Sử dụng các công cụ pháp lý - chính trị để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

01/07/2014

TS. HOÀNG NGỌC GIAO

Luật sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD)

1. Trung Quốc lợi dụng luật quốc tế khi biện minh cho việc xâm chiếm Biển Đông 
Trung Quốc lợi dụng khái niệm - học thuyết về quyền lịch sử
Trung Quốc tự vẽ và công bố “đường 9 đoạn”, và gần đây là 10 đoạn, để yêu sách chủ quyền đối với hầu hết vùng Biển Đông. Lập luận chính của Trung Quốc là toàn bộ vùng biển nằm phía trong “đường 9 đoạn” là thuộc chủ quyền của Trung Quốc với danh nghĩa là quyền lịch sử.
Học thuyết về quyền lịch sử đã được không ít quốc gia viện dẫn như là căn cứ để khẳng định yêu sách về chủ quyền đối với vùng nước của Vịnh có địa mạo lấn sâu vào đất liền của một hoặc nhiều quốc gia, với cửa Vịnh lớn hàng chục, hàng trăm hải lý. Có thể liệt kê một số Vịnh đã hoặc có thể mang danh nghĩa lịch sử như: Vịnh Chasepeak (Hoa Kỳ), Vịnh Candal, Grandville (Pháp), Vịnh Chaleur (Canada), Vịnh El-Arab (Ai cập), Vịnh Hudson (Canada), Vịnh Laholm và Skendevikel (Thụy điển), v.v..
Học thuyết về quyền lịch sử đối với vùng nước của Vịnh khởi nguồn từ đầu thế kỷ XIX, được các quốc gia có Vịnh sử dụng nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia ven bờ. Vùng nước Vịnh lịch sử thường được tuyên bố là Vùng Nội thủy, hoặc Lãnh hải của quốc gia ven Vịnh, có chế độ pháp lý như chủ quyền đối với đất liền. Lập luận của các chuyên gia luật quốc tế, của các thẩm phán Tòa Trọng tài thường trực, cũng như của Tòa án quốc gia khi xem xét các vụ tranh chấp về danh nghĩa lịch sử của Vịnh thường tập trung vào một số chứng cứ chủ yếu như: thời gian sử dụng và chiếm hữu Vùng nước Vịnh, ý nghĩa lịch sử về mặt kinh tế và chính trị của vùng nước Vịnh đối với quốc gia ven Vịnh, thái độ của các quốc gia khác về hành vi và căn cứ yêu sách của quốc gia đòi hỏi danh nghĩa lịch sử đối với Vịnh.
Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)[1], tại Điều 10.6. có nhắc đến khái niệm “vịnh lịch sử”, mà không có quy định nào khác về “vịnh lịch sử” hay “vùng nước, vùng biển lịch sử”. Như vậy, khái niệm “danh nghĩa lịch sử” hay “quyền lịch sử” không chính thức được pháp điển hóa và thể hiện trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. “Quyền lịch sử” chỉ được sử dụng trong các yêu sách của các quốc gia ven một Vịnh cụ thể đòi hỏi để xác định chủ quyền đối với vùng nước Vịnh với chế độ pháp lý của vùng Nội thủy, hoặc Lãnh hải.
Khi đưa ra yêu sách đòi chủ quyền với gần hết Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” tự vẽ ra, Trung Quốc đã được đề nghị giải thích và làm rõ tọa độ trên hải đồ, nhưng Trung Quốc chỉ đáp lại một cách đơn giản - đó là “quyền lịch sử”, mà không hề đưa ra căn cứ để chứng minh.
Xét dưới góc độ Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không có căn cứ, hoàn toàn không dựa vào bất cứ quy định nào của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trung Quốc cố tình lập lờ vận dụng học thuyết về danh nghĩa lịch sử để áp đặt cho các quốc gia ven Biển Đông một yêu sách vô lý về Vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.
Đồng thời, với những hành động trên thực địa như hạ đặt giàn khoan trong Vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (xem box), xâm chiếm bãi cạn Scarborough, tiến hành tôn tạo nền bãi cạn Gạc Ma (mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1988) v.v.., có vẻ như Trung Quốc đang đặt cược vào việc ngụy tạo những “bằng chứng lịch sử - pháp lý” để khẳng định cho “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trước hàng loạt vụ việc nghiêm trọng của Trung Quốc, Philippines - một quốc gia có tranh chấp trong vùng Biển Đông - ngày 22/1/2013 đã khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài của Liên hiệp quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS. Nhiều chuyên gia luật quốc tế tin rằng, Tòa Trọng tài thường trực trong phán xét đơn kiện của Philippines sẽ bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.  
