Khắc phục triệt để những bất hợp lý trong các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về thời hiệu và thời hiệu thừa kế

01/07/2015

PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí MinhIỆN

Từ các vụ giải quyết yêu cầu về thừa kế
Ông S ở Trà Vinh chết năm 1970, để lại một miếng đất cho hai người con là chị H và anh N. Miếng đất được anh N trực tiếp quản lý, khai thác; đến năm 2006, anh N mất và miếng đất tiếp tục được con gái của anh là chị A sử dụng. Ít lâu sau khi anh N mất, chị H yêu cầu chia miếng đất vốn là tài sản thừa kế do ông S để lại cho mình và N. Toà án không chấp nhận với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản. Không chia được di sản cũng có nghĩa là chị H không có quyền sở hữu đối với phần tài sản được hưởng thừa kế của cha mình, dù chẳng ai nói rằng chị không phải là người thừa kế của ông S. 
Đó là một trong rất nhiều bản án được tuyên trong những trường hợp tương tự trong khuôn khổ áp dụng các quy định hiện hành về thời hiệu, thời hiệu thừa kế. Có hai điều rất đặc thù được ghi nhận từ bản án này, đặc thù được hiểu là có ở Việt Nam nhưng không có ở các nước: một là quyền sở hữu tài sản có được do thừa kế có thể bị mất luôn, nếu người thừa kế không yêu cầu chia thừa kế trong thời gian thích hợp; hai là chính toà án, chứ không phải bên này hay bên kia trong vụ tranh chấp, chủ động viện dẫn thời hiệu để bác bỏ yêu cầu của một bên. Hai điều này có nguồn gốc gắn với hai khuyết tật trong hệ thống quy tắc về thời hiệu trong Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành, cần được khắc phục.  
1. Thời hiệu thừa kế
1.1. Kinh nghiệm của các nước
Kiện về thừa kế là gì? Trong luật các nước[1], kiện về thừa kế được hiểu là việc một người yêu cầu toà án thừa nhận danh hiệu, tư cách người thừa kế cho mình hoặc phủ nhận danh hiệu, tư cách thừa kế của người khác.
Nếu thắng trong việc đòi công nhận danh hiệu, tư cách thừa kế cho mình, thì nguyên đơn sẽ có được tư cách người thừa kế và do tư cách đó, có quyền sở hữu đối với tài sản thuộc di sản. Trong trường hợp ngoài nguyên đơn, còn có người khác mà tư cách thừa kế cũng đã được pháp luật thừa nhận, thì nguyên đơn cùng với người đó trở thành chủ sở hữu chung đối với di sản. Quyền sở hữu được thừa nhận lùi lại từ thời điểm người có di sản chết, chứ không phải từ thời điểm được chính thức thừa nhận thắng kiện.
Ví dụ 1. A chết không di chúc và để lại một con là X. Theo pháp luật, X là thừa kế duy nhất ở hàng thứ nhất và có quyền hưởng trọn di sản của A. X hưởng di sản một cách bình yên cho đến ngày nọ, Y xuất hiện, chứng minh rằng mình cũng là con của A và đòi hưởng di sản thừa kế. Nếu thành công (đặc biệt là do quyền khởi kiện về thừa kế chưa mất đi theo thời hiệu), thì Y sẽ cùng với X trở thành đồng chủ sở hữu đối với di sản.  
Nếu thắng vụ kiện bác bỏ tư cách thừa kế của người khác, thì sẽ bớt được một người trong số người thừa kế. Di sản sẽ được chia lại.
Ví dụ 2. A chết không di chúc, để lại hai người con là X và Y. Di sản được chia đôi. Tuy nhiên, thời gian sau, X phát hiện Y không phải là con của A. Kiện ra toà, X thắng kiện. Y mất quyền thừa kế và di sản thuộc về X một cách trọn vẹn.
Kiện về thừa kế và kiện đòi chia di sản[2]. Kiện đòi chia di sản là việc kiện mà trong đó, người khởi kiện là người có tư cách thừa kế được thừa nhận, yêu cầu chấm dứt tình trạng sở hữu chung đối với di sản chưa chia cùng với những đồng thừa kế khác.
