Nghiên cứu lập pháp: Hai mươi năm thúc đẩy đối thoại chính sách

11/12/2020

PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA

Trọng tài viên VIAC, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Ảnh-PDNghia.jpgHai mươi năm trước, từ một bản tin nội bộ, Nghiên cứu lập pháp trở thành một Tạp chí. Thuở ban đầu hồn nhiên, với sự ra đời của Nghiên cứu lập pháp, ai cũng mong các đại biểu Quốc hội sẽ được cung cấp ngày càng nhiều thông tin cho hoạt động dân biểu của mình. Tri thức và đối thoại dựa trên chứng cứ chắc rằng sẽ tăng thêm quyền lực thực sự cho cơ quan dân cử. 
Với chúng tôi, thế hệ mới tập tành nghiên cứu, Nghiên cứu lập pháp bất ngờ mở ra một không gian đối thoại thoáng đãng. Các tạp chí luật học vào thời ấy có thể đếm chưa hết số ngón tay của một bàn tay, lại kín bóng của các thế hệ đàn anh, sừng sững những cây đa, cây đề trong giới khoa bảng. Nghiên cứu lập pháp mạnh dạn chấp nhận công bố những thảo luận có tính phản biện, thuở ban đầu xoay quanh nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật công ty, cạnh tranh, chứng khoán, phá sản, và những điều mới mẻ khác chuẩn bị cho cuộc hội nhập WTO sáu năm sau đó của nước ta.
Từng là một thực thể khá độc lập dưới sự quản lý của Văn phòng Quốc hội (VPQH), có được sự hậu thuẫn của các lãnh đạo VPQH thời đó và sau này, đặc biệt là của cố Chủ nhiệm VPQH, ông Vũ Mão và anh Nguyễn Sĩ Dũng, Nghiên cứu lập pháp được ra Võng Thị ở riêng. Các Tổng biên tập của Nghiên cứu lập pháp, từ anh Nguyễn Chí Dũng đến anh Phạm Văn Hùng đều khéo xoay sở, tìm tài trợ, kết nối thân thiết những cây viết trung thành, có thêm bạn đọc, và thực sự đã làm cho Tạp chí có sức lan tỏa trong văn đàn đối thoại chính sách, pháp luật ở nước ta.
Đối thoại chính sách, thảo luận các dự án luật, diễn đàn thực thi chính sách, kinh nghiệm lập pháp quốc tế, điểm qua những tiêu mục ấy đã cho thấy Nghiên cứu lập pháp đã thành công trong việc xác định chỗ đứng của mình: một tạp chí khoa học ứng dụng, phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghị trường và phân tích chính sách ở nước ta. Nghiên cứu lập pháp xuất hiện ngày càng phổ biến trong các thư viện nước ngoài. Một quốc gia với cả trăm triệu dân, được ngợi ca như một quốc gia cải cách thành công, đã ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà nghiên cứu quốc tế. Họ tìm thấy ở Nghiên cứu lập pháp cánh cửa để tìm hiểu đời sống chính trị, pháp lý nước ta.
Và Nghiên cứu lập pháp cũng xuất hiện online với giao diện thân thiện, nhiều tiện nghi. Cho đến nay, dường như đây là tờ tạp chí chính sách pháp luật duy nhất ở nước ta hào phóng chia sẻ nguồn tài nguyên của mình cho hàng triệu bạn đọc gần xa. Đóng góp ấy thật là quý báu.
Sau 20 năm đổi mới, Quốc hội nước ta đã thay đổi thật nhiều. Nơi ấy thực sự đã có nhiều hơn bóng dáng quyền lực, quyền lực của Nhân dân. Và, lập pháp đã không chỉ là làm luật, giám sát án Hồ Duy Hải, quyết định đầu tư cao tốc Bắc Nam, chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm, tất cả đều là lập pháp (legislative) theo ý nghĩa tìm ra cái gọi là luật ngày càng gần hơn với công bằng, công lý, lẽ phải, lẽ đương nhiên ở đời.
Nay, những người bạn thâm giao của tôi đang dẫn dắt Tạp chí trong một bối cảnh khó khăn gấp bội. Giữa Nhân Đại của Trung Hoa và Nghị viên của các xứ dân chủ đại diện, Quốc hội Việt Nam đang tìm con đường riêng của mình. Và trong cuộc tìm kiếm vĩ đại ấy, hy vọng tờ Tạp chí mà tôi yêu mến sẽ tiếp tục tìm được chỗ đứng và đóng góp riêng của mình. Mong lắm.