Box.  Ngày 02/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 tại phía Nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc cũng huy động hàng trăm chiếc tàu đi cùng để bảo vệ giàn khoan. Ngày 27/5/2014, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan trái phép Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới có tọa độ 15 độ 33 phút 38 giây Bắc/111 độ 34 phút 62 giây Đông, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đồng thời gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới gần 140 tàu, trong đó có nhiều tàu và máy bay quân sự thường xuyên hoạt động xung quanh khu vực giàn khoan trái phép.
Trung Quốc tiếp tục có thêm các hoạt động leo thang khi ngày 21/6/2014, họ đưa thêm giàn khoan Nam Hải 09 cùng tàu khảo sát vật lý địa cầu đến vị trí thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định, vùng mà không bên nào được thăm dò, khai thác ở theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc lợi dụng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 đòi chủ quyền ở các vùng biển không thuộc về Trung Quốc
Cùng với Việt Nam là thành viên của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982[2], nhưng Trung Quốc không nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Công ước này. Như vậy, Trung Quốc đã và đang vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế: Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải nghiêm chỉnh và thiện chí tuân thủ cam kết quốc tế (nguyên tắc Pacta Sunt Servanda).
Năm 1996, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp, quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả 4 quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1998, Trung Quốc ban hành Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khẳng định cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà Trung Quốc gọi là “vùng nước phụ cận”.  
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.   Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ được Việt Nam và các nước ven Biển Đông chấp nhận. Hơn thế nữa, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo ở Hoàng Sa và một số đảo, bãi cạn ở Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý. Việc dùng vũ lực để giành danh nghĩa chủ quyền đối với lãnh thổ các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, và không mang lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền đối với các đảo, bãi cạn này. Do đó, dù có lợi dụng quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, việc Trung Quốc ban hành Luật năm 1996 và năm 1998 về các vùng biển là hoàn toàn trái với nguyên tắc Pacta Sunt Servanda được quy định tại Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc. 
Không chỉ mượn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 để xây dựng luật quốc gia nhằm tạo căn cứ giả tạo cho yêu sách chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc còn sử dụng quy định của Công ước này để biện minh cho hành vi xâm chiếm vùng biển của Việt Nam, giải thích bóp méo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Trong văn bản trình ra Liên hợp quốc ngày 8/6/2014, Trung Quốc cho rằng: “Giàn khoan của doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các hoạt động trong Vùng tiếp giáp của Trung Quốc tại Hoàng Sa”. Trước đó, Trung Quốc đã “lỡ” tuyên bố rằng, giàn khoan 981 nằm trong Vùng lãnh hải của Trung Quốc, cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, nay lại tuyên bố giàn khoan nằm trong Vùng tiếp giáp.
Việc sử dụng những khài niệm “lãnh hải”, “vùng tiếp giáp” theo ngôn từ của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 dường như thể hiện Trung Quốc đang nghiêm chỉnh tuân thủ luật biển quốc tế. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ một số điểm quan trọng như: (i) đảo Tri Tôn, một bãi cạn nằm trong quần đảo Hoàng Sa, cũng như cả quần đảo Hoàng Sa, là những nơi mà chưa bao giờ Trung Quốc có được danh nghĩa chủ quyền theo pháp luật quốc tế và luật biển quốc tế; (ii) đảo Tri Tôn - là một bãi cạn được kiến tạo nhờ các rạn san hô - không đủ điều kiện duy trì đời sống độc lập, và vì thế không đủ tư cách trong việc xác định vùng lãnh hải bao quanh theo Điều 13.2 Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, một nhà nghiên cứu xuất sắc người Úc, đã nhận xét về việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp quốc tế: “Bản tuyên bố lập trường của Trung Quốc đã được gửi đến Liên hiệp quốc để đánh bật các nỗ lực tuyên truyền và để cô lập Việt Nam. Đại đa số các thành viên của Liên hiệp quốc đều không có lợi ích trực tiếp trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nhiều nước Đông Nam Á vốn e ngại các hành động của Trung Quốc, sẽ né tránh khi bị buộc phải công khai bày tỏ lập trường về vấn đề này.
