Vượt qua nghi ngờ hợp lý: ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam

14/11/2021

THS. VÕ MINH KỲ

Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Tóm tắt: Ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Khi và chỉ khi phía buộc tội thực hiện chứng minh tội phạm đạt hoặc vượt qua ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh, thì người xét xử mới có thể tuyên phán quyết có tội. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam chưa quy định về ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” của hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ và luận giải về khả năng áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn này vào TTHS Việt Nam.
Từ khóa: Nghi ngờ hợp lý, giới hạn chứng minh, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh, tố tụng hình sự.
Abstract: The standard of proof plays an important role in tackling criminal cases. Only when the prosecutors prove the crime over the requirement of the standard of proof, the trier of fact gives a verdict of conviction. However, the current Vietnamese law on criminal procedure does not regulate such a standard. The paper analyses the standard of proof “beyond a reasonable doubt” of the U.S criminal justice system, then recommends the possibility of implementing such a standard into Vietnam.
Keywords: Reasonable doubt; burden of proof; standard of proof; criminal procedure.
TTHS-HOA-KỲ.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Dẫn nhập
Nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) là một khía cạnh quan trọng trong tố tụng nói chung, và TTHS nói riêng. Khi nói đến nghĩa vụ chứng minh, một số câu hỏi thường được đặt ra như: ai là người có nghĩa vụ chứng minh, chứng minh cái gì, và nghĩa vụ chứng minh phải được thực hiện tới mức độ nào.
Trong đó, câu hỏi về việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh đến mức độ nào lại đặt ra một số vấn đề khá phức tạp, đặc biệt là trong TTHS. Theo pháp luật Hoa Kỳ, có ba mức độ của nghĩa vụ chứng minh, hay còn gọi là ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh (standard of proof) sau đây[1]: Thứ nhất, ở mức độ thấp nhất, thường được sử dụng trong tranh chấp dân sự được gọi là “sự vượt trội về chứng cứ” (preponderance of evidence); thứ hai, ở mức độ giữa, thường được dùng trong các vụ việc hành chính mang tính chất nghiêm trọng như xem xét việc tước quốc tịch, hoặc thực hiện việc trục xuất, được gọi là “clear and convincing evidence” (tạm dịch: chứng cứ rõ ràng và thuyết phục); thứ ba, mức độ ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh khắt khe nhất được sử dụng trong các vụ án hình sự được gọi là “vượt qua nghi ngờ hợp lý” (beyond a reasonable doubt)[2].
Mục đích của ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh được đưa ra nhằm để hướng dẫn người xét xử về mức độ của chứng cứ trong việc chứng minh sự thật vụ án mà bên có nghĩa vụ chứng minh phải thực hiện. Đồng thời, nó cũng giúp cho người có nghĩa vụ chứng minh nhận thức được mức độ của nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Khi và chỉ khi phía có nghĩa vụ chứng minh đạt hoặc vượt qua các mức ngưỡng này, thì người xét xử mới có thể tuyên phán quyết chấp nhận yêu cầu của phía có nghĩa vụ chứng minh.
2. Vượt qua nghi ngờ hợp lý: ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh tư pháp hình sự Hoa Kỳ
2.1. Nguồn gốc của “vượt qua nghi ngờ hợp lý”
Học thuyết về “nghi ngờ hợp lý” có nguồn gốc ngay từ thời Cải cách châu Âu (Protestant Reformation/European Reformation) vào đầu thế kỷ XVI[3]. Tuy nhiên, năm 1770, phiên tòa đầu tiên được chính thức ghi nhận áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là Boston Massacre Trials. Một số ghi chép khác ghi nhận rằng, vào năm 1798, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh này cũng được áp dụng ở các phiên tòa Irish Treason Trials[4]. Lý giải cho sự xuất hiện của ngưỡng tiêu chuẩn “vượt qua nghi ngờ hợp lý”, hiện có hai giả thuyết sau đây[5]:
Thứ nhất, quan điểm lý giải dựa trên “factual proof” (bằng chứng thực tế)[6]. Theo quan điểm này, vào thế kỷ XIII – XIV, tại nước Anh đã thực hiện việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn (jury), là những người biết về sự thật vụ án, bởi vì họ sống cùng một cộng đồng với người bị buộc tội. Bồi thẩm đoàn được kỳ vọng sẽ sử dụng những hiểu biết của họ về cá nhân người bị buộc tội, và những chứng cứ do chính họ thu thập để đưa ra phán quyết. Đến thế kỷ XV, vì nhiều lý do (như sự gia tăng dân số, sự tăng cường giao thương giữa các khu vực,…), bồi thẩm đoàn không còn đủ khả năng tự mình thực hiện các cuộc điều tra thu thập chứng cứ, và hiểu biết của bồi thẩm đoàn về cá nhân của người bị buộc tội cũng hạn chế so với trước. Do đó, bồi thẩm đoàn đã trao việc thu thập chứng cứ cho các bên trong phiên tòa. Kết quả là, do không còn tự mình thu thập chứng cứ, nên bồi thẩm đoàn phải thực hiện việc đánh giá tính xác thực (truthfulness/reliability) của chứng cứ để đưa ra phán quyết. Từ đó, đòi hỏi về các ngưỡng tiêu chuẩn đánh giá chứng cứ như là tất yếu của việc xét xử. Như vậy, sự xuất hiện của “beyond a reasonable doubt” là do sự đòi hỏi của việc phải đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật vụ án của bồi thẩm đoàn.
