Bình luận chế định quyền sở hữu trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

01/07/2015

PGS.TS. NGÔ HUY CƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không thay đổi quan niệm về nội dung quyền sở hữu đã được khẳng định từ Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995, nên quy định:“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật” (Điều 208)[1]. Trong khi đó, Dự thảo[2] được pháp điển hóa theo mô hình Đức và khẳng định quyền sở hữu là một vật quyền quan trọng nhất (mặc dù không hoàn toàn mạnh dạn). Bài viết này bình luận chế định quyền sở hữu trong Dự thảo từ ba điểm lớn - đó là mô hình của BLDS tương lai, vật quyền, và nội dung quyền sở hữu. Tuy nhiên trong phạm vi có hạn, bài viết không thể bình luận đầy đủ các khía cạnh và chi tiết khác nhau của chế định quyền sở hữu trong Dự thảo. 
 1_151.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bình luận sự lựa chọn xuất phát điểm của Dự thảo để xây dựng chế định quyền sở hữu
Pháp điển hóa theo kiểu Đức, nhưng Dự thảo không bắt đầu quy định mối quan hệ giữa người và vật (quan hệ đối vật) từ một tiêu chuẩn quan trọng của tài sản là “vật”[3], mà bắt đầu từ khái niệm “tài sản” tại Chương VII, Phần thứ nhất. Lưu ý rằng khái niệm tài sản rộng hơn khái niệm vật bởi trong đó bao gồm cả tài sản hữu hình (vật) và tài sản vô hình (quyền). Chương VII này chỉ bao gồm các quy định nhằm giải nghĩa khái niệm tài sản, khái niệm quyền tài sản, về nguyên tắc đăng ký tài sản, về phân loại tài sản và phân loại vật.
Theo mô hình Pháp, BLDS không có quyển nói về phần chung của luật dân sự, và thường có một quyển nói riêng về tài sản bên cạnh các quyển nói về các chế định khác. Các BLDS của Việt Nam dưới các chế độ cũ như BLDS Bắc Kỳ năm 1931, BLDS Trung Kỳ năm 1936 và BLDS của Chính quyền Sài Gòn (cũ) năm 1972 đều theo mô hình này.
Như vậy có thể nói, Dự thảo có sự lai tạp giữa mô hình Đức và mô hình Pháp ít nhất ở bố cục các quy định về tài sản, nhưng rất bất hợp lý, và không quan tâm tới lịch sử của luật dân sự Việt Nam. Có lẽ sự lai tạp này xuất hiện không phải từ sự nghiên cứu, mà từ sự không dám đoạn tuyệt với những sai lầm cũ đang tồn tại trong BLDS 2005 hiện hành. Tại Bộ luật này (một Bộ luật cũng được pháp điển hóa theo mô hình Đức, có phần chung), tất cả các quan hệ giữa người và vật đều được quy định trong một quyển mang tên “Phần thứ hai - Tài sản và quyền sở hữu”, trừ các quy định liên quan tới quyền sử dụng đất. Phần quy định chung của Bộ luật này không có quy định nào về mối quan hệ giữa người với vật, có nghĩa là không có một chương hay một mục nào nói về vật hay tài sản. Nay khi sửa đổi Bộ luật này, có lẽ sự tiếc nuối các quy định về khái niệm tài sản và phân loại tài sản đã thúc giục người soạn thảo buộc Dự thảo gánh các quy định này trong phần chung, bởi việc đưa chúng vào phần vật quyền sẽ trở nên bất hợp lý. Các quy định này của Dự thảo dẫn đến các mâu thuẫn và bất cập như sau:
Thứ nhất, về mặt logic, nếu xuất phát điểm của các quy định về tài sản là vật, thì điều đó có nghĩa là nhà làm luật đi từ trong ra ngoài của chế định tài sản bởi vật là hạt nhân của tài sản. Hệ quả là Bộ luật thường quy định từ xuất phát điểm đó đến các quyền được thiết lập trên vật (vật quyền), rồi tới các dạng tài sản khác lấy vật làm tiêu chuẩn. Nếu xuất phát điểm của các quy định về tài sản từ tổng thể tài sản (có nghĩa là nhìn tài sản từ bên ngoài), thì điều đó có nghĩa là nhà làm luật đi từ ngoài vào trong của chế định tài sản. Do đó, Bộ luật thường đi từ phân loại tài sản (theo cách thức: tài sản là hoặc bất động sản hoặc động sản hoặc hữu hình hoặc vô hình) và phân loại các mối quan hệ giữa tài sản này với tài sản khác, giữa tài sản với chủ thể có quyền trên tài sản, và giữa sự kiện chiếm hữu với tài sản, rồi tới các vật quyền cụ thể, và tới các loại tài sản khác. Không theo các logic đó, Dự thảo có xuất phát điểm từ tổng thể tài sản, sau đó ngay lập tức nhảy vào hạt nhân của khái niệm tài sản để đi ra giống như một người lao với tốc độ tia chớp từ vũ trụ xuống tâm trái đất, rồi chậm rãi, xiêu vẹo đi từ tâm trái đất lên mặt đất. Nằm trong Dự thảo như vậy, chế định vật quyền nói chung và quyền sở hữu nói riêng khó được làm nổi bật, trong khi làm nổi bật chế định vật quyền là một trong những điểm cải cách quan trọng của luật dân sự ở Việt Nam hiện nay mà những người viết Dự thảo muốn hướng tới.
