Nên sử dụng khái niệm vật quyền trong Bộ luật Dân sự

01/07/2015

PGS,TS. DƯƠNG ĐĂNG HUỆ

Bộ Tư pháp

Hiện nay, việc sử dụng khái niệm “vật quyền” chưa có sự thống nhất cao trong giới luật học cũng như trong giới lập pháp. Để có cơ sở cho việc chấp nhận hay phủ nhận việc này, cần phải tìm hiểu cặn kẽ từ khái niệm, nội dung, cho đến tác dụng to lớn về nhiều mặt mà việc sử dụng khái niệm này có thể đem lại cho hoạt động thực tiễn nói chung và việc xây dựng Bộ luật Dân sự (BLDS) nói riêng. 
Untitled_224.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tại sao lại có khái niệm vật quyền trong khoa học pháp lý dân sự của các nước phương Tây?
- Lý do xuất hiện quyền sở hữu với tư cách là loại vật quyền trung tâm của hệ thống vật quyền
Con người muốn tồn tại thì phải tìm mọi cách để đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Ví dụ, phải có nhà để ở, có quần áo để mặc, có lương thực để ăn, có xe cộ để đi lại, có ruộng vườn để cày cấy … Phương tiện đầu tiên và quan trọng nhất có khả năng giúp con người đáp ứng được các nhu cầu này là các vật thể, hoặc do tự nhiên tạo ra (đất đai), hoặc do lao động của con người mà có (thóc gạo, nhà cửa, xe cộ …).
Để các vật thể này có thể đáp ứng được nhu cầu cho mình thì người có vật phải được quyền làm chủ nó, tức là phải có toàn quyền tác động trực tiếp lên vật theo ý chí và nguyện vọng của mình, đồng thời phải có quyền không cho phép những người khác tiếp cận cũng như quản lý, khai thác, sử dụng tài sản đó. Muốn giúp người có vật thực hiện được các quyền này thì nhà nước phải thông qua pháp luật mà quy định cho họ những quyền nhất định trong việc ứng xử đối với tài sản của mình (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) cũng như cấm những người khác thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quyền của người có vật. Tóm lại, nhà nước phải hỗ trợ người có vật bằng cách ban hành chế định quyền sở hữu để tạo cơ sở pháp lý cho người có vật thống trị đối với tài sản của mình và loại trừ khả năng người khác có thể xâm phạm đến quá trình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Đó là lý do phát sinh quyền sở hữu với tư cách là quyền thống trị của một người đối với tài sản của mình và loại trừ tất cả những người khác ra khỏi quá trình thực hiện quyền thống trị này.
- Lý do xuất hiện các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu (các loại vật quyền hạn chế)
Nhu cầu của con người rất đa dạng, phong phú và ngày càng phát triển, trong khi đó, không phải người nào cũng có tài sản của riêng mình để có thể sử dụng tài sản đó nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Vì vậy, họ chỉ có thể thỏa mãn các nhu cầu của mình thông qua việc sử dụng tài sản của người khác. Ngược lại, người có tài sản thì không phải bao giờ cũng có nhu cầu trực tiếp sử dụng, khai thác tài sản của mình. Do đó, xuất hiện sự "gặp nhau" về mặt nguyện vọng cũng như về mặt lợi ích giữa người có tài sản và người không có tài sản trong việc khai thác công dụng của tài sản. Ví dụ, chủ sở hữu tài sản có thể cho người khác một vài quyền trên tài sản của mình và người này được phép thực hiện các quyền ấy trên tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo ý chí của chủ sở hữu. Các quyền này có nội dung khác nhau, có phạm vi áp dụng khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ, chúng đều phái sinh từ quyền sở hữu và có nội dung hẹp hơn quyền sở hữu. Chính vì vậy, các vật quyền này được gọi chung là vật quyền hạn chế. Như vậy, theo lý thuyết vật quyền thì trên một vật có thể có nhiều vật quyền được thiết lập: đối với vườn cây có thể có một vật quyền là quyền sở hữu, có một vật quyền khác là vật quyền hưởng dụng và lại có một vật quyền khác nữa là vật quyền thế chấp. Đối với một mảnh đất, có thể vừa có vật quyền sở hữu (quyền sở hữu toàn dân về đất đai), có vật quyền là quyền sử dụng lại vừa có một vật quyền khác là quyền địa dịch.
