Cụ thể hóa một số quy phạm hiến định vào Dự thảo II Phần chung Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

01/11/2014

GS. TSKH. LÊ VĂN CẢM

Trưởng Bộ môn Tư pháp hình sự của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vũ Văn Huân

Văn phòng Quốc hội.

I. Dự thảo II Phần chung Bộ luật Hình sự - BLHS (sửa đổi) ngày 21/8/2014 đã được Tổ Biên tập của Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) thuộc Bộ Tư pháp đưa ra tham khảo lấy ý kiến trong giới luật học (sau đây gọi là Dự thảo IIđể phân biệt với Dự thảo I Phần chung BLHS ngày 04/8/2014 trước đây). Sau khi đọc kỹ Dự thảo II, ngoài những điểm mới về cơ cấu chung ra, chúng ta còn có thể nhận thấy một số điểm mới, mà theo quan điểm của chúng tôi là tương ứng với 5 chế định cơ bản và lớn nhất của luật hình sự (mà 5 chế định này bao trùm tất cả rất nhiều các chế định nhỏ khác của luật hình sự) - đó là: 1) Đạo luật hình sự; 2) Tội phạm; 3) Trách nhiệm hình sự (TNHS); 4) Các biện pháp cưỡng chế (BPCC) hình sự hay còn gọi đầy đủ là “hình phạt và các biện pháp tư pháp”, 5) Các biện pháp tha miễn (BPTM). Ngoài ra, Dự thảo II còn sửa đổi, bổ sung một số điều trong Chương về những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.
II. Theo nhận thức khoa học đúng đắn thì có 5 tiêu chí quan trọng mang tính bắt buộc tối thiểu được thừa nhận chung của các quy phạm pháp luật hình sự (PLHS)mà hoạt động lập pháp thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự (TPHS) của các quốc gia được coi là các Nhà nước pháp quyền (NNPQ) đích thực cần phải bảo đảm cho được là: tính chính xác về mặt khoa học (1), tính chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp (2), tính nhất quán về mặt lôgic pháp lý (2), tính đơn giản và dễ hiểu về mặt thuật ngữ (3) và tính hợp lý (khả thi) về mặt thực tiễn (3). Vì vậy, chúng tôi cho rằng, để góp phần hoàn thiện hơn nữa PLHS quốc gia hiện hành trong giai đoạn phát triển đương đại của xã hội Việt Nam, các nhà khoa học - luật gia cần hưởng ứng lời yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta là phải cố gắng cụ thể hóa các quy định tương ứng của Hiến pháp mới năm 2013 vào trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật (VBPL) khác (trong đó có PLHS), mà bài viết này là một cố gắng nhỏ nhằm thực hiện điều đó.   
III. Về đạo luật hình sự.Việc nghiên cứu một số điều khoản có liên quan đến chế định đạo luật hình sự trong Dự thảo IIcho phép đưa ra một bình luận như sau:
1. Lần đầu tiên Dự thảo II đã: 1) Ghi nhận một Điều 2 mới riêng biệt với tên gọi “Giải thích từ ngữ” để giải nghĩa chỉ có 3 thuật ngữ như “Luật hình sự” (và từ này đã được dùng trong tất cả các điều luật có liên quan), “Người phạm tội” và “Pháp nhân phạm tội” là gì (?); 2) Mở rộng nguồn của luật hình sự theo hướng các quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt (Phần riêng) không chỉ duy nhất trong BLHS, mà còn trong cả một số Luật chuyên ngành khác; 3) Bổ sung thêm khoản 4 vào Điều 6 mới “Nguyên tắc xử lý” về trách  nhiệm của Nhà nước bảo vệ cá nhân, tổ chức khi họ tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và đây có thể coi là sự bổ sung ưu việt nhất của chế định đang nghiên cứu.
