Hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân

01/03/2015

ThS. ĐINH THANH PHƯƠNG

Khoa Luật, Đại học Cần Thơ

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, trong đó phải đảm bảo được việc thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân bằng những quy định của pháp luật. Cụ thể, phải đảm bảo nhân dân trực tiếp thực hiện các quyền về bầu và bãi nhiệm đại biểu dân cử, biểu tình và quyết định khi Nhà nước trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của nước ta vẫn chưa có được đầy đủ các quy định để nhân dân có thể thực hiện được tất cả các quyền trên. Điều này ít nhiều đã dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ của không ít người dân về quyền lực của mình và về dân chủ trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Chính vì vậy, để hoàn thiện nhà nước pháp quyền thì cần thiết phải có các văn bản pháp luật về biểu tình, về quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử và quyền quyết định khi Nhà nước trưng cầu ý dân của nhân dân.   
Untitled_254.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Yêu cầu và cơ sở của các quyền dân chủ trực tiếp trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
1.1. Yêu cầu   
Từ “Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN và khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền như một điều kiện không thể thiếu để phát triển nền dân chủ thực sự vì nhân dân”[1]. Tiếp theo đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa IX[2] và X[3] Đảng ta tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền. Đến Đại hội XI, với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu lên một luận điểm có nhiều nét mới về nhà nước pháp quyền:  
“Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN”.
“Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”.
“Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”[4].
Từ các quy định trên, chúng ta có thể thấy rằng, một trong những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước phải đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân. Ở đây có thể thấy cụm từ thực hiện đầy đủ bao hàm nhiều nội dung khác nhau và tất yếu việc thực hiện đầy đủ là phải thực hiện tất cả các nội dung đó. Thứ nhất, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân là phải thực hiện tất cả các quyền dân chủ mà pháp luật đã quy định cho nhân dân, không loại trừ và hạn chế bất kỳ quyền nào. Có thể hiểu đây là sự đầy đủ về mặt số lượng. Thứ hai, là đầy đủ về mặt chất lượng, nghĩa là Nhà nước phải đảm bảo để nhân dân hưởng được trọn vẹn quyền đó và tránh tình trạng thực hiện quyền một cách nửa vời, hình thức. Và cuối cùng, thực hiện đầy đủ là phải thực hiện tất cả các hình thức dân chủ. Theo đó, quyền dân chủ bao gồm dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, để đảm bảo được yêu cầu thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân thì phải thực hiện cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
Dân chủ đại diện là hình thức dân chủ mà nhân dân thông qua các cơ quan đại diện dân cử là Quốc hội và HĐND các cấp để thực hiện quyền lực của mình, và đây là phương thức thực hiện quyền lực nhà nước chủ yếu và cơ bản nhất hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp từ phía nhân dân cũng vô cùng quan trọng. Bởi vì, đây là cách thức thể hiện chính xác nhất ý chí của nhân dân, thể hiện đầy đủ nhất bản chất dân chủ của một nhà nước pháp quyền. Chính vì lý do đó mà Đảng ta đã xác định để xây dựng được Nhà nước pháp quyền thì phải thực hiện đầy đủ cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
1.2. Cơ sở lý luận và pháp lý về các quyền dân chủ trực tiếp
1.2.1. Cơ sở lý luận
Về mặt lý luận, có hai câu hỏi được đặt ra đối với sự tồn tại của các quyền dân chủ trực tiếp, đó là: thứ nhất, các quyền dân chủ trực tiếp có thực sự tồn tại? Và thứ hai, các quyền dân chủ trực tiếp có thực sự cần thiết khi mà hầu như tất cả quyền lực nhà nước đều có thể thực hiện bằng con đường đại diện?
Đối với câu hỏi đầu tiên, có thể khẳng định là các quyền dân chủ trực tiếp luôn luôn tồn tại. Bởi vì, nếu không có các quyền dân chủ trực tiếp thì sẽ không thể có dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện). Dân chủ đại diện là việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, là những cơ quan do nhân dân sử dụng quyền bầu cử lập ra. Việc nhân dân bầu ra và trao quyền cho Quốc hội và HĐND không có nghĩa là nhân dân trao hết tất cả quyền lực mà mình có cho các cơ quan này. Bên cạnh quyền bầu cử thì nhân dân còn rất nhiều quyền lực trực tiếp khác để thực hiện quyền giám sát và kiểm soát các cơ quan nhà nước do mình bầu ra.
