Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong nhìn từ góc độ tài phán hiến pháp và quyền con người

01/07/2014

TRẦN KIÊN

Nghiên cứu sinh Đại học Glasgow, Vương quốc Anh.

Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong là một sự kiện lịch sử quan trọng đối với Việt Nam, dù vụ việc xảy ra và được giải quyết ở nước ngoài. Vụ án này đã được nghiên cứu và giới thiệu một cách rộng rãi từ góc độ chính trị, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, từ góc độ luật pháp và tố tụng, vụ việc này liên quan chủ yếu các vấn đề về quyền con người, nơi tòa án đã áp dụng các quy định về tài phán hiến pháp, tuyên hủy các quyết định bắt giữ và trục xuất được lập một cách trái luật, góp phần bảo vệ một cá nhân trước sự lạm quyền của các cơ quan công quyền. Vụ án Nguyễn Ái Quốc cho thấy, trong một nền dân chủ dù chỉ tương đối như Hong Kong thuộc địa vào những năm 1930, nhưng khi tòa án được độc lập, pháp luật được thượng tôn, luật sư chuyên nghiệp, tận tâm và trung thành với lợi ích của thân chủ thì quyền con người sẽ được bảo vệ.
Untitled_352.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Chế định tài phán hiến pháp của Vương quốc Anh[1]
Judicial review, giám sát tư pháp hay còn được gọi là tài phán hiến pháp là một chế định cho phép cá nhân, tổ chức bị tác động bởi một quyết định, hay hành vi và thậm chí là văn bản lập quy của cơ quan hành pháp hay quyết định một cơ quan tài phán cấp thấp được quyền khởi kiện văn bản lập quy, quyết định, hay hành vi đó ra trước tòa án thông thường - cơ quan tư pháp để xem xét tính hợp pháp (legality), hợp lý (rationality) và đúng trình thủ tục (procedural propriety) của các văn bản, quyết định hay hành vi đó.
Giám sát tư pháp có một lịch sử lâu dài, ở Anh, án lệ Entick v Carrington từ những năm 1765 đã khẳng định nguyên tắc bó buộc chính quyền phải hành xử và quyết định theo đúng các quy định của pháp luật. Và sau đó, chế định này dần dần được củng cố và phát triển qua thời gian. Người Anh, theo bước chân chinh phục, đã mang cả truyền thống pháp luật của mình đến các vùng đất mới như Mỹ, Úc, New Zealand, Singapore, Hồng Kong v.v.. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vận dụng khéo léo thẩm quyền tư pháp được trao trong bản Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới 1787 đã khéo léo nâng tầm judicial review từ giám sát tư pháp thông thường đối với nhánh hành pháp, thành tài phán hiến pháp áp dụng cho cả luật của Quốc hội[2]. Có lẽ lấy cảm hứng từ chế định này, các quốc gia khác dần dần kiến tạo ra các mô hình bảo hiến khác sử dụng Tòa án Hiến pháp và Hội đồng Hiến pháp độc lập[3].
Giám sát tư pháp hay tài phán hiến pháp được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết về sự phân quyền giữa các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp cũng như vai trò của cơ chế kiềm chế đối trọng giữa các cơ quan thực thi các quyền nêu trên. Chế định này được coi là cơ sở cốt lõi của chế độ pháp quyền, mà một trong các mục đích chủ chốt là để bảo vệ quyền con người khỏi sự xâm phạm của công quyền[4]. Ở Anh, giám sát tư pháp cũng là chế định quan trọng nhất mà cá nhân có thể sử dụng để bảo vệ các quyền con người của mình theo các Công ước châu Âu về nhân quyền và Đạo luật Nhân quyền 1998. Điều này do bởi trong đa số các trường hợp, các quyết định, hành vi bị khởi kiện đều là các quyết định, hành vi xâm phạm các quyền tự do cá nhân của một chủ thể, đặc biệt phổ biến là việc tạm giữ trái luật (quyền tự do thân thể) hay quyết định trưng mua bắt buộc (xâm phạm quyền tư hữu). Giám sát tư pháp ở Anh có một số đặc điểm sau[5]:
Thứ nhất, giám sát tư pháp của tòa án chỉ có đối tượng là các văn bản quy phạm pháp luật[6], quyết định hoặc hành vi của Chính phủ và các cơ quan công quyền khác, cũng như quyết định của các tòa án hoặc cơ quan tư pháp cấp dưới có liên quan. Điều này là do lý thuyết và tập quán Hiến pháp ở Anh nhấn mạnh nguyên tắc cho rằng, Nghị viện Anh là cơ quan quyền lực tối cao (The Supremacy of the Parliament), do đó, luật của Nghị viện ban hành không thể là đối tượng bị tòa án xem xét[7]. Bởi vậy, căn cứ để tòa xem xét đơn khiếu nại là văn bản lập quy, quyết định hoặc hành vi của Chính phủ là có hợp pháp hay không? Hay nói cách khác, chúng có phù hợp với các đạo luật của Nghị viện hay không, chứ không phải là chúng có hợp hiến hay không, như ở Mỹ[8].
Thứ hai, tòa án có thẩm quyền áp dụng chế định giám sát tư pháp ở Anh là Tòa Cấp cao (High Court), cụ thể là Tòa Hành chính (Administrative Court) của phân tòa Queen’s Bench, theo thủ tục dân sự (Civil Procedure Rules CFR 54.12 (7). Đây thực chất vẫn là tòa án thông thường áp dụng thủ tục dân sự thông thường, do ở Anh không sự tồn tại nhánh Tòa Hành chính độc lập chuyên xét xử các vụ án hành chính như ở Pháp, Đức hay Việt Nam.
Thứ ba, căn cứ để khiếu nại có thể là: sự bất hợp pháp (illegality) ví dụ như quyết định do người không có thẩm quyền ban hành, hay quyết định dựa trên sự nhận định sai về một điều luật; hoặc do sự bất hợp lý (irrationality), trong trường hợp quyết định được đưa ra trái với những tiêu chuẩn logic hoặc đạo đức thông thường đến mức độ mà không một người bình thường nào sẽ đưa ra một quyết định tương tự cả[9]. Và căn cứ cuối cùng là thủ tục ban hành có sai sót (procedural impropriety)[10].
Thứ tư, tòa án có thể áp dụng một trong các chế tài trong vụ kiện về giám sát tư pháp:
 - Các chế tài chuyên biệt (preogrative orders) bao gồm: lệnh hủy bỏ (quasing order hay là certiorari) theo đó tòa tuyên hủy toàn bộ văn bản, quyết định; lệnh bắt buộc thực hiện (mandatory order hay là mandamus) theo đó, tòa buộc một cơ quan phải thực hiện một hành vi nhất định; lệnh cấm thực hiện (prohibiting order hay là prohibition), tòa cấm một cơ quan được thực hiện một hành vi nào đó bị xem là trái luật; lệnh phóng thích (habeas corpus) theo đó, tòa ra lệnh mang người đang bị tạm giam, tạm giữ trình diện trước tòa với ý nghĩa rằng người này phải được thả[11].
 - Các chế tài theo thông luật (common law remedies) bao gồm các Lệnh cấm (injunctions) và Tuyên bố về quyền (declaration). Các tuyên bố về quyền xác nhận quyền và nghĩa vụ của một chủ thể, và không mang tính chất cưỡng bách ai làm hay không làm việc gì.
 - Các chế tài phạt tiền (pecuniary remedies) bao gồm bồi thường thiệt hại (damages) và hoàn trả (restitution)[12].
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi không chỉ ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh quốc, mà ở nhiều quốc gia khác, giám sát tư pháp hay tài phán hiến pháp đã được minh thị quy định như một chế định quan trọng trong Hiến pháp. Ví dụ như Hiến pháp Malaysia, Chương về quyền con người, tại Điều 5(1) minh thị trao cho tòa án thường quyền ra lệnh phóng thích khi một người bị tạm giữ trái phép bởi chính quyền.
2. Vụ án Nguyễn Ái Quốc và các vấn đề về giám sát tư pháp[13]
Ngày 01/06/1931, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn) dưới tên gọi Sung Man Cho cùng với một người phụ nữ Việt Nam khác tên là Li Sam[14] bị cảnh sát Hồng Kông bắt, bởi nghi ngờ họ vi phạm các quy định của đạo luật Seditious Publications Ordinance 1914, Sắc lệnh về truyền bá ấn phẩm kích động bạo loạn. Tuy nhiên, việc bắt giữ không dựa trên bất kỳ lệnh chính thức nào[15], cũng như không có bất kỳ tài liệu kích động bạo loạn nào được cảnh sát xuất trình làm chứng cứ. Bị can cũng không được đưa ra trước tòa như yêu cầu của các quy định trong sắc lệnh[16].
Sau khi bị bắt, Nguyễn bị cảnh sát liên tục thẩm vấn, đôi khi có cả sự hiện diện của cảnh sát Pháp. Quá trình thẩm vấn diễn ra mà không có luật sư biện hộ bên cạnh. Các câu hỏi thẩm vấn cũng vượt quá phạm vi cho phép theo quy định.
Ngày 12/06/1931, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục bị giam, lần này theo lệnh bắt chính thức dựa trên quy định của đạo luật Deportation Ordinance (Sắc lệnh về Trục xuất) 1917, được sửa đổi vào các năm 1919 và 1931[17]. Lệnh trục xuất này được đưa ra theo yêu cầu của Bộ thuộc địa Vương quốc Anh.
Ngày 31/07/1931, F.C.Jenkin K.C, một luật sư tranh tụng theo sự chỉ định của luật sư tư vấn Loseby - đại diện chính thức cho Nguyễn Ái Quốc[18] - đâm đơn kiện ra trước Tòa án Tối cao Hồng Kong (Supreme Court), yêu cầu tòa án áp dụng lệnh Habeas Corpus, phóng thích Nguyễn bởi lý do các cơ quan chức năng Hồng Kong đã bắt giữ người trái phép (không có lệnh bắt, không xuất trình được chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm); và vi phạm trình tự tố tụng (irregularlity) khi trong quá trình thẩm vấn đã không mời luật sư biện hộ bảo vệ cho Nguyễn[19]. Lập luận này được tòa chấp nhận. Tòa ra lệnh Rule Nisi - lệnh giải trình, yêu cầu giám đốc nhà tù nơi giam giữ Nguyễn xuất trình trước tòa để tranh biện với luật sư trước khi tòa áp dụng Lệnh phóng thích. Một phiên tòa toàn thể (full court) được ấn định vào ngày 14/08/1931.
Ngày 06/08/1931, Toàn quyền Anh tại Hồng Kông ra lệnh trục xuất Nguyễn Ái Quốc theo Điều 3 khoản 2 của Sắc lệnh về Trục xuất 1917[20]. Đồng thời trong lệnh trục xuất, Toàn quyền cũng ấn định một chiếc thuyền được sử dụng để trục xuất Nguyễn Ái Quốc về lại Đông Dương vào 18/08/1931. Lệnh được đưa ra dựa trên các lời khai thu được tại các phiên thẩm vấn Nguyễn do cảnh sát Hồng Kông tiến hành trước đó.
Ngày 14/08/1931, phiên tòa đầy đủ được diễn ra với sự hiện diện của các bên đương sự. Tòa chấp nhận các lập luận biện hộ của luật sư bào chữa, cho rằng lệnh bắt là hoàn toàn trái luật, quá trình thẩm vấn diễn ra không đúng trình tự thủ tục (không có luật sư và câu hỏi đặt ra cho bị can cũng vượt quá phạm vi nội dung cảnh sát được quyền hỏi căn cứ theo bản chất của vụ việc và nội dung của lệnh bắt)[21]. Do vậy, lệnh trục xuất đầu tiên theo Điều 3(2) ngày 06/08/1931 buộc Nguyễn phải lên một con tàu chỉ định để quay về Đông Dương cũng bị vô hiệu theo, bởi lệnh trục xuất này dựa trên lệnh bắt và lời khai thu được từ lệnh bắt trước đó[22].  Do hiệu lực của ý kiến này, Li Sam (người phụ nữ bị bắt cùng Nguyễn) được tòa phóng thích vào ngày 20/08/1931.
Ngay trong khi phiên tòa đang diễn ra và biết được quan điểm của tòa về các lệnh bắt và trục xuất cũ sẽ bị tuyên vô hiệu, ngày 15/08/1931, Toàn quyền Anh ở Hồng Kông ra lệnh trục xuất thứ hai, lần này dựa vào Điều 3 khoản 1 điểm C của Sắc lệnh về Trục xuất 1917[23]. Lệnh này cho phép sử dụng các câu hỏi khác, thủ tục khác, trình tự khác để tiến hành thẩm vấn Nguyễn. Nhận được Lệnh trục xuất mới, tòa án tiếp tục yêu cầu Tổng Chưởng lý (Attoney General), người đại diện cho chính quyền Hồng Kong trước tòa, tiếp tục trình bày lý do bảo vệ tính hợp pháp của Lệnh trục xuất mới này vào ngày 24/08/1931[24]. Đứng trước Lệnh trục xuất mới, luật sư biện hộ đã đưa ra một loạt quan điểm phản đối như sau:
(a)   Một người chỉ có thể bị trục xuất bởi một lệnh duy nhất;
(b)   Không thể tồn tại hai lệnh trục xuất đối với cùng một người;
(c)   Lệnh trục xuất theo Điều 3(1)(c) chỉ có thể được đưa ra trong trường hợp đặc biệt và khi nó có ích cho lợi ích công cộng;[25]
(d)   Lệnh đã được đưa ra tại một buổi họp không được triệu tập đúng thể thức;
(e)   Lệnh này xâm phạm nguyên tắc một người không thể bị truy tố hai lần vì cùng một hành vi (autrefois convict);
(f)    Lệnh trục xuất, đi kèm với việc chỉ định tầu trục xuất có điểm đến cụ thể (Đông Dương) là một lệnh dẫn độ trá hình, nhằm mục đích giao nộp một người tị nạn chính trị;
(g)   Nếu như Sắc lệnh (trục xuất) có điều khoản cho phép giao nộp những người tị nạn vì mục đích chính trị, thì nó là sự mâu thuẫn với Luật về dẫn độ (Extradiction Acts);
(h)   Lệnh phóng thích (habeas corpus) cấm việc bắt lại một người vì cùng một lý do sau khi người đó đã được phóng thích. Và Nguyễn phải được xem là đã được phóng thích theo lệnh (habeas corpus) bởi tòa đã tuyên vô hiệu các lệnh bắt và trục xuất đầu tiên;
(i)     Bắt giữ một người đang bị giam giữ trái phép cũng là trái phép, ngay cả khi lệnh bắt giữ đó là có giá trị[26];
Ngoài ra, luật sư biện hộ còn cho rằng:
(j)     Lệnh trục xuất đã được đưa ra dựa trên các bằng chứng không được thu thập đúng thể thức;
(k)   Lệnh được dựa trên một chứng cứ quan trọng (về nhân thân của Nguyễn Ái Quốc) vốn hoàn toàn sai sự thật[27];
Có thể thấy, luật sư bào chữa đã bác bỏ giá trị của Lệnh trục xuất thứ hai trên các căn cứ về: (1) vi phạm pháp luật ở các điểm a, b, c, e, i ; (2) vi phạm về thủ tục ở các điểm d, j, k. Đặc biệt, ý kiến cho rằng lệnh trục xuất là một lệnh dẫn độ trá hình có thể được xếp vào nhóm bất hợp lý (3).
Tuy nhiên, trong trường hợp của Lệnh trục xuất thứ hai dựa trên Điều 3(1)(c) Tòa án đã đứng về phía chính quyền Hồng Kong sau khi đã trình bày một cách chi tiết, đầy đủ các quan điểm của tòa trong bản án để phản bác các ý kiến của luật sư. Tóm tắt bao gồm:
 - Lệnh được lập một cách hợp thức và được ban hành đúng thẩm quyền. Lệnh được Hội đồng Toàn quyền thảo luận và do Toàn quyền ký ban hành là đúng thẩm quyền và thể thức theo luật;
 - Điều 3(1)(c) cho phép áp dụng thủ tục rút gọn cũng như quy định một trình tự thu thập chứng cứ và lấy lời khai khác, đơn giản hơn, dễ dàng hơn, chứ không phải theo đúng trình tự chặt chẽ như điều 3(2). Do đó, lời khai của Nguyễn trước đó có thể được sử dụng để làm căn cứ ra lệnh trục xuất theo Điều 3(1) (c);
 - Việc cân nhắc thế nào là “vì lợi ích công cộng” thuộc quyền quyết định riêng biệt của Toàn quyền. Trừ khi luật sư đưa ra bằng chứng chứng minh ngược lại, còn đâu tòa không thể xem xét;
 - Luật sư không đệ trình được bất cứ cơ sở nào (luật hoặc án lệ) để biện hộ cho lập luận (a) và (b) của mình;
 - Cũng không có bằng chứng nào cho thấy Lệnh trục xuất là một lệnh dẫn độ trá hình. Cần có bằng chứng rõ ràng cho việc này;
 - Cũng không có sự mâu thuẫn nào giữa luật dẫn độ và luật về trục xuất[28].
Ngay sau khi nhận được phán quyết của tòa, luật sư bào chữa đã lập tức đệ đơn kháng án lên Ủy ban Tư pháp (Judicial Committee) của Privy Council (Hội đồng Cơ mật) của Vương quốc Anh, cơ quan hiện nay vẫn đóng vai trò là cấp xét xử tối cao cho một số quốc gia thuộc khối thịnh vượng chung. Đơn kháng án được chấp nhận dựa trên cơ sở rằng, vụ kiện có tầm quan trọng đáng kể về mặt công cộng theo Điều r.2(b) Các quy tắc về Hội đồng Cơ mật Hồng Kông[29]. Lệnh trục xuất bị đình chỉ cho đến khi vụ kiện được xét xử. Nguyễn Ái Quốc thậm chí còn được đưa ra khỏi nhà tù, chuyển vào bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn.
Chính trong giai đoạn kháng cáo này, một luật sư mới, đại diện cho Chính quyền Hồng Kông là Sir Stafford Cripps K.C. quyết định điều đình giải quyết vụ việc ngoài tòa với luật sư bào chữa của Nguyễn. Theo đó, Nguyễn Ái Quốc rút đơn kháng cáo đối với lệnh trục xuất, đổi lại, Nguyễn có thể lựa chọn bất kỳ địa điểm đến nào chứ không bị bắt buộc phải quay trở lại Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đồng ý. Tuy nhiên, điều phải bàn của bài viết này nằm ở lý do vì sao Cripps đưa ra quyết định điều đình với Nguyễn Ái Quốc. Có lẽ, sau khi cân nhắc, Cripps cho rằng Privy Council có nhiều khả năng sẽ đứng về phía nguyên đơn và tuyên hủy quyết định dẫn độ thứ hai bởi có quá nhiều sai sót về luật pháp cũng như trình tự mà chính quyền đã mắc phải, cũng như lý do thực sự của việc trục xuất về Đông Dương - vốn là một lệnh dẫn độ trá hình, nên Cripps đã hành động như vậy.
Rõ ràng, sự lo ngại của Cripps chỉ có thể có trong một nền pháp quyền nơi tòa án hoàn toàn độc lập so với chính quyền, nơi các thẩm phán luôn thượng tôn pháp luật và tòa án sẵn sàng can thiệp để bảo vệ quyền con người, nếu tòa án nhận thấy quyền tự do cá nhân đã bị cơ quan hành pháp vi phạm. Nếu không, Cripps đã không phải lo sợ về việc Privy Council sẽ tuyên hủy lệnh trục xuất của chính quyền thuộc địa Hồng Kông, một lệnh đã được chính Bộ trưởng Bộ Thực dân tại chính quốc phê chuẩn[30].
Sau đó, với sự giúp đỡ của luật sư Loseby và của cả chính quyền Hồng Kong - theo thỏa thuận giữa hai bên, Nguyễn Ái Quốc đã được bảo vệ khỏi sự vây bắt của mật thám Pháp, đi an toàn về Nga. Vụ kiện chấm dứt mà Privy Council không cần phải xét xử tiếp. K.R.Handley & K.Lemercier còn cho rằng, nếu vụ này được Privy Council xét xử thì một án lệ quan trọng về giám sát tư pháp đã có thể được thiết lập, án lệ mà hơn 30 năm sau mới xảy ra trong một vụ việc tương tự[31].
3. Một số nhận xét
Thứ nhất, vụ việc liên quan đến sự xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền con người căn bản của Nguyễn Ái Quốc bởi các cơ quan chính quyền thuộc địa Hồng Kông
Thứ hai, chế định giám sát tư pháp, đặc biệt là lệnh phóng thích (habeas corpus) đã được sử dụng hiệu quả để bác bỏ giá trị của các lệnh bắt và trục xuất, bảo vệ hiệu quả quyền tự do và tính mạng của Nguyễn Ái Quốc, một người ngoại quốc cư trú ở Hồng Kông.
Thứ ba, không chỉ tòa án Hồng Kông mà cả tòa án Anh đã cho thấy sự độc lập của mình so với các cơ quan chính quyền khác từ ngay những năm đầu thế kỷ 20. Tòa án sẵn sàng tuyên bố các quyết định của chính quyền là trái luật, bất hợp thức, vô giá trị.
Thứ tư, các thẩm phán đã cho thấy họ luôn và chỉ thượng tôn pháp luật trong khi xét xử.
Thứ năm, các luật sư đã rất tận tâm và trung thành với lợi ích của khách hàng. Họ đã luôn xiển dương các quy tắc đạo đức nghề nghiệp cao nhất.
Nói một cách khác, nếu vào năm 1931, ở tại vùng đất thuộc địa Hồng Kông, quyền con người không được tôn trọng, giám sát tư pháp không tồn tại, tòa án không độc lập và luật sư không chuyên nghiệp thì có lẽ Nguyễn Ái Quốc đã rơi vào tình trạng nguy hiểm, cả số phận quốc gia mà ông sẽ tuyên bố độc lập sau này nữa./.

 


[1] Tài phán hiến pháp của Vương quốc Anh, bởi vào năm 1931, Hong Kong vẫn là thuộc địa của Vương quốc Anh cho nên luật của Anh được áp dụng tại đây.
[2]Xem vụ án nổi tiếng Marbury v. Madison, 5 U.S. 137 (1803)
[3] Tòa án Hiến pháp đầu tiên được quy định trong Hiến pháp Áo năm 1920. Hội đồng Hiến pháp đầu tiên có lẽ thuộc về Pháp với Bản Hiến pháp của nền Đệ ngũ cộng hòa năm 1958.
[4] Khairil Azmin Mokhta & Siti Aliza Binti Alias, The Role of Judicial Review in Malaysia as a tool of check and balance under the doctrine of separation of powers, trang 2 và Li-Ann Thio, Beyond the Four Walls in an Age of Transnational Judicial Conversations: Civil Liberties, Rights Theories and Constitutional Adjudication in Malaysia and Singapore (2006) 19(2) Columbia Journal of Asian Law 436-437
[5] Dù bắt nguồn từ Anh nhưng do ảnh hưởng to lớn của truyền thống Hiến pháp Hoa Kỳ, từ nguyên Judicial review thường được dịch là Tài phán Hiến pháp. Để xem một nghiên cứu công phu về chế định tài phán hiến pháp trên thế giới, xem Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Hiến pháp một số nước trên thế giới (Sách tham khảo) (2013). http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU/Attachments/1215/Banthao-sachHDHP_-_17052013.pdf> lên mạng ngày 16/02/2014
[6] Hay còn gọi là delegated legislation; secondary source
[7] Hiện nay đang có tranh luận cho rằng, tòa án có thể xem xét các đạo luật của Nghị viện bị xem là vi phạm quyền con người theo các công ước quốc tế về quyền con người hoặc luật của Liên minh châu Âu.  Lập luận này dựa một phần vào câu chữ của luật khi quy định đối tượng của giám sát tư pháp là các enactments, vốn bao hàm cả legislation (luật của Nghị viện). Tuy nhiên, quan điểm này chưa thật sự nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ để trở thành một tập quán hiến pháp vững chắc.
[8] Một trong các lý do của thực tiễn này cũng có thể ở chỗ nước Anh không có một bản văn hiến pháp đơn nhất, tập hợp đầy đủ các nguyên tắc hiến pháp quan trọng nhất. Nhiều người cho rằng Anh không có Hiến pháp thành văn (Written Constitution). Thật ra Anh không có Hiến pháp đơn nhất hay hợp nhất (Codified Constitution). Còn rất nhiều các quy định Hiến pháp đã được pháp điển hóa trong các đạo luật của Nghị viện.
[9] Xem vụ Associated Provincial Picture Houses Ltd v Wednesbury Corporation [1947] 2 All ER 680
[10] Xem lập luận của thẩm phán Lord Diplock trong vụ Council of Civil Service Unions v Minister for the Civil Service [1985] AC 374
[11] Xem thêm Arifin Zakaria, The relation between constitutional review organs, governments and the ordinary judiciary – Malaysian perspective in Clauspeter Hill (ed), Constitutional Review and Separation of powers: Sixth conference of Asian Constitutional Court Judges 2009 (Konrad-Adenauer-Stiftung 2009) 23-27
[12] Richard Harwood & Wald, Overview of Judicial Review (Thirty Nine Essex Street 2010) 63-73 < http://www.39essex.com/docs/articles/overview_of_judicial_review.pdf> lên mạng ngày 16/02/2014
[13] Phần này chỉ tập trung vào phân tích các vấn đề pháp luật có liên quan đến vụ việc, đặc biệt là quy định và thủ tục tố tụng.
[14] Trong bài viết này, tên gọi Sung Man Cho được giữ nguyên cho phù hợp với quyết định của Tòa án
[15]Duncanson, “Ho Chi Minh in Hong Kong, 1931-1932” (1974) 57 China Quarterly 84 at 89
[16] K.R.Handley & K.Lemercier, Ho Chi Minh and the Privy Council (2008) Law Quarterly Review 1
[17] Rất có thể lệnh bắt này được đưa ra dựa trên lời khai của Nguyễn trong lúc bị thẩm vấn.
[18] Chú ý ở Anh và các nước ảnh hưởng của Anh có sự phân biệt giữa luật sư tư vấn (solicitor) và luật sư tranh tụng (barrister).
[19]Duncanson, “Ho Chi Minh in Hong Kong, 1931-1932” (1974) 57 China Quarterly 94
[20] Có sự mâu thuẫn giữa phần tóm tắt và nội dung chính trong bản án về Điều luật. Trong phần tóm tắt thì ghi đây là Điều 3A(1). Có vẻ phần tóm tắt ghi đúng điều luật hơn bởi theo nội dung của Đạo luật Trục xuất 1917, thì Điều 3 (2) mới là điều có cụm từ “conductive to the public good” chứ không phải là điều 3(1)(c ) như thẩm phán trích dẫn trong phần nội dung chính của bản án. Xem thêm tại http://oelawhk.lib.hku.hk/items/show/1312 lên mạng ngày 18/02/2014
[21] Có thể hiểu là trong lệnh bắt sẽ có phần ghi rõ bị can bị bắt theo luật này. Cảnh sát chỉ được đặt các câu hỏi để làm rõ xem bị can có vi phạm các quy định đó hay không? Chứ không được mở rộng sang cả các vấn đề khác.
[22] Sung Man Cho v Superintendent of Prisons Hong Kong (1931-32) 25 H.K.L.R. 62 (PC (HK)) paras 62-64
[23] K.R.Handley & K.Lemercier, Ho Chi Minh and the Privy Council (2008) Law Quarterly Review 1- 2 và Sung Man Cho v Superintendent of Prisons Hong Kong (1931-32) 25 H.K.L.R. 62 (PC (HK)) para 63
[24] Sung Man Cho v Superintendent of Prisons Hong Kong (1931-32) 25 H.K.L.R. 62 (PC (HK)) para 64
[25] Xem bình luận tại chú thích số 20
[26] Ibid 64-65
[27] Ibid 67
[28] Ibid 65-75
[29] K.R.Handley & K.Lemercier, Ho Chi Minh and the Privy Council (2008) Law Quarterly Review 3
[30] Ibid 2-3
[31] Xem R. v Governor of Brixton Prison Ex p. Soblen (No.2) [1963] 2 Q.B. 243 (CA)
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 (269), tháng 7/2014)