Hoàn thiện quy định cấu thành tội trộm cắp tài sản tại Điều 138 Bộ luật Hình sự

01/11/2015

ThS. NGUYỄN THỊ XUÂN

Giảng viên Khoa Luật, Đại học Huế

Thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội trộm cắp tài sản trong những năm qua vẫn còn một số vướng mắc và bất cập như: trường hợp tang vật của vụ trộm cắp đã tiêu thụ hoặc bị tiêu huỷ mà không thể tìm lại được, thì dựa vào cơ sở nào để định giá tài sản làm căn cứ cho việc định tội và định khung hình phạt, nếu lời khai của người bị hại và của người phạm tội có mâu thuẫn. Hoặc trường hợp, nếu tội trộm cắp thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt, mà không có căn cứ xác định được ý thức chủ quan của người phạm tội hướng tới lấy loại tài sản nào, thì có xử lý hình sự được hay không khi chưa có kết luận về giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hoặc vướng mắc về việc xử lý đồng phạm về tội trộm cắp hay tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, khi người chứa chấp, tiêu thụ không có sự hứa hẹn, thoả thuận trước với người trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp, nhưng lại bắt đầu tham gia sau thời điểm tội trộm cắp đã hoàn thành mà chưa kết thúc. Những vướng mắc nàychủ yếu thể hiện ở phương diện thực tiễn áp dụng, mang tính cục bộ, chỉ nảy sinh trong một số trường hợp. Chúng tôi đề cập tới hai vấn đề trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội trộm cắp.
Untitled_178.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Mặt khách quan trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội trộm cắp tài sản
Cấu thành tội phạm cơ bản của tội trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.
Điều luật cho thấy, tội trộm cắp tài sản được quy định theo cách chỉ nêu tên tội phạm mà không mô tả hành vi khách quan - tức là phần quy định trong cấu trúc của loại quy phạm pháp luật này là loại quy phạm giản đơn - loại quy định không mô tả tội phạm mà chỉ là nêu tên tội danh[1]. Do đó, có nhiều cách hiểu khác nhau về hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản:
Cách hiểuthứ nhất[2]: Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý.
Theo cách hiểunày, thì đặc tính lén lút chưa thể hiện rõ nghĩa là sự phản ánh hành vi lén lút hay ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút và chiếm đoạt tài sản là hành vi khách quan hay mục đích phạm tội.
Cách hiểuthứ hai[3]: Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý.
Theo cách hiểunày thì dấu hiệu lén lút là phản ánh hành vi khách quan, còn chiếm đoạt tài sản là mục đích của hành vi lén lút.
Cách hiểuthứ ba: Hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản bao gồm hai loại hành vi là hành vi lén lút và hành vi chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý một cách bí mật.
Ví dụ: A đột nhập vào nhà B bằng cách dùng kìm cộng lực phá khoá cửa nhà của B, vào trong nhà lấy được một chiếc ti vi trị giá 10 triệu đồng. Ở tình huống này, hành vi của A đột nhập vào nhà B bằng cách dùng kìm cộng lực, phá khoá cửa nhà của B là hành vi lén lút. Hành vi lấy chiếc ti vi khi chủ tài sản không biết là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách bí mật.
Các cách hiểu trên đã thể hiện sự không thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, làm sai lệch hoàn toàn bản chất, đặc trưng của tội trộm cắp tài sản. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu để thay đổi từ cấu trúc quy định giản đơn thành quy định mô tả- là loại quy định nêu rõ đầy đủ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội danh, cho phép nhận biết được tội phạm đó[4] ngay trong chính diện điều luật của tội trộm cắp tài sản, để làm cơ sở đưa ra định nghĩa chính xác và thống nhất về khái niệm của loại tội này.
Có thể khái quát các dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản như sau:
Thứ nhất, bất kỳ một trường hợp phạm tội trộm cắp nào thì người phạm tội đều sử dụng một trong hai thủ đoạn là:
- Thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản.
Ví dụ: Lợi dụng tình trạng hành khách ngồi trên xe ô tô ngủ gật để móc túi, hoặc lợi dụng lúc không có người trông coi tài sản để lấy tài sản, hoặc lợi dụng tình trạng nhà cửa không khóa lẻn vào lấy tài sản.
- Thủ đoạn tạo ra sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản. Về dạng này, thông thường can phạm có thủ đoạn gian dối làm cho người quản lý tài sản tin tưởng, từ đó mất cảnh giác trong việc quản lý tài sản, để người phạm tội chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A đang ở nhà một mình, B là người cùng xóm vào nhà A, nói với A là bố mày bị tai nạn xe máy ở trước cổng cơ quan. A hoảng sợ, vội vàng bỏ chạy đến cơ quan bố. B ở nhà lục soát lấy được một số tài sản trị giá 5 triệu đồng.
