Vấn đề “công nhận kép” phán quyết của trọng tài thương mại nước ngoài - nhìn từ thực tiễn tại Đức

01/05/2015

NCS. LÊ NGUYỄN GIA THIỆN

Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

“Công nhận kép” phán quyết của trọng tài nước ngoài (TTNN) là một vấn đề phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Trên thế giới, tuy vẫn có nền pháp chế ủng hộ vấn đề này (như Hoa Kỳ và Đức trước đây), nhưng cũng có nhiều nước đã hoàn toàn thoát ly khỏi chúng (như Đức hiện nay). Bài viết tìm hiểu các vấn đề cơ bản của việc “công nhận kép” phán quyết TTNN, đồng thời nêu lên thực trạng vấn đề này tại Tòa Tư pháp Liên bang Đức (Bundesgerichtshof). Cùng một vấn đề pháp lý nhưng qua hai bản án khác nhau, Tòa Tư pháp Liên bang Đức đã có hai quyết định hoàn toàn khác biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bên muốn công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. 
 Untitled_234.png
 
1. Những vấn đề cơ bản về “công nhận kép” phán quyết của trọng tài nước ngoài
Chìa khóa cho việc một phán quyết của TTNN có thể được công nhận tại một quốc gia chính là sự hiện diện và hiệu quả hoạt động của Công ước New York 1958. Đây là một trong những Công ước nhận được sự tham gia đông đảo nhất của các quốc gia trên thế giới (tính đến đầu năm 2015, đã có tất cả 154 quốc gia tham gia Công ước này)[1]. Đối với hai thành viên của Công ước New York, tòa án của một quốc gia không được quyền từ chối các phán quyết trọng tài được ban hành bởi trọng tài của một quốc gia khác nếu không có các căn cứ xác đáng được quy định tại Điều V Công ước New York 1958. Tuy nhiên, thực tế của hoạt động trọng tài thương mại quốc tế chứng minh rằng, cũng có trường hợp bên thắng kiện đã nhận được một quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN lại không thể thi hành phán quyết này vì nhiều lý do. Lý do cơ bản nhất là việc bên thua kiện không còn tài sản tại quốc gia có tòa án đã tiến hành việc công nhận. Bên thắng kiện trong trường hợp này có thể thực hiện hai giải pháp độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình. Ở giải pháp thứ nhất, bên thắng kiện có quyền yêu cầu tòa án của một quốc gia khác (đa phần là nơi có liên quan đến hoạt động kinh doanh của bên thua kiện hoặc nơi bên thua kiện có tài sản) công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, như họ đã tiến hành trong lần thứ nhất. Còn trong giải pháp thứ hai, bên thắng kiện có quyền yêu cầu tòa án của một quốc gia khác công nhận và cho thi hành quyết định của một tòa án về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Vấn đề này trong thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế được gọi là “công nhận kép”[2] phán quyết TTNN.Arbitration-l.jpg
Công nhận kép phán quyết của TTNN là việc tòa án một quốc gia công nhận một quyết định của tòa án thuộc quốc gia khác, mà quyết định này liên quan đến việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại chính quốc gia đó. Ví dụ minh họa: A và B là hai bên của một vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài H thuộc nước X. Tòa án nước Y ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của Trung tâm trọng tài H. Tuy nhiên, do không thể thi hành được quyết định công nhận và cho thi hành của tòa án nước Y, A (với tư cách là bên thắng kiện) sẽ mang quyết định này đến tòa án của một nước Z (hoặc cũng có thể là chính nước X) để yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định này.