Cần nhấn mạnh rằng, người yêu cầu chia di sản là người đã có tư cách thừa kế (cũng như tư cách đồng chủ sở hữu đối với di sản chưa chia trong trường hợp có nhiều người thừa kế) được công nhận rộng rãi, đặc biệt là bởi những người đồng thừa kế. Trường hợp của chị H và anh N trong vụ yêu cầu chia di sản nói trên là ví dụ điển hình. Suy cho cùng, yêu cầu chia di sản chỉ là một trường hợp đặc thù của yêu cầu chia tài sản chung mà trong đó các đồng sở hữu chung là các đồng thừa kế. Việc yêu cầu chia di sản chịu sự chi phối của luật chung về chia tài sản chung. Đây là một hành vi pháp lý của chủ sở hữu chung trong khuôn khổ thực hiện các quyền của chủ sở hữu. Một cách hợp lý, yêu cầu chia di sản, cũng như yêu cầu chia tài sản chung, không chịu sự chi phối của thời hiệu.  
Lấy lại ví dụ 1 nêu trên, sau khi được thừa nhận có tư cách thừa kế và nếu muốn, Y có thể cùng với X duy trì khối di sản trong tình trạng chưa chia. Đến một lúc nào đó, có thể là mười, mười lăm năm sau hoặc lâu hơn nữa, mà không còn thích duy trì tình trạng sở hữu chung, thì Y có thể thoả thuận với X về việc chia tài sản; trong trường hợp thoả thuận không xong, Y có quyền yêu cầu toà án phân chia bằng một phán quyết.
Cũng có trường hợp một người tiến hành cùng một lúc một vụ kiện đòi công nhận tư cách người thừa kế và một vụ kiện khác đòi phân chia di sản. Đối với một vụ kiện kép như thế, toà án trước hết phải giải quyết yêu cầu công nhận tư cách người thừa kế. Nếu người yêu cầu được thừa nhận là người thừa kế, thì yêu cầu chia di sản có thể được coi là phần kéo dài của vụ kiện về thừa kế, được giải quyết trong khuôn khổ của vụ kiện ấy. Còn nếu người yêu cầu không được thừa nhận là người thừa kế, thì vụ kiện đòi phân chia di sản cũng không cần thiết.  
1.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam
Sự lẫn lộn trong nhận thức phổ biến hiện nay. Luật Việt Nam hiện hành không phân biệt giữa yêu cầu về thừa kế và yêu cầu chia di sản khi nói về thời hiệu khởi kiện. Theo Điều 645 BLDS, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Với quy định đó, dù tư cách người thừa kế được thừa nhận, nhưng nếu không tiến hành chia di sản trong vòng mười năm, thì người thừa kế sẽ mất quyền yêu cầu chia di sản; Điều này cũng đồng nghĩa với việc người đó mất luôn phần di sản được hưởng trong trường hợp phần di sản đó được thể hiện thành một phần hiện vật và hiện vật ấy đang được người đồng thừa kế khác nắm giữ, quản lý.
Đáng chú ý là BLDS hiện hành cũng xây dựng hẳn một chế định sở hữu chung như là một phần của luật chung về quyền sở hữu. Trong chế định ấy lại không có quy định đòi hỏi chủ sở hữu chung phải yêu cầu chia tài sản chung trong vòng mười năm. Bởi vậy, quyền sở hữu chung có được do thừa kế có thể mất đi sau mười năm; còn quyền sở hữu chung có được do các căn cứ khác (ví dụ mua bán, trao đổi, tặng cho) thì tồn tại theo luật chung, nghĩa là có thể vĩnh viễn, nếu không ai muốn chia. Không có cách nào để lý giải sự phân biệt đối xử đó.