Thứ hai, không khác hơn BLDS 1995 và BLDS 2005, Dự thảo vẫn quy định “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu ...”, có nghĩa là quyền sở hữu thiết lập trên tài sản nói chung chứ không chỉ thiết lập trên vật, mặc dù đoạn văn này nằm trong Điều 208 thuộc quyển nói về vật quyền. Dự thảo đặt tên cho quyển này là “Phần thứ hai - Quyền sở hữu và các vật quyền khác” (bao gồm các điều từ Điều 181 đến Điều 303) ngụ ý rằng quyền sở hữu là vật quyền lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống các vật quyền. Thế nhưng có lẽ Điều 208 của Dự thảo sao chép lại Điều 173 của BLDS 1995 và Điều 164 của BLDS 2005, đồng thời bị ảnh hưởng bởi xuất phát điểm từ tổng thể tài sản như trên đã nói. BLDS Nhật Bản hiện hành quy định tại Điều 206 về nội dung của quyền sở hữu như sau: “Chủ sở hữu có quyền tự do sử dụng, thu hoa lợi từ và định đoạt đối với vật (thing) sở hữu, phụ thuộc vào các hạn chế bởi pháp luật và các quy định”. A. N. Yiannopoulos lưu ý rằng, thuật ngữ “things” (tiếng Anh), nếu theo mô hình Pháp, được hiểu là tài sản; còn nếu theo mô hình Đức, được hiểu đơn giản là “vật”[4]. Xuất phát điểm của các quy định về tài sản của BLDS Đức 2002 được thể hiện tại Điều 90 rằng “Chỉ những vật hữu hình (corporeal objects) là vật (things) khi định nghĩa bởi luật”. Tương tự, BLDS Nhật Bản hiện hành thể hiện xuất phát điểm của các quy định về tài sản bởi định nghĩa tại Điều 85 rằng “Thuật ngữ vật (things) được sử dụng trong Bộ luật này có nghĩa là vật hữu hình (tangible thing)”. Mặc dù Điều 208 của Dự thảo có khiếm khuyết về kỹ thuật pháp lý như trên đã phân tích, nhưng đã góp phần cụ thể hóa quan điểm chính trị tiến bộ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 - đó là sự khẳng định chỉ có luật mới có thẩm quyền quy định về quyền sở hữu dù là cho phép hay hạn chế, ngăn cấm. BLDS 1995 và BLDS 2005 chưa làm được như vậy vì đã mở rộng việc quy định về quyền sở hữu cho cả các văn bản dưới luật.
2. Bình luận về nội dung của quyền sở hữu
Quyền sở hữu là một vật quyền mẫu mực thống trị vật, có nghĩa: nó là vật quyền lớn nhất thiết lập trên vật cho phép người thủ đắc tự do hành xử trên vật đó, và là cơ sở cho việc thiết lập nên các vật quyền chính yếu khác. Con người không thể sống mà không có tài sản. Có lẽ vì thế quyền sở hữu luôn luôn là một tâm điểm của luật dân sự nói riêng và của cả hệ thống pháp luật nói chung. Tuy nhiên, nhận thức về nội dung của quyền sở hữu ở Việt Nam có đôi chút khác biệt với các nước khác. BLDS 1995, BLDS 2005 và Dự thảo đều khẳng định quyền sở hữu bao gồm trong nó ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Trong khi đó, hầu hết các BLDS trên thế giới cho rằng quyền chiếm hữu không nằm trong nội dung của quyền sở hữu và là một quan hệ thực tế. Về ba quyền này, Dự thảo giải nghĩa:
(1) Đối với quyền chiếm hữu, Dự thảo có hai giải nghĩa khác nhau. Tại Điều 214 khi nói về quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, Dự thảo cho rằng “quyền chiếm hữu” là quyền “nắm giữ, quản lý vật”. Thế nhưng khoản 1, Điều 199 của Dự thảo quy định “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” khi nói chung về chiếm hữu không kể chiếm hữu của chủ sở hữu hay chiếm hữu của người khác.