Trong xã hội hiện đại, trước yêu cầu phải khai thác tiết kiệm và hiệu quả mọi tài sản trong xã hội, nên các vật quyền khác ngoài quyền sở hữu luôn được các nhà nước quan tâm, ghi nhận và bảo vệ. Đặc biệt, ở Việt Nam, xuất phát từ các đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, đặc biệt là chế độ sở hữu toàn dân về một số tài sản đặc biệt (đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản ... và các tài sản mà nhà nước đầu tư, quản lý) nên đã xuất hiện các tiền đề kinh tế - xã hội cho việc hình thành các loại vật quyền khác mà nhiều nước trên thế giới không có và BLDS cũng như các luật chuyên ngành khác có trách nhiệm ghi nhận và bảo vệ chúng.
2. Khái niệm vật quyền
Vật quyền và đối xứng với nó là trái quyền là hai phạm trù khoa học cơ bản của pháp luật dân sự và đã được sử dụng phổ biến từ thời La Mã cổ đại. Vật quyền là quyền đối với vật (quyền trên vật), là quyền của một người được tác động trực tiếp lên vật và thông qua việc tác động đó để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Đối ngược với vật quyền là trái quyền, là quyền của một người yêu cầu một người khác phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định, và chỉ thông qua hành vi của người đó thì quyền và lợi ích của người có quyền mới được đáp ứng. Việc phân biệt vật quyền và trái quyền có ý nghĩa to lớn về mặt lập pháp, bởi vì, trong vật quyền thì trọng tâm điều chỉnh pháp luật là việc quy định cho người chủ tài sản có những quyền gì đối với vật; còn trọng tâm điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ trái quyền lại là việc quy định về nghĩa vụ mà người thụ trái phải thực hiện vì lợi ích của trái chủ.
Vậy vật quyền là gì?
Vật quyền được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: (1) theo nghĩa chủ quan và (2) theo nghĩa khách quan.
- Theo nghĩa chủ quan thì vật quyền là quyền của một chủ thể nhất định đối với một tài sản nhất định, cho phép chủ thể này trực tiếp thực hiện các quyền năng được pháp luật thừa nhận đối với tài sản đó. Theo nghĩa này thì vật quyền là quyền đối với vật, khác với trái quyền là quyền của một người yêu cầu một người khác thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định (quyền đối nhân).
- Theo nghĩa khách quan thì vật quyền là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về vật với tư cách là đối tượng của vật quyền, về các loại vật quyền và nội dung của từng loại vật quyền, về căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại vật quyền, về nguyên tắc thực hiện, bảo vệ vật quyền, về các hạn chế mà người có vật quyền phải tuân thủ khi thực hiện các quyền năng của mình …
Trong BLDS năm 2005 thì toàn bộ Phần thứ hai “Tài sản và quyền sở hữu” và trong Dự thảo BLDS (sửa đổi)[1] thì toàn bộ Phần thứ hai: “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” chính là vật quyền hiểu theo nghĩa khách quan. Nói cách khác, theo nghĩa khách quan thì vật quyền chính là pháp luật về quyền của chủ sở hữu và quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với vật.
3. Các loại vật quyền
Vật quyền có nguồn gốc từ luật học La Mã. Vật quyền được chia thành hai loại là (1) quyền sở hữu và (2) các loại vật quyền khác (mà các nước gọi là vật quyền hạn chế).
