Từ thiết kế lý tính đến thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công

01/03/2014

ThS. NGUYỄN TRỌNG BÌNH

Khoa Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực 4, NCS Học viện Quản lý công, Đại học Nhân dân Trung Hoa

Năng lực đề ra hệ thống chính sách công đồng bộ, có tính sáng tạo và “khôn ngoan”; năng lực phát triển và vận dụng các phương án khác nhau để thực thi chính sách có hiệu quả là hai trong số các yếu tố cấu thành nên năng lực quản trị của chính phủ. Do đó, làm thế nào để thiết kế được chính sách công có chất lượng, có tính sáng tạo; đồng thời, thực hiện nó hiệu quả là một trong số các vấn đề quan trọng trong nghiên cứu khoa học hành chính công hiện nay. Bài viết phân tích đặc điểm và hạn chế của thiết kế lý tính trong hoạch định chính sách công, từ đó cho rằng, trong thiết chế quản trị dân chủ, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công là một xu thế khách quan
Untitled_403.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thiết kế lý tính trong hoạch định chính sách công
Nói một cách khái quát, thiết kế lý tính trong hoạch định chính sách côngchỉ quá trình hoạch định chính sách công(từ xác lập nghị trình chính sách cho đến thiết kế và lựa chọn phương án chính sách) do người làm chính sách và chuyên gia trong bộ máy hành chính nhà nước thực hiện. Thiết kế lý tính trong hoạch định chính sách công thường được tiến hành qua bảy bước: 1) xác định vấn đề cần giải quyết; 2) xác định mục tiêu và mục đích cần đạt tới của chính sách; 3) tìm kiếm và thu thập các thông tin có liên quan đến mục tiêu của chính sách; 4) tiến hành phân tích và phân loại thông tin tiếp nhận được; 5) tìm kiếm phương án chính sách được cho là kinh tế nhất và hiệu quả nhất; 6) đánh giá hậu quả và so sánh mỗi một phương án theo khả năng của người làm chính sách; 7) căn cứ vào mục đích và mục tiêu để lựa chọn phương án tốt nhất[1].
Thiết kế lý tính cũng giả định rằng, người làm chính sách và chuyên gia trong bộ máy hành chính là những người hoàn toàn lý tính. Theo đó họ: 1) biết được tất cả các giá trị ưu tiên trong xã hội và vị trí nó trong bảng giá trị ưu tiên; 2) biết được tất cả các phương án có thể của chính sách; 3) biết được hoặc dự đoán được tất cả hậu quả có thể xảy ra của mỗi một phương án chính sách; 4) có thể đánh giá được mức độ giá trị xã hội có thể đạt được hoặc mất đi của mỗi một phương án chính sách; 5) lựa chọn được phương án chính sách kinh tế nhất và hiệu quả nhất.
1.1. Đặc điểm của thiết kế lý tính
Thứ nhất, tính đơn nhất của chủ thể thiết kế chính sách. Theo đó, trong thiết kế lý tính, chuyên gia và nhà phân tích chính sách trong bộ máy hành chính[2] gần như là chủ thể duy nhất.
Thứ hai, quá trình hoạch định chính sách là một quá trình khép kín và gần như loại trừ sự tham gia của công dân vào quá trình này, hoặc sự tham gia của công dân thường mang tính hình thức, ít có ảnh hưởng mang tính thực chất tới quá trình hoạch định chính sách.
Thứ ba, do chuyên gia và đội ngũ quan chức trong bộ máy hành chính giữ vai trò chi phối quyết định trong hoạch định chính sách, nên thiết kế lý tính thường có xu hướng “lý tưởng hóa” mục tiêu chính sách, theo đuổi cái “hoàn hảo” mà chưa quan tâm đúng mức đến những mục tiêu hiện thực hoặc chưa gần gũi với mong muốn của công chúng.