Chiến pháp pháp lý, theo Walton, là một chiến lược sử dụng luật pháp Trung Quốc và quốc tế để tôn cao nền tảng pháp lý của việc Trung Quốc khẳng định quyền lợi của mình. Bản tuyên bố lập trường của Trung Quốc đầy rẫy những dẫn chứng trong luật pháp quốc tế được chọn lọc để hỗ trợ cho lập trường của Trung Quốc”[3].
2. Việt Nam cần tiến hành ngay những hành động pháp lý - ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển, đảo   
Ngày 8/6/2014, Trung Quốc phát hành Tài liệu lưu hành tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tới đại diện của 193 quốc gia thành viên về lập trường của Trung Quốc đối với giàn khoan Hải Dương 981, vu khống Việt Nam khiêu khích, gây ra 1.416 vụ đâm va vào tàu thuyền của Trung Quốc và đưa ra một số chứng cứ thể hiện Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hành vi này của Trung Quốc thể hiện lập trường của phía Trung Quốc một cách dứt khoát là không nhân nhượng và bác bỏ công khai việc đàm phán với Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác nếu như không tiến hành ngay một số hành động pháp lý - ngoại giao như sau:
  1) Nhanh chóng quyết định khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa án, Trọng tài quốc tế, vì:  
- Đáp ứng ý nguyện của nhân dân về hành động pháp lý kịp thời của Đảng và Nhà nước ta khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
- Hiện nay, dư luận quốc tế và Chính phủ nhiều nước đang hết lòng ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu không tiến hành khởi kiện Trung Quốc, dư luận quốc tế có thể sẽ nghi ngờ về căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử về chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
- Nếu không tiến hành khởi kiện Trung Quốc về hành vi xâm lấn, dùng vũ lực tại Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì dường như Việt Nam đã chấp nhận những bước thôn tính tiếp theo của Trung Quốc xuống các đảo ở Trường Sa, cũng như trên các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
- Không khởi kiện Trung Quốc sẽ làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm rằng, Việt Nam mặc nhiên thừa nhận Công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chứng cứ khác mà Trung Quốc nêu ra trong tài liệu lưu hành tại Liên hiệp quốc ngày 8/6/2014.
- Nếu không đáp lại văn bản ngày 8/6/2014 của Trung Quốc bằng việc quyết định khởi kiện ngay Trung Quốc ra trước Tòa án, Trọng tài quốc tế, thì sẽ làm giảm giá trị pháp lý của đơn kiện Trung Quốc về sau này, cũng như tạo cho Trung Quốc cơ hội củng cố thêm chứng cứ của mình.
- Về thủ tục khởi kiện, Việt Nam khởi kiện tại Tòa án Công lý quốc tế Liên hiệp quốc (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Trọng tài Thường trực La Hay (CPA). Với hồ sơ pháp lý, chứng cứ lịch sử hiện có đầy đủ và nội dung của đơn kiện hợp lệ, có thể khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực và căn cứ để thắng kiện.  
2) Khẩn trương tiến hành đệ đơn yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) hoặc Đại hội đồng Liên hiệp quốc trưng cầu ý kiến tư vấn pháp lý theo quy định tại Điều 96.1. Hiến chương Liên hiệp quốc về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông:
- Việt Nam có thể đề nghị HĐBA Liên hiệp quốc ra quyết định trưng cầu ý kiến tư vấn pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế về những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông (đường 9 đoạn, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Trường hợp này không thuộc phạm vi biểu quyết theo đa số với sự nhất trí của cả 5 thành viên Thường trực HĐBA (trong đó có Trung Quốc). Như vậy, quyết định của HĐBA có thể được thông qua theo đa số (9/15), không bị ảnh hưởng bởi quyền phủ quyết của Trung Quốc theo quy định của Điều 27.2. Hiến chương Liên hiệp quốc. Sử dụng biện pháp này sẽ có nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ, Anh, Pháp đều là thành viên Thường trực của HĐBA có quan điểm ủng hộ các bên làm rõ về mặt pháp lý các yêu sách ở Biển Đông (theo Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm nước G7 ngày 5/6/2014) .
- Việt Nam cũng có thể đạt được mục đích tương tự bằng việc đề nghị Đại hội đồng Liên hiệp quốc ra quyết định trưng cầu ý kiến tư vấn pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế. Trong trường hợp này, quyết định của Đại hội đồng Liên hiệp quốc có thể được thông qua theo đa số thông thường trên tổng số đại diện có mặt và bỏ phiếu theo Điều 18.3 Hiến chương Liên hiệp quốc. Sử dụng biện pháp này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong vận động ngoại giao với các nước thành viên Liên hiệp quốc.
3) Đưa sự kiện Trung Quốc đang sử dụng vũ lực xâm chiếm tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ra trước HĐBA Liên hiệp quốc.
Theo quy định tại Điều 34 Hiến chương Liên hiệp quốc, HĐBA Liên hiệp quốc có thẩm quyền điều tra và xem xét về tính chất và mức độ đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế của hành vi Trung Quốc dùng vũ lực tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trước tình hình Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt, liều lĩnh trên thực địa cũng như trên các diễn đàn ngoại giao, diễn đàn truyền thông quốc tế, đưa ra những “chứng cứ” không phù hợp và không trung thực nhằm vu khống Việt Nam, nếu vấn đề này được đưa vào Chương trình nghị sự của các nước thành viên HĐBA, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp - những thành viên Thường trực - sẽ là một cơ hội quan trọng làm bộc lộ rõ những hành vi Trung Quốc vi phạm pháp luật quốc tế, qua đó sẽ thể hiện lập trường chính nghĩa, phù hợp pháp luật quốc tế của Việt Nam. Cho dù Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết (veto) để bác bỏ một Nghị quyết của HĐBA về vấn đề này, nhưng việc bàn thảo tại HĐBA về mức độ gây hại của Trung Quốc cho hòa bình và an ninh tại Biển Đông sẽ có sức mạnh về ngoại giao và pháp lý cho cuộc đấu tranh của Việt Nam chống Trung Quốc xâm chiếm, thôn tính các vùng biển và đảo của Việt Nam.
4) Biện pháp hòa giải giữa Trung Quốc và Việt Nam theo thiện chí của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc.
Biện pháp này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của cả hai bên. Tuy nhiên, cần phải xem xét về nội dung hòa giải. Nếu hòa giải về việc Trung Quốc xâm chiếm Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Việt Nam chắc chắn không chấp nhận việc biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Nếu hòa giải về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, thì Trung Quốc không bao giờ chấp nhận những nội dung này. Hơn nữa, nếu Trung Quốc chấp nhận hòa giải, Việt Nam cần cảnh giác với thủ đoạn dùng biện pháp hòa giải để kéo dài thời gian (câu giờ) giống như việc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Nếu Việt Nam đồng ý hòa giải, Việt Nam sẽ không thể đồng thời đưa vụ việc chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông ra trước Tòa án, Trọng tài quốc tế. Vì vậy, Việt Nam không nên tính đến giải pháp này.
Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Những biện pháp nêu trên nếu được tiến hành ngay sẽ là những công cụ pháp lý - chính trị hữu hiệu để bảo vệ giang sơn bờ cõi mà ông cha ta từ bao thế hệ nay để lại. Đây là sứ mệnh lịch sử của cả Dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Nếu chậm trong hành động, thế hệ chúng ta hôm nay sẽ phải chịu trách nhiệm lịch sử trước Dân tộc, trước Đất nước./.

 


[1] UNCLOS (United Nations Convention on Law of the Sea): Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (còn gọi là Công ước Luật Biển 1982)
[2]Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 25/7/1994 và Trung Quốc hai năm sau đó vào ngày 7/6/1996.
[3]Carlyle A. Thayer, Posted on 19/06/2014 by The Observer Nguồn: The Diplomat/ RFI

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 14(270), tháng 7/2014)