Thứ hai, quan điểm dựa trên “moral comfort” (không cắn rứt lương tâm). Theo niềm tin của người Công giáo, việc kết án một người vô tội được xem là tội lỗi nghiêm trọng. Do đó, các bồi thẩm viên rất e ngại trong việc kết án. Việc phát triển nguyên tắc về “reasonable doubt” là một trong các phương tiện nhằm giúp bồi thẩm viên vượt qua được nỗi e ngại của họ trong việc xét xử. Nếu bồi thẩm viên có nghi ngờ về tội lỗi của bị cáo, thì việc kết tội sẽ không phù hợp với lẽ thường. Nghi ngờ được xem là tiếng nói của sự không chắc chắn của lương tâm về việc kết tội, và trong trường hợp có sự nghi ngờ thì điều tốt hơn cần làm là không làm gì cả, tức từ chối việc kết án. Chính vì vậy, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” được tạo ra vốn không phải nhằm mục đích đảm bảo việc tìm kiếm sự thật vụ án, hay để đảm bảo quyền của người bị buộc tội, mà chính là nhằm để tạo ra một ngưỡng chứng minh nhằm giúp bồi thẩm đoàn thỏa mãn, khuây khỏa được niềm tin, đạo đức cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ xét xử hình sự[7].
Sau sự manh nha xuất hiện vào năm 1770 và 1798 của việc áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” thì đến năm 1850, Tòa án Hoa Kỳ chính thức áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn này vào hệ thống TTHS hiện đại thông qua vụ án Commonwealth v. Webster[8]. Tuy nhiên, ngưỡng tiêu chuẩn này chỉ được áp dụng tại các tòa án liên bang.
Đến năm 1970, Tòa án tối cao Hoa Kỳ mới chính thức ghi nhận “beyond a reasonable doubt” là một đòi hỏi của trình tự tố tụng công bằng (Due Process of Law) theo Tu chính án thứ 5 và Tu chính án thứ 14. Từ đó, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” được áp dụng trên khắp đất nước Hoa Kỳ, từ cấp độ liên bang đến cấp độ tiểu bang[9].
2.2. Khái niệm về “vượt qua nghi ngờ hợp lý”
Mặc dù Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ghi nhận nguyên tắc “vượt qua nghi ngờ hợp lý” như là một đòi hỏi bắt buộc trong quy trình tố tụng công bằng, nhưng Tòa án tối cao chưa từng chính thức đưa ra giải thích thế nào là “nghi ngờ hợp lý”. Thậm chí, Tòa án tối cao từng ghi nhận rằng thuật ngữ “nghi ngờ hợp lý” là thuật ngữ có ý nghĩa tự thân (self-explanatory) và không cần thêm bất kỳ sự giải thích nào về nó. Mặt khác, việc cố gắng giải thích thuật ngữ này cũng không thường dẫn đến việc khiến nó rõ ràng hơn[10].
Tuy nhiên, Tòa án tối cao cũng trao cho các tòa án cấp dưới quyền lựa chọn định nghĩa hoặc không định nghĩa thuật ngữ “vượt qua nghi ngờ hợp lý” khi thực hiện việc xét xử một vụ việc cụ thể, với điều kiện định nghĩa này, không khiến bồi thẩm đoàn giảm ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh xuống thấp hơn đòi hỏi của trình tự tố tụng công bằng. Điều này dẫn đến các Tòa án liên bang, Tòa án tiểu bang có quan điểm khác nhau về việc định nghĩa hay không định nghĩa tiêu chuẩn này trong xét xử. Một số Tòa án buộc thẩm phán phải đưa ra giải thích về thuật ngữ này, một số khác thì nghiêm cấm, và số còn lại thì lại tiếp tục trao quyền tùy nghi cho thẩm phán[11].
Một trong các định nghĩa được đưa ra bởi thẩm phán Shaw: “Nghi ngờ hợp lý không chỉ đơn thuần là khả năng có nghi ngờ. Bởi vì, trong mọi chuyện liên quan đến con người và chứng cứ đạo lý, sự tồn tại của nghi ngờ là mặc định. Chính vì vậy, tiêu chuẩn vượt quá nghi ngờ hợp lý không phải là hoàn toàn không có tí nghi ngờ nào. Chúng ta cảm thấy vượt quá tiêu chuẩn nghi ngờ hợp lý khi: Sau khi xem xét các chứng cứ, tòa án có thể “cảm thấy” các chứng cứ của vụ án đều chỉ ra là bị cáo có tội. Sự “cảm thấy” này không thể chỉ là “linh cảm” dựa vào “trực giác”, mà nó phải xuất phát từ bằng chứng đạo lý của con người. Do đó, cảm giác này được định nghĩa là sự chắc chắn của đạo lý”[12].
