Pháp luật mạnh

01/04/2015

TS. NGUYỄN BÁ CHIẾN

Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính

Pháp luật không xuất hiện cùng với sự xuất hiện loài người. Pháp luật chỉ xuất hiện khi xã hội loài người phát triển đến một trình độ nhất định và đòi hỏi có sự xuất hiện của nhà nước và pháp luật để duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Khi xã hội cần đến vai trò của pháp luật, pháp luật phải thể hiện và thực hiện được vai trò của mình, có nghĩa là pháp luật hoàn thành sứ mệnh. Vậy pháp luật phải như thế nào để hoàn thành sứ mệnh của mình? Theo chúng tôi, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là pháp luật phải mạnh (có sức mạnh). Thực tiễn lịch sử cũng cho chúng ta thấy, trong một quốc gia ở giai đoạn (triều đại nào) pháp luật mạnh thì xã hội thịnh trị hoặc có nền tảng thịnh trị (chẳng hạn: triều đại vua Trần Thái Tông ban hành bộ Quốc triều thông chế, triều đại vua Lê Thánh Tông có Bộ luật Hồng Đức…). Ngược lại, khi pháp luật mất đi vai trò của mình, pháp luật trở nên yếu, không còn sức mạnh thì xã hội không còn được ổn định, thậm chí trở nên rối loạn. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng, củng cố vai trò của pháp luật và quan tâm triển khai thực hiện trong thực tiễn để pháp luật lấy lại được vai trò điều chỉnh vốn có của mình nhằm duy trì trật tự, ổn định và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội. Do đó, pháp luật mạnh là nhu cầu thiết thực của xã hội, dù trong giai đoạn nào.
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, khi vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền là xu hướng, là nền tảng, là nguyên tắc thì pháp luật mạnh là không thể thiếu và có ý nghĩa quan trọng. Pháp luật không mạnh thì không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền. Theo chúng tôi, pháp luật mạnh cần phải hội tụ cả ba yếu tố sau đây: bản thân pháp luật mạnh, sự bảo đảm vững chắc của Nhà nước và sự hỗ trợ đắc lực của văn hóa pháp lý.  
1. Bản thân pháp luật mạnh
Bản thân pháp luật mạnh cần phải có nhiều yếu tố hợp thành. Những yếu tố đó là: nội dung, mục đích điều chỉnh của pháp luật, hình thức, trạng thái của pháp luật.
Nội dung điều chỉnh của pháp luật cần phải phù hợp với thực tiễn, đó là sự phát triển khách quan của các mối quan hệ xã hội. “Để luật bảo đảm tính khả thi thì việc xây dựng luật phải bảo đảm tính khách quan, không được chủ quan, duy ý chí, thoát ly thực tiễn kinh tế - xã hội, coi thường quy luật của xã hội, áp đặt lên xã hội những quy định mà nó không cần, không muốn, không thể thực hiện được”[1]. Đã là thực tiễn khách quan thì khó hoặc không thể phủ nhận hoặc áp đặt thực tiễn khách quan. Giả thiết pháp luật quy định phủ nhận hoặc áp đặt thực tiễn khách quan thì pháp luật cũng khó có thể tồn tại. Điều quan trọng là đánh giá được đúng tính chất khách quan của các mối quan hệ xã hội. Trong thực tiễn, đây không phải là điều mà lúc nào cũng thực hiện được dễ dàng. Bản thân các mối quan hệ xã hội rất đa dạng, phong phú, đan xen phức tạp và vận động, phát triển không ngừng, trong khi đó, việc đánh giá các mối quan hệ xã hội thông qua lăng kính chủ quan của con người. Cho nên, “đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn xã hội, thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước, tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến dự án, khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, tổ chức lấy ý kiến, đánh giá thực trạng phản ứng của dư luận xã hội, của nhân dân, các ngành, các cấp đối với những nội dung cơ bản của dự án”[2]. Khi nội dung pháp luật phù hợp với sự phát triển khách quan của các mối quan hệ xã hội thì tự thân pháp luật có sức sống, tự thân pháp luật được thực tiễn đón nhận.
Mục đích điều chỉnh của pháp luật là nhằm duy trì trật tự, ổn định và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội. Bản thân nội dung pháp luật phù hợp với sự phát triển khách quan của các mối quan hệ xã hội cũng chưa đủ. Pháp luật cần phải có định hướng của sự điều chỉnh. Trong điều kiện xã hội hiện nay, định hướng điều chỉnh quan trọng của pháp luật là duy trì trật tự, ổn định và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội. Duy trì trật tự, ổn định các mối quan hệ xã hội là yếu tố trước hết. Không có ổn định thì khó có phát triển. Pháp luật duy trì trật tự, ổn định các mối quan hệ xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nếu pháp luật chỉ chú trọng đến duy trì trật tự, ổn định các mối quan hệ xã hội mà không chú trọng đến thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội thì pháp luật chỉ phù hợp với thời kỳ phong kiến trở về trước. Trong điều kiện xã hội hiện nay, một trong những định hướng quan trọng của xã hội là thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, trình độ con người và sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Mỗi lĩnh vực pháp luật có yêu cầu riêng về mục đích duy trì trật tự, ổn định và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội, hoặc thiên về duy trì trật tự, ổn định các mối quan hệ xã hội, hoặc thiên về thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội, hoặc đan xen giữa duy trì trật tự, ổn định các mối quan hệ xã hội và thúc đẩy sự phát triển các quan hệ xã hội.