(2) “Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữukhai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản” (Điều 217).
(3) “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu vật hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó” (Điều 219).
Chưa bình luận sâu có thể thấy ngay Dự thảo sử dụng hai thuật ngữ khác nhau là “quyền chiếm hữu” tại Điều 214 và “chiếm hữu” tại Điều 199 nói trên. Vậy có ý kiến băn khoăn: Phải chăng “quyền chiếm hữu” và “chiếm hữu” là các khái niệm khác nhau theo Dự thảo? Thật khó có câu trả lời thật chính xác nếu như người viết Dự thảo quyết không thổ lộ! Tuy nhiên, có thể giải thích “quyền chiếm hữu” và “chiếm hữu” thể hiện một khái niệm trong Dự thảo bởi các lý do như sau:
Thứ nhất, Dự thảo tại khoản 2, Điều 199 chia chiếm hữu thành hai loại là chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Do đó, các điều từ Điều 214 tới Điều 216 cụ thể thể hóa chiếm hữu của chủ sở hữu.
Thứ hai, bản thân các Điều 199 và Điều 214 của Dự thảo sử dụng thuật ngữ không thống nhất với nhau. Nên có thể suy luận ra rằng đây chỉ là vấn đề không sử dụng thống nhất thuật ngữ? Điều 199 nói rằng, dấu hiệu bắt buộc của chiếm hữu là người chiếm hữu phải có hành động “nắm giữ, chi phối tài sản”. Khác thế, Điều 214 cho rằng dấu hiệu bắt buộc của chiếm hữu là người chiếm hữu (chủ sở hữu) được phép theo ý chí của mình để hành động “nắm giữ, quản lý vật”. Ở đây cần lưu ý rằng, Điều 199 dường như thể hiện định nghĩa chung cho chiếm hữu hoặc quyền chiếm hữu, có nghĩa là bao gồm cả chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người khác không phải là chủ sở hữu. Thế nhưng ngoài việc mô tả hành động chiếm hữu khác nhau bởi hai từ “chi phối” và “quản lý” dùng trong hai điều luật này, Dự thảo còn không quan tâm tới đối tượng của chiếm hữu. Dự thảo quy định đối tượng của chiếm hữu là “tài sản” tại Điều 199. Trong khi đó tại Điều 214, Dự thảo lại quy định đối tượng của chiếm hữu là “vật”.
Sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ nói trên có thể do Ban soạn thảo BLDS sửa đổi chia cho mỗi người chấp bút một đoạn khác nhau nhưng không được chắp nối cẩn thận khi ghép lại thành Dự thảo. Cũng có thể tại Điều 199 người viết cho rằng chiếm hữu là một sự kiện (hoặc dịch thuật ngữ “possession” ra tiếng Việt từ một tài liệu nước ngoài nào đó) nên dùng từ “chiếm hữu”; còn tại Điều 214 lại xem chiếm hữu là một quyền năng (hoặc dịch thuật ngữ “possessory right” ra tiếng Việt từ một tài liệu nước ngoài nào đó). Lưu ý rằng: BLDS 2006 của Nhật Bản dịch chính thức ra tiếng Anh đăng trên website của Bộ Tư pháp Nhật Bản, tại Điều 181, sử dụng thuật ngữ “possession” và thuật ngữ “possessory right” có nghĩa như nhau[5]. Cần nhấn mạnh lần nữa rằng tại phần viết về vật quyền thì đối tượng của các quyền phải là “vật” chứ không phải là “tài sản”.