Một số Tòa án thường sử dụng cụm từ “hesitate to act” (do dự khi hành động) nhằm giải nghĩa về “nghi ngờ hợp lý” như là “một loại nghi ngờ mà khiến cho một người có lý trí phải do dự khi hành động trong những việc quan trọng nhất của mình”[13].
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ giải thích: “Nghi ngờ hợp lý là một nghi ngờ có lý do, và nghi ngờ đó hợp lý dựa trên sự xem xét toàn bộ các chứng cứ”[14]. Tuy nhiên, giải thích này không được xem như là yêu cầu chính thức của Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Ngược lại, ý kiến phản đối khái niệm trên cho rằng, bản thân cụm từ “beyond a reasonable doubt” mang ý nghĩa phổ quát (common understanding) nên người nghe có thể tự hiểu mà không cần giải thích, đặc biệt họ còn cho rằng, đây là ý niệm liên quan đến niềm tin về đạo đức của mỗi cá nhân trong việc đánh giá chứng cứ trong từng vụ việc cụ thể, việc định nghĩa khái niệm trên sẽ tạo ra “sự liên kết mang tính phân tích giữa các từ” (nguyên văn: analytic connections between words and words) khiến ý niệm này càng trở nên khó hiểu[15]. Thẩm phán Tòa án tối cao Potter Stewart từng viết: “Tôi không thể định nghĩa nó (nghi ngờ hợp lý), nhưng tôi biết nó khi tôi thấy nó”[16].
Một ví dụ thường được các luật sư Hoa Kỳ sử dụng khi mô tả về “nghi ngờ hợp lý” cho các khách hàng như sau: Một thợ săn nhìn thấy một vật ở xa trông giống như một con hươu, người thợ săn đưa súng lên ngắm bắn, nhưng bất chợt anh ấy cảm giác một điều gì bất an không rõ ràng từ trong tiềm thức của mình. Anh ấy không biết tại sao, nhưng anh ấy trở nên ngập ngừng, do dự việc bóp cò súng. Cuối cùng, trong lúc anh ấy quyết định cần phải làm gì thì vật ở xa chuyển động, và đó là một bé gái chứ không phải là con hươu[17].
Tuy rằng, khái niệm về “nghi ngờ hợp lý” vẫn chưa được định nghĩa thống nhất và rõ ràng trong hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ, nhưng nhìn chung, các thẩm phán, công tố viên, luật sư, và giới nghiên cứu đều đồng ý rằng, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là ngưỡng chứng minh đòi hỏi phía công tố phải chứng minh tội phạm (thông qua các chứng cứ) ở mức độ rất cao, đến mức khi bồi thẩm đoàn xem xét các chứng cứ được đưa ra thì không còn bất kỳ nghi ngờ nào về việc bị cáo không phạm tội, không còn do dự về mặt logic hay về mặt niềm tin đạo đức trong việc kết luận bị cáo phạm tội và tuyên bản án kết tội bị cáo.
2.3. Ý nghĩa của “vượt qua nghi ngờ hợp lý”
Đối với Tòa án tối cao Hoa Kỳ, “vượt qua nghi ngờ hợp lý” được xem là một đòi hỏi của trình tự tố tụng công bằng (Due Process of Law). Theo đó, trình tự tố tụng công bằng yêu cầu không ai có thể bị tước đi tự do, trừ khi chính quyền đã thực hiện nghĩa vụ chứng minh thuyết phục được người xét xử về tội của anh ấy. Trình tự tố tụng công bằng nhằm bảo vệ người bị buộc tội đối với sự kết án, trừ khi phía buộc tội chứng minh được tội phạm vượt qua nghi ngờ hợp lý của mọi khía cạnh, yếu tố cấu thành nên tội phạm mà người bị cáo bị truy tố[18].
Ngoài ra, trong mối liên hệ với nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence), ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” tạo ra sự chắc chắn củng cố cho nguyên tắc này[19]. Nó đòi hỏi phía công tố phải chứng minh tội phạm ở ngưỡng chứng minh rất cao, nếu không vượt qua được ngưỡng đó thì người bị buộc tội vẫn được xem là vô tội. Tòa án tối cao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh rằng, ngưỡng tiêu chuẩn “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là công cụ chủ yếu nhằm giảm rủi ro kết án oan sai, phản ánh giá trị xã hội rằng nếu phải lựa chọn giữa việc thả một người có tội, và kết án oan một người vô tội, thì lựa chọn đầu vẫn tốt hơn[20]. Một nền tư pháp tốt luôn cố gắng tránh việc bỏ lọt tội phạm, và kết án oan người vô tội. Tuy nhiên, không có cách nào làm giảm tỷ lệ bỏ lọt tội phạm mà lại không làm gia tăng khả năng kết án oan người vô tội. Mỗi khi chúng ta khiến việc kết án một tội phạm trở nên dễ dàng hơn, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta gia tăng khả năng kết án oan một người vô tội[21].