Trước đây, khi hướng dẫn áp dụng các quy định về thời hiệu theo BLDS năm 1995, Toà án tối cao cho rằng, để loại trừ các tác động của quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, thì các đồng thừa kế phải bày tỏ ý chí, bằng văn bản, thừa nhận lẫn nhau là đồng thừa kế; có một văn bản như thế, di sản mới được chuyển thành tài sản chung và chịu sự chi phối của luật chung[3].
Cách giải thích này không hợp lý, bởi việc thừa nhận tư cách người thừa kế là kết quả của việc áp dụng pháp luật, chứ không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của các đồng thừa kế. Trong ví dụ nêu trên, X và Y có thể không bao giờ muốn nói chuyện với nhau thậm chí không muốn nhìn mặt nhau; nhưng họ buộc phải tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các quy định về sở hữu chung. Y không thể mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản, dù bao nhiêu năm trôi qua sau khi được toà án công nhận là người thừa kế, bởi đơn giản Y không mất quyền sở hữu của mình đối với di sản. 
Hướng khắc phục. Trong các nỗ lực khắc phục những sai lầm, nhóm soạn thảo BLDS[4] viết lại điều luật về thời hiệu thừa kế.
“Điều 646. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại điểm a khoản này”.
Điều luật này vẫn còn rất tối nghĩa và vẫn có thể dẫn đến hiểu lầm như trước. Cần xác định “việc thừa kế” là việc gì. Đó chỉ có thể là việc “yêu cầu thừa nhận tư cách thừa kế” của nguyên đơn hoặc “yêu cầu bác bỏ tư cách thừa kế” của bị đơn, như nói ở trên. 
Trong không ít trường hợp, một người đồng thời yêu cầu công nhận tư cách thừa kế của mình và yêu cầu chia di sản. Thời hiệu chỉ áp dụng đối với loại yêu cầu thứ nhất, không áp dụng đối với yêu cầu thứ hai. Nếu yêu cầu thứ nhất bị từ chối do hết thời hiệu, thì yêu cầu thứ hai trở nên vô nghĩa, không cần được xem xét.  
Bởi vậy tốt nhất là quy định như sau.  
“Điều 646. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hạn yêu cầu Tòa án công nhận tư cách người thừa kế của mình hoặc bác bỏ tư cách người thừa kế của người khác là ba mươi năm đối với việc thừa kế có đối tượng là bất động sản, mười năm đối với việc thừa kế có đối tượng là động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
2. Thời hiệu
2.1. Ý nghĩa, tác dụng của thời hiệu  
Bảo đảm công bằng xã hội. Thời hiệu trong luật các nước được hiểu là căn cứ để xác lập hoặc xoá bỏ (thủ tiêu) một quyền, bằng cách để cho một khoảng thời gian trôi qua[5]. Sự thừa nhận thời hiệu là một trong những biện pháp của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu khách quan của pháp luật là bảo đảm trật tự xã hội, công bằng xã hội.
Tư tưởng chủ đạo là: một quan hệ dân sự đã tồn tại liên tục và phát huy tác dụng xã hội tích cực trong một thời gian dài, thì phải được coi là quan hệ hợp pháp, ngay cả trong trường hợp nó đã được xác lập trái pháp luật. Ngược lại, một quan hệ hợp pháp nhưng đã không còn sức sống và mất tác dụng xã hội trong một khoảng thời gian dài, thì phải xem như đã chấm dứt, ngay cả trong trường hợp quan hệ vẫn tồn tại về mặt lý thuyết. Nói chung, tất cả những gì được xã hội cho là hợp lý, hợp tình, thì cũng phải, hoặc đồng thời hoặc muộn hơn (nghĩa là sau thời gian thử thách), được coi là hợp luật.     
Chẳng hạn, người có một quyền chủ nợ đã đến hạn đòi mà không chịu đòi, thì, sau một khoảng thời gian, sẽ mất luôn quyền đòi nợ. Tương tự, một người có quyền thừa kế mà người thừa kế khác không biết thì phải yêu cầu toà án chính thức thừa nhận tư cách thừa kế của mình để có thể cùng hưởng di sản với người thừa kế khác; hết hạn mười năm mà không chịu làm việc đó, thì mất luôn tư cách thừa kế.  