2. Tên gọi Chương Ivẫn là “Điều khoản cơ bản” nhưng theo chúng tôi, nên chăng cần thay tên gọi này bằng tên gọi “Đạo luật hình sự” (vì tất cả 5 chế định lớn và quan trọng như đã nêu trên của luật hình sự đều là những chế định “cơ bản” cả và chúng đều bao gồm trong đó rất nhiều điều khoản, chứ không phải chỉ có một Điều khoản nào hết), đồng thời cần phân chia và ghi nhận bổ sung trong Chương này (ngoài Điều đầu tiên về giải thích từ ngữ) các chế định nhỏ và các quy phạm tương ứng theo 4 Mục nhỏ – nguồn và nhiệm vụ của PLHS (2 điều), đường lối xử lý hình sự và trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm (2 điều), các nguyên tắc của PLHS (8 điều), hiệu lực của đạo luật hình sự và dẫn độ người phạm tội (4 điều),
3. Nguồn của PLHS Việt Nam.
3.1. Do việc mở rộng nguồn luật hình sự của chúng ta cần phải và chỉ thuộc lĩnh vực thứ nhất (1) là PLHS thực định, chứ không thể bao gồm cả thực tiễn áp dụng PLHS và khoa học luật hình sự (như trong Dự thảo II) vì khi nói đến thuật ngữ “Luật hình sự” thì quan điểm khoa học được thừa nhận chung cho rằng: nó là một ngành luật hay là một môn học trong hệ thống các môn học của nghề luật và là một phạm trù rất rộng chứa đựng trong mình nó 3 lĩnh vực rất lớn là: 1) PLHS thực định trong hệ thống pháp luật của một quốc gia; 2) Thực tiễn áp dụng nó (tức là áp dụng các quy phạm của PLHS thực định) và: 3) Khoa học (hay còn gọi là lý luận) luật hình sự trong hệ thống các chuyên ngành khoa học pháp lý (KHPL). Các chuyên ngành luật khác về TPHS (như luật TTHS hay luật THAHS) cũng đều có 3 lĩnh vực này.  
3.2.Vì vậy, “BLHS và các quy định về tội phạm và hình phạt trong những Luật chuyên ngành”(như giải thích trong Dự thảo II) chỉ bao gồm duy nhất phạm trù đầu tiên là PLHS thực định (1), chứ không thể nào bao gồm trong nó cả hai phạm trù sau là thực tiễn áp dụng PLHS (2) và khoa học luật hình sự (3).
3.3. Nên quy định rõ ràng và dứt khoát cho thế giới thấy rõ bản chất của PLHS Việt Nam được xây dựng dựa trên những nền tảng nào, tức là các quy phạm của PLHS quốc gia căn cứ vào những văn bản nào (?). Trước hết, đó là PLHS quốc gia phải dựa vào Luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tức là phải dựa vào Hiến pháp vì Hiến pháp năm 2013  (Điều 119) quy định: “Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp, tức là nó phải không được trái với Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản và quan trọng nhất của bất kỳ một quốc gia nào. Ngay như ở Trung Quốc, kinh nghiệm lập pháp hình sự cho thấy, BLHS năm 1979 của quốc gia này ghi nhận rõ là “Bộ luật này được ban hành trên cơ sở Hiến pháp”(Điều 1).
3.4. Mặt khác, do tình hình tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia (nhất các tội phạm về ma túy, buôn người, buôn lậu qua biên giới, v,v..) ngày càng gia tăng, để bảo đảm sự thuận lợi cho việc áp dụng PLHS quốc gia, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc khi áp dụng PLHS Việt Nam để đấu tranh chống các loại tội phạm này, nhất thiết chúng ta cần phải khẳng định thiện chí của Việt Nam sao cho họ thấy được PLHS nước ta có tuân thủ các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này (chứ không phải là “luật rừng” như ở một số nước bị coi là kém phát triển khác ở Châu Á và Châu Phi).