Luật gia William Blackstone từng đưa ra nhận định: “Bỏ lọt 10 tội phạm còn tốt hơn là kết án oan sai 01 người vô tội”[22]. Nhận định này đã phản ánh sự đòi hỏi của tư pháp hình sự trong tố tụng tranh tụng nói riêng, và giá trị xã hội phương Tây nói chung về sự đề cao quyền con người và các giá trị tự do của con người.
Mặt khác, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” còn nhằm để hướng dẫn người xét xử về mức độ của chứng cứ trong việc chứng minh sự thật vụ án mà bên có nghĩa vụ chứng minh phải thực hiện. Đồng thời, nó cũng giúp cho phía công tố nhận thức được mức độ của nghĩa vụ mà mình phải thực hiện.
Khi áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” sẽ khiến cho phần việc của phía công tố trở nên nặng nề hơn khi họ phải chứng minh tội phạm ở mức độ rất cao và nghiêm ngặt, đòi hỏi việc thu thập chứng cứ để chứng minh cần được thực hiện cẩn trọng, tốn nhiều công sức và thời gian hơn. Ngược lại, lúc này phần việc của người bào chữa trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đó là chỉ cần tạo ra một “nghi ngờ hợp lý” đối với toàn bộ cáo trạng truy tố và các chứng cứ kèm theo. Tuy nhiên, sự đòi hỏi được xem là một sự cân bằng hợp lý, bởi phía công tố đại diện quyền lực nhà nước, được quyền sử dụng các sự nguồn lực lớn từ phía chính quyền như tài chính, nhân lực, và quyền lực. Trong khi đó, người bị buộc tội thường là các cá nhân (hoặc pháp nhân tư nhân) với nguồn lực hạn chế, không thể nào so sánh với nguồn lực của chính quyền. Do đó, đòi hỏi cao về nghĩa vụ chứng minh của phía công tố là thể hiện sự cân bằng trong phiên tòa giữa quyền lực nhà nước và quyền tự do cá nhân.
Tóm lại, “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là một đòi hỏi của trình tự tố tụng công bằng, nguyên tắc suy đoán vô tội, sự cần thiết để giảm thiểu việc kết án oan sai, và là sự cân bằng giữa quyền lực nhà nước và quyền tự do cá nhân trong một phiên tòa tranh tụng.
3. Tố tụng hình sự Việt Nam: quy định về chứng minh và ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh
3.1. Chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự
Chứng minh là một trong những chế định quan trọng nhất của toàn bộ quá trình TTHS. Toàn bộ hoạt động của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đều hướng vào việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ nhằm chứng minh những vấn đề cần chứng minh của vụ án[23]. Chế định về chứng minh đã được Bộ luật TTHS năm 2015 (Bộ luật TTHS 2015) quy định trên một số khía cạnh như chủ thể có nghĩa vụ chứng minh, vấn đề cần phải chứng minh, và nguồn chứng cứ có thể sử dụng để chứng minh trong vụ án hình sự[24].
Về chủ thể có nghĩa vụ chứng minh, Điều 15 Bộ luật TTHS 2015 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Cần lưu ý rằng, Bộ luật TTHS năm 2015 sử dụng cụm từ “cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, tức là không chỉ bên buộc tội có nghĩa vụ chứng minh là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; mà Tòa án cũng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm[25]. Đây là điểm khác biệt so với mô hình tố tụng tranh tụng ở Hoa Kỳ, nơi mà Tòa án chỉ có nhiệm vụ xét xử dựa trên sự chứng minh của hai bên công tố và bào chữa.
Về các vấn đề cần chứng minh, Bộ luật TTHS năm 2015 phân biệt các vấn đề cần chứng minh đối với cá nhân phạm tội và các vấn đề cần chứng minh trong trường hợp pháp nhân phạm tội. Cụ thể, Điều 85 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự đối với cá nhân, bao gồm: (1) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; (2) Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; (3) Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; (4) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; (5) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; và (6) Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Trong trường hợp vụ án đối với pháp nhân phạm tội, những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án được quy định tại Điều 441 Bộ luật TTHS năm, cụ thể: (1) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự; (2) Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân; (3) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; (4) Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt; (5) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
Vấn đề cần chứng minh trong vụ án thường xoay quanh đến các yếu tố cấu thành tội phạm, định tội danh, định khung hình phạt cũng như nguyên nhân, điều kiện phạm tội và hậu quả của tội phạm. Việc xác định rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự là yếu tố tiên quyết để đưa ra được định hướng điều tra thu thập chứng cứ để chứng minh những vấn đề cần phải chứng minh[26].
Việc chứng minh trong vụ án hình sự được dựa trên cơ sở chứng cứ. Theo Điều 86 và 87 Bộ luật TTHS năm 2015, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án; và những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. Theo quy định, chứng cứ chỉ được thu thập, xác định từ một trong các nguồn: (a) Vật chứng; (b) Lời khai, lời trình bày; (c) Dữ liệu điện tử; (d) Kết luận giám định, định giá tài sản; (đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; và (g) Các tài liệu, đồ vật khác.