Vai trò của các quyền dân chủ trực tiếp được thể hiện qua một số điểm sau: Thứ nhất, về cơ bản, nhân dân có thể thực hiện phần lớn quyền lực thông qua cơ chế đại diện nhưng không phải tất cả mọi vấn đề đều có thể quyết định thông qua các đại biểu dân cử. Một cách tất yếu, có những vấn đề mà tầm quan trọng của nó phải được quyết định bởi chính nhân dân. Bởi vì dù sao, ý chí của các đại biểu dân cử, mặc dù về nguyên tắc là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cũng không thể nào phản ánh hết được toàn bộ ý muốn của tất cả người dân. Chính vì lý do đó mà cần thiết phải có cơ chế trực tiếp để nhân dân thể hiện chính xác ý chí của mình. Thứ hai, với các quyền dân chủ trực tiếp, nhân dân có thể thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả. Trong một nhà nước dân chủ thì quyền lực của Nhà nước có được là xuất phát từ nhân dân, do nhân dân trao cho với mục đích là Nhà nước sẽ sử dụng quyền lực đó để phục vụ cho nhân dân. Trong việc thực hiện quyền lực nhà nước thì nguyên tắc đặt ra là quyền lực của Nhà nước là có giới hạn, còn quyền lực của nhân dân là vô hạn. Tuy nhiên, nhà nước luôn có xu hướng lạm quyền và xa rời mục đích phục vụ nhân dân[5]. Để ngăn chặn tình trạng này, cần thiết phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhà nước có thể tự kiểm soát quyền lực của mình thông qua việc kiểm soát nội bộ giữa các cơ quan nhà nước như cơ chế kìm chế và đối trọng giữa ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp trong học thuyết tam quyền phân lập[6] hay hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực đối với các cơ quan khác trong Nhà nước XHCN[7]. Về cơ bản, có thể khẳng định rằng việc tự kiểm soát của Nhà nước sẽ không thể hiệu quả bằng việc nhân dân - một cách trực tiếp - sử dụng những quyền dân chủ của mình để kiểm soát việc thực hiện quyền lực của Nhà nước. Chính vì lý do đó mà các quyền dân chủ trực tiếp đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân.
1.2.2. Cơ sở pháp lý
Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là “Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội”[8]. Do đó, việc đảm bảo quyền dân chủ nói chung và các quyền dân chủ trực tiếp nói riêng cũng phải được pháp luật quy định và được thực hiện trên cơ sở pháp luật. Dưới khía cạnh pháp lý thì các quyền dân chủ trực tiếp được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp đến những văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn.
Về cơ bản, những quy định của pháp luật về quyền dân chủ phải được thể hiện thành hai nhóm, một là những quy định về quyền dân chủ nói chung và hai là những quy định về các quyền cụ thể. Về quy định chung, Điều 6 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằngdân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông quacác cơ quan khác của Nhà nước”.Còn từng quyền cụ thể thì được quy định như sau:
- Cơ sở hiến định:
Hiến pháp năm 2013 quy định rất nhiều quyền mà người dân có thể trực tiếp sử dụng mà không cần phải thông qua các cơ quan dân cử, nhưng ở đây chúng ta đang bàn về quyền dân chủ, tức là những quyền mang tính quyền lực nhà nước chứ không phải là những quyền mang tính dân sự. Với tiêu chí đó thì các quyền dân chủ trực tiếp được Hiến pháp năm 2013 quy định ở những điều khoản sau:
Điều 27 quy định về quyền bầu cử và ứng cử của công dân: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”.
Điều 25 quy định về quyền biểu tình.
Điều 7 quy định về quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử: “Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”
Điều 29 quy định về quyền biểu quyết để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước “…khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
- Cơ sở pháp định
Các quy định của luật chủ yếu là những quy định mang tính chất cụ thể hóa các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong Hiến pháp. Cụ thể, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội[9] và Luật Bầu cử đại biểu HĐND[10] cụ thể hóa quyền bầu cử và ứng cử của công dân; Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2007 quy định về quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”... “Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định”. Luật tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2004 quy định về quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND tại Điều 46: “Đại biểu HĐND nào không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm”...  “Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do UBTVQH quy định”.
2. Thực trạng pháp luật trong việc đảm bảo các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân
Trong tất cả các quyền dân chủ trực tiếp được quy định trong Hiến pháp, cho đến nay, chỉ duy nhất quy định về bầu cử và ứng cử của công dân là được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ ràng bằng các văn bản luật, còn tất cả các quyền còn lại thì hoặc là hệ thống pháp luật quy định không đầy đủ, thiếu rõ ràng hoặc là không được cụ thể hóa bằng văn bản luật. Chính điều này đã dẫn đến một thực trạng là nhân dân không thể thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ một số quyền dân chủ của mình.  
2.1. Đối với quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử
Quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử có thể được xem là quyền dân chủ trực tiếp cơ bản nhất của công dân gắn liền với quyền lực gốc là quyền bầu cử. Nhân dân trao quyền lực cho các đại biểu dân cử thì đương nhiên là nhân dân phải có quyền tước bỏ quyền lực đó bằng quyền bãi nhiệm. Nhưng cho đến nay, các quy định về quyền lực này của nhân dân ngoài quy định trong Hiến pháp và một vài quy định không đầy đủ về vấn đề bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND của cử tri trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và UBND thì hầu như, không còn văn bản nào khác đề cập đến. Trong khi đó, cả hai văn bản Luật trên đều giao trách nhiệm cho UBTVQH ban hành quy định về thể thức bãi nhiệm đại biểu dân cử trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu. Nhưng cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản nào do UBTVQH ban hành về vấn đề này. Điều này rõ ràng đã làm cho một quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân gần như trở nên hình thức, khi mà họ có quyền nhưng lại không sử dụng được vì không có các quy định hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, hơn mười năm qua thì cũng đã có không ít đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, như trường hợp của đại biểu Mạc Kim Tôn[11] và Lê Minh Hoàng[12] trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, hay trường hợp của đại biểu Quốc hội khóa XIII Đặng Thị Hoàng Yến[13]. Tất cả các trường hợp trên đều do Quốc hội bãi nhiệm chứ không phải do nhân dân bãi nhiệm. Lý do gì cử tri không bãi nhiệm các trường hợp trên? Có thể là do xuất phát từ quy định của Luật là: “UBTVQH quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó”[14].Một lý do chắc chắn hơn, đó là chúng ta chưa có được quy trình, thủ tục rõ ràng và đầy đủ về việc cử tri bãi nhiệm đại biểu dân cử, cho nên, không thể tiến hành theo con đường này.
Như vậy, pháp luật không đầy đủ đã dẫn đến sự vi phạm một nguyên tắc rất cơ bản trong tổ chức nhà nước, đó là đại biểu Quốc hội do chủ thể nào bầu ra thì phải do chính chủ thể đó bãi nhiệm. Mặc dù có thể lý giải là Quốc hội đại diện cho nhân dân bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, nhưng vẫn phải có trường hợp do chính nhân dân bãi nhiệm để đảm bảo nguyên tắc trên. Bên cạnh đó, thì thực trạng này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN là việc Nhà nước đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của nhân dân. Với sự thiếu hụt về mặt pháp luật thì rõ ràng nhân dân không thể nào trực tiếp tước bỏ quyền lực mà mình đã trao cho các đại biểu dân cử. Các quyền dân chủ đã không thể đầy đủ khi mà nhân dân chỉ có thể gián tiếp thông qua Quốc hội và HĐND để bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
2.2. Đối với quyền biểu tình
Quyền biểu tình của nhân dân được khẳng định một cách mạnh mẽ trong Hiến pháp là “công dân có quyền tự do… biểu tình theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, ngoài Hiến pháp ra chúng ta chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào khác cụ thể hóa quyền này. Hiến pháp là đạo luật gốc, những quyền công dân được quy định trong Hiến pháp là quyền cơ bản và phải được chi tiết và cụ thể hóa bằng các văn bản luật. Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng yêu cầu là người dân biểu tình theo quy định của pháp luật, còn nếu không theo quy định của pháp luật thì đương nhiên sẽ không được biểu tình, nhưng Nhà nước lại chưa ban hành Luật Biểu tình nên người dân không thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình. Có thể nói, Nhà nước đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với nhân dân. Thực trạng này đã khiến cho nhiều vị đại biểu Quốc hội phải phát biểu là Nhà nước đã nợ nhân dân Luật Biểu tình mấy chục năm[15], kể từ khi Hiến pháp năm 1959 hiến định quyền này của công dân[16]. Và ở đây không chỉ là nợ một văn bản luật mà là nợ một quyền dân chủ vô cùng cơ bản trong Nhà nước pháp quyền.
Luật Biểu tình chưa được ban hành cũng khiến cho nhận thức của người dân về hoạt động biểu tình trở nên sai lạc. Khi người dân không thể thực hiện được quyền biểu tình thì họ nhìn nhận hoạt động biểu tình như là một hành vi hết sức xấu xa. Bởi lẽ thường tình là những hành vi mà Nhà nước cấm là hành vi xấu. Trong khi hoạt động biểu tình không phải là hoạt động xấu. Nếu xấu thì Hiến pháp đã không quy định, mà ngược lại “về bản chất, biểu tình là biểu hiện của dân chủ, là hoạt động cần thiết, không phải hành động chống đối”[17]. Từ sự nhận thức lệch lạc về hoạt động biểu tình, có thể dẫn đến sự nhìn nhận lệch lạc về dân chủ trong Nhà nước pháp quyền của chúng ta.  
2.3. Đối với vấn đề trưng cầu ý dân