Dự thảo tại Điều 217 gộp trong quyền sử dụng cả quyền thu hoa lợi là rất khác biệt đối với các nền tài phán khác. Nếu chỉ có một thứ quyền trên vật của mình là quyền sở hữu, thì quan niệm về quyền sử dụng như vậy chẳng nên có ý kiến làm gì bởi không ảnh hưởng đến ai. Thế nhưng trong một xã hội văn minh mà tại đó giao lưu dân sự rất phong phú và phức tạp thì việc quan niệm như vậy rất cần sự phê phán. Trước hết phải nói, Điều 208 và Điều 217 của Dự thảo tạo ra sự mâu thuẫn khó lý giải trong chính Dự thảo bởi quan niệm quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt, và quan niệm quyền sử dụng bao gồm cả quyền thu hoa lợi trong đó. Khác hơn, Điều 278 của Dự thảo khi định nghĩa về quyền hưởng dụng dường như tách quyền hưởng hoa lợi ra khỏi quyền sử dụng. Và nếu có sự tách ra đó mới có thể có các quy định hợp lý về các dịch quyền thuộc người (personal servitude) mà trong đó (từ thời La Mã cổ đại) ngoài quyền dụng ích, còn có các quyền khác như quyền sử dụng và quyền ngụ cư ... Quan hệ giữa chế định quyền sở hữu với các chế định khác sẽ được nói tại mục sau.
Quyền định đoạt được định nghĩa tại Điều 219 của Dự thảo dường như không quan tâm tới số phận vật lý của vật mà chỉ quan tâm tới số phận pháp lý của vật bởi cho rằng quyền định đoạt chỉ bao gồm quyền chuyển giao và từ bỏ quyền sở hữu đối với vật. Điều luật này không quan tâm tới vấn đề định đoạt có tính cách vật lý đối với vật. Nếu vậy, điều luật này đã hạn chế một cách bất chính đáng quyền năng của chủ sở hữu.
Vì những sự xa cách khó lý giải giữa Dự thảo và các BLDS khác trên thế giới trong khi Việt Nam đang cố gắng hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, mà không thể hiện được đặc thù riêng có, chúng tôi - thay vì bình luận trực tiếp (mà có thể quá dài và gây khó khăn cho việc tiếp thu của Ban soạn thảo), giới thiệu một vài nét lớn về khoa học luật dân sự liên quan tới quyền sở hữu được thể hiện trong các BLDS của các nước trên thế giới và của Việt Nam trước kia.
Quyền sở hữu được quan niệm bao gồm trong nội dung của nó ba nhánh quyền cơ bản như sau: Thứ nhất, quyền sử dụng (cho phép chủ sở hữu sử dụng và hưởng các lợi ích đơn giản từ việc có vật, ví dụ như có xe đạp để đi, có nhà để ở, có cây cối để che mát, có tiền để tiêu …); thứ hai, quyền thu hoa lợi (cho phép chủ sở hữu hưởng trọn vẹn các hoa lợi do vật đem lại, ví dụ như hưởng lợi nhuận từ tiền vốn trong kinh doanh, hưởng lợi nhuận từ việc cho thuê nhà, cho thuê xe đạp, hưởng hoa trái từ cây trồng …); và thứ ba, quyền định đoạt (cho phép chủ sở hữu định đoạt số phận của vật cả về mặt vật chất và mặt pháp lý, ví dụ như tiêu dùng gạo, vứt bỏ cây bút, chuyển nhượng quyền sở hữu chiếc xe đạp, cho thuê ngôi nhà, cho vay vốn…). Quyền chiếm hữu được coi là một quan hệ thực tế. Nó được phân biệt với quyền sở hữu mặc dù hầu hết các chủ sở hữu chiếm hữu tài sản. Tuy nhiên, nhiều trường hợp hai quyền này tách biệt. BLDS Đức 2002, BLDS Nhật Bản 2006, BLDS Quecbec (Canada) 2004, BLDS Louisiana (Hoa Kỳ) 2011, BLDS Hà Lan 2008, BLDS Bắc Kỳ 1931, BLDS Trung Kỳ 1936, BLDS 1972 của Chính quyền Sài Gòn cũ … đều quy định quyền chiếm hữu không nằm trong nội dung quyền sở hữu và được quy định riêng. Điều đó không có nghĩa là chủ sở hữu không được chiếm hữu vật. Chẳng hạn chủ sở hữu có thể chiếm hữu lại vật bị thất lạc. Trong thời gian vật bị thất lạc, người chiếm hữu vật đó vẫn được bảo vệ quyền chiếm hữu của mình bởi pháp luật. Ví dụ khác cho thấy quyền chiếm hữu hoàn toàn có thể tách khỏi quyền sở hữu như: cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm bị chiếm hữu bởi người khác trong một khoảng thời gian dài, nhưng khi được trao trả, nó không hẳn được trao trả cho người có quyền sở hữu, bởi chủ nhân thực sự của nó đã hy sinh. Thế nhưng điều rõ ràng là người chiếm hữu cuốn nhật ký đó phải có tố quyền chống lại sự vi phạm quyền chiếm hữu. Hiện nay ở Việt Nam, tất cả đất đai “là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53 Hiến pháp năm 2013). Thế nhưng có rất nhiều người Việt Nam chiếm hữu các thửa đất để sinh sống mà Nhà nước chưa xác nhận. Vậy có nên coi tất cả sự chiếm hữu đó là bất hợp pháp không trong khi có việc chiếm hữu xảy ra trước khi có nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân? Có bảo vệ quyền chiếm hữu của những người này bằng pháp luật không? Nếu BLDS là nền tảng đầy chất lý luận cho hệ thống luật tư, thì việc trả lời cho các câu hỏi đó không thể hoàn toàn trông chờ vào Luật Đất đai.