Việc “công nhận kép” phán quyết của TTNN có sự xuất hiện hai lần của hành vi công nhận của hai tòa án thuộc hai quốc gia khác nhau, có thể ví đây như là sự “công nhận của công nhận”. Tòa án của quốc gia thứ nhất công nhận phán quyết của TTNN, còn tòa án của quốc gia thứ hai, thay vì công nhận phán quyết của TTNN, lại đi công nhận quyết định của tòa án quốc gia thứ nhất về việc công nhận và cho thi hành chính phán quyết trọng tài đó. Chính xuất phát từ hành vi “công nhận của công nhận” này, một lý luận có thể được đưa ra là tòa án của quốc gia thứ hai, dù là trên thực tế công nhận quyết định được ban hành bởi tòa án của quốc gia thứ nhất, cũng đã đồng thời công nhận luôn cả phán quyết TTNN. Đây là thuyết “sáp nhập tố tụng” (merger theory) được thừa nhận rộng rãi tại nền pháp chế thuộc các nước common law, nhất là Hoa Kỳ[3].
Nếu như cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN giúp tránh sự trùng tố[4], biểu hiện ở việc bên thua kiện trong phán quyết trọng tài lại cầu viện một tòa án để xét xử lại vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng TTNN, thì việc “công nhận kép” không những tránh trùng tố mà còn hạn chế các chi phí phát sinh thêm mà bên thắng kiện phải chịu khi yêu cầu một tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài đã được công nhận và cho thi hành trước đó.
Cuối cùng, một bên (đa phần là bên thắng kiện) chỉ có một tố quyền duy nhất là trong trường hợp yêu cầu tòa án của một quốc gia công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN. Tuy nhiên, trong vấn đề “công nhận kép”, một bên có đến hai tố quyền để bảo vệ quyền lợi cho mình. Một là, bên đó có quyền yêu cầu tòa án của một quốc gia công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án thuộc một quốc gia khác. Hai là, bên đó vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án của một quốc gia công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN.  
2. Thực trạng vấn đề “công nhận khép” phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Đức
2.1. Pháp luật Đức về vấn đề công nhận quyết định của tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài
Bộ luật Tố tụng dân sự của Đức (Zivilprozessordnung - ZPO), cũng như các bộ luật tố tụng dân sự khác của châu Âu như Pháp, Italia và Hà Lan chế định hẳn tố tụng trọng tài thành một chương riêng biệt[5]. Trong ZPO, vấn đề công nhận quyết định của tòa án nước ngoài[6] và phán quyết của TTNN được quy định hoàn toàn tách bạch.
Công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài
Theo Điều 328 ZPO, một bản án của tòa án nước ngoài sẽ được công nhận tại Đức nếu không rơi vào một trong năm trường hợp về thẩm quyền xét xử, sự tham gia của bị đơn, quy trình tố tụng, tính tương thích với các nguyên tắc cơ bản và sự bảo lưu của pháp luật Đức. Một quyết định của toà án nước ngoài được công nhận tại Đức thì có tư cách pháp lý hoàn toàn như một quyết định của tòa án Đức. Tuy vậy, Điều 328 này dường như không còn khả năng áp dụng trên thực tế vì Đức đã là thành viên của Quy tắc Brussels I[7]. Các quy định của Điều 328 ZPO phải nhường đường cho các quy định của Quy tắc Brussels I, nếu có xảy ra sự xung đột pháp luật. Trên cơ sở công nhận một quyết định của tòa án nước ngoài, tòa án Đức sẽ thi hành quyết định này theo Điều 722 và 723 của ZPO. Cần lưu ý là, chỉ có tòa sơ thẩm (Amtsgericht) và tòa thượng thẩm (Landesgericht) nơi bị đơn cư trú (nếu là cá nhân) hoặc có trụ sở chính (nếu là pháp nhân), hoặc nơi có tài sản mới có quyền công nhận và cho thi hành quyết định của tòa án nước ngoài.