3.2. Ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh
Bộ luật TTHS năm 2015 không trực tiếp quy định ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh, mà theo đó mức độ chứng minh tội phạm dựa trên chứng cứ thu thập được, đến mức nào thì Hội đồng xét xử có thể tuyên bố bị cáo có tội.
 Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội; Điều 15 ghi nhận cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội; Điều 108 quy định việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án. Theo Điều 326, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác để ra bản án.
Nội dung những quy định trên cho thấy, Bộ luật TTHS năm 2015 đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh khi đưa ra quy định về thu thập, đánh giá, kiểm tra, và sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự là phải “làm rõ”, “đủ”, “bảo đảm đủ”“đầy đủ, khách quan, toàn diện”. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, chưa ghi nhận việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm đến mức độ nào thì “đủ” để có thể kết luận có tội, và đến mức độ nào thì được xem là “không đủ căn cứ để buộc tội, kết tội” để có thể kết luận vô tội.
Có tác giả cho rằng, xác định sự thật của vụ án phải có điểm dừng. Đây chính là giới hạn của quá trình xác định sự thật của vụ án. Việc xác định giới hạn này luôn được đặt ra trong quá trình chứng minh nhằm xác định sự thật của vụ án và được cụ thể hoá trong Luật TTHS bằng giới hạn chứng minh. Điều này xuất phát từ ý nghĩa của nó trong TTHS: Một là, nếu xác định giới hạn chứng minh quá rộng thì hoặc là lãng phí thời gian và nguồn lực, không tập trung làm rõ được những vấn đề bản chất của vụ án hoặc rơi vào tình trạng “bất khả tri”, kết luận mơ hồ không biết thế nào là đủ làm cho quá trình giải quyết vụ án không có điểm kết thúc; Hai là, nếu xác định giới hạn chứng minh quá hẹp thì dẫn đến bỏ sót các tình tiết có ý nghĩa pháp lý hình sự và TTHS, thu thập không đầy đủ tài liệu chứng cứ dẫn đến kết luận, bản án không đủ sức thuyết phục, từ đó không những bỏ lọt tội phạm mà còn làm oan người vô tội[27].
Theo quan điểm này, giới hạn chứng minh là việc chứng minh trong vụ án phải có điểm dừng, là việc thu thập chứng cứ để chứng minh phải đạt mức cần và đủ. Mặt khác, bản thân từ “giới hạn” được hiểu là ngưỡng/điểm nhất định không thể vượt qua, tức là ngưỡng/điểm cực đại, tối đa[28]; có nghĩa là, “giới hạn chứng minh” là ngưỡng cực đại mà quá trình chứng minh vụ án đi đến và dừng tại đó mà không thể vượt qua. Mặc dù quan điểm này có những hạt nhân hợp lý, nhưng cũng chứa đựng một số điểm chưa phù hợp. Trước hết, có thể thấy, thuật ngữ “standard of proof” chỉ một điểm/ngưỡng tối thiểu mà bên có nghĩa vụ chứng minh phải vượt qua, tức phải chứng minh từ điểm/ngưỡng đó trở lên mà không thể thấp hơn, có nghĩa đây là một ngưỡng tối thiểu chứ không phải là ngưỡng tối đa như quan điểm trên. Mặt khác, quan điểm này chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra – truy tố để chứng minh tội phạm, nhưng chưa chú ý đến khía cạnh người xét xử sẽ tiếp nhận và đánh giá các chứng cứ đó đến mức độ như thế nào để đưa ra phán quyết có tội hay vô tội. Trong khi đó, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh chủ yếu nhằm để hướng dẫn người xét xử về mức độ của chứng cứ trong việc chứng minh sự thật vụ án mà bên có nghĩa vụ chứng minh phải thực hiện, trên cơ sở đó, người xét xử cảm thấy tự tin, thỏa mãn với mức độ chứng minh của bên có nghĩa vụ mà đưa ra phán quyết. Từ vai trò cơ bản đó, nó mới nảy sinh ra vai trò khác là giúp cho người có nghĩa vụ chứng minh nhận thức được mức độ của nghĩa vụ mà mình phải thực hiện nhằm thuyết phục được người xét xử.
4. Khả năng áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” vào tố tụng hình sự Việt Nam
Qua việc phân tích, đánh giá ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ và quy định của pháp luật TTHS Việt Nam về ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh, chúng ta có thể cân nhắc, xem xét áp dụng ngưỡng “vượt qua nghi ngờ hợp lý” ở mức độ nhất định, phù hợp với mô hình tố tụng của Việt Nam dựa trên các lý do sau:
Thứ nhất, Việt Nam đã có những quy định mang tính khái quát về ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh trong TTHS. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những quy định cụ thể về mức độ chứng minh sẽ dẫn đến sự lúng túng của cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự nói chung, và trong việc xét xử vụ án hình sự nói riêng. Trong một số vụ việc cụ thể, khi các chứng cứ buộc tội để chứng minh tội phạm đã đạt đến một số lượng tương đối nhiều, nhưng vì những lý do nào đó mà người giải quyết vụ án vẫn còn những hoài nghi nhất định trong việc kết tội bị cáo, thì việc không có cơ sở pháp lý cho hướng giải quyết vụ án dựa trên những hoài nghi như vậy sẽ dễ dẫn đến những phán quyết giải quyết vụ án không thực sự đảm bảo công lý, và để lại những băn khoăn trong nội tâm của người đã ra phán quyết.
