Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự với các quy định xác lập quyền thừa kế

01/07/2015

TS.ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

1. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế
Điều 637 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự (Dự thảo)[1] quy định“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Quy định này không thay đổi so với quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005. Quy định này có nghĩa: quyền và nghĩa vụ của người thừa kế mặc nhiên phát sinh ngay tại thời điểm người để lại di sản chết.
Quy định trên tỏ ra chưa hợp lý bởi các lý do sau: thứ nhất, pháp luật dân sự công nhận cho người thừa kế quyền được từ chối nhận di sản theo hình thức, thời hạn luật định, cho nên nếu người thừa kế từ chối nhận di sản thì quyền và nghĩa vụ cũng không mặc nhiên phát sinh; thứ hai, trong trường hợp di sản cùng được thừa kế bởi nhiều người, có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của họ gắn liền với nhau, nên quyền và nghĩa vụ không thể mặc nhiên phát sinh vì không thể xác định ngay được là quyền cụ thể là gì, nghĩa vụ cụ thể là gì. Điều này có thể hình dung một cách đơn giản qua ví dụ sau: người để lại di sản chết để lại di sản không biết trị giá là bao nhiêu cho hai người thừa kế, cùng với di sản có này một món nợ đi kèm trị giá 200 triệu đồng, câu hỏi đặt ra là chủ nợ trong trường hợp này có thể yêu cầu người thừa kế thực hiện ngay nghĩa vụ được hay không? Nếu áp dụng quy định của Điều 637 thì câu trả lời là có, nhưng, câu trả lời này ngay lập tức lại mâu thuẫn với quy định tại Điều 638 khoản 1 đi kèm ngay sau đó “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Khi chưa xác định di sản bao gồm những gì thì nghĩa vụ trả nợ này chưa thể thực hiện được.
Như vậy, có thể thấy, thực tế chỉ có quyền thừa kế là phát sinh ngay tại thời điểm người để lại di sản chết, quyền này cho phép người thừa kế có thể tiến hành các bước để phân chia di sản, bao gồm xác định di sản, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại ... Còn các quyền và nghĩa vụ khác về tài sản do người chết để lại chỉ phát sinh khi người thừa kế hoặc là đã tiến hành xong thủ tục khai nhận thừa kế (ví dụ quyền sở hữu đối với di sản) hoặc ít ra là đã tiến hành các bước có liên quan để có thể xác định di sản, thống kê di sản ... Như vậy, quy định này không cần thiết đặt ra trong Dự thảo.
Mặt khác, cũng cần phân định rõ ngay tại vị trí này của điều luật, sự khác biệt giữa thời điểm xác lập quyền sở hữu của người thừa kế đối với di sản và thời điểm mở thừa kế. Tại đây, có hai lựa chọn, thứ nhất, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với di sản được xác định trên cơ sở các quy tắc chung được quy định tại Điều 182 Dự thảo, cụ thể “Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác”; thứ hai, thời điểm xác lập quyền sở hữu chính là thời điểm người để lại di sản chết. Phương án thứ hai sẽ không khả thi bởi ngay tại thời điểm người để lại di sản chết, di sản vẫn chưa được phân chia và chưa xác định được người thừa kế sẽ thừa kế phần nào trong tổng di sản. Bởi thế, theo chúng tôi, quyền sở hữu đối với di sản phải được xác lập theo quy định của luật chung về sở hữu.
2.  Người thừa kế
Theo quy định tại Điều 636 Dự thảo“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Quy định này có thay đổi so với quy định của BLDS 2005, cụ thể cụm từ “người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân” được dùng trong Dự thảo thay thế cho cụm từ “người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức”. Thay đổi này của Dự thảo có thể thấy rõ là nhằm mục đích mở rộng đối tượng nhận di sản, cụ thể là cho phép người thừa kế có thể là cá nhân hoặc trong trường hợp thừa kế theo di chúc có thể là tất cả các chủ thể tồn tại trong thực tiễn (cá nhân và các chủ thể không phải là cá nhân). 