Trong nhà nước dân chủ thì tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, còn các định chế như nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội sẽ được nhân dân trao quyền một cách trực tiếp hoặc quyền phái sinh thì sẽ có quyền lực hạn chế trong một phạm vi nhất định. Ở nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là bởi Quốc hội được toàn thể nhân dân cả nước bầu ra, thay mặt cho nhân dân và được nhân dân trực tiếp trao cho quyền lực, nhưng thực ra, Quốc hội cũng không có được tất cả quyền lực, mà quyền lực của Quốc hội bị giới hạn trong phạm vi quy định của Hiến pháp và cụ thể là Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật có liên quan. Như vậy, ngoài phạm vi quyền hạn được quy định bởi pháp luật thì những vấn đề khác sẽ do ai quyết định? Về mặt lý luận, không thể nào có việc một cơ quan nhà nước chỉ bao gồm một số lượng con người nhất định lại có thể thay thế cho toàn thể nhân dân một nước để quyết định toàn bộ các vấn đề. Do đó, đòi hỏi một số vấn đề cần phải được thực hiện một cách trực tiếp bởi nhân dân - những người nắm giữ quyền lực của Nhà nước đó. Điều này đòi hỏi cần phải hiến định và pháp định về việc trưng cầu ý dân trong một số trường hợp nhất định. Đó là quyền dân chủ của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng giống như quyền biểu tình, đến thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện được khung pháp lý để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền dân chủ này của người dân. Do đó, trong suốt một thời gian rất dài, chẳng những người dân chưa hề được thực hiện quyền này mà thậm chí cũng không biết là mình sẽ được quyền trực tiếp quyết định những vấn đề gì của đất nước. Điều này đã tạo ra một quyền dân chủ không rõ ràng trong nhận thức của người dân. Mặc dù Nhà nước đã từng quyết định rất nhiều những vấn đề mang tính chất trọng đại của đất nước như thay đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa XHCN Việt Nam[18], hay sửa đổi Hiến pháp, thì mọi việc đều do Quốc hội quyết định chứ không phải nhân dân. Điều này ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của nhân dân về Nhà nước pháp quyền.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo các quyền dân chủ trực tiếp trong nhà nước pháp quyền XHCN 
Trên cơ sở Nhà nước pháp quyền XHCN là một nhà nước dân chủ và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của nhân dân, cùng với việc Đảng ta khẳng định đặc trưng của Nhà nước pháp quyền là phải hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, thì tất yếu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân.
Đối với quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì trước mắt, UBTVQH phải ban hành pháp lệnh, và về lâu dài Quốc hội phải luật hóa, quy định các vấn đề có liên quan về thể thức đề nghị của cử tri và cách thức, quy trình cử tri tiến hành bãi nhiệm các đại biểu dân cử khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được sự đầy đủ của quyền dân chủ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chúng ta không thể bao biện rằng đợi khi nào có vụ việc đại biểu bị bãi nhiệm bằng con đường của cử tri thì UBTVQH đặt ra thể thức tiến hành cũng không muộn. Một Nhà nước pháp quyền thì không thể nào hệ thống pháp luật lại tồn tại ở dạng “điền vào ô trống” khi có sự việc xảy ra. Và nếu thực sự được tiến hành như vậy thì UBTVQH sẽ ban hành ra quy trình trong thời gian bao lâu? Cho dù thời gian đó là ngắn hay dài thì người dân, chủ thể của quyền bãi nhiệm cũng phải chờ, trong khi, một Nhà nước pháp quyền thì không thể nào nhân dân lại phải chờ quyền dân chủ.
Đối với quyền biểu tình thì có thể, trong mấy mươi năm qua do nhiều yếu tố khác nhau nên chúng ta chưa có được điều kiện đủ để ban hành Luật Biểu tình, nhưng hiện nay, theo ý kiến của rất nhiều chuyên gia và các đại biểu Quốc hội, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, đã đến lúc chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để nhân dân được lên tiếng phản ứng một cách ôn hòa lại các chính sách chưa hợp lý của các cơ quan nhà nước. Bởi vì, chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải lúc nào các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cũng đều hợp lý, hợp pháp và phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân. Một Nhà nước pháp quyền thì không thể nào lại không đảm bảo được việc thực hiện đầy đủ quyền nhân chủ của nhân dân, như khẳng định của Đảng ta trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), chỉ vì lý do thiếu luật.
Và cuối cùng, đối với quyền được quyết định của nhân dân khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì trong thời gian gần đây, đã có một số dấu hiệu tích cực từ hoạt động lập hiến và lập pháp của Quốc hội. Đầu tiên là trong Hiến pháp năm 2013 đã xác định được ít nhất một quyền quyết định của nhân dân trong việc trưng cầu ý dân, cụ thể tại khoản 4, Điều 120 quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”. Bên cạnh đó, Luật Trưng cầu ý dân cũng đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh để chuẩn bị. Luật về trưng cầu ý dân cũng phải tiếp tục chờ./.  
 