Do đó, việc ghi nhận và áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là cần thiết và là sự bổ sung, hướng dẫn cụ thể hơn cho việc chứng minh tội phạm phải “đủ”, “bảo đảm đủ”“đầy đủ, khách quan, toàn diện”. Từ đó, đảm bảo các phán quyết phù hợp công lý, và giúp người đưa ra phán quyết có cơ sở vững tin về phán quyết của mình.
Thứ hai, một nguyên tắc cơ bản khác trong TTHS là nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocent), và cũng là một quyền con người cơ bản được Hiến pháp Việt Nam bảo vệ[29]. Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội là một giả định thể hiện ở yêu cầu: bị can, bị cáo phải được coi là vô tội khi mà lỗi của bị can, bị cáo đó chưa được chứng minh theo một trình tự do pháp luật quy định và được xác định bởi một bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định trong tất cả các giai đoạn tố tụng người bị tình nghi, bị can, bị cáo chưa phải là tội phạm. Do đó, nó đòi hỏi hoạt động TTHS không chỉ tuân thủ pháp luật TTHS để việc xác định sự thật vụ án đạt được kết quả chính xác nhất làm cơ sở để kết luận một người là có tội hay không mà còn nhấn mạnh yêu cầu “mọi hoài nghi về lỗi của bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo”[30]. Như vậy, về hình thức, có thể khẳng định sự suy đoán về tình trạng vô tội của bị can, bị cáo sẽ kết thúc vào thời điểm có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, về mặt nội dung, quy định của pháp luật Việt Nam chưa cho thấy rõ sự suy đoán vô tội sẽ kết thúc vào lúc nào, có nghĩa là việc chứng minh tội phạm theo trình tự thủ tục luật định đến mức độ nào thì Tòa án có thể tuyên bản án có tội và kết thúc sự suy đoán vô tội. Do đó, ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” tạo ra sự chắc chắn và là sự bổ sung, củng cố cho nguyên tắc này về mặt nội dung; đặt ra tiêu chuẩn của việc chứng minh có tội của phía buộc tội và bản án kết tội của tòa án. Khi và chỉ phía công tố chứng minh tội phạm đạt hoặc vượt qua ngưỡng “vượt qua nghi ngờ hợp lý” (về nội dung), thì sự suy đoán vô tội mới chấm dứt bằng một bản án kết tội của tòa án (về hình thức).
Suy đoán vô tội là thành quả đấu tranh văn minh nhân loại đưa đến kết quả là, bị cáo không buộc phải chứng minh mình vô tội và Hội đồng xét xử không kết tội khi vẫn còn nghi ngờ về không phạm tội. Hội đồng xét xử chỉ được phép tuyên một ai đó là có tội khi họ không còn nghi ngờ rằng, có thể bị cáo không phạm tội[31].
Thứ ba, trong nhà nước pháp quyền, quyền con người là những giá trị quan trọng, “được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và chỉ có thể bị hạn chế “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[32]. Việc áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn “vượt qua nghi ngờ hợp lý” đòi hỏi mức độ chứng minh tội phạm cao từ phía quyền lực nhà nước để có thể kết án và tước bỏ tự do của một người. Đồng thời, nó cũng làm giảm rủi ro kết án oan sai, phản ánh một nguyên tắc tiến bộ trong tố tụng hình sự, đó là “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”. Đây là nguyên tắc mà rất nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Bắc Âu đã thừa nhận, đề cao giá trị về quyền tự do cá nhân, quyền con người[33].
Việc áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” sẽ tác động nhất định đến Hội đồng xét xử trong việc giải quyết vụ án. Nó đòi hỏi một sự cân nhắc, suy xét cẩn trọng hơn đối với chứng cứ của vụ án được đưa ra khi quyết định tuyên bản án có tội hay vô tội.
Hiện nay, thực tiễn xét xử cho thấy ở Việt Nam cho thấy, Thẩm phán và Hội thẩm dựa trên quy định của pháp luật, tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa và niềm tin nội tâm để giải quyết vụ án, đưa ra kết luận về việc có tội hay không có tội. Trong đó, niềm tin nội tâm thường được hiểu là một khái niệm mang tính đạo đức, là niềm tin của cá nhân Thẩm phán, Hội thẩm trong việc đánh giá chứng cứ, mức độ chứng minh của chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội đặt trong toàn bộ vụ án. Tuy nhiên, ý niệm về niềm tin nội tâm hiện chưa được pháp luật ghi nhận chính thức. Do đó, việc áp dụng ngưỡng “vượt qua nghi ngờ hợp lý”, một ý niệm liên quan đến niềm tin về đạo đức của mỗi cá nhân trong việc đánh giá chứng cứ trong từng vụ việc cụ thể, cũng chỉ là một hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn đối với việc sử dụng niềm tin nội tâm của mỗi thẩm phán và hội thẩm trong quá trình đánh giá chứng cứ trong mỗi vụ án cụ thể chứ không phải là một đòi hỏi mới mẻ về niềm tin đạo đức.
