Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

01/03/2014

ThS. VÕ QUỐC TUẤN

Chán án Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định: “1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án…”
 Đây là điều luật thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, khi mà quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn là tối thượng, xuyên suốt quá trình tố tụng. Khi có Điều 269 BLTTDS thì quyền rút đơn của nguyên đơn có phần bị hạn chế.
Tuy nhiên, khi áp dụng Điều 269 BLTTDS vào xét xử thì điều luật này lộ diện một số bất cập như sau:
- Điều 269 BLTTDS không đề cập đến việc ai là người kháng cáo, tức ai là người khởi động cho quá trình xét xử phúc thẩm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (sau đây gọi là người có yêu cầu độc lập) hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan? Trong khi vị trí, vai trò, quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi người khi tham gia tố tụng được  BLTTDS quy định khác nhau. Ở đây, chúng ta quan tâm đến người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Khoản 2 Điều 61 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này”. Như vậy, theo BLTTDS thì vai trò của người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng tương tự như nguyên đơn. Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng:
+ Trong vụ án không có người có yêu cầu độc lập, thì:
a) Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo thì Tòa án căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 269 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là hợp pháp và đúng đắn.
b) Nếu người kháng cáo là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đình chỉ giải quyết vụ án hay không? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, căn cứ vào Điều 269 thì trường hợp này thỏa mãn các điều kiện mà Điểm b khoản 1 Điều 269 yêu cầu là “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý”  nên Hội đồng xét xử phải chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ. Theo quan điểm này, người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ là  “người ăn theo” vụ án, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì “khởi nguồn” của vụ án đã chấm dứt, nên đương nhiên họ cũng chẳng còn quyền và nghĩa vụ liên quan nào nữa, do đó Tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chính xác. Sau khi Tòa ra quyết định đình chỉ, nếu có yêu cầu, họ có quyền khởi kiện thành một vụ án khác. Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, vì tuy người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải là người khởi kiện vụ án ở giai đoạn sơ thẩm nhưng họ là người kháng cáo - tức là người khởi động giai đoạn xét xử phúc thẩm. Do đó, khi người có quyền và nghĩa vụ liên quan không đồng ý rút đơn kháng cáo thì dù cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Tòa án cũng không có quyền đình chỉ vụ án, vì như thế là không bảm đảm quyền kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này nếu người có quyền và nghĩa vụ liên quan không rút đơn kháng cáo thì Tòa án vẫn có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ là người có liên quan đến vụ án. Bản thân họ không có yêu cầu gì mà chỉ phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Do đó, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, bị đơn đồng ý thì việc tranh chấp đã chấm dứt, nên sự liên quan này đã không còn. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện một nghĩa vụ nào đối với Nhà nước về việc yêu cầu của mình (nộp tạm ứng án phí), chỉ mới thực hiện nghĩa vụ của người kháng cáo (nộp tạm ứng án phí kháng cáo) mà thôi. Nguồn gốc kháng cáo là xuất phát từ việc không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm.
Nay nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn đồng ý, thì vụ án bị triệt tiêu, nên yêu cầu kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan không còn cơ sở để tồn tại. Vì vậy, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chính xác.
+ Trong vụ án có người có yêu cầu độc lập, thì: 
a) Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện; bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo và người có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 269 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là hợp pháp và đúng đắn.
b) Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo; người có yêu cầu độc lập tuy không kháng cáo nhưng không đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án có thể căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 269 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay không? Vấn đề này đang có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án vẫn có quyền áp dụng Điều 269 để ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì đã thỏa mãn các yêu cầu của Điều 269 BLTTDS là  “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý”, nên Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chính xác. Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án không có quyền áp dụng Điều 269 để ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, vì tuy đã thỏa mãn các điều kiện “nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý”, nhưng nếu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là chúng ta đã “bỏ sót”, không quan tâm đến quyền lợi của người có yêu cầu độc lập, trong khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người có yêu cầu độc lập là đóng tạm ứng án phí theo yêu cầu của Tòa án. Điều này đồng nghĩa với việc không bình đẳng giữa cơ quan tố tụng và công dân. Tòa án phải xem xét và quyết định đối với yêu cầu của người có yêu cầu độc lập vì yêu cầu của họ là “độc lập”, không liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn hay bị đơn, nên dù nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không, khi người có yêu cầu độc lập không rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án vẫn phải xem xét yêu cầu của họ và có phán quyết. Do đó, trong trường hợp này không thể đình chỉ giải quyết vụ án được.                      