Trong thực tế cuộc sống hầu hết chủ sở hữu tự chiếm hữu vật. Thế nhưng trong khoa học pháp lý cần phải có sự rõ ràng giữa hai quyền năng này.
Từ thời La Mã cổ đại chiếm hữu đã được xem là có ý nghĩa pháp lý nhất định. Chẳng hạn: Occupatio (người chiếm hữu đầu tiên một tài sản vô chủ trở thành chủ sở hữu tài sản đó); Usucapio (thủ đắc quyền sở hữu do thời hiệu cho phép người chiếm hữu chuyển đổi lợi ích trên tài sản thành quyền thống trị đối với tài sản). Các BLDS không bỏ qua những vấn đề đó, kể cả các BLDS của Việt Nam. Chiếm hữu có hai thành tố là “Corpus” (yêu cầu người chiếm hữu phải có sự kiểm soát hiệu quả có tính cách vật lý đối với vật) và “Animus” (yêu cầu có ý thức về việc nắm giữ vật hoặc có ý chí nắm giữ vật của người khác). Ngày nay, BLDS Đức 2002 cho rằng quyền chiếm hữu được thủ đắc bởi việc kiểm soát thực tế đối với vật (Điều 854). Trong khi đó, BLDS Nhật Bản 2006 quan niệm quyền chiếm hữu được thủ đắc bởi việc nắm giữ với ý chí thực hiện việc đó nhân danh chính mình (Điều 180). Xem ra Dự thảo có quan niệm về quyền chiếm hữu giống BLDS Đức 2002 nếu xét theo ngữ nghĩa của Điều 199. Quan niệm này không thật gần gũi với ngữ nghĩa của Điều 214 của Dự thảo bởi thuật ngữ “quản lý vật” thể hiện ý chí nắm giữ vật và không giao vật cho ai chiếm hữu. Không biết có ngụ ý gì ở đây?
3. Bình luận về mối quan hệ giữa quyền sở hữu với các vật quyền khác
Như trên đã nói, Dự thảo ngụ ý quyền sở hữu là vật quyền lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống các vật quyền thông qua việc đặt tên cho Phần thứ hai của Dự thảo. Tuy nhiên nếu khẳng định rõ ràng quyền sở hữu là một vật quyền thì sẽ làm nổi bật hơn cho ý tưởng cải cách của Dự thảo. Thế nhưng Dự thảo vẫn còn bị ảnh hưởng của tư tưởng hình thành trong cơ chế kinh tế cũ, nên không dám làm bật lên ý tưởng này.