Thứ tư, trong thiết kế lý tính, cơ sở của quyền lực là tri thức kỹ thuật của chuyên gia và nhà phân tích chính sách. Nó nhấn mạnh việc sử dụng “phương pháp khoa học” để xác định vấn đề, giải quyết vấn đề, đo lường hiệu quả và đầu ra của chính sách; tiêu chuẩn khách quan (tiêu chuẩn khoa học) được dùng làm cơ sở để hóa giải xung đột. Người ta thường giả định rằng, việc xác định vấn đề chính sách, thiết kế phương án và lựa chọn phương án chính sách không chịu sự ảnh hưởng bởi quan điểm giá trị của người làm chính sách. Tuy nhiên trên thực tế, cũng như các hoạt động của những con người khác, người làm chính sách thường căn cứ vào niềm tin, sở thích và trình độ của mình để phán đoán vấn đề, phát hiện vấn đề và tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề[3]. Điều này dẫn đến việc, người làm chính sách thường mặc định sẵn cho mình một giả thiết nào đó khi hoạch định chính sách. Và như vậy, quá trình thiết kế chính sách tưởng như là quá trình khách quan, dựa vào các phương pháp khoa học lại chính là một quá trình mang đậm dấu ấn chủ quan của người làm chính sách. Mà giá trị chủ quan của người làm chính sách thì nhiều khi không thể đại diện cho giá trị chủ đạo của số đông. Do “chuyên gia có thể vận dụng một cách thích đáng tri thức kỹ thuật và kỹ năng trong chế định chính sách, nên việc lựa chọn mục tiêu có thể chỉ “phản ánh góc độ chuyên môn của chuyên gia, mà coi nhẹ thái độ và kinh nghiệm của công chúng. Chuyên gia và người làm chính sách thường căn cứ vào sở thích và quan niệm của mình để nhận biết giá trị xã hội”[4].
Nói về hành chính công hiện đại, hai học giả nổi tiếng về lý luận hành chính công hậu hiện đại là Charles J. Fox and Hugh T.Miller cho rằng: “Hành chính công hiện đại trên thực tế là một hệ thống thiếu hụt sự trao đổi và tương tác, trong hệ thống này thể hiện: chỉ thị từ trên xuống dưới, mệnh lệnh bắt buộc phải thực thi, không cho phép bất kỳ thương thảo nào, càng không cho phép nêu lên sự nghi ngờ và biểu thị sự phản đối”[5]. Hai học giả này nhấn mạnh trong hệ thống hành chính công hiện đại, “chính sách công được tạo ra dựa trên cơ sở “đối thoại một mình” chỉ có thể là chính sách phản ánh sở thích của chính phủ và giới tinh anh trong bộ máy chính phủ, mà không phải là chính sách công có sự đồng thuận và nhất trí của công dân”[6].
1.2. Hạn chế của thiết kế lý tính
Một là, khó lựa chọn được phương án chính sách khoa học và dễ đưa đến sự sai lầm về chính sách. Hoàn cảnh mà người chế định chính sách thường gặp phải là: 1) trong xã hội tồn tại rất ít sự thống nhất về giá trị ưu tiên, rất nhiều giá trị ưu tiên thậm chí xung đột lẫn nhau, hơn nữa giữa các giá trị ưu tiên cũng không thể so sánh và cân bằng được; 2) mức độ thông tin, chất lượng thông tin, phạm vi thông tin mà người làm chính sách có được đều chịu sự chế ước của điều kiện khách quan; 3) người chế định chính sách không có đủ thời gian, trí tuệ hoặc kinh phí để có thể điều tra và đánh giá được tất cả các phương án của chính sách; sự phát triển của khoa học cũng không thể làm cho người ta dự đoán hết được hậu quả tốt hay xấu của mỗi một phương án chính sách, cũng rất khó đánh giá được chi phí và lợi ích của phương án chính sách. Chính vì lẽ đó, thiết kế lý tính dễ đưa đến sự sai lầm về chính sách. Đúng như Rosenbloom đã từng nói: “Cho dù có được trình độ giáo dục tốt như thế nào đi chăng nữa, cũng giống như những người khác, quan chức hành chính cũng có thể đưa ra phán đoán sai lầm và phạm sai lầm”[7]. Majone cũng đã nói: “Trong hoạch định chính sách, chuyên gia trong thể chế quan liêu không có cách nào để có được thông tin đầy đủ, thậm chí thiếu đi thông tin chính xác. Vì thế, loại trừ sự tham gia của công chúng vào xây dựng các chính sách quan trọng thì sẽ tạo nên sự sai lầm về chính sách”[8].