Hình thức của pháp luật cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Hình thức của pháp luật là một yếu tố làm cho pháp luật mạnh hay không. Nếu các quy phạm pháp luật, các văn bản pháp luật không đồng bộ, thống nhất; có sự chồng chéo, mâu thuẫn thì bản thân các quy định pháp luật, các văn bản pháp luật triệt tiêu lẫn nhau[3], gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật. Khi đó, sức mạnh của pháp luật bị ảnh hưởng. Thực tiễn cho thấy có không ít các văn bản, quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn với nhau. Do đó, trong công tác xây dựng pháp luật, cần chú trọng rà soát kỹ các văn bản, quy định liên quan để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật. Trong quá trình thực hiện pháp luật nếu phát hiện các quy định chồng chéo, mâu thuẫn thì cần kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định đó.
Trạng thái của pháp luật cần được ổn định tương đối. Sự ổn định của pháp luật (văn bản pháp luật) góp phần làm tăng sức mạnh của pháp luật. “Tính ổn định của văn bản sẽ đảm bảo sự ổn định trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và điều đó tạo cho xã hội ổn định và phát triển”[4]. Đành rằng khi quan hệ xã hội có sự thay đổi thì cần có sự điều chỉnh thay đổi của pháp luật. Tuy nhiên, khi pháp luật thay đổi liên tục mà không xuất phát từ sự thay đổi của quan hệ xã hội mà chỉ đơn thuần từ sự chủ quan của chủ thể xây dựng pháp luật mong muốn thay đổi cách thức và nội dung điều chỉnh, thì mục đích điều chỉnh pháp luật không đạt được, gây khó khăn cho việc thực hiện pháp luật và ảnh hưởng đến sức mạnh của pháp luật. Trong thực tế hiện nay, “tính ổn định của hệ thống pháp luật còn thấp. Nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng thường xuyên thay đổi dẫn đến xáo trộn các quan hệ xã hội đang điều chỉnh”[5] hoặc có những trường hợp qua nhiều lần thay đổi pháp luật lại quay trở lại phương án điều chỉnh ban đầu. Cho nên, “pháp luật và chính sách phải ổn định, thường xuyên thay đổi sẽ hại cho dân”[6] và “luật pháp phải được cân nhắc kỹ càng, đã ban hành ra thì không được nay sửa mai đổi. Nay sửa mai đổi thì dân không biết xử trí ra sao”[7].
2. Sự bảo đảm vững chắc của Nhà nước
Nhà nước và pháp luật gắn liền với xã hội có giai cấp. Giai cấp nắm quyền lực chính trị trong xã hội cần có tổ chức của mình để thể hiện và thực hiện quyền lực chính trị, đó là nhà nước. Nhà nước cũng cần có công cụ để thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình, đó là pháp luật. Pháp luật vừa là công cụ của nhà nước vừa là công cụ của giai cấp nắm quyền lực chính trị trong xã hội. Giữa nhà nước và pháp luật có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Nhà nước không thể tồn tại thiếu pháp luật và ngược lại, pháp luật cũng không thể tồn tại thiếu nhà nước. Pháp luật muốn có sức mạnh thì cần có nhà nước mạnh hay nói cách khác, nhà nước mạnh để bảo đảm vững chắc cho pháp luật có sức mạnh. Nhà nước mạnh bảo đảm vững chắc cho pháp luật mạnh trên các phương diện sau đây:
Một là, xây dựng pháp luật. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn khách quan, đồng bộ, thống nhất, có sự ổn định tương đối. Khi đó, pháp luật trở nên có sức mạnh tự thân. Nếu Nhà nước không xây dựng được hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn khách quan, đồng bộ, thống nhất, có sự ổn định tương đối thì pháp luật không thể mạnh được và gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Một kết quả nghiên cứu đã đánh giá rằng, “việc soạn thảo đạo luật kém hiệu quả đã phản ánh và góp phần vào việc tạo ra các vấn đề xã hội lớn: những khó khăn mà nhiều nhà nước gặp phải khi cố gắng chống lại nghèo đói và tình trạng dễ bị tổn thương của phần lớn nhân dân trong nước”[8].
Hai là, tổ chức thực hiện pháp luật. Khi Nhà nước đã xây dựng được hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn khách quan, đồng bộ, thống nhất, có sự ổn định tương đối thì điều quan trọng kế tiếp là tổ chức thực hiện pháp luật, tức là đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Nếu thiếu sự hiện diện vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện pháp luật thì sức mạnh của pháp luật bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhà nước tổ chức thực hiện pháp luật thông qua các cơ quan của mình và thông qua các biện pháp, phương pháp khác nhau, chủ yếu là:  
- Biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật: tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả sẽ làm cho các chủ thể hiểu đúng và đầy đủ nội dung quy định pháp luật, có tác dụng nâng cao nhận thức, góp phần nâng cao sự tự giác của các chủ thể trong việc thực hiện pháp luật, tức là góp phần làm tăng sức mạnh của pháp luật. Do đó, một quy tắc quan trọng cần tuân thủ là: “muốn pháp luật được thi hành thì phải chuẩn bị cho nhân dân hiểu biết pháp luật rồi mới áp dụng”[9]. Về phía Nhà nước, cần phải “đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức”[10]. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật là biện pháp cần được thực hiện rộng rãi, thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Cho nên, cần xác định phương châm “phổ biến giáo dục pháp luật là hoạt động mang tính chất toàn xã hội với phương châm không ai được coi như không biết pháp luật”[11].
- Biện pháp hành chính: nhiều quy định pháp luật được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính, ban hành các quyết định hành chính (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng…). Trong trường hợp này sức mạnh của pháp luật phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng thẩm quyền; các cán bộ, công chức có năng lực và thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; thủ tục hành chính bảo đảm đủ mức sự chặt chẽ của pháp luật mà không gây rườm rà, phức tạp cho các công dân, tổ chức, cơ quan thực hiện pháp luật; quyết định hành chính được ban hành bảo đảm căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn (hợp pháp và hợp lý).
- Biện pháp kinh tế: kinh tế là yếu tố vừa là nội dung quy định của pháp luật vừa là biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện pháp luật. Cho nên, một mặt, quy định pháp luật phải phù hợp với quan hệ kinh tế, điều kiện kinh tế, nhưng mặt khác, với khía cạnh là biện pháp bảo đảm thực hiện pháp luật thì cần chuẩn bị tốt nguồn tài chính cho việc thực hiện pháp luật. “Văn bản cũng cần phải phù hợp với điều kiện kinh tế để thực hiện văn bản, nếu văn bản đưa ra những chính sách mà khả năng nguồn tài chính không thể đảm đương được hoặc chỉ đảm bảo được một phần thì cũng không thể triển khai thực hiện có hiệu quả được. Kinh phí để thực hiện văn bản bao gồm: chi phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chi phí mà tổ chức, cá nhân, ngân sách nhà nước phải bỏ ra để thực hiện các chính sách, quy định trong văn bản; chi phí trang bị cơ sở vật chất và chi phí cho bộ máy tổ chức thực hiện văn bản”[12].
Ba là, bảo vệ pháp luật: Hoạt động bảo vệ pháp luật là hoạt động không thể thiếu được vì trong thực tiễn luôn luôn còn tình trạng vi phạm pháp luật - do vô ý‎‎ hoặc cố ý‎ của các chủ thể thực hiện pháp luật. Trong trường hợp này, sức mạnh của pháp luật phụ thuộc vào việc các cán bộ, công chức có năng lực và thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; pháp luật được thực hiện công bằng và nghiêm minh. Một nội dung có tính nguyên tắc là: “khi chấp pháp, thưởng phải chú trọng chữ tín, phạt phải kiên quyết chấp hành”[13]. “Về mặt nguyên tắc, khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra thì cần phải bị xử lý nghiêm minh. Nhưng khi hành vi vi phạm pháp luật xảy ra mà không bị xử lý nghiêm minh thì dễ hình thành tâm lý coi thường pháp luật. Từ đó tạo ra trong xã hội một phản ứng dây chuyền là “tâm lý coi thường pháp luật” ở cả chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và chủ thể chưa hoặc không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”[14]. Nếu chế tài xử lý‎ quá nhẹ so với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm thì các chủ thể coi thường pháp luật, ngược lại nếu chế tài xử lý quá nặng so với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm thì các chủ thể khó có thể tin vào pháp luật. Cùng loại và cùng những điều kiện thực hiện nhưng chế tài xử lý khác nhau cho các cá nhân khác nhau thì các chủ thể cũng mất niềm tin vào pháp luật. Việc thực hiện nghiêm minh của pháp luật được thực hiện với tất cả các chủ thể, với mọi hành vi vi phạm và kịp thời trong phạm vi thời hạn quy định. Khi đề cập đến việc xử án, một nguyên tắc nền tảng là: “việc xử án phải thật chí công vô tư. Không khoan dung với người mình yêu, không khắc nghiệt với người mình ghét”[15].
3. Sự hỗ trợ đắc lực của văn hóa pháp lý