Quyền sở hữu là quyền đối với vật của mình, còn các vật quyền khác là quyền đối với vật của người khác. Một người có thể cùng một lúc là chủ thể của nhiều vật quyền khác nhau. Ví dụ, ông A là chủ sở hữu của một biệt thự (là người có vật quyền dưới hình thức quyền sở hữu), là chủ thể của quyền hưởng dụng đối với một căn hộ của người khác (là người có vật quyền hạn chế dưới hình thức là vật quyền hưởng dụng), là người có quyền đi qua bất động sản của người khác để đi ra đường quốc lộ (là người có vật quyền hạn chế dưới hình thức quyền địa dịch).
Các loại vật quyền hạn chế có nhiều điểm khác nhau, nhưng đều có chung các đặc điểm sau đây so với quyền sở hữu:
Một là, đều có tính phái sinh. Điều này có nghĩa là, trước một vật quyền hạn chế bao giờ cũng có một vật quyền gốc là quyền sở hữu. Ví dụ:
- Trước quyền sử dụng đất của một chủ thể nhất định luôn tồn tại quyền sở hữu toàn dân về đất đai;
- Trước quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp nhà nước đối với tài sản được nhà nước giao, luôn tồn tại một quyền sở hữu là quyền sở hữu toàn dân đối với vốn, tài sản mà nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
- Trước quyền thế chấp của chủ nợ nhận thế chấp luôn tồn tại quyền sở hữu của con nợ thế chấp đối với tài sản thế chấp, …
Hai là, nội dung của các vật quyền hạn chế luôn mang tính không đầy đủ, không trọn vẹn, chính vì vậy người ta gọi các quyền này là vật quyền hạn chế.
Nội dung của các vật quyền hạn chế khác nhau là khác nhau. Ví dụ, nội dung vật quyền địa dịch chỉ có một quyền là quyền sử dụng; vật quyền thế chấp chỉ có một quyền là quyền định đoạt; vật quyền hưởng dụng có hai quyền là quyền chiếm hữu và quyền sử dụng; vật quyền sử dụng đất (ở Việt Nam, xét về bản chất pháp lý thì quyền sử dụng đất cũng là một loại vật quyền hạn chế, phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai) có ba quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này là có điều kiện và có mức độ, do đó, tuy có đủ ba quyền năng như quyền sở hữu nhưng các vật quyền này vẫn phải gọi là vật quyền hạn chế.
4. Tại sao Việt Nam cần phải áp dụng lý thuyết vật quyền vào việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự?
Đã đến lúc Việt Nam phải vận dụng lý thuyết vật quyền vào việc xây dựng Phần II của BLDS vì các lý do chủ yếu sau đây:
Một là, việc vận dụng lý thuyết vật quyền giúp chúng ta có cơ sở khoa học vững chắc để xác định đúng bản chất pháp lý của những quyền đối với tài sản đã và đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các quy định hiện hành liên quan đến quyền sở hữu, trên cơ sở đó xây dựng được một hệ thống vật quyền phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN.
Ví dụ 1: Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhưng chủ thể có nhu cầu sử dụng đất chủ yếu là các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để phát huy vai trò, giá trị của đất đai, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đất thì Nhà nước phải giao đất cho các chủ thể này sử dụng. Giao đất thì Nhà nước phải giao quyền đối với đất. Quyền này đương nhiên không thể gọi là quyền sở hữu vì theo nguyên tắc từ thời La Mã cổ đại đến nay thì trên một tài sản chỉ có thể có một quyền sở hữu mà thôi. Vậy quyền đó là gì? Ở Việt Nam, quyền đó được gọi là quyền sử dụng đất. Đối với đất được giao, người sử dụng đất cũng có một số quyền năng nhất định và các quyền năng này, tổng hợp lại tạo thành một vật quyền hạn chế là quyền sử dụng đất. Xét về tính chất thì quyền này có tính phái sinh vì bắt nguồn từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai, và phụ thuộc vào quyền sở hữu này. Tuy nhiên, do không xuất phát từ lý thuyết vật quyền nên ở nước ta, bản chất pháp lý của quyền sử dụng đất cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Điều này thể hiện ở chỗ, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 chỉ tuyên bố "quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ" nhưng không khẳng định quyền sử dụng đất có phải là một loại vật quyền hay không. Chỉ có thể trên cơ sở lý thuyết vật quyền thì chúng ta mới có đủ căn cứ khoa học để khẳng định rằng, quyền sử dụng đất là một loại vật quyền rất quan trọng ở nước ta. Những hạn chế, bất cập trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ đất đai, những sai sót, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, những bất bình trong nhân dân liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giá trị quyền sử dụng đất là do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là Nhà nước ta chưa xác định được bản chất pháp lý của quyền sử dụng đất với tư cách là một loại vật quyền hạn chế.