Thứ hai, sau khi sử dụng một trong hai thủ đoạn trên, can phạm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản mang tính chất bí mật, lén lút. Như vậy, dấu hiệu lén lút, bí mật chỉ phản ánh ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi lấy tài sản. Cụ thể, khi lấy tài sản người quản lý tài sản không có mặt ở đó hoặc người quản lý tài sản có mặt ở đó nhưng theo ý thức chủ quan của người phạm tội cho rằng họ không biết được hành vi chiếm đoạt của can phạm đang thực hiện.
Từ những nội dung đã phân tích thể hiện tính đặc trưng, điển hình trong mặt khách quan của các vụ trộm cắp tài sản, chúng ta có thể xây dựng mô hình cấu thành tội phạm cơ bản ở khoản 1 Điều 138 BLHS như sau: “Người nào dùng thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoặc tạo ra sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản mà bí mật chiếm đoạt tài sản đang do người đó quản lý có giá trị từ...”.
Với hướng sửa đổi này, mặt khách quan của tội trộm cắp được phản ánh đầy đủ, rõ ràng bản chất của nó với ba dấu hiệu đặc trưng, đó là:
-Thủ đoạn phạm tội là một dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm với sự thể hiện là một trong hai dạng: hoặc là lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác; hoặc tạo ra sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản.
- Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản đang do người khác quản lý một cách bí mật, lén lút. Trong đó, lén lút, bí mật chỉ tính chất của hành vi chiếm đoạt thuộc phạm trù ý thức chủ quan của người phạm tội là che giấu việc thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình đối với người quản lý tài sản.
-Hậu quả về giá trị tài sản chiếm đoạt được cũng là một dấu hiệu bắt buộc được phản ánh trong cấu thành tội phạm.
2. Tình tiết định tội "trộm cắp nhiều lần có tính liên tục" tại khoản 1 Điều 138  
Quá trình áp dụng BLHS về các tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng đã gây ra sự tranh luận sôi nổi giữa các luật gia, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về cách hiểu và áp dụng các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng; tình tiết đã bị xử lý hành chính, đã bị xử lý kỷ luật; hoặc tình tiết đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích. Việc ban hành kịp thời Thông tư liên tịch số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001[5] hướng dẫn áp dụng “các tội xâm phạm sở hữu” cơ bản đã tháo gỡ được những vướng mắc này. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn trong Thông tư vẫn còn thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, mâu thuẫn so với quy định của BLHS trong trường hợp trộm cắp nhiều lần mà mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản dưới hai triệu đồng.
Tại tiểu mục 5, mục II, Thông tư số 02 quy định: “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a. Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
b. ...”.
Theo hướng dẫn này, đặt trong sự đánh giá của tội trộm cắp tài sản được hiểu là trường hợp một người trộm cắp tài sản nhiều lần có tính liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; tất cả các lần trộm cắp đó đều chưa bị xử lý hành chính hoặc hình sự, cũng không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản dưới hai triệu đồng nhưng tổng tài sản của các lần trộm cắp này có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS hiện hành thì một người chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi trộm cắp một lần giá trị tài sản từ hai triệu đồng đồng trở lên, nếu tài sản trộm cắp có giá trị dưới hai triệu đồng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong ba trường hợp:
- Gây hậu quả nghiêm trọng.
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt.
- Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xoá án tích.