Hai là, có ý kiến cho rằng, thiết kế lý tính trong hoạch định chính sách là võ đoán và rất nguy hiểm. Sở dĩ gọi nó là võ đoán bởi vì thiết kế lý tính không thật sự phản ánh được hiện thực và bản chất của quá trình hoạch định chính sách, bởi vì, quá trình hoạch định chính sách không chỉ là quá trình kỹ thuật và lý tính, mà còn là quá trình xã hội và chính trị. Nói thiết kế lý tính là nguy hiểm, bởi vì do bộ phận “tinh anh” kiểm soát quá trình chính sách nên thiết kế lý tính dễ đưa đến khả năng là chính sách không thể nào phản ánh được nhu cầu và kỳ vọng của công chúng, làm cho chính sách xa rời nhu cầu của công chúng và việc thiết kế chính sách rất dễ trở thành công cụ của nhóm lợi ích đặc thù[9]. Do thiết kế lý tính loại trừ sự tham gia của công dân trong hoạch định chính sách, hoặc công chúng có sự ảnh hưởng rất hạn chế vào quá trình hoạch định chính sách nên chính sách được lựa chọn có thể không phản ánh hết nhu cầu, nguyện vọng của công chúng, cũng như không thực hiện tốt lợi ích công cộng. Trong một số trường hợp, xuất hiện khả năng phương án chính sách đó không góp phần vào việc duy trì và bảo đảm quyền lợi cơ bản của công dân; không góp phần vào việc duy trì và làm tăng lên lợi ích của đại đa số người trong xã hội; không vượt qua được sự khống chế của nhóm lợi ích đặc thù; không góp phần vào việc bảo vệ lợi ích cho nhóm yếu thế và duy trì công bằng xã hội; thậm chí xuất hiện khả năng phương án chính sách không hợp hiến và không hợp pháp... Cũng do công chúng ít có ảnh hưởng vào quá trình hoạch định chính sách công, cho nên, thiết kế lý tính không tiếp nhận được hoặc tiếp nhận một cách hạn chế trí tuệ và kinh nghiệm của xã hội và công chúng.
Ba là, thiết kế lý tính thường làm cho chính sách khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Do loại trừ sự tham gia của công chúng - với tư cách là đối tượng chính sách, nên thông thường mà nói, việc đưa chính sách vào cuộc sống có thể gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn ở đây xuất phát từ hai phương diện: 1) về yếu tố kỹ thuật, do cơ quan hoạch định chính sách thường có sự “lý tưởng hóa” trong lựa chọn mục tiêu và phương án chính sách, không tiếp nhận và tiếp thu đầy đủ thông tin từ đối tượng chính sách và ngoài xã hội nên dễ xuất hiện tình trạng “làm chính sách từ trên trời”, điều này sẽ làm cho chính sách khó triển khai; 2) về yếu tố lợi ích, chính sách công liên quan tới việc điều chỉnh và phân phối lợi ích trong xã hội, cho nên nếu quá trình hoạch định chính sách thiếu sự đồng thuận và tương tác với đối tượng chính sách thì sẽ ảnh hưởng tới sự tiếp nhận của đối tượng chính sách, thậm chí xuất hiện sự chống đối, không hợp tác từ đối tượng chính sách khi chính sách đó được thực hiện. Trong tình huống này, người ta có thể sử dụng biện pháp đền bù chính sách hoặc cưỡng chế. Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào đi chăng nữa cũng sẽ làm tăng lên chi phí thực hiện chính sách.
Bốn là, thiết kế lý tính không có lợi cho việc thực hiện trách nhiệm công. Nói một cách đơn giản, trách nhiệm công là chỉ bộ máy quyền lực công và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện được một cách công bằng và hiệu quả lợi ích công. Đáp ứng kịp thời, nhanh chóng những nhu cầu và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của công dân là trách nhiệm của bộ máy công quyền và đội ngũ cán bộ, công chức. Do thiếu sự liên hệ với công chúng và nghị trình chính sách của chính phủ thiếu sự tham gia đầy đủ của công chúng, nên rất dễ dẫn đến sự chậm chạp trong hành động để đáp ứng kịp thời những nhu cầu và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của công chúng.
2. Thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công
Trên thực tế, rất nhiều nhà nghiên cứu chính sách công đã phê phán thiết kế chính sách theo phương thức lý tính; đồng thời tích cực khởi xướng việc thiết kế chính sách theo phương thức dân chủ và khoa học. Chẳng hạn, Deleon Peter đề ra “phương thức phân tích chính sách có sự tham gia, làm cho chính sách công vận hành trong môi trường giá trị và nhu cầu của dân chủ”[10]. Fisher đề ra phương pháp luận: “lấy khách hàng (công chúng hoặc đối tượng chính sách) làm trung tâm, thúc đẩy việc học tập từ xã hội, đồng thời thiết lập mối quan hệ dân chủ giữa người làm chính sách và khách hàng, làm cho họ thông qua quá trình hiệp thương tập thể để giải quyết vấn đề. Charles J. Fox and Hugh T.Miller cũng chủ trương: cần thoát khỏi phương thức đề ra chính sách kiểu “đối thoại một mình”, đồng thời đề ra lý luận về hoạch định chính sách dựa trên cơ sở sự đối thoại thẳng thắn, thành thật giữa chính phủ và xã hội.
Rõ ràng, thiết lập mô thức thiết kế chính sách vượt qua phương thức thiết kế lý tính vẫn là một trong những vấn đề mang tính cốt lõi mà hành chính công đang phải đối mặt. Ở đây, quan niệm về thiết kế xã hội có thể là một phương thức giải quyết tốt hơn vấn đề thực tiễn. Thiết kế xã hội chỉ quá trình hình thành phương án chính sách và việc lựa chọn phương án chính sách được thông qua quá trình tương tác xã hội, tác động lẫn nhau của các bên liên quan. Ở đây, các bên liên quan là chính trị gia, quan chức hành chính, nhóm xã hội và công dân có liên quan đến chủ đề hoặc vấn đề chính sách nào đó. Khác với quan điểm thiết kế lý tính, thiết kế xã hội - đúng như giáo sư Jong S.Sun đã nói, đó là: “Giả định những người tham gia thiết kế cùng nhau làm việc, tìm kiếm biện pháp để giải quyết vấn đề theo cách tiếp cận và phương thức của họ. Mục tiêu và mục đích của chính sách được thiết lập thông qua sự tương tác, đối thoại và học tập lẫn nhau giữa người làm chính sách và các bên liên quan (bao gồm đối tượng chính sách). Sự đồng thuận chính trị không phải là nhiệm vụ cuối cùng, tiêu điểm của thiết kế xã hội chính là ở chỗ nắm được và hiểu được các quan niệm, kinh nghiệm, kỹ thuật và tri thức khác nhau của xã hội, thông qua phân quyền để phát huy trách nhiệm chung. Tri thức của quan chức hành chính và giới chuyên gia trong bộ máy hành chính rất có giá trị, nhưng sự đầu tư của họ cũng cần chịu sự nghi ngờ và thẩm tra. Thiết kế xã hội đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của công dân vào quá trình thiết kế xã hội - quá trình hoạch định chính sách”[11].
Khác với thiết kế lý tính, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách côngcó một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, tính đa dạng của các chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Nói cách khác, thiết kế xã hội nhấn mạnh sự tương tác lẫn nhau, trao đổi lẫn nhau giữa quan chức hành chính, chuyên gia, chính trị gia với các tổ chức xã hội, các nhóm xã hội và công dân trong quá trình xác lập nghị trình chính sách và thiết kế, lựa chọn phương án chính sách.