Ví dụ 2: Ở Việt Nam, việc thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã làm xuất hiện nhu cầu xây dựng một chế định pháp lý đặc thù cho tài sản mà Nhà nước đã giao cho các doanh nghiệp này. Tài sản được Nhà nước giao, về nguyên tắc, vẫn thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu, nhưng các doanh nghiệp nhà nước cũng phải có một số quyền nhất định trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với các tài sản này. Quyền này là gì, tên gọi ra sao, nội dung như thế nào, đây có phải là một dạng vật quyền hạn chế hay không ... đang là những vấn đề được khoa học kinh tế và pháp lý quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, những vấn đề này vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và nguyên nhân sâu xa của tình trạng này không có gì khác ngoài việc lý thuyết vật quyền chưa được chúng ta thừa nhận và vận dụng trong quá trình xây dựng BLDS cũng như các luật chuyên ngành khác có liên quan.
Hai là, việc áp dụng lý thuyết vật quyền giúp chúng ta xây dựng được một hệ thống các quyền đối với vật một cách đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài sản, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Muốn xây dựng thành công nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta thì nhiệm vụ đặt ra là làm sao để các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các loại tài sản trong xã hội không bị đóng băng, nằm im bất động mà luôn phải được tham gia lưu thông kinh tế, được sử dụng một cách hiệu quả và tiết kiệm. BLDS có một vai trò không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chung này. Tuy nhiên, vừa qua, do chưa nắm vững và chưa quán triệt một cách đầy đủ các nguyên lý của lý thuyết vật quyền, nên chúng ta đã xây dựng Phần thứ hai của BLDS với nhiều hạn chế như nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra. Với sự coi nhẹ việc quy định về các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu (vật quyền hạn chế) nên trên thực tế, BLDS chưa tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thông thoáng và thuận tiện để các tài sản trong nền kinh tế được đưa vào lưu thông, do đó chưa khai thác được một cách hiệu quả các loại tài sản, góp phần làm ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội. Ở một khía cạnh khác, sự yếu kém trong việc điều chỉnh pháp luật đối với một số vật quyền hạn chế đã gây ra thất thoát và tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng các tài sản được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp quản lý trong thời gian qua.
Ba là, như đã trình bày, vật quyền là quyền của một người (cá nhân, pháp nhân) được tự mình tác động lên một vật (tài sản) nhất định để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào của người khác. Nếu như vật chịu sự tác động đó là tài sản của mình thì vật quyền này được gọi là quyền sở hữu - khái niệm đã rất thông dụng trong khoa học pháp lý, trong hoạt động lập pháp, lập quy cũng như trong thực tiễn lưu thông dân sự ở nước ta; nếu tài sản là của người khác thì vật quyền này được gọi là vật quyền hạn chế, tồn tại dưới các hình thức, tên gọi và nội dung khác nhau. Tóm lại, có nhiều loại vật quyền và quyền sở hữu, mặc dù luôn được coi là loại vật quyền chủ đạo, phổ biến nhất, đóng vai trò trung tâm của hệ thống vật quyền nhưng cũng chỉ là một hình thức, một loại vật quyền mà thôi. Do đó khi ở nước ta hiện nay, bên cạnh quyền sở hữu đã xuất hiện thêm các loại vật quyền khác mà Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã ghi nhận như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt hoặc đã được ghi nhận trong các luật khác như quyền sử dụng đất (trong Luật Đất đai), quyền quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đối với tài sản được Nhà nước giao (trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) thì khái niệm quyền sở hữu đã trở nên chật hẹp, không đủ khả năng để bao quát được các loại vật quyền khác đang tồn tại một cách khách quan trong nền kinh tế nước ta. Trong hoàn cảnh như vậy, việc sử dụng khái niệm vật quyền là việc không thể không làm, không phải là một hành động mang tính cảm tính, tự phát mà xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đất nước, mặc dù nó đang là khái niệm còn xa lạ với không ít người, kể cả các chuyên gia pháp lý.