Về sự xác định như thế nào là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế, hay như thế nào là thành thai trước khi người để lại di sản chết ... đã được bàn luận khá nhiều, do đó ở đây, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến phần mới nhất trong Dự thảo “người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân”. Chủ thể này là ai? Trong cách hiểu thông thường, ngược lại với cá nhân là tập thể, nhóm người, tập hợp người hay tổ chức, cơ quan ... Đây là cách hiểu được chấp nhận trong BLDS 2005. Cá nhân, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt[2] là “người riêng lẻ”. Tuy nhiên, “không phải là cá nhân” cũng có thể không phải là con người, là con vật, chuyện về một chú chó giàu nhất thế giới đã xảy ra ở Anh do được thừa kế khối di sản khổng lồ từ người chủ đã chết[3]. Tình trạng này có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam trong tương lai hay không? Nếu theo quy định của BLDS 2005 thì điều đó là không thể bởi vì người thừa kế chỉ có thể là cá nhân hay cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, theo quy định trong Dự thảo BLDS thì điều này được chấp nhận trên cơ sở quy định của Điều 636 như đã phân tích trên. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên cho phép quyền thừa kế của vật nuôi hay không? Về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền tự do trong việc định đoạt tài sản của mình và các chủ thể khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, kể cả đó chỉ là ý nguyện của chủ sở hữu trước khi chết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn còn là nước mà số người nghèo chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tổng thể dân cư, hơn nữa với truyền thống là xã hội tôn trọng đạo đức, bản chất nhân văn trong suy nghĩ và lối sống của con người, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, nên việc một con vật được thừa kế khối di sản lớn là điều không nên. Do đó, theo chúng tôi, quy định tại Điều 636 nên giữ nguyên như trong BLDS 2005, cụ thể là “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
3. Thừa kế theo di chúc
Quy định tại khoản 2 Điều 648 của Dự thảo “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc” và khoản 2 Điều 653 của Dự thảo “Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc” có phần trùng nhau là “phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý”. Do đó, theo chúng tôi, nên sửa lại như sau:
- Khoản 2 Điều 648 “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Sự đồng ý của cha, mẹ, hoặc người giám hộ phải lập thành văn bản”.
- Bỏ quy định tại khoản 2 Điều 653 về việc bắt buộc di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải lập thành văn bản. Di chúc miệng chỉ được cho phép trong bối cảnh người để lại di sản ở trong tình trạng sức khỏe không tốt, không thể tiến hành lập di chúc bằng văn bản, quyền lập di chúc miệng cũng nên được công nhận đối với người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi bởi vì đối tượng này cũng có thể bị rơi vào tình trạng không thể lập di chúc bằng văn bản như các chủ thể khác. Hơn thế nữa, quy trình về việc công nhận di chúc miệng được tiến hành theo quy định trong Dự thảo (như tuyên bố di chúc trước mặt người làm chứng, công chứng, chứng thực di chúc ...) khá chặt chẽ, đảm bảo độ chính xác và đáng tin cậy của di chúc miệng đối với các loại chủ thể khác nhau.
4. Di chúc chung của vợ chồng
Mặc dù có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có nên tiếp tục công nhận quyền được lập di chúc chung của vợ chồng trong BLDS[4], Dự thảo BLDS tiếp tục ghi nhận về di chúc chung của vợ chồng và gần như không có thay đổi so với quy định của BLDS 2005. Theo chúng tôi, việc tiếp tục công nhận quyền lập di chúc chung của vợ chồng là phù hợp, mặc dù trên thực tế có nhiều trở ngại liên quan đến việc thực hiện quyền này cũng như liên quan đến việc tôn trọng quyền tự do cá nhân của chủ sở hữu tài sản trong việc định đoạt tài sản bằng di chúc. Tuy nhiên, một khi các chủ thể nhận thức rõ về các hạn chế này của di chúc chung và vẫn muốn lập di chúc chung thì không có lý do gì chúng ta cản trở họ thực hiện quyền này. Vì thế, để quyền này của các chủ thể được thực hiện tốt hơn trên thực tế, cần có sự rõ ràng trong các quy định của Dự thảo, cụ thể cần quy định như sau:
- Điều 665 Dự thảo về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng.
Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu người kia không đồng ý thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình” nên sửa lại thành “Vợ, chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu bên còn lại phản đối việc sửa đổi, bổ sung này thì di chúc chung đương nhiên bị hủy bỏ. Nếu một bên vợ, chồng đã chết thì người còn lại chỉ có thể sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ phần di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Quy định hiện tại trong Dự thảo cho phép nếu không thỏa thuận được về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc thì bên vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc có quyền lập di chúc riêng để định đoạt phần tài sản của mình. Tuy nhiên, theo cách quy định này thì sẽ song song tồn tại hai di chúc, di chúc chung của vợ chồng và di chúc riêng của một bên, cả hai di chúc này cùng định đoạt chung một phần tài sản, do đó chỉ có thể một trong hai di chúc có hiệu lực. Nếu muốn giữ nguyên quy định này thì cần bổ sung thêm quy định rằng, nếu di chúc chung và di chúc riêng mâu thuẫn nhau thì di chúc riêng lập sau sẽ có giá trị.
Cân nhắc giữa hai phương án, chúng tôi cho rằng, phương án thứ nhất xác định di chúc chung hết hiệu lực khi có bất đồng quan điểm giữa vợ chồng về nội dung đã xác định là phương án phù hợp. Vì thực chất, dù là di chúc chung hay riêng, đó đều là quyền tự do định đoạt của chủ sở hữu tài sản, khi thỏa thuận trong di chúc chung bị phá vỡ do sự không đồng thuận thì di chúc chung không thể tiếp tục tồn tại.
Về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung theo quy định tại Điều 669 của Dự thảo thì “Trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó”.
Quy định của Dự thảo tạo sự linh hoạt cho việc xác định thời điểm có hiệu lực của di chúc chung. Cụ thể chia thành hai trường hợp, nếu có thỏa thuận chọn thời điểm người sau cùng chết thì pháp luật tôn trọng sự lựa chọn này, ngược lại, nếu không có thỏa thuận lựa chọn trên, thời điểm có hiệu lực của di chúc được xác định là thời điểm mở thừa kế, là thời điểm vợ, chồng chết như các trường hợp lập di chúc riêng. Quy định này là hợp lý, cũng giải quyết được tình trạng không rõ ràng đã tồn tại trong bối cảnh BLDS 2005 là quyền yêu cầu chia di sản đối với những tài sản riêng của một bên vợ, chồng chết trước hoặc đối với những tài sản chung không được định đoạt trong di chúc chung, nghĩa là với sự xác định thời điểm giống như lập di chúc riêng này, mặc dù có di chúc chung nhưng khi một trong hai bên vợ, chồng chết trước, những người có quyền thừa kế của người này từ di chúc chung, di chúc riêng hoặc thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu chia di sản ngay.
5. Di sản thờ cúng
Đây là loại tài sản đặc biệt, sẽ không tham gia vào các giao dịch tài sản, sẽ phải “đứng yên” để phục vụ cho việc thờ cúng tổ tiên của người chết. Về nguyên tắc, khi tài sản phải “đứng yên” thì không tạo ra các giá trị phát sinh thêm, điều này về mặt lý thuyết là hoàn toàn không tốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, quy định tại Điều 671 cần thiết phải thêm vào “Di sản thờ cúng chỉ được duy trì để thờ cúng tối đa đến đời thứ 3”[5], nghĩa là cần giới hạn khoảng thời gian đứng yên của di sản thờ cúng, giải thoát di sản này để đưa tài sản vào lưu thông.
Khoản 1 Điều 671 Dự thảo quy định “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng”.
Theo chúng tôi, để quy định này hợp lý hơn, nên sửa lại “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người được chỉ định trong di chúc để thực hiện việc thờ cúng; nếu di chúc không chỉ định người quản lý hoặc người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc thì những người thừa kế có quyền thỏa thuận chọn một trong số những người thừa kế của người để lại di sản để thực hiện việc quản lý di sản thờ cúng. Nếu người được thỏa thuận cử không thực hiện thỏa thuận này thì những người thừa kế có quyền thỏa thuận cử ra một người quản lý khác”. Kiến nghị sửa đổi này một mặt bỏ đi một đoạn quy định trong Dự thảo “nếu người được chỉ định không thực hiện di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế...”; về nguyên tắc việc quản lý di sản thờ cúng được thực hiện theo ý chí của người chết thể hiện trong di chúc, do đó, theo chúng tôi, quy định “không theo thỏa thuận của những người thừa kế” là không cần thiết. Mặt khác, cho phép các đồng thừa kế của người để lại di sản thờ cúng quyền thỏa thuận cử người quản lý di sản trong cả hai trường hợp, không có chỉ định của người để lại di sản và có chỉ định nhưng người được chỉ định không thực hiện chỉ định.