Thứ hai, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách nhấn mạnh tính “mở” mà không phải là khép kín, nhấn mạnh tính công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách. Nó thừa nhận tầm quan trọng của sự khác biệt, bất kể sự khác biệt này được biểu hiện về mặt giá trị, sở thích hay mặt lợi ích; nó nhấn mạnh tính bao dung và thừa nhận những ý kiến khác nhau; nó nhấn mạnh đến sự trao đổi, tương tác giữa bộ máy hành chính với công chúng; nhấn mạnh tính chính đáng của sự hoài nghi chính sách và hoạt động biện luận, phản biện chính sách; nó nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng năng lực học tập xã hội và sự lắng nghe của người làm chính sách trong bộ máy hành chính.
Thứ ba, thiết kế xã hội trong quá trình hoạch định chính sách công, do có sự tương tác giữa cơ quan và người làm chính sách với công chúng và các tổ chức đại diện của công chúng nên việc xác định mục tiêu chính sách thường có thể tránh được xu hướng “lý tưởng hóa”, “thoát ly hiện thực”; mục tiêu chính sách thường vừa chú trọng tới những vấn đề trước mắt, có tính hiện thực trực tiếp, vừa quan tâm tới những vấn đề lâu dài.
Thứ tư, nếu trong thiết kế lý tính nhấn mạnh vai trò “thống trị” về tri thức kỹ thuật của chuyên gia và quan chức trong bộ máy hoạch định chính sách, thì thiết kế xã hội đồng thời với việc thừa nhận điều này, còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng về tri thức, trí tuệ và kinh nghiệm của công chúng cũng như những thông tin mà công chúng cung cấp khi họ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Sự tương tác giữa người làm chính sách và công chúng thông qua đối thoại, hiệp thương, biện luận, thảo luận, phản biện... trong quá trình hoạch định chính sách sẽ góp phần khắc phục tính có hạn về trí tuệ và thông tin của người làm chính sách trong bộ máy hành chính, từ đó giúp người làm chính sách dễ lựa chọn được phương án chính sách phù hợp và có chất lượng.
Ưu điểm và lợi thế của thiết kế xã hội so với thiết kế lý tính được thể hiện ở một số phương diện sau:
 Một là, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách côngdễ lựa chọn được phương án chính sách khoa học và có thể tránh được sự sai lầm về chính sách. Bởi lẽ, thiết kế xã hội có khả năng dung hợp được sự đa dạng về sở thích và giá trị xã hội, bổ sung cho sự có hạn về thông tin và trí tuệ của người làm chính sách, cho nên dễ tìm kiếm và lựa chọn được phương án chính sách khoa học và có thể tránh được sự sai lầm về chính sách.
Hai là, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách phản ánh được bản chất của quá trình hoạch định chính sách công. Nó cho thấy, quá trình hoạch định chính sách côngkhông đơn thuần là quá trình kỹ thuật, mà còn là một quá trình xã hội và quá trình chính trị. Nó cho phép quá trình hoạch định chính sách quan tâm tới nguyện vọng, nhu cầu của các bên có liên quan, cũng như các nhóm khác nhau trong xã hội. Quan trọng hơn, do thiết kế xã hội nhấn mạnh sự tham gia của công chúng vào quá trình hoạch định chính sách, nên điều này cũng có nghĩa là, việc xác lập nghị trình chính sách, tìm kiếm và lựa chọn phương án chính sách đã có sự kiểm soát và giám sát của công chúng. Điều này sẽ làm cho nghị trình chính sách và phương án chính sách được lựa chọn phản ánh tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của công chúng. Nó giúp cho phương án chính sách thể hiện và thực hiện tốt hơn lợi ích công cộng. Chẳng hạn như có thể góp phần vào việc duy trì và bảo đảm quyền lợi cơ bản của công dân; góp phần vào việc duy trì và làm tăng lên lợi ích của đại đa số người trong xã hội; vượt qua được sự khống chế của nhóm lợi ích đặc thù; góp phần vào việc bảo vệ lợi ích cho nhóm yếu thế và duy trì công bằng xã hội.
