Mười sự kiện quan trọng trong năm 2015 của Quốc hội Việt Nam

01/01/2016

NCLP

1. Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/3/2015 đến ngày 01/4/2015 và thành công tốt đẹp
Tối 28/3/2015, tại Phòng Diên Hồng - Nhà Quốc hội đã diễn ra Lễ khai mạc trọng thể IPU-132 với chủ đề Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động. IPU-132 đã thu hút sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 Nghị viện/Quốc hội các nước thành viên, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 100 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước. Tại lễ khai mạc, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury phát biểu: “Cái tên Hà Nội sẽ rất quan trọng trong hình thành các mục tiêu phát triển bền vững và là di sản, đóng góp lớn của IPU-132”. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “IPU có trách nhiệm trao đổi kỹ về vai trò, nhiệm vụ, biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để biến lời nói thành hành động, đưa ra thông điệp thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng Nghị viện trên thế giới trong thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát trển bền vững”.
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch IPU bày tỏ: “IPU muốn vinh danh Hà Nội, vinh danh Việt Nam, thông qua các nước thành viên sẽ thực hiện các hành động đã nhất trí tại Đại hội đồng IPU-132”.
2. Lần đầu tiên tại một thời điểm, mười đạo luật cùng có hiệu lực thi hành
Đó làngày 01/7/2015, khi Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Namcùng có hiệu lực thi hành.
3. Quốc hội ban hành Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Luật
Ngày 22/06/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (để sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Nghị quyết quy định: “Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”.
4. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới và thăm chính thức Hoa Kỳ (từ 31/8/2015 đến 03/9/2015) 
Trong phiên họp chính thức thứ nhất của Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng - dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị -  đã phát biểu: “Quốc hội là hiện thân của nền dân chủ: Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều thiết tha với ước vọng về một thế giới hòa bình cũng như quan tâm xây dựng một nền dân chủ. Để phát huy dân chủ, chúng ta cần không ngừng xây dựng, củng cố lòng tin lẫn nhau, bảo đảm hòa bình vững chắc thông qua hợp tác, đối thoại. Khi hòa bình và dân chủ được bảo đảm, cơ sở để thúc đẩy và phát triển bền vững mới được bảo đảm và ngược lại, có dân chủ và phát triển bền vững chúng ta sẽ có điều kiện để củng cố hòa bình một cách bền vững”.
5. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 36 (AIPA-36) tại Malaysia (từ 08/9/2015 đến 12/9/2015)
Trong phiên khai mạc, Trưởng đoàn Việt Nam - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề “Xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết vì người dân, lấy người dân làm trung tâm”, trong đó có đoạn: “Nhiệm vụ trọng yếu của mỗi Nghị viện thành viên AIPA, với vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng cho nhân dân mỗi nước phải không ngừng tăng cường hợp tác, nỗ lực thúc đẩy Chính phủ các nước ASEAN hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các trụ cột của cộng đồng ASEAN, củng cố đoàn kết cũng như đề ra một lộ trình hội nhập sâu hơn của ASEAN trong những năm tiếp theo”.
6. Lần đầu tiên, Quốc hội khóa XIII tiến hành chất vấn “toàn phần, tổng thể” tại Kỳ họp thứ 10
Các kỳ họp trước, các khóa trước, Quốc hội thường tiến hành chất vấn theo nhóm vấn đề với 4 hay 5 người trả lời, mà phần lớn người trả lời là các thành viên Chính phủ (trước đó đã có các câu hỏi được gửi đến). Lần này, không có câu hỏi gửi trước, không cử trước người trả lời chất vấn, mà tất cả các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều phải có mặt để sẵn sàng trả lời chất vấn. Câu hỏi có nội dung thuộc Bộ trưởng nào, Trưởng ngành nào, Tòa án hay Viện kiểm sát; câu hỏi nào thuộc lập pháp, tư pháp hay hành pháp, trách nhiệm của ai thì người đó phải trả lời trước Quốc hội. Kết quả là, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, ba Phó Thủ tướng và 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, cùng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phải trả lời, đối thoại với các đại biểu trước Quốc hội. Đây lại là một sự đổi mới có hiệu quả, phát huy dân chủ sâu rộng hơn; nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các chức danh hàng đầu các cơ quan nhà nước được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Quốc hội nước ta, Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội[1]
7. Lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức thảo luận đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện sẽ trình ra Đại hội Đảng
Nếu ở khóa XI, Quốc hội mới chỉ đóng góp một số ý kiến vào Dự thảo kế hoạch 5 năm do Chính phủ trình thì lần này, Quốc hội khóa XIII không chỉ tham gia góp ý kiến vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) mà còn đóng góp nhiều ý kiến phong phú, tâm huyết vào Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ trình ra Đại hội Đảng lần thứ XII về những vấn đề chiến lược có tính đổi mới, đột phá, góp phần hoàn thiện Dự thảo văn kiện quan trọng này.
8. Lần đầu tiên, Quốc hội thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia
Theo Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hội đồng gồm 21 thành viên đại diện cho các cơ quan nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng, phê chuẩn 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 22/5/2016.
9. Năm 2015, Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật nhất trong cả nhiệm kỳ
27 Bộ luật, luật, trong đó có toàn bộ các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và nhiều Bộ luật lớn như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Hàng hải (sửa đổi)... đã được xem xét, thông qua năm2015 là năm Quốc hội xem xét, thông quanhiều dự án luật nhất trong cả nhiệm kỳ. Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận lần đầu 26 dự án luật khác.
10. Chức danh Tổng thư ký Quốc hội được tái lập
Từ khóa III đến khóa VII, Quốc hội đã có chức danh Tổng thư ký theo Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1960. Khóa VIII có chức danh Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước. Từ khóa IX đến khóa XIII có Chủ nhiệm VPQH. Chức danh Tổng thư ký Quốc hội được tái lập theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014./.  
 
 

[1]Trong nhiệm kỳ Khóa IX (1992-1997), đã có một lần Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1(305), tháng 1/2016)