Cũng liên quan đến vấn đề di sản thờ cúng, theo chúng tôi, cần có thêm quy định cụ thể xác định khối tài sản chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp người để lại di sản lập di chúc, vừa để lại di sản thờ cúng, vừa để lại di tặng mà tổng di sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 671 “Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng” và khoản 3 Điều 672 Dự thảo “Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”. Thực tế, việc xác định di sản có đủ để thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại hay không chỉ diễn ra ở thời điểm tiến hành chia di sản để trả nợ. Giả sử toàn bộ di sản trị giá 01 tỷ đồng, di tặng trị giá 100 triệu, di sản thờ cúng trị giá 200 triệu, nghĩa vụ về tài sản trị giá 900 triệu. Nếu áp dụng quy định của Dự thảo thì trường hợp này, người để lại di sản vẫn có quyền để di tặng và di sản thờ cúng vì toàn bộ di sản vẫn đủ để thực hiện nghĩa vụ. Vậy việc thanh toán nợ sẽ phải tiến hành như thế nào? Chủ nợ được thanh toán hết hay chỉ một phần trong số nợ? Nghĩa là trong trường hợp đó, ta sẽ ưu tiên thanh toán nợ hay ưu tiên cho di tặng, di sản thờ cúng? Câu trả lời là chưa rõ ràng với các quy định hiện nay của Dự thảo. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, quy định nên sửa lại cho chặt chẽ hơn, cụ thể như sau:
- Khoản 2 Điều 671 và khoản 3 Điều 672 nên sửa gộp lại là “Trường hợp toàn bộ di sản còn lại của người chết sau khi trừ di tặng, di sản thờ cúng không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng”.
- Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy định “Trường hợp toàn bộ di sản còn lại của người chết sau khi trừ di tặng, di sản thờ cúng không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó nhưng toàn bộ di sản thì thừa, để thực hiện nghĩa vụ, di sản di tặng và di sản thờ cúng cùng chịu trách niệm đóng góp để thực hiện nghĩa vụ theo tỷ lệ”, nghĩa là với ví dụ trên, sau khi lấy phần di sản còn lại là 700 triệu vẫn không đủ để trả nợ, 200 triệu nợ còn lại sẽ chia cho di tặng và di sản thờ cúng theo tỷ lệ. Cụ thể là nợ 200 triệu, di sản còn 300 triệu, vậy tỷ lệ là 2/3. Chúng tôi cho rằng, di tặng và di sản thờ cúng đều có cùng bản chất là một khoản trích đặc biệt theo ý chí của người để lại di sản, do đó nó có tầm quan trọng giống nhau nên phải gánh chịu nghĩa vụ giống nhau.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 671 “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, trừ trường hợp trong di chúc của người để lại di sản có quy định khác”. Đây là quy định rất không rõ ràng đã tồn tại trong BLDS 2005, không rõ ràng ở đây do từ dùng “thuộc về” trong điều luật. Thuộc về tức là thuộc quyền sở hữu hay thuộc quyền quản lý? Một cách hợp lý, nếu đã giới hạn sự tồn tại tối đa của di sản thờ cúng trong thời hạn “ba đời” thì từ thuộc về này cần phải sửa lại là “Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc quyền quản lý và khai thác của người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, trừ trường hợp trong di chúc của người để lại di sản có quy định khác”. Và cũng cần bổ sung thêm trong điều luật quy định “sau khi chấm dứt thờ cúng, di sản này sẽ thuộc quyền sở hữu của người đang quản lý di sản này để phục vụ cho việc thờ cúng”.