2.2. Áp dụng thời hiệu
Thời hiệu cần được viện dẫn. Thật ra, quyền chủ nợ, quyền thừa kế, nói chung quyền được pháp luật thừa nhận cho một người không thể đương nhiên mất đi do thời hiệu. Khi có một người kiện đòi lại tài sản hoặc yêu cầu trả nợ, trách nhiệm của toà án ở các nước là phải thụ lý và xem xét vụ án về nội dung, dựa trên những chứng cứ do nguyên đơn xuất trình. Nếu đúng là có một người đang nắm giữ tài sản không hợp lệ hoặc một người mắc nợ mà không chịu trả nợ, thì toà án phải triệu tập người này để đối chất. Có thể có trường hợp việc nắm giữ tài sản, việc dây dưa không chịu trả nợ đã kéo dài rất lâu, nhưng vì lý do gì đó mà chủ sở hữu, chủ nợ không kiện; tuy nhiên, thẩm phán tuyệt đối không được tự mình viện dẫn thời hiệu “giùm cho” bị đơn[6]. Lý do là: thụ hưởng thời hiệu là một trong các chứng cứ mà bị đơn được phép đưa ra để bảo vệ các quyền lợi của mình. Nói chung, cung cấp chứng cứ chống lại nhau trong một vụ án là việc của các bên; còn thẩm phán chỉ có quyền đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp rồi tiến hành phân xử khách quan, chứ không được phép tự mình đưa ra chứng cứ thay cho bên này hay bên kia. Đặc biệt, thẩm phán không có trách nhiệm và cũng không có quyền mở cuộc điều tra riêng để thu thập chứng cứ: làm như vậy, quan toà sẽ dễ sa vào xu hướng, thiên kiến này, nọ, trở nên thiếu khách quan, thiếu công bằng trong phán xét, phân xử.
Cũng vì quyền sở hữu không mất đi mà nếu người nắm giữ tài sản (do tưởng là của mình, dù thật ra không phải như vậy) không chủ động viện dẫn thời hiệu, thì phải hoàn trả tài sản một khi bị chủ sở hữu đòi lại, cho dù việc chiếm hữu đã được thực hiện liên tục, công khai… từ nhiều trăm năm trước. Tương tự, người mắc nợ không viện dẫn thời hiệu, thì một khi chủ nợ chứng minh được món nợ là hợp pháp, có thật và đã đến hạn trả, người mắc nợ phải trả nợ và phải trả đủ, dù đã từ lâu lắm, nợ không được đòi. 
2.3. Sửa đổi quy định về áp dụng thời hiệu trong BLDS năm 2005
Sự cần thiết sửa đổi. Trong BLDS không có quy tắc nào quy định thể thức, thủ tục sử dụng thời hiệu như một vũ khí, một đối sách của bị đơn trong các tranh chấp tư pháp; cũng không có quy tắc liên quan đến khả năng từ chối thụ hưởng thời hiệu của người mắc nợ, người chiếm hữu. Hậu quả là trong rất nhiều vụ tranh chấp về tài sản, về nghĩa vụ theo hợp đồng, thẩm phán ở Việt Nam đã làm một việc không giống ai là chủ động “thay mặt” bị đơn viện dẫn thời hiệu để bác yêu cầu và thủ tiêu luôn quyền sở hữu, quyền chủ nợ của nguyên đơn, ngay cả trong trường hợp bị đơn không hề biết thời hiệu là gì.
Đề xuất phương án sửa đổi. Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã khắc phục phần nào khuyết tật đó với quy định tại Điều 170
“Điều 170. Thực hiện, bảo vệ quyền bằng thời hiệu
Cá nhân, pháp nhân có quyền căn cứ vào thời hiệu để bảo vệ quyền dân sự. Người được hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ có quyền từ chối việc hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”.
Tuy nhiên, quy định như thế vẫn chưa ổn. Cần phải dựa vào tư tưởng chủ đạo, theo đó, viện dẫn thời hiệu là một quyền gắn với lợi ích riêng của người thụ hưởng thời hiệu đó, đồng thời cũng là điều kiện để công khai việc thụ hưởng đó. Người này có thể thực hiện mà cũng có thể không thực hiện, thậm chí từ chối thực hiện quyền của mình.