Trước kia, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp dựa trên nền tảng công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, Việt Nam kìm chế kinh tế tư nhân. Hầu như đời sống xã hội dựa trên chế độ tem phiếu tiêu dùng. Của cải vật chất chủ yếu được làm ra từ các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh và các hợp tác xã nông nghiệp. Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh chịu sự quản lý trực tiếp của các Bộ chủ quản, chỉ có “quyền quản lý nghiệp vụ đối với tài sản xã hội chủ nghĩa - XHCN” (có nghĩa là chỉ có quyền khai thác công dụng của tài sản XHCN (nói nôm na là tài sản công) để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch do Nhà nước đặt ra). Tất cả các vấn đề liên quan tới vốn, tài sản, sản xuất, lưu thông, phân phối, chế độ khai thác tài sản, khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn, lợi nhuận, giá cả, sử dụng lao động, công nghệ, thanh lý, trao đổi, hủy bỏ tài sản ... trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh đều do Nhà nước quyết định. Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh quan hệ kinh tế với nhau thông qua hình thức hợp đồng kinh tế (văn bản) mà phải ký kết theo chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước. Mỗi bên trong văn bản hợp đồng này phải bảo đảm có hai chữ ký: một chữ ký của giám đốc (phụ trách kinh doanh); và một chữ ký nữa của kế toán trưởng (phụ trách việc giám đốc các hoạt động kinh doanh bằng tài chính). Trong một cơ chế như vậy, tất yếu dẫn tới việc không thừa nhận bất kỳ vật quyền nào khác quyền sở hữu bởi các vật quyền khác vật quyền sở hữu đều có khuynh hướng ít nhiều chống lại sự độc tôn của quyền sở hữu. Và rõ ràng quyền chiếm hữu theo logic đó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu. Người dân hoàn toàn chỉ có tư liệu tiêu dùng theo chế độ tem phiếu. Để bảo vệ cho cơ chế này, Nhà nước giữ độc quyền ngoại thương, độc quyền ngoại hối..., và về luật hình sự (khi chưa có Bộ luật Hình sự), Nhà nước ban hành một văn bản pháp luật được gọi là “Pháp lệnh trừng phạt các tội xâm phạm tài sản XHCN”, có nghĩa là tài sản XHCN được bảo vệ đặc biệt. Thậm chí lúc đó luật hình sự Việt Nam còn thừa nhận nguyên tắc áp dụng tương tự. Như vậy về mặt pháp lý, khái niệm vật quyền khó có thể được thừa nhận nếu không có sự tồn tại một vật quyền nào khác ngoài quyền sở hữu. Chính vì vậy, “hình thức sở hữu” trở thành một vấn đề lớn của BLDS theo truyền thống XHCN. Thông qua đó, Nhà nước (thực hiện chuyên chính vô sản) giữ vị trí độc quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với toàn bộ tư liệu sản xuất.
Hiện nay, Việt Nam trong bối cảnh đổi mới; phát triển kinh tế thị trường; nhìn nhận lại khái niệm “định hướng XHCN”; phát triển kinh tế tư nhân trong sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; cần khai thác có hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước; và hội nhập quốc tế… Vì vậy, việc ghi nhận vật quyền vào hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Thực tế, quyền sử dụng đất, cũng như việc cho thuê doanh nghiệp … thể hiện quyền của người khác được hành xử trực tiếp trên tài sản của Nhà nước, có nghĩa là có sự tồn tại nhiều loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu. Việc ghi nhận vật quyền nói chung góp phần khai thác có hiệu quả tài sản của Nhà nước và ổn định đời sống nhân dân. Hơn nữa, việc thừa nhận quyền sở hữu là vật quyền, và coi quyền chiếm hữu không nằm trong nội dung của quyền sở hữu có nhiều lợi ích quan trọng: thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai thác có hiệu quả tài sản của Nhà nước bởi có căn cứ pháp lý vững chắc để xác định các vật quyền khác từ các chi phân của quyền sở hữu và chuyển giao tài sản cho người không phải là chủ sở hữu của tài sản; thứ hai, tạo ra sự minh bạch và rõ ràng giữa các quyền tránh các rủi ro cho cả chủ sở hữu và người có vật quyền khác trên tài sản; thứ ba, tạo ra mối quan hệ tốt giữa các thành viên cộng đồng nói chung và những người xóm giềng nói riêng; và thứ tư, thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển, và tăng cường các giải pháp pháp lý cho việc giải quyết các quan hệ kinh tế phức tạp do kinh tế thị trường và quan hệ quốc tế mang lại.
