nhà điều hành nền tảng số vi phạm các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng giữa họ với người sử dụng nền tảng số, họ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ chế pháp lý được áp dụng đơn thuần là các quy phạm của luật hợp đồng truyền thống. Do vậy, Luật mẫu không tập trung vào vấn đề này, mà chỉ tập trung vào các thách thức phi truyền thống mà mô hình kinh tế nền tảng đang đặt ra.
[8] Xem Điều 13 Luật mẫu về nền tảng số.
[9] Xem Điều 19 Luật mẫu về nền tảng số.
[10] Report of the European Law Institute: Model rules on online platforms, 2019, p.39.
[11] CJEU, Case C-149/15 Wathelet v. Garage Bietheres & Fils SPRL, ECLI:EU:C:2016:840, 9/11/2016.
[12] Xem bình luận thêm quy định này tại Marlena Pecyna, Liability of the Platform Operator for the Non-Performance of Suppliers in Christoph Busch (eds) Discussion Draft of a Directive on Online Intermediary Platforms: Commentary, Jagiellonian University Press 2019, 157-165.
[13] CJEU, Case C-434/15, Asociación Profesional Elite Taxi v Uber Systems Spain SL, ECLI:EU:C:2017:981., 20/12/2017
[14] CJEU, Case C-390/18, ECLI:EU:C:2019:1112, 19/12/2019.
[15] CJEU, C-435/15, para.40.
[16] CJEU, C-435/15, para.40.
[17] CJEU, Case C-390/18.
[18] Domurath I, Platforms as contract partners: Uber and beyond, Maastricht Journal of European and Comparative Law, 2018, 565.
[19] Xem khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 Luật mẫu về nền tảng số.
[20] Report of the European Law Institute: Model rules on online platforms, 2019, p.30.
[21] Report of the European Law Institute: Model rules on online platforms, 2019, tr.31.
[22] Xem Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, tr. 29.
[23] Xem Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tr. 4.
[24] Research Group on the Law of Digital Services, Discussion Draft of a Directive on Online Intermediary Platforms, EuCML 2016, 165.
[25] Aneta Wiewiſrowska-Domagalska, Online Platforms: How to Adapt Regulatory Framework to the Digital Age?, European Parliament Briefing, PE 607.323, 2017,
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (443), tháng 10/2021.)