Bởi vậy, nên viết lại Điều 170 Dự thảo BLDS liên quan đến hiệu lực của thời hiệu như sau:
“Người được hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ do thời hiệu phải viện dẫn thời hiệu để được hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ.Người được hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ có quyền từ chối việc hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”.
 Nói khác đi, xã hội, luật pháp trao cho chủ thể một lợi ích; có hưởng lợi ích đó hay không là tuỳ chủ thể[7], không ai ép buộc, nhưng trong mọi trường hợp, chủ thể phải ứng xử như thế nào đó để mọi người thấy rõ sự lựa chọn của mình./.
 
[1] Có thể xem, ví dụ: Ph. Malaurie và L. Aynès, Droit civil – Les successions. Les libéralités, Defrénois, Paris, 2008, tr. 137.  
[2] Trong luật của Pháp, kiện đòi công nhận tư cách người thừa kế gọi là action en pétition d’hérédité; còn kiện đòi chia di sản là action en partage successoral: xem, chẳng hạn, C. Jubault, Droit civil - Les succession. Les libéralités, Montchrestien, Paris, 2005, tr. 730 và kế tiếp. Luật của các nước cũng phân biệt hai loại án kiện như thế, dù tên gọi có thể khác.    
[3] Xem Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, điểm 2.4 điều 2 mục I: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết ...”.  
[4] Xem Dự thảo BLDS trên http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=588&LanID=1028&TabIndex=1.
[5] Xem, ví dụ, BLDS Pháp, Điều 2219: “Thời hiệu triệt tiêu là cách chấm dứt một quyền do người có quyền không thực hiện quyền trong một khoảng thời gian”; Điều 2258: “Thời hiệu xác lập là phương thức tạo lập một tài sản hoặc một quyền do hiệu lực của việc chiếm hữu…”.
Định nghĩa “Thời hiệu” trong BLDS và cả trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) hơi khác so với định nghĩa trên trong luật của các nước. Theo BLDS, Điều 154, “Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự”. Theo Dự thảo BLDS (sửa đổi), khoản 2 Điều 167, “Thời hiệu bao gồm thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự”. Cả hai văn bản đều không ghi nhận thời hiệu thủ tiêu một quyền. Sự thiếu sót này có thể gây khó khăn cho việc xác định số phận của quyền trong trường hợp quyền của một người không tương ứng với nghĩa vụ của người khác, như quyền từ chối nhận di sản. Tuy nhiên, thiếu sót này có thể được khắc phục bằng cách đề ra quy định riêng cho từng trường hợp. Ví dụ, theo BLDS khoản 3 Điều 643, người có quyền từ chối nhận di sản mà không từ chối trong vòng 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế, thì được coi là nhận di sản khi hết thời hạn đó.  
[6] Xem, ví dụ trong luật của Pháp: F. Terré và Ph. Simler, Droit civil -  Les biens, Précis Dalloz, Paris, 2006, tr. 295 và 296. 
[7] Trong trường hợp di sản không có người thừa kế, thì tài sản thuộc di sản sẽ được giao cho Nhà nước. Nếu có người nào đó yêu cầu công nhận tư cách thừa kế cho mình để được hưởng di sản loại này, thì chính Nhà nước phải cử đại diện để bảo vệ quyền của mình đối với di sản này. Nếu người khởi kiện có tư cách thừa kế, nhưng thời hiệu khởi kiện đã hết, thì đại diện Nhà nước có thể viện dẫn thời hiệu để toà án có căn cứ bác bỏ yêu cầu của người khởi kiện; nếu đại diện Nhà nước thấy không cần xác lập quyền sở hữu đối với di sản, thì có thể không viện dẫn thời hiệu: khi đó, di sản được giao cho người thừa kế, dù thời hiệu khởi kiện đã hết.    

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (293), tháng 7/2015)