So sánh quy định của hai văn bản này cho thấy có sự mâu thuẫn nhau trong trường hợp nếu một người trộm cắp tài sản nhiều lần có tính liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian; tất cả các lần trộm cắp đó đều chưa bị xử lý hành chính hoặc hình sự, cũng không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng; mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản dưới hai triệu đồng nhưng tổng tài sản của các lần trộm cắp này có giá trị từ hai triệu đồng trở lên, thì theo hướng dẫn của Thông tư 02 người đó bị coi là tội phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu căn cứ theo quy định của Điều 138 BLHS hiện hành thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Chúng ta có thể thấy rõ sự mâu thuẫn này qua ví dụ: Tối ngày 12/11/2011 Nguyễn Văn A mang theo một bao tải với mục đích đi trộm cắp tài sản. Lần thứ nhất A vào một gia đình và lấy được 1 chiếc đài cassette trị giá 800 ngàn đồng bỏ vào bao tải đem giấu ở một bụi cây. Lần thứ hai A vào một gia đình khác lấy được một bộ quần áo trị giá 750 ngàn đồng và bỏ tiếp vào bao tải. Khi đi ngang qua thấy một chiếc xe đạp trị giá 700 ngàn đồng dựng ở sân của một gia đình khác, A phá khoá và dắt xe đạp ra bỏ bao tải tài sản vừa trộm cắp được lên xe đạp. Khi A đạp xe đi được một đoạn thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 2.250 ngàn đồng.
Trong ví dụ này, nếu căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư số 02 thì A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Nếu căn cứ vào khoản 1 Điều 138 BLHS hiện hành thì hành vi của A không cấu thành tội phạm.
Việc lựa chọn văn bản pháp luật nào, BLHS hay Thông tư hướng dẫn để áp dụng giải quyết trường hợp trên, theo chúng tôi phải dựa vào các căn cứ sau:
 i/ Quy định của Thông tư số 02 thể hiện theo hướng mở rộng phạm vi tội trộm cắp tài sản so với BLHS là trái với Điều 2 BLHS “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này cho thấy thẩm quyền quy định một hành vi nào là tội phạm chỉ do một cơ quan duy nhất là Quốc hội, thể hiện trong việc ban hành BLHS quy định về tội phạm và hình phạt. Các cơ quan có thẩm quyền khác chỉ được phép cụ thể hoá, giải thích đúng trong phạm vi những quy định của BLHS.
ii/ Nếu so sánh về cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, thì rõ ràng BLHS có giá trị pháp lý cao hơn so với Thông tư.
iii/ Nguyên tắc nhân đạo được chi phối trong hoạt động xây dựng pháp luật hình sự và cả trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự. Liên hệ với trường hợp phạm tội cụ thể trên thì, BLHS quy định theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội so với Thông tư số 02.
Do đó, trường hợp này, BLHS được lựa chọn áp dụng để kết luận hành vi của A không phạm tội.
Những nội dung phân tích ở trên cho thấy, hướng dẫn tại tiểu mục 5, mục II, Thông tư 02 là trái luật, vi phạm nguyên tắc pháp chế, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người nên cần phải được chỉnh sửa ngay.
Tuy nhiên, thực tiễn trong đời sống xã hội hiện nay, tình hình trộm cắp vặt (giá trị tài sản trộm cắp nhỏ, nhưng thực hiện nhiều lần, lần cuối cùng bị bắt quả tang) đã và đang xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, rất cần thiết phải mở rộng miền tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự mới có thể ngăn ngừa một cách có hiệu quả thực trạng này. Do đó, thiết nghĩ cần xây dựng cấu thành tội phạm trộm cắp trong BLHS hiện hành theo hướng mở rộng phạm vi miền tội phạm đối với tình tiết trộm cắp nhiều lần, liên tục, mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản dưới hai triệu đồng nhưng tổng giá trị tài sản của các lần trộm cắp này từ hai triệu đồng trở lên.
Chúng tôi đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung cấu thành tội phạm cơ bản của tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1, Điều 138 BLHS như sau:
"1. Người nào dùng thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoặc tạo ra sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản mà bí mật chiếm đoạt tài sản đang do người đó quản lýcó giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc trộm cắp nhiều lần có tính liên tục nhưng tổng giá trị tài sản của các lần từ hai triệu đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm"./.
 

 
[1] Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội. Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội-2010, tr 44.
[2] Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội. Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr 32.
[3] Bình luận khoa học BLHS 1999 phần các tội phạm, Bộ Công an. Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr 204.
[4] Giáo trình luật hình sự Việt Nam tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội. Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr 44.
[5] Thông tư này còn hiệu lực và đang được áp dụng trong thực tiễn xét xử, chỉ có nâng mức giá trị tài sản cho phù hợp và tương thích với quy định của BLHS hiện hành.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(301), tháng 11/2015)


Thống kê truy cập

33950973

Tổng truy cập