Thế nhưng, bên cạnh việc không mạnh dạn hoàn toàn trong việc thừa nhận các vật quyền, Dự thảo có nhiều thiếu sót trong việc thể hiện mối quan hệ giữa chế định quyền sở hữu và các chế định khác. Khoản 2 Điều 181 của Dự thảo quy định: “Các vật quyền khác vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển cho người khác”. Quy định này khái quát thiếu chính xác bởi thiếu sự phân loại các vật quyền. Có thể lấy ví dụ sau: A có quyền hưởng dụng trên ngôi nhà của B. Khi chưa mãn hạn quyền hưởng dụng, B bán nhà cho A. Rõ ràng A đã trở thành chủ sở hữu của ngôi nhà này. Điều luật này có ý nghĩa trong trường hợp ngôi nhà đã bị B thế chấp cho C và B không trả được nợ tới hạn cho C. Tuy nhiên Dự thảo không khẳng định thế chấp, cầm cố là các vật quyền phụ thuộc bởi Điều 183 chỉ quy định các vật quyền khác ngoài vật quyền sở hữu bao gồm: quyền địa dịch; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt; quyền ưu tiên. Tuy Điều luật này có nói ngoài các vật quyền này luật có thể quy định các vật quyền khác nữa, nhưng cầm cố, thế chấp không được Dự thảo coi là vật quyền trong khi quyền ưu tiên được coi là vật quyền mặc dù cầm cố, thế chấp, và một số quyền ưu tiên được xem là các vật quyền phụ thuộc. Việc không coi cầm cố, thế chấp là vật quyền có ảnh hưởng tới chủ sở hữu của vật cầm cố, thế chấp bởi nó không được bảo vệ chặt chẽ bởi các quy chế của vật quyền, nên dễ bị xâm phạm bởi các hợp đồng cầm cố, thế chấp mà lợi ích thường nghiêng về bên chủ nợ nhận cầm cố, thế chấp.  
Dự thảo vướng phải một vấn đề pháp lý quan trọng không thể giải quyết được bởi vượt ngoài tầm chi phối, biết trước, nhưng không thể lảng tránh, cụ thể là toàn bộ các điều liên quan tới quyền bề mặt. Điều 291 quy định: “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể được sử dụng mặt đất, khoảng không trên mặt đất và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác”. Điều này có nội dung như vậy là kết quả của chế độ công hữu về đất đai. Nhà nước giao đất hay cho thuê đất cho một người. Rồi người có quyền sử dụng đất đó cho người khác dựng các bất động sản trên đó. Đây là một thực tế. Đặc tính Việt Nam này đã mượn kỹ thuật pháp lý có từ lâu đời để đi ra ngoài phần nào khuôn khổ của kỹ thuật pháp lý đó. Tuy nhiên, qua đó có thể nhận thấy, về thực chất người có quyền sử dụng đất ở Việt Nam chính là chủ sở hữu thửa đất mà họ có quyền đó bởi họ có đủ các quyền năng trên thửa đất đó, vượt rất xa quyền hưởng dụng thông thường (kể cả về thời gian được hưởng quyền), chỉ bị thu hồi trong một số trường hợp rất hạn chế và được trả giá. Để phù hợp với lẽ công bằng, Dự thảo nên xác định tư nhân có quyền sở hữu những thửa đất đã được thiết lập hợp pháp quyền sử dụng (hưởng dụng) trên đó để làm giảm đi việc vi phạm kỹ thuật pháp lý mà khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, pháp luật phải quy định các giới hạn cần thiết liên quan tới quyền sở hữu đất đai của tư nhân. Việc chi trả cho ngân sách nhà nước thích đáng với quyền trên đất đai có được là rất quan trọng để bảo đảm sự công bằng và nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà nguyên tắc này phải được hiểu là mọi người dân đều có quyền như nhau đối với đất đai.
4. Căn cứ phát sinh quyền sở hữu và hình thức sở hữu
Điều 211 và Điều 248 của Dự thảo có khuynh hướng kinh tế chính trị nhiều hơn là khuynh hướng pháp lý trong việc đưa lao động, sản xuất, kinh doanh trở thành một căn cứ phát sinh quyền sở hữu đối với tài sản do lao động, sản xuất, kinh doanh mà có. Điều 248 viết: “Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó”. Đối với sản xuất, kinh doanh, vấn đề pháp lý đã được làm rõ trong mối quan hệ giữa tài sản với hoa lợi và lợi tức. Tuy nhiên, Dự thảo chưa quan tâm tới mối quan hệ giữa vốn và lợi nhuận có được từ việc khai thác vốn mà chỉ quan tâm tới câu chuyện dường như quá nhỏ nhoi dừng lại ở định nghĩa hoa lợi và lợi tức (nhưng thiếu tính bao quát). Còn đối với người lao động, quyền sở hữu đối với tài sản (là thành quả lao động) có căn cứ phát sinh là hợp đồng hoặc pháp luật, có nghĩa là người lao động được hưởng lương hoặc thu nhập theo hợp đồng hoặc pháp luật. Các quy định tại Điều 248 của Dự thảo có thể khiến cho người lao động đòi người sử dụng lao động “giá trị thặng dư”? Nếu vậy Dự thảo đã không hoàn thành được chức năng duy trì hòa bình của pháp luật và không góp phần cho việc xây dựng kinh tế thị trường. Học thuyết lao động về tài sản có ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa pháp lý. Nó có thể giúp cho sự chống trả việc chính quyền tước đoạt tài sản của người dân, nhưng có lẽ nó cần được quy định trong luật công, chẳng hạn như Điều 32 của Hiến pháp năm 2013.