- Nếu người kháng cáo là người có yêu cầu độc lập, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đình chỉ giải quyết vụ án hay không?  
 + Căn cứ vào Điều 269 thì trường hợp này thỏa mãn các điều kiện mà Điểm b khoản 1 Điều 269 yêu cầu là “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý” nên Hội đồng xét xử phải chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ.
Theo quan điểm này là chấp hành Điều 269 một cách triệt để, không quan tâm đến quyền lợi của người có yêu cầu độc lập đồng thời cũng là người kháng cáo. Người có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc với bị đơn chỉ phát sinh yêu cầu khi nguyên đơn đã khởi kiện, họ cũng chỉ là một dạng của người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 61 BLTTDS. Do đó, sau khi Tòa ra quyết định đình chỉ vụ án thì họ có quyền khởi kiện một vụ án khác.
Tuy nhiên, quan điểm này không thuyết phục vì BLTTDS đã xem người có yêu cầu độc lập cũng như nguyên đơn.
  + Quan điểm thứ hai cho rằng, không thể chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, vì tuy người có yêu cầu độc lập là một dạng của người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và họ có yêu cầu sau khi nguyên đơn đã khởi kiện. Tuy nhiên ngay ở giai đoạn sơ thẩm, người có yêu cầu độc lập đã thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí (giống như nguyên đơn, theo Khoản 1 Điều 131 BLTTDS) cho phần yêu cầu độc lập của họ. Yêu cầu của họ trong vụ án là hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc và việc ai thắng hay thua kiện. Hơn nữa họ đang là người kháng cáo, khởi nguồn cho tố tụng phúc thẩm. Do đó, khi người có yêu cầu độc lập không đồng ý rút đơn kháng cáo và rút đơn yêu cầu độc lập thì dù cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý, thì Tòa án cũng không có quyền đình chỉ vụ án vì như thế là không bảm đảm quyền lợi của người có yêu cầu độc lập.
Ví dụ: Trong vụ án “Yêu cầu chia tài sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Chúng Giàng Mi với bị đơn là ông Chúng Sán Siêu, người có yêu cầu độc lập là ông Trần Minh Bạch. Ông Bạch yêu cầu trước khi chia tài sản thừa kế thì những người thừa kế phải thanh toán số tiền của mà ông đã bỏ ra để xây mới một ngôi nhà trên diện tích đất đang tranh chấp giá trị là 900 triệu đồng. Ông Bạch đã đóng tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật.  Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và chấp nhận một phần yêu cầu của ông Trần Minh Bạch, buộc tất cả các đồng thừa kế phải thanh toán cho ông Bạch số tiền 600 triệu đồng. Sau khi Tòa sơ thẩm xét xử, nguyên đơn là bà Chúng Giàng Mi, bị đơn là ông Chúng Sán Siêu, người có yêu cầu độc lập ông Trần Minh Bạch đều có đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Chúng Giàng Mi xin rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn Chúng Sán Siêu cũng xin rút yêu cầu kháng cáo và đồng ý với yêu cầu xin rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Riêng người có yêu cầu độc lập, ông Trần Minh Bạch, đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện nhưng vẫn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm buộc tất cả các đồng thừa kế thanh toán cho ông số tiền 900 triệu đồng, trị giá ngôi nhà mà ông đã xây dựng trong khuôn viên nhà đất di sản. Ông Bạch không quan tâm ai thắng, thua trong vụ án mà chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân ông là thu hồi lại số tiền đã bỏ ra.
Nếu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 269 “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý” để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì có đúng pháp luật và có tính thuyết phục hay không, bởi vì như thế là Tòa án đã bỏ qua quyền lợi và yêu cầu của người có yêu cầu độc lập. Đây là một việc mà pháp luật không cho phép.
Theo chúng tôi, trong trường hợp này nếu người có yêu cầu độc lập không rút đơn kháng cáo và không rút đơn yêu cầu độc lập thì Tòa án vẫn phải xét xử phúc thẩm, vì tuy người có yêu cầu độc lập chỉ phát sinh yêu cầu của mình sau khi nguyên đơn đã khởi kiện nhưng theo Điểm 2 Điều 61 BLTTDS thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này”, nghĩa là họ có quyền của một “tiểu nguyên đơn”, nên khi họ không rút đơn yêu cầu thì không thể đình chỉ vụ án được.  
Tóm lại, đối với những vụ án có người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cần phải hỏi người có yêu cầu độc lập có đồng ý rút yêu cầu độc lập của họ hay không. Chỉ khi nào người có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án mới có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án được.                 
Để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và phù hợp với thực tiễn, theo chúng tôi, Điều 269 BLTTDS cần sửa đổi lại như sau:
Điều 269: Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.
 1. Nếu trong vụ án không có người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì:
  Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
- Nếu bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
- Nếu bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.
- Nếu người kháng cáo là người có quyền và nghĩa vụ liên quankhông đồng ý rút đơn kháng cáo, Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận yêu cầu rút đơn khởi kiện của nguyên đơn khi bị đơn đã đồng ý với yêu cầu rút đơn khởi kiện của nguyên đơn  
2. Nếu trong vụ án có người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì:
 Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không, hỏi người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
   - Nếu bị đơn đồng ý và người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.  
 - Nếu bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
 - Nếu người có yêu cầu độc lập không đồng ý rút đơn kháng cáo và đơn yêu cầu độc lập của mình thì Hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
3. Khi Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(261), tháng 3/2014)


Thống kê truy cập

33946348

Tổng truy cập