*ThS. Khoa Luật, Đại học Cần Thơ
 
[1] Ngọ Văn Nhân, Một số điểm mới về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam qua văn kiện Đại hội XI của Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam,2011,http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=306&leader_topic=&id=BT11111156427, [truy cập ngày 26/7/2013].
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, 2001, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.131-132.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, 2006, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 45.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, 2011, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.85-86.
[5] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr.22.
[6] Đinh Ngọc Vượng (chủ biên), Thuyết “tam quyền phân lập” và bộ máy nhà nước tư sản hiện đại, Nxb. Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 14.
[7] Hiến pháp năm 2013, Điều 69: “…Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”; Luật tổ chức HĐND và UBND 2003, điều 1: “…HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương”.
[8] Ngọ Văn Nhân, tlđd.
[9] Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và 2010.
[10] Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2010.
[11] Việt Anh, Ông Mạc Kim Tôn bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Báo điện tử VnExpress, 2006, http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/ong-mac-kim-ton-bi-bai-nhiem-dai-bieu-quoc-hoi-2074255.html, [truy cập ngày 26/7/2013].
[12] Kiều Minh, Những đại biểu Quốc hội từng bị bãi nhiệm, Báo điện tử VTCNews, 2012,
[13] nt.
[14] Đoạn 2, Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2007.
[15] “Đại biểu Lê Nam: Chúng ta đã “nợ” dân luật biểu tình 68 năm”, Báo điện tử Lao Động, 2013, http://laodong.com.vn/quoc-hoi/db-le-nam-chung-ta-da-no-dan-luat-bieu-tinh-68-nam/120021.bld, [truy cập ngày 29/7/2013].
[16] Điều 25 Hiến pháp 1959 quy định: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.
[17] Nguyễn Minh Tuấn, Quyền biểu tình ở Cộng hòa liên bang Đức và hướng hoàn thiện chế định này trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12/2013, tr. 56 - 64.
[18] Quốc hội Việt Nam, Tư liệu Quốc hội, 2007, http://na.gov.vn/htx/Vietnamese/C1454/?cateid=1696#JCou3Tq7NrQQ, [truy cập ngày 29/7/2013].

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6(286), tháng 3/2015)


Thống kê truy cập

32954503

Tổng truy cập