Dự thảo có những mâu thuẫn giữa các Điều 201, Điều 211 và Điều 179 với nhau trong việc quy định về vấn đề thủ đắc quyền sở hữu do thời hiệu.
Pháp điển hóa theo mô hình Đức cho thấy, quyển nói về vật quyền chỉ chứa đựng các kỹ thuật pháp lý, có nghĩa là nói về các quyền được thiết lập trên vật với giả định rằng với một vật thông thường có thể có các quyền gì được thiết lập trên đó và sự tác động của từng quyền đó tới vật như thế nào, và mối quan hệ của các quyền đó ra sao. Thế nhưng Dự thảo lại quy định cả cái gọi là “các hình thức sở hữu” được xây dựng trên căn bản chủ sở hữu và đối tượng khác nhau của quyền sở hữu (Điều 213 và các Điều từ 224 tới 233). Nhẽ ra tại phần nói về vật quyền chỉ quy định vấn đề “đồng sở hữu” (mà Dự thảo gọi thiếu chính xác là sở hữu chung) bởi trong đó chứa đựng các vấn đề kỹ thuật pháp lý không thể bỏ qua.
Nếu muốn quy định về các loại tài sản như: tài sản chung, tài sản công và tài sản tư, thì có lẽ Dự thảo phải đi theo mô hình khác.
5. Thay cho lời kết
Các phân tích ở trên cho thấy, Dự thảo có khá nhiều khiếm khuyết lớn mà trong một phạm vi hẹp khó có thể nói hết. Vì vậy, chúng tôi có các kiến nghị sau:
Thứ nhất, xuất phát từ lịch sử của luật dân sự, từ trình độ pháp điển hóa, từ nhu cầu đưa các ý đồ chính trị vào bộ pháp điển hóa, nên xây dựng lại Dự thảo theo mô hình Pháp.
Thứ hai, dù xây dựng theo mô hình Pháp, Dự thảo cần xé nhỏ các chế định thành những quyển khác nhau để dễ xây dựng và thông qua, đồng thời cũng dễ sửa đổi.
Thứ ba, việc xây dựng và thông qua BLDS không nhất thiết tập trung vào một thời điểm mà có thể xây dựng và thông qua trong vòng nhiều năm với các quyển về các chế định nhỏ khác nhau.
Thứ tư, mỗi điều luật của Dự thảo cần có lý giải về lý luận, về thực tiễn thi hành, về tính logic, hệ thống, và tính định hướng, dự báo …
Cuối cùng, không nên làm luật chạy theo thành tích, hay để lấy tiền ngân sách, lấy tiền tài trợ hoặc vì lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ./.
 

*PGS, TS. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Tuy nhiên có sự thay đổi lớn trong điều luật này liên quan tới việc thay thuật ngữ “pháp luật” bằng thuật ngữ “luật” mà sẽ được nghiên cứu sau.
[2] Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 5/1/2015. Xem toàn văn Dự thảo tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Du-thao-Bo-luat-Dan-su/217494.vgp.
[3] Vật là một phạm trù của luật dân sự dùng để chỉ các mảnh khác nhau của thế giới vật chất mà có khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của con người, và đã được quan hệ xã hội hóa.
[4] A. N. Yiannopoulos, Civil Law Property Coursebook, Eighth Edition, Claitor’s Publishing Division, Louisiana, USA, p. 3.
[5] Nguyên văn “Article 181 (Possession by Agents). Possessory rights may be acquyred by an agent”.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (293), tháng 7/2015)