Bản thân pháp luật mạnh và có được sự bảo đảm vững chắc của Nhà nước thì cũng chưa có đầy đủ các yếu tố bảo đảm cho pháp luật có sức mạnh, do pháp luật và việc thực hiện pháp luật không tách rời khỏi môi trường. Đây chính là môi trường văn hóa pháp lý. “Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức về sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện, từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật”[16]. Khi yếu tố văn hóa pháp lý phù hợp với xã hội thì nó có sự hỗ trợ đắc lực cho pháp luật có sức mạnh. Để yếu tố văn hóa pháp lý hỗ trợ đắc lực cho pháp luật có sức mạnh, cần có những yếu tố sau:
Một là, văn hóa tôn trọng pháp luật
Văn hóa tôn trọng pháp luật hỗ trợ đắc lực cho pháp luật có sức mạnh, là cầu nối quan trọng để pháp luật có giá trị và hiệu quả thực tế. Khi đã có văn hóa tôn trọng pháp luật thì trong nhiều trường hợp, không cần có sự xuất hiện của Nhà nước, pháp luật vẫn được thực hiện một cách tự giác trong thực tiễn. Để có văn hóa tôn trọng pháp luật là cả một quá trình phát triển không ngừng của xã hội và do những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, đồng thời là sự quyết tâm của Nhà nước trong việc tạo dựng văn hóa tôn trọng pháp luật. Trong lịch sử nhà nước và pháp luật, có những triều đại vua chúa phong kiến đã đề cao vai trò, tôn trọng pháp luật để trị quốc. Nhưng trong lòng xã hội phong kiến và nền văn hóa phong kiến cũng có không ít những yếu tố gắn liền với xã hội phong kiến mà dưới góc nhìn của xã hội hiện đại thì nó ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa tôn trọng pháp luật như: “lễ nghi đâu đến thứ dân, hình phạt đâu đến trượng phu”, “phép vua thua lệ làng”, “trăm cái lý không bằng tí cái tình”… Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, văn hóa tôn trọng pháp luật ngày càng được quan tâm xây dựng và phát triển. Một mặt, từ chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, cũng có nghĩa là pháp luật được đề cao và tôn trọng. “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[17]. Mặt khác, thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu trật tự, ổn định xã hội đòi hỏi phải lấy pháp luật làm chuẩn mực pháp lý để xử sự. Đồng thời, một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng pháp luật hiện nay là hội nhập kinh tế quốc tế. Để quốc gia thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, các cá nhân, tổ chức hợp tác kinh doanh với đối tác quốc tế phải thực hiện các quy định chung của quốc tế (các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương). “Cho nên, về bản chất, pháp luật gắn liền với phát triển và chỉ có phát triển, trong phát triển con người mới có ‎ý thức pháp luật, mới tạo thành cho mình một lối sống theo pháp luật. Không phải ngẫu nhiên ở những nước có nền kinh tế phát triển cao, con người thường có ý thức pháp luật rõ hơn những dân tộc còn yếu kém về kinh tế và xã hội. Bởi lẽ ý thức pháp luật còn gắn liền với sự trưởng thành của con người, của nền văn hóa mỗi dân tộc”[18].
Hai là, chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật
Việc chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức pháp luật cho các chủ thể, làm cho việc thực hiện pháp luật tốt hơn, có hiệu lực và hiệu quả hơn. Thực tiễn cũng khá phổ biến tình trạng thiếu chủ động tìm hiểu pháp luật hoặc tìm hiểu pháp luật thiếu cặn kẽ, không đến nơi đến chốn, nên thực hiện pháp luật không đúng hoặc cho rằng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật không đúng.
Ba là, gương mẫu thực hiện pháp luật
Văn hóa pháp lý không thể thiếu yếu tố gương mẫu thực hiện pháp luật. Gương mẫu thực hiện pháp luật góp phần làm cho pháp luật có sức mạnh và nhân lên sức mạnh. Gương mẫu thực hiện pháp luật cần có ở tất cả các chủ thể thực hiện pháp luật, nhưng sự gương mẫu thực hiện pháp luật của người giữ các cương vị nhà nước có ý nghĩa quan trọng hơn. Vì thế, “muốn cho mọi người tuân theo pháp luật thì người trên phải gương mẫu trước đã. Nếu người trên không thi hành pháp luật, không bị trừng trị khi phạm pháp, thì không thể đòi dân tuân theo pháp luật được. Nước nào mà vua tôi, trên dưới, sang hèn đều theo pháp luật thì nước ấy rất bình trị”[19].
Như vậy, pháp luật mạnh cần phải hội tụ cả ba yếu tố gồm: bản thân pháp luật mạnh, sự bảo đảm vững chắc của Nhà nước và sự hỗ trợ đắc lực của văn hóa pháp lý. Ở nước ta, để pháp luật mạnh cần có sự quan tâm, nỗ lực của gắng của Nhà nước, các tổ chức và công dân, trong đó vai trò của Nhà nước nói chung, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước nói riêng là đầu tàu, có vai trò quan trọng nhất, mang tính quyết định./.