4. Nhiệm vụ của PLHS Việt Nam. Theo chúng tôi, cần quy định hết sức ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ vì Điều 1 BLHS năm 1999 hiện hành tuy liệt kê các khách thể loại được bảo vệ rất dài, nhưng vẫn thiếu và đặc biệt là cần bảo đảm tính thống nhất về mặt logic pháp lý sao cho các khách thể loại mà PLHS Việt Nam có nhiệm vụ phải bảo vệ tại Điều về nhiệm vụ của PLHS thuộc Chương Iđồng thời chính là các khách thể loại mà tội phạm xâm hại đến trong khái niệm tội phạm. Điều về khái niệm tội phạm thuộc Chương II sau này, mà cụ thể đó là 4 nhóm khách thể loại lớn nhất trong và quan trọng là: 1) Những cơ sở (nền tảng) của chế độ Hiến pháp (vì trong Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận đầy đủ các lĩnh vực do Hiến pháp điều chỉnh như: chế định chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa hoc, công nghệ và môi trường, cũng như các thiết chế của bộ máy nhà nước); 2) Nhân thân (nếu viết ngắn gọn hoặc có thể viết đầy đủ là “tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”); 3) Các quyền và tự do của con người và của công dân; 4) Hòa bình và an ninh của nhân loại  (mà nội dung khách thể loại này đã được ghi nhận tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013). Ngoài ra, cũng cần bảo đảm tính chính xác về mặt khoa học và tính chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp để khẳng định đầy đủ rằng, để thực hiện nhiệm vụ đó, PLHS Việt Nam không chỉ quy định các tội phạm và các hình phạt, mà còn cả các chế chế định pháp lý hình sự khác nữa (như: các biện pháp tư pháp, miễn TNHS - miễn hình phạt, miễn - giảm hoặc hoãn chấp hành hình phạt, án tích, TNHS của người chưa thành niên phạm tội, v.v..),
5. Chế định các nguyên tắc của PLHS.Mặc dù là một chế định chủ yếu và quan trọng nhất xuyên suốt tất cả các chế định nhỏ (thuộc chế định lớn về đạo luật hình sự), cũng như các chế định lớn khác thuộc Phần chung PLHS, nhưng rất tiếc là trong BLHS năm 1999 và trong Dự thảo IIvẫn hoàn toàn thiếucác quy phạm về nguyên tắc của PLHS Việt Nam. Đặc biệt, trong khi Hiến pháp năm 2013 đã tiếp thu và ghi nhận một quy phạm rất quan trọng của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực TPHS có liên quan đến chế định các nguyên tắc của PLHS như: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (khoản 3 Điều 31 Hiến pháp năm 2013) v.v..           
6. Chế định hiệu lực của đạo luật hình sự Việt Nam và chế định dẫn độ người phạm tội:  Các điều khoản về hiệu lực của đạo luật hình sự cũng không có thay đổi gì lớn và mặc dù nó chính là một chế định nhỏ thuộc chế định lớn (đạo luật hình sự) nhưng lại vẫn như trong BLHS năm 1999 là tách nó thành một Chương II riêng biệt với tên gọi như cũ (mà lẽ ra cần phải đưa nó vào chung với các quy định về đạo luật hình sự).
IV. Về khái niệm tội phạm.Điều vềkhái niệm tội phạm (khoản 1 Điều 10 mới trong Dự thảo II) vẫn còn một loạt nhược điểm quan trọng chưa khắc phục được đã tồn tại trong BLHS năm 1985 trước đây và BLHS năm 1999 hiện hành như:
1. Các khách thể loại mà tội phạm xâm hại đến vẫn còn liệt kê rất dài (nhưng vẫn còn thiếu), đồng thời cũng chưa nhất quán (chưa đồng nhất) với các khách thể loại mà BLHS có nhiệm vụ phải bảo vệ tại Điều 1. Và đặc biệt, nhược điểm lớn nhất là vẫn còn thiếu một loạt khách thể loại quan trọng hàng đầu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 (như đã nêu trên).
2. Trong điều luật mang tên khái niệm tội phạm mà lại bao gồm cả hành vi được nhà làm luật cho rằng “không phải là tội phạm” (khoản 2 Điều 10) mà thật ra cần phải loại bỏ. Ngoài ra, nên chăng cần bổ sung thêm khoản 2 về hành vi như thế nào thì bị quy định là tội phạm trong PLHS.    
V. Nội dung những kiến giải lập pháp cụ thể. Từ những suy ngẫm trên đây, để góp phần cụ thể hóa tư tưởng của Hiến pháp năm 2013 vào PLHS quốc gia theo quan điểm của chúng tôi, mô hình lý luận của những kiến giải lập pháp cụ thể cho các điều khoản trong Chương I “Đạo luật hình sự” sẽ có cơ cấu gồm 4 Mục nhỏ với 17 Điều luật và cho một Điều “Khái niệm tội phạm” thuộc Chương II “Về tội phạm” của Phần chung BLHS (sửa đổi) sẽ bao gồm các quy phạm với nội dung như sau:
Chương I
 VỀ ĐẠO LUẬT HÌNH SỰ (mới)
Điều 1. Giải thích các thuật ngữ
 Các thuật ngữ sử dụng trong pháp luật hình sự Việt Nam được hiểu như sau:  
1. Pháp luật hình sự Việt Nam: là Bộ luật  Hình sự này, cũng như những Luật chuyên ngành có quy định tội phạm và hình phạt (Nếu theo Phương án II tại Điều 2 dưới đây).