Ba là, thiết kế xã hội có lợi cho việc đưa chính sách vào cuộc sống, kết hợp được các giá trị như dân chủ, tính đại diện, tính trách nhiệm và hiệu quả trong quản trị công. Quá trình chính sách công gồm các giai đoạn: hoạch định chính sách, thực hiện chính sách, đánh giá chính sách và kết thúc hoặc điều chỉnh chính sách. Các giai đoạn này thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, quyết định tới hiệu năng của chính sách. Có thể nói, thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách sẽ có lợi cho việc thực thi chính sách. Bởi vì: 1) thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách giúp người làm chính sách lựa chọn được phương án chính sách hợp lý, có được sự đồng thuận tương đối nên khi thực hiện chính sách dễ nhận được sự tiếp nhận của công chúng hoặc đối tượng chính sách; 2) do xung đột xã hội, xung đột lợi ích đã được hóa giải hoặc hạn chế trong giai đoạn hoạch định chính sách nên xung đột xảy ra trong giai đoạn thực hiện chính sách có thể vẫn còn tồn tại nhưng sẽ được hạn chế ở mức độ đáng kể.
Người ta cho rằng, quản lý công không chỉ cần quan tâm tới giá trị hiệu quả (dựa trên phép tính chi phí - lợi ích), mà còn quan tâm tới các giá trị như dân chủ, công bằng, tính đại diện, tính trách nhiệm, tính chính đáng. Nếu chỉ đơn thuần xem xét vấn đề chi phí trong giai đoạn hoạch định chính sách, thì nhiều khi thiết kế xã hội có thể không có lợi cho việc thực hiện giá trị hiệu quả - tức chi phí cho hoạch định chính sách sẽ tăng lên. Nhưng xét trong tổng thể cả chu trình chính sách, thiết kế xã hội sẽ đảm bảo được giá trị hiệu quả. Chẳng hạn như: chú trọng tổ chức các hội nghị, hiệp thương, tiếp xúc, trao đổi giữa cơ quan và người làm chính sách với các đối tượng có liên quan sẽ làm tăng lên chi phí hoạch định chính sách, nhưng khi thực hiện chính sách lại có thể giảm thiểu được chi phí do mức độ tiếp nhận chính sách của đối tượng chính sách tăng lên, hạn chế được việc sử dụng các phương thức như đền bù chính sách, tuyên truyền và cưỡng chế để thực hiện chính sách.
Bốn là, thiết kế xã hội có lợi cho việc thực hiện trách nhiệm công. Như đã nói ở trên, một trong những tiêu chí của trách nhiệm công chính là chính phủ và nhân viên hành chính sử dụng biện pháp kịp thời, có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của công dân. Thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công nhấn mạnh sự liên hệ, tương tác, phối hợp lẫn nhau giữa cơ quan và người làm chính sách với công chúng, nên giúp cho bộ máy hoạch định và thực thi chính sách có sự nhạy cảm với nhu cầu, mong muốn của công chúng, để từ đó kịp thời có hành động thích hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong muốn hợp pháp, chính đáng của công chúng.
3. Một số vấn đề đặt ra về thiết kế xã hội trong quá trình hoạch định chính sách công
Thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách cônglà một yêu cầu của quản trị dân chủ. Tuy nhiên, “làm thế nào để thiết lập và hoàn thiện một hệ thống cơ chế có hiệu quả để tăng cường sự tương tác xã hội, làm cho các bên có liên quan thể hiện được sở thích của mình, đồng thời trong quá trình hoạch định chính sách công, thông qua thể chế hiệp hương và đối thoại để tìm ra phương án chính sách có tính sáng tạo và thực hiện tốt lợi ích công cộng, đang là một vấn đề lý luận và thực tiễn của quản trị công hiện nay”[12]. Ở phương diện này, khoa học hành chính công cần trả lời một số vấn đề sau: Một là, làm thế nào để quá trình hành chính công trở nên công khai và minh bạch hơn, làm cho các bên có liên quan, công chúng nắm bắt được tốt hơn, đầy đủ hơn chân tướng vấn đề? Hai là, làm thế nào để hành chính công có tính đại diện hơn, từ đó làm cho lợi ích của các bên có liên quan đều được phản ánh đầy đủ? Hành chính công làm thế nào để thiết lập nên một hệ thống cơ chế tương tác, trao đổi có hiệu quả, từ đó làm cho các quan điểm và lợi ích khác nhau trong xã hội đều có cơ hội được thể hiện? Ba là, hành chính công làm thế nào để thiết lập các cơ chế tham gia quyết sách, làm cho những đối tượng khác nhau thông qua phương thức thể chế để tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định chính sách công? Bốn là, hành chính công làm thế nào để giải quyết được sự xung đột giữa sự tham gia của công dân với tri thức kỹ thuật của chuyên gia và người làm chính sách, làm thế nào để vừa thể hiện sự tôn trọng ý dân, vừa không rơi tình trạng “theo đuôi quần chúng” hoặc mắc vào cái bẫy của “chủ nghĩa dân túy”?