Công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN
Ngược lại, đối với vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, pháp luật Đức hoàn toàn không có bất kỳ một sự xung đột nào với pháp luật châu Âu, và hơn nữa là Công ước New York vì: (1) tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu đều tham gia Công ước New York; (2) ZPO quy định rằng việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN sẽ hoàn toàn tuân thủ theo các quy định của Công ước New York (khoản 1 Điều 1061). Điều này cực kỳ quan trọng đối với pháp luật của Đức nói chung và pháp luật của các nước châu Âu nói riêng, vì khi xét xử, cho dù bất cứ pháp luật của một quốc gia có quy định như thế nào về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, thẩm phán khi xét xử buộc phải áp dụng các quy định của Công ước New York. Thực ra, luật trọng tài cũ trước đây của Đức cũng có nhiều quy định khác với Công ước New York, điển hình là việc nêu ra các căn cứ có thể được vận dụng để không công nhận phán quyết của TTNN bao gồm: (1) phán quyết không có giá trị pháp lý; (2) việc công nhận phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Đức, nhất là các quyền hiến định; (3) các bên không được đại diện một cách hợp lý khi tham gia tố tụng, trừ khi có sự đồng ý của các bên; và (4) các bên không có cơ hội tham gia quy trình tố tụng[8]. Rõ ràng là các nguyên tắc này được diễn dịch từ Điều V Công ước New York[9] nhưng có rất nhiều sự khác biệt, dẫn đến nhiều sự xung đột pháp lý khi các thẩm phán giải quyết vụ việc trên thực tế[10]. Phán quyết của TTNN sẽ không được thi hành tại Đức nếu bị từ chối công nhận. Ngược lại, nếu đã được công nhận, phán quyết của TTNN đương nhiên được thi hành như là một phán quyết của tòa án Đức. Luật Đức chỉ cho phép các Tòa thượng thẩm khu vực (Oberlandesgericht) tham gia vào cả quá trình tố tụng trọng tài, ngoại trừ các trường hợp liên quan đến thu thập chứng cứ thì Tòa thượng thẩm khu vực có quyền ủy thác cho các Tòa sơ thẩm và Tòa thượng thẩm (khoản 1 Điều 1062 ZPO).
Có thể thấy rằng, việc “công nhận kép” phán quyết của TTNN, về mặt tố tụng, là việc công nhận quyết định của tòa án nước ngoài, chứ không phải công nhận phán quyết của TTNN. Vì vậy, đối với trường hợp “công nhận kép” này, tòa án có thẩm quyền giải quyết là các Tòa sơ thẩm và Tòa thượng thẩm, đồng thời các điều khoản được áp dụng không thể nằm trong các điều khoản từ Điều 1025 đến Điều 1066 của ZPO. 
2.2. Quan điểm của Tòa Tư pháp Liên bang thông qua các bản án thực tế
Quan điểm về vấn đề “công nhận kép” này được phản ánh rất rõ ràng thông qua các quyết định của Tòa Tư pháp Liên bang (Bundesgerichtshof). Trong một phán quyết năm 1984, Tòa Tư pháp Liên bang đưa ra nhiều luận điểm nhằm ủng hộ cho vấn đề “công nhận kép”. Tuy nhiên, trong một phán quyết năm 2009, Tòa Tư pháp Liên bang lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược, nghĩa là không chấp nhận vấn đề “công nhận kép” này. Chúng tôi sẽ phân tích các bản án thông qua việc tóm tắt các vụ việc và trình bày các lập luận của Tòa Tư pháp Liên bang theo trình tự thời gian.
Phán quyết số IX ZR 24/83 ngày 27/03/1984 của Tòa Tư pháp Liên bang
Trong một phán quyết của trọng tài New York theo quy tắc tố tụng của Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (American Arbiatration Association - AAA), nhà xuất khẩu Hoa Kỳ là bên thắng kiện còn nhà nhập khẩu Đức là bên thua kiện. Sau khi nhận được đơn của nhà xuất khẩu yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài, Tòa án tối cao của bang New York (Hoa Kỳ) đã công nhận phán quyết này, nhà nhập khẩu cũng không phản đối. Nhà xuất khẩu sau đó mang quyết định công nhận phán quyết trọng tài của Tòa án tối cao bang New York về Đức để yêu cầu tòa án Đức công nhận và cho thi hành.      