Mặt khác, “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là một căn cứ pháp lý để Hội đồng xét xử tuyên phán quyết có tội khi không còn nghi ngờ hợp lý nào về việc bị cáo không phạm tội trong một vụ án cụ thể. Khi còn những “nghi ngờ hợp lý” thì Hội động xét xử cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những nghi ngờ hợp lý đó; chỉ sau khi đã điều tra bổ sung nhưng vẫn còn tồn tại “nghi ngờ hợp lý” về việc kết tội bị cáo thì đây cũng lại là một căn cứ pháp lý vững chắc để Hội đồng xét xử tuyên phán quyết không có tội, tránh những vụ án oan sai như đã từng xảy ra trong lịch sử TTHS Việt Nam.
5. Kiến nghị
Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng, việc áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” là cần thiết nhằm đảm bảo cho phiên tòa công bằng, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, và làm giảm tỷ lệ kết án oan sai. Việt Nam hoàn toàn có thể thích nghi và có khả năng áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh này. Để áp dụng ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” vào TTHS của nước ta hiện nay, cần bổ sung quy định về ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “vượt qua nghi ngờ hợp lý” trong chế định về chứng cứ và chứng minh trong TTHS; đồng thời, bổ sung quy định về ngưỡng tiêu chuẩn này cho nguyên tắc suy đoán vô tội và quy định về việc nghị án, cụ thể[34]:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015 về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà không còn tồn tại một nghi ngờ hợp lý nào khác về khả năng không phạm tội và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
- Bổ sung Điều 85a quy định về ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh tội phạm như sau: “Việc chứng minh tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đảm bảo không còn tồn tại một nghi ngờ hợp lý nào khác về khả năng người bị buộc tội không phạm tội”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 326 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về việc nghị án như sau: “Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Hội đồng xét xử chỉ được tuyên bản án kết tội bị cáo nếu các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa chứng minh được bị cáo đã thực hiện tội phạm mà không còn tồn tại một nghi ngờ hợp lý nào khác về khả năng bị cáo không phạm tội”./.
 

 


[1] Một số nhà nghiên cứu luật học Việt Nam đã sử dụng thuật ngữ “giới hạn chứng minh” để chỉ “standard of proof”. Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ “giới hạn” ở đây không thực sự phù hợp với nghĩa của thuật ngữ này. Theo lẽ thông thường, “giới hạn” được hiểu là ngưỡng/điểm nhất định không thể vượt qua, tức là ngưỡng/điểm cực đại, tối đa. Như vậy, khi dùng thuật ngữ “giới hạn chứng minh” sẽ dẫn đến ý niệm nghĩa vụ chứng minh không được vượt quá ngưỡng/điểm giới hạn. Trong khi đó, “standard of proof” chỉ một điểm/ngưỡng tối thiểu mà bên có nghĩa vụ chứng minh phải vượt qua, tức phải chứng minh từ điểm/ngưỡng đó trở lên mà không thể thấp hơn. Do đó, trong bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ “ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh” nhằm chỉ khái niệm “standard of proof”. Xem thêm Đinh Thế Hưng, “Bàn về giới hạn chứng minh và nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/ban-ve-gioi-han-chung-minh-va-nghia-vu-chung-minh-trong-to-tung-hinh-su, truy cập ngày 29/3/2021; Đỗ Văn Đương, Chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự, Hà Nội: Nxb. Tư pháp, 2006.
[2] Một nghiên cứu khoa học xã hội nhận thấy, khi ở ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “sự vượt trội về chứng cứ” (preponderance of evidence), thì mức độ chứng minh của bên có nghĩa vụ chứng minh (thường là nguyên đơn) thường phải vượt trội hơn mức 50% so với phía bị đơn. Đối với ngưỡng tiêu chuẩn chứng minh “chứng cứ rõ ràng và thuyết phục” (clear and convincing evidence) đòi hỏi chứng cứ phải thể hiện được mức độ chứng minh ở khoảng 67% đến 75%. Còn đối với ngưỡng tiêu chuẩn cao nhất là “vượt qua nghi ngờ hợp lý” (beyond a reasonable doubt), là mức độ chứng minh của phía công tố thường phải vượt qua mức 90% trở lên. Xem thêm Dorothy K. Kagehiro và W. Clark Stanton, “Legal vs. Quantified Definition of Standards of Proof,” Law and Human Behavior, Vol. 9, No. 2 (June 1985), pp.160-161
[3] Theodore Waldman, “Origins of the Legal Doctrine of Reasonable Doubt,” Journal of the History of Ideas, Vol. 20, No. 3 (Jun. - Sep., 1959), pp. 299-301
[4] Thomas V. Mulrine, “Reasonable Doubt: How in the World Is It Defined?,” American University International Law Review, Vol. 12, Issue 1 (1997), p. 200
[5] Barbara Shapiro, “The Beyond Reasonable Doubt Doctrine: Moral Comfort or Standard of Proof,” Law and Humanities, Vol. 2, Issue 2 (2008), pp. 149 – 173; và Miller W. Shaealy Jr., “A Reasonable Doubt About ‘Reasonable Doubt’,” Oklahoma Law Review, Vol. 65, No. 2 (2013), p. 270
[6] Xem thêm Barbara J. Shapiro, ‘Beyond Reasonable Doubt’ and ‘Probable Cause’: Historical Perspectives on the Anglo-American Law of Evidence, Berkeley CA: University of California Press, 1991, p. 4
[7] Xem thêm James Q. Whitman, The Origins of Reasonable Doubt: Theological Roots of the Criminal Trial, New Haven CT: Yale University Press, 2008, pp.2-4
[8] Commonwealth v. Webster, 59 Mass. (5 Cush.) 295 (1850).