 Có thể nói, cốt lõi của quản trị dân chủ chính là sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách công. Trên quan điểm toàn diện, để thúc đẩy thiết kế xã hội trong hoạch định chính sách công, cần quan tâm tới một số vấn đề sau: 1) đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công chúng; 2) thiết lập và hoàn thiện hệ thống cơ chế phù hợp để đảm bảo sự tương tác, trao đổi lẫn nhau giữa cơ quan hoạch định chính sách với công chúng và các tổ chức của công chúng có ý nghĩa rất quan trọng. Chính ở đây, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và hệ thống truyền thông đại chúng sẽ là những “kênh” quan trọng để hoạt động đối thoại, hiệp thương, thảo luận, tranh luận, biện luận, phản biện... về chính sách được diễn ra; 3) sự thay đổi về văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý theo hướng tôn trọng ý dân, “học dân”, biết lắng nghe ý dân, tôn trọng khoa học, tôn trọng pháp lý... của đội ngũ quan chức trong bộ máy hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng; 4) công dân trong thể chế quản trị dân chủ phải là những công dân lý tính, có tinh thần công dân, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào quá trình quản trị công./.

 


[1]Về các bước của thiết kế lý tínhcó thể xem một số tác phẩm sau: 1) H.Simon: Administrative Behavior, 2nd, New York: Macmillan, 1961; 2) E.S.Quade: Analysis Public Desisons, 2nd ed, New York: Elsevier, 1982; 3) G.T. Allison: Essence of Decision, Boston: Little, Brown, 1971.
[2] Trong phần lớn các tác phẩm về hành chính công, các học giả phương tây đều sử dụng thuật ngữ “Bureaucracy”, tạm dịch là “thể chế quan liêu” hoặc “tổ chức quan liêu”, đây là chỉ cách thức tổ chức và vận hành của bộ máy hành chính nhà nước hiện đại.
[3]Jong S.Sun: The Social Construction of Public Administration - Interpretive and Critical Perspectives, SUNY Press, 2006, pp 69 - 70.
[4]Jong S.Sun: The Social Construction of Public Administration - Interpretive and Critical Perspectives, SUNY Press, 2006, pp 69 - 70.
[5] Charles J. Fox and Hugh T.Miller: “Postmodern Public Administration: A short treatise on self-referential epihenomena”, Administrative Theory & Praxis, 1993, 15 (1): pp 6 - 6.
[6] Charles J. Fox and Hugh T.Miller: “Postmodern Public Administration: A short treatise on self-referential epihenomena”, Administrative Theory & Praxis, 1993, 15 (1): pp 6 - 6.
[7]David.H.Rosenbloom và Robert S.Kravchuk: Khoa học hành chính công: Tiếp cận quản lý, chính trị và pháp luật, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, năm 2002, tr 554.
[8]G. Majone: Evidence, Argument and Persuasion in the Policy Process [M]. New Haven: Yale University Press, 1989.
[9] Zhang Chengfu: Reconstructing Public Administration of Public theory, Journal of Renmin University of China, 2007, No.4. p5.
[10] Deleon, Peter: The Democratization of Policy Sciences [J ] . Public Administration Review , Vol. 52 , 1992 ,(2) , pp 125 - 129.
[11] Jong S.Jun: Philosophy of Administration [M] . Daeyoung Moonhwa International, 1994. p 181.
[12]Zhang Chengfu: Reconstructing Public Administration of Public theory, Journal of Renmin University of China, 2007, No.4. p 6.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(261), tháng 3/2014)


Thống kê truy cập

33955060

Tổng truy cập