 


*TS. Học viện Hành chính Quốc gia
[1] Nguyễn Phương Thảo, Tính khả thi và khâu tổ chức thực hiện: Hai yếu tố cần và đủ để luật đi vào cuộc sống, http://ttbd.gov.vn/
[2] Nguyễn Phương Thảo, tlđd.
[3] Nguyễn Bá Chiến, Pháp luật triệt tiêu pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4 tháng 4/2006, tr. 51-57
[4] Như Quỳnh, Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc.
[5] Phương Thảo, Một số kết quả thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, http://noichinh.vn/.
[6] Hàn Phi Tử, Tư tưởng và sách lược, Nxb. Mũi Cà Mau, tr. 76.
[7]Vũ Khiêu - Thành Duy, Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 29.
[8] Soạn thảo luật pháp vì tiến bộ xã hội dân chủ (Sổ tay cho nhà soạn thảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 6.
[9] Vũ Khiêu - Thành Duy, Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, tlđd, tr. 29
[10] Nguyễn Quốc Sửu, Giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 48.
[11] Nguyễn Minh Đoan, Hiệu quả pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 140
[12] Như Quỳnh, Tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, tlđd.
[13] Hàn Phi Tử, Tư tưởng và sách lược, tlđd, tr. 70.
[14] Nguyễn Bá Chiến, Nâng cao tác dụng của các chế tài xử phạt hành chính trong quản lý nhà nước, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 10/2009, tr. 25.
[15] Vũ Khiêu -Thành Duy, tlđd. tr. 30.
[16] Hồ Thị Kim Ngân, Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, http://www.baobackan.org.vn.
[17] Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[18] Vũ Khiêu - Thành Duy, tlđd, tr. 184.
[19] Vũ Khiêu -Thành Duy, tlđd, tr. 30

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 7(287), tháng 4/2015)


Thống kê truy cập

32953797

Tổng truy cập