Bốn là, khái niệm vật quyền đã được sử dụng một cách rộng rãi trong khoa học pháp lý cũng như trong hoạt động lập pháp của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ: Phần ba BLDS Liên bang Đức và Phần hai BLDS Nhật Bản đều có tên gọi là “Vật quyền”. BLDS Cộng hòa Liên bang Nga năm 1995 có bốn phần, trong đó Phần thứ hai được gọi là “Quyền sở hữu và các loại vật quyền khác” và hiện nay, sau 20 năm tồn tại, trong Dự thảo mới nhất của BLDS Nga, tên gọi này đã được dự kiến thay bằng “Vật quyền” để đảm bảo tính ngắn gọn, đồng thời phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Ở Trung Quốc, do không có BLDS mà chỉ có Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nên trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản này, năm 2007, Trung Quốc đã ban hành Luật về Vật quyền, trong đó, có hai phần chính quy định về quyền sở hữu và các loại vật quyền khác.
Trong BLDS năm 2007 của Campuchia, Phần thứ ba với gần 200 điều có tên gọi là Quyền về vật chất nhưng thực chất, đó là các quy định về quyền sở hữu và các loại vật quyền khác như nhiều nước trên thế giới.
Năm là, việc sử dụng thuật ngữ vật quyền còn đem lại nhiều lợi ích cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, thể hiện ở những điểm sau đây:
(i) Các thuật ngữ pháp lý như vật quyền, trái quyền từ lâu đã trở thành ngôn ngữ pháp lý chung của nhân loại. Chủ trương hội nhập quốc tế của Nhà nước ta chỉ có thể được thực hiện một cách thuận lợi khi trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại, Việt Nam nói tiếng nói chung của nhân loại. Việc Việt Nam tiếp tục sử dụng những thuật ngữ pháp lý của riêng mình chắc chắn sẽ làm phương hại đến quá trình hội nhập quốc tế của Nhà nước ta.
(ii) Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền KTTT định hướng XHCN, và chúng ta đang mong muốn được nhiều nước trên thế giới công nhận nền kinh tế nước ta là nền KTTT. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ mới khoảng 1/3 quốc gia trên thế giới đáp ứng mong muốn này của chúng ta. Như vậy, tuyệt đại đa số các nước vẫn chưa thừa nhận nền kinh tế nước ta là nền KTTT vì theo họ, một nền KTTT, về cơ bản, cần phải thỏa mãn 10 tiêu chí sau đây[2]:
(1) Có sự tách bạch một cách rõ ràng về mặt tài sản của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, thương mại. Hình thức pháp lý của sự tách bạch này được thể hiện thông qua hệ thống các loại vật quyền, bao gồm quyền sở hữu và các loại vật quyền khác mà chủ thể của các quan hệ này có được đối với tài sản của mình. Như vậy, yêu cầu thứ nhất của tính thị trường của bất cứ nền kinh tế nào là mỗi một tài sản phải có một người chủ rõ ràng, cụ thể. Sự biệt lập (độc lập, tách bạch) về mặt tài sản của chủ thể quan hệ dân sự, thương mại là rất quan trọng vì sự độc lập về mặt tài sản là tiền đề để các chủ thể này có được sự độc lập trong quan hệ tài sản; sự độc lập trong quan hệ tài sản dẫn đến sự độc lập về quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau và cuối cùng, sự độc lập về quyền và nghĩa vụ của các bên tất yếu dẫn đến sự độc lập về lợi ích và trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ dân sự, thương mại. Như vậy, một quốc gia không có một hệ thống vật quyền và pháp luật về vật quyền đầy đủ và ổn định thì khó có thể có được một hệ thống các quan hệ hàng hóa - tiền tệ phong phú, đa dạng, rõ ràng, minh bạch và ổn định - yêu cầu đầu tiên của KTTT;