2. Phần chung pháp luật hình sự Việt Nam: là Phần chung Bộ luật Hình sự Việt Nam
3. Phần riêng pháp luật hình sự Việt Nam:  là Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự Việt Nam, cũng như các quy định về tội phạm và hình phạt trong những Luật chuyên ngành của Việt Nam (Nếu theo Phương án của Dự thảo II Phần chung BLHS sửa đổi, tức là Phương án II tại Điều 2 dưới đây).
4. Các biện pháp cưỡng chế hình sự: là các hình phạt và các biện pháp tư pháp được quy định trong pháp luật hình sự.
5. Người phạm tội: là cá nhân người đã trực tiếp thực hiện tội phạm, cũng như người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức đã tham gia vào việc thực hiện tội phạm trong vụ đồng phạm,
6. Pháp nhân phạm tội: là bất kỳ đơn vị kinh tế nào (có thể là cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp) đã có lỗi để cho cá nhân thực hiện tội phạm vì lợi ích của pháp nhân đó.
7. Chủ thể phạm tội: là người phạm tội, cũng như pháp nhân phạm tội.
Mục 1
Nguồn và nhiệm vụ của pháp luật hình sự Việt Nam (mới)
Điều 2. Pháp luật hình sự Việt Nam (mới, khoản 1 và khoản 2 có 2 phương án)
lPh­ương án I (khi nguồn trực tiếp để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự được hiểu theo nghĩa hẹp - chỉ códuy nhất là Bộ luật Hình sự): 
1. Pháp luật hình sựViệt Nam bao gồm Bộ luật này; bất kỳ một Luật mới nào quy định trách nhiệm hình sự [1] phải được đưa vào Bộ luật này.
2. Bộ luật này dựa trên Hiến pháp Việt Nam, cũng như các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
lPh­ương án II (khi nguồn trực tiếp để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự được hiểu theo nghĩa rộng như Dự thảo II Phần chung BLHS sửa đổi - ngoài BLHS ra, còn bao gồm những Luật chuyên ngành khác có ghi nhận tội phạm và hình phạt): 
1. Pháp luật hình sự Việt Nam bao gồm Bộ luật này, cũng như những Luật chuyên ngành có quy định tội phạm và hình phạt[2].
2. Pháp luật hình sự Việt Nam dựa trên Hiến pháp Việt Nam, cũng như các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
3. Các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự nếu không mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật này đều có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ cả nước (hoặc có thể không có khoản 3).
Điều 3. Nhiệm vụ của pháp luật hình sự Việt Nam
1. Pháp luật hình sự Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ những cơ sở của chế độ Hiến pháp Việt Nam, nhân thân 3 các quyền và tự do của con người và của công dân, cũng như hòa bình và an ninh của nhân loại tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm, đồng thời giáo dục mọi người ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
2. Để thực hiện nhiệm vụ đó, pháp luật hình sự Việt Nam quy định những hành vi nào nguy hiểm cho xã hội là các tội phạm, các hình phạt, cũng như các biện pháp tư pháp 4 và các chế định pháp lý hình sự khác có thể được áp dụng đối với những người phạm tội.
Mục 2
Đường lối xử lý về hình sự và trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm
(Gồm hai điều 4-5 mới và vẫn giữ nguyên như nội dung tương ứng của hai Điều 3-4 BLHS năm 1999)
Mục 3
Các nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam (mới)
Điều 6. Hệ thống các nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam     
Pháp luật hình sự Việt Nam dựa trên các nguyên tắc pháp chế, bình đẳng trước luật hình sự, công minh, nhân đạo, không tránh khỏi trách nhiệm, trách nhiệm do lỗi, trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân.