Tòa sơ thẩm và Tòa thượng thẩm tại Đức đều công nhận quyết định của Tòa án tối cao bang New York và buộc bên thua kiện trong phán quyết trọng tài (nhà nhập khẩu Đức) phải trả tổng số tiền số 33.801,96 USD. Nhà nhập khẩu Đức kiên quyết không chịu, bên này đã đề nghị giám đốc lên Tòa Tư pháp Liên bang. Tòa Tư phán Liên bang, đưa ra những nhận xét như sau: (1) vì Hoa Kỳ là nền pháp chế theo thuyết “sáp nhập tố tụng” nên quyết định của Tòa án tối cao bang New York là phù hợp; (2) quyết định này được ban hành bởi tòa án có thẩm quyền, chung thẩm và có hiệu lực ràng buộc các bên; (3) không thuộc các trường hợp không công nhận; (4) việc công nhận quyết định này không trái đạo đức xã hội và các nguyên tắc của luật pháp Đức; (5) không trái với khoản 2 Điều VI Hiệp định Đối tác, thương mại và hàng hải giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về vấn đề bảo lưu trật tự công cộng.
Qua Phán quyết số IX ZR 24/83, có thể thấy rằng, quan niệm của Tòa sơ thẩm, Tòa thượng thẩm và cả Tòa Tư pháp Liên bang là hoàn toàn giống nhau. Các tòa án Đức vào thời điểm bấy giờ (năm 1984) chấp nhận thuyết “sáp nhập tố tụng” của Hoa Kỳ, vì thế việc “công nhận kép” phán quyết của trọng tài New York đã được diễn ra thuận lợi. Tuy vậy, đến năm 2009, một quyết định khác của Tòa Tư pháp Liên bang đã không còn ủng hộ thuyết “sáp nhập tố tụng”, cũng như là vấn đề “công nhận kép”.
Phán quyết số IX ZR 152/06 ngày 02/07/2009 của Tòa Tư pháp Liên bang
Bên thắng kiện trong một phán quyết trọng tài, được Tòa án tối cao bang California công nhận, đã nộp đơn cho tòa án tại Đức để yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết này. Tòa thượng thẩm Berlin[11] và Tòa thượng thẩm khu vực Berlin[12] đều đồng ý công nhận và cho thi hành tại Đức phán quyết của Tòa tối cao bang California. Tuy nhiên, khi bị đơn đề nghị giám đốc thẩm tại Tòa Tư pháp Liên bang, Tòa này đã ra phán quyết hoàn toàn ngược lại với các phán quyết của Tòa thượng thẩm Berlin và Tòa thượng thẩm khu vực Berlin. Theo đó, Tòa Tư pháp Liên bang hoàn toàn đoạn tuyệt với thuyết “sáp nhập tố tụng” cũng như vấn đề “công nhận kép” phán quyết của TTNN. Các căn cứ mà Tòa án Tư pháp Liên bang đưa ra như sau: (1) theo điểm d khoản 2 Điều 1 của Quy tắc Brussels I thì các phán quyết liên quan đến trọng tài đều không được công nhận ở các nước thành viên Liên minh châu Âu, trừ Đan Mạch; (2) tiêu chuẩn công nhận phán quyết của tòa án nước ngoài tại Hoa Kỳ và Đức là khác nhau, cũng như thuyết “sáp nhập tố tụng” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một quốc gia (Hoa Kỳ), nếu thừa nhận thuyết sáp nhập tố tụng thì các tiêu chuẩn công nhận của Hoa Kỳ sẽ đương nhiên được áp đặt lên nền pháp chế Đức; (3) việc bên thắng kiện trong tố tụng trọng tài tiến hành yêu cầu tòa án một quốc gia “công nhận kép” phán quyết của TTNN sẽ rất nguy hiểm. Trên thực tế, rất có thể bên thắng kiện sẽ bị từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nếu nộp đơn trực tiếp tại chính tòa án cần thi hành. Việc “công nhận kép” sẽ tạo ra “một con đường vòng” giúp bên thắng kiện tránh được việc này, vì họ yêu cầu tòa án công nhận quyết định