Những kỷ niệm về Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

10/12/2020

TS.LS. PHẠM VĂN HÙNG

Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

LỜI TÒA SOẠN Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Ảnh-PVHung.JPGTạp chí Nghiên cứu lập pháp đã bước sang tuổi 21 (14/12/2000-14/12/2020). Tuổi hai mươi, hai mốt là tuổi tràn đầy sinh lực, sẵn sàng cống hiến những giá trị tinh hoa nhất để phục vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tôi có vinh dự được Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm làm Tổng biện tập trong thời gian từ năm 2008 đến 2013. Năm 2013, Tạp chí được chuyển về Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục được bổ nhiệm làm Tổng biện tập từ năm 2013 đến năm 2016 thì nghỉ hưu. Trong thời gian 9 năm làm Tổng biên tập có biết bao kỷ niệm, nay có điều kiện suy ngẫm và chia sẻ với bạn đọc và các cộng tác viên.
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CỘNG TÁC VIÊN - YẾU TỐ SỐNG CÒN CỦA TẠP CHÍ
Trong số hàng trăm tạp chí của hệ thống báo chí nước nhà, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là tạp chí duy nhất được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng ấn phẩm để cung cấp thường xuyên cho đại biểu Quốc hội. Đây là vinh dự lớn cho các phóng viên, biên tập viên và cán bộ của Tạp chí nhưng cũng đặt lên vai Tạp chí trách nhiệm rất nặng nề bởi lẽ, yêu cầu cung cấp thông tin khoa học cho đại biểu Quốc hội ngày càng cao cả về chất lượng thông tin cũng như tính toàn diện của hoạt động lập pháp. Nếu chỉ dựa vào các chuyên gia, nhà khoa học ở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Ý thức được vấn đề này, kế thừa kinh nghiệm qua các đời Tổng biên tập, Tạp chí đã thiết lập được hệ thống cộng tác viên, nhà khoa học của các cơ quan trung ương, Viện nghiên cứu, trường đại học, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Để giữ gìn, phát triển và nâng niu, quý trọng mối quan hệ này, Tạp chí đã làm nhiều việc như thường niên tổ chức hội nghị cộng tác viên phía Bắc và phía Nam, gửi thư chúc Tết và tặng quà tri ân vào dịp Tết cố truyền, mời tham dự các buổi tổ sự kiện ở vị trí trang trọng và quan trọng hơn là xử lý hợp lý những vấn đề phát sinh trong quá trình biên tập, đăng tải, thanh toán nhuận bút các bài viết của tác giả. Khi phát sinh bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bài viết thì Tạp chí cũng dành cho tác giả được sự tôn trọng, ngay cả khi Tạp chí trả lời từ chối đăng tải vì nội dung bài viết không phù hợp với tôn chỉ mục đích. Quan hệ tôn trọng các cộng tác viên, nhà khoa học đã trở thành văn hóa ứng xử không chỉ ở Ban lãnh đạo mà còn lan tỏa đến các biên tập viên, cán bộ của Tạp chí. Chính nhờ có hệ thống cộng tác viên rộng rãi trong cả nước mà Ban biên tập luôn có một “ngân hàng” bài phong phú, bao phủ mọi mặt của đời sống lập pháp, từ việc xuất bản một số/ tháng nâng lên 2 số/tháng, các số Tạp chí bảo đảm xuất bản và phát hành đúng định kỳ. Nội dung các bài viết đã được chuyển tải kịp thời cho đại biểu Quốc hội sử dụng trong việc thực thi chức năng nhiệm vụ của đại biểu, được giới khoa học pháp lý đánh giá cao, góp phần cho việc bảo vệ các đề tài khoa học ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu và các cá nhân làm luận án sau đại học (tiến sỹ, thạc sỹ).
TẠP CHÍ LÀ DIỄN ĐÀN GẶP GỠ, TRAO ĐỔI CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