Điều 7. Nguyên tắc pháp chế
1. Tính chất tội phạm của hành vi, cũng như tính phải chịu hình phạt và các hậu quả pháp lý hình sự
khác của nó phải do pháp luật hình sự quy định.
2. Không được áp dụng pháp luật hình sự theo nguyên tắc tương tự.
Điều 8. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật hình sự
Những người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật hình sự, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, nghề nghiệp, địa vị xã hội và tình trạng tài sản.
Điều 9. Nguyên tắc công minh
1. Hình phạt, các biện pháp tư pháp[3] và các chế định pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với người phạm tội cần đảm bảo sự công minh, tức là phải phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hậu quả tội phạm đã xảy ra, động cơ và mục đích phạm tội, mức độ lỗi, cũng như nhân thân của người đó.
2. Không ai có thể phải chịu trách nhiệm hình shai lần về cùng một tội phạm.
Điều 10. Nguyên tắc nhân đạo
 1. Hình phạt, các biện pháp tư pháp [4] và các chế định pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với người phạm tội không nhằm mục đích gây nên những đau đớn về thể xác và hạ thấp nhân phẩm con người.
 2. Mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, người mà năng lực trách nhiệm hình sự bị hạn chế, người đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo cần phải được giảm nhẹ hơn so với mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội là người bình thường.
Điều 11. Nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm
 Người phạm tội, cũng như pháp nhận phạm tội đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
Đ iều 12. Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi
 Không ai có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi nguy hiểm cho xã hội (bằng hành động hoặc không hành động), cũng như về việc gây nên thiệt hại mà không phải do lỗi của mình.
Điều 13. Nguyên tắc trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân
 1. Chỉ cá nhân người nào có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật hình sự quy định là tội phạm mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
 2. Chỉ pháp nhân nào có lỗi trong việc để cho cá nhân thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật hình sự quy định là tội phạm vì lợi ích của pháp nhân đó mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Mục4
Hiệu lực của đạo luật hình sự và dẫn độ người phạm tội
Điều 14. Hiệu lực của đạo luật hình sự đối với những người phạm tộitrên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
 1. Người phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
 2. (Về cơ bản nội dung khoản 2 này có thể giữ nguyên như nội dung khoản 2 Điều 5 BLHS năm 1999 hiện hành, chỉ thay bốn từ cuối cùng "con đường ngoại giao" bằng các từ "theo các quy phạm của pháp luật quốc tế").
 3. Người nước ngoài nếu không thuộc đối tượng nêu tại khoản 2 Điều này và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam phạm tội ở trên lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nhưng chưa bị kết án ở nước ngoài, thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam nếu như tội ấy nhằm chống Việt Nam và điều đó được quy định trong các hiệp ước quốc tế về dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký kết. Trong trường hợp không có hiệp ước tương ứng thì giải quyết theo các quy phạm của pháp luật quốc tế.
Điều 15. Hiệu lực của đạo luật hình sự đối với những người phạm tội ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam
 1. Công dân Việt Nam và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nhưng chưa bị kết án ở nước ngoài, thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Trong trường hợp đã bị kết án nhưng chưa chấp hành hình phạt thì có thể được miễn hoặc giảm việc chấp hành hình phạt tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
 2. Người nước ngoài không thuộc đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật này và người không có quốc tịch không thường trú tại Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam nhưng chưa bị kết án ở nước ngoài, thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam nếu như tội ấy nhằm chống Việt Nam và điều đó được quy định trong các hiệp ước quốc tế về dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký kết. Trong trường hợp không có hiệp ước tương ứng thì giải quyết theo các quy phạm của pháp luật quốc tế.
Điều 16. Hiệu lực của đạo luật hình sự về thời gian
 1. Điều luật quy định tính chất tội phạm và tính phải chịu hình phạt của một hành vi là điều luật đang có hiệu lực trong thời gian hành vi đó được thực hiện.
 2. Thời gian phạm tội là thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật hình sựViệt Nam quy định là tội phạm và không phụ thuộc vào thời điểm xảy ra hậu quả của tội phạm đó.