của tòa án nước ngoài, chứ không phải phán quyết của TTNN;(4) việc “công nhận kép” là sự lẩn tránh, thậm chí là vô hiệu hóa các căn cứ dùng để từ chối công nhận phán quyết của TTNN theo Điều V Công ước New York. Điều này là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đức vì Điều 1061 ZPO áp dụng trực tiếp Công ước New York. Đồng thời, các căn cứ để từ chối quyết định của tòa án nước ngoài (Điều 722 ZPO) và phán quyết của TTNN (Điều V Công ước New York) là hoàn toàn khác nhau;(5) việc “công nhận kép” tạo nên sự phức tạp và phân tán trong việc công nhận phán quyết của TTNN, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động xét xử. Thực tế chứng minh là chỉ các tòa thượng thẩm khu vực mới có đội ngũ thẩm phán đủ chuyên môn để giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài.
Phán quyết số IX ZR 152/06 ngày 02/07/2009 của Tòa án Tư pháp Liên bang Đức đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của pháp luật Đức đối với lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế khi hoàn toàn chấm dứt sự ủng hộ đối với thuyết “sáp nhập tố tụng” và vấn đề “công nhận kép” phán quyết của TTNN. Bên thắng kiện trong phán quyết của TTNN, thay vì có hai tố quyền thì chỉ còn một tố quyền quy nhất, đó là yêu cầu trực tiếp tòa án nơi bị đơn có cư trú, có trụ sở chính hoặc nơi bị đơn có tài sản công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN./.

 


* NCS. Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[1] Công ước về việc Công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN được Liên hợp quốc thông qua ngày 10/06/1958, có hiệu lực từ ngày 07/06/1959, xem webiste: <http://www.uncitral.org/uncitral/en/uncitral_texts/arbitration/NYConvention_status.html> (truy cập ngày 14/02/2015).
[2] Đương nhiên là bên thắng kiện, hầu hết, yêu cầu tòa án một quốc gia công nhận một phán quyết của TTNN để cầu viện chính tòa án này thi hành phán quyết đó. Việc một bên muốn tòa án công nhận nhưng không cần thi hành phán quyết của TTNN cũng có khả năng xảy ra, chủ yếu là nhằm mục đích ngăn chặn việc bên thua kiện trong phán quyết trọng tài tiến hành một vụ kiện mới (theo nguyên tắc res judicata). Điều này chứng tỏ rằng việc công nhận phán quyết của TTNN có thể loại trừ khả năng thi hành phán quyết này. Ngược lại, việc một tòa án đồng ý thi hành phán quyết của TTNN đã bao hàm cả việc tòa án này công nhận phán quyết đó. Điều này là đương nhiên cả về lý luận và thực tiễn. Về mối quan hệ giữa công nhận và cho thi hành đối với phán quyết của TTNN, xem: Alan Redfern và Martin Hunter, Law and practice of International Commercial Arbitration (4th Edition), Nxb. Sweet and Maxwell, 2004, tr. 434 - 435. Về phần thuật ngữ “công nhận kép”, do chưa có thuật ngữ pháp lý cụ thể để chỉ vấn đề này trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nên chúng tôi đề xuất sử dụng thuật ngữ “công nhận kép” trên cơ sở diễn dịch trực tiếp từ thuật ngữ “Double exequatur”.
[3] Học thuyết này, trước đây cũng được các tòa án Đức áp dụng, nhưng hiện nay tất cả tòa án đã thoát ly khỏi thuyết này, điều này sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau.