Việc tiếp nhận, xử lý biên tập, đăng tải các bài viết của các công tác viên, nhà khoa học là quan trọng nhất nhưng chưa đủ. Tạp chí  còn biết tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để các nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, tranh luận về và các vấn liên quan đến những dự thảo luật còn có nhiều quan điểm khác nhau. Là một cơ quan báo chí tương đương cấp vụ, Tạp chí làm thế nào có thể tổ chức được các hội thảo lớn thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học?  Bí quyết là phải biết kết nối, hợp tác với cơ quan, tổ chức. Đã có nhiều cuộc hội thảo thành công theo phương thức này như cuộc hội thảo khoa học “Xây dựng chính sách y tế tại Việt Nam” có sự hợp tác giữa Tạp chí và Trung tâm công tác lý luận của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (2009), cuộc hội thảo khoa học “Sửa đổi Hiến pháp theo yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” có sự hợp tác giữa Tạp chí và Hội Luật gia Việt Nam (2011), cuộc hội thảo “Góp ý hoàn thiện pháp luật về quản lý thuế ở Việt Nam” có sự hợp tác giữa Tạp chí với Đoàn đại biểu Quốc hội thành hố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh (2012), cuộc hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện pháp luật về giáo dục đại học” có sự hợp tác giữa Tạp chí với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng và Trường Đại học Đà Lạt (2012), hội thảo khoa học “Góp ý vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” có sự hợp tác giữa Tạp chí với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2013), cuộc hội thảo khoa học “Tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013” có sự hợp tác giữa Tạp chí và Viện chính sách công và Pháp luật trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam” (2014), cuộc hội thảo khoa học “Luật Tiếp cận thông tin trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam” có sự hợp tác giữa Tạp chí và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2015)…Thông qua các cuộc hội thảo, Ban biên tập Tạp chí sẽ lựa chọn được những bài tham luận có chất lượng, phản ánh quan điểm tiếp cận đa chiều về những vấn đề của dự án luật và cho đăng tải cung cấp cho đại biểu Quốc hội, và thông qua hoạt động này, Tạp chí đã trở thành “ngôi nhà” thu hút, gắn kết các nhà khoa học để chung tay đóng góp công sức, trí tuệ gián tiếp phục vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội như một sự tự nguyện và tự hào.
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TẠP CHÍ TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI
Năm 2013 Tạp chí Nghiên cứu lập pháp được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định chuyển từ Văn phòng Quốc hội sang Viện Nghiện Nghiên cứu lập pháp. Việc chuyển đổi sang cơ quan quản lý mới là cơ hội cho Tạp chí bởi Viện Nghiện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan quản lý khoa học của UBTVQH, có tiềm năng nghiên cứu lớn, có sự hợp tác với nhiều viện nghiên cứu trong nước cũng như tổ chức quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để góp phần có thể nâng cao năng lực xuất bản của Tạp chí. Tuy nhiên, Tạp chí cũng phải đứng trước những thách thức cần cố gắng vượt qua như tính tự chủ của Tạp chí với tư cách là cơ quan báo chí sẽ bị hạn chế, đặc biệt là cơ chế tài chính sẽ bị khó khăn hơn do không có quyền “quyết” về chi tiêu như khi là đơn vị sự nghiệp công lập có thu của thời kỳ ở Văn phòng Quốc hội. Nếu hoạt động của Tạp chí chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì sẽ khó phát triển. Vì vậy, cần phải “xã hội hóa”để có thêm nguồn lực cho các hoạt động, nâng cao đời sống cho các phóng viên, biên tập viên, cán bộ tạp chí. Mà muốn “xã hội hóa” thì phải có tính tự chủ. Đây là bài toán khó mà Viện Nghiên cứu lập pháp cần nghiên cứu để hỗ trợ cho Tạp chí có điều kiện thuận lợi hơn, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ xuất bản, cung cấp thông tin khoa học có chất lượng cho các đại biểu Quốc hội. Dù sao, vấn đề quan trọng nhất vẫn là yếu con người, nên Viện Nghiên cứu lập pháp cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ Tạp chí tinh gọn, có đủ năng lực mà tập trung trước hết vào Ban lãnh đạo. Hy vọng Tạp chí ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp thiết thực hơn cho hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, xứng đáng với lòng tin cậy của đông đảo cộng tác viên, nhà khoa học và bạn đọc trong cả nước./.
 
Từ khoá: