Hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

01/04/2014

NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG

Giảng viên Khoa Luật, Đại học Huế.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là những biện pháp Tòa án quyết định áp dụng đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm cho việc thi hành án. Thực tế chứng minh việc áp dụng BPKCTT đã đạt được những kết quả nhất định như hạn chế tối đa hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại bằng chứng của một số chủ thể thiếu thiện chí, góp phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, các quy định về BPKCTT còn bộc lộ một số điểm chưa hợp lý, cần được hoàn thiện.  
Untitled_381.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quy định pháp luật
1.1. Quyền yêu cầu áp dụng
Quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT được quy định tại Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS), với việc quy định các vấn đề về chủ thể được quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT, thời điểm áp dụng và mục đích của việc áp dụng BPKCTT, nhưng được điều chỉnh tại hai khoản khác nhau trong cùng một Điều. Khoản 1 Điều 99 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm cho việc thi hành án”. Khoản 2 quy định: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.
Về kỹ thuật lập pháp, việc quy định cùng một nội dung về chủ thể áp dụng, mục đích áp dụng tại hai khoản trong một điều luật là không đảm bảo tính khoa học, mặc dù ở khoản 2 có bổ sung thêm nội dung về thời điểm áp dụng. Để đảm bảo tính logic, có thể gộp khoản 1 và khoản 2 thành một điều khoản, còn thời điểm áp dụng BPKCTT đã được hướng dẫn cụ thể tại mục 1 và mục 2 trong Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định về các BPKCTT (Nghị quyết 02).   
1.2. Biện pháp khẩn cấp tạm thời
Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định có 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT). Ngoài ra, Khoản 13 của điều luật này còn một quy định mở, đó là các BPKCTT khác (ngoài 12 BPKCTT này) mà pháp luật có quy định[1]. Trong 12 BPKCTT, có biện pháp “Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”. Trong thực tế, có thể thấy rằng, quy định “cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định” thường được hiểu theo hai cách: có thể đây là một trong 12 biện pháp được quy định trong Điều 102 BLTTDS, nhưng cũng có thể nó không phải là một trong 12 biện pháp quy định tại Điều 102), nên sẽ không đảm bảo sự thống nhất khi áp dụng. Bởi vì mục đích của việc áp dụng BPKCTT này đều đảm bảo thi hành nghĩa vụ, nhưng nếu áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 6,7,8,10,11 Điều 102 thì đương sự phải thực hiện biện pháp bảo đảm, còn áp dụng biện pháp quy định tại khoản 12 Điều 102 thì có thể không cần thực hiện biện pháp bảo đảm. Vì vậy, Nghị quyết 02 nên có cách giải thích chính xác, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng.
Ngoài ra, Điều 115 BLTTDS quy định: cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Quá trình giải quyết vụ án được tính từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án [tiểu mục 1.1;1]. Trong khi đó, khoản 2 Điều 99 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”. Như vậy, tại thời điểm đương sự nộp đơn khởi kiện, đương sự vẫn có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT. Quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT ngay tại thời điểm nộp đơn khởi kiện bao gồm cả biện pháp cấm thực hiện một số hành vi nhất định. Nhưng nếu quy định như Điều 115 BLTTDS thì tại thời điểm đương sự nộp đơn khởi kiện, đương sự không được yêu cầu áp dụng biện pháp này. Quy định như vậy không đảm bảo tính thống nhất.  
1.2. Phạm vi áp dụng BPKCTT
Theo hướng dẫn tại Mục 4 tiểu mục 4.1. Nghị quyết 02, khi xem xét để quyết định áp dụng BPKCTT do đương sự, cá nhân, cơ quan tổ chức yêu cầu thì Tòa án chỉ có thể chấp nhận toàn bộ, một phần hoặc không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKKTT. Theo chúng tôi, quy định này không thật sự phù hợp. Chúng ta thử xem xét ví dụ sau đây.
Công ty trách nhiệm hữu hạn A ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty cổ phần B.  Tới thời điểm thỏa thuận, công ty A giao đủ số lượng hàng nhưng công ty B không giao đủ số tiền. Công ty A đã có đơn khởi kiện ra Tòa án, khi Tòa án đang thụ lý giải quyết thì công ty A có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT là phong tỏa tài sản ở ngân hàng của công ty B với số tiền là 5 tỷ đồng để đảm bảo thi hành nghĩa vụ, nhưng Tòa án chỉ chấp nhận phong tỏa 2 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền vượt quá 2 tỷ đồng mà Tòa án không đồng ý áp dụng, gây thiệt hại cho công ty A. Vì theo điểm c khoản 2 Điều 101 BLTTDS: Tòa án chỉ chịu trách nhiệm bồi thường khi “Tòa án áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.        
Về nguyên tắc khi các chủ thể yêu cầu áp dụng BPKKTT quy định tại các khoản 6,7,8,10,11 Điều 102 BLTTDS mà gây thiệt hại cho bên bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì họ phải có nghĩa vụ bồi thường. Vì vậy, nếu Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu, sau này phần thiệt hại vượt quá yêu cầu không được Tòa án chấp nhận cho áp dụng sẽ gây ra thiệt thòi cho người yêu cầu áp dụng. Như vậy, xét đến cùng thì pháp luật mới bảo vệ quyền lợi cho người bị áp dụng chứ chưa bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu áp dụng. Theo quy định tại Điều 8 BLTTDS, khi tham gia tố tụng, các chủ thể bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Mặt khác, trong Nghị quyết 02 không hướng dẫn cách tính thiệt hại nên không thể có một con số chính xác cho người bị áp dụng và người yêu cầu áp dụng. Bản thân người yêu cầu áp dụng khi yêu cầu áp dụng BPKCTT cũng phải cân nhắc vì ngoài giá trị tài sản phải dùng để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Vì vậy, nên để cho Tòa án có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc không chấp nhận BPKKTT. Hơn nữa đặc trưng của dân sự là quyền quyết định, quyền định đoạt thuộc về các bên đương sự, do đó nên tôn trọng quyền quyết định của các bên đương sự.
1.3. Trách nhiệm của Tòa án khi áp dụng BPKCTT
Ngoài một số trường hợp pháp luật quy định tại các khoản 1,2,3,4,5 Điều 102 BLTTDS Tòa án được tự mình áp dụng BPKCTT, còn với một số trường hợp khác, Tòa án chỉ được áp dụng khi đương sự có yêu cầu. Khi đương sự yêu cầu áp dụng thì đương sự phải có đơn yêu cầu và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, khi đương sự yêu cầu không đúng về đối tượng thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai?
Ví dụ, vụ án kiện đòi nợ giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Q. và ông Nguyễn Văn Tr., bị đơn là bà Nguyễn Huyền Đoan T. và ông Trương Thanh L. Trong quá trình giải quyết, ngày 28/3/2011 Tòa án nhân dân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 01/2011/QĐ-BPKCTT áp dụng BPKCTT phong tỏa ngôi nhà và đất của gia đình ông Trương Thanh L. và bà Nguyễn Huyền Đoan T. Quyết định áp dụng BPKCTT này đã bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Vang kháng nghị với lý do xác định không đúng thửa đất bị phong tỏa của gia đình bị đơn, cụ thể cấm ông L. và bà T. cấm chuyển dịch nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại thửa 632.2 tờ bản đồ số 03 xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong khi đó, ngôi nhà và đất của gia đình ông L. thuộc thửa đất 633.2 tờ bản đồ số 03, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định áp dụng BPKCTT này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ông B. và bà T. là những người đã được chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thửa đất 632.2 tờ bản đồ số 3.
Đối với vụ án nêu trên, trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại không thuộc về phía Tòa án. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 101 BLTTDS 2004 không rơi vào các trường hợp Tòa án áp dụng BPKKTT không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba. Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT trên cơ sở đơn yêu cầu của đương sự, mặc dù sai sót trong vụ án này không phải là ý chí chủ quan của đương sự, nhưng thực tế thiệt hại đã xảy ra. Thiết nghĩ, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, nên có quy định Tòa án trước khi ra quyết định áp dụng BPKCTT bên cạnh việc kiểm tra các tài liệu, chứng cứ mà đương sự giao nộp, còn phải có nghĩa vụ kiểm tra đối tượng bị áp dụng trên thực tế, nhằm hạn chế tối đa các sai sót trong quá trình áp dụng BPKCTT.
2. Kiến nghị
Để áp dụng các quy định pháp luật về BPKCTT một cách thống nhất và có hiệu quả, chúng tôi kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Điều 99 BLTTDS nên sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm cho việc thi hành án”.
2. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT trong trường hợp quy định tại Điều 119 của Bộ luật này”.
Như vậy, mục 1 Nghị quyết 02 cần phải sửa lại như sau: “Quy định về áp dụng các BPKCTT trong quá trình giải quyết vụ án”, và tại mục 2 của Nghị quyết 02 phải sửa lại: “Quy định tại về áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện”.
Thứ hai, Nghị quyết 02 cần có quy định thế nào là “cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định”, nên giải thích theo hướng đây không phải là một trong các biện pháp quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 102 BLTTDS để đảm bảo sự hợp lý giữa các BPKCTT mà các chủ thể khi yêu cầu áp dụng BPKCTT phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.
Thứ ba, Điều 115 BLTTDS nên sửa đổi, bổ sung như sau: “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu tại thời điểm người khởi kiện nộp đơn khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hoặc quyền và lợi ích hợp pháp người khác có liên quan trong vụ án được Tòa án giải quyết”.
Thứ tư, tiểu mục 4.3, mục 4 Nghị quyết 02 nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Khi xem xét để áp dụng một BPKCTT cụ thể, Tòa án chỉ có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp họ có yêu cầu vượt quá yêu cầu ban đầu, thì tòa án yêu cầu họ phải làm đơn bổ sung theo đúng quy định tại Điều 117 của BLTTDS”.
Thứ năm, điểm c khoản 2 Điều 101 BLTTDS quy định về trách nhiệm bồi thường của Tòa án nên sửa đổi, bổ sung: Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Tòa án yêu cầu áp dụng BPKCTT thấp hơn hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức”.
Thứ sáu, phải quy định trách nhiệm của Tòa án khi ra quyết định áp dụng BPKCTT. Mặc dù các chủ thể đã giao nộp tài liệu, chứng cứ nhưng Tòa án cũng phải có nghĩa vụ kiểm tra đối tượng mà đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT trên thực tế để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Việc áp dụng BPKCTT không đúng sẽ gây thiệt hại cho người bị áp dụng và cả người yêu cầu áp dụng. Vì vậy, xây dựng một quy chế pháp lý hoàn chỉnh sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại có thể xảy ra, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể

 


[1] Điều 102. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
  1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
  2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.
  3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.
  4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
  5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.
  6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.
  7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
  8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
  9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.
  10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
  11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
  12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
  13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 8(264), tháng 4/2014)


Thống kê truy cập

33944996

Tổng truy cập