 3. Điều luật quy định tính chất tội phạm của hành vi hoặc hình phạt mới nặng hơn, hoặc tình tiết tăng nặng mới hay thu hẹp phạm vi áp dụng các chế định pháp lý hình sự không có lợi cho người phạm tội, thì không có hiệu lực hồi tố, tức là không được áp dụng đối với những người đã thực hiện hành vi tương ứng trước khi điều luật đó có hiệu lực, cũng như những người đang chấp hành hình phạt hoặc đã chấp hành xong hình phạt nhưng vẫn chưa được xóa án tích.
  4. Điều luật xoá bỏ tính chất tội phạm của hành vi hoặc tình tiết tăng nặng, hay quy định hình phạt mới nhẹ hơn hoặc tình tiết giảm nhẹ mới hay mở rộng phạm vi áp dụng các chế định pháp lý hình sự có lợi cho người phạm tội, thì có hiệu lực hồi tố, tức là được áp dụng đối với những người đã thực hiện hành vi tương ứng trước khi điều luật đó có hiệu lực, cũng như những người đang chấp hành hình phạt hoặc đã chấp hành xong hình phạt nhưng vẫn chưa được xoá án.
Điều 17. Dẫn độ người phạm tội (mới)
 1. Công dân Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài mà nước đó là một bên trong Hiệp ư­ớc quốc tế về dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp hình sự đã ký kết với nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thì vấn đề dẫn độ người phạm tội được giải quyết theo các quy định của Hiệp ư­ớc ấy và của pháp luật hình sự Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Trong trường hợp Hiệp ư­ớc tương ứng có quy định khác thì áp dụng quy định của Hiệp ư­ớc ấy.
 2. Người nước ngoài và người không có quốc tịch phạm tội trên lãnh thổ nước ngoài nhưng đang ở trên lãnh thổ Việt Nam mà nước đó yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt, thì vấn đề dẫn độ người phạm tội được giải quyết theo các quy định của Hiệp ư­ớc quốc tế về dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp hình sự mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký kết với nước đó. Trong trường hợp không có Hiệp ước tương ứng thì giải quyết theo các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
Chương II
 TỘI PHẠM (mới)
Mục 5
Khái niệm tội phạm và phân loại tội phạm
Điều 18. Khái niệm tội phạm
 1. l Ph­ương án I (Ghi nhận cụ thể các khách thể loại bị xâm hại khi liệt kê toàn bộ các khách thể loại được bảo vệ tại Điều về nhiệm vụ của PLHS Việt Nam):
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành động hoặc không hành động) được quy định trong pháp luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý), xâm phạm đến những cơ sở của chế độ hiến pháp Việt Nam, nhân thân[5], các quyền và tự do của con người và của công dân, cũng như hòa bình và an ninh của nhân loại tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm.
l Ph­ương án II  (Ghi nhận ngắn gọn các khách thể loại bị xâm hại): 
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành động hoặc không hành động) được quy định trong pháp luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý), xâm phạm đến các lợi ích được bảo vệ bằng pháp luật hình sự.
 2. Hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự là hành vi gây nên thiệt hại hoặc tạo ra sự đe dọa thực tế gây nên thiệt hại cho các lợi ích được bảo vệ bằng pháp luật hình sự (mới)”.
Tiếp theo là Điều 19 “Phân loại tội phạm” của Mục 5 và 16 Điều khác thuộc các Mục 6 “Nhiều tội phạm” (4 Điều), Mục 7 “Lỗi” (4 Điều), Mục 8 “Các giai đoạn thực hiện tội phạm” (5 Điều) và Mục 9 “Đồng phạm” (5 Điều) cũng đều thuộc Chương II này./.
 

 


[1] Hoặc là thay thuật ngữ “trách nhiệm hình sự” bằng “tội phạm, hình phạt và các chế định pháp lý hình sự khác”
 
[2] Từ đây, khi sử dụng thuật ngữ “pháp luật hình sự” là được hiểu theo nghĩa rộng của Phương án II tại khoản 1 Điều 2.
 
[3] Hoặc là thay thuật ngữ “nhân thân” bằng các thuật ngữ “tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
 
[4] Hoặc là thay nhóm thuật ngữ “hình phạt, các biện pháp tư pháp bằng  các biện pháp cưỡng chế hình sự”.
[5] Hoặc là thay thuật ngữ “nhân thân” bằng “tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22(278), tháng 11/2014)