6. Thừa kế theo pháp luật
Thứ nhất, có sự mâu thuẫn trong quan hệ giữa thừa kế thế vị và thừa kế ở hàng thứ hai. Cụ thể như sau: theo quy định tại khoản 1 Điều 677 của Dự thảo, các hàng thừa kế được xác định gồm 3 hàng, trong đó hàng thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Khoản 4 Điều 677 Dự thảo quy định: “Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Ta có tình huống cụ thể như sau: ông A và bà B là vợ chồng hợp pháp, có con chung là C. A chết năm 2002, B chết năm 2007, C chết năm 2005. C có con là D. Bà B có hai anh trai là E và F. Trong tình huống này, khi B chết vào năm 2007 thì cả chồng là ông A và con là C đều đã chết trước, nghĩa là tất cả những người thừa kế ở hàng thứ nhất đều đã chết, do đó di sản sẽ được chia cho hàng thứ hai gồm E, F và D. Nếu chia cho hàng thứ hai thì D sẽ được hưởng 1/3 di sản B để lại. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Điều 678 Dự thảo, D sẽ có tư cách thừa kế thế vị của B, với tư cách này D lại là người thừa kế duy nhất của B nên sẽ hưởng trọn di sản. Vậy trong tình huống này sẽ chia di sản cho hàng thứ 2 hay cho người thừa kế thế vị? Câu trả lời chưa có trong Dự thảo. Theo chúng tôi, cần bổ sung thêm vào Điều 678 quy định như sau: “Khi người thừa kế thế vị đồng thời là người được hưởng di sản theo hàng thừa kế thứ hai hoặc thứ ba thì việc chia di sản sẽ tiến hành phân chia cho người này với tư cách là người thừa kế thế vị”. Lựa chọn này thật ra đã được áp dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua tại Tòa án[6] và chúng tôi cho rằng, đây là lựa chọn hợp lý phù hợp với ý nghĩa của việc để lại di sản thừa kế, tức phải để lại cho con, cháu trước tiên.
Thừa kế của con nuôi. Quan hệ cha, mẹ nuôi - con nuôi hình thành trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng được chứng minh bằng quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Cả BLDS 2005 và Điều 679 Dự thảo đều cho phép người con nuôi ngoài việc thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi còn được thừa kế thế vị, nghĩa là thừa kế di sản của cha, mẹ của cha, mẹ nuôi (hay gọi là ông bà nội, ngoại nuôi). Chúng tôi cho rằng, quy định này không hợp lý, thứ nhất, chúng ta chỉ công nhận cháu ruột thừa kế di sản của ông bà ở hàng thứ hai (khoản 1 Điều 677), nghĩa là không có cháu nuôi, thứ hai, quan hệ nuôi con nuôi chỉ hình thành giữa bên nhận nuôi và bên được nhận nuôi, do đó không nên công nhận quyền thừa kế thế vị của con nuôi với cha, mẹ của cha, mẹ nuôi để các quy định logic với nhau hơn.
Về quy định tại khoản 2 Điều 677 Dự thảo “Những người thừa kế theo pháp luật chỉ được hưởng phần di sản nếu họ còn sống tại thời điểm chia thừa kế”. Quy định này mâu thuẫn với định nghĩa về người thừa kế tại Điều 636 Dự thảo “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”. Do đó, theo chúng tôi, nên bỏ quy định tại khoản 2 Điều 677 vì thực tế quyền thừa kế xác định tại thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm người để lại di sản chết. Nếu người thừa kế còn sống tại thời điểm mở thừa kế và không bị truất quyền cũng như không từ chối nhận di sản thì người này có quyền được nhận di sản, mặc dù có thể đến thời điểm chia di sản thì người này đã chết, phần di sản đã nhận của người này sẽ tiếp tục được phân chia cho những người thừa kế của họ./.
 

* TS. Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[1] Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 5/1/2015. Xem toàn văn Dự thảo tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Du-thao-Bo-luat-Dan-su/217494.vgp.
 
[2] Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng, 2010.
[3] http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/chu-cho-giau-nhat-the-gioi-co-370-trieu-do-2700580.html.
[4] Xem Lưu Minh Hùng, Một số bất cập trong việc thừa nhận quyền lập di chúc chung của vợ, chồng, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 4 (35)/2006, TS. Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam, bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, trang 304 và kế tiếp.
[5] Theo quy định của Dân luật 1972 thì “hương hỏa cũng còn bị triệt bãi sau khi đã lưu truyền được năm đời liên tiếp, mặc dầu trong họ vẫn còn có nam thừa kế”.
[6] Xem TS. Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam- bản án và bình luận bản án, sđd, trang 512.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 13(293), tháng 7/2015)


Thống kê truy cập

33951533

Tổng truy cập