[4] Joseph Lookofsky and Ketilbjorn Hertz, Transnational litigation and commercial arbitration: An analysis of American, European and International Law, Nxb. Juris Publishing, 2004, tr. 671.
[5] Quyển X ZPO, Quyển IV Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) Pháp, Quyển IV BLTTDS Italia và Quyển IV BLTTDS Hà Lan, xem: Lê Nguyễn Gia Thiện, Số lượng thành viên trong Hội đồng trọng tài - nhìn từ góc độ luật học so sánh, Tạp chí Nghiên cứ Lập pháp, số 8/2012, tr. 45. 
[6] Thuật ngữ quyết định của tòa án nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các bản án (judment), quyết định (decision) và kể cả các lệnh tòa (order) được ban hành bởi tòa án nước ngoài.
[7] Quy tắc số 44/2001 của Ủy ban châu Âu về thẩm quyền và vấn đề công nhận và cho thi hành các phán quyết về dân sự và thương mại (Quy tắc Brussels I). Quy tắc này được tu chỉnh bởi Quy tắc số 1215/2012 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, có hiệu lực từ ngày 10/01/2015 (Quy tắc Brussles I sửa đổi). Trước đó, các Điều 75 và 76 của Quy tắc số 1215/2012 đã có hiệu lực từ ngày 10/01/2014. Về các bình luận liên quan đến Quy tắc này, có thể xem: Peter Hay, Notes on European Union’s Brussels I “Recast” Regulations: An American perspective, The European Legal Forum, Số 1-2013, tr. 1. 
[8] Hans Smit và Vratislav Pechota, 2 The World Arbitration Reporter 1574, (1995), được trích dẫn lại trong Felix Weinacht, Enforcement of Annulled Foreign Arbitral Award in Germany, Journal of International Arbitration 19 (4), 2002, Kluwer Law Arbitration, 2002, tr. 322.
[9] Điều V Công ước New York đưa ra các căn cứ mà theo đó, tòa án của một nước có thể từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, bao gồm: năng lực tham gia tố tụng của các bên, sự tham gia một cách thích đáng của bên phải thi hành, thẩm quyền xét xử của trọng tài, thành phần và thủ tục xét xử, hiệu lực của phán quyết trọng tài, khả năng giải quyết bằng trọng tài và bảo lưu trật tự công cộng. Trong tất cả các căn cứ này, thì căn cứ được xem là mơ hồ nhưng lại có uy lực nhất là căn cứ “trật tự công cộng”. Trật tự công cộng trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế được các học giả gán cho nhiều mỹ từ, ví dụ như “ngựa bất kham” hay là “gót chân Achilles”, Xem: <http://www.austlii.edu.au/au/journals/AUIntLawJl/2011/8.pdf>; và <http://rostrumlegal.com/blog/public-policy-achilles-heel-of-indian-arbitration>. Thậm chí, thẩm phán Burrough, trong một phán quyết nổi tiếng của mình năm 1824, còn quan niệm rằng: “trật tự công cộng là một con ngựa bất kham … nó chỉ được viện dẫn khi tất cả các căn cứ khác đều thất bại”. Xem: Richardson v Mellish (1824) Eng. Rep. 294, 303; 2 Bing 222, 229, 251-52.
[10] Pháp luật Việt Nam hiện tại cũng đang gặp phải tình huống này, các quy định tại Điều 370 BLTTDS xác định các căn cứ để tòa án Việt Nam từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN trên cơ sở nội luật hóa Công ước New York. Tuy nhiên, có nhiều sự mâu thuẫn giữa quy định của Công ước New York và BLTTDS. Đương nhiên là khi xét xử trên thực tế, Công ước New York sẽ được ưu tiên áp dụng. Xem: Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại (2011), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 421.
[11] Phán quyết số 81 O 44/03, ngày 16/02/2005.
[12] Phán quyết số 14 U 78/05, ngày 13/06/2006.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10 (290), tháng 5/2015)