Chia sẻ và đồng hành cùng Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

11/12/2020

PGS.TS. NGUYỄN HỒNG THAO

Học viện Ngoại giao.

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
 
Ảnh-NHThao.jpg
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp bước sang tuổi 21, độ tuổi sung sức, năng động của một tổ chức báo chí với những thành tựu đáng được ghi nhận. Là người gắn bó với Tạp chí từ những ngày đầu tiên, có bài đăng thường xuyên trên Tạp chí, tôi may mắn chứng kiến sự phát triển của Tạp chí từ xuất bản 1 số lên 2 số/tháng, rồi tờ Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử và các ấn phẩm khác đưa Quốc hội gần dân và người dân tiếp cận với công tác lập pháp, kiểm tra, giám sát của Quốc hội tốt hơn, chủ động cùng Quốc hội thực hiện tốt các chức năng của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tạp chí đã thực sự đổi mới trong cấu trúc, chuyên mục, dung lượng bài và hình thức thể hiện. Tôi đặc biệt gắn bó với các chuyên mục Nhà nước và Pháp luật, Chính sách, Thực tiễn pháp luật, Kinh nghiệm quốc tế. Tạp chí đã giới thiệu ngắn gọn, súc tích những vấn đề lập pháp khô khan để người dân tiếp cận, hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Các bài viết đã bám sát và phản ánh được các tiến trình xây dựng các Dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội…
Tạp chí đã tích cực khai thác các sự kiện mới nảy sinh mà xã hội quan tâm, xu thế phát triển và công tác lập pháp gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhiều hiệp ước, hiệp định quốc tế đã được giới thiệu trên Tạp chí. Đặc biệt là các bài viết về biên giới lãnh thổ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông đã được giới thiệu nhiều, tần suất cao hơn, đáp ứng được sự quan tâm của mọi người.
Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí đã ngày càng chuyên nghiệp, chăm lo vun đắp quan hệ với các cộng tác viên, nguồn lực không thể thay thế của Tạp chí. Với sự cộng tác tích cực của các cộng tác viên, Tạp chí đã trở nên đa dạng hơn, góc cạnh hơn trong phản ánh các ý kiến đa chiều mang tính xây dựng để đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn tâm tư của người dân, đưa những ý tưởng đã được trao đổi hình thành vào các phiên họp chất vấn của Quốc hội, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, được người dân tin tưởng, ủng hộ.
Để tạo ra bản sắc của mình và tiếp tục phát triển, Tạp chí cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các Tạp chí luật chuyên ngành khác. Trong khi Tạp chí Nhà nước và Pháp luật phản ánh những vấn đề pháp luật liên quan đến quản lý Nhà nước thì Tạp chí Nghiên cứu lập pháp nên bám sát các chương trình làm việc của Quốc hội; tham gia nghiên cứu và đăng tải các công trình nghiên cứu phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sớm phát hiện những vấn đề mới, những yêu cầu mới của xã hội và cử tri với công tác lập pháp và thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng nên có những bài viết nghiên cứu dài hơi về những vấn đề lớn của Nhà nước, xã hội và người dân. Tạp chí cũng chưa có những bài tổng kết lịch sử hay công tác của Quốc hội, các chuyên mục người dân đánh giá công tác của Quốc hội qua từng phiên họp…
Tạp chí cần mở rộng quan hệ đối ngoại với các tạp chí của Quốc hội nước khác.
Tạp chí cần có kế hoạch phấn đấu trở thành tạp chí nghiên cứu lập pháp chuyên ngành hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, các bài viết trên Tạp chí mới chỉ được đánh giá 0,5 điểm cho xét phó giáo sư, giáo sư nên chưa thực sự thu hút. Các bài báo của tạp chí cần được xét duyệt, kiểm định kín để nâng cao chất lượng.
Nhận dịp ngày sinh lần thứ 20 của Tạp chí, chân thành cám ơn Tạp chí đã tạo điều kiện cho các cộng tác viên một diễn đàn trao đổi khoa học lập pháp chất lượng, hiệu quả, đa chiều và gắn kết, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước.
            Xin kính chúc các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí để có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác nghiên cứu, xây dựng và phổ biến chính sách, pháp luật./.