[9] Xem thêm In re Winship, 397 U.S. 358 (1970).
[10] Xem thêm Holland v. United States, 348 U.S 121 (1954), đoạn 140; “Reasonable Doubt: An Argument Against Definition,” Harvard Law Review, Vol. 108, No. 8 (June 1995), p.1956
[11] Xem thêm Henry A. Diamond, “Reasonable Doubt: To Define, or Not to Define,” Columbia Law Review, Vol. 90, No. 6 (October 1990), pp. 1717 - 1721
[12] Commonwealth v. Webster, tlđd, đoạn 320. Bản dịch được lấy từ bài viết của tác giả Đinh Thế Hưng, tlđd.
[13] Nguyên văn: “The kind of doubt that would make a reasonable person hesitate to act in the most important of his own affairs”. Xem thêm Geese v. State, 820 S.W.2d 154 (1991), đoạn 162, https://casetext.com/case/geesa-v-state, truy cập ngày 04/4/2021.
[14] Nguyên văn: “Reasonable doubt is a doubt based on reason, and which is reasonable in view of all the evidence.”Xem thêm Hopt v. Utah, 120 U.S 430 (1887), đoạn 439.
[15] “Reasonable Doubt: An Argument Against Definition,” tlđd, tr.1968.
[16] Jacobellis v. Ohio, 378 U.S 184 (1964), đoạn 197.
[17] Alan M. Dershowitz, Reasonable Doubts: The Criminal Justice System and the O.J. Simpson Case, Reprint edition , New York: Simon and Schuster, 1997, p. 71
[18] In re Winship, tlđd, đoạn 364.
[19] In re Winship, tlđd, đoạn 363.
[20] In re Winship, tlđd, đoạn 372.
[21] Alan M. Dershowitz, tlđd, tr. 199
[22] Nguyên văn: “It is better that ten guilty persons escape than that one innocent suffer”. Xem thêm William Blackstone, Commentaries on the Laws of England, 21st ed. (1765; London: Sweet, Maxwell, Stevens & Norton, 1844), bk. IV, ch. 27, p. 358.
[23] Đỗ Ngọc Quang, “Chứng minh và chứng cứ,” trong cuốn sách “Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” do Nguyễn Hòa Bình chủ biên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 205.
[24] Một số nghiên cứu còn dùng khái niệm “phạm vi chứng minh”, “đối tượng chứng minh” để chỉ vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Xem thêm Lê Hữu Thể, Đỗ Văn Đươn, và Nguyễn Thị Thủy, Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tụ tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 81 – 85; và Đinh Thế Hưng, tlđd.
[25] Nguyễn Ngọc Anh và Phan Trung Hoài, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, tr.34-35
[26] Đỗ Ngọc Quang, tlđd, tr. 207.
[27] Đinh Thế Hưng, tlđd.
[28] Ví dụ, BLTTHS năm 2015 có quy định về giới hạn của việc xét xử ở Điều 298. Theo đó, Tòa án chỉ được xét xử theo những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố; hoặc xét bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Điều này có nghĩa là, quyết định truy tố của Viện kiểm sát đã tạo ra một ngưỡng tối đa, giới hạn việc xét xử của Tòa án. Điều luật cũng quy định điều kiện để Tòa án có thể vượt qua giới hạn xét xử là Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
[29] Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[30] Đinh Thế Hưng, tlđd.
[31] Hoàng Hùng Hải, “Suy đoán vô tội và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23(375), tháng 12/2018, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208309, truy cập ngày 04/4/2021.
[32] Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[33] Hồng Tú, “Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan,” Báo Pháp luật TP. HCM, ngày 09/12/2010, https://plo.vn/plo/tha-bo-lot-toi-pham-con-hon-lam-oan-157496.html, truy cập ngày 31/3/2021; và Thái Bình, “Thà tha lầm còn hơn làm oan người vô tội!”, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tha-tha-lam-con-hon-lam-oan-nguoi-vo-toi-77056.html, truy cập ngày 31/3/2021.
[34] Đoạn in nghiêng thể hiện phần sửa đổi, bổ sung của tác giả.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 07/2021.)


Ý kiến bạn đọc