Phát huy vai trò của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trong việc góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta

09/12/2020

GS.TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Đại biểu Quốc hội khóa X,XI; nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH,

trợ lý Chủ tịch Quốc hội; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

 LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên,  độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
 
 
Ảnh-TNDuong.jpgCách đây 20 năm, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp ra số đầu tiên. Với tư cách là một trong những người đề xuất về ý tưởng và mong muốn ra đời của một tờ tạp chí mang tính lý luận và thực tiễn phục vụ trực tiếp và trước hết cho các đại biểu Quốc hội, tôi còn nhớ như in, mình đã vui mừng như thế nào khi nhận số đầu tiên ấy và vội vàng đến “khoe” với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (khi đó tôi là trợ lý) và Chủ tịch cùng vui lây.
Thấm thoát mới đó mà đã 20 năm, nhìn lại khoảng thời gian ấy, có thể khẳng định rằng, bám sát tôn chỉ mục đích, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã làm tròn nhiệm vụ của mình là diễn đàn lý luận và thực tiễn về lập pháp, góp phần tích cực trợ giúp cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Là một kênh thông tin về lý luận và thực tiễn thuộc khoa học lập pháp, trong 20 năm qua, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã đăng tải hàng trăm bài viết công phu, sâu sắc, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm từ kết quả nghiên cứu, khảo sát và hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước của nhiều nhà khoa học, những nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực, đặc biệt là các bài viết của một số đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của mình trong các hoạt động đại biểu. Những bài viết đó đã góp phần đổi mới tư duy, tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung, xây dựng Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp theo đường lối của Đảng nói riêng. Đặc biệt là các vấn đề lý luận và thực tiễn về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Những bài viết này vừa mang tính lý luận sâu sắc, vừa nóng hổi những vấn đề thực tiễn, có giá trị tham khảo bổ ích cho các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Những năm là đại biểu Quốc hội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là “người bạn” thân thiết của tôi trong việc thực hiện chức trách đại biểu.
Ở nước ta, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn. Vì thế, nhiều bài viết của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã tập trung phân tích làm rõ các vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền nói chung và đi sâu làm rõ bản chất, đặc điểm, chức năng cũng như các yêu cầu, đòi hỏi đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Các bài viết chẳng những phân tích, lý giải về cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được Văn kiện Đại hội Đảng đề ra mà còn góp phần làm phong phú thêm lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân loại. Đồng thời, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp cũng đã kịp thời phản ánh đời sống xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta để làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản, mới về xây dựng nhà nước pháp quyền như nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đây là một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (được bổ sung phát triển năm 2011) và được Hiến pháp năm 2013 thể chế thành nguyên tắc. Các bài viết đăng Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phân tích, mổ xẻ, làm rõ nội hàm, vai trò và ý nghĩa của nguyên tắc trong tổ chức quyền lực. Bên cạnh đó, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp cũng đã kịp thời phản ánh một cách sinh động các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước; hoạt động thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ và hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân theo nguyên tắc tổ chức quyền lực mới của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các bài viết về nhà nước pháp quyền của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là những bài viết có nội dung lý luận sâu sắc và được minh họa chứng minh bằng thực tiễn phong phú, sinh động trong hoạt động của Quốc hội. Vì thế, vừa góp phần nâng cao nhận thức lý luận cho người đọc, vừa góp phần vận dụng trong các hoạt động thực tiễn về lập pháp, giám sát tối cao về quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đặc biệt, trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã thực sự trở thành diễn đàn dân chủ thu hút nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học viết bài, tranh luận đóng góp về những nội dung cần sửa đổi Hiến pháp. Hầu hết các chương, mục quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều được các bài viết phân tích sâu sắc và đưa ra các kiến nghị cần sửa đổi và bổ sung. Có thể nói rằng, qua đợt sinh hoạt chính trị góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, không những Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã góp phần xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp – đạo luật gốc của nhà nước và xã hội trong thời kỳ mới, mà còn góp phần nâng cao nhận thức lý luận về Hiến pháp, phương tiện đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực đến nay, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã đăng nhiều bài bình luận phân tích sâu sắc những nội dung và ý nghĩa hiến định mới góp phần tích cực đưa Hiến pháp mới vào cuộc sống.
            Nhà nước nói chung, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng là biểu hiện tập trung nhất của chính trị và pháp lý, là vấn đề cốt tử của đường lối chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, mặc dù Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều bài viết hay về Nhà nước và pháp luật nhưng so với tính chất quan trọng của vấn đề và đặc thù của đối tượng phục vụ, tôi mong muốn Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trong thời gian tới tăng thêm nhiều bài viết đi sâu những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng một hệ thống pháp luật thực sự là pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng. Ví dụ, nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta nói chung và trong hoạt động của Quốc hội nói riêng mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra được hiểu và vận dụng như thế nào vào thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta? Hay xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 như thế nào để phòng, chống có hiệu lực và hiệu quả sự tha hóa quyền lực nhà nước trong đó có việc bài trừ lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Làm thế nào để phát huy dân chủ thực sự trong hoạt động của Quốc hội?... Có thể nói xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoạt động lập pháp của Quốc hội là những vấn đề lý luận và thực tiễn rất bức thiết và đang còn nhiều dư địa để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy vai trò là tạp chí chuyên ngành lý luận và thực tiễn về hoạt động của Quốc hội.
            Là người đã từng có vài năm kiêm nhiệm là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tôi hiểu sâu sắc những khó khăn, vất vả của những người làm công tác ở Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Sức ép của việc có bài hay, biên tập giỏi và cả những lời khen, chê của lãnh đạo, của người đọc. Tuy nhiên, tôi là người từng tham gia giảng dạy ở các trường đại học, tôi thường nhận được nhiều lời khen về Tạp chí. Hai mươi năm qua, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp chẳng những là nơi nhiều thầy cô giáo, nghiên cứu sinh bày tỏ quan điểm lý luận và thực tiễn, các kiến nghị về hoạt động lập pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích, góp phần nghiên cứu giảng dạy và học tập ở các trường đại học chuyên đào tạo về luật ở nước ta.
            Nhân dịp Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tròn 20 tuổi, tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành công của Tạp chí và mong muốn Tạp chí không ngừng phấn đấu để trở thành phương tiện không thể thiếu được trong việc trợ giúp đại biểu Quốc hội về phương diện lý luận, thực tiễn và kỹ năng thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, góp phần xây dựng một Quốc hội mạnh, thực quyền, ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát huy các vai trò đó là Tạp chí Nghiên cứu lập pháp góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.