(2) Sự bình đẳng về mặt pháp lý cũng như về mặt thực tế của các chủ thể tham gia quan hệ tài sản;
(3) Sự bất khả xâm phạm về mặt tài sản của chủ sở hữu cũng như của các chủ thể các vật quyền khác;
(4) Sự tự do của các chủ thể kinh doanh trong việc ra các quyết định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, và việc sử dụng tài sản của mình nói riêng. Cụ thể là, chủ sở hữu được tự mình quyết định cách thức sử dụng tài sản sao cho hợp lý nhất và có lợi nhất và Nhà nước không được can thiệp vào quá trình này, trừ các trường hợp do luật định;
(5) Các quan hệ tài sản phải được thực hiện, tồn tại chủ yếu dưới hình thức hàng hóa - tiền tệ; các hình thức trao đổi hàng hóa đơn giản hàng đổi hàng ngày càng bị loại bỏ và được thay thế bằng sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hàng hóa - tiền tệ;
(6) Tồn tại một loại đồng tiền quốc gia ổn định và được bảo đảm tốt cả về mặt kinh tế và về mặt pháp lý;
(7) Có một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh; hạn chế và đi đến loại bỏ mọi hình thức độc quyền;
(8) Các chủ thể quan hệ tài sản phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình; chấm dứt tình trạng bao cấp, xóa nợ, khoanh nợ một cách tùy tiện từ phía nhà nước cho doanh nghiệp. Đồng thời, các chủ thể quan hệ kinh tế phải thực hiện một cách kịp thời và đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh; khắc phục sự dây dưa trong thanh toán các khoản nợ thương mại;
(9) Người sản xuất có quyền tự do quyết định giá cả của hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp; hạn chế đến mức thấp nhất việc định giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, dịch vụ do các chủ thể quan hệ thị trường thực hiện;
(10) Có sự đảm bảo đáng tin cậy từ phía nhà nước trong việc bảo vệ quyền của các chủ thể quan hệ thị trường; đảm bảo khi có quyền lợi bị vi phạm thì bên bị vi phạm có thể sử dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả sự trợ giúp của nhà nước, nhất là của các cơ quan tài phán như tòa án và trọng tài thương mại, chứ không phải thông qua các thế lực khác của xã hội đen.
Căn cứ vào mức độ thỏa mãn 10 tiêu chí nêu trên mà các nước thừa nhận hay không thừa nhận một nền kinh tế là thị trường hay phi thị trường, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, việc hoàn thiện phần II của BLDS theo hướng xây dựng được một hệ thống vật quyền, bao gồm quyền sở hữu và các loại vật quyền hạn chế, vừa thể hiện được cái chung của thế giới, vừa thể hiện được các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là điều có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt đối nội mà còn về mặt đối ngoại.
Trên cơ sở vận dụng lý thuyết vật quyền, và bảo đảm sự phù hợp giữa tên gọi Phần II Dự thảo BLDS với nội dung được chứa đựng trong đó, theo chúng tôi, tên của phần này được đổi lại là “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”./.                                                                                         

 


[1]Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 5/1/2015. Xem toàn văn Dự thảo tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Du-thao-Bo-luat-Dan-su/217494.vgp. 
[2] Xem Giáo trình Luật Kinh doanh, xuất bản lần thứ 5 của tác giả C.E.Rulinxki, Matxcơva, năm 2004 (tiếng Nga) từ trang 80 đến trang